Pages

Thursday, December 10, 2015

Bài học đầu đời



Năm 1964, sau khi thi đỗ vào Trường Cao Đẳng Sư Phạm Kỹ thuật, tôi cần mua sách kỹ thuật ở Mỹ, có người chỉ dẫn tôi ra Ngân Hàng Quốc Gia Việt Nam ở Bến Chương Dương, làm đơn xin cấp thẻ ở Viện Hối Đoái trên lầu.

Tôi đến Ngân Hàng, leo lên mấy tầng lầu đến Viện Hối Đoái, điền đơn nộp, chờ một chốc người ta cấp cho tôi một cái thẻ giấy cứng màu vàng, không hình, có chữ ký và dấu son của Viện, lúc đó tỷ giá là 35 đồng Việt Nam bằng 1 đô-la.

Khi tôi đi xuống, vừa mới bước đưọc một vài nấc thang, nghe có tiếng gọi sau lưng:

- Em ơi! Đi xuông thang máy nè !

Nhìn lại thấy có người trạc tuổi 40, ăn mặc lịch sự dáng chừng công chức, đang đứng và chỉ tay vào cái phòng nhỏ, tôi vội vàng quay lại, ông ta bước vào trước, tôi kịp theo sau. Vào xong, tôi thấy ông ta bấm số trên tấm bảng, cửa đóng lại, chỗ tôi đứng di động, lúc ấy tôi mới biết mình đang đi thang máy. Sàigòn thuở đó ít có cao ốc, đâu có nhiều thang máy, chỉ trừ có những ngân hàng, chẳng hạn như BFC, Việt Nam Thương Tín, Sanghai Bank…

Ngày nay đi thang máy là việc thường, ai cũng biết sử dụng. Vậy mà tuần trước, tôi lại phải học thêm bài học, số là có người mời đi ăn nhà hàng Đức Brotzeit nằm trong toà nhà Intecontinental Asiana Saigon 39 đường Lê Duẫn, Phường Bến Nghé Quận 1.

Người mời cho biết ở lầu 1, vào bên trong, tôi bấm gọi thang máy, cũng phải chờ một chốc thang máy mở cửa, sau khi vào trong, không thấy có ai cùng đi, tôi bấm cho thang máy đóng cửa, rồi thang chạy lên, nhưng tôi không nhìn thấy số của tầng 1, chỉ thấy có số từ tầng 16 trở đi, tôi hiểu ngay đây là thang máy chỉ dành đi từ tầng 16 trở lên, tôi đành bấm chữ G cho thang máy trở xuống, lúc ra khỏi thang máy, tôi mới để ý thấy có hàng số 16-…. (hình như trên 30). Tôi tìm thấy thang máy 1-11 (hình như vậy), tôi dùng thang máy nầy lên lầu 1, lên đây tôi đi vòng vòng có vài ba phòng, có cái cửa kính thông qua bên kia, nhưng cửa nầy đã khóa, có người cho biết, hết giờ người ta khóa cửa, muốn sang bên kia chịu khó cuốc bộ xuống, đi qua bên kia, đành phải vậy, qua bên kia dùng thang cuống lên tầng 1. Đó cũng là bài học từ đầu đời trên 50 năm trước, nay tổi ngoài 70 vẫn ngu ngơ chỉ có bài học đi thang máy.

Đi ngoài đường tôi thấy rất nhiều người chạy xe gắn máy, nói theo thời thượng là vượt đèn đỏ “vô tư”, đèn đỏ rồi cũng vuợt, đèn còn đỏ cũng vượt, người ta không thể đợi chờ đèn xanh, sớm chi vài giây để gây tai nạn, chẳng những người ta tập thành thói quen “vượt đèn đỏ” mà còn làm cho người khác bắt chước theo, vì hắn làm được, tôi cũng làm được, thành ra người ta không tôn trọng luật giao thông, quên mất bài học công dân giáo dục về sự tôn trọng luật đi đường, hay là các ông bà Giáo sư, Phó giáo sư, Tiến sĩ, Thạc sĩ, các nhà đại giáo dục Việt Nam thời nay, quên mất đưa những bài học cơ bản nầy vào chương trình giáo dục, sách giáo khoa, chỉ cần chú trọng và nhồi nhét giáo dục chánh trị, để bảo vệ chế độ tức là bảo vệ quyền lợi bản thân mình. Câu ngạn ngữ mọi người dễ học, dễ thuộc, dễ nhớ, làm theo được lợi: “Ai chết mặc ai, tiền thầy bỏ túi”

Xin đừng quên khách ngoại quốc ngồi trên Taxi hay đi bộ dạo phố, họ thấy cảnh “vượt đèn đỏ”, sẽ cho rằng thiếu giáo dục hay đó là mặt biểu hiện kém Văn hóa của Việt Nam thời nay.

Hôm nay tôi đọc báo Tuổi Trẻ số 3362015 ra ngày Thứ Sáu 11-12-2015, thấy có bài Sinh viên nghịch vòi chữa lửa làm hư thang máy, trong bài nầy ghi: Ông Nguyễn Danh Luân - giảng viên ĐH Phòng cháy chữa cháy (Hà Nội) – cho biết theo quy định, những hộp chữa cháy vách tường chỉ được mở khi có sự cố xảy ra và phải là người đã qua tập huấn PCCC hay trong trường hợp thực tập PCCC. Còn tự ý mở là bị nghiêm cấm, không được tùy ý sử dụng các phương tiện chữ cháy.

Bài báo cho độc giả có dịp đặt câu hỏi, là Sinh viên mà không có ý thức, do không được giáo dục, là không nên sờ mó vào những chi mình không được biết công dụng của nó, thứ nữa có thể do phóng viên vội ghi chớ không phải ông giáo sư Đại học nói vì có dư một vế: và phải là người đã qua tập huấn PCCC.

Chúng ta hãy thử tưởng tượng, khi một tòa building cháy, người ta nhộn nhịp tất bật chạy, la ét ỏm tỏi, ai còn bình tĩnh chạy đến cái hộp chữa cháy ở vách tường, sơn màu đỏ để kéo phá cái khóa an toàn, làm cho chuông báo động và các vòi nước cứu hỏa xịt nước ra là may mắn lắm rồi, còn chờ tới khi có người đã qua tập huấn đến hiện trường, chắc toà nhà đã cháy nhiều hay đã cháy rụi rồi !

Tôi nhớ có đọc báo hay có người kể chuyện lâu lắm rồi, chuyện thế nầy: Có một người sắp chết chìm trên sông, gọi điện xe cứu hỏa chạy tới, có lính cứu hỏa xuống xe nhìn thấy người kia đang lặn hụp trong cảnh kề cái chêt, anh lính cứu hỏa bình tĩnh móc điếu thuốc ra bật quẹt đốt thuốc hút thản nhiên, những người xung quanh nóng lòng xúi dục:

- Cứu người ta lẹ lẹ đi anh !

- Trời ơi ! Không lo cứu người mà còn hút thuốc !

Anh lính cứu hỏa chẳng nói chẳng rằng từ từ đi xuống sông, theo dấu người vừa chết chìm và dòng nước chảy, bơi ra giữa dòng, lặng xuống một lúc, kéo người chết chìm vào, để người đó lên lưng, dọng ngược đầu chạy một lúc, người đó ói nước ra, anh ta mới để người chết chìm xuống, nhờ người xung quanh săn sóc tiếp.

Năm 1960, tôi có dự một khóa huấn luyện do Sở Cứu Hỏa Sàigòn dạy, trong đó dạy khi cứu người chết đuối phải để cho ngưòi ấy chết rồi hãy cứu, nếu không, sẽ bị người sắp chết đuối ôm chặt lấy người cứu mình, trường hợp đó cả hai cùng chết. Cũng có bí quyết là đánh cho người sắp bị chêt chìm một cú ngay chỗ độc, người đó sẽ bị bất tĩnh, dễ dàng đưa họ vào bờ sơ cứu. Tuy nhiên có điều cần lưu ý, khi vớt người chết chìm, yêu cầu thân nhân tránh xa, nếu khi đưa vào bờ thân nhân khóc lóc, làm cho người chết lâm sàng hộc máu, sẽ không cách nào cứu được.

Cái điều làm cho nhiều nguời bất nhẫn là “Xe Cứu Thương” bấm còi inh ỏi mà người ta cứ vô tư lái xe hơi, xe gắn máy chạy tĩnh bơ! Không nhưòng đường cho xe cứu thương ! Sao không nghĩ dùm, tránh cho xe cứu thương chạy tới bệnh viện càng sớm, càng tiết kiệm máu và có thể cứu được mạng sống một con người. Người có bằng lái xe ô-tô cũng như xe gắn máy đều phải nhớ khi thi lấy bằng: Phải nhường quyền ưu tiên cho xe cứu thương.



Tôi nghĩ nếu nhà cầm quyền một hôm nào cho Cảnh sát giao thông dùng xe Cứu Thương chạy trên đường Võ Thi Sáu hay Điên Biên Phủ hoăc Nguyễn Thị Minh Khai, phía trước đặt một máy quay phim, phía sau một máy quay phim, xe mở còi chạy như trường hợp cứu cấp, máy quay phim tự động quay, sẽ thấy rõ ý thức và sự tôn trọng luật đi đường của người dân. Phim thu được sẽ chiếu trên truyền hình cho người ta xem, để thấy rõ những sai phạm, những “vô tư chết người”. Ngành Cảnh sát giao thông theo đó mà có biện pháp uốn nắn, ngành giáo dục theo đó mà soạn tài liệu giảng dạy, để người dân có ý thức tôn trọng luật lệ giao thông, có lòng nhân ái đối bệnh nhân.


Tôi nghĩ cái gì cũng phải học, học thầy, học bạn, học ở xã hội trường đời, học cái chi hay, những gì chưa học chưa biết không nên sờ mó tới, nguy hiểm cho mình và cho người. Con người ta sống phải biết tự trọng, sống có văn hóa dù xã hội có tha hóa, đừng vì thế mà buông xuôi. Chánh trị chỉ có một thời, phong hóa mới lâu đời, do tổ tiên chúng ta gạn lọc vun trồng từ ngàn xưa.


Bài nầy sau khi đọc lại để sửa chữa, tôi muốn lấy tựa là Thuốc đắng…, nhưng thôi, có sao để vậy người ơi! Xin hãy cứu lấy, đừng để lương tâm bị vô cảm dẫn đến chai lỳ.

Sàigòn 11-12-2015


No comments:

Post a Comment