Pages

Sunday, March 13, 2011

Thôi Nôi cháu ngoại


Mười mấy năm trước, tôi về Việt Nam ăn thôi nôi cho đứa cháu đầu tiên, đó là thằng con đầu lòng con gái lớn của tôi. Bên nội cháu cho rằng tôi biết cúng kiếng, nhờ tôi đứng ra cúng vái dùm tại nhà của họ.

Tôi nhớ hồi nhỏ ở nhà chú đi học, chú tôi cúng thôi nôi cho con, cúng chè, xôi, tôi nhớ chú vái “ … tạ lễ mười hai Mụ bà, mười ba đức Thầy trong năm qua đã độ cho bé khỏe mạnh, biết cười, biết nói, xin độ cho bé ăn ngon, chóng lớn, học hành thông minh …” . Rồi chú bẻ một cái hoa trong bình, đưa đến miệng con nói: “ xin chư vị độ cho con gái, mở miệng ra cười như hoa, nói lời dịu ngọt, hiếu thuận, được mọi người yêu mến.”

Buổi trưa cúng kiếng ở nhà, cúng trên bàn thờ ông bà hoa quả và chè, xôi. Đặc biệt trên bàn cúng đầy tháng cho cháu một bình hoa to, một dĩa lớn trái cây, mười hai chén chè cho Mụ bà và 13 chén xôi cho các đức Thầy.

Lại chuẩn bị cho cháu một cái mâm bày biện: quyển sổ tay, cây bút chì, cây kéo, cái lược, cái gương, một nắm xôi, tôi nhớ ở nhà quê người ta còn để nắm đất. Đây là những món người ta dùng xem đứa bé thích món nào, hay có khuynh hướng phát triển thế nào? Chẳng hạn như sổ tay có khuynh hướng trở thành văn thi sĩ, chọn cây bút thích học hành, cây kéo thích vá may thêu thùa, cái gương, cái lược thích trang điểm ăn mặc chưng dọn, nắm xôi thích ăn uống, cục đất thích làm nghề nông.

Thằng cháu ngoại tôi sau khi cúng, cho nó ngồi xuống nền nhà, để cái mâm đã bày mấy món tượng trưng, nó bò lại bốc quyển sổ tay, mẹ nó thử lấy quyển sổ từ trong tay nó ra, liệng đi xa chừng 1 thước, nó cũng bò tới lấy. Ông bà nội cháu hài lòng nói:

- Thằng này bỏ nghề nhà, buôn bán bông hoa, cây cảnh, thích sách vở, muốn thành văn nhân thi sĩ!

Nó là cháu nội đầu tiên, nên được nâng niu, buổi chiều ông bà nội và cha mẹ cháu mời một ít khách, đãi tiệc Thôi Nôi cho cháu ở nhà hàng nổi trên bến sông Sàigòn.

Từ đó cho đến sau này, tôi biết cúng đầy tháng hay cúng giáp năm cho đứa bé gọi là cúng Thôi Nôi là cúng tạ lễ cho mười hai bà mụ đã nắn tay chân, tạo hình hài cho đứa bé, bảo hộ cho nó được tròn tháng, tròn năm. Còn dạy cho đứa bé biết khóc, biết cười, biết đòi bú mớm, ẩm bồng, phân biệt lạ quen là do mười ba ông Thầy.

Xưa kia nuôi một đứa trẻ sơ sinh cho đầy tháng cũng như tròn năm là rất khó. Cho nên người ta tin có sự phò hộ của các đấng vô hình. Lúc bà mẹ nằm cử, người ta còn treo ở cửa ra vào một nhánh xương rồng, lổm chổm đầy gai, một gói trầu têm vôi với cau, vài cái vỏ ốc bưu, để trấn ếm trừ khử tà ma. Trong năm, đứa bé đi xa khi về bên nội, bên ngoại người ta còn dùng lọ nghẹ bôi lên trán, có người cho đó là làm dấu, có người cho là làm cho nó xấu xí đi, ra đường khỏi bị người khuất mày khuất mặt quở. Đó chẳng qua chỉ là sự mê tín.

Còn cúng đầy năm gọi là thôi nôi, vì đứa bé khi còn nhỏ nuôi nó trong cái nôi, tránh khi nó lăn, nó bò bị té trầy da, sức trán, có khi thương tật tay chân, khi đủ năm có thể không cần đến cái nôi, do đó gọi là thôi nôi.

Cúng thôi nôi, người ta thường nghe người xưa nói cúng “mười hai Mụ bà, mười ba đức Thầy” , người ta tìm thấy có gốc tích mười hai bà mụ. Đó là:

- Mụ bà Trần Tứ Nương, coi việc sanh đẻ (chú sanh)
- Mụ bà Vạn Tứ Nương, coi việc thai nghén (chủ thai)
- Mụ bà Lâm Cửu Nương, coi việc thụ thai (thủ thai)
- Mụ bà Lưu Thất Nương, coi việc nặn hình hài nam, nữ (chủ giới tính).
- Mụ bà Lâm Nhất Nương, coi việc chăm sóc bào thai (an thai)
- Mụ bà Lý Đại Nương, coi việc chuyển dạ (chuyển sanh)
- Mụ bà Hứa Đại Nương, coi việc khai hoa nở nhụy (hộ sản)
- Mụ bà Cao Tứ Nương, coi việc ở cữ (dưỡng sanh)
- Mụ bà Tăng Ngũ Nương, coi việc chăm sóc trẻ sơ sinh (bảo tống)
- Mụ bà Mã Ngũ Nương, coi việc ẵm bồng con trẻ (tống tử)
- Mụ bà Trúc Ngũ Nương, coi việc giữ trẻ (bảo tử)
- Mụ bà Nguyễn Tam Nương, coi chứng kiến và giám sát việc sinh đẻ (giám sinh).

Nhưng người ta không tìm ra gốc tích của mười ba đức Thầy, nên có một bài viết của Viện Nghiên Cứu Văn Hóa cho không phải mười ba đức thầy, mà chỉ có ba ông thầy, đó là Tiên sư, Thánh sư và Tổ sư.

Tiên sư là vị thầy đầu tiên, Thánh sư là vị thầy được tôn xưng, phong lên thánh và Tổ sư là vị Tổ của một ngành nghề. Đó là người ta thay thế mười ba thành ra ba. Do vậy, tôi nghĩ phải tìm kiếm truy nguyên, vì ai cũng nghe hay được lưu truyền, ngay người viết bài khảo cứu ấy, cũng biết tín ngưỡng dân gian tin là có mười ba ông thầy.

Theo Gia Định Thông Chí của Trịnh Hoài Đức cúng tạ mười hai bà mụ là tục theo người Trung Hoa.

Mười hai bà mụ có tượng thờ ở chùa Ngọc Hoàng, đất Hộ, Đakao, nay là chùa Phước Hải, 73 Mai Thị Lựu, Phường Đa Kao, Quận 1, ở Hội An tại chùa Phúc Kiến cũng có tượng thờ mười hai bà mụ.

Theo sự tìm hiểu của Mai Thục qua bài viết Bút Ký Hội An thì xưa kia người Hoa đến Hội An lập chùa Phước Kiến, đầu tiên lợp lá vào năm 1697, đến năm 1757 mới lợp ngói, người Hoa tin tưởng Thiên Hậu Thánh Mẫu hộ trì họ khi vượt bển sang Việt Nam nên mang tượng từ Phúc Kiến sang thờ.

Xưa có chùa Bà Mụ ông Chú lập ở ranh Cẩm Phố và Thanh Hà vào năm 1626, sau dời về Tây Bắc Hội An, nơi đây đất đai rộng nên chùa lập cung Cẩm Hà bên trái chùa để thờ đức Bảo Sanh Đại Đế cùng ba mươi sáu vị thần trong truyện Phong Thần và bên phải chùa lập cung Hải Bình thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu cùng mười hai bà mụ gọi là Sanh Thai Thập Nhị Tiên Nương, nơi đây có tên là Cẩm Hải Nhị Cung, người dân quanh vùng thường gọi là chùa Bà Mụ Ông Chú. Sau chỉ gọi là Chùa Bà Mụ, vì chùa lâu năm không được tu bổ, thấy không an toàn phải hạ xuống, hiến đất cho Giáo Hội Phật Giáo tỉnh Quảng Nam xây dựng trường Trung Học Bồ Đề.

Theo bài viết của ông Trương Duy Cường (hậu duệ của sáu họ trong mười ông người Hoa đến lập nghiệp ở Quảng Nam là Trương, Chu, Huỳnh, Khâm, Thuấn, Thái) như sau:

Hiện nay Chùa Bà Mụ chỉ còn hai cổng là nguyên vẹn, được chức quyền địa phương bảo quản và liệt vào hạng "Di Tích Lịch Sử" của thị xã Hội An. Còn tượng 12 Bà Mụ được chuyển đến thờ tại chùa Phúc Kiến - tức Kim Sơn Tự - Tượng Tam Thập Lục Tướng được ký gởi tại chùa Chúc Thánh (phía Bắc cách trung tâm thị xã chừng 2 cây số). Các tượng khắc được ký gởi thờ tại Chùa Âm Bổn (do người Triều Châu xây dựng, thờ Phục Tướng Quân Mã Viện).

Trong Bút ký Hội An, tìm hiểu về Chùa Bà Mụ Ông Chú, tác giả Mai Thục đã viết:

Đi tìm giá trị của Chùa Bà Mụ Ông Chú, gặp bài viết của ông Thái Văn Hiếu trên Tạp chí Văn Hóa Hội An số Xuân Đinh Hợi, tôi vừa thỏa mãn sự hiểu biết về Bà Mụ, vừa thêm xót vì Chùa đã mất.

Dân Phố Hội gọi “Chùa Bà Mụ”, nhưng nơi đây không chỉ thờ Bà Mụ mà còn thờ Ông Chú nữa. Đời Hy Tông Hiếu Văn Hoàng Đế năm Bính Dần (1626) xây hai cung Cẩm Hải ở nơi tiếp giáp hai xã Cẩm Phô- Thanh Hà, rồi dời về đây thay chỗ đất tốt hơn. Xưa chùa có hai cung. Cung Cẩm Hà ở bên tả thờ Đức Bảo Sanh (Ông Chú và mười hai vị tướng được phong thần). Cung Hải Bình bên hữu thờ Thiên Hậu, bà Chúa Thiên Thai và Mười hai bà Mụ. Cung cách bài trí nơi thờ cũng mười hai vị thần và Mười hai bà Mụ mang tính triết lý Á- Đông, định vị theo nguyên tắc: Đực- Cái, Trống- Mái. Thuyết Âm- Dương dựa theo: Lục Kinh, Lục Tánh, Can Chi… Tượng Mười hai bà Mụ đặt dưới tượng bà Chúa Thiên Thai, xếp thành hàng ngang hai cấp, trên dưới. Tượng mỗi bà Mụ một dáng điệu, tình cảm tinh tế: bà bồng, bà bế, bà ẵm, bà cõng, bà địu… Tình tượng ấu nhi sinh động: đứa nằm ngửa, đứa nằm nghiêng, đứa bú ngồi được ẵm trên tay bà Mụ , miệng ngậm vú, bầu sữa căng tròn, bà Mụ nở nụ cười tự hào hãnh diện “ làm mẹ thế gian”.

Cung thờ Mười hai bà Mụ theo biểu tượng Can Chi. Ấu nhi sinh thành, lấy Can Chi để tính tuổi: Tý, Sửu, Dần, Mão…Mỗi Chi hợp với một Can: Giáp, Ất, Bính, Đinh…thành tuổi Mụ: Giáp Tý, Ất Sửu…

Cung Cẩm Hà thờ mười hai vị thần (Ông Chú) biểu tượng của Lục Kinh, Lục Tánh. Các vị thần được điêu khắc khá độc đáo, hiện trên nét mặt mỗi người một tính cách: Hỷ, Nộ, Ái, Ố, Lạc, Ai… Mười hai vị thần là mười hai ông thầy dạy dỗ cho ấu nhi, từ bước đi chập chững cho đến khi bước vào ngưỡng cửa trường học và trường đời:

- Học Kinh Dịch để biết được sự biến hóa của đất trời, Âm- Dương, bốn mùa, Ngũ hành…

- Học Kinh Lễ, dạy đạo đức làm người, tu thân, tề gia, trị quốc, kỷ cương, luật pháp.

- Kinh Thư luận bàn, nghiên cứu các triều đại vua chúa thời trước, hiểu được cái hư, cái thực, xấu, tốt để có đường lối chính trị đúng. Người trị quốc lấy dân làm gốc, dân lấy ngũ cốc làm đầu. Dân no nước được yên bình.

- Kinh Thi chép thiên thời địa lý, núi sông, hang, suối, chim muông, cây cỏ, trống mái, đực cái, muôn thú.

- Kinh Nhạc để khỏa nỗi niềm, hòa hợp cuộc sống, thêm niềm vui vị tha, hỉ xả.

- Kinh Xuân Thu có mấy vạn chữ tới mấy ngàn. Vạn vật tan hợp đều ở Kinh Xuân Thu. Trước mặt ta có kẻ gièm pha mà ta không biết, sau lưng ta có quân giặc mà ta không hay. Người làm tôi không thể không biết Kinh Xuân Thu, khi gặp việc thường không biết nên ứng xử như thế nào? Gặp việc biến không biết xoay sở ra sao? Làm sao thành người?

Ông Thái Văn Hiếu tâm đắc với sự dạy làm người của cổ nhân mà luận bàn:

Lục Tánh- người đời ai chẳng có lúc mừng, giận, yêu, ghét, vui, buồn. Sách ghi: Dù là bậc hiền triết, thánh nhân, vĩ nhân, đấng minh quân, trăm lần nghĩ có một lần sai. Dù dân đen dốt nát, trăm lần nói có một lần đúng. Thậm chí kẻ điên, người khùng nói ra thánh hiền cũng phải nghe. Bất luận thời đại nào cái cảnh lẫn lộn: đen/ đỏ, thiện/ ác, trung/ nịnh, tốt/ xấu, vinh quang/ đê hèn… luôn đan xen đồng hành, chèn ép, trừ khử lẫn nhau, khó lường nổi. Nay nó vẫn nhởn nhơ tồn tại, hiển hiện trên đời. Tai hại lắm! Tai hại lắm!

Ta thờ Bà Mụ- Ông Chú cốt mong mọi sinh linh hòa đồng, yên bình, ấm no, hạnh phúc trọn đời

Chùa Bà Mụ Ông Chú nằm trong quần thể di tích Hội An, nay không còn nữa! Tượng Mười hai bà Mụ được đưa về thờ ở chùa Phước Kiến. Tượng mười hai vị thần chỉ còn sáu vị (Lục Tánh) cũng thờ tại đây.

Chùa Bà Mụ Ông Chú giàu tính nhân văn, triết lý Lục Kinh, Lục Tánh, Can Chi là vậy. Thiết nghĩ nay đến lúc cần ưu tiên phục chế, tôn tạo, bởi sau này sẽ là điểm tham quan mang nhiều ý nghĩa sâu sắc trong cuộc sống hiện tại và mai sau”.

Về sự tích Ông Chú hay đức Bảo Sanh Đại Đế như sau:

Về Đức Bảo Sanh Đại Đế, Tương truyền, thần sinh ở Phúc Kiến, thời nhà Tùy, Trung Quốc. Từ nhỏ, ngài được các vị tiên trên núi dạy cho phép tiên và các thuật linh đơn. Đến tuổi thanh niên, ngài kết thân với Lâm Ngạc Nương (người sau này được sắc phong là Thiên Hậu nương nương) nhưng không lập gia đình mà tiêu dao đây đó, bốc thuốc cứu người. Danh tiếng ngài lẫy lừng từ Hoa Hạ xuống Giang Nam.

Hôm, nghe tin thân mẫu lâm bệnh, ngài vội vã về quê nhưng không kịp cứu mẹ già. Từ đó, ngài buồn bã, xếp tất cả sách vở vào hòm khóa lại, còn chìa khóa thì quăng xuống sông Hoàng Hà, lên núi ở ẩn. Một hôm, nghe tiếng kêu cứu thảm thiết, động lòng tìm đến, mới hay người vợ của một ngư phủ đang hồi nguy kịch trong cơn vượt cạn khó khăn. Ngài ra tay cứu giúp. Người ngư phủ hôm sau ra sông Hoàng Hà câu được con cá chép lớn mang lên núi tặng ân nhân. Nhận quà tạ ơn, ngài mang cá ra sông phóng sinh nhưng lạ thy cá không chịu bơi đi. Ngài đưa tay xuống nước thì trong miệng cá nhả ra chiếc chìa khóa mà hơn mười năm trước ngài đã quẳng đi. Biết là số trời đã định, ngài trở về lấy chiếc hòm cũ và bắt đầu chuyên tâm nghề thuốc, chữa bệnh cứu người. Ngài thác đi người đời tôn là Đức Bảo sanh Đại đế.

Thần Bảo sanh đại đế, vừa là một vị thần của tín ngưỡng dân gian, vừa mang dáng dấp tiêu biểu của Lão giáo. Khi di cư sang các nước Đông Nam Á, người Hoa mang theo vị thần Bảo sanh của mình và được cộng đồng cư dân bản địa cùng tôn thờ.

Như vậy, chúng ta biết người ta cúng Đầy tháng hay Thôi nôi vái cúng mười hai Mụ bà, mười ba đức Thầy là tín ngưỡng dân gian, chịu ảnh hưởng sâu đậm của người Trung Hoa. Mười ba vị Thầy gồm có: 6 Thầy dạy về Lục tính, 6 Thầy dạy về Lục kinh, cộng thêm đức Bảo Sanh.

Để truy tìm nguồn gốc của phong tục, cúng đầy tháng, thôi nôi hay về mười hai mụ bà và mười ba đức thầy. Cúng kiếng ấy do phong tục, tin thần linh có quyền năng vô hạn sinh sát, cho rằng đấy là mê tín cũng phải, cho rằng đây là một tập tục cốt để mừng cha mẹ nuôi được trẻ tròn tháng đầy năm cũng hay. Giữ được phong tục hay là điều đáng giữ nét đẹp của văn hóa Việt Nam ta, mê tín nên trừ.

Vài hôm nữa, tôi sẽ cúng thôi nôi cho đứa cháu ngoại, sẽ cầm hoa “bắt miếng” cho cháu: “Lớn lên cháu cười tươi như hoa, nói thuận nói hòa, nói ngay nói thật, nói rất nhân từ, cho kẻ thương người mến”.

Jackson,TN 10-3-2011

Thursday, March 10, 2011

Định Mệnh

Nam Vang đi dễ khó về,
Trai đi có vợ, gái về có con.

Tại thủ đô Nam Vang năm 1970, tôi làm việc cho Sở Công Chánh, trong sở làm, Suôn và tôi là đôi bạn tâm đầu ý hiệp, chúng tôi cùng đi xem ciné cùng đi ăn chung ở nhà hàng, đôi khi còn cùng đi tán tỉnh mấy cô gái đẹp. Nhà Suôn ở cây số 7, còn tôi từ Châu Đốc sang, học hết trung học, lên đại học mấy năm ở trường Y rồi bỏ, nhảy sang học kỷ sư, chúng tôi tuổi trẻ cùng hoàn cảnh, cùng sở thích, trở nên thâm giao.

Một hôm sau bửa cơm chiều, chúng tôi đi uống cà-phê nghe nhạc, một lúc đắn đo Suôn mới kể cho tôi nghe:

- Tôi có quen biết một bà người Việt Nam, bà ta lên đây đã lâu, trước kia nấu ăn cho sĩ quan người Pháp, một hôm bà bị tên sĩ quan này cho uống rượu mạnh nên say, tên sĩ quan ấy ngủ vói bà ta, rồi bà ta mang thai, về sau sanh một cô gái hai giòng máu Việt – Pháp, sanh con rồi bà ta không có điều kiện nuôi con, phải cho vào viện mồ côi của các nữ tu, cô ấy được các dì phước dạy học chữ Pháp và chữ Khmer, nay đã được 16 tuổi, thứ bảy chủ nhật hoặc ngày lễ nghỉ học, cô ấy được phép về sống vói mẹ. Bà mẹ cô ta năm nay đã ngoài 50, vất vả buôn bán ở chợ Nam Vang đủ nuôi thân, nay bà bị bệnh phổi, không tiền chữa chạy thuốc thang để trị bệnh.

Chiều hôm sau chủ nhật, bạn tôi rủ đi đến nhà người đàn bà đó, tôi theo bạn đến gặp bà ta và gặp cô gái lai, bạn tôi cao 1,60m, cô ta cao hơn một chút có lẽ chừng 1,65m vì cô ta thấp hơn tôi, tôi cao 1,77m, mặt mũi cô ta như người Pháp, thân hình tuyệt đẹp của cô gái tuổi tròn trăng.

Bà mẹ cô ta nói cho bạn tôi biết, có một đại gia người Tàu tuổi chừng bốn mươi lăm, muốn mua con gái của bà với giá hai mươi ngàn riels, bà ta còn đang tính nhưng muốn để cho bạn tôi lấy làm vợ, nếu bạn tôi có đủ tiền.

Ngay khi ấy bạn tôi trao đổi, nói cho tôi biết anh ta chỉ có mười hai ngàn, tôi cho anh ta biết, tôi có ba ngàn, tôi sẽ lấy hai bánh xe trong sở làm bán được chừng một ngàn ba trăm, trả trước mười sáu ngàn ba trăm, số còn lại xin trả sau.

Bạn tôi đề nghị với mẹ cô gái như vậy, nhưng bà ta không chịu, có thể bà ta không tin bạn tôi.

Tôi đang đeo trong tay chiếc đồng hồ Oméga của ba tôi cho, tôi liền đi cầm được một ngàn riels. Gom tất cả lại, chúng tôi có được mười bảy ngàn ba trăm riels.

Cầm tiền mặt trong tay, chúng tôi trở lại gặp bà mẹ cô gái, đưa hết tiền cho bà ta và hẹn số còn lại hai ngàn bảy trăm, xin trả vào tuần sau. Bà ta nhất định không chịu.

Tôi nghĩ, đúng là một cuộc mua bán, “tiền trao cháo múc”, một ngưòi bán hàng thì làm như vậy là đúng, còn đây bà ta cần tiền, để cho con mình làm vợ người ta, đâu phải làm như vậy. Tôi lại nghĩ rằng dù cho có ghét ông Tây kia đã dùng kế hảm hại bà, thì cô con gái cũng là máu thịt của bà ta, hoặc là bà ta không thương bạn tôi người Khmer ? Tôi đâm ra giận bà ta thật tình.

Tôi nghĩ lương mình mỗi tháng bảy ngàn hai, bạn tôi và tôi vào sở mượn lương trước, mỗi đứa chỉ cần mượn một ngàn rưỡi là đủ. Nghĩ là làm, chúng tôi mượn lương được ba ngàn, thế là chúng tôi chồng đủ tiền cho bà ta.

Khi cầm đủ tiền, bà ta nói với bạn tôi:

- Thứ bảy tới, con gái tôi về, cháu muốn dẫn nó đi đâu cũng được.

*
* *

Như đã hẹn vào khoảng hơn 4 giờ chiều, chúng tôi đến nhà bà ta, dã thấy con gái bà đưng chờ ỏ cửa, cô ta nhìn tôi và nói:

- Tôi sẵn sàng hết rồi, để đi theo anh.

Suôn biết cô ta hiểu lầm nên đính chánh ngay:

- Cô đi theo tôi chớ không phải anh này, anh ta là bạn thân của tôi.

Tôi thấy cô gái sững sờ tôi rồi nhìn Suon, tôi cũng cảm thấy như mình vừa hụt hẩng. Bạn tôi đề nghị:

- Chúng ta đi Nam Vang, ăn mừng kỷ niệm ngày hôm nay.

Rồi ba chúng tôi đi Nam Vang, tìm một nhà hàng để ăn uống, vui chơi mừng cho bạn tôi đã có được người vợ đẹp. Chúng tôi gọi món ăn ngon, uống Champagne. Trong lúc ăn uống, tôi bắt gặp nhiều lần Susane nhìn tôi với ánh mắt trìu mến. Tôi xin phép hai người đi Restroom.

Vào Restroom nhìn vào kính, tôi thấy mắt mình ứa lệ, tôi rữa mặt và lau khô mắt nhưng không thể tẩy xóa đôi mắt đỏ, lúc trở ra ngồi lại bàn, Suôn hỏi tôi:

- Sao mắt anh đỏ vậy ?

Tôi trả lời lấp liếm cho qua chuyện:

- Lúc nảy tôi ăn nhầm miếng ớt cay quá!

Rồi chúng tôi tiếp tục vui chơi cho đến 11 giờ đêm mới chia tay nhau. Về đến nhà, tôi trằn trọc khó ngủ, hình ảnh ngưòi con gái trẻ đẹp của Susane, thân phận của Susane cứ lỡn vỡn trong đầu óc tôi, đêm dài đi qua tôi không hề chợp mắt, có khi dòng lệ chảy, tôi tự hỏi vì thưong cho Susane hay cho tôi ?!!

Suôn không hề biết chuyện gì đã xảy ra trong tôi, từ đó Suôn mời tôi đi với vợ chồng anh ta ăn cơm chiều 3, 4 lần mỗi tuần.

Hai tháng sau, mẹ của Susane trở về Việt Nam, từ đó tôi không nghe Suôn hay Susane nhắc tới bà ta nữa. Chắc bà ta đã thấy và yên chí con mình được hạnh phúc gia đình, nên an tâm trở về ở hẳn Việt Nam. Bà ấy một thân đến đây để lập nghiệp rồi cũng một thân trở về, nhưng đã để lại xứ Chùa Tháp một giọt máu rơi, hồng nhan truân chiên.

Cuộc lưu đày của Khmer đỏ

Năm 1974, chúng tôi bị động viên phải nhập ngũ, rồi được gửi đi huấn luyện quân sự ở Trung tâm huấn luyện Chi Lăng, thuộc tỉnh Châu Đốc ở Việt Nam.

Suôn và tôi cùng chung đơn vị, nằm gần nhau, Suôn kể lại cho tôi nghe đêm tân hôn của anh ta với Susane, một cô gái mới lớn thân hình nàng tuyệt đẹp “trong như ngọc, trắng như ngà”, lại ở với các dì phước, nên không hề biết một chút chuyện yêu đương, Suôn dạn dày kinh nghiệm phải hướng dẫn cho cô ta, tôi cảm thấy bị tổn thương. Không muốn nghe, Suôn nói:

- Chúng ta là bạn chí thân, tôi không muốn dấu diếm chuyện riêng tư, thời buổi chiến tranh này, sống nay chết mai biết đâu chừng! Rủi mà tôi chết, anh hãy xem vợ tôi như vợ anh, thay tôi chăm sóc nàng.

Tôi nói để Suôn đừng tiếp tục xoáy vào vết thương tâm của tôi:

- Thôi đi ! Đừng nói nhảm nữa!

Sau ba tháng huấn luyện, chúng tôi trở về Nam Vang, rồi tôi được đi sang Malaysia huấn luyện thêm mấy tháng nữa, mãn khóa về tôi phục vụ ngành Công binh trong quân đội. Chiến tranh tại Kampuchea mỗi ngày càng ác liệt hơn.

Đến ngày 12 tháng 4 năm 1975, Tòa đại sứ Mỹ di tản thường dân, viên chức của họ, ông Đại sứ John Gunther Dean có viết thư mời những nhân vật trong nội các cùng di tản, nhưng ông hoàng Sisowath Sirik Matak, Long Boreth, Lon Non (em trai Lon Nol) và một số lớn khước từ lời mời này, ông hoàng Sirik Matak viết thư cho đại sứ Mỹ rất cảm động và đáng lưu danh:

Nam Vang ngày 16 tháng 4 năm 1975.

Thưa Ngài và Bạn,

Tôi thành thật cảm tạ ngài đã viết thư và còn đề nghị giúp tôi phương tiện đi tìm tự do.

Than ôi ! Tôi không thể bỏ đi một cách hèn nhát như vậy !

Với Ngài (đại sứ John Gunther Dean) và nhất là với xứ sở vĩ đại của Ngài, không bao giờ tôi lại tin rằng quý vị đã nhẫn tâm bỏ rơi một dân tộc đã lựa chọn tự do.

Quý vị từ chối bảo vệ chúng tôi và chúng tôi chẳng thể làm được gì hết.

Ngài ra đi, tôi cầu chúc Ngài và xứ sở của Ngài được hạnh phúc dưới bầu trời này..

Nhưng xin Ngài nhớ cho rằng nếu tôi phải chết ở đây và ở lại đất nước tôi yêu dấu thì tuy đó là điều tệ hại , nhưng tất cả chúng ta đều sinh ra và cũng sẽ chết vào một ngày nào đó.

Tôi chỉ ân hận một điều là đã quá tin và chót tin ở nơi quý vị, những người bạn

Hoa Kỳ !

Xin Ngài nhận những cảm nghĩ chân thành và thân hữu của tôi .

Sirik Matak

Ngày 15-4-1975, phòng tuyến cuối cùng của thủ đô Nam Vang thất thủ, sáng ngày 17-4-1975 Hội đồng tối cao quyết định di chuyển trụ sở chánh phủ tới tỉnh Oddar Meanchay vùng Tây Bắc, tới 10 giờ sáng, tướng Mey Si Chan của Bộ Tổng Tham Mưu tuyên bố trên đài phát thanh, hạ lệnh cho tất cả lực luợng vũ trang quốc gia Khmer (Forces Armees Nationales Khemeres hay FANK) ngừng bắn, vì "thương lượng đang diễn ra" về việc Phnom Penh đầu hàng. Ngày đó cuộc chiến đã kết thúc, nhưng cơn ác mộng Khmer đỏ mới chỉ bắt đầu. Khmer đỏ tiến hành cưỡng bức, dụ dỗ dân chúng di tản khỏi thủ đô ngay lập tức về vùng nông thôn, chúng tuyên truyền di tản để tránh máy bay B52 Mỹ dội bôm thủ đô, di tản vài hôm rồi trở về. Ở bảo sanh viện, bệnh viện, họ đuổi sản phụ, người bệnh ra khỏi đó. Chỉ trong ba ngày thủ dô Nam Vang không còn một người dân.

Không ai dám mang theo đồ lính, tôi mang theo một ít thuốc tây, 2 lượng vàng, 350 đô-la, còn bạn tôi mang theo nữ trang, 6 lượng vàng, 1200 đô-la. Mọi người bồng bế, dắt dìu nhau đi một tuần lễ tới khu vực thuộc tỉnh Pursat, cách biên giới Thái-lan chừng 100 cây số. Họ chia những người di tản nay là kẻ bị lưu đày, ra thành nhiều làng, mỗi làng có từ 50 tới 85 gia đình, mỗi gia đình phải tự kiếm cây, lá để dựng nhà ở, mỗi nhà rộng chừng 15 thước vuông, cách nhau khoảng 5 thước. Mỗi làng có một chủ làng trông coi, chủ làng chọn vài phụ nữ nấu bếp cho cả làng ăn, những người khác phải đi lao động. Susane được chủ làng chọn nấu bếp, nhờ vậy Susane lén lúc dấu cơm cho chúng tôi ăn thêm vào buổi tối, cơm ăn theo khẩu phần mọi người đều không đủ no.

Sáng sớm 5 giờ dậy, hát những “bài hát cách mạng” rồi đi ra đồng làm ruộng, cuốc đất trồng rau, trưa về ăn cơm nghỉ một chút rồi ra đồng làm tiếp, chiều về phải học tập rồi mọi người được phát một tờ giấy khai rõ, trong thời Lon Nol đã làm nghề gì? Viết xong nộp cho họ, hôm sau lại được phát giấy viết tiếp, nếu viêt không giống nhau sẽ bị họ điều tra.

Suôn khai bán bánh mì, còn tôi khai sửa xe gắn máy và sửa chữa xe hơi chút đỉnh chớ không có garage sửa xe.

Đầu năm 1976, tôi thấy bọn Khmer đỏ dẫn hiều người đi vô núi, nhưng không thấy họ trở về. Khi đi làm ruộng hay cuốc đất, tôi nghe nói bọn Khmer đỏ đang tìm kiếm những người làm việc dưới trào Lon Nol đem đi, tôi hỏi họ bị đem đi đâu? Mọi ngưòi đều không ai biết. Tôi bàn với Suôn là phải tìm cách vưọt biên giới qua Thái-lan, nếu ở lại truớc sau gì chúng cũng tìm ra tông tích mình, chẳng những làm việc mà còn là sĩ quan của Lon Nol, thì sẽ bị giết chết.

Cái giá phải trả cho sự Tự Do

Một ngày nọ, có một người trong làng lại nói chuyện với chúng tôi, anh ta nói nếu chúng tôi muốn trốn, anh ta có biết người ở làng bên cạnh biết đường dẫn đi, trả công cho họ 6 lượng vàng. Chúng tôi không dám trả lời cho anh ta vì sợ bọn Khmer đỏ gài bẩy.

Sau đó tôi suy nghĩ ở lại thì chết, nếu đi may ra có thể sống. Suôn và tôi cuối cùng đồng ý quyết định ra đi. Susane lén dấu cơm và cá khô chừng 5 kg, bỏ vào trong mấy cái bọc nylon, chuẩn bị cho chuyến đào thoát của chúng tôi.

Chúng tôi đi một nhóm chín người, gồm có hai người dẫn đường, hai cập vợ chồng người Tàu, vợ chồng Suôn và tôi. Ban đêm chúng tôi đi ban ngày nghỉ, người dẫn đường trang bị súng hơi (air pistol) và địa bàn (compass), nhờ súng hơi bắn được chim hay chuột nên có thịt sống ăn, chúng tôi đi đến ngày thứ tám mới thấy biên giới Thái-lan cách chừng 5 cây số ngàn.

Dọc biên giới co nhiều nhà lá của người Khmer hay Thái cách nhau chừng 3 hay 4km. Trước khi tới biên giới, còn chừng 2km, chúng tôi chia thành hai toán, một toán hai cập vợ chồng người Tàu, toán còn lại là vợ chồng Suôn và tôi.

Khi đến trước một căn nhà ở biên giới, chúng tôi thanh toán tiền cho người dẫn đường. Trong khi đó, có ba người trong nhà đi ra chào, người dẫn đường và chúng tôi chia tay, tôi nghĩ cuộc đào thoát đã thành công, nhưng chưa phải vậy.

Chúng tôi vào nhà, căn nhà rộng chừng 20 thước vuông, phần trước là một cái bàn gỗ tạp với sáu cái ghế, tiếp đó mỗi bên một cái giường cây, giường không có nệm, chỉ có một chiếc chiếu và một cái gối. Chúng tôi ngồi nghỉ chừng một tiếng đồng hồ, được một người trong họ chỉ cho biết đi tắm ở con kinh nhỏ phía sau nhà.

Sau khi tắm rửa sạch sẻ, chủ nhà cho chúng tôi ăn uống, ăn xong chủ nhà nói bây giờ đi qua trại tị nạn chừng 6 km. Muốn vô trại, mỗi người phải đóng 2 lượng vàng. Tôi nói với ông ta:

- Chúng tôi trả tiền để được đi tới trại tị nạn.

Ông ta trả lời cho chúng tôi:

- Các người trả tiền, đó là tiền dẫn đường đến đây mà thôi. Muốn qua biên giới vào trại tị nạn phải trả thêm tiền.

Tôi nói với ông ta:

- Thật tình chúng tôi đã trả hết tiền cho người dẫn đường, nay chỉ còn lại có 320 dollars mà thôi.

Trong khi trao đổi với ngưòi chủ nhà, hắn chính là đại ca, người cao chừng 1,6m, khoảng 49, 50 tuổi, thân hình mập mạp, gương mặt hung dữ, mang một khẩu súng ngắn không bao ở bên hông, đôi lúc hắn liếc nhìn Susane. Hắn ta nói tiếng Khmer giọng Thái, trong khi hai đồng bọn nhìn vợ của bạn tôi:

- Hai đứa mầy không có đủ tiền, tao mượn con vợ tụi bây ngủ rồi tính tiếp. Tao thích ngủ với con gái trẻ, tao thấy con nhỏ này giống Tây tao thích nên muốn thử xem!

Nghe vậy, Suôn nói:

- Chúng tôi đồng ý trả tiền để tới trại tị nạn, không phải tới biên giới đâu.

Tên đại ca trả lời:

- Nhưng muốn vào trại tị nạn, phải trả cho bọn lính Thái 500 dollars mỗi người, có như vậy bọn chúng mới đưa vô trại.

Susane đồng ý với tên đại ca:

- Tôi đồng ý cho anh ngủ, xong xuôi phải đưa chúng tôi vào trại.

Tên đại ca nói:

- Được!

Suôn và tôi đứng lớ ngớ không biết nói gì trong trường hợp này, tên đại ca bảo đàn em lấy xà bông và một cái Sarong cho Susane tắm rửa.

Susane đi ra con kinh tắm, tên đại ca ngồi ghế uống bia, hai đứa chúng tôi ngồi trên nền đất. Khi Susane tắm xong đi vào, tên đại ca chỉ bảo ngồi kề bên tay phải của hắn, tay trái hắn cầm lon bia, tay phải hắn ôm Susane bắt đầu hun hít, rờ rẩm khắp thân thể nàng, tôi thấy Susane không chống cự rồi hắn dẫn nàng lên giường, Susane yêu cầu đưa chúng tôi ra ngoài, hắn ra lệnh cho hai đàn em trói tay chúng tôi, đem ra trước nhà.

Căn nhà trống trải, chúng tôi nhìn vào thấy tên đại ca đang ngủ với Susane, nghe tiếng giuờng kêu, nghe cả tiếng rên rỉ của Susane, tôi nhìn thấy nét mặt đau khổ của bạn mình.

Chừng hai tiếng đồng hồ sau, chúng cho hai đứa tôi vào nhà, tôi thấy Suôn khóc những giọt nước mắt đau khổ của một người chồng, không thể bảo vệ cho vợ mình được. Tên đại ca bảo Susane đi tắm, rồi cho mượn một bộ quần áo khác mặc.

Chừng 5 giờ chiều, tên đại ca cho biết, hắn dẫn Susane đi vào trại tị nạn, hắn di rồi chúng tôi chờ đợi giờ nọ qua giờ kia không thấy ai về hết, chúng tôi lo sợ cho số phận của Susane và cho cả mình nữa.

Sáng sớm hôm sau mới thấy hai người trở về, tôi thây vợ bạn tôi đi không muốn nổi, mặt tái xanh, hai chân run, vô tới nhà chẳng nói chẳng rằng, Susane lăn trên giường ngủ vùi. Tôi suy nghĩ không biết bọn này có giết chúng tôi hay không ? Chừng nào chúng giết ? Tại sao Susane đi lại về ? Trong đầu tôi bao nhiêu câu hỏi về việc được sống hay bị giết, giờ phút đó không nghĩ đến tự do hay lưu đày. Tội nghiệp Suôn chắc cũng vậy, nhưng hắn bị đau khổ nhiều hơn vì Susane.

Cho đến hơn 2 giờ chiều, tên đại ca ra lệnh cho chúng tôi:

- Gọi nó dậy ! Bây giờ chúng tao đem mấy đứa mầy vô trại.

Suôn đứng lên, đến giường gọi Susane dậy. Rồi tên đại ca đi trước, chúng tôi đi sau, tim tôi đập thình thịch, vì nghĩ rằng có thể hắn dẫn chúng tôi đi đến địa đìểm hình xử. Cho đến khi thấy được hàng rào trại tị nạn, biết mình đã thoát chết, đến được bến bờ tự do. Tôi mừng hết sức.

Vào trại tị nạn của Liên Hiệp Quốc, chúng tôi được xếp đặt ở chung với gia đình của người Khmer. Khi đã ổn định chỗ ở rồi, Suôn hỏi vợ chuyện gì đã xảy ra ỏ đâu mà đi suốt đêm sáng mới về, phải chừng 5 phút sau, Susane mới kể, cô phải ngủ với 13 thằng linh Thái liên tục không ngừng, hết thằng này tới thằng kia, chúng thay nhau hảm hiếp nàng, nhiều lúc bất tỉnh, nhiều lần chúng tạt nước vào mặt cho tỉnh lại, rồi hảm tiếp.

Suôn nghe vợ kể không cầm được nước mắt, tôi cũng ứa lệ thương cảm vì mạng sống, vì tự do mà Susane đã hy sinh, chịu quá nhiều khổ đau, tủi nhục. Suôn lấy khăn nhỏ thấm nước ấm để vợ đấp lên chỗ kín bị sưng, tôi đi nấu cháo, Susane ăn rồi ngủ thiếp đi cho đến sáng.

Đến nước tạm dung

Sáng hôm sau, chúng tôi đi lãnh thực phẩm của Hồng Thập Tự phân phát, có cá mòi, đường, gạo. Chúng tôi đi làm giấy tờ để xin đi định cư ở Pháp, vì chúng tôi có học chương trình Pháp, chịu ảnh hưởng văn hóa Pháp.

Ở trại tôi viết và nói được Pháp văn, nên giúp những người tị nạn làm hồ sơ chữ Pháp.

Sau hai tuần ở trại tị nạn, một ngày kia có một người Thái hỏi Susane có muốn đi làm ở ngoài trại kiếm tiền không ? Một ngày được 30 baths (khảng chừng 4 dollars). Suôn hỏi ý kiến tôi có tin được họ không ? Tôi chưa có ý kiến thì Susane trả lời:

- Không sao đâu! Em đi làm đặng có tiền mua thêm thức ăn, uống trong trại.

Ngày hôm sau Susane đi làm, 6 giờ chiều đi về, cô nói:

- Hôm nay làm được gần 100 baths.

Tôi để ý, nhìn thấy nét mặt Susane buồn, cô không nói chi, nhưng tôi sinh nghi trong lòng, tự hỏi không biết có chuyện gì đã xảy ra vói Susane ?!

Một ngày kia Suôn bỗng dưng đau bụng dữ dội, tôi đem Suôn vào bệnh viện dã chiến trong trại để điều trị.

Trong trại chúng tôi ở là một căn nhà lá, có một gia đình kia người Khmer và ba chúng tôi, nhà được ngăn làm hai bằng một tắm màn vải.

Vì bạn tôi phải nằm ỏ bệnh viện điều trị nên đêm đó Susane mới kể chuyện nàng đi làm cho tôi nghe.

- Nơi đó là một quán cơm, ông chủ thấy tôi đồng ý thuê liền, ổng tỏ ý muốn ngủ với tôi, ổng sẽ cho tôi tiền. Tôi nhớ mình đã bị hảm hiếp nhiều lần rồi, hồi còn ở Pursat, tôi phải ngủ với chủ làng để bảo toàn mạng sống cho chúng ta, một lần trước rồi, lần sau cũng giống nhau, nên tôi chịu cho ổng ngủ với tôi. Rồi sau đó chủ nhà kêu khách tới nữa, tôi đã lỡ bước sa chân, như vậy tôi là gái mãi dâm.

Susane ngưng một chút rồi nói tiếp:

- Anh tôi mới đem hết tâm sự mình ra nói, xin anh giữ kín chuyện này, đừng có nói cho Suôn biết, tội nghiệp ảnh. Hồi đó, tôi tưởng anh là người bỏ tiền ra trả cho má tôi, tôi bằng lòng vì thương anh, không ngờ tôi bị thất vọng vì người đó là Suôn, tôi đành phó mặc cho cuộc đời.

Tôi thương cảm cho Susane, tôi biết nàng vẫn thương tôi, đêm ấy nàng cho tôi tận hưởng ái ân, Susane cũng vậy, đạt đuợc niềm khát vọng của nàng ở sáu năm về trước.

Suôn nằm trong bệnh viện trọn tuần rồi mới được về, bác sĩ điều trị cho biết anh ta bị đau ruột, không cho ăn rau sống, phải luộc chính.

Ba tháng ở trại, chúng tôi làm hồ sơ đi Pháp sắp sửa được đi. Một hôm Susane không tở về trại, một ngày, hai ngày rồi biệt tích luôn.

Trong khi đi hỏi thăm tin tức Susane, chúng tôi được biết chỉ có đàn bà mới được ra khỏi trại tị nạn đi làm, nhưng muốn ra khỏi trại phải cho tiền lính Thái.

Hồ sơ đã hoàn tất, chờ lấy vé máy bay. Chúng tôi càng dò la tin tức, nhờ những người đàn bà quen biết, được đi ra ngoài tìm kiếm dùm nhưng Susane vẫn “biệt vô âm tín”. Suôn không muốn đi, một lòng muốn ở lại chờ đợi, tìm kiếm Susane.

Biết Suôn vì hoàn cảnh chưa muốn đi, viên Đại sứ Pháp gặp Suôn cho biết, nếu không đi, xem như là từ chối, sau này không thể xin đi lại.

Thế là Suôn phải ra đi. Đêm trước khi Bangkok, Suôn trằn trọc mãi không ngủ được, tôi cũng nhớ tới Susane, nghĩ không biết có ngày nào gặp lại.

Chúng tôi rời Bangkok vào buổi chiều, sáng hôm sau mới đến Paris, đặt chân xuống phi trường Charles de Gaulle, nơi đây mới thật là chúng tôi đưọc hưởng tự do. Tôi xin đi học thêm, Suôn vì trước kia chỉ có bằng cấp Trung học, nên anh tìm việc làm ở xa Paris, từ đó chúng tôi xa nhau, mỗi người sống một nơi, ba, bốn tháng mới gặp nhau một lần ở Paris.

Rồi 28 năm sau

Năm 1978, chúng tôi lấy vé khứ hồi đi Bangkok để tìm kiếm Susane, cầm theo mấy tấm ảnh cũ, chúng tôi đi đến những quán rượu, những khiêu vũ trường đưa ảnh cho ngưòi ta xem, mong được chút tin tức của Susane. Một tuần lặn lội, dò la tin tức ở Bangkok, không có ai gặp nàng. Lần đó chúng tôi giã từ Bangkok, lòng buồn vô hạn, tôi mất hết niềm tin có ngày còn gặp lại Susane. Nhưng Suôn thì vẫn cầu nguyện Phật, Trời cho có ngày gặp lại.

Khi học đại học ở Paris, tôi có cô bạn gái ngưòi Pháp, tôi kể lại chuyện vợ chồng của Suôn cho cô ta nghe, nhất là Suôn luôn luôn tưởng nhớ tới Susane, cô bạn tôi thấy tội nghiệp cho Suôn. Một lần chúng tôi gặp nhau, Suôn thích cô bạn tôi, tôi nói cho nàng biết Suôn thích được ngủ với nàng, tôi hỏi nàng có chịu không ? Nàng ta trả lời : “Đừng có ghen nghe!”. Tôi thật tình đáp lại: “Không”.

Nửa giờ sau, tôi đưa cô bạn của tôi và Suôn đi ăn, cô ta cười vui thích, kê miệng nói nhỏ cho tôi nghe: “ C’est un pekinois” – Đó là con chó con – Tôi cười, hôm đó tôi thấy vui lòng vì được “ăn miếng trả miếng” cho nguời bạn thân tôi.

Từ khi không tìm thấy Susane ở Bangkok trở về, bạn tôi bắt đầu dùng rượu giải sầu. Ba năm sau, Suôn quen một người đàn bà góa chồng, không con, hai người sống chung với nhau tới năm 1998, người đàn bà ấy tìm được bà con, muốn Suôn theo bà ta trở về nước sống bên nhau, nhưng Suôn không chịu đi theo, vẫn sống ở Pháp.

Còn tôi, sau này khi ra trườn đi làm việc, không còn sống ở Paris nữa, năm 2005, Suôn gọi điện thoại hẹn gặp nhau ở Paris. Gặp Suôn, bạn tôi cho biết vừa nhận được thư của Susane từ Indonesia nhờ Toà Đại Sứ Pháp chuyển, nơi đây chuyển tới tổ chức “Terre des hommes”, hơn hai tháng sau mới tới tay bạn tôi.

Bạn tôi nói:

- Anh không tin Trời, Phật nhưng tôi tin là có, tôi cầu nguyện luôn, nên nay đã được gặp lại Susane.

Suôn thuật lại cho tôi biết:

- Theo thư của Susan cho biết, hồi đó trước tiên nàng đi làm cho quán ăn, chủ quán thương cổ, ngủ với cổ mỗi ngày, cho cổ thêm tiền, do đó bà chủ quán ghen.

Một ngày kia, chủ quán đi mua hàng, bà chủ kêu một người Thái dụ đưa Susane đi chơi một vòng, nhưng bà chủ quán đã lập tâm bán Susan cho một nhà chứa gái mãi dâm ở ngoại ô Bangkok. Đó chính là ngày mà Susane khàông trở về trại tị nạn nữa.

Ở nhà chứa, chủ nhà chứa nói đã mua nàng với giá 1200 dollars, bây giờ nàng phải rước khách để trả nợ. Chủ nhà chứa giữ riêng để ngủ với Susane một tuần lễ, sau đó mới cho rưóc khách.

Chủ nhà chứa quảng cáo có gái Tây phương, đẹp và hiếm có nên nhiều người khách ưa thích, mỗi ngày trung bình nàng phải tiếp từ 15 tới 20 người. Sáng từ 10 giờ tới 1 giờ, chiều từ 5 giờ tới nửa đêm, mỗi lần đi khách nàng được 10 dollars.

Chừng sáu tháng sau, chủ nhà chứa này bán nàng chuyền tay cho một nhà chứa khác, gần thủ đô Bangkok. Nơi đây có nhiều khách ngoại quốc, phần nhiều là người Hàn Quốc, Mã-Lai, Indonesia … Susane đẹp hơn các cô gái khác, gương mặt là gái Châu Âu, chủ nhà chứa cho nàng ăn mặc y phục Âu châu, khách tưởng nàng là người Ý hay Tây Ban Nha nên được nhiều khách ưa thích. Bảy năm, Susane phải sống với nghề này.

Một ngày kia có 5 người khách Indonesia, trong đó có một người khoảng 50 tuổi, thấy Susane ông vừa ý, bằng lòng chuộc nàng ra làm vợ. Từ đó nàng về Indonesia sống với chồng, ông vốn là chủ một tàu đánh cá. Ông có một mẹ già và một em trai.

Năm 2003, ông chủ tàu đánh cá qua đời, theo phong tục người Indonesia, người anh mất, người em chưa có gia đình, có thể lấy chị dâu.

Sau khi nhận được thư, Suôn đã bay qua Inonesia tìm gặp lại Susane, Suôn đã đề nghị với Susane:

- Mọi chuyện gian khổ đã qua, nay gặp lại nhau sau 28 năm xa cách, chúng mình chấp nối lại duyên xưa nghe Susane.

Susane nói qua đôi dòng lệ:

- Suôn ơi ! Muộn quá rồi anh! Anh thông cảm cho em, em đã trải qua vô vàn tủi nhục, em đã thọ ân người chồng Indonesia này, không có ông, em biết có ngày nay không ? Ông đã chết nhưng mẹ ông còn, em muốn sống thay ông ấy phụng dưỡng mẹ già. mặc dù mẹ chồng em bằng lòng cho em tự do theo anh, nhưng dẫu sao em cũng sống trong gia đình này hơn hai mươi năm rồi, đầy tình đầy nghĩa, làm sao mình lại vong ân người, nếu có chuyệp chấp nối lại, xin hãy chờ cho mẹ chồng em trăm tuổi.

Susane nghẹn ngào nói tiếp:

- Hôm nay gặp lại anh em đã mãn nguyện lắm rồi! Bởi vì chúng ta kẻ chân trời, người góc biển vẫn còn gặp lại nhau, vẫn còn thương yêu nhau.

Suôn đưa cho tôi xem ảnh của Susane, nàng mới 50 mà trông già như một người đàn bà ngoài 60, biết bao nhiêu chuyện phong ba dồn dập, đẩy đưa nàng, sắc đẹp tàn phai, nhưng tâm hồn cao cả, hy sinh để cứu người, phong ba chỉ có mình gánh chịu, giữ vẹn chữ ân tình.

Jackson TN Mar. 7th. 2011
Kim Ny - Huỳnh Ái Tông