Pages

Sunday, December 6, 2015

Lên xứ hoa và lạnh



Đi chơi Phú Quốc về, hôm sau ngày Thứ Ba 1-12-2015, chúng tôi lại đi Đà Lạt, chuyến đi nầy dùng đường cao tốc Tp. HCM - Dầu Dây, khởi hành lúc 4 giờ sáng, lên tới Định Quán trời tờ mờ sáng, xe đến thành phố Bảo Lộc đã hơn 8 giờ, chúng tôi tìm quán ăn chay cạnh chùa Phước Huệ, lần trước khi Thiền viện Bát nhã bị giải thể vào tháng 9 năm 2009, chúng tôi đã dùng bữa ăn sáng tại quán chay nầy, nơi đây đặc biệt có nước chè xanh, hương vị đậm đà thật là đặc biệt, lần nầy tôi muốn tìm lại hương vị ngày trước.

Quán cũ không còn, cuối cùng chúng tôi phải dùng điểm tâm ở quán chay khác, chờ đợi một vị Tăng đưa chúng tôi vào tịnh thất của ông, để con rể tôi tham quan, thiết kế và xây dựng một khu vườn cảnh cho tịnh thất, do một Phật tử tài trợ.

Đây là một tịnh thất vừa mới xây cất, để tịnh tu trong khu vườn cà-phê, có những cây cà phê đầy trái chen lẫn với những chùm hoa trắng, tỏa hương thơm ngát.


Rời khỏi tịnh thất, xe chúng tôi qua Di Linh, Đại Ninh vào cao tốc Liên Khương – Pren, theo con đường cũ dưới thung lũng chạy vô thành phố.

Con rể tôi tu bổ một vườn cảnh trong thành phố, gia chủ sau nhiều năm quen biết, hai vơ chồng là Bảy Bơn mời chúng tôi đi ăn cơm trưa, mời luôn bữa tối và điểm tâm sáng ngày mai.

Chúng tôi ăn ở nhà hang chay Hoa Sen, nhà hàng có khách ngồi vài bàn, sau chúng tôi có đám “Tây balô”, thức ăn vừa miệng, không ngon lắm nhưng cũng không đến nổi tệ so với Sàigòn.



Sau khi ăn trưa xong, chúng tôi về khách sạn Rum Vàng nhận phòng nghỉ ngơi, buổi chiều chúng tôi đi thăm lại Thiền viện Trúc Lâm, lần nầy đi vào hồ Tuyền Lâm, xe chạy bên cạnh hồ, có nhiều nam thanh nữ tú vào đây thư giản.

Đến chùa vào buổi chiều, có nhiều người tham quan viếng cảnh, trong đó khá đông người ngoại quốc, có lẽ là người Nga, già có trẻ có. Chúng tôi vào Chánh Điện lễ Phật, thấy có nhiều ngưòi bỏ tiền cúng dường chùa vào cái chuông, nơi đó có vị tăng thỉnh chuông khi có Phật tử lễ Phật.


Hỏi thăm Hòa Thượng Thích Thanh Từ, vị Tăng thỉnh chuông ở Chánh điện cho biết, hòa thượng đang ở Thiền viện Thường Chiếu để tịnh dưỡng, trị bệnh, sức khỏe khá hơn trước.


Chúng tôi ra sân chụp cảnh chùa, nay khuôn viên có xây thêm Bảo tháp Xá Lợi, cạnh cổng ra vào ỏ khu chư Ni tịnh tu.

Đặc biệt hoa Cẩm chướng nở to, trắng có, tím có, cạnh đó là những cành hoa Thiên điểu, nhiều người thích chụp ảnh bên những đóa Cẩm chướng.


Chúng tôi chụp vài tấm ảnh dưới giàn hoa “Móng cọp” đang thi nhau trổ những chùm hoa xanh màu da trời, có vài chùm hoa màu tím khi hoa nở có màu vàng trông y như hoa phong lan.


Bữa cơm tối anh chị Bảy Bơn đãi chúng tôi ở một hiệu ăn trong ngôi biệt thự, thức ăn không ngon bằng quán Hoa Sen, nhưng cũng có khách ngồi ăn ba, bốn bàn, sau đó chúng tôi đi uống cà-phê, chọn quán có thể nhìn thấy ánh đèn dưới phố, nhưng tiếc chỗ chúng tôi không chọn được chỗ ngồi có góc nhìn để chụp ảnh.


Sáng hôm sau trở lại quán Hoa Sen ăn sáng, ăn xong anh Bảy Bơn cố vấn con rể tôi đưa chúng tôi đi tham quan ở Khu du lịch Tình yêu Mộng Mơ, sau đó di tham quan XQ Sử Quán, ngang với cửa ra khu du lịch, chỉ cần đi băng qua đường là tới. Trong khi đó, con rể tôi đi lấy cây từ vườn ươm cây của con rể tôi tại Đà Lạt.

Trong khu du lịch nầy cũng trồng hoa, có vườn Sim đang trổ hoa, có Vạn lý trường thành dẫn đi tới sân khấu trình diễn nhạc Tây nguyên, có nhà trưng bày nhạc cụ Tây nguyên, nơi làm rượu cần… tất cả đều xây cất theo phong cách Tây nguyên, nhà gỗ, mái lợp tranh. Tôi hông rõ xây cất đã bao lâu nhưng trông đã xuống cấp, không được bảo quản cẩn thận. Trong một cung trình diễn văn nghệ, có sân khấu, có mấy lớp chỗ ngồi cho khán giả, có mấy tay đang chơi nhạc và hát lời ngoại quốc.


Trong một ngôi nhà để chưng bày nhạc cụ Tây nguyen, có một đôi nghệ sĩ nam, nữ đang trình bày một bản nhạc Tây nguyen, người nam chơi nhạc cụ đàn, người nữ đánh trống. Nghe âm nhạc họ trình diễn, họ đưa tôi sống lại những ngày ở Tây nguyên đã trên 45 năm qua, với tiếng Cồng, Chiên với Voi và Rượu cần.


Trong khu du lịch nầy có mấy ngôi nhà xưa, chắc đã tháo dở từ Huế đưa vào đây dựng lại, nhà có ba gian, có tủ thờ, có cái trên là khánh thờ dưới là tủ thờ, nhà có không gian chật, để thờ phượng, tiếp khách, uống trà, còn nơi ngủ nghỉ sinh hoạt gia đình phải ở gian nhà khác. Đây là nhũng ngôi nhà cổ đáng xem. 


Khi tham quan XQ Sử Quán, nhà tôi mệt không vào xem, chỉ có mình tôi vào, trước tiên xem những tranh thêu, màu sắc làm cho bức tranh nổi bật và đặc sắc, tôi có quay một video clip bức tranh thêu 2 mặt, trình bày ảnh một người, đặc biệt ngoài ảnh, nền bức tranh chỉ là những sợi chỉ dọc, nên nhìn xuyên suốt. Trong khi tôi đang quay video, có nhân viên nhắc tôi không được quay phim, chụp ảnh, thật ra tôi không được nhìn thấy có bảng cấm quay phim và chụp ảnh, tuy nhiên người lịch sự phải tôn trọng lời nhắc nhở.


Ngoài phòng thêu còn có những gian phòng khác, nơi trưng bày những dụng cụ xưa như cối xay lúa, chày dả gạo, cối xay bột, có gian thờ cúng trong gia đình, đặc biệt có bàn thờ tôn trí bức tranh thêu Hoàng hậu Nam Phương, có lư hương và cây nhang đang lan tỏa làn khói mỏng, tạo nên khung cảnh tôn nghiêm, quyền quý.

Có một phòng đông y, một phòng âm nhạc, khách được thưởng thức khúc nhạc êm đềm, nơi phòng khác trưng bày tín ngưỡng Thiên Chúa Giáo.

Tôi đi chưa hết các phòng thì được điện thoại con rể tôi báo cho biết đến đón chúng tôi về, tôi đành phải rời khỏi nơi đây, tuy nhiên vào rồi khi ra như mê cung, tôi phải hỏi nhân viên trong đó, họ chỉ đường tôi mới biết lối ra.

Trở lại biệt thự Bảy Bơn, chúng tôi chụp ảnh kỷ niệm trước khi trở về nhà. Thật là một đôi vợ chồng lịch sự và hiếu khách, vài năm trước chúng tôi ra Đà Lạt, con rể tôi có chìa khóa đã tự tiện mở cửa cho chúng tôi vào nhà, lần đó không có gia chủ, lần nầy được gia chủ niềm nở đón tiếp, gia chủ từng theo học ở Học viện Quốc Gia Hành Chánh, từng giữ chức Chủ tịch Ủy ban Nhân Dân Quận tại Tp. HCM, sau bị tai nạn phải nằm viện rồi về hưu, ra kinh doanh khá thành công.


Ảnh chụp chung bên hông biệt thự của anh chị Bảy Bơn

Về XQ Sử Quán, hỏi ra mới biết X là tên của chủ nhân bác sĩ Xuân, có năng khiếu mỹ thuật, bỏ nghề y để theo đuổi co đường nghệ thuật, còn Q là Quỳnh, nghệ nhân thêu, phu nhân của bác sĩ Xuân. XQ Sử Quán đáng xem, phong cách trình bày rất ấn tượng, chú trọng mặt nghệ thuật chớ không phải kinh doanh. Chắc có dịp trở lại Đà Lạt tôi sẽ dành nhiều thời gian hơn mới có thể thưởng thức các tác phẩm nghệ thuật tìm hiểu về văn hóa và tín ngưỡng.

Rời Đà Lại xứ hoa Hồng, hoa mimosa, hoa anh đào, năm nay bổng dưng hoa Dã Quỳ (còn gọi là hoa cúc rừng, hoa cúc dại) nở rộ trên đường đi tới và tại thành phố hoa nầy, nên không đủ nhu cầu xe chở khách và hotel không đủ chứa khách tham quan, lúc chúng tôi đến hầu hết hoa đã tàn, còn sót lại vài cụm lưa thưa.


Một chuyến đi tưởng chừng bình thường, nhưng hóa ra rất hữu ích.

Viên đá chồng bên vệ đường ở Định Quán, Đồng Nai

Sàigòn 7-12-2015

No comments:

Post a Comment