Pages

Sunday, October 17, 2010

Truyện ngắn Bi Lãng Quên

Bị lãng quên

Năm 1964, sau cuộc Cách mạng thành công, Phật giáo đi lên như diều gặp gió, đã gợi hứng cho tôi viết một tập truyện, bối cảnh ở Sàigòn trong những ngày Phật giáo đấu tranh, một sinh viên bị lôi cuốn vào phong trào, những oan khiên tù đày đưa đẩy chàng ta yêu một cô gái cùng cảnh ngộ, sau cơn mưa trời lại sáng thì vì hoàn cảnh gia đình, cô ta phải nuốt lệ lên xe hoa về với người khác, chàng thanh niên ngộ ra được lẽ vô thường đã bước vào chùa, bỏ lại tất cả ở bên ngoài cánh cửa Thiền môn.

Vào cuối năm 1964, Phật Giáo Miền Vĩnh Nghiêm ra Tuần San ĐUỐC TUỆ do Thượng Tọa Thanh Kiểm điều hành, tôi được giao cho viết về Tin tức vài số đầu, sau vì bận nên có một người khác thay thế, TT Thanh Kiểm sau khi du học ở Nhật về, ngài có viết hai tác phẩm Lịch sử Phật Giáo Ấn Độ và Trung Hoa, ngài có nhờ tôi giúp viết tựa bìa sách, việc này tôi nhờ họa sĩ Phạm Thăng trình bày dùm, do đó Thượng tọa biết tôi hơn là một Phật tử hàng tuần đi sinh hoạt tại chùa Giác Minh.

Do có sự cộng tác với Tuần san Đuốc Tuệ từ đầu, trong tay lại có tập truyện đã sáng tác, tôi mang đến tòa soạn ở đường Nguyễn An Ninh, bên hông chợ Bến Thành, để đóng góp bài vở thay cho việc tôi bận không tiếp tục viết tin.

Bản thảo đưa đi, tôi cũng chờ đợi tập truyện của mình được đăng vào Tuần san, mấy tuần đầu tôi nghĩ chắc bài vở còn dư dùng nên chờ, dần dần rồi tôi quên tập bản thảo của mình, Tuần san ra chừng 1 năm thì đình bản, chợt nhớ tới tập bản thảo nhưng Tòa soạn cũng đóng cửa nhanh chóng, biết tìm ai để hỏi, tự an ủi chắc Tập truyện của mình chỉ là truyện tầm thường đã bị ông Tổng Thư Ký Tòa Soạn, nhà văn Tam Lang, tác giả thiên phóng sự Tôi Kéo Xe ở Hà Nội thời tiền chiến, đã ném nó vào sọt rác rồi.

Tôi không nghĩ đến công mình đã viết, không nghĩ đến tác phẩm đầu tay của mình đã bị chết non trong tay của nhà văn Tam Lang, tôi cho rằng nó chết như thế cũng đáng, vì số phận nó được thẩm định bởi nhà văn lão thành có danh tiếng từ lâu.

Sau cuộc đổi đời, đi chùa lạy Phật cũng có thể bị ghép thành cái tội, hay có thể bị liệt vào một thứ hạng thù nghịch của xã hội đương thời, chùa chiền hàng ngày cửa đóng then cài, sân vắng bóng người, chùa im tiếng kinh kệ, tăng ni đi ra vùng xa để canh tác sinh nhai. Nhưng theo năm tháng người ta nhen nhúm lại niềm tin, dần dần có người đi chùa, lễ Phật. Trong hoàn cảnh đó, một số thân hữu chúng tôi âm thầm tổ chức hang năm vào ngày Mồng Một Tết, lúc 10 giờ sáng có khóa lễ tại chánh điện chùa Vĩnh Nghiêm, sau đó xuống Trai đường chúc Tết Hòa Thượng Trụ Trì, ngài ban cho vài lời rồi mời kẹo, uống trà, tuy đơn sơ nhưng đầy đạo vị.

Một dịp Tết, có lẽ vào năm 1983, sau khi chúc Tết, dùng trà xong. chúng tôi xin phép ra về, Hòa Thượng Trụ trì Thích Thanh Kiểm nói với tôi:

- Đạo hữu ở lại chờ tôi một chút.

Khi mọi người về hết rồi, Thầy mới đi vào phòng riêng, tôi đứng ở cửa chờ, chỉ một chốc Thầy đi ra cửa, tay cầm một tập giấy, tôi chưa biết là chi. Thầy đưa cho tôi và nói:

- Cụ Tam Lang nhờ tôi trao lại cho đạo hữu!

Sau khi nhận tập giấy, tôi mới nhận ra đây là tập bản thảo quyển tiểu thuyết của tôi đưa cho Tuần San Đuốc Tuệ năm nào, tôi tưởng nó đã bị vất sọt rác từ lâu rồi. Hòa Thượng Thanh Kiểm đã nhận sự ủy thác của nhà văn Tam Lang cất giữ nó bao nhiêu năm, nay trao lại cho tôi. Nó đã vượt qua hiểm nguy của thời kỳ Bài Trừ Văn Hóa Đồi Trụy. Tôi chỉ còn biết tỏ lòng cám ơn Hòa Thượng Trụ trì.

Tôi mang nó về nhà, cất giữ trong tủ sách như một đứa con tinh thần chưa tới ngày sinh, rồi gia đình tôi đi định cư ở Mỹ, tác phẩm của tôi đã bị luân lạc, không còn tìm thấy nữa, nay nhớ lại, nó đã được nằm trong ngôi chùa danh tiếng Thủ đô Miền Nam, được vị Trụ Trì cất giữ trên 10 năm, an ổn vượt qua trận phong ba để rồi bị lãng quên biệt tăm mất tích.

HAT
13-10-2010

No comments:

Post a Comment