Pages

Tuesday, June 8, 2010

Tỉnh Mộng

*

Cô thư ký đi trước, dẫn đường cho tôi đi lên trên tầng lầu tàng trữ sách báo trong Thư viện Quốc gia. Thư viện ở hai tầng dưới hoành tráng, phô trương một bộ mặt bề thế, ở giữa chiều dài vươn lên mấy từng cao như muốn khoe mình, sự có mặt của nó ở giữa chốn phồn hoa này.

Hầu hết người Sàigòn đều biết Thư viện cất trên nền cũ của khám đường, mặt nhìn thẳng qua hông Tòa án. Đang bước trên những bậc thang, tôi bổng liên tưởng tới khám đường, nơi âm u, đầy oan khiên.

Mặc dù ban ngày đang đi theo cô thư ký, nhưng tôi có cảm giác rờn rợn bởi vì xung quanh chúng tôi là những kệ sách, mỗi tầng là một phòng rộng, cũng âm u vắng ngắt. Trong cảnh vắng vẻ đó chỉ có hai người một nam một nữ, chỉ có cô ta đang đi trước dáng người đầy nữ tính, bắt tôi phải chú ý tới, cô ta mặc nguyên một bộ đồ trắng hàng nội hóa, người thợ may khéo cắt chiếc áo dài ôm sát lấy thân, nổi bật những đường nét đẹp đầy quyến rũ, tóc cắt ngắn chải khéo, lúc đi đến chỗ thang bẻ góc, nhìn ngang từ phía ấy mới thấy rõ thân hình tuyệt đẹp của người phụ nữ ở phía trước cũng như sau, từ đó tôi đi theo cô ta như vì một sức hút cuốn theo.

Lên đến tầng thứ tư, cô ta nói và chỉ tay cho tôi thấy:

- Đây là tầng chứa tất cả báo chí, ông có thể tìm đọc tại chỗ. Lấy sách báo chỗ nào, khi đọc xong, ông đặt lại dùm chỗ cũ. Ông nhớ xem đồng hồ, hết giờ mời ông xuống để Thư viện đóng cửa.

Nói xong, cô ta đi xuống, tôi nhìn theo cho đến khi không còn thấy nữa vì những kệ sách báo che mất tầm nhìn của tôi. Còn lại một mình, cái thanh vắng im lìm đem lại cảm giác rờn rợn chung quanh, tôi đi quanh phòng để thấy hết cách bài trí tồn trữ sách báo, rồi mới tìm tập báo, đem đến bàn ngồi đọc tài liệu trong đó.

Tôi mãi mê đọc, chung quanh phòng vẫn im lặng nhưng ánh sáng có vẻ lờ mờ, tôi nghe có tiếng giày của một người đi từ tầng lầu trên xuống, tôi ngừng đọc nhìn người lạ, ông ta trạc ngoài 40, mặc nguyên bộ complet trắng, thắt chiếc cà-vạt xanh đen đìểm những đốm trắng, tóc cắt ngang vai trông như người của những thập niên trước, mặt ông ta tôi ngờ ngợ đã có thấy qua nhưng không nhớ được. Ông ta tay trái bỏ vào túi quần, tay phải cầm quyển sách mở ra, vừa đi vừa đọc, miệng cười rạng rở.

Xuống tới tầng tôi ngồi, ông ta rời khỏi thang đi về phía tôi, vừa đi vừa nói:

- Chào anh bạn, anh đang đọc chi đó?

Tôi buộc lòng phải đáp cho đúng phép:

- Dạ! Tôi đọc bài báo viết về Phan Thanh Giản.

- Lão tiên sinh ấy à! Một nhà yêu nước của thế kỷ trước, đáng nêu gương cho hậu thế, tôi đang đọc bài này của Monsieur Phan, anh đọc đi cho đỡ buồn.

Ông ta vừa nói, vừa đưa cho tôi quyển sách, tôi đưa hai tay tiếp lấy không kịp đứng lên, ông ta lại nói tiếp:

- Tôi xuống dưới nhà, anh cứ tự nhiên ngồi đọc đi!

Ông ta đi trở lại cầu thang, để tiếp tục đi xuống, tôi tò mò bắt đầu đọc những trang sách do ông ta vừa mới trao cho:

Nguyễn Văn Khuê
---

Tôi không muốn bỏ qua, không nói đến Nguyễn Văn Khuê, người trạc ba mươi lăm tuổi, cao cao, không mập, không ốm, nước da vàng vàng, tóc hớt ma-ninh. Mặt sáng láng, tướng “thầy bà” không phải nhà quê; miệng rộng mà cười luôn, khi nói thời trề nhún, hai bên khóe đóng bọt; môi dưới bong láng trớt mãi. Hai con mắt lơ láo, không vững, không trong. Nguyễn Văn Khuẽ ngồi tréo ngoãi tròn vo, lưng cong cong, đầu nghiêng nghiêng, mặt ngước lên, bàn chơn nhịp nhịp. Vừa cười vừ nói. Vừa nói vừa cười làm xàm lãm nhãm một mình,ngày đêm lúc nào cũng vậy. Khi thức cười nói vậy, khi ngủ cũng nói cười vậy; luôn luôn như trò chuyện với ai.

Người ta nói quyết với tôi rằng: Nguyễn Văn Khuê nói không có câu kéo nghĩa lý gì cả. Tôi không tin, tôi kêu anh ta lại ngồi gẫn nói chuyện. Năm bảy người xúm nghe.

- Anh làm gì lại bị bắt?

- Đói bụng biết không?

- Đó thấy không? Trả lời bậy đó? Một người ngồi gần nói với tôi.

- Đói bụng sao mà bị bắt?

- Đói bụng rồi kêu lính bắt, đặng vô xin nhà nước sở làm ăn.

- Kêu lính chỗ nào?

- Tôi ngủ ngoài chợ đó. Kêu lính gác chợ, chớ lính chỗ nào? Tại sao anh đói bụng?

- Tại tôi “thương” người quá.

Anh này nói “giọng” lạ, mới nghe qua như nói bậy, không có nghĩa gì. Mà gẫm lại thời nhiều câu lý thú lắm.

- Thương người rồi sao đói bụng?

- Cho người ta hết.

Có nhiều người biết anh ta, họ nói chuyện lại: anh ta có vợ, có nhà cửa mà không ở nhà. Thường thường anh ta đem ăn mày về nhà đông lắm, bắt vợ nấu cơm dọn cho người ngồi hai bàn ăn. lại bắt vợ nấu nước lá, rồi biểu ăn mày tắm. Anh thời đi ngủ nhà xe của chủ, vì anh ta làm “sớp phưa”. Mỗi khi đi xe về, anh ta cỡi xe máy, mang cái giỏ đi lượm giấy chữ về đốt. trên cái nón trắng có viết một chữ “Thiên” thật lớn.

- Sao anh viết chữ Thiên trên nón?

- Tôi thương trời, tôi thờ trời, biết không?

- Anh lượm giấy chữ mà làm gì?

- Chữ, người ta thờ, không thấy trong đình trong miễu đó sao? Bỏ bậy tội lắm.

- Anh có lượm giấy chữ tây, chũ quốc ngữ không?

- Ấy đó. Tôi không lượm giấy chữ nữa là tại vậy đó. Bửađó tôi đi lượm giấy chữ An nam, thấy một bên có giấy nhựt trình. Chữ nào cũng là chữ của ông thánh bày ra mà viết. Bây giờ tôi cũng chùi đít bằng chữ An nam. Nghe không.

Anh này người ta cho là điên, mà nói có lý thật. Người mình học chữ “An nam”, cứ cho là chữ của Thánh, bất kỳ cái gì có chữ thờ kỉnh. Vì mê tín vậy mà câu sách nào cũng nhắm mắt nghe theo. Sách có nói, sách có nói … Cho đến trong cuốn lịch Tàu, mà cũng tin rằng điều phải cả, của “ông trạng” làm ra cả.

- Anh có học không ?

- Tôi có học bên Tây với anh tôi là Nguyễn An Ninh đó.

Ông Nguyễn An Ninh lúc bấy giờ bị nhốt riêng, không có mặt tại chỉ tồn khi chúng tôi nói chuyện này. Không biết sao anh Nguyễn Văn Khuê lại nói tới ông Ninh. Có lẽ lúc bấy giờ anh ta cũng có nghe nói đâu đó mà nhớ chăng? Tôi muốn biết Cái tâm lý của người bị tinh thần thác loạn (aliénation mentale) lắm.

- Học bên Tây mà anh giỏi không?

- Tôi mắc học chữ quốc ngữ. anh tôi, anh Nguyễn An Ninh mộ chữ Tây lắm; biểu tôi học chữ Tây mà tôi không thèm. Anh học chữ Tây giỏi lắm, bây giờ làm chánh soái cũng được; làm thầy thông cũng được.

- Anh biết chữ An nam không? Một người ngồi gần hỏi.

- Tôi biết chũ tới bốn nét mà thôi. Anh ta vừ nói vừ vẻ dưới đất. Nè, một nét, nhứt (một). Một nét nữa, nhị (hai). Hai nét nữa, là bốn nét, thiên (trời). Rồi anh ta cười ngất một hồi lâu.

- Anh học chữ auốc ngữ làm chi vậy?

- Tôi nói tôi học chữ quốc ngữ về làm việc với An nam. Ai dè về đây, Tây họ làm việc chữ tây. Té ra không xài được.

- Vậy mà anh nói anh xin bắt vô đặng kiếm sở làm ăn, thời làm sao được? Một người hỏi.

- Làm sớp phưa, biết không? Còn anh làm gì bị bắt?

- Đánh lộn.

- Mà đánh lộn ở đâu?

- Ở dưới đồng.

- Ở dưới đồng mà cũng biết đánh lộn nữa hả? Mà đánh với ai?

- Với họ.

- Người bị anh đánh có nói tiếng An nam không?

Anh kia nghẹn không trả lời được. Bèn hỏi qua câu khác.

- Anh học chữ quốc ngữ giỏi không?

Nguyễn Văn Khuê cười thều thào đáp:

- Hồi nảy giờ tôi nói chuyện bằng tiếng “quốc ngữ” cho anh nghe đó. Anh có nghe hay không?

Mà thật Nguyễn Văn Khuê nói thanh bai, nói cái giọng cao xa, không phải bậy chạ.

- Anh học được mấy cái bằng cấp? Một người hỏi.

- Ối, bằng cấp tôi thiếu gì. Một cái bằng cấp trời nè, một cái bằng cấp đất nè, một cái bằng cấp thần nè, một cái bằng cấp thanh nè. Bây giờ tôi đang kiếm cái bằng cấp làm thần sống. Biết không không?

Anh ta nói rồi cười ngất, nhắm mắt hả miệng rồi cười lớn lên. Chúng tôi phải rầy anh ta cho nín, sợ ngục tốt chữi. Anh ta nín rồi anh ta cười.

- Anh vô hổm nay có bị đòn không?

Anh ta nghiêm nét mặt, nói một cách nghiêm trọng.

- Bửa hôm bị giỡn sơ.

- Sao vậy?

- Múa không khéọ. Là anh ta chỉ về cách múa “phượng hoàng” cho ngục tốt xét lúc lên lầu ngủ. Anh ta lại tiếp:

- Chiều hôm qua ông một ra coi ăn, thấy tôi cười, giá roi muốn đánh, nói tôi ở tù không biết nhớ mẹ nhớ cha. May có người nói tôi điên, nên ông ta nói tôi điên khùng tội nghiệp nên thôi không đánh.

Bửa ấy Nguyễn Văn Khuê nói chuyện với tôi mà tôi khen là hay, cho nên tối lại, lên lầu ngủ, có người “anh chị” là anh Năm Vậy rủ anh ta lại nói chuyện chơi. Bấy giờ anh ta nhìn người “anh chị” kia rồi nói:

Làm anh hùng đời này khó quá. Lớp trước như Tư Mắt làm anh hùng dễ. Học chút đỉnh nghề võ. Đi làm du côn, gặp anh du côn nào dữ chém đùa một trận. Biết chưa? Rồi mình nổi tiếng anh hùng. Rồi em út phục thêm nữa, số em út lại thêm nữa. Chừng người ta phục mình mình phải rán giữ cho người ta phục hoài. Cái rán đó cũng không khó. Em út nhiều rồi, nó giúp mình, mình làm có tiền nuôi nó. Ngồi tiệm nước có em út lại phải “bao”. Có chém ai nữa thời em út nó chém giùm cho mình. Ngưòi anh hùng trong đời chỉ chém có một lần, mà nổi tiếng anh hùng mãi. Đời này khó làm anh hùng. Mà làm anh hùng nho nhỏ không sướng. Như anh bây giờ đừng làm anh hùng chi, anh coi đó. Khách trú đâu có anh hùng. Mới qua có một quãy trên vai. Ít năm có tiệm. Anh lại mua đồ của nó, chữi nó, nó cũng nhịn. Nếu anh hùng thời đánh lại rồi. Nó nhịn mà ít năm nữa nó có tiền nhiều, nó làm chủ nhà máy, mấy người anh hùng đi lôi thôi, xe hơi nó cán chết, có bảo kê chịu. Như anh bây giờ đừng làm anh hùng chi.

- Vậy chớ làm gì bây giờ? Anh Năm Vậy hỏi.

- Anh về mua một cái nón, vành nho nhỏ, đội cho bằng thẳng. Anh đừng bịt khăn đen bận áo dài.

- Sao vậy?

- Bàn tay anh có xâm, bận áo dài lòi chỗ xâm ra coi không phải điệu. Anh may một bộ đồ kaki, đặt một đôi giày Tây. Ăn mặc vậy coi được. Hay là anh may một bộ đồ lụa, áo cho rộng tay, coi cũng được mà đừng may áo có bâu lật.

Ngưòi ta hỏi anh ta làm cách nào thương người. Anh ta chậm rải nói:

- Tôi làm đơn cho Phó soái, biết không? Tôi xin bao vườn thú lại, ai vô phải mua một cái giấy một đồng bạc. Rồi thời mở cửa tôi vô chuồng cọp cho họ coi. Cọp làm gì tôi, thây kệ tôi. Tiền thâu được đó, để phát cho nhà nghèo. Nhưng mà Phó soái không trả lời.

Có một lần tôi rờ đại đầu cọp, mà không biết sao nó không cắn. Người ta nói tôi có phép tiên nên họ ghét ghen.

Có một lần trong Lăng Ông (Bà Chiểu) biết không? Biết chớ hả? Tôi làm thần sống. Tôi cắt nghĩa cho ông từ hiểu trước, tôi lấy áo mão tròng vô, leo lên bàn thờ ngồi, chờ thiên hạ đồn có thần sống. Họ đến cúng lạy đông lắm. Ông Phủ ở đó cũng đến, vừa sụp xuống lạy, tôi la lên: Ê, mà tôi làm “sớp phưa”. Ông Phủ nói: mầy có điên mày nói chớ; rồi kêu lính bắt tôi đem nhốt “bót” hai mươi bốn giờ. Khi thả ra tôi nói: người ta không có giấy thuế thân mà không phạt. Tôi lại bị nhốt nữa.

Cách ít lâu, tôi mặc đồ kaki, mang giày Tây, như mấy thầy. Tôi cỡi xe máy đi khắp châu thành Sàigòn, gặp ăn mày đâu, đều kêu dặn lại trước dinh xã tây, ngồi chờ tôi về phát tiền. Ăn mày thấy tôi ăn mặc ra bộ thầy bà nên tin răng rắc. Kẻ què, người cùi, kẻ đui, người tật khác tựu lại trước dinh xã tây đâu được vài chục người. Tôi còn đi gom thêm. Khi tôi đi gom về đó, thời thấy ăn mày cà chót chạy tứ tán. Tôi hỏi tại sao mà chạy. Họ trả lời: “Thôi đi tổ, báo hại tụi tôi bị đòn, tiền bạc gì đâu không thấy”. Tôi nói: ai dám đuổi mấy người? Họ nói mấy người lính trong xã tây ra đuổi. Tôi vô gây với lính.

Lính có người nhìn ra tôi, bèn nói: “Trúng cha nội điên trong Bà Chiểu rồi đây”.

- Anh góp ăn mày lại tiền đâu cho?

- Tôi vô xin xã tây, biết không? Xã tây thiếu gì tiền.

Biết đem cái tình cảnh thống khổ của những người tàn tật trong xã hội, mà bày ra trước công thự lộng lẫy; biết dẫn hai cái cảnh tương phản cho đối diện nhau, đụng đầu nhau, Nguyễn Văn Khuê dẫu tinh thần cuồng loạn mà còn cái bụng “thương người” lạ thường.

Tội nghiệp Nguyễn Văn Khuê thương người mà không ai thương mình. Tòa kêu án anh ta một tháng tù về tội “Không sở làm ăn” và hai ngày tù về tội “không giấy thuế thân”. Những người đi nghe xử một phiên tòa với anh, thuật lại như sau nầy. Tòa hỏi anh ta:

- Làm nghề nghiệp gì ?

- Làm sớp phưa mà mười ba năm nay không sở làm ăn.

- Lấy gì ăn?

- Xin.

Khi tòa lên án phạt anh ta phản kháng kịch liệt: “mà tôi muốn ở nhiều kia. Tôi ra lấy gì ăn? Tòa chưa xử vụ đói bụng”.

Đọc những đoạn trên, nhiều lúc không thể nín cười, cho nên ông mặc bộ complet trắng vừa đi, vừa đọc, vừa cười, lại muốn san sẻ nổi cười ấy cho tôi. Tôi nhớ hình như tôi có đọc sách này rồi, hình như đây là quyển Ngồi Tù Khám Lớn của Phan Văn Hùm, còn một đoạn chót tôi rán đọc cho hết, không nghĩ đến người đưa sách nữa.

“ Trong chương nầy tôi nhường lời cho Nguyễn Văn Khuê gần hết, không muốn phê bình. Chuyện phê bình ấy xin nhường lại cho người. Ý nghĩa chuyện tôi giữ chép đúng như sự thật. Lời nói hoặc có chỗ không ra giọng Nguyễn Văn Khuê. Tôi xin thú thật rằng: đó là nhớ mà chép lại, không thể nào được như nói tự nhiên của Nguyễn Văn Khuê.”

Đọc xong, bây gờ tôi mới nghĩ không lẽ người đưa sách cho tôi là nhà cách mạng Nguyễn An Ninh, tôi nhớ ông ta chết rồi mà? Quay đầu nhìn về phía cầu thang, nơi ông ta đi xuống, tôi lại thấy một cô gái mặc bộ áo dài trắng đi lên, cô đang nhìn xuống các bậc thang nên tôi không rõ mặt, chỉ thấy mái tóc dài, khi cô ta đi đến bậc thang cuối cùng của tầng lầu, cô ta ngước nhìn tôi nở nụ cười rạng rở, đi nhanh về phía tôi, hất đầu cho tóc ra sau, đưa cả hai tay ra đón chờ, gọi to: “ – Anh!”.

Tôi đã nhận rõ ra nàng mừng không thể tả, bỏ sách xuống, đứng vội lên ôm chầm lấy Thanh Loan người xa tôi bấy lâu, cho bỏ thương, bỏ nhớ. Chưa chi, tôi bổng bị xô mạnh ra, nhận một cái tát tai như trời giáng. nổ lửa, trong đôm đốm lửa tôi thấy nét mặt cô thư ký Thư viện giận dữ kèm theo tiếng hét bên tai:

- Ông làm gì sàm sở vậy ?!!!

Tôi như Trời trồng, tỉnh giấc.

No comments:

Post a Comment