Pages

Sunday, October 17, 2010

Đọc sách cũ

Kẻ biện sĩ thời Chiến Quốc

Khi về đeo quả ấn vàng,
Trên khung cửi dám rẫy ruồng làm cao.

Đó là hai câu thơ trong tác phẩm Chinh Phụ Ngâm của Đặng Trần Côn do Phan Huy Ích dịch, từ điển tích Tô Tần làm tướng quốc của sáu nước trong thời Chiến Quốc.

Chiến Quốc là một giai đoạn chiến tranh thời Nhà Chu (1122TCN-256TCN), tưởng cũng nên lướt qua sử Trung Hoa, từ huyền sử cho tới chính sử như sau:

· Thiên Hoàng - 天皇 (trị vì 18.000 năm)

· Địa Hoàng - 地皇 (trị vì 11.000 năm)

· Nhân Hoàng - 人皇 (còn gọi là Thái Hoàng - 泰皇) (trị vì 45.600 năm).

· Hoàng Đế (黄帝) từ 2697 TCN

· Chuyên Húc (顓頊)

· Đế Khốc (帝嚳)

· Đế Nghiêu (帝堯)

· Đế Thuấn (帝舜)

· Nhà Hạ 2205TCN-1783TCN trị vì 422 năm

· Nhà Thương 1783TCN-1134TCN trị vì 649 năm

· Nhà Chu 1134TCN-256TCN trị vì 878 năm

Nhà Chu trước tiên đóng đô ở Cải Kinh, sau dời đô về phía đông tới Lạc Dương từ năm 772 TCN, nên nhà Chu chia thành 2 thời kỳ Tây Chu từ 1134TCN-772TCN và Đông Chu từ 772TCN-256TCN. Đông Chu vì suy yếu nên các chư hầu tranh dành cương thổ, gây ra chiến tranh nên chia thành hai giai đoạn từ năm 771TCN-403TCN gọi là Xuân Thu, từ năm 403TCN-256TCN gọi là Chiến Quốc, sau Chiến Quốc là nhà Tần, do Tần Thủy Hoàng Đế, dẹp tất cả chư Hầu thống nhất đất nước Trung Hoa. Chính trong giai đoạn Chiến quốc này, nhà du thuyết Tô Tần đã để lại tên tuổi mình với thuyết hợp tung và Trương Nghi với thuyết liên hoành.


Tô Tần người Lạc Dương, đi về hướng đông đến nước Tề học với Quỹ Cốc tiên sinh, bạn cùng học có Trương Nghi. Ông làm biện sĩ, du thuyết một thời gian, hết tiền bạc trở về nhà bị anh, em, chị dâu, em gái, thê thiếp chê cười khinh bạc.

Sau đó, ông quyết định tìm sách vở học thêm để đạt chí nguyện, ông đã tìm thấy tinh hoa trong quyển Âm Phù sách của nhà Chu, ông đóng cửa học trong một năm, khi đã thông thuộc bí quyết, ông vay tiền lên đường du thuyết.

Trước tiên ông ra mắt Chu Hiển Vương, nhưng các quần thần của nhà Chu cho rằng Tô Tần không có tài, không dùng, ông đi sang hướng tây vào đất Tần, ra mắt Tần Huệ Vương, nhà Tần vừa mới giết Thương Ưởng nên ghét biện sĩ, không dùng Tô Tần, ông lại quay về hướng đông vào đất Triệụ. Triệu Túc Hầu cho con là Phụng Dương Quân tiếp Tô Tần, nhưng Phụng Dương Quân không ưa nên không dùng Tô Tần, ông rời đất Triệu đi lên hướng bắc vào đất Yên, ở đó gần một năm, có lúc cùng khốn bên sông Dịch Thủy, sau cùng cũng được yết kiến vua Yên.

Tô Tần trình bày với Yên Vân Hầu sở dĩ Tần không đánh Yên là vì phải vượt qua nghìn dăm, vượt qua một số quận, còn Triệu ở phương Nam giáp với Yên. Tần đánh Yên là đánh ngoài ngàn dặm còn Triệu đánh Yên là đánh trong trăm dặm, nên nước Yên không cần chống giữ Tần mà cần kết thân và hợp tung với Triệu thì nước Yên khỏi phải lo.

Yên Vân Hầu nghe theo, cấp cho Tô Tần xe, ngựa, vàng, lụa để đi trở lại Triệu thuyết cho vua Triệu theo thuyết hơp tung. Lúc này Phụng Dương Quân đã chết, nên Tô Tần được yết kiến Triệu Túc Hầu, vua Triệu nghe theo sắm xe tốt cho vàng ngọc, gấm vóc để ước hẹn chư hầu.

Lúc này thiên tử nhà Chu ban phần thịt tế vua Văn, vua Vũ cho Tần Huệ Vương. Huệ Vương sai quan Tê Thủ đánh Ngụy, bắt tướng Ngụy, lấy đất Diệu Âm lại muốn kéo quân sang miền đông, Tô Tần sợ quân Tần kéo sang đánh nước Triệu bèn lập mưu để đưa Trương Nghi vào Tần.

Trương Nghi người nước Ngụy, bạn với Tô Tần khi cùng học với Quỷ Cốc tiên sinh. Tô Tần tự cho mình kém hơn Trương Nghi, Trương Nghi học xong đi du thuyết trong thiên hạ, nhưng chưa được ai dùng. Tô Tần bèn sai môn hạ gợi ý cho Trương Nghi đến nước Triệu nhờ Tô Tần giúp đỡ.

Khi Trương Nghi đến, Tô Tần dặn người nhà giữ Trương Nghi vài hôm, không cho đi đâu rồi mới tiếp, nhưng để ngồi dưới thềm, cho ăn cơm với bọn tôi tớ và nói với Trương Nghi:

- Tài năng như ngươi mà lại để khốn nhục thế à ? Ta không phải không thể nói cho ngươi được giàu sang, nhưng ngươi không đáng được dùng!

Bèn từ tạ đuổi đi.

Trương Nghi nghĩ tưởng Tô Tần là bạn cũ mới đến nhờ, không ngờ bị đối xử tàn tệ, tức giận, nghĩ không có nơi nào đáng tôn thờ, chỉ có nước Tần mới có thể đánh Triệu, nên đi về Tần.

Trương Nghi đi rồi, Tô Tần bảo môn hạ thân tín của mình:

- Trương Nghi là hiền sĩ trong thiên hạ, ta không bằng. Nay ta được dùng trước, ta muốn Trương Nghi được tin dùng, cầm quyền bính ở Tần. Ta làm nhục ông ta, để ông ta quyết chí lập thân, nhưng ông ta nghèo, ta sợ vì vậy mà hỏng việc, ta muốn ngầm giúp ông ta, vậy ngươi phải theo giúp, cung cấp cho ông ta mọi thứ cần dùng, như thế mới được việc.

Rồi Tô Tần bàn với Triệu vương cấp tiền của, ngựa xe cho người theo giúp Trương Nghi, người ấy kết thân dần dần với Trương Nghi, cấp tiền bạc, ngựa xe những thứ Trương Nghi cần đến, nhờ vậy Trương Nghi mới được yết kiến Tần Huệ Vương, Tần Vương phong cho quan chức, cùng vua bàn mưu đánh chư hầu.

Thấy nhiệm vụ của mình đã xong, môn hạ của Tô Tần bèn từ giả Trương Nghi. Trương Nghi nói:

- Nhờ ông tôi mới hiển đạt, tôi sắp báo ơn sao ông lại bỏ đi ?

Người kia nói:

- Không phải tôi biết ngài đâu, biết ngài là Tô Quân, Tô Quân lo Tần đánh Triệu hỏng mất điều ước hợp tung. Lại cho rằng ngoài ngài ra không ai có thể nắm quyền bính nước Tần, cho nên trêu tức ngài, rồi ngầm sai tôi theo hầu hạ, tư cấp cho ngài làm trọn mưu kế của Tô Quân. Nay ngài đã được dùng, tôi xin về báo.

Trương Nghi nói:

- Than ôi! Thế là mắc mưu của Trương Quân mà không biết, rõ ràng là ta không bằng Trương Quân. Ta lại mới được dùng, làm sao nghĩ đến chuyện đánh Triệu được. Ông tạ ơn Tô Quân hộ ta. Trong thời còn Tô Quân, Nghi đâu dám nói chuyện đánh Triệu ? Vả lại Tô Quân còn đó Nghi dám làm trò gì được ?

Sau đó, Tô Tần tiếp tục du thuyết, đến nước Hàn, Tuyên Huệ Vương đồng ý nghe theo, rồi Ngụy Vương, Tề Tuyên Vương, cuối cùng là Sở Uy Vương.

Các nước hợp tung gồm có: Yên, Triệu, Hàn, Ngụy, Tề, Sở. Tô Tần cầm đầu hợp tung, làm Tể tướng sáu nước, trên đường về báo cáo cho Triệu Vương phải đi qua Lạc Dương kinh đô nhà Chu, cũng là quê nhà của ông. Chư hầu phải đem ngựa xe đi đón, Chu Hiển Vương sai sửa dọn đường cho quân ra ngoài thành ủy lạo Tô Tần.

Anh, em, vợ, chị dâu không dám ngẩng mặt nhìn Tô Tần, khép nép chầu chực dâng thức ăn. Tô Tần cười nói với chị dâu:

- Sao trước kia chị ngạo ngược mà bây giờ cung kính như thế ?

Chị dâu khúm núp, không dám ngẩng mặt lên, xin lỗi:

- Vì thấy chú có ngôi cao, của nhiều.

Tô Tần thở dài than:

- Cũng cái thân này, nhưng lúc phú quí thì họ hàng sợ hãi, khi bần tiện thì họ hàng khinh rẻ, huống gì mọi người? Vả lại, nếu ta có vài khoảnh ruộng gần thành Lạc Dương thì làm sao còn được đeo ấn tể tướng của sáu nước ?

Tô Tần lấy vàng cho họ hàng, bạn bè, trước kia khi sang Yên có mượn của một người trăm quan tiền làm vốn, nay lấy trăm nén vàng đền trả, ông báo đáp tất cả những người mình đã mang ơn lúc hàn vi, riêng có một người theo Tô Tần đến nay vẫn chưa được báo đáp, bèn nói thẳng với Tô Tần. Ông đáp:

- Ta không phải quên ngươi đâu! Người cùng ta đến nước Yên, hai ba lần ngươi muốn bỏ ta trên sông Dịch Thủy, lúc bấy giờ ta khốn cùng, cho nên oán ngươi nhiều. Vì thế báo đáp ngươi sau. Ngươi nay cũng được báo đáp.

Tô Tần sau khi giao ước với sáu nước hợp tung, trở về báo với Triệu vương. Triệu Túc Hầu phong cho ông là Vũ An Quân rồi tuyên bố ước thư cho Tần biết. Tần không dụng binh ra khỏi cửa Hàm Cốc gây hấn các nước hợp tung trong mười lăm năm.

Sau Tần sai Tê Thủ lừa dối Tề, Ngụy cùng Tần đánh Triệu để phá ước hợp tung.

Tề Ngụy đánh Triệu, Triệu Vương trách Tô Tần, Tô Tần xin đi sứ Yên quyết làm hại Tề.

Tần Huệ Vương gả con gái cho thái tử nước Yên. Yên Vân Hầu mất, thái tử lên thay là Yên Dịch Vương, nhân lúc nước Yên có tang, Tề đánh chiếm mười thành của Yên. Khi Tô Tần đến Yên, Yên Dịch Vương nói rằng trước kia có tiên vương giúp Tô Tần mới thi hành được hợp tung, nay Tề phá ước lấy mười thành, yêu cầu sang Tề lấy lại mười thành đó.

Tô Tần thuyết Tề Vương nghe theo trả lại mười thành cho Yên. Có người nói xấu Tô Tần, ông ta là người tráo trở, lo xoay trở bán nước, có thể làm loạn. Sợ có tội, Tô Tần quay về Yên, Yên Vương không cho làm quan nữa. Ông phải uốn ba tấc lưỡi của mình lại được vua Yên phục chức cũ.

Tô Tần được Yên Dịch Vương hậu đãi, mẹ Dịch Vương là vợ Vân Hầu tư thông với Tô Tần, Dịch Vương biết việc đó nhưng lại càng hậu đãi hơn. Vì việc này, Tô Tần sợ bị giết bèn nói với Yên Vương:

- Thần ở Yên khiến cho Yên không được trọng, nhưng ở Tề thì Yên sẽ được trọng.

Yên Vương đáp:

- Tùy ý tiên sinh.

Tô Tần giả vờ nói đắc tội với Yên nên chạy sang Tề, Tề Tuyên Vương cho Tô Tần làm khách khanh. Tề Tuyên Vương mất, Mẫn Vương lên ngôị, Tô Tần đề nghị chôn cất để tỏ lòng hiếu, xây nhà cao làm vườn rộng để tỏ dạ đắc ý. Đó là Tô Tần muốn phá hoại Tề để giúp Yên. Yên Dịch Vương mất, Khoái Vương lên ngôi. Về sau nhiều đại phu nước Tề tranh với Tô Tần để giành được sự tin yêu của vua, có người đâm Tô Tần bị thương nặng nhưng không chết, Tề Mẫn Vương sai tìm nhưng không tìm ra hung thủ. Lúc gần chết Tô Tần bày kế cho Tề Vương:

- Khi thần chết, dùng xe xé xác thần mà rao ở chợ: “Tô Tần vì Yên làm loạn ở Tề”. Như thế thì thế nào cũng bắt được hung thủ giết hại thần.

Tề Vương y lời cầu xin của Tô Tần, quả nhiên hung thủ tự nhận mình đã sát hại Tô Tần. Tề Vương bắt giết hung thủ. Yên nghe biết chuyện nói:

- Tề Vương báo thù cho Tô Tần đến thế là cùng!

Về sau việc vỡ lỡ ra, Tề Vương biết mưu kế của Yên Vương và Tô Tần nên rất giận. Yên Vương lo sợ Tề.

Em của Tô Tần là Tô Đại, em của Đại là Tô Lệ, thấy anh mình vinh hoa phú quí cũng bắt chước học du thuyết, sau khi Tô Tần mất, Tô Đại ra mắt Yên Vương đưa kế cho Yên Vương đưa con sang Tề làm con tin cầu hòa.

Tướng Yên là Tử Chi kết thông gia với Tô Đại, muốn nắm quyền bính ở Yên, được Khoái Yên Vương tin dùng, sau nhường ngôi cho Tử Chi.

Nhờ con của Yên Vương ở Tề, Tô Lệ được làm quan ở Tề, sau Tề đánh Yên giết Tử Chi và Khoái, lập Chiêu Vương làm vua nước Yên. Cuối cùng Tô Đại và Tô Lệ đều làm quan ở Tề được hậu đãi.

Sau Tô Đại sang Ngụy, bị Ngụy bắt, nhờ vua Tề khuyên can Ngụy thả Tô Đại, Tô Đại sang Tống được tiếp đãi tử tế. Lúc ấy Tề đánh Tống, trong cơn nguy cấp của nước Tống, Tô Đại viết thư cho Yên Vương trình bày lẽ thiệt hơn để phá Tề cứu Tống và Yên, Triệu.

Yên Chiêu Vương nghĩ chỉ có họ Tô luôn luôn giúp Yên bèn viết thư mời Tô Đại trở về, Yên Vương hậu đãi, bàn mưu tính kế đánh Tề. Tề Mẫn Vương phải chạy. Sau dó ít lâu Tần mời Yên Vương phó hội nhưng Đại khuyên không nên đi.

Yên Vương sai Tô Đại đi các nước, để giao ước với chư hầu hợp tung như thời Tô Tần, có nước theo, có nước không theo, nhưng từ đó thiên hạ vẫn tôn kính ước tung của họ Tô. Tô Đại và Tô Lệ danh tiếng trong chư hầu thời đó, sống lâu ở Yên cho đến chết.

Sau khi được Tần Huệ Vương tin dùng Trương Nghi, thì Hàn đem quân xâm lấn Tần, Tần muốn đánh Hàn nhưng Tư Mã Thác là Tổ phụ của Tư Mã Thiên xin đánh Thục, vì lấy được Thục cương thổ sẽ rộng ra dân giàu nước mạnh mới có thể làm bá chủ chư hầụ Tần Huệ Vương nghe theo đánh chiếm Thục, nhờ vậy Tần hùng mạnh hơn.

Sau đó Trương Nghi hiến kế Tần cho con tin sang Ngụy để tạo sự thân thiện, Ngụy dâng đất cho Tần, Tần Huệ Vương phong Trương Nghi làm Thừa tướng, đổi tên là Thiếu Lương gọi là Hạ Dương. Một năm sau Tần đánh lấy đất Thiểm. Hai năm sau, Trương Nghi đi phó hội với Sở, Tề tại Khiết Tang. Nghi làm thừa tướng được 4 năm thì tôn Huệ Vương làm “vương” ngang với vua nhà Chu. Trương Nghi thôi làm Thừa tướng nước Tần sang làm tướng quốc nước Ngụy. Ở Ngụy, Trương Nghi khuyến dụ cho Ngụy Vương thờ Tần. Do đó, Ngụy Ai Vương nghe theo bỏ ước tung hòa với Tần. Trương Nghi trở về Tần làm Thừa Tướng lại.

Được ba năm, Ngụy lại chống Tần trở lại hợp tung, Tần đánh lấy đất Ngụy, năm sau Ngụy lại theo Tần. Tần muốn đánh Tề. Tề và Sở hợp tung, Trương Nghi lại sang làm Thừa tướng nước Sở. Sở Hoài Vương hậu đãi. Trương Nghi khuyên Sở Vương theo Tần thì Trương Nghi dâng cho sáu trăm dặm đất của ông được phong ở Thượng Ư, Trần Chẩn can ngăn nhưng vua Sở không nghe làm theo Trương Nghi. Trương Nghi trở về Tần nói với sứ của Sở là giao cho Sở chỉ có sáu dặm.

Sở Hoài Vương giận, cất binh đánh Tần. Tần Tề họp lại đánh Sở, Sở thua phải cắt hai thành để hòa với Tần. Tần đòi đất Kiêm Trung, Sở Vương bằng lòng với điều kiện phải giao Trương Nghi cho Sở. Tần không muốn, sợ Trương Nghi sẽ bị Sở Vương giết, nhưng Trương Nghi xin đi vì biết Sở Vương yêu người thiếp Trịnh Tụ, Cận Thượng là bạn của Trương Nghi ở Sở sẽ nói với Trịnh Tụ, Trịnh Tụ xin thì Sở Vương sẽ nghe theo mà tha cho Trương Nghi. Tần Huệ Vương đồng ý, Trương Nghi đi sang Sở bị Sở Vương bắt bỏ tù, định giết nhưng nhờ Trịnh Tụ nói Sở Hoài Vương nghe theo lại hậu đãi Trưong Nghi. Thời gian này Trương Nghi được tin Tô Tần đã bị giết ở Tề.

Sở Hoài Vương nghe theo lời Trương Nghi thân thiện với Tần, Trương Nghi rời Sở đến Hàn trước khi về Tần, ông khuyến dụ Hàn đánh Sở để lấy đất Sở và làm vừa lòng Tần, Hàn vương nghe theo kế của Trương Nghi, Trương Nghi về Tần, Tần Huệ Vương phong cho năm ấp gọi là Vũ Tính Quân, rồi sai đi phương đông gặp Tề Mẫn Vương.

Trương Nghi đi gặp Tề Mẫn Vương, rồi Triệu Vương, rồi Yên Vương đã khéo thuyết các vị vương này nghe theo thờ Tần bỏ hợp tung. Trương Nghi trở về Hàm Dương để báo cáo thành quả liên hoành của mình cho Tần Huệ Vương, nhưng Huệ Vương đã mất. Vũ Vương lên ngôi, từ khi còn là thái tử Vũ Vương đã không ưa Trương Nghi, nay đã lên ngôi lại có quần thần dèm pha:

- Chớ tin Trương Nghi. hắn chỉ xoay trở bán nước để được người ưa. Nếu Tần còn dùng hắn nữa e thiên hạ chê cười !

Các nước biết Trương Nghi không được Vũ Vương trọng dụng nên bỏ liên hoành trở lại hợp tung.

Năm đầu Tần Vũ Vương các đại thần không ưa, lại thêm Tề Vương rất oán ghét đã lầm kế của Trương Nghi, sợ bị giết, nên Trương Nghi đưa ý kiến xin sang Lương để Tề có trả thù thì đánh Lương, Tề Lương đánh nhau thì Tần kéo quan đến kinh đô bắt ép nhà Chu, lập nên nghiệp vương.

Tần Vương nghe theo, cấp ngựa xe cho Trương Nghi đi đến Lương, Tề Mẫn Vương bèn cử binh đánh Lương. Lương Vương sợ nên nhờ Trương Nghi tính kế để Tề lui binh.

Trương Nghi bèn cho môn hạ là Phùng Kỷ sang Sở, nhân tiện sang Tề báo cho Tề Vương biết việc Tề đánh Lương là kế của Trương Nghi, Tề trúng kế thì vua Tần càng hậu đãi Trương Nghi và Tề Lương đánh nhau thì Tần sẽ đem binh vào kinh đô nhà Chu mà lập nên nghiệp vương.

Tề Vương cho là phải, bèn ra lệnh thu binh không đánh Lương nữa.

Trương Nghi làm tướng ở nước Ngụy một năm rồi chết ở Ngụy năm 309TCN.

Trong Sử Ký Tư Mã Thiên cho rằng cả Tô Tần và Trương Nghi kẻ chủ thuyết hợp tung, người liên hoành đều là gian trá nguy hiểm, Nhưng ông cũng để lời khen Tô Tần một người xuất thân từ dân giả đã trở thành tướng quốc của sáu nước, ba anh em danh tiếng lừng lẩy trong chư hầu thời bấy giờ.

Chúng ta thấy rằng Tô Tần trí đoán hơn người, đưa Trương Nghi vào Tần làm Thừa tướng, hợp tung của ông những mười lăm năm vững vàng, chết mà còn tìm ra được thủ phạm trả thù. Bước vào con đường khanh tướng từ nước Yên, ông luôn bảo vệ Yên cho đến cuối đời mình. Quả là một con người xuất chúng, thủy chung.

Trương Nghi xây dựng nên liên hoành thành công thì Tần Huệ Vương chết, Vũ Vương không tin dùng, liên hoành không được thực hiện, ông phải dụng kế chạy thoát thân sang Lương rồi về chết ở đất Ngụy quê nhà.

Một lời khen chê của Tư Mã Thiên để lại nghìn thu còn tỏ rạng.

Huỳnh Ái Tông
16-10-2010
Viết theo SỬ KÝ của Tư Mã Thiên

No comments:

Post a Comment