Pages

Wednesday, June 9, 2010

Sàigòn, tôi trở về năm 1998

Chủ Nhật 10-5-1998, gia đình chúng tôi ghé Los vào lúc 2 giờ 10, xuống phi trường tôi không thấy có ai đón cả, đang đi tìm điện thoại công cộng để gọi cho anh Tuệ Linh, lúc đó tôi mới thoáng thấy chiếc áo lạnh phía sau của anh, nhờ đó tôi đi tìm gặp anh.

Gặp nhau, Tuệ Linh cho biết anh vừa dự lễ Phật Ðản, và cùng Anh chị em Ái Hữu Vĩnh Nghiêm đãnh lễ Hòa Thượng Thích Trí Dũng ở chùa Vĩnh Nghiêm Hải Ngoại, anh vội về đây để kịp đón chúng tôi.

Như đã dự định, anh đưa chúng tôi đi viếng chùa Tây Lai, thật ra thì Anh Chị Em Ái Hữu Vĩnh Nghiêm đã đưa nhà tôi và tôi đến viếng chùa nầy năm 1995, lần nầy tôi nhờ anh Tuệ Linh đưa đến đây để cho con gái tôi được viếng chùa.

Mặc dù là ngày Phật Ðản, nhưng chúng tôi đến vào buổi chiều, chùa rất yên tịnh, chúng tôi viếng chùa ngoài, lại trở ra sân đi ven theo đường phía tay phải để vào viếng chùa trong, rất tiếc Bảo tàng viện đóng cửa, con chúng tôi không có duyên được xem cảnh giới Hoa Nghiêm có hằng hà sa chư Phật, Xá Lợi, tranh, tượng vô giá được trưng bày.

Chiều nay, chúng tôi được đi trong khung cảnh chùa thật thanh tịnh, tiếc rằng chỉ còn thiếu tiếng chuông thu không, hồi chuông cảnh tĩnh con người ở chốn bụi trần, tu. Tu mau kẻo trễ.

Về đến nhà Anh Ngô Mạnh Thu, nhiều người đã có mặt, anh chị Trần Ngọc Lạc, anh chị Ðặng Quang Sước, gia đình Nguyễn Hoài, Tuyết Mai, Nguyễn Lộc từ Bắc Cali xuống... Buổi họp mặt của Ái Hữu Vĩnh Nghiêm để tiễn gia đình anh Sước đi Uta và đón tôi ghé qua Cali. Chúng tôi ăn bửa ăn chiều, thức ăn có một phần do Mai mang tới, chuyện vãn và họp bàn. Mai đã báo cáo kết quả thu được về phát hành lịch do anh Nguyễn Tư Cự tặng để gây quỹ , chị Loan gửi tiền cúng chùa ở Việt Nam, anh Thu gửi tiền quà cho một số con em Huynh Trưởng học giỏi ở Việt Nam, bàn với Lộc về Hiệp Kỵ năm 1999, dự định sẽ làm ở Bắc Cali.

Chị Loan tặng cho tôi một huy hiệu Hoa Sen mạ vàng, anh Lạc bàn về sự có mặt Trang Nhà Ái Hữu Vĩnh Nghiêm và anh đang xúc tiến Trang Nhà cho Liên Ðoàn Huynh Trưởng Truyền Thống. Tôi lấy một số sách Ðạo Phật Qua Nhận Thức Mới, tác giả Giáo sư Thạc Ðức, do Nguyệt San Phật Học ấn tống, biếu cho mỗi người một quyển, đưa cho Lộc trên 10 quyển để mang về Bắc Cali. Mỗi lần gặp nhau họp bàn, trao đổi tôi nhận thấy Phật sự tiến triển đáng mừng.

Mười giờ hơn, anh Tuệ Linh đưa chúng tôi trở lại phi trường, đến nơi, anh ở chờ cho chúng tôi lấy xong vé lên phi cơ, anh tiễn chúng tôi đến gần cầu thang mới ra về, không quên dặn thêm :

- Nói dùm với Anh Chị Em, tôi vẫn nhớ mọi người nhưng tay đau, khó viết thư.

Về đến Sàigòn, Sàigòn oi bức quá, mặc dù lúc ở Mỹ đã nghe nói Việt Nam bị hạn hán lâu ngày, nhưng tôi không tưởng được cái nóng và ẩm thấp của khí hậu nhiệt đới nầy.

oOo

Ngày hôm sau, tôi đã đi thăm bác Tôn Thất Liệu, hỏi thăm Bác về tình hình sinh hoạt GÐPT, GÐPT Vĩnh Nghiêm, bác có yêu cầu tôi đến chùa ngày Chủ Nhật, tôi bận nên hẹn ngày khác, Trần Ðình Hùng và Nguy có đến thăm tôi, hỏi thăm Hùng về tình hình sinh hoạt, Hùng cho biết không muốn trở thành phát ngôn viên, nên không phát biểu. Hùng xin Nguyệt San Phật Học, tôi hứa sẽ gửi cho sau.

Nhằm dịp có tổ chức thọ Bát Quan Trai ở Quan Âm Tu Viện ( Biên Hòa), chúng tôi đã tham dự Bát Quan Trai nầy, có dự tôi mới thấy rằng những người đã tham dự từ buổi đầu (năm 1986), nay họ xuất gia và đã thọ giới Sa Di, có vị gặp lại, hỏi chừng nào tôi trở về để xuất gia, tôi đáp : - Một thời gian nữa.

Chúng tôi đã dự định dành một thời gian dài, đi chùa Linh Sơn Cổ Tự trên núi Dinh ở Bà Rịa, Ni sư Huệ Giác ưu ái đưa đi. Gặp lại quý Sư, quý Ni ở đây, tưởng như tôi đã trở về nhà, một vị Sư cùng thọ Bát ngày trước với tôi, nay tu trong một cái cốc. Sư bảo tôi ở đó với Sư, tôi cũng thích nên ở đó, vì nơi nầy có thể nhìn thấy núi lớn, núi nhỏ ở Vũng Tàu, nhìn thấy Cần Giờ, ban đêm nhìn thấy rõ cả ánh đèn điện ngoài ấy.

Ðêm đến, Sư kể chuyện tu hành, giờ khắc công phu, Sư niệm Phật hay tụng kinh, tôi ngồi thiền. Nếp sống tu hành thật là thanh thoát, nhưng tôi chưa có duyên nên đến đêm thứ hai, một vị Sư từ ngôi chùa ngoài lộ xe chạy, đã lên núi báo cho chúng tôi biết, có điện thoại của gia đình từ Mỹ gọi về, cho biết một cơn bão làm cho cây ngã vào nhà, cần biết hảng bảo hiểm, thế là sáng hôm sau tôi phải xuống núi.

Kế đó tôi đi Long Xuyên vài hôm để thăm gia đình, thăm mộ ông bà, và nhất là mộ cô tôi vừa mới mất năm qua, cô ấy không có gia đình, sống với cha mẹ tôi. Những ngày ấu thơ cô đã tập cho tôi hằng đêm lễ lạy và niệm Phật. Cô tôi xưa có quy y với Hòa Thượng Huệ Minh ở Thất sơn, cô ăn chay, niệm Phật, buổi tối cô nằm nghỉ rồi an nhiên mất, người nhà hay được mới có 8 giờ đêm , cô thọ 93 tuổi, tôi nghĩ cô ấy có phước nên không bệnh hoạn lúc tuổi già.

Trong thời gian đó thì Nghi Yên và Kiều, hai Trưởng nầy có đến thăm, Nghi Yên có để lại tặng cho tôi vài tấm ảnh. Khi trở lại Sàigòn, tôi hẹn với Bác Liệu đến thăm Anh em vào buổi tối, ở chùa Vĩnh Nghiêm.

Khi tôi đến thì chị Oanh cũng vừa tới, chị mở cửa Ðoàn Quán cho tôi vào, rồi lần lượt có thêm Bác Liệu, Ðặng Văn Nữu, Tịnh Phúc, Trần Ðình Hùng đến, Kiều xin lỗi không đến được, Cao Bá Hưng bận. Gặp nhau chúng tôi đã trao đổi nhiều về Phật sự.

Tôi được biết Gia Ðình Giác Minh đã rời khỏi chùa Lâm Tế, nay sinh hoạt ở Linh Sơn Cổ Tự ở gần chợ Cầu Muối, chùa nầy vốn là trụ sở của Hội Nam Kỳ Nghiên Cứu Phật Học, Hội tiên phong trong công cuộc chấn hưng nền Phật Giáo khắp 3 kỳ ở Việt Nam. Khoảng năm 1962 Gia Ðình Giác Long cũng sinh hoạt tại đây, Gia Ðình Giác Long vừa mới gỉai tán 2 Ðoàn Oanh Vũ, Gia Ðình Giác Nguyên đang phát triển, Gia Ðình Giác Hạnh đang được củng cố sau khi cô Mai vì sinh kế ngưng hoạt động. Vĩnh Nghiêm và Giác Ngạn sinh hoạt bình thường.

Các hoạt động xã hội của GÐPT Vĩnh Nghiêm, tôi thấy rất tích cực và có chất lượng, vì được sự tin cậy nên có nhiều người hổ trợ.

Trước khi ra về, chị Oanh có trao cho tôi một bó quạt giấy, tôi bảo ở Mỹ không cần nhưng chị cho biết đó là quà kỷ niệm, vì trên quạt có đục lỗ chữ Phật Giáo Việt Nam, và một tập tài liệu thỬ tÌm hiỂu nguỒn GỐc Gia ÐÌnh PhẬt TỬ do Nhật Minh Nguyễn Hữu Huỳnh phổ biến, đó là bài nhỮng ngÀy ÐẦu cỦa gia ÐÌnh phẬt HÓa PhỔ do Lê Lừng viết, đêm ấy, do uống được một bình trà ngon nên khó ngủ, tôi đã thức đến 4 giờ sáng, đọc đi, đọc lại quyển nầy đến hai lần. Tôi đánh giá nó là tài liệu hiếm quý.

Tôi có ghé nhà may Sĩ Hoàng (gần cạnh Nha Ðộng Viên cũ) để thăm chị Trần Thị Kim Dung, khi sinh hoạt ở GÐPT Minh Tâm, tôi mến chị Dung như chị Cung Thị Lan Phương hay chị Ðào Thị Thành. Hồi đó (1960), tôi đã xem bảng Thông Cáo của Ban Hướng Dẫn GÐPT Hội Việt Nam Phật Giáo, thì nhạc sĩ Ðỗ Thu là Huynh Trưởng cấp Dự Tập như tôi, chị Dung cấp Tín, còn các anh Bùi Ngọc Bách, Bạch Vọng Giang, Tuệ Linh và chị Tuệ Tâm cấp Tấn.

Chị Dung có vẻ gầy hơn trước kia - chị nói, tôi mới được biết : người bạn đường của chị, đã bỏ gia đình sau khi đi học tập cải tạo trở về - chị đảm đang gia đình, khéo nuôi con, gầy dựng nên hiệu Sĩ Hoàng nổi tiếng ở Việt Nam, con gái chị du học ở Mỹ, mấy năm trước chị có xuất ngoại sang Âu Châu.

Chị hỏi đùa với tôi : ‘’ - Tuệ Linh chết chưa ! Không thấy gửi thư về thăm ai cả ‘’, tôi trả lời : ‘’Chết thì chưa mà tay đau, không viết thư được thì có ‘’. Chị có mời tôi, chiều thứ Năm trở lại, xuống tàu đi chơi trên sông Sàigòn, vì ngày thứ Năm có ca nhạc giao lưu. Rất tiếc, tôi không có thì giờ làm vừa lòng chị.

Hai hôm trước khi tôi về Mỹ, Tịnh Uyển (Oanh) và Tịnh Phúc đến thăm tôi, trao cho tôi vài lá thư gửi cho anh Ngô Mạnh Thu, và bác Tôn Thất Liệu có gửi cho tôi bản thảo vÀi lỜi tÂm tÌnh viẾt vỀ gia ÐÌnh phẬt tỬ , nói chung những tài liệu của anh Huỳnh, Lê Lừng và Tôn Thất Liệu đều để chứng minh Ban Ðồng Ấu là tiền thân của Gia Ðình Phật Tử, như thế là Gia Ðình Phật Tử có từ năm 1935, năm mà Ban Ðồng Ấu mặc đồng phục áo dài đen, mang dãi lụa có chữ Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật, đi trước kiệu Phật Ðản Sinh, trong dịp lễ Phật Ðản mồng 8 tháng 4 tại kinh đô Huế.

Ngày tôi trở về Mỹ 6-6-1998, Bác Tôn Thất Liệu và Trưởng Kiều có ra phi trường tiễn tôi, Bác Liệu có trao cho tôi 4 phong bánh đậu xanh, gửi cho Anh Thu một, Tuệ Linh một, phần còn lại tôi lấy một phong đãi anh em ở cuộc họp mặt.

Xuống phi trường Los, anh Tuệ Linh đón tôi và báo ngay, hôm nay Ái Hữu Vĩnh Nghiêm có tổ chức chào mừng Anh Nguyễn Văn Thục, hiện đang ở thăm California. Chúng tôi đi vài nơi trước khi tới phòng họp để gặp Anh Thu. Sau đó chúng tôi đi đón Anh Thục.

Buổi họp hôm đó, Anh Ngô Mạnh Thu mở đầu, cho biết là để tiếp đón Anh Thục và tôi, tham dự có anh chị Trần Tư Tín, anh chị Lê Văn Thẩm, anh chị Nguyễn Văn Nở, anh chị Trần Văn Tiềm, anh Bùi Ngọc Bách, Cát Văn Chung, Võ Cân, Lê Quang Dật, Nguyễn Liên, Vũ Ngọc Khuê, Trần Thanh Mỹ, Phan Triết, Hoàng Văn Kiều, Phạm Quốc Bảo, Nguyễn Ðức Cường, chị Dung Kiều, Xuân Mai, Tuyết Mai.

Gặp lại anh Thục là niềm vui của tôi, nhưng nhờ lần nầy tôi mới có dịp, được hân hạnh gặp một số các anh chị tôi chưa từng gặp. Cá nhân, tôi cám ơn tất cả quý anh chị đã tham dự buổi họp mặt ngày hôm đó, vinh dự nầy nhờ có Anh Thục, chớ tôi nào đáng được như thế.

Tôi cũng có đi thăm anh Võ Ðình Cường, Anh Nguyễn Hữu Huỳnh, có thăm hỏi anh Tống Hồ Cầm qua điện thoại. Trở lại Saigòn lần nầy không có dấu ấn gì đặc biệt trong tôi.

May thay ! Buổi hạnh ngộ ở Nam Cali là một vinh hạnh, đã để lại cho tôi kỷ niệm sâu đậm, như những chuyến đi Huế và ÐàLạt xưa kia trong sinh hoạt Gia Ðình Phật Tử của tôi.

Louisville, ngày 20-6-1998

No comments:

Post a Comment