Pages

Wednesday, December 30, 2015

Đoàn tụ trong mùa Giáng Sinh năm 2015



Trên đất Mỹ, lễ Giáng Sinh trở thành một ngày lễ sum họp của gia đình, vào ngày nầy con cái trở về đoàn tụ với cha mẹ, mọi người có quà biếu cho nhau. Con cái biếu quà cho cha mẹ, ông bà, cha mẹ tặng quà cho con cháu rồi cùng nhau ăn uống, trò chuyện.
Gia đình tôi cũng hòa nhập vào đời sống Mỹ, con cái cũng về đoàn tụ gia đình, cũng làm cây Giáng Sinh, treo đèn, kết hoa cho vui mắt trẻ con, quà cáp bày xung quanh cây Noël, trong đẹp mắt, gây háo hức cho trẻ con sẽ có quà là những món đồ chơi.

Chúng tôi chụp tấm ảnh chung của đại gia đình.


Rồi ảnh chung với gia đình con gái tôi.


Với gia đình con trai chúng tôi


Và tôi chụp riêng với con gái út và các cháu nội, cháu ngoại.



Quà, lựa riêng cho từng cháu, sau đó chúng tự chọn mở gói quà trước, sau tùy thích.



Rồi trẻ con vui chơi với nhau và với phần quà của mình, còn các con, dâu, rể chúng tôi ăn uống trò chuyện với nhau.

Hôm ở Việt Nam, có một cựu học sinh mang về biếu tôi một chai whisky của Myanmar, tôi để lại cho các đồng môn Cao Thắng, tôi mang về một chai rượu của Nhật hiệu Kikkoman và mấy chai rượu mơ do con rể tôi làm. Các con tôi đều không uống mấy thứ rượu nầy, chỉ uống beer mà thôi.

Ngày Tết Việt Nam thường là ngày đi làm, cho nên gia đình khó đoàn tụ ăn bữa cơm chung, cho nên Giáng Sinh là dịp để cho gia đình đoàn tụ.

Năm nay, chúng tôi một lần nữa được hưởng một mùa Giáng Sinh đầm ấm, vui vẻ tuy có thiếu một chút tuyết nằm trên cành thông trước nhà, để làm trọn ý nghĩa Giáng Sinh, nhưng nhờ thế càng đầm ấm hơn.
30-12-2015

Friday, December 18, 2015

Về thăm quê hương năm 2015

Ảnh chụp tại phi trường Phú Quốc ngày 30-11-2015
Năm nay về Việt Nam, tôi có ghi lại một số cảm xúc và hình ảnh trong các bài viết sau đây:
- Một chuyến về Việt Nam năm 2015
- Thăm Thầy tôi
- Đi tham quan vài vườn cảnh ở Phú Mỹ Hưng
- Tham quan vườn cảnh tại tòa lâu đài Củ Chi
- Tìm thăm cựu học sinh
- Một ngày họp mặt 2015
- Tham quan khu du lịch Cồn Phụng - Thới Sơn
- Tham quan vườn cảnh ở Bình Dương
- Viếng thăm Nhất Nguyên Bửu Tự
- Thăm người quen
- Dự Hiệp kỵ GĐPT Vĩnh Nghiêm
- Chợ sách cũ năm nay
- Gặp lại lão Vương
- Mừng thọ tôi
- Mấy người bạn già
- Thăm bạn già
- Họp mặt truyền thống CHS NTT-PĐP
- Chuyện thầy Trần Văn Đặng
- Thăm bạn
- Du lịch Phú Quốc
- Lên xứ hoa và lạnh
- Một ngày vui họp mặt
- Giỗ mẹ
- Cái gì của Caesar...

- Vài quán chay ở Sàigòn ngày nay
- Bài học đầu đời
- Nhà sách tại Sàigòn ngày nay

- Bệnh tiểu đường
- Họp mặt tất niên CHS Cao Thắng năm 2015
- Về lại ngôi nhà mình

Họp mặt Cựu học sinh Kỹ Thuật Cao Thắng NK 1956-1963 ngày 13-12-2015

 Họp mặt truyền thống Cựu học sinh Trung học kỹ thuật Nguyễn Trường Tộ - Trung Tâm Chuyên nghiệp Phan Đình Phùng ngày 21-11-2015

Sàigòn 14-12-2015
Louisville 17-12-2015

Thursday, December 17, 2015

Về lại ngôi nhà mình



Cho đến ngày áp chót ở Sàigòn năm 2015, con gái tôi gửi email nhờ đến Thư quán Nhã Nam mua cuốn sách Sàigòn bao nhớ, tác giả Đàm Hà Phú, tôi phải nhờ trình duyệt Google để tìm Thư quán Nhã Nam ở trên đường Hồ Văn Huê nằm trong khu vực đường chùa Phổ Quang, sau khi ăn sáng ở quán chay trên đường Nguyễn Thái Bình bên hông nhà Chú Hỏa, cạnh bến xe Hoa Mai đi Vũng Tàu, chúng tôi đi tìm Thư quán Nhã Nam.

Tôi nghĩ có thể sách được bán ở nhà sách, nên chạy đến Fahasa Nguyễn Huệ tìm mua, tại đây người ta cho biết không có bán sách của Thư quán Nhã Nam. Thôi thì nhân tiện đi tới nơi cho biết. Tôi theo đường Hai Bà Trưng chạy lên ngã ba Chú Ía nay là ngã Bảy: Nguyễn Kiệm, Phạm Văn Đồng, Nguyễn Thái Sơn, Nguyễn Oanh, Bạch Đằng, cuối cùng chúng tôi cũng tìm ra Thư Quán Nhã Nam nhà 15 lot B, chung cư 43B Hồ Văn Huê, Phường 9, Quận Phú Nhuận, đây là con đường  một chiều, chạy bên hông Tổng Tham Mưu từ Hoàng Văn Thụ đến Nguyễn Kiệm gần đường Thích Quảng Đức.


Đến đây, nhân viên cho biết đã hết sách, chờ người đi lấy về, chúng tôi phải gọi cà phê đá uống, xem cách trưng bày ở Thư quán. Khách ngồi uống cà-phê bên vỉa hè, bên trong có những khu nhỏ trình bày sách, cũng có những bàn cà-phê.


Cà-phê ở đây cũng không có chi đặc biệt, nhưng mỗi quán có một hương vị khác nhau, người ta uống thường ghiền chỗ ngồi vì có bạn hơn là vì hương vị cà-phê, như quán cà-phê 27 Nguyễn Thị Diệu, Phường 6, Quận 3 có những nhà văn thường ngồi như Nguyễn Quốc Thái, Nguyên Ngữ, Từ Hoài Tấn, Nguyễn Thanh Văn … Trong vài năm gần đây, tiếng Sàigòn hay Hà Nội ? Người ta hay gọi gà-phê đen nóng, cà-phê đen đá, cà-phê nâu, cà-phê nâu đá, thay vì tiếng Sàigòn từ thuở xưa là cà-phê đen, cà-phê đá, cà-phê sữa, cà-phê sữa đá. Tôi cho đó là văn hóa Hà Nội và văn hóa Sàigòn, như cái nồi ngồi trên cái cốc là cà-phê phin của những ngày miền Nam vừa mới bị mất.


Buổi tối, con rể chúng tôi đưa đi ăn, nhà tôi chọn nhà hàng Tib, nơi đây không gian chật nhưng có vài món ăn ngon miệng, chẳng hạn như bánh bèo, cuốn díp. Bữa ăn có thêm cô Thư bạn con gái tôi và cháu Tuệ, con của Thư bạn học của cháu ngoại tôi.


Đó là bữa ăn chót của chúng tôi tại Sàigòn, Sàigòn ngày nay nói chung có nhiều nhà hàng, quán ăn chay. Tôi nhớ những năm 1960 trở về trước, Sàigòn chỉ có nhà hàng chay Vạn Lộc nằm trên đường Phạm Hồng Thái, ngang nhà ga xe lửa Sàigòn, tiệm cơm chay Tín Nghĩa nằm ở đầu đường Trần Hưng Đạo, trong Chợ Lớn trên đường Đồng Khánh có Bồ Đề Duyên, Phật Bửu Duyên, sau 1963 có thêm những quán chay như Tịnh Tâm Trai, Thanh Tịnh Trai. Những năm gần đây, nhà hàng chay nở rộ nào là Thuyền Duyên, Việt Chay, Tib, Hoa Đăng, Thiên Quốc Chay, Hum, Buddha Chay, Lá Tía Tô, Cát Tường, Hoan Hỷ Chay … Nhưng chỉ có Tib, Hoa Đăng, Buddha Chay, Hum ở 12 Thi Sách là đông khách vì ngon miệng.

Ngày 15-12-2015, chúng tôi rời khỏi nhà con rể tôi để ra phi trường vào lúc 5 giờ sáng. Khoảng hơn 5 giờ 30, những nhân viên Japan Airlines người Việt Nam, mặc áo dài màu thiên thanh như tiếp viên hàng không Việt Nam xưa, ra đứng xếp hàng trước quầy vé cúi đầu chào khách trước khi làm phận sự, tiếc rằng chúng tôi không kịp chụp ảnh. 

Khác với nhân viên Japan Airlines ở phi trường Narita, trước khi bắt tay vào công việc tại Gate, họ phải cúi đầu chào khách, còn những nhân viên ở cửa 18, không hề có nhân viên nào chào khách, trước đó các tiếp viên người Nhật đều có cúi đầu chào khách.


Từ Tân Sơn Nhất bay qua Narita, chúng tôi đi phi cơ Japan Airlines, tại phi trường Narita gần nơi cửa của quầy vé 81 có một phòng nhỏ dành cho trẻ con vui chơi trong khi chờ đợi, những chuyến đi trước chúng tôi không thấy có.



Từ phi trường Narita bay về O’Hare, chúng tôi đi phi cơ Boeing 787 của American Airlines, chiếc phi cơ nầy mới, khoang Economic mỗi dãi có 3 hàng ghế, mỗi hàng có 3 ghế. 

Về lộ trình bay,  AA hiện nay dùng Video Clip 3 D.


Đến phi trường O’Hare Chicago, làm thủ tục ngày nay có khác, mỗi hành khách phải sử dụng Computer để Scan Passport, chụp ảnh rồi mới tới nhân viên an ninh hỏi vài câu và đóng dấu vào Passport, đó là thủ tục nhập cảnh. 

Sau đó, nhận hành lý ký gửi lại qua hải quan nhập khẩu, xong thủ tục nầy, chúng tôi lại qua khâu khám xét cá nhân và hành lý xách tay, để chuyển phi cơ về nhà, chuyến đi nầy chúng tôi phải qua 3 lần khám xét trước 3 chuyến bay, từ Tân Sơn Nhất tới Narita, từ Narita tới O’Hare tại Chicago, từ Chicago về Lousville.

Đáng lẽ chúng tôi về đến phi trường Standiford Field tại Louisville lúc 9:03 tối, nhưng khi lên phi cơ tại O’Hare lúc 6:15 ngồi một lúc, chờ 6:40 phi cơ cất cánh. Bỗng nhiên phi cơ tắt máy, chừng 1 phút sau có đèn, nhưng máy im lìm, một lúc phi công báo phi cơ hỏng máy, trở lên quầy chờ chuyển sang chuyến khác, phải đợi 1 chuyến phi cơ từ xa tới rồi hành khách được lên máy bay lúc 8: 20, đến 8:40 phi cơ ra phi đạo, cho đến 9: 15 phi cơ mới cất cánh.

Về đến phi trường SDF đồng hồ chỉ đúng 11:10 phút đêm, thật ra phi cơ chỉ bay có 50 phút, do giờ của Chicago đi trễ hơn Louisville 1 giờ. Lúc phi cơ cất cánh tại Chicago đồng hồ chỉ 9:15, lúc đó Louisville là 10:15 tối.

Con trai chúng tôi đợi sẵn ở phi trường, sau khi lấy hành lý, về đến nhà đồng hồ chỉ đúng 12 giờ khuya ngày 15 rạng sáng 16-12-2015. Kết thúc một chuyến đi Việt Nam trong 9 tuần lễ.

Chuyến đi nầy ghi lại trong tôi nhiều tình cảm đậm đà từ những đồng nghiệp, đồng môn, các cựu học sinh và thân nhân tại Việt Nam. Một chuyến tham quan ngắn ngày tại Phú Quốc và Đà Lạt để lại trong tôi nhiều hình ảnh đẹp, khác với những tin tức xã hội Việt Nam, báo chí có tự do hơn, phê bình những xấu xa của xã hội như chạy xe “vô tư”vượt đèn đỏ, sinh viên vứt rác bừa bãi, không tự trọng xếp hàng chờ vào thang máy, tự phá an toàn hệ thống chữa cháy ở cư xá sinh viên, chiếm lòng lề đường để giải trí, trong thức ăn có nhiều chất độc, nhưng không đưa tin biễu tình ở Sàigòn-Hà Nội, bị ăn dùi cui, máu đ khi Tập Cẩn Bình sang Việt Nam. 

Có thể xem Video Clip tại: 



Bước vào nhà, sau hơn 30 giờ vừa bay vừa chờ đợi, mọi mệt nhọc tan dần, nghe thấy lòng ấm cúng, nhẹ nhàng, mặc dù bên ngoài mùa đông miền Đông Nam Hoa Kỳ đang về.

Louisville 17-12-2015



Sunday, December 13, 2015

Họp mặt Tất Niên Cao Thắng năm 2015



Họp mặt Tất Niên vào ngày hôm nay, Chủ nhật 13-12-2015, mới chỉ là ngày mồng 3 tháng 11 năm Ất Mùi. So với ngày Âm hay Dương lịch đều là quá sớm. Nhưng quí Thầy và anh em tham dự ngồi đến 4 bàn, không thua năm ngoái.

Khi tôi đến Nhà hàng Biển Đông 5 & 6 nằm trên góc đường Lê Hồng Phong và An Dương Vương Quận 5, lúc đó gần 11 giờ, Trần XuânMinh, Đặng Vĩnh Bửu và Nguyễn Văn Khì tức Tư Trung, trong Ban Tổ chức đã có mặt để đón tiếp quí Thầy và anh em. 

Tĩnh, Bửu, Minh

Nhìn lướt qua, đã có Thầy Lê Văn Kiệt và một số anh em, trong đó có Huỳnh Hữu Lộc đang nói chuyện với Lê Thanh Ánh, trông thấy Lộc có vẻ gầy và xanh hơn những ngày trước đây chúng tôi có dịp thăm anh.

Tư Trung, Thầy Lê Văn Kiệt, Năm nhỏ, Chiếu, anh X, Thới

Tôi thấy có Đặng Ngọc Lợi về từ San Francisco, đang ngồi với một số anh em như Đặng Ngọc Hữu, Phó Bảo, Tường, Tính…

Huỳnh Hữu Lộc và Lê Thanh Ánh

Thầy cô Lê Văn Thống đến, nhưng năm nay thiếu thầy nguyên Hiệu Trưởng Lê Đình Viện và thầy Huân luyện viên Phạm Văn Sửu, Tư Trung cho biết có liên lạc với thầy Viện, người nhà cho biết Thầy đã đi, nhưng không biết đi đâu, còn thầy Phạm Văn Sửu có gọi, nhưng máy Thầy không mở.

Thầy Tổng Giám thị Lê Văn Thống

Lâm Văn Tấn cho tôi biết có Huỳnh Ngọc Điệp gọi hỏi về tôi, Tấn đã đã trả lời không biết tôi có về hay không, vì Tấn chưa gặp tôi, rồi Năm Nhỏ, Năm Đen, Nguyễn Tấn Á, Huỳnh Ngọc Điệp cùng với Huỳnh Văn Nỉ đến.

Huỳnh Ngọc Điệp, Nguyên Tấn Á

Huỳnh Ngọc Điệp từ San Jose California vừa về đến Sàigòn tối hôm qua, đồng hồ sinh học còn chưa kịp điều chỉnh nên khá mệt, định không đi, nhưng phu nhân Điệp khuyến khích: “Nên đi dự, vì không biết mai kia còn có dịp tốt gặp đông đủ bạn bè không ?!”

Huỳnh Ngọc Điệp còn cho tôi biết, gần đây có đi thăm Nguyễn Thanh Tòng, theo Phạm Hữu Ráng cho biết Tòng đang bị bệnh. Thất thập rồi, nên sanh, lão, bệnh, tử không ai tránh khỏi.

Cho đến khi Tư Trung thay mặt Ban Tổ Chức, có vài lời với quý Thầy, Cô và quý đồng môn vẫn không có thầy Lê Đình Viện và Phạm Văn Sửu.

Nguyễn Văn Khì tức Tư Trung

Trong số các bạn, tôi thấy có Nguyễn Đức Lộc, Nguyễn Đắc Thận, Đinh Bá Phát và người bạn tôi hằng mong gặp lại là Ngô Phước Tường, anh cũng từ Cần Thơ vừa mới lên tới, Tường cho biết:

- Tôi định không đi, nhưng nhà tôi bảo nên đi. Vì có những người bạn, có khi không còn gặp lại.

Lộc, Hưởng, Hoàng, Minh, Tường, Tông, Á, Tư Trung
Phía sau: Bửu, Bình, Điệp, Thận (ngồi)

Tường và tôi thi rớt Tú Tài 1 năm 1962, nên học lại lớp Đệ nhị 5 niên học 1962-1963 và Đệ nhất 3 niên khóa 1963-1964, sau khi thi đậu Tú Tài toàn phần từ đó đến nay chúng tôi chưa hề gặp lại, hồi đi học Tường bị đau bao tử, trong cartable luôn có gói xôi, nay phải mang thêm cái đai vì thoái hóa cột sống, Tường có hơi già, tóc bạc nhiều nhưng không khác mấy so với xưa, tính ra đã hơn nửa thế kỷ chúng tôi mới gặp lại, mặc dù xưa kia chúng tôi hằng ngày ngồi cạnh nhau, nhà của Tường ở tại Châu thành Cần Thơ.

Hôm nay, bốn chúng tôi cùng học lớp Đệ nhị, Đệ nhất năm xưa có Huỳnh Hữu Lộc, Huỳnh Ngọc Điệp, Ngô Phước Tường và tôi, ngày nào tóc xanh, nay anh nào tóc cũng bạc màu, Lộc cho biết đi Singapour chữa bệnh, đã cắt bỏ ung thư ở phổi, sức khỏe đang phục hồi.

Sau khi Ban tổ chức trao quà cho quí thầy Lê Văn Kiệt, Lê Văn Thống, anh Đỗ Thọ Bình có trao cho tôi một Copy tập vở của thầy Đinh Văn Dung, đó là Cours DE MACHINE À VAPEUR (Máy hơi nước) của niên học 1939-1940 tại ÉCOLE MÉCANICIENS ASIATIQUES (ECOLE ROZEIL).

Tôi không có học với thầy Đinh Văn Dung, nhưng ở Cao Thắng tôi có biết thầy, và khi học Sư Phạm Kỹ thuật, thầy còn dạy ở Bách khoa Trung cấp Phú Thọ.

Đây là tài liệu quí hiếm, nhưng ngày nay chúng ta không còn dùng máy hơi nước, nó là một bước tiến quan trọng về thời đại cơ khí, khởi đầu cho tàu bè, xe lửa, điện lực …

Đỗ Thọ Bình có thay mặt anh em cựu học sinh khóa khác, trao tặng cho Nguyễn Văn Hoàng số tiền 1 triệu đồng, “của ít lòng nhiều” tương trợ nhau, “miếng khi đói bằng gói khi no” thật là đáng quí.

Năm nay tôi có yêu cầu quý Thầy Cô và các bạn đứng chung chụp một tấm ảnh để làm kỷ niệm, vì những năm trước chỉ chụp riêng lẻ. Tôi cũng giới thiệu Blog của mình để các đồng môn có thể xem, nhắc nhớ tới những người bạn đã qua đời, ở hải ngoại hoặc do bận việc không tham dự hôm nay.


Có những người bạn hôm nay không gặp, hỏi thăm mới biết đã rời xa anh em, chẳng hạn như bạn Nguyễn Thành Long.

Á, Bình, Tường, Tư Trung

Sau khi nhập tiệc, Thầy trò, anh em vui vẻ hàn huyên nhắc lại chuyện xưa thời còn đi học. 


Huỳnh Hữu Lộc thắm mệt nên chào anh em về trước, sau đó thầy Lê Văn Kiệt rồi anh em từ từ về sau.

Cuối cùng, còn lại một bàn có Huỳnh Ngọc Điệp, Huỳnh Văn Nỉ, Ngô Phước Tường, Đoàn Hữu Thoại, Tư Trung, Trần Xuân Minh, Nguyễn Minh Chiếu, Lâm Văn Tấn, Đặng Vĩnh Bửu và tôi. Đầu tiên mỗi người một lon bia, sau 4 lon rồi cuối cùng còn 2 lon, anh em cảm thấy buổi họp mặt đã đủ nên cùng nhau chia tay, nhìn đồng hồ đã hơn 2 giờ chiều.

Theo vòng bàn tròn: Nỉ, Minh, Tông, Tường, Chiếu, Thoại, Tấn, Tư Trung, Bửu

Mỗi năm họp mặt một lần, anh em tham dự đóng góp, có một số anh em có điều kiện tài trợ thêm, để làm quà biếu quí Thầy, cô tham dự, tăng thêm ý nghĩa “tôn sư trọng đạo”. 

Thoại, Tấn, Tư Trung Bửu

Tuổi càng già, bạn càng thưa thớt, nên mỗi lần có dịp họp mặt, tưởng mọi người cũng nên tham dự, chẳng những gặp nhau để biết kẻ còn người mất vì đồng môn đều đã qua tuổi “thất thập cổ lai hy”, nhìn tới nhìn lui, một đôi năm vắng mặt, lúc nhớ đi tìm thăm hỏi nhau mới biết bạn mình đã quá vãng rồi.

Trường hợp, phu nhân của Huỳnh Ngọc Điệp, Ngô Phước Tường khuyến khích hai anh tham dự họp mặt đáng cho chúng ta suy gẫm.

Bình, Tư Trung, Lộc, Cô Thống, Thầy Thống, Thầy Kiệt (lưng Á, Điệp)
  

Tấn, Thới Nỉ, Thoại, Lộc (lưng Năm Nhỏ, anh X)

Anh X, Năm Nhỏ, K, anh Z, Tấn
Tường, Gồng, Lợi, Thận, Hướng

Phó Bảo, Tính, Vinh, Hữu, Tường

Chiếu, Năm Đen, Phát, bạn của Phát

Bửu, Minh, L, Hoàng, Lượng

 Anh Z, Thới, Điệp, Nỉ, Thoại, Ánh, Lộc (ảnh của Lê Thanh Ánh)


Hàng ngồi: Tường, Minh, Thầy Kiệt, Thầy Cô Thống, Lộc, Á, Vinh, Phó Bảo
Hàng đứng trước, Tư Trung, Điệp, Nỉ, anh X, Tường, anh Y, Thoại, anh Z, Bình
Hàng đứng sau: Lộc, Ánh, Năm nhỏ, Hữu, Tông, Tĩnh (ảnh của Lê Thanh Ánh)


Sàigòn 20:20 ngày 13-12-2015