Pages

Thursday, December 17, 2015

Về lại ngôi nhà mình



Cho đến ngày áp chót ở Sàigòn năm 2015, con gái tôi gửi email nhờ đến Thư quán Nhã Nam mua cuốn sách Sàigòn bao nhớ, tác giả Đàm Hà Phú, tôi phải nhờ trình duyệt Google để tìm Thư quán Nhã Nam ở trên đường Hồ Văn Huê nằm trong khu vực đường chùa Phổ Quang, sau khi ăn sáng ở quán chay trên đường Nguyễn Thái Bình bên hông nhà Chú Hỏa, cạnh bến xe Hoa Mai đi Vũng Tàu, chúng tôi đi tìm Thư quán Nhã Nam.

Tôi nghĩ có thể sách được bán ở nhà sách, nên chạy đến Fahasa Nguyễn Huệ tìm mua, tại đây người ta cho biết không có bán sách của Thư quán Nhã Nam. Thôi thì nhân tiện đi tới nơi cho biết. Tôi theo đường Hai Bà Trưng chạy lên ngã ba Chú Ía nay là ngã Bảy: Nguyễn Kiệm, Phạm Văn Đồng, Nguyễn Thái Sơn, Nguyễn Oanh, Bạch Đằng, cuối cùng chúng tôi cũng tìm ra Thư Quán Nhã Nam nhà 15 lot B, chung cư 43B Hồ Văn Huê, Phường 9, Quận Phú Nhuận, đây là con đường  một chiều, chạy bên hông Tổng Tham Mưu từ Hoàng Văn Thụ đến Nguyễn Kiệm gần đường Thích Quảng Đức.


Đến đây, nhân viên cho biết đã hết sách, chờ người đi lấy về, chúng tôi phải gọi cà phê đá uống, xem cách trưng bày ở Thư quán. Khách ngồi uống cà-phê bên vỉa hè, bên trong có những khu nhỏ trình bày sách, cũng có những bàn cà-phê.


Cà-phê ở đây cũng không có chi đặc biệt, nhưng mỗi quán có một hương vị khác nhau, người ta uống thường ghiền chỗ ngồi vì có bạn hơn là vì hương vị cà-phê, như quán cà-phê 27 Nguyễn Thị Diệu, Phường 6, Quận 3 có những nhà văn thường ngồi như Nguyễn Quốc Thái, Nguyên Ngữ, Từ Hoài Tấn, Nguyễn Thanh Văn … Trong vài năm gần đây, tiếng Sàigòn hay Hà Nội ? Người ta hay gọi gà-phê đen nóng, cà-phê đen đá, cà-phê nâu, cà-phê nâu đá, thay vì tiếng Sàigòn từ thuở xưa là cà-phê đen, cà-phê đá, cà-phê sữa, cà-phê sữa đá. Tôi cho đó là văn hóa Hà Nội và văn hóa Sàigòn, như cái nồi ngồi trên cái cốc là cà-phê phin của những ngày miền Nam vừa mới bị mất.


Buổi tối, con rể chúng tôi đưa đi ăn, nhà tôi chọn nhà hàng Tib, nơi đây không gian chật nhưng có vài món ăn ngon miệng, chẳng hạn như bánh bèo, cuốn díp. Bữa ăn có thêm cô Thư bạn con gái tôi và cháu Tuệ, con của Thư bạn học của cháu ngoại tôi.


Đó là bữa ăn chót của chúng tôi tại Sàigòn, Sàigòn ngày nay nói chung có nhiều nhà hàng, quán ăn chay. Tôi nhớ những năm 1960 trở về trước, Sàigòn chỉ có nhà hàng chay Vạn Lộc nằm trên đường Phạm Hồng Thái, ngang nhà ga xe lửa Sàigòn, tiệm cơm chay Tín Nghĩa nằm ở đầu đường Trần Hưng Đạo, trong Chợ Lớn trên đường Đồng Khánh có Bồ Đề Duyên, Phật Bửu Duyên, sau 1963 có thêm những quán chay như Tịnh Tâm Trai, Thanh Tịnh Trai. Những năm gần đây, nhà hàng chay nở rộ nào là Thuyền Duyên, Việt Chay, Tib, Hoa Đăng, Thiên Quốc Chay, Hum, Buddha Chay, Lá Tía Tô, Cát Tường, Hoan Hỷ Chay … Nhưng chỉ có Tib, Hoa Đăng, Buddha Chay, Hum ở 12 Thi Sách là đông khách vì ngon miệng.

Ngày 15-12-2015, chúng tôi rời khỏi nhà con rể tôi để ra phi trường vào lúc 5 giờ sáng. Khoảng hơn 5 giờ 30, những nhân viên Japan Airlines người Việt Nam, mặc áo dài màu thiên thanh như tiếp viên hàng không Việt Nam xưa, ra đứng xếp hàng trước quầy vé cúi đầu chào khách trước khi làm phận sự, tiếc rằng chúng tôi không kịp chụp ảnh. 

Khác với nhân viên Japan Airlines ở phi trường Narita, trước khi bắt tay vào công việc tại Gate, họ phải cúi đầu chào khách, còn những nhân viên ở cửa 18, không hề có nhân viên nào chào khách, trước đó các tiếp viên người Nhật đều có cúi đầu chào khách.


Từ Tân Sơn Nhất bay qua Narita, chúng tôi đi phi cơ Japan Airlines, tại phi trường Narita gần nơi cửa của quầy vé 81 có một phòng nhỏ dành cho trẻ con vui chơi trong khi chờ đợi, những chuyến đi trước chúng tôi không thấy có.



Từ phi trường Narita bay về O’Hare, chúng tôi đi phi cơ Boeing 787 của American Airlines, chiếc phi cơ nầy mới, khoang Economic mỗi dãi có 3 hàng ghế, mỗi hàng có 3 ghế. 

Về lộ trình bay,  AA hiện nay dùng Video Clip 3 D.


Đến phi trường O’Hare Chicago, làm thủ tục ngày nay có khác, mỗi hành khách phải sử dụng Computer để Scan Passport, chụp ảnh rồi mới tới nhân viên an ninh hỏi vài câu và đóng dấu vào Passport, đó là thủ tục nhập cảnh. 

Sau đó, nhận hành lý ký gửi lại qua hải quan nhập khẩu, xong thủ tục nầy, chúng tôi lại qua khâu khám xét cá nhân và hành lý xách tay, để chuyển phi cơ về nhà, chuyến đi nầy chúng tôi phải qua 3 lần khám xét trước 3 chuyến bay, từ Tân Sơn Nhất tới Narita, từ Narita tới O’Hare tại Chicago, từ Chicago về Lousville.

Đáng lẽ chúng tôi về đến phi trường Standiford Field tại Louisville lúc 9:03 tối, nhưng khi lên phi cơ tại O’Hare lúc 6:15 ngồi một lúc, chờ 6:40 phi cơ cất cánh. Bỗng nhiên phi cơ tắt máy, chừng 1 phút sau có đèn, nhưng máy im lìm, một lúc phi công báo phi cơ hỏng máy, trở lên quầy chờ chuyển sang chuyến khác, phải đợi 1 chuyến phi cơ từ xa tới rồi hành khách được lên máy bay lúc 8: 20, đến 8:40 phi cơ ra phi đạo, cho đến 9: 15 phi cơ mới cất cánh.

Về đến phi trường SDF đồng hồ chỉ đúng 11:10 phút đêm, thật ra phi cơ chỉ bay có 50 phút, do giờ của Chicago đi trễ hơn Louisville 1 giờ. Lúc phi cơ cất cánh tại Chicago đồng hồ chỉ 9:15, lúc đó Louisville là 10:15 tối.

Con trai chúng tôi đợi sẵn ở phi trường, sau khi lấy hành lý, về đến nhà đồng hồ chỉ đúng 12 giờ khuya ngày 15 rạng sáng 16-12-2015. Kết thúc một chuyến đi Việt Nam trong 9 tuần lễ.

Chuyến đi nầy ghi lại trong tôi nhiều tình cảm đậm đà từ những đồng nghiệp, đồng môn, các cựu học sinh và thân nhân tại Việt Nam. Một chuyến tham quan ngắn ngày tại Phú Quốc và Đà Lạt để lại trong tôi nhiều hình ảnh đẹp, khác với những tin tức xã hội Việt Nam, báo chí có tự do hơn, phê bình những xấu xa của xã hội như chạy xe “vô tư”vượt đèn đỏ, sinh viên vứt rác bừa bãi, không tự trọng xếp hàng chờ vào thang máy, tự phá an toàn hệ thống chữa cháy ở cư xá sinh viên, chiếm lòng lề đường để giải trí, trong thức ăn có nhiều chất độc, nhưng không đưa tin biễu tình ở Sàigòn-Hà Nội, bị ăn dùi cui, máu đ khi Tập Cẩn Bình sang Việt Nam. 

Có thể xem Video Clip tại: 



Bước vào nhà, sau hơn 30 giờ vừa bay vừa chờ đợi, mọi mệt nhọc tan dần, nghe thấy lòng ấm cúng, nhẹ nhàng, mặc dù bên ngoài mùa đông miền Đông Nam Hoa Kỳ đang về.

Louisville 17-12-2015



No comments:

Post a Comment