Pages

Sunday, October 31, 2010

Khúc Cuối Đường

Tôi đi làm vài năm thì Shane được tuyển vào làm thư ký trong văn phòng, công việc của Shane là theo dõi các nhu cầu mua sắm các dụng cụ, nguyên liệu cho công ty, một công ty chuyên sản xuất thiết bị cho ngành hỏa xa, nên hàng ngày sử dụng hàng tấn sắt, thép, nhôm đủ loại, với những linh kiện lắp ráp nào ốc, vít … cho nên thỉnh thoảng Shane phải sang phòng chúng tôi hỏi thêm chi tiết, nhưng nàng chỉ quan hệ với Trưởng phòng của tôi, gặp nhau chúng tôi chỉ chào hỏi bình thường.

Shane chắc chỉ mới tốt nghiệp Trung Học rồi đi làm, tự lập như phần nhiều thanh niên khác, dưới mắt tôi Shane là một cô gái nhỏ con, thân hình cân đối, tóc cắt phủ vai, che dấu khuôn mặt kiều diễm, đôi mắt tinh anh, sắc xảo, miệng luôn cười rạng rở, cách ăn mặc, dáng điệu đi đứng nói năng chứng tỏ Shane ở trong gia đình khá giả, dáng dấp e lệ của một cô gái mới vào đời.

Dù làm chung trong công tỵ, lại ở chung trong một văn phòng không có vách ngăn chia, bộ phận của tôi và của Shane cách nhau cũng khá xa, có thể nhìn thấy nhau, nhưng trước mặt mỗi người đều có computer che chắn, những lúc suy nghĩ, rời mắt khỏi computer, họa hoằn lắm mới có thể nhìn thấy Shane, khi nàng cũng rời khỏi màn hình.

Tôi chỉ biết Shane như thế hay như những cô gái khác, cùng làm trong văn phòng, có cô hàng ngày đi sang chỗ tôi để nhận hoặc chuyển những thông báo, những phiếu hệ, hầu hết đều không được bằng Shane. Shane có một nét gì đó thỉnh thoảng hiện ra trong tôi, nhất là khuôn mặt với đôi mắt tinh anh, ẩn lấp sau mái tóc.

Vài năm sau, từ một Email của Trưởng phòng hành chánh gửi ra cho biết: “Người bạn đời của Shane đã tử trận tại chiến trường Iraq, nàng rất khổ đau, muốn sớm được bình phục vết thương lòng, nên cám ơn mọi người đã chia buồn, nhưng xin từ nay đừng gợi nhớ nỗi đau lòng khôn tả của nàng”.

Tôi xúc động và cảm thương cho Shane sớm trở nên góa bụa, sau đó Shane vẫn nở nụ cười khi chào hỏi, nhưng nàng mặc toàn đen biểu tượng cho tấm lòng của người sương phụ vẫn nhớ nuối, tiếc thương cho người nằm xuống, phảng phất nét u buồn.

Rồi kinh tế toàn cầu khủng hoảng, công ty ít việc, phải tổ chức lại, giảm bớt người, một số công nhân bị cho nghỉ việc, tôi được Trưởng phòng kêu gọi tình nguyện xuống xưởng, để cứu anh chàng vào sau tôi khỏi xuống xưởng, vì anh ta không chuyên môn ở xưởng, sẵn có mở trong máu, huyết áp cao tôi cũng muốn xuống xưởng để hoạt động, khỏi phải dính chặt vào ghế, mắt khỏi dán vào màn hình để thiết kế công trình. Thế là tôi tình nguyện rời khỏi văn phòng.

Ở xưởng, thỉnh thoảng tôi nhìn thấy Shane xa xa, khi nàng đi vào văn phòng hoặc lúc ra về, họa hoằn có việc tôi đi ngang qua chỗ chỉ định, Shane và Staffanie ngồi hút thuốc trong giờ nghỉ của họ. Shane vẫn cười nói, nhưng nét u buồn vẫn còn đó không nguôi.

Vài năm sau, đến tuổi tôi về hưu, mặc dù nhớ bạn bè kể cả Shane, tôi vẫn không trở lại công ty để thăm ai cả, nơi đó là nơi tôi đã làm việc lâu năm hơn tất cả các nơi khác trong đời mình, gần đến hai mươi năm, từ văn phòng cho đến xưởng mỗi chỗ đều có ít nhiều kỷ niệm.

Năm ngoái, vì kinh tế còn sa sút công ty không tổ chức Cook-out, là truyền thống hàng năm có một ngày công ty đãi công nhân ăn, mời những người nghỉ hưu tới cùng dự, trong ngày đó công ty thưởng cho những người làm 10 năm, 15 năm, 20 năm …. tổ chức rút số thưởng phẩm vật hay tiền.

Năm nay, tôi được mời tới dự Cook-out, sau bửa ăn, công ty vinh danh những người về hưu tới tham dự, dịp này Shane làm nhiệm vụ thay mặt công ty mang đến tặng tôi một món quà, nàng cười rạng rở cho biết là mừng đã gặp lại tôi. Tôi thật sự vui mừng khi gặp lại Shane, nàng không còn như xưa, nhưng trong tôi Shane vẫn là hình bóng của người phụ nữ đẹp.

Sau một giờ, bửa ăn tàn, mọi người trở lại làm việc hay ra về, tôi tìm gặp Trưởng phòng cũ để chào hỏi, chúng tôi đứng riêng ra một góc để trò chuyện, anh ta cho biết sơ tình trạng ở Phòng ngày nay, có kẻ đi, người đến. Tôi nhờ một người chụp ảnh, bỗng dưng Shane đứng trước mặt tôi một cách bình thản, rồi Shane tự nhiên bước vào, tựa tôi chụp chung tấm ảnh.


Một ngày hạnh phúc, hạnh phúc thật đon sơ, tôi không mong ước, nhưng bỗng nhiên được, được Shane đứng bên cạnh.

30-10-2010

Tuesday, October 26, 2010

Oan Ơi Ông Địa

Chuyện chúng ta không làm mà bị người khác gán cho mình làm là một nổi oan, gặp trường hợp như vậy, người ta thường ví như nỗi oan của ông Địa, chuyện tích ấy như sau:

Hồi xưa, ở một bến sông kia, nơi người ta thường đến gánh nước, tắm giặt, cách đó chẳng xa, chỗ vắng vẻ có một ngôi miếu thờ ông Địa.

Trong số những người thường ra bến sông, có một cô gái bị cha mẹ phát hiện là đã mang thai, chưa chồng mà có mang như vậy gọi là “có chửa hoang” thì phạm “thuần phong mỹ tục”, có nhiều làng đặt ra những luật lệ gắt gao để phạt gia đình nào có con gái bị chửa hoang.

Do đó, cha mẹ tra hỏi cô gái để tìm ra thủ phạm, để bắt thủ phạm cưới hỏi con gái của mình hầu tránh bị phạt vạ của làng xóm. Cô gái khai với cha mẹ, hàng đêm cô ra bến sông gánh nước, những khi thanh vắng đã bị ông Địa dụ dỗ nên mới có mang. Thủ phạm chính là ông Địa.

Ông Địa nghe cô gái vu oan giá họa cho mình, ông tự hứa từ đó về sau, bất cứ chuyện trai gái nào dù cho ai dấu kín đến đâu, ông cũng làm cho người khác biết để tránh bị vu oan và cái tích oan ơi ông Địa do đây mà có.

Trường hợp của tôi khác ông Địa như sau. Vào đầu niên học năm 1974-1975, Hội Đồng Giáo sư trường Nguyễn Trường Tộ họp, dưới sự chủ tọa của hiệu trưởng Phạm Văn Tài, để xét duyệt đơn xin cho một số con em Giáo sư và Nhân viên của Trường được nhập học, sau khi rớt kỳ thi tuyển.

Năm đó, tôi có xin cho một thí sinh, vốn tôi ở trọ nhà của cha mẹ nó gần mười năm đèn sách của tôi, còn nó thì từ lúc chưa sanh ra cho đến khi vào tiểu học. Hội đồng đã xét hết mọi trường hợp, cuối cùng còn một chỗ nhưng có hai người xin, một là giáo sư Lê Văn Giệp, vừa mới tốt nghiệp Kiến trúc sư, được bổ làm giáo sư của trường, thân phụ của giáo sư Giệp là ông Lê Văn Ngọc nhân viên của Nha Kỹ thuật Học vụ, người thứ hai là tôi, lúc đó ai cũng biết tin tôi sắp sửa làm Hiệu Trưởng.

Ông Tài, chủ tọa tuyên bố:

- Hiện tại chỉ còn một chỗ, tôi không biết chọn ai, bỏ ai tôi đề nghị anh Tông và anh Giệp tự cân nhắc để chọn một dùm tôi.

Thật ra thì trong trường hợp này, tôi đương nhiên ưu tiên hơn ông Giệp ở chỗ tôi là giáo sư của Trường từ năm 1970, còn ông Giệp là người mới. Lúc đó, trong đầu tôi nghĩ thật nhanh, đây là trường hợp ông Tài muốn biết tôi xử trí ra sao mà thôi chớ thật ra, muốn giải quyết chuyện này rất dễ, một là ông Tài phải tính từ trước lấy ai, bỏ ai, hai là ông Tài lấy thêm một học sinh nữa, đàng này ông Tài đưa ra hai để chọn một, mà ông cũng không chịu áp dùng quyền ưu tiên, cho nên tôi lên tiếng ngay:

- Thưa ông Hiệu trưởng và quý vị giáo sư, tôi ở trọ nhà của em học sinh mà tôi xin cho vào học gần mười năm, tôi xem đứa nhỏ như con cháu của mình nên tôi mới xin, tuy nhiên nếu ông Giệp thấy cần thiết, thì ông Giệp cứ nhận chỗ ấy.

Thế là ông Giệp nhận cho người thân của mình, phần tôi thì không có gì phiền muộn, chỉ tiếc mình không xin được cho thí sinh kia mà tôi xem nó còn thân thiết hơn cháu ruột của mình và tôi phải đến nhà để xin lỗi cha mẹ cháu là đã không thể xin được cho cháu theo học.

Việc đó tôi đã quên đi từ lâu rồi.

Vào đêm trừ tịch năm Mậu Tý, giáo sư Hà Mộng Giao gọi điện thoại tới thăm tôi và chúc Tết, rồi sau đó chúng tôi gửi Email cho nhau, giáo sư Giao có cho tôi điện thoại của một số người như ông Lê Bá Thanh, nguyên Trưởng phòng Hành chánh của Trường nay định cư ở San Jose, bà Phạm Kim Chi nguyên Y tá của Trường di tản năm 1975, nay định cư ở Nam Cali, cô Nguyễn Thị Nga thư ký của Trường nay ở San Jose.

Bà Chi đối với gia đình tôi có một kỷ niệm, vào năm 1974, một hôm bà khoe với ông Tổng giám thị Trần Văn Sáng là bà có mua một cây táo Thái lan để trồng, nghe thế tôi có nhờ bà mua dùm cho tôi một cây. Rồi tôi trồng cây táo này trước sân nhà, vài năm sau cây táo có trái, đôi khi ăn trái táo nhớ đến bà Chi đã mua dùm cây con mà người ta bán dạo trên xe ba gát.

Một hôm tôi gọi điện thoại tới thăm bà Chi, hỏi thăm nhau, kể chuyện một hồi lâu bà Chi mới hỏi tôi:

- Sao hồi đó, anh có xin cho một đứa cháu vào học, lúc đi khám sức khỏe, anh không nói cho tôi biết mà lại đi nhờ Nha gọi tôi lên để gửi gắm cho cháu ?

Nghe bà Chi nói tôi bị bất ngờ, thật ra tôi có hai cậu em vợ học tại Trường, một là Nguyễn Thanh Quan hai là Bùi Thanh Hải, hình như một bảng vàng và một bảng xanh, cả hai khi khám sức khỏe tôi đều không hề nhờ Nha, đó là bản tánh của tôi không thích nhờ cậy cấp trên, người có quyền thế. Nếu có nhờ cậy, tôi phải nhờ ông Trần Văn Sáng là người thường cùng tôi đi uống cà phê quán Út Bạch Lan ở đình Tân Kiểng, hoặc là đi uống bia với ông Lâm Văn Trân Tổng Giám Xưởng và mấy người bạn Hải Quan.

Tôi bỗng nhớ lại chuyện đã lãng quên từ lâu để trả lời cho bà Chi:

- Thưa chị, tôi không có nhờ Nha việc chi cả. Năm đó, tôi có xin cho một đứa cháu, nhưng sau đó tôi nhường cho cháu của giáo sư Giệp, chắc là ông Ngọc, thân phụ của giáo sư Giệp phong phanh biết tôi sắp thay thế ông Tài, nên đã lợi dụng tên tôi để chị phải hết lòng giúp đứa nhỏ.

- Thì ra thế! Hồi đó, tôi không biết nên nghĩ là anh có pít-tông mạnh lắm. chắc là trên Bộ nên anh không thêm nói với tôi, để Bộ xỉ xuống Nha, Nha kêu tôi lên. Mà anh biết, tôi là nhân viên, nghe cấp trên gọi lo không biết chuyện chi sẽ xảy ra. Tôi trước ở Nha trang xin cho được về Sàigòn làm ở Y tế Học đường thật là khó khăn, nên khi nghe Nha gọi lo sợ bị thuyên chuyển đi tỉnh. Cũng nghĩ vì anh có pít-tông mạnh lắm nên mới được làm Hiệu trưởng!

Tôi phải kể lại cho bà Chi biết ngọn nguồn vì sao ông Phạm Văn Tài chọn tôi làm Hiệu trưởng, chớ tôi không có pít-tông ở Bộ hay Nha chi hết.

Bà Chi được cởi mở tấm lòng cười xòa với tôi:

- Chuyện đã lâu, trong lòng tôi vẫn ấm ức tại sao anh không nói thẳng với tôi, mà để cho Nha gọi lên, làm tôi lo sợ. Vậy là đã ba mươi mấy năm rồi, bây giờ mới giải tỏa được sự ấm ức trong lòng của tôi. Khi nào anh qua Cali, mời anh ghé nhà tôi chơi, có thì giờ thì mua thức ăn về nhà ăn uống nói chuyện lâu lâu một chút, chớ đi tiệm phải ăn uống vội vàng, chẳng nói được chuyện chi hết.

- Khi nào sang Cali, chắc chắn là tôi sẽ nhờ anh Hà Mộng Giao đưa đến thăm anh chị, cũng nhờ anh ấy mà tôi có số điện thoại gọi tới thăm chị hôm nay.

- Anh cho tôi số điện thoại của anh, để thỉnh thoảng gọi thăm anh chị.

Thật là một cuộc điện đàm hữu ích, một là được biết tin một nhân viên cũ của trường, đã trải qua những ngày tháng đầu tiên cuộc sống tị nạn trên đất Mỹ, gian khổ và đầy hy sinh để lo cho con em ăn học, ngày nay đều thành đạt, hai là bà Chi đã được giải tỏa sự ấm ức vì nghĩ rằng cấp trên ỷ thế hà hiếp kẻ dưới quyền, riêng tôi được giải oan sau ba mươi ba năm.

Tôi không phiền ông Ngọc lại càng không phiền anh Giệp về việc mượn oai hùm này, cám ơn bà Chi đã cởi mở tấm lòng, nói ra một chuyện không vừa ý mà mình phải chịu đựng bấy lâu, nhờ vậy tôi mới có dịp giải tỏa, khỏi chịu hàm oan.

2-5-2009
Derby Day

Tuesday, October 19, 2010

Tứ Công Tử

Tứ Công tử thời Chiến Quốc

Cùng thòi Chiến Quốc có bốn người được gọi là Tứ Công Tử, đó là Mạnh Thường Quân công tử nước Tề, Bình Nguyên Quân công Tử nước Triệu, Tín Lăng Quân công tử nước Nguỵ và Xuân Thân Quân người nước Sở cũng hào phóng chiêu hiền đãi sĩ ngang hang như ba công tử trên, nên được liệt vào tứ công tử bởi vì mỗi người đều cá vài ngàn tân khách trong nhà, đều từng làm tướng cầm binh đánh Tần.

Bình Nguyên quân (chữ Hán: 平原君; ? - 253 TCN) tên thật là Triệu Thắng (赵胜), là công tử nước Triệu, một trong Tứ công tử Chiến Quốc, Thắng là người hiền hơn cả. Thắng thích tân khách, tân khách đến độ mấy nghìn người. Bình Nguyên Quân làm tể tướng cho Triệu, Huệ Văn Vương và Hiếu Thành Vương, ba lần thôi không làm tể tướng, ba lần trở lại địa vị, được phong ở Đông Vũ Thành.

Lầu nhà Bình Nguyên Quân nhìn xuống nhà dân. Nhà dân có người què khập khiểng ra múc nước. Mỹ nhân của Bình Nguyên Quân ở trên lầu trông thấy thế cười rộ. Hôm sau, người què đến cửa nhà Bình Nguyên Quân, nói :

- Tôi nghe nói ngài yêu kẻ sĩ, sở dĩ kẻ sĩ không ngại xa ngàn dặm mà đến là vì ngài biết quý kẻ sĩ mà khinh thường bọn tỳ thiếp. Tôi không may bị tàn tật, thế mà hậu cung của ngài lại cười. Tôi xin cái đầu con người đã cười chế nhạo tôi.

Bình Nguyên Quân cười đáp :

- Vâng.

Người què ra đi. Bình Nguyên Quân cười mà rằng :

- Thằng kia lại muốn lấy cớ một nụ cười mà đòi giết mỹ nhân của ta. Thật là quá đáng!

Rốt cuộc, Bình Nguyên Quân không giết.

Được hơn một năm, tân khách,môn hạ, xá nhân dần dần bỏ đi quá nữa. Bình Nguyên Quân lấy làm lạ, nói :

- Thắng đối đãi các vị chưa hề dám thất lễ. Tại sao nhiều người lại bỏ đi như thế?

Một người môn hạ bước ra, nói :

- Vì ngài không giết mỹ nhân đã cười chế nhạo con người què kia, vì ngài yêu sắc đẹp mà khinh thường kẻ sĩ cho nên kẻ sĩ bỏ đi đó thôi.

Bình Nguyên Quân bèn chém đầu mỹ nhân đã cười chế nhạo người què, đoạn thân hành đến nhà người què tạ lỗi. Sau đó, các môn hạ dần dần trở lại.

Thời bấy giờ ở nước Tề có Mạnh Thường Quân, ở nước Ngụy có Tín Lăng Quân, ở nước Sở có Xuân Thân Quân đều ra sức đua nhau về mặt tiếp đãi kẻ sĩ.

Quân Tần vây Hàm Đan (Năm - 260 - tướng Tần Bạch Khởi đánh thắng quân Triệu ở Trường Bình. Năm - 258, vây hãm thủ đô của Triệu là Hàm Đan.) Vua Triệu sai Bình Nguyên Quân đi cầu cứu, tôn Sở làm minh chủ, hợp tung đánh Tần. Bình Nguyên Quân định đem hai mươi người thực khách, môn hạ có dũng lực và đủ tài văn võ để cùng đi. Bình Nguyên Quân nói :

- Nếu dùng văn mà xong xuôi thì tốt. Dùng văn không xong thì bất luận thế nào, cũng phải uống máu ăn thề ở nơi miếu đường, phải định xong hợp tung rồi mới về. Không tìm kẻ sĩ ở ngoài, chỉ lấy trong số thực khách, môn hạ cũng đủ.

Bình Nguyên Quân chỉ chọn được mười chín người, còn ra không đáng lấy, nên không làm sao đủ con số hai mươi. Có người môn hạ là Mao Toại bước ra, tự tiến cử mình với Bình Nguyên Quân :

- Toại nghe nói ngài sắp hợp tung với Sở, định cùng đi với hai chục người thực khách môn hạ mà không tìm ở ngoài. Nay còn thiếu một người, vậy xin ngài lấy ngay Toại này cho đủ số mà đi.

Bình Nguyên Quân nói :

- Tiên sinh làm môn hạ ở nhà Thắng đến nay đã mấy năm rồi?

Mao Toại đáp :

- Đến nay đã ba năm.

Bình Nguyên Quân nói :

- Phàm kẻ sĩ tài giỏi ở trên đời, cũng như cái dùi ở trong túi, mũi dùi phải lòi ngay ra chứ! Tiên sinh ở nhà Thắng đến nay đã ba năm, xung quanh không thấy ai khen ngợi, tiến cử. Thắng vẫn chưa nghe gì, thế tức là tiên sinh không có tài năng, tiên sinh không đi được đâu, tiên sinh ở lại thôi. Mao Toại nói :

- Tôi mãi hôm nay mới xin vào ở trong túi đấy thôi. Nếu Toại tôi sớm ở trong túi thì tất cả cái dùi đều lộ ra ngoài, chứ thèm để lộ cái mũi dùi mà thôi đâu.

Bình Nguyên Quân bèn cùng Toại ra đi. Mười chín người kia đưa mắt nhìn tỏ ý cười Toại, nhưng không nói ra.

Khi đến nước Sở, Mao Toại cùng mười chín người kia bàn bạc. Cả mười chín người đều phục.

Bình Nguyên Quân bàn với nước Sở về việc hợp tung, nói sự lợi hại như thế nào, suốt từ khi mặt trời mọc cho đến lúc đứng bóng vẫn chưa vào đâu. Mười chín người bảo Mao Toại :

- Ông lên đi.

Mao Toại chống kiếm thoăn thoắt bước lên các bậc thềm, bảo Bình Nguyên Quân :

- Việc hợp tung lợi hay hại thì chỉ hai tiếng là đủ quyết định. Nay ngài bàn việc hợp tung từ lúc mặt trời mọc, đến khi mặt trời đứng bóng còn chưa xong là cớ làm sao?

Vua Sở hỏi Bình Nguyên Quân :

- Khách làm gì thế?

Bình Nguyên Quân nói :

- Đó là xá nhân của Thắng đấy.

Vua Sở quát :

- Xuống ngay đi! Ta nói chuyện với chủ nhà ngươi, nhà ngươi làm cái trò gì thế?

Mao Toại chống kiếm tiến lên :

- Nhà vua sở dĩ quát mắng Toại là vì nhà vua cho rằng nước Sở đông người! Nay trong vòng mười bước thì nhà vua không thể cậy vào chỗ nước Sở đông người được! Tính mạng của nhà vua đang nằm trong tay Toại. Chủ tôi ngồi đấy, tại sao lại nhiếc mắng tôi? Vả chăng Toại nghe : vua Thang chỉ có bảy mươi dặm đất mà làm vương thiên hạ, vua Văn Vương chỉ có một trăm dặm đất mà chư hầu thần phục. Họ được như vậy đâu phải vì binh sĩ họ đông? Trái lại đó chẳng qua vì họ khéo giữ lấy thế, nhờ đó, trổ cái oai của họ mà thôi. Nay nước Sở, đất vuông năm ngàn dặm, kẻ cầm kích một trăm vạn người ; đó là chỗ dựa để dựng lên cơ nghiệp bá vương. Nước Sở mạnh như vậy, thiên hạ ai địch nổi. Bạch Khởi chẳng qua chỉ là một thằng nhãi mà thôi! Nhưng hắn đem mấy vạn quân gây chiến với Sở, đánh một trận thì lấy được đất Yển, đất Sính, đánh hai trận đốt cháy Di Lăng, đánh ba trận làm nhục đến tiên nhân nhà vua. Đó là cái oán trăm đời, nước Triệu lấy thế làm xấu hổ, thế mà nhà vua không biết xấu. Kế hợp tung là vì lợi ích của nước Sở chứ đâu phải vì lợi ích của nước Triệu! Chủ tôi ngồi đấy mà quát mắng tôi là lại làm sao?

Vua Sở nói :

- Vâng, vâng! Quả thât đúng như lời tiên sinh dạy. Tôi xin đem nước nhà theo kế hợp tung.

Mao Toại nói :

- Việc hợp tung đã quyết định chưa?

Vua Sở nói :

- Quyết định rồi.

Mao Toại bảo những người hầu cận vua Sở :

- Lấy máu gà, chó, ngựa đem lại đây!

Mao Toại bưng chiếc mâm đồng, quỳ dâng vua Sở, nói :

- Xin nhà vua uống máu định việc hợp tung; rồi đến chủ tôi, sau nữa đến Toại!

Bèn định việc hợp tung ở ngay trên điện. Mao Toại tay trái bưng mâm huyết, tay phải vẫy mười chín người kia, nói :

- Các anh đem huyết này uống với nhau ở dưới thềm, các anh xoàng lắm, thật là nhờ người ta mà nên việc vậy.

Khi định hợp tung xong, về đến nước Triệu, Bình Nguyên Quân nói :

- Thắng từ nay không dám xem xét kẻ sĩ nữa. Thắng xem xét kẻ sĩ, nhiều kể có nghìn người, ít ra cũng có vài trăm, đã tự cho là mình không bỏ xót nhân tài trong thiên hạ, thế mà nay bỏ sót Mao tiên sinh đấy. Mao tiên sinh đến Sở một phen, làm cho thanh thế nước Triệu được tôn trọng hơn chín vạc, hơn chuông Đại Lữ. Ba tấc lưỡi của Mao tiên sinh mạnh hơn đạo quân trăm vạn.

Thắng này không dám xem xét kẻ sĩ nữa!

Bèn tôn Toại làm thượng khách.

Sau khi Bình Nguyên Quân về Triệu, vua Sở sai Xuân Thân Quân đến cứu Triệu. Tín Lăng Quân cũng giả mệnh vua Ngụy dành lấy quân của Tấn Bỉ đến cứu Triệu. Nhưng đều chưa đến. Quân Tần vây Hàm Đan gấp. Hàm Đan nguy ngập sắp đầu hàng. Bình Nguyên Quân rất lo lắng.

Con người coi trạm ở Hàm Đan là Lý Đồng nói với Bình Nguyên Quân :

- Ngài không lo nước Triệu mất hay sao?

Bình Nguyên Quân nói :

- Nước Triệu mất thì Thắng bị bắt làm tù, không lo sao được?

Lý Đồng nói :

- Dân thành Hàm Đan lấy xương người chết mà nấu củi, đổi con cho nhau để ăn, tình thế nguy ngập lắm rồi, thế mà hậu cung của ngài có đến hàng trăm người, tỳ thiếp thì mặc lụa là, gạo thịt thì thừa mứa. Trái lại, dân áo ngắn không được lành, tấm cám không có đủ mà ăn. Dân nguy khốn, binh khí hết : có người đẽo gỗ làm dáo, làm tên. Trái lại, đồ dùng chuông khánh của ngài vẫn như xưa. Nếu Tần phá nước Triệu thì ngài làm sao có được những đồ ấy? Nếu nước Triệu còn, ngài lo gì không có? Nay ngài có thể khiến từ phu nhân trở xuống đều ghi tên vào hàng ngũ sĩ tốt, chia việc mà làm, đem tất cả của cải trong nhà ra phân tán để nuôi quân sĩ. Quân sĩ đang trong lúc nguy khốn thì họ dễ cảm thấy ân đức của ngài.

Bình Nguyên Quân nghe theo, kết quả có ba nghìn người cảm tử. Lý Đồng bèn cùng ba nghìn người xông vào đánh quân Tần. Quân Tần vì vậy phải lui ba mươi dặm. Lại gặp lúc cứu binh của nước Sở, nước Ngụy đến, quân Tần bèn rút lui. Hàm Đan được bảo toàn, Lý Đồng chết trận, người cha được phong làm Lý Hầu.

Ngu Khanh muốn xin vua Triệu phong thêm đất cho Bình Nguyên Quân, vì Bình Nguyên Quân đã cầu được Tín Lăng Quân đến cứu thành Hàm Đan.

Công Tôn Long nghe vậy đang đêm đi xe ngựa đến yết kiến Bình Nguyên Quân, nói :

- Long tôi nghe nói Ngu Khanh muốn xin phong thêm đất cho ngài, vì cớ Tín Lăng Quân đã cứu được thành Hàm Đan, điều đó có hay không?

Bình Nguyên Quân nói :

- Có.

Long nói :

- Việc này rất không nên. Nhà vua cho ngài làm tể tướng nước Triệu, không phải vì trong nước Triệu không có ai tài năng và mưu trí như ngài. Nhà vua cắt đất Đông Vũ Thành để phong cho ngài, không phải vì ngài có công, còn người trong nước thì không có công, mà chỉ vì ngài là thân thích đó thôi. Ngài sở dĩ nhận ấn tể tướng không từ chối vì cớ mình bất tài, được cắt đất không từ chối vì cớ mình không có công, đó cũng vì ngài tự cho mình là thân thích. Nay nếu nhân việc cầu được Tín Lăng Quân cứu Hàm Đan mà xin đất phong, thế tức là ngài một mặt được phong ấp vì cớ là thân thích, lại một mặt kể công để được phong như mọi người thường trong nước, thực là không hợp lý chút nào. Vả chăng Ngu Khanh nắm cả hai mặt. Nếu việc thành thi ông ta nắm cái khế đòi nợ ấy để đòi ngài báo ơn; nếu việc không thành thì ông ta vẫn được cái hư danh khiến ngài phải chịu ơn ông ta. Ngài nhất định đừng nghe.

Bình Nguyên Quân bèn không nghe lời Ngu Khanh.

Bình Nguyên Quân chết năm thứ mười lăm đời Hiếu Thành Vương nước Triệu (-251 trước công nguyên). Con cháu nối dõi đời đời, mãi đến khi nước Triệu mất mới hết

Tín Lăng quân (信陵君) tên thật là Ngụy Vô Kỵ (魏无忌, ?-243 TCN) là con út vua Ngụy Chiêu Vương, em cùng cha khác mẹ với Nguỵ An Ly Vương. Năm 277 TCN, Ngụy Chiêu Vương chết, An Ly Vương nên ngôi, phong Ngụy Vô Kỵ là Tín Lăng Quân. Bấy giờ Phạm Thư bỏ nước Ngụy, trốn sang Tần làm thừa tướng, vì thù óan Ngụy Tề nên quan Tần vây thanh Đại Lương phá quan Ngụy ở gần núi Hoa Dương, đánh tướng Ngụy là Mang Mảo bỏ chạy, vua Ngụy và công tử lo sợ.

Công tử là người nhân hậu, biết khiêm tốn đối với kẻ sĩ. Kẻ sĩ không kể người hiền hay người dở. công tử đều khiêm tốn, lấy lễ đối đãi, không dám cậy mình là người giàu sang mà kiêu ngạo đối với họ. Vì vậy kẻ sĩ trong mấy ngàn dặm đều tranh nhau theo. Khách ăn đến ba nghìn người. Lúc bấy giờ chư hầu cho công tử là người hiền, có nhiều khách, đã hơn mười năm không dám đem binh đánh Ngụy.

Công tử đang cùng vua Ngụy đánh cờ, bỗng ở biên giới phía bắc khói đốt lên để báo hiệu, vua nói:

Giặc Triệu đến, sắp vào bờ cõi.

Vua Ngụy thôi đánh cờ, muốn triệu tập các quan đại thần để bàn công việc. Công tử can nhà vua, nói:

Không phải có giặc đâu. Đấy là vua Triệu đi săn đấy thôi.

Rồi lại đánh cờ như cũ. Vua lo sợ không còn bụng dạ nào nghĩ đến việc đánh cờ. Lát sau, có người từ phương bắc đem tin về nói:

Đó là vua Triệu đi săn chớ không phải có giặc cướp:

Vua Triệu cả kinh, hỏi:

Tại sao công tử lại biết điều đó?

Công tử nói:

Khách khanh của thần có người dò biết được những việc bí mật của vua Triệu. Vua Triệu làm gì thì người khách ấy báo ngay với thần, cho nên thần biết.

Sau đó, vua Ngụy sợ công tử vì hiền và có tài nên không dám giao việc chính sự trong nước cho công tử.

Thời đó nước Ngụy có người ẩn sĩ tên là Hầu Doanh đã bảy mươi tuổi, làm chức giữ cửa thành Di Môn của Đại Lương, kinh đô nước Ngụy. Tín Lăng Quân nghe tin đến mời muốn đem hậu lễ để tặng nhưng Hầu Doanh nhất định không nhận. Ông liền đặt tiệc rượu đâu đấy chỉ để chỗ ngồi bên trái bỏ trống, thân hành đi đón Hầu Doanh, đối đãi hết mực cung kính. Sau đó ông lại tự mình đánh xe cho Hầu Doanh, dù Hầu Doanh cố ý đòi vào thăm bạn là người hàng thịt Chu Hợi ở chợ, nói chuyện rất lâu, Vô Kỵ cũng không tỏ ý khó chịu. Khi đến nhà, công tử dẫn Hầu Doanh lên ngồi ghế trên, giới thiệu và khen ngợi Hầu Doanh với các tân khách, còn mời rượu chúc tho Hầu Doanh. Hầu Doanh cảm phục sự khiêm nhường với kẻ sĩ của công tử, nên bằng lòng theo. Sau đó Hầu Doanh lại tiến cử Chu Hợi là người làm hàng thịt cho Tín Lăng Quân. Mặc dù vậy Chu Hợi không hề đáp lễ.

Tín Lăng Quân là người hiền tài, những thực khách dưới quyền ông lại có nhiều người giỏi giúp đỡ nên vua Ngụy sợ không dám giao việc chính sự trong nước cho ông. Lúc đó nước Tần đã trở thành nước mạnh nhất trong các nước chư hầu. Năm 257 TCN, quân Tần bao vây thành Hàm Đan, kinh đô nước Triệu. Tể tướng nước Triệu là Bình Nguyên Quân, là anh rể của Tín Lăng Quân, cho người gửi thư xin nước Ngụy cưu viện. Vua Ngụy sai tướng quân Tấn Bỉ cầm mười vạn quân đi cứu Triệu nhưng vì bị sứ Tần sang doạ sẽ đánh Nguỵ nên Nguỵ vương ra lệnh cho Tấn Bỉ đóng quân án binh bất động chờ tình hình chiến sự hai bên.

Vua Sở Khảo Liệt vương theo ước hợp tung, cũng sai Xuân Thân Quân Hoàng Yết mang quân sang cứu, nhưng quân Sở cũng khiếp sợ sức mạnh của quân Tần nên đóng quân từ xa không dám đánh.

Bình Nguyên Quân liên tục cho người sang giục Tín Lăng Quân xin quân tiếp viện. Tín Lăng Quân mấy lần xin Ngụy Vương, và giục các tân khách biện sĩ tìm đủ mọi cách nói với Ngụy Vương. Nhưng Ngụy Vương sợ Tần, rốt cuộc không nghe lời ông. Ông liền đem hết người trong nhà định sang Triệu liều chết với quân Tần. Trước khi ra đi ông đến cổng thành Di Môn để từ biệt Hầu Doanh. Hầu Doanh nói với ông:

- Công tử yêu kẻ sĩ nổi tiếng khắp thiên hạ, nay gặp nạn không có phương kế nào khác mà lại muốn lao vào quân Tần, thế cũng như là ném thịt cho hổ đói chứ có ích gì đâu! Như thế thì dùng tân khách làm cái gì?

Tín Lăng quân lạy hai lạy và hỏi. Hầu Sinh bèn đuổi những người xung quanh ra rồi nói riêng với ông:

- Doanh này nghe nói “Binh phù” của Tấn Bỉ thường để ở trong phòng ngủ của nhà vua mà nàng Như Cơ được nhà vua rất yêu, ra vào nơi phòng ngủ của nhà vua, có thể ăn trộm được. Doanh nghe nói cha của Như Cơ bị người ta giết. Như Cơ chứa giận ba năm, muốn tìm người báo thù cho cha, nhưng từ nhà vua trở xuống, không được một người nào. Như Cơ khóc với công tử. Công tử sai người khách chém đầu kẻ thù kính dâng lên Như Cơ. Như Cơ muốn báo ơn công tử, chết cũng không từ chối, nhưng vẫn chưa có dịp đấy thôi. Nay nếu công tử mở miệng nói với Như Cơ một lời thì thế nào Như Cơ cũng bằng lòng. Một khi đã có được “hổ phù”, giành lấy quân đội của Tấn Bỉ, đem quân về phía Bắc, cứu nước Triệu, đuổi nước Tần về phía Tây, đó là công lao của Ngũ bá đời xưa.

Nguỵ Vô Kỵ nghe theo kế của Hầu Doanh, nói với Như Cơ. Như Cơ quả nhiên trộm được binh phù của Nguỵ vương dưa cho ông. Ông chuẩn bị ra đi, Hầu Doanh nói:

- Công tử đến ghép phù, nếu như Tấn Bỉ không trao quân cho công tử mà lại muốn hỏi lại nhà vua thì công việc thế nào cũng hỏng mất. Người khách của tôi là anh hàng thịt Chu Hợi có thể cùng đi với công tử, anh ta là một lực sĩ. Nếu như Tấn Bỉ nghe theo thì tốt lắm. Nếu không thì sẽ sai đâm chết.

Công tử liền khóc, Hầu sinh nói:

Công tử sợ chết hay sao ? Tại sao lại khóc ?

Công ttử nói:

- Tấn Bỉ là một vị lão tướng oai vệ. Tôi khóc vì sợ đến ông ta không nghe, phải giết ông ta mà thôi.

Công tử bèn mời Chu Hợi, Chu Hợi cười mà rằng:

- Tôi là anh hàng thịt, múa đao ở nơi chợ búa, mà công tử lại thân hành mấy lẩn đến thăm hỏi. Tôi sở dĩ không đáp lễ là vì nghĩ rằng không cần gì cái trò lễ nghi lặt vặt ấy. Nay công tử có việc nguy cấp, đó là lúc tôi hiến tính mạng cho công tử.

Bèn cùng công tử ra đi. Công tử đi qua tạ ơn Hầu Doanh. Hầu Doanh nói:

- Tôi đáng lý phải đi theo, nhưng đã già đi không được, xin tính ngày công tử đến quân đội Tấn Bỉ, tôi sẽ quay đầu về hướng bắc, tự đâm vào cổ để tiễn công tử.

Đến đất Nghiệp, ông giả lệnh của Ngụy vương thay Tấn Bỉ. Tấn Bỉ ghép phù lấy làm ngờ, giơ tay, nhìn ông nói:

- Nay tôi cầm binh mười vạn, đóng đồn ở nơi biên giới là một công việc nặng nề của nước. Ông đi một chiếc xe đến đây thay tôi, là nghĩa thế nào?

Tấn Bỉ ý không chịu nghe theo. Chu Hợi giấu ở trong ống áo cái chùy sắt bốn mươi cân, xông ngay đến đánh Tấn Bỉ chết. Tín Lăng quân bèn nắm lấy ấn tướng, chỉ huy quân của Tấn Bỉ, chỉnh đốn lại đội ngũ, ra lệnh trong quân:

Nếu cả cha và con đều ở trong quân, thì cha trở về; nếu cả anh và em ở trong quân thì anh trở về; nếu là con một không có anh em thì trở về mà nuôi cha mẹ.

Ông lựa trong 10 vạn quân của Tấn Bỉ được 8 vạn quân, hăng hái tiến lên quyết chiến với quân Tần. Tướng Tần là Vương Lăng thấy hai cánh quân cứu viện lâu ngày không dám tiến, nghĩ rằng quân chư hầu nhát, không ngờ quân Nguỵ ồ ạt kéo đến. Nguỵ Vô Kỵ dẫn quân kịch chiến với quân Tần. Quân Tần thua trận, phải giải vây rút lui.

Vua Triệu và Bình Nguyên Quân thân hành đón công tử ở biên giới, Bình Nguyên Quân mang cung, túi tên đi trước dẫn đường, vua Triệu lạy hai lạy nói:

Người hiền từ xưa đến nay, chưa có ai bằng cong tử.

Lúc bấy giờ Bình Nguyên Quân không dám so sánh với công tử. Kể từ khi công tử cùng Hầu Doanh từ biệt đến khi đến quân doanh thì quả nhiên Hầu Doanh quay mặt về phía bắc mà tự đâm cổ chết.

Nguỵ Vô Kỵ biết vua Ngụy giận mình ăn trộm binh phù của mình, lừa giết Tấn Bỉ, nên sau khi đã đuổi quân Tần, cứu được nước Triệu, ông sai các tướng đem quân trở về nước Ngụy, còn mình cùng với những người khách ở lại nước Triệu.

Triệu Hiếu Thành Vương bàn với Bình Nguyên Quân phong cho ông năm thành. Ban đầu Tín Lăng quân nghe tin đó, có ý kiêu căng về công trạng, nhưng sau nghe lời tân khách, ông tỏ ra khiêm nhường với Triệu vương, không nhận công lao. Triệu vương tin rằng ông sẽ từ chối lấy 5 thành nên cho ông đất Hoắc để làm thực ấp. Sau đó Ngụy vương cũng lại cho ông hưởng lộc đất Tín Lăng như cũ, nhưng công tử vẫn ở lại nước Triệu.

Công tử nghe nói ở nước Triệu có Mao Công ẩn mình giữa những người đánh bạc, Tiết công ẩn mình giũa những người bán tương, công tử muốn gặp hai người ấy. Hai người ấy trốn tránh không chịu ra tiếp công tử. Công tử biết chỗ họ ở, bèn đi bộ một mình đến nhà, từ đó hai người kia chơi với công tử rất là trương đắc. Bình Nguyên Quân nghe vậy nói với vợ: là người có một không hai trong thiên hạ; nay ta xem ra thì ông ta lại chơi với bọn đánh bạc và bọn bán tương

- Lúc đầu ta nghe nói người em của phu nhân là người có một không hai trong thiên hạ; nay ta xem ra thì ông ta lại chơi bời với bọn đánh bạc và bọn bán tương, công tử chỉ là ngưòi gàn thôi.

Phu nhân nói với công tử, công tử bèn từ tạ ra đi và nói với phu nhân:

- Lúc đầu, tôi nghe nói Bình Nguyên Quân là người hiền cho nên to6i phụ bạc vua Ngụy mà cứu nước Triệu để xứng đáng với Bình Nguyên Quân. Cách giao du Bình Nguyên Quân chỉ cốt tân khách cho nhiều để tụ khoe khoang mà thôi, chớ không tìm kẻ hiền sĩ, Vô Kỵ từ khi ở Đại Lương vẫn thường nghe nói hai người này là người hiền, khi đến Triệu, sợ không gặp mặt. Vô Kỵ chơi với họ, còn sợ họ không muốn chơi với mình nữa kia nay Bình Nguyên Quân lấy thế làm thẹn, như vậy Bình Nguyên Quân không phải là người đáng cùng giao du. Có lẽ không hơi đâu mà giao du với ông ta nữa.

Bèn chuẩn bị hành lý để đi. Phu nhân đem tất cả nói lại với Bình Nguyên Quân, Bình Nguyên Quân bèn cất mũ để xin lỗi, cố ý giũ! công tử lại. Môn hạ Bình Nguyên Quân nghe vậy, một nữa bỏ Bình Nguyên Quâmn mà theo công tử. Kẻ sĩ trong thioên hạ lại đến theo công tử. Công tử làm cho khách của Bình Nguyên Quân đổ về công tử

Tín Lăng Quân ở lại Triệu mười năm không về, nước Tần nghe tin ông ở Triệu, sai tướng là Mông Ngao ngày đêm đem binh về hướng Đông đánh Ngụy. Vua Ngụy lo lắng, sai sứ đến mời ông về. Ban đầu Tín Lăng quân sợ vua Nguỵ giận nên không muốn về.

Mao Công và Tiết Công đến gặp ông khuyên rằng:

- Sở dĩ công tử được trọng ở Triệu, nổi danh khắp chư hầu, là vì có nước Ngụy. Nay Tần đánh Ngụy, Ngụy nguy cấp mà công tử không lo đến. Nếu nước Tần phá thành Đại Lương, san phẳng tôn miếu của tiên vương thì công tử còn mặt mũi nào mà đứng trong thiên hạ?

Tín Lăng Quân hiểu ra, lập tức lên đường về nước.

Vua Ngụy thấy công tử, hai người cùng khóc. Nguỵ vương trao cho ông ấn thượng tướng quân. Năm 247 TCN, ông sai sứ báo khắp các chư hầu, chư hầu nghe ông làm tướng, đều sai tướng đem quân cứu Ngụy. Tín Lăng Quân cầm quân cả năm nước đánh tan quân Tần ở Hà Ngoại. Tướng Tần là Mông Ngao bỏ chạy.

Nguỵ Vô Kỵ thừa thắng đuổi quân Tần đến ải Hàm Cốc, chẹn đường quân Tần, quân Tần không dám ra. Kể từ trận đó uy thế của ông nổi khắp các nước chư hầu.

Tín Lăng Quân được thiên hạ ngưỡng mộ, lại có phần đắc chí. Khách các nước chư hầu dâng binh pháp, Tín Lăng Quân đều chiếm lấy làm của mình, cho nên thế tục gọi là Ngụy công tử binh pháp.

Tần Chiêu Tương vương lo lắng, bèn cho người đem một vạn cân vàng sang nước Ngụy, tìm người khách của Tấn Bỉ, khiến người này gièm ông với Ngụy Vương rằng:

- Công tử trốn ra nước ngoài đã mười năm nay làm tướng nước Ngụy, chư hầu đều theo. Chư hầu chỉ nghe nói Ngụy công tử không nghe nói đến vua Ngụy. Công tử nhân lúc này muốn quay mặt về hướng Nam làm vua. Chư hầu sợ uy công tử cũng muốn cùng nhau lập công tử.

Nước Tần mấy lần sai phản gián, giả vờ mừng công tử được lập làm Ngụy Vương. Ngụy An Ly Vương ngày nào cũng nghe lời gièm pha cuối cùng tin theo, sai người khác thay ông làm tướng.

Công tử biết mình vì gièm pha mà bị phế truất bèn cáo bệnh sa vào tửu sắc, ngày đêm vui chơi. Bốn năm sau, năm 243 TCN, ông mắc bệnh vì rượu mà qua đời, không rõ bao nhiêu tuổi.

Vua Tần nghe tin ông mất, bèn sai Mông Ngao đánh Ngụy lấy hai mươi thành, sau đó nước Tần dần dần chiếm nuốt Ngụy, 18 năm sau thì bắt Ngụy Vương, làm cỏ dân thành Đại Lương, tiêu diệt nước Ngụy (225 TCN).

Năm 195 TCN, sau khi đánh dẹp Anh Bố trở về, Hán Cao Tổ cho đặt năm nhà để giữ mồ mả tế Tín Lăng quân, hàng năm bốn mùa tế tự ông.

Mạnh Thường quân (尝君) tên thật là Điền Văn (田文), người nước Tề, ông là con của Tướng Quốc Điền Anh. Ông là một người giàu có, lại có lòng nghĩa hiệp, thích chiêu hiễn đãi sĩ, văn cũng như võ trong nhà lúc nào cũng tiếp đãi đến vài nghìn tân khách. Tiếng tốt đồn vang khắp các nước chư Hầu thời bấy giờ.

Quan Tướng Quốc Điền Anh dưới thời Tề Mân Vương có hơn 40 người con trai. Ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch, một người tiện thiếp của Điền Anh sinh một người con trai là Điền Văn, Điền Anh bảo người thiếp bỏ đi đừng nuôi. Người tiện thiếp thương con nên không nỡ bỏ, lén nuôi riêng một chỗ kín. Khi Điền Văn được 5 tuổi, người thiếp dắt Điền Văn ra mắt Điền Anh, Điền Anh nổi giận vì người thiếp trái mệnh. Điền Văn liền dập đầu thưa rằng:

- Vì cớ nào mà cha nỡ bỏ con?

Điền Anh đáp:

- Người đời thường nói ngày mùng 5 tháng 5 là ngày hung, sanh con nhằm ngày ấy lớn lên nó cao bằng cái cổng, sẽ bất lợi cho cha mẹ.

Điền Văn thưa rằng: - Người ta sanh ra thọ mệnh ở Trời, lẽ nào thọ mệnh ở cái cổng. Nếu quả thọ mệnh ở cái cổng thì sao cha không xây cái cổng cho cao lên.

Điền Anh nghe con trẻ nói thế thì không biết trả lời ra sao, nhưng nghĩ rằng đứa bé nầy rất khác thường, nên bắt đầu để ý chăm nom dạy dỗ nó.

Khi được 10 tuổi thì Điền Văn đã biết tiếp tân khách. Tân khách rất thích chơi với Văn vì cậu bé rất thông minh và có nhiều tư tưởng lạ. Sứ giả các nước đến Tề đều yêu cầu tiếp xúc Điền Văn. Điền Anh cho Điền Văn là người hiền, nên rất thương yêu, lập làm đích tử, nối dòng Tiết Công, gọi là Mạnh Thường Quân.

Mạnh Thường Quân nối nghiệp cha, xây nhà quán xá lớn thêm để chứa những kẻ sĩ trong thiên hạ. Tất cả kẻ sĩ đến đều được thu dụng, không phân biệt sang hèn, giỏi dở.

Mạnh Thường Quân dẫu làm quan lớn hiển hách nhưng vẫn ăn uống giống như tân khách. Có một hôm đãi khách ăn đêm, đèn soi không rõ, có một khách ngờ rằng cơm có hai hạng bèn ném đũa xin đi. Điền Văn tự đứng dậy, đến nơi rọi đèn vào cơm để so sánh, quả nhiên cơm đều như nhau. Vị tân khách ấy than rằng:

- Mạnh Thường Quân đều đãi khách đồng một bực mà ta đem lòng ngờ vực, thật là tiểu nhân, còn mặt mũi nào nhìn ông ấy nữa.

Nói xong thì lấy dao tự đâm cổ chết, không ai ngăn kịp. Mạnh Thường Quân thương khóc thảm thiết. Các tân khách đều cảm động, theo về càng lúc càng đông.

Các nước chư Hầu nghe tiếng Mạnh Thường Quân là người hiền, có nhiều tân khách tài giỏi, nên đều tôn trọng nước Tề, không dám xâm phạm bờ cõi nước Tề.

Bấy giờ, vua nước Tần là Tần Chiêu Vương nghe tiếng Mạnh Thường Quân là người hiền, muốn triệu họ Mạnh sang Tần nhưng biết họ Mạnh đang làm Tướng Quốc nước Tề thì làm sao cầu được. Một vị cận thần tâu:

- Bệ hạ nên đem con em thân tín sang Tề làm con tin rồi dùng lễ vật mời Mạnh Thường Quân. Vua Tề tin Tần, ắt phải cho Mạnh Thường Quân đi. Bệ hạ được Mạnh rồi thì liền phong chức Tướng Quốc, hai nước Tần và Tề giao hảo, rồi cùng bàn mưu thôn tính chư Hầu, chẳng còn khó chi nữa.

Vua Tần nghe theo, cử Kinh Dương Quân qua Tề làm con tin, đổi Mạnh Thường Quân sang Tần. Các tân khách đều khuyên Mạnh Thường Quân không nên đi vì Tần là nước hổ lang trí trá, qua Tần rồi ắt Tần không cho về.

Khuông Chương bèn tâu với Tề Mân Vương:

- Nước Tần đưa con tin sang mà cầu được tiếp kiến Mạnh Thường Quân là ý muốn thân thiện với Tề. Nếu Mạnh Thường Quân không đi thì mất lòng Tần, mà nếu giữ con tin của Tần thì tất không tin Tần. Chi bằng cứ lấy lễ đãi Kinh Dương Quân rồi cho trở về Tần, sau đó sai Mạnh Thường Quân đi sứ sang Tần đáp lễ. Như vậy tất vua Tần tin nghe Mạnh Thường Quân mà hậu với Tề.

Tề Mân Vương cho là phải, làm y theo kế hoạch.

Mạnh Thường Quân vâng mệnh đi sứ, đem theo hơn ngàn tân khách sang Tần. Khi đến Hàm Dương, vào yết kiến vua Tần. Vua Tần xuống tận thềm để đón Mạnh Thường Quân và kể cái lòng yêu mến bấy lâu.

Mạnh Thường Quân có cái áo hồ cừu rất quí, dùng làm lễ vật dâng lên vua Tần. Vua giao áo cho quan giữ kho cất.

Vua Tần định phong Mạnh Thường Quân làm Tể Tướng. Vu Lý Tật sợ vua dùng họ Mạnh thì mình mất quyền, bèn cùng Công Tôn Thích tâu với vua Tần:

- Mạnh Thường Quân là người nước Tề, nay làm tướng nước Tần tất hắn phải lo cho Tề trước rồi sau mới lo cho Tần. Mạnh Thường Quân là người hiền tài, chung quanh lại có nhiều bộ hạ tài giỏi, như vậy thì nguy cho Tần lắm.

Vua Tần hỏi: - Nếu vậy thì cho Mạnh Thường Quân trở về nước Tề hay sao?

Vu Lý Tật tâu: - Mạnh Thường Quân đã ở nước Tần hơn một tháng, khách theo hơn ngàn người, nên đã biết tất cả việc nhỏ việc lớn của nước Tần, nếu nay cho họ về thì ắt hại cho Tần, chi bằng nên giết đi.

Vua Tần còn đang lưỡng lự, bèn tạm cho Mạnh Thường Quân ra ở quán xá chờ đợi. Kinh Dương Quân cảm mến Mạnh Thường Quân nên lén cho hay mưu kế của Vu Lý Tật. Mạnh Thường Quân lo sợ, hỏi Kinh Dương Quân có kế chi giúp mình không. Kinh Dương Quân nói:

- Vua Tần chưa quyết định. Trong cung có nàng Yên Cơ được vua Tần rất yêu, nói gì vua cũng nghe, nếu Ngài có vật chi quí báu, tôi sẽ vì Ngài đem dâng cho Yên Cơ để cầu nàng nói giúp một lời, tất Ngài có thể thoát họa mà trở về Tề.

Mạnh Thường đem dâng đôi bạch bích. Yên Cơ nói:

- Thiếp rất thích thứ áo hồ cừu trắng của Tề, nếu cho thiếp một cái thiếp sẽ nói giúp cho, chớ cái thứ ngọc bích nầy thiếp không thích.

Mạnh Thường Quân thở dài, không biết tính sao, vì chỉ có một cái áo hồ cừu mà đã đem dâng cho vua Tần rồi. Họ Mạnh bèn hỏi ý kiến của các tân khách. Một vị nói:

- Để tôi vào cung vua, giả làm chó đến kho trộm áo hồ cừu đó đem về.

Mạnh Thường Quân túng thế cũng phải cười rồi cho đi. Vị tân khách ấy giả làm chó rất giống, đang đêm chui qua cống nhỏ, lẻn vào trong kho, rình lúc người giữ kho ngủ say, lấy chìa khóa mở cửa kho, lấy áo hồ cừu, khóa cửa lại như cũ, rồi đem áo hồ cừu trở về mà không ai hay biết.

Mạnh Thường Quân mừng rỡ, đem áo giao cho Kinh Dương Quân, dâng cho nàng Yên Cơ. Yên Cơ thỏ thẻ nói với vua Tần cho Mạnh Thường Quân trở về Tề để giữ tình giao hiếu với Tề, được vua Tần bằng lòng và cấp giấy qua các ải cho phái đoàn của Mạnh Thường Quân trở về nước Tề.

Mạnh Thường Quân nói với đám tân khách của mình:

- Ta may nhờ một lời nói của Yên Cơ mà thoát được miệng hùm, nhưng vạn nhất nửa chừng vua Tần đổi ý, có Vu Lý Tật tâu vào thì mạng bọn ta còn gì?

Trong đám tân khách có người giỏi làm giấy giả, bèn theo giấy vua Tần cấp cho Mạnh Thường Quân, làm giả một tờ giấy khác, đổi tên họ khác, rồi ngay đêm đó, cấp tốc lên đường trở về, đến ải Hàm Cốc vào lúc nửa đêm. Cửa ải đóng chặt, nếu đợi đến sáng thì e không kịp. Một tân khách giả tiếng gà gáy giống y như thật, bao nhiêu con gà khác trong ải đều gáy theo, quan giữ ải tưởng Trời gần sáng, thức dậy cho lịnh mở cửa ải, khám xét giấy tờ qua trạm rồi cho phái đoàn của Mạnh Thường Quân đi qua.

Vu Lý Tật hay tin vua Tần cho Mạnh Thường Quân trở về Tề thì lật đật vào triều tâu với vua Tần:

- Nếu Bệ hạ tha không giết họ Mạnh thì cũng giữ lại làm tin, chớ sao lại thả cho về Tề?

Vua Tần hối quá, sai quanquân đuổi gấp theo, đến Hàm Cốc quan đòi xem sổ tên các người qua lại thì không có ai tên là Điền Văn. Viên quan tự hỏi: Hay là họ Mạnh đi ngả khác?

Đợi đến nửa ngày không có tin tức gì thêm, mới hỏi quan giữ ải, rồi mô tả hình dáng của Mạnh Thường Quân và số tân khách đi theo, cùng là xe ngựa, thì quan giữ ải nói:

- Như vậy bọn ấy đã qua ải từ sáng hôm kia rồi, chúng đi nhanh lắm, có lẽ đã đi trăm dặm rồi, đuổi theo không kịp nữa.

Toán quan quân trở về tâu lại vua Tần mọi việc.

Vua Tần than rằng: - Mạnh Thường Quân có cái cơ mưu quỉ thần bất trắc, thật là một bậc hiền sĩ hiếm có trên đời.

Nói về Mạnh Thường Quân trở về Tề được bình yên, tiếng tăm lừng lẫy, tân khách đến càng đông. Số hoa lợi nơi Ấp Tiết không đủ chi dùng nuôi tân khách. Mạnh Thường Quân cho dân Ấp Tiết vay tiền để có thêm lợi tức, đến kỳ hạn thì cho người đến thâu tiền lãi. Có một tân khách tên Phùng Hoan xin đi thu các số tiền nầy. Họ Mạnh xét thấy người nầy chơn thực nên bằng lòng cho đi.

Dân Ấp Tiết nghe Mạnh Thường Quân sai Phùng Hoan đến thu nợ thì đem nộp trả khá nhiều. Phùng Hoan liền dùng số tiền nầy mua rượu thịt rồi yết thị dân chúng: Phàm nhà nào có vay tiền của Mạnh Thường Quân, trả được hay không trả được, đều phải đem giấy nợ đến xem xét, đồng thời được chiêu đãi rượu thịt vui vẻ. Trăm họ nghe cho ăn uống và không làm khó dễ người thiếu nợ nên tựu đến đầy đủ. Phùng Hoan nhơn đó dò xét, người giàu thì trả nợ không nói chi, còn người khá mà nhất thời không tiền trả được thì bắt làm tờ hẹn trả, còn người nghèo quá không thể trả nợ được thì Phùng Hoan thu hết giấy nợ đốt bỏ, xóa nợ luôn, rồi phủ dụ:

- Mạnh Thường Quân sở dĩ cho các ngươi vay tiền là sợ các ngươi không có vốn làm ăn, chớ không phải vì lợi. Nhưng Mạnh có mấy ngàn tân khách, bổng lộc không đủ chi dùng nên phải đòi số lãi để phụ vào. Nay người khá có thể trả thì có giấy hẹn trả, người quá nghèo không thể trả thì giấy nợ đã đốt rồi. Mạnh Thường làm ơn cho dân Ấp Tiết như vậy là hậu lắm.

Trăm họ đều tạ ơn và hoan hô Mạnh Thường Quân.

Phùng Hoan trở về báo cáo với Mạnh Thường Quân:

- Tôi đi chuyến nầy, không những vì Ngài thu nợ mà còn vì Ngài thu đức nữa.

Mạnh Thường Quân trách rằng:

- Tôi vì khách những 3000 người, bổng lộc không đủ chi dùng nên phải cho dân Ấp Tiết vay tiền lấy lãi phụ vào, tôi nghe ông đem hết tiền lãi mua rượu thịt đãi họ ăn uống và còn đem đốt bỏ một số giấy nợ nói là thu đức là nghĩa làm sao?

Phùng Hoan thưa rằng:

- Người mắc nợ nhiều, nếu không bày ra ăn uống thì chúng nó không đến đủ mặt, không thể dò xét được ai cùng khổ. Kẻ có khả năng trả nợ thì bắt họ làm giấy khất nợ, còn kẻ cùng khổ thì dầu có đánh chúng cũng không có tiền để trả. Ấp Tiết là Ấp thế phong của Ngài, dân ở đấy là những người cùng chung với Ngài lúc yên nguy, nay đốt giấy nợ kia là tỏ cái đức yêu dân của Ngài, vì thế mà tôi nói thu đức cho Ngài là vậy.

Mạnh Thường Quân nghe nói vậy thì đành bỏ qua.

Lại nói Tần Chiêu Vương, sau khi để Mạnh Thường Quân trở về nước Tề thì hối hận, sợ họ Mạnh làm Tề thịnh lên, bèn dùng tiền bạc sai người qua Tề làm kế ly gián giữa vua và tôi. Tề Mân Vương lầm kế, nghi ngờ Mạnh Thường Quân, nên thâu tướng ấn và đuổi họ Mạnh về Ấp Tiết. Các tân khách cũng lần lượt bỏ đi, chỉ có Phùng Hoan là theo bên cạnh.

Khi Mạnh Thường Quân trở về Ấp Tiết, Phùng Hoan cầm cương xe, dân Ấp Tiết hay tin kéo ra đón rất đông, tranh nhau dâng cơm rượu và hỏi thăm Mạnh Thường Quân. Lúc đó, Mạnh nói với Phùng Hoan:

- Thế nầy tôi mới biết Tiên sinh vì tôi mà thu đức vậy.

Phùng Hoan nói:

- Nay tôi có thể giúp Ngài trở lại làm Tướng Quốc nước Tề, vua Tề càng trọng Ngài hơn, và sẽ cấp đất phong nhiều hơn. Xin Ngài cho tôi một cỗ xe và ít lộ phí để tôi sang Tần.

Mạnh Thường Quân bằng lòng và Phùng Hoan qua Tần.

Phùng Hoan xin vào yết kiến vua Tần, nói rằng:

- Kẻ sĩ đến ở Tần thì muốn cho Tần mạnh và làm sao cho Tề yếu đi. Nước nào mạnh thì được thiên hạ .

Vua Tần hỏi:

- Tiên sinh có kế gì làm cho Tần hùng mạnh không?

- Nước Tề lâu nay được trọng là vì có Mạnh Thường Quân là người hiền. Nay vua Tề nghe lời gièm, thu lại tướng ấn, đuổi Mạnh Thường Quân về Ấp Tiết. Nay nhân lúc Mạnh đang oán Tề, Tần bí mật rước Mạnh về Tần thì Tần trở nên mạnh mà Tề thì yếu đi. Đại vương gấp sai sứ sang Tề, ngầm đem lễ vật đến đón Mạnh Thường Quân đang ở Ấp Tiết. Cơ hội nầy chớ nên bỏ lỡ, vạn nhất vua Tề biết hối, dùng trở lại Mạnh Thường Quân thì Mạnh Thường Quân cũng đã có cái tình cảm tốt đối với Tần rồi.

Bấy giờ nước Tần, tướng Vu Lý Tật mới chết, vua Tần đang thiếu một hiền tướng, nên khi nghe Phùng Hoan nói thế thì vua Tần cả mừng, bèn sai lấy 10 cỗ xe tốt, trăm dật hoàng kim, sai sứ giả đem nghi trượng Thừa Tướng đến Ấp Tiết đón Mạnh Thường Quân về Tần.

Phùng Hoan nói: - Xin Bệ hạ cho tôi về trước báo tin, bảo Mạnh Thường Quân chuẩn bị đi ngay theo sứ.

Phùng Hoan đi luôn một mạch trở về nước Tề, vào yết kiến vua Tề là Tề Mân Vương, tâu rằng:

- Hai nước Tần và Tề mạnh yếu thế nào, Bệ hạ đã biết, được người hiền thì mạnh, mất người hiền thì yếu. Nay tôi nghe vua Tần may gặp lúc Mạnh Thường bị đuổi, liền sai sứ sang đón Mạnh về Tần làm Thừa Tướng. Nếu Mạnh Thường Quân làm tướng cho Tần thì Tần sẽ rất mạnh mà Tề thì rất yếu.

Vua Tề giựt mình, hỏi rằng: - Như vậy thì biết làm sao?

Phùng Hoan đáp: - Nhân lúc sứ Tần chưa đến kịp, xin Đại vương mau triệu Mạnh Thường Quân về triều, giao lại cho tướng ấn, gia tăng bổng lộc, thì chắc Mạnh Thường Quân vui lòng nhận, chừng đó dầu sứ Tần có đến thì cũng không làm được việc gì.

Phùng Hoan tâu xong liền trở về Ấp Tiết, tỏ bày hết các việc cho Mạnh Thường Quân rõ.

Mạnh Thường Quân hoan hỷ nói:

- Văn nầy đối với tân khách không dám có điều gì thất lễ, tự nhiên bị bãi chức, tân khách đều bỏ đi, nay nhờ Tiên sinh mà được phục chức, tưởng các tân khách không còn mặt mũi nào trở lại trông thấy Văn nầy nữa.

Phùng Hoan đáp:

- Vinh nhục, thịnh suy là lẽ thường ở đời. Nếu giàu sang thì lắm kẻ cầu thân, mà nghèo hèn thì chẳng ai nhìn tới. Ấy là thói đời, Ngài không nên phiền muộn điều đó.

Mạnh Thường Quân nghe lời Phùng Hoan, nên khi trở lại làm Tướng Quốc nước Tề thì qui tụ tân khách trở lại, đối đãi như xưa.

Sau đó khá lâu, Mạnh Thường Quân can gián Tề Mân Vương không nên đem quân đánh nhà Chu mà mất lòng các chư Hầu, Tề Mân Vương không nghe, thu lại tướng ấn của Mạnh Thường Quân. Họ Mạnh sợ bị vua Tề giết, liền chạy sang Đại Lương, nhờ Công tử Vô Kỵ, tức Tín Lăng Quân, giúp đỡ.

Về sau nữa, Mạnh Thường Quân trở về Ấp Tiết, vẫn cùng Tính Lăng Quân và Bình Nguyên Quân đi lại rất thân.

Tề Mân Vương mất, Tề Tuyên Vương lên nối ngôi, sai sứ đến đón Mạnh Thường Quân về triều làm Tướng Quốc, nhưng Mạnh Thường Quân xin cáo lão, ở Ấp Tiết dưỡng già và mất tại đó.

Xuân Thân Quân (春申君), tên Hoàng Yết/Hoàng Hiết (黄歇) (?-238 TCN) ở nước Sở ông là người duy nhất không phải dòng dõi quý tộc chư hầu. Tuy nhiên, Hoàng Yết cũng là dòng dõi thế gia tại nước Sở.

Hoàng Yết bắt đầu xuất hiện trên chính trường năm 263 TCN. Ông phụng mệnh Sở Khoảnh Tương vương đi sứ nước Tần. Lúc đó vua Sở đang ốm nặng, thái tử Hùng Hoàn làm con tin ở nước Tần chưa được về. Trước đó vua Hoài vương nước Sở đã đến hội với nước Tần cũng từng bị nước Tần bắt giữ, sau này phải chết ở nước ngoài. Vì vậy nếu Hùng Hoàn xin Tần Chiêu Tương vương cho về sẽ bị bắt giữ để khống chế nước Sở.

Hoàng Yết nghĩ cách cứu thái tử về nước. Ông bày kế cho thái tử hóa trang làm người đánh xe của mình, còn người đánh xe ngồi vào trong giả làm Hoàng Yết. Bản thân Hoàng Yết ở lại thay thế thái tử. Thái tử Hùng Hoàn cùng người đánh xe lẳng lặng giả làm sứ giả nước Sở trở về nước, lẻn trốn thoát ra khỏi cửa Hàm Cốc về nước Sở.

Ba tháng sau, Sở Khoảnh Tương vương chết, Hùng Hoàn lên nối ngôi, tức là Sở Khảo Liệt vương. Tần Chiêu Tương vương biết là chủ ý vụ bỏ trốn của thái tử do Hoàng Yết sắp đặt nên định bắt ông tự sát. Tuy nhiên, thừa tướng nước Tần là Phạm Thư khuyên vua Tần thả ông về để nước Sở mang ơn nước Tần, do đó nước Sở sẽ không chống Tần mạnh.

Tần Chiêu Tương vương nghe theo, bèn thả Hoàng Yết trở về nước.

Sở Khảo Liệt vương ơn ông cứu mạng, bèn phong ông làm thừa tướng nước Sở, hiệu là Xuân Thân quân. Mọi việc lớn trong nước đều do ông đảm nhiệm.

Hoàng Yết nắm quyền lớn ở Sở bèn hưởng ứng việc liên minh với chư hầu chống Tần. Năm 258 TCN, nước Triệu sau thảm bại ở trận Trường Bình lại bị nước Tần vây bức, bèn cầu cứu Sở và Ngụy. Sở Khảo Liệt vương sai ông cầm quân cứu Triệu. Tuy nhiên, Hoàng Yết không dám đối địch với quân Tần, ông chỉ cho quân đóng từ xa phô trương thanh thế. Nước Triệu sau đó phải nhờ Tín Lăng Quân Ngụy Vô Kỵ lấy trộm binh phù của vua Ngụy mới nắm được quân đội và đánh lui quân Tần, cứu được nước Triệu.

Năm 247 TCN, nước Ngụy bị Tần vây, Ngụy An Ly vương lại cầu cứu Sở. Hoàng Yết lại cầm quân đi cứu Ngụy nhưng cũng không giao chiến với quân Tần. Đến khi Tín Lăng Quân ở Triệu trở về Ngụy cầm quân mới đánh lui được quân Tần, giải cứu nước Ngụy.

Năm sau, ông tham gia hợp tung do Tín Lăng Quân đứng đầu chống Tần, tuy nhiên cuộc ra quân của các nước Sở, Ngụy, Triệu không thu được kết quả mà nhanh chóng tan rã do thực lực của các chư hầu so với nước Tần rất chênh lệch; một số nước chư hầu, trong đó có nước Sở, không dám đối địch với quân Tần mà rút lui trước nên các đạo quân kia bị cô lập.

Năm 241, tướng Bàng Noãn nước Triệu lại khởi xướng việc hợp tung, tôn Sở Khảo Liệt vương làm “tung ước trưởng”. Hoàng Yết lại cầm quân đi đánh Tần. Liên quân 5 nước Sở, Hàn, Triệu, Ngụy, Yên đánh đến cửa Hàm Cốc, tới thành Diêm Thị thì bị quân Tần đánh bại, phải rút về.

Xuân Thân Quân học theo Mạnh Thường Quân, Bình Nguyên Quân và Tín Lăng Quân, cũng nuôi thực khách trong nhà. Ông cũng có hàng ngàn thực khách, trở thành nổi tiếng trong chư hầu. Dù không phải dòng dõi quý tộc nhưng ông cũng được xếp cùng các công tử nước Tề, Triệu, Ngụy gọi là Chiến Quốc tứ công tử.

Thế lực nước Tần càng lớn mạnh, nước Sở và các chư hầu liền kề như Hàn, Triệu, Ngụy bị uy hiếp nặng nề. Hoàng Yết nghe theo kiến nghị của môn khách là Chu Anh, khuyên vua Sở dời đô về Thọ Xuân để tránh xa nước Tần. Đồng thời, ông trả lại đất phong của mình ở Hoài Bắc cho vua Sở để làm bình phong cho kinh đô mới Thọ Xuân. Sở Khảo Liệt vương bèn đổi Hoài Bắc thành quận huyện trực thuộc, lấy vùng Giang Đông, gồm một dải Tô Châu phong cho Hoàng Yết.

Ông sửa sang lại cung điện của Ngô vương Phù Sai trước đây để làm dinh thự. Sau đó ông đào sông Tùng Giang. Hạ lưu sông Tùng Giang lúc đó có tên mới là Hoàng Yết phố (bến Hoàng Yết). Sau này ba chữ Hoàng Yết phố dần dần biến thành Hoàng Phố Giang (sông Hoàng Phố).

Năm 256 TCN, Xuân Thân quân mang quân đi tiêu diệt nước Lỗ, mở mang đất nước Sở về phía bắc, chiếm phía nam Sơn Đông, giáp ranh với nước Tề. Ông cho thuộc hạ là Tuân Huống (tức Tuân Khanh – Tuân Tử) làm huyện lệnh Lan Lăng – trong vùng mới chiếm của nước Lỗ.

Dưới sự điều hành của Hoàng Yết, nước Sở trở nên giàu mạnh.

Sở Khảo Liệt vương cao tuổi mà không có con nối nghiệp. Hoàng Yết có người thiếp là Lý thị đã có mang, bèn mưu tính như Lã Bất Vi nước Tần, mang Lý thị dâng cho vua Sở để hy vọng về sau con mình sẽ làm Sở vương. Lý thị sinh được con trai là Hàn, được Sở Khảo Liệt vương lập làm thái tử.

Anh Lý thị là Lý Viên, vốn là thủ hạ dưới quyền Hoàng Yết, nhờ em gái là vợ vua, cũng được lọt vào giữ quyền cung cấm. Năm 238 TCN, Sở Khảo Liệt vương chết. Xuân Thân quân toan vào cung lập con mình lên ngôi, môn khách Chu Anh khuyên ông nên phòng bị vì Chu Anh ngờ vực Lý Viên muốn phản ông. Tuy nhiên Hoàng Yết không nghe lời Chu Anh, tự mình vào cung. Chu Anh thấy ông không nghe lời mình bèn bỏ trốn.

Lý Viên phục binh trong cung, đợi Hoàng Yết đi vào bèn giết chết ông. Hoàng Yết làm thừa tướng 25 năm, không rõ bao nhiêu tuổi. Thái tử Hàn con ông mới lên 7 tuổi được lập lên ngôi, tức là Sở U vương. 15 năm sau, nước Sở bị nước Tần tiêu diệt.

Vài nhận xét: Trong tứ công tử thời Chiến quốc thì Bình Nguyên Quân là em của Triệu Hiếu Thành Vương và Tín Lăng Quân là em của Ngụy An Ly Vương, Mạnh Thưòng Quân là con của vị tướng quốc nước Điền Anh nước Tề, Xuân Thân Quân xuất thân từ thế gia mà thôi.

Tín Lăng Quân là người hiền. Ông đối với Hầu Doanh, anh hàng thịt Chu Hợi, giao du với Mao công và Tiết công mới thấy rõ chiêu hiền đãi sĩ của ông. Từng cầm quan cứu Triệu, đánh tầm tới cửa Hàm Cốc.

Bình Nguyên Quân nhờ có Mao Toại mới hợp tung với Sở, lúc Triệu nguy khốn nhờ có Lý Đồng mới được ba ngàn cảm tử quân đánh Tần lui xa Hàm Đan ba mươi dặm, chờ đến Tín Lăng Quân đem quan tiếp cứu. Bình Nguyên Quân không giữ lời với người què, chê Tín Lăng Quân giao du với Mao Công, Tiết Công đủ cho thấy ông ta chỉ cần có tân khách để khoe khoang như lời Tín Lăng Quân nhận xét.

Người ta thường cho Mạnh Thường Quân là người giúp đỡ kẻ nghèo khó, cho nên sau này những người giúp kẻ khác được gọi là Mạnh Thường Quân, điều này có đúng không? Thật ra giúp người nghèo khó là Phùng Hoan. Khi Phùng Hoan trở về báo cáo việc này, Mạnh Thường Quân không hài lòng. Vậy ai giúp cho nhiều tiền gọi là Mạnh Thường Quân có nhầm lẫn không?

Chẳng những Phùng Hoan xóa nợ người nghèo mà còn lập kế để Tần Mẫn Vương rước Mạnh Thường Quân trở lại làm tướng quốc nước Tề, sau đó ông bị bãi chức rồi lại được mời trở lại, nhưng ông đã từ chối.

Xuân Thân Quân nhiều lầm cầm quan đi cứu Triệu (lúc Hàm Đan bị Tân vây), Ngụy (lúc thanh Đại Lương bị Tần vây) và sau hợp tung ba nước Triệu, Sở, Ngụy đánh Tần, Xuân Thân Quân đều không dám đánh Tần. Ông được phong Xuân Thân Quân nhờ dám liều thân cứu Sở Khảo Liệt Vương khi còn là thái tử làm con tin ở Tần. Ông tiếp đãi những tân khách chỉ là bắt chước theo Bình Nguyên Quân, Mạnh Thường Quân, Tín Lăng Quân và ngay cả Lã Bất Vi nữa, không có gì đặc biệt.

Tứ công tử thời Chiến Quốc, chỉ có Tín Lăng Quân là hơn người. Mạnh Thường Quân được người đời nhắc đến nhưng đây là một sự nhầm lẫn rõ ràng.

Nguồn: Sử ký Tư Mã Thiên
Wikipedia
Huỳnh Ái Tông
19/10/2010