oanơiôngđịa
Chuyện chúng ta không làm mà bị người khác gán cho mình làm là một nổi oan, gặp trường hợp như vậy, người ta thường ví như nỗi oan của ông Địa, chuyện tích ấy như sau:
Hồi xưa, ở một bến sông kia, nơi người ta thường đến gánh nước, tắm giặt, cách đó chẳng xa, chỗ vắng vẻ có một ngôi miếu thờ ông Địa.
Trong số những người thường ra bến sông, có một cô gái bị cha mẹ phát hiện là đã mang thai, chưa chồng mà có mang như vậy gọi là “có chửa hoang” thì phạm “thuần phong mỹ tục”, có nhiều làng đặt ra những luật lệ gắt gao để phạt gia đình nào có con gái bị chửa hoang.
Do đó, cha mẹ tra hỏi cô gái để tìm ra thủ phạm, để bắt thủ phạm cưới hỏi con gái của mình hầu tránh bị phạt vạ của làng xóm. Cô gái khai với cha mẹ, hàng đêm cô ra bến sông gánh nước, những khi thanh vắng đã bị ông Địa dụ dỗ nên mới có mang. Thủ phạm chính là ông Địa.
Ông Địa nghe cô gái vu oan giá họa cho mình, ông tự hứa từ đó về sau, bất cứ chuyện trai gái nào dù cho ai dấu kín đến đâu, ông cũng làm cho người khác biết để tránh bị vu oan và cái tích oan ơi ông Địa do đây mà có.
Trường hợp của tôi khác ông Địa như sau. Vào đầu niên học năm 1974-1975, Hội Đồng Giáo sư trường Nguyễn Trường Tộ họp, dưới sự chủ tọa của hiệu trưởng Phạm Văn Tài, để xét duyệt đơn xin cho một số con em Giáo sư và Nhân viên của Trường được nhập học, sau khi rớt kỳ thi tuyển.
Năm đó, tôi có xin cho một thí sinh, vốn tôi ở trọ nhà của cha mẹ nó gần mười năm đèn sách của tôi, còn nó thì từ lúc chưa sanh ra cho đến khi vào tiểu học. Hội đồng đã xét hết mọi trường hợp, cuối cùng còn một chỗ nhưng có hai người xin, một là giáo sư Lê Văn Giệp, vừa mới tốt nghiệp Kiến trúc sư, được bổ làm giáo sư của trường, thân phụ của giáo sư Giệp là ông Lê Văn Ngọc nhân viên của Nha Kỹ thuật Học vụ, người thứ hai là tôi, lúc đó ai cũng biết tin tôi sắp sửa làm Hiệu Trưởng.
Ông Tài, chủ tọa tuyên bố:
- Hiện tại chỉ còn một chỗ, tôi không biết chọn ai, bỏ ai tôi đề nghị anh Tông và anh Giệp tự cân nhắc để chọn một dùm tôi.
Thật ra thì trong trường hợp này, tôi đương nhiên ưu tiên hơn ông Giệp ở chỗ tôi là giáo sư của Trường từ năm 1970, còn ông Giệp là người mới. Lúc đó, trong đầu tôi nghĩ thật nhanh, đây là trường hợp ông Tài muốn biết tôi xử trí ra sao mà thôi chớ thật ra, muốn giải quyết chuyện này rất dễ, một là ông Tài phải tính từ trước lấy ai, bỏ ai, hai là ông Tài lấy thêm một học sinh nữa, đàng này ông Tài đưa ra hai để chọn một, mà ông cũng không chịu áp dùng quyền ưu tiên, cho nên tôi lên tiếng ngay:
- Thưa ông Hiệu trưởng và quý vị giáo sư, tôi ở trọ nhà của em học sinh mà tôi xin cho vào học gần mười năm, tôi xem đứa nhỏ như con cháu của mình nên tôi mới xin, tuy nhiên nếu ông Giệp thấy cần thiết, thì ông Giệp cứ nhận chỗ ấy.
Thế là ông Giệp nhận cho người thân của mình, phần tôi thì không có gì phiền muộn, chỉ tiếc mình không xin được cho thí sinh kia mà tôi xem nó còn thân thiết hơn cháu ruột của mình và tôi phải đến nhà để xin lỗi cha mẹ cháu là đã không thể xin được cho cháu theo học.
Việc đó tôi đã quên đi từ lâu rồi.
Vào đêm trừ tịch năm Mậu Tý, giáo sư Hà Mộng Giao gọi điện thoại tới thăm tôi và chúc Tết, rồi sau đó chúng tôi gửi Email cho nhau, giáo sư Giao có cho tôi điện thoại của một số người như ông Lê Bá Thanh, nguyên Trưởng phòng Hành chánh của Trường nay định cư ở San Jose, bà Phạm Kim Chi nguyên Y tá của Trường di tản năm 1975, nay định cư ở Nam Cali, cô Nguyễn Thị Nga thư ký của Trường nay ở San Jose.
Bà Chi đối với gia đình tôi có một kỷ niệm, vào năm 1974, một hôm bà khoe với ông Tổng giám thị Trần Văn Sáng là bà có mua một cây táo Thái lan để trồng, nghe thế tôi có nhờ bà mua dùm cho tôi một cây. Rồi tôi trồng cây táo này trước sân nhà, vài năm sau cây táo có trái, đôi khi ăn trái táo nhớ đến bà Chi đã mua dùm cây con mà người ta bán dạo trên xe ba gát.
Một hôm tôi gọi điện thoại tới thăm bà Chi, hỏi thăm nhau, kể chuyện một hồi lâu bà Chi mới hỏi tôi:
- Sao hồi đó, anh có xin cho một đứa cháu vào học, lúc đi khám sức khỏe, anh không nói cho tôi biết mà lại đi nhờ Nha gọi tôi lên để gửi gắm cho cháu ?
Nghe bà Chi nói tôi bị bất ngờ, thật ra tôi có hai cậu em vợ học tại Trường, một là Nguyễn Thanh Quan hai là Bùi Thanh Hải, hình như một bảng vàng và một bảng xanh, cả hai khi khám sức khỏe tôi đều không hề nhờ Nha, đó là bản tánh của tôi không thích nhờ cậy cấp trên, người có quyền thế. Nếu có nhờ cậy, tôi phải nhờ ông Trần Văn Sáng là người thường cùng tôi đi uống cà phê quán Út Bạch Lan ở đình Tân Kiểng, hoặc là đi uống bia với ông Lâm Văn Trân Tổng Giám Xưởng và mấy người bạn Hải Quan.
Tôi bỗng nhớ lại chuyện đã lãng quên từ lâu để trả lời cho bà Chi:
- Thưa chị, tôi không có nhờ Nha việc chi cả. Năm đó, tôi có xin cho một đứa cháu, nhưng sau đó tôi nhường cho cháu của giáo sư Giệp, chắc là ông Ngọc, thân phụ của giáo sư Giệp phong phanh biết tôi sắp thay thế ông Tài, nên đã lợi dụng tên tôi để chị phải hết lòng giúp đứa nhỏ.
- Thì ra thế! Hồi đó, tôi không biết nên nghĩ là anh có pít-tông mạnh lắm. chắc là trên Bộ nên anh không thêm nói với tôi, để Bộ xỉ xuống Nha, Nha kêu tôi lên. Mà anh biết, tôi là nhân viên, nghe cấp trên gọi lo không biết chuyện chi sẽ xảy ra. Tôi trước ở Nha trang xin cho được về Sàigòn làm ở Y tế Học đường thật là khó khăn, nên khi nghe Nha gọi lo sợ bị thuyên chuyển đi tỉnh. Cũng nghĩ vì anh có pít-tông mạnh lắm nên mới được làm Hiệu trưởng!
Tôi phải kể lại cho bà Chi biết ngọn nguồn vì sao ông Phạm Văn Tài chọn tôi làm Hiệu trưởng, chớ tôi không có pít-tông ở Bộ hay Nha chi hết.
Bà Chi được cởi mở tấm lòng cười xòa với tôi:
- Chuyện đã lâu, trong lòng tôi vẫn ấm ức tại sao anh không nói thẳng với tôi, mà để cho Nha gọi lên, làm tôi lo sợ. Vậy là đã ba mươi mấy năm rồi, bây giờ mới giải tỏa được sự ấm ức trong lòng của tôi. Khi nào anh qua Cali, mời anh ghé nhà tôi chơi, có thì giờ thì mua thức ăn về nhà ăn uống nói chuyện lâu lâu một chút, chớ đi tiệm phải ăn uống vội vàng, chẳng nói được chuyện chi hết.
- Khi nào sang Cali, chắc chắn là tôi sẽ nhờ anh Hà Mộng Giao đưa đến thăm anh chị, cũng nhờ anh ấy mà tôi có số điện thoại gọi tới thăm chị hôm nay.
- Anh cho tôi số điện thoại của anh, để thỉnh thoảng gọi thăm anh chị.
Thật là một cuộc điện đàm hữu ích, một là được biết tin một nhân viên cũ của trường, đã trải qua những ngày tháng đầu tiên cuộc sống tị nạn trên đất Mỹ, gian khổ và đầy hy sinh để lo cho con em ăn học, ngày nay đều thành đạt, hai là bà Chi đã được giải tỏa sự ấm ức vì nghĩ rằng cấp trên ỷ thế hà hiếp kẻ dưới quyền, riêng tôi được giải oan sau ba mươi ba năm.
Tôi không phiền ông Ngọc lại càng không phiền anh Giệp về việc mượn oai hùm này, cám ơn bà Chi đã cởi mở tấm lòng, nói ra một chuyện không vừa ý mà mình phải chịu đựng bấy lâu, nhờ vậy tôi mới có dịp giải tỏa, khỏi chịu hàm oan.
No comments:
Post a Comment