Pages

Sunday, October 17, 2010

Truyện Ngắn Bác Tư Chăm

Bác Tư Chăm

Lần cuối cùng Bác Tư Chăm tới nhà tôi đến nay đã lâu lắm rồi. Cũng như mọi năm, bác đến nhà tôi vào ngày cuối năm, ở lại trong nhà ăn Tết, sau đó mẹ tôi biếu một giỏ bánh mứt và tiền xe khi Bác ra về. Năm ấy, vào mùng ba Tết, sau khi đạp xe đi thăm họ hàng về, cha tôi lớn tiếng với Bác Tư, tôi không trọn nhớ cha tôi đã nói gì, ngày ấy tôi còn nhỏ chừng 8 hay 9 tuổi, hơn nữa khoảng 60 năm qua rồi, khó nhớ mọi chi tiết.

Moi tìm trong ký ức, tôi chỉ nhớ cha tôi nói giọng đầy phiền trách, đạì ý ngày tư ngày Tết ai cũng muốn đón cái may mắn đến nhà, năm nào Bác ấy cũng ở nhà trong ngày đầu năm, nằm chờ nằm chực cho đến khi có quà bánh mang về, như Bác chờ đòi món nợ, nhà tôi không thiếu nợ Bác, cha tôi không muốn như vậy nữa!

Mẹ tôi vốn tánh nhân từ, đem lời an ủi bác, mang những bánh ít, bánh tét, bánh phồng nhét đầy cái giỏ bàng cho bác mang về, lại dúi tiền vào túi áo Bác, mặt đầy nước mắt Bác nói với mẹ tôi:

- Chú Ba nói vậy, tôi về lần này chắc không xuống nữa!

Đúng như lời Bác nói, từ đó không bao giờ thấy Bác trở lại nhà tôi. Vài năm sau cha mẹ tôi qua đời, tôi được lên Châu đốc học, mỗi chiều đi tắm ở Cầu Quan, nhìn bên kia sông là xứ Châu Giang, thỉnh thoảng tôi nhớ tới Bác Tư Chăm, tự hỏi không biết bác sống chết ra sao! Muốn tìm thăm bác nhưng không biết nhà bác ở nơi đâu?

Sau này chắp nối những chuyện Cô, Chú tôi kể lại thì Bác Tư Chăm là người Chăm ở Châu Giang, mỗi năm vào mùa khô, vợ chồng Bác Tư và hai cậu con trai Ali, Ama dồn nhau xuống một chiếc ghe nhỏ che vòm mái lá, theo sông Hậu giang xuống vùng quê tôi chài, bán cá nhất là những con cá hô to gần bằng cái sàng thóc, mỗi miếng vảy bằng hai, ba ngón tay, cá này nấu canh chua ăn rất ngon.

Mỗi buổi chiều sau khi chài, bán cá xong, bác Tư ghé bến sông nhà tôi thổi cơm chiều, ăn uống nghỉ ngơi qua ngày, do đó dần dần quen với gia đình cha mẹ tôi. Sau cuộc cách mạng mùa thu năm Ất Dậu một thời gian, Bác Tư trai mất, gia đình Bác Tư không còn xuống vùng tôi chài lưới nữa, nhưng hàng năm bác Tư gái vẫn xuống nhà tôi vào dịp Tết.

Trước năm 1954, Tết thường thì người ta đi lại thăm hỏi chúc Tết nhau, ăn uống, giải trí và cờ bạc vui chơi trong mấy ngày xuân, xe đò cũng như mọi ngành nghề đều đóng cửa nghỉ ngơi, chờ cho tới mồng ba cúng ra nghề, người ta mới bắt đầu hành nghề, xe đò mới chạy lại chở khách. Do vậy, Bác Tư hàng năm đến nhà tôi vào ngày cuối năm và chờ tới mồng ba Tết mới có xe ra về.

Chuyện xảy ra trên nửa thế kỷ rồi, mỗi lần nhớ tới lúc Bác Tư khóc, nghẹn ngào nói với mẹ tôi khi từ giả, lòng tôi đầy cảm xúc, thương người đàn bà khốn khó đó, liên tưởng có khi ngày xưa Bác từng bồng ẳm nâng nui tôi, dẫn tôi những bước đi đầu đời. Tôi biết cha tôi là người đầy lòng nhân ái nên không dám trách cha mình đã làm tổn thương lòng tự trọng của Bác. Nếu là tôi, trong hoàn cảnh này cũng phải làm như vậy, cho nên tôi chỉ trách những tin tưởng hên xui, may rủi, phước họa đã in sâu vào đời sống con người, lắm khi làm cho người ta trở nên vô cảm trong tình người.

HAT
13-10-2010

No comments:

Post a Comment