Pages

Wednesday, June 9, 2010

Thư gủi anh Hai Trầu ở Kinh Xáng Bốn Tổng

Louisville, ngày 14 tháng 3 năm 2008

Kính gửi Anh Hai Trầu

Ở Kinh xáng Bốn tổng.

Thưa anh,

Trước kính thăm anh và gia đình, cho tôi gửi lời kính thăm hết bà con láng giềng ở Kinh xáng Bổn tổng, kế xin hỏi thăm anh mùa màng năm nay ra sao ? Và sau cùng hết là trả lời một số vấn đề trong thơ của anh nêu ra.

Trước nhất, nói về đường Liên Tỉnh. Thật ra việc các tỉnh sắp theo Gia Châu Hà … có lẽ là do Ông Trường Tiền Son ở Long Xuyên cho biết, và cũng cho biết cách đặt số đường Liên Tỉnh là cộng số của hai tỉnh ấy lại. Ông Trường Tiền Son, họ là gì tôi không biết, tôi cũng chưa hề gặp ông ta lần nào, nhưng gia đình tôi có nhắc tên ông ta nhiều lần, nhà ông ta ở Long Xuyên, khu vực khoảng giữa trường học và tòa hành chánh cũ, hồi nhỏ một vài lần đi ngang qua nhà ông ấy, người nhà chỉ cho tôi biết đó là nhà ông Trường Tiền Son, nhà là một biệt thự, xung quang có trồng những cây dừa, năm 1973 tôi có về Long Xuyên làm Thư ký Hội Đồng Giám Thị kỳ thi Tú Tài Kỹ Thuật, có được ông Phó Tỉnh Trưởng mời Hội Đồng Giám Thị đi ăn, vì ông ta có con là thí sinh, khi đến nơi tôi mới biết đó là nhà ông Trường Tiền Son, hoặc con cháu tự mở nhà hàng hoặc cho người ta thuê làm nhà hàng. Chắc anh cũng biết, thời xưa người ta gọi ông Trường Tiền, đó là ông Trưởng Ty Công Chánh. Danh từ Toà Bố tức Tòa Hành Chánh Tỉnh, Ông Chánh tức là Ông Chánh Tham Biện sau này là Tỉnh Trưởng. Cho nên ông Trường Tiền Son cho biết đường LT 10 là đường Liên Tỉnh Châu Đốc ( 2 ) + Long Xuyên ( 8 ), đây chắc không phải là ngẫu nhiên. Còn những đường Liên Tỉnh khác như anh cho biết không đúng số của hai tỉnh cộng lại. Như vậy sự giải thích của ông Trường Tiền Son không đúng sự thật như ngày nay, rất cám ơn anh cho biết tôi đã viết sai về điểm này.

Cũng liên quan đến Gia Châu Hà … này, ghe thuyền ngày xưa trọng tải đến bao nhiêu đó tôi không rõ, phải đăng bộ và số đăng bộ Ghe ở tỉnh Gia Định có chữ HF 1, Châu Đốc có chữ HF 2, … tôi không rõ chữ HF là viết tắc của chữ gì, thường 2 chữ đó họ viết dinh liền lại (gạch xuống của chữ H cũng là gạch xuống của chữ F, chung 1 gạch).

Về việc anh tôi đi Pháp, như anh biết sau khi thoái vị năm 1945, Bảo Đại trở lại chấp chánh năm 1949 với danh nghĩa Quốc Trưởng của Quốc Gia Việt Nam, nằm trong Liên Hiệp Pháp, có quân đội riêng, tướng Nguyễn Văn Hinh làm Tổng Tư Lệnh. Để yểm trợ cho chiến trường Điện Biên Phủ, chánh phủ Quốc Gia Việt Nam ra lệnh Động viên một số thanh niên phải nhập ngũ, hồi đó lệnh này chỉ được thi hành ở các đô thị, các công tư sở, còn ở vùng quê như miền Nam chúng ta thì nằm trong vùng giáo phái không bị ảnh hưởng. Tôi có hai người em cô cậu làm giáo viên ở Châu đốc và Mỹ Đức bị động viên, một cậu nhập ngũ đến 1956 mới giải ngũ về làm thư ký học chánh ở Ty Tiểu Học Châu Đốc, một cậu nghỉ dạy học trốn về quê đi cày làm ruộng.

Anh tôi, cũng trạc tuổi với hai cậu kia, lúc nhỏ học ở Long Xuyên, có học với Thầy Trương Văn Đức, không đậu bằng Tiểu Học (Primaire), khoảng năm1945, 46 đi học dệt vải ở Tân Châu, về nhà làm thợ dệt một thời gian, có một chị hàng xóm, quen thân lúc nhỏ, chị ấy theo gia đình lên Sàigòn. Nhơn một chuyến chị ấy về quê thăm nhà, anh tôi trốn cha mẹ, theo chị ấy lên Sàigòn khoảng năm 1947, 48. Vài tháng sau, có người giới thiệu cho anh tôi vào làm công cho ông Nguyễn Văn Lượng chủ nhân nhà thuốc Nhành Mai, là nhà thuốc danh tiếng Dưỡng Thai Nhành Mai và thuốc dán hiệu Con Rắng, ở số 36 Saboraine, nay là Tạ Thu Thâu Sàigòn, ban ngày làm việc, ban đêm anh tôi đi học lớp Kế Toán ở nhà Kiếng, ở bên cạnh cổng Vườn Tao Đàn, đường Lê Văn Duyệt nay là Cách Mạng Tháng Tám, đó là trụ sở của Tổng Liên Đoàn Lao Động ngày trước, xung quanh nhà ấy đều là những khung kiếng, nên gọi là “Nhà Kiếng”. Khi anh tôi có bằng Kế Toán mới xin vào làm ở Ngân Hàng Quốc Gia Việt Nam, làm được một thời gian, anh tôi bỏ việc ở đó, đi làm cho Đồn Điền Cao Su ở Mimot, Cambodge.

Thời gian làm ở Mimot là năm 1953, anh tôi bị động viên, nên tìm cách đi Pháp, anh tôi về Sàigòn mua vé máy bay đi Pháp, cô đầm bán vé cho biết muốn nói chuyện riêng với anh tôi về việc này, anh tôi mời cô ta đi ăn cơm. Trong bửa ăn cô ta cho biết, cô ta bán vé cho anh tôi thì được, nhưng khi anh tôi lên máy bay sẽ bị bắt đi lính, như vậy đã bị bắt mà còn mất tiền vé luôn. Cô ta cho biết, có thể bán vé cho anh tôi lên tàu ở Singapour, nếu anh tôi có thể tìm cách qua đó được. Anh tôi bằng lòng mua vé đi từ Singapour đến Pháp

Trở về đồn điền Mimot, anh tôi quá giang phi cơ riêng của chủ đồn điền sang Bangkok, vì đi quá giang nên không thể chủ động ngày đi, anh tôi đến Bangkok trước khi tàu đến Singapour mấy ngày, quá số ngày quy định cho phép khách du lịch quá cảnh ở Thái lan, anh tôi phải vào Tòa Đại sứ Việt Nam ở Thái lan xin giúp đỡ, được ông bà Đại sứ tốt bụng, cho ở nhờ và đến ngày đi cho tài xế lấy xe đưa đi b ến c ảng singapour. Đến Pháp, chẳng được mấy ngày, đồng tiền Đông Dương bị sụt giá, tiền anh tôi dành dụm không đủ chi dùng, việc làm chưa kiếm được, ngày ăn bánh mì, uống nước fontaine, đêm không chỗ trọ phải đi lang thang ngoài phố …

Chuyện anh tôi đi Pháp, có đầu có đuôi, chuyện nhà của tôi, anh hỏi buộc lòng tôi phải kể. Đến năm 1972, lần đầu tiên anh tôi về thăm nhà, lúc mà nhiều người giàu có rời Việt Nam ra ngoại quốc, trên phi cơ chỉ có một mình anh tôi là người Việt Nam đi từ Paris về Sàigòn, xuống phi trường Tân Sơn Nhất, anh tôi chỉ có cái xách tay đi du lịch, Hải Quan bảo nhau, nói cho anh tôi nghe luôn: “- Ông ấy đi công cán Hội Nghị Paris về đó, đừng xét hỏi làm phiền ổng!”. Anh tôi cười thầm trong bụng về sự nhầm lẫn này, nhưng anh tôi cho là sự nhầm lẫn có lý vì ai cũng ra đi cả, duy có anh tôi lại trở về. Nhưng năm 1986, sắp sửa về hưu, lần thứ hai anh tôi lại về chơi, khi mua vé anh tôi hỏi về giấy tờ nhập cảnh Việt Nam, họ trả lời thế nào đó, anh tôi hiểu lầm nên về đến Tân Sơn Nhất họ dẫn giải về Đệ Nhất Khách Sạn, ngủ hết một đêm, không cho đi dâu cả chờ làm giấy tờ Nhập Cảnh. Phải nhắn tôi tới để bảo lãnh cho anh ấy ra về trong khi chờ đợi giấy tờ ! Lần về năm 1972, anh tôi có cho tôi một Giấy Căn Cước cũ, tiện đây cũng để anh xem cho biết.

Tôi cũng muốn nói thêm là anh tôi vừa đi làm vừa đi học, tôi không rõ có bằng cấp gì, bạn bè có quen với ông Tăng Kim Tây từng làm Bộ Trưởng Bộ Giáo Dục, ông Viện Trưởng Đại Học Cần Thơ là học trò của ông Tăng Kim Tây, có nhờ anh tôi dạy về Kế Toán của Pháp ở Đại Học Cần Thơ một niên học.

Về Ca Dao, anh nói đúng, thường những người có học thức làm ca Dao gửi gấm tâm sự mình trong đó, anh viết về tiểu sử của Đào Duy Từ hoàn toàn đúng, nhưng cho rằng bài Ca Dao đó chúa Trịnh nói lên tâm sự của mình tiếc thương đã bỏ lỡ cơ hội dùng Đào Duy Từ, tôi nghĩ hình như không phải vậy.

Mặc dù tôi có thấy trên mạng có bài Nỗi Lòng Của Trương Tịch qua bài Tiết Phụ Ngâm của Lê Chánh Thiêm, đoạn cuối ông viết :

Trong kho-tàng văn-chương Việt-Nam cũng lưu lại vài giai-thoại tương-tự. Chúng ta biết trong thời Trịnh-Nguyễn phân-tranh, có bài ca-dao được lưu-truyền đến nay:

Trèo lên cây bưởi hái hoa
Bước xuống vườn cà hái nụ tầm-xuân.
Nụ tầm-xuân nở ra xanh biếc,
Em có chồng rồi anh tiếc lắm thay!
Ba đồng một miếng trầu cay,
Sao anh chẳng hỏi những ngày còn không?
Bây giờ em đã có chồng,
Như chim vào lồng, như cá cắn câu.
Cá cắn câu biết đâu mà gỡ,
Chim vào lồng biết thuở nào ra?

Tác giả bài viết đoạn này, không cho biết ai là tác giả của Bài Ca Dao, theo anh thì cho là của chúa Trịnh, nhưng tôi thì không cho là của Chúa Trịnh cũng không phải là tâm sự của Đào Duy Từ, như vậy cũng không phải phát xuất từ thời Trịnh Nguyễn phân tranh.

Tôi muốn đưa anh đi xa một chút, chắc anh biết bài Phong Kiều Dạ Bạc của Trương Kế, cũng xin nhắc lại để chúng ta cùng thưởng thức một lần nữa:

Nguyên bản chữ Hán:

Phong kiều dạ bạc

滿

Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên

Giang phong ngư hỏa đối sầu miên

Cô Tô thành ngọai Hàn San tự

Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền

* Nguyễn Hàm Ninh dịch

Đỗ thuyền đêm ở bến Phong Kiều

Trăng tà chiếc quạ kêu sương

Lửa chài cây bến sầu vương giấc hồ

Thuyền ai đậu bến Cô Tô

Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn San

Trần Trọng Kim dịch :

Quạ kêu, trăng lặn, sương rơi,
Lửa chài, cây bãi, đối người nằm co,
Con thuyền đậu bến Cô Tô
Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn Sơn

Còn nhiều người khác dịch nữa, chúng ta thấy khung cảnh rất tịch lặng, lúc nữa đêm lại nghe vẳng tiếng chuông chùa còn gì hay hơn. Nhưng giới thiền môn cho biết, không có đánh chuông vào giữa đêm, cho nên người ta mới vẽ vời ra chuyện cũng đêm ấy, ở chùa Hàn San, có hai thầy trò làm thơ lúc nữa đêm, ghép lại thành một bài thơ:

Sơ tam, sơ tứ nguyệt mông lung,
Bán tự ngân câu, bán tự cung.
Nhất phiến ngọc hồ phân lưỡng đoạn,
Bán trầm thủy để, bán phù không.

Trần Trọng San dịch

Mồng ba mồng bốn trăng mờ,
Nửa dường móc bạc, nửa như cung trời.
Một bình ngọc trắng chia hai,
Nửa chìm đáy nước, nửa cài từng không.

Cho rằng bài thơ quá hay, rồi thầy trò cùng nhau lên chánh điện thỉnh chuông tạ ân Phật tổ, nên có tiếng chuông giữa đêm và Trương Kế đã được nghe tiếng chuông ấy, ghi lại, làm cho bài thơ trở thành tuyệt tác.

Anh dư biết rằng, Đào Duy Từ đắp lũy Trường Dục để ngăn sự xâm chiếm của chúa Trịnh, nói cách khác hơn là chống lại chúa Trịnh, đó là kẻ thù, chém được, giết được Đào Duy Từ chúa Trịnh nào có thương tiếc chi. Còn về Đào Duy Từ, từ một kẻ chăn trâu, có tài, được tiến cử với chúa Nguyễn, ông trổ tài dâng mưu, hiến kế đắp lũy Trường Dục, lũy Nhật Lệ được phong chức Nội tán, khi mất được phong tước Lộc Khuê Hầu, đến đời Minh Mạng được phong tước Hoàng Quốc Công. Như vậy, hoàn cảnh của Đào Duy Từ được chúa Nguyễn trọng dụng, được nhà Nguyễn coi là khai quốc công thần, hoàn toàn khác hẳn hoàn cảnh của người đàn bà có chồng như chim ở trong lồng, như cá đã bị câu. Vậy thì bài Ca Dao chúng ta nói đến không liên quan đến Đào Duy Từ.

Chắc anh đồng ý với tôi là theo tâm lý chung ở đời, người ta chỉ thương hại cho kẻ thất thời, lỡ vận, nghèo hèn, ít ai có lòng thương người giàu có, danh vọng.

Thường Ca Dao, mỗi chữ mỗi câu tác giả nhận xét rất tinh tường, nhưng bài Ca Dao đó lại bị một sai lầm lớn là hoa Tầm Xuân chỉ có màu trắng và hường hường, không hề có màu xanh. Nên câu “Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc”, ai cũng biết rằng xanh biếc mới ăn vần với anh tiếc, nhưng tại sao không phải là “Nụ ầm xuân nở ra thanh khiết”, nó cũng ăn vần với “Em có chồng rồi anh tiếc lắm thay.”

Tôi không dám sửa văn, chắc anh cũng biết văn chương Trung Quốc có giai thoại, Vương An Thạch, một triết gia, một thừa tướng, một bài thơ của ông, có hai câu:

Minh nguyệt sơn đầu khiếu,

Hoàng khuyển ngọa hoa tâm.

Tô Đông Pha, thi hào đời Đường nhận thấy hai câu thơ chướng tai, gai mắt vì Trăng sáng làm sao hót ở đầu núi, Chó vàng làm sao nằm giữa cái hoa, nên thi sĩ họ Tô mới sửa thành:

Minh nguyệt sơn đầu chiếu,

Hoàng khuyển ngọa hoa âm.

Trăng sáng chiếu soi ở đầu núi, con chó vàng nằm dưới bóng hoa, bài thơ chẳng những trở nên có ý nghĩa mà còn hay thế mới là thi hào đời Đường.

Về sau, Tô Đông Pha bị lầm lỗi trong khi làm quan, nên bị đày đi nhậm chức nhỏ ở chỗ kia, nơi ấy ông mới biết có con chim tên là Minh Nguyệt và có con sâu tên là Hoàng Khuyển.

Danh nhân, thi sĩ còn bị nhầm lẫn huống hồ gì chúng ta phải không anh hai Trầu, vậy mà chính tôi cũng có một lần lầm lỗi, số là tôi có chủ trương một tờ báo, có một vị Tiến sĩ toán của Đại học Sorbone gửi bài tới, trong ấy có tên Aristot, tôi thấy chướng tai gai mắt nên sửa Aristote, vài hôm sau báo ra, ông ta gọi điện thoại hỏi tôi ai làm thầy cò, tôi trả lời chính tôi, ông ta ôn tồn nói: “ Tôi dẫn bài Anh văn nên họ viết là Aristot, còn Pháp văn mới là Aristote, sửa vậy cũng không sao!”. Tôi chỉ còn biết xin lỗi vì sự ngu dốt của mình và từ đó đến nay, tôi cẩn thận hơn.

Thưa anh, thơ dài quá mà cũng tại bây giờ “mỗi ngày thức dậy là thấy mình bước tới gần huyệt mộ của mình thêm một bước nữa”, cho nên càng thêm lẩm cẩm, có gì xin anh vui lòng mà thứ lỗi cho, được như vậy cám ơn anh nhiều lắm.

Tôi đã định dừng tại đây, nhưng còn một chuyện nữa may không thôi tôi đã quên rồi, năm ngoái vào khoảng tháng bảy, tôi về thăm quê hương. Tôi thích ăn bánh xèo với bông điên điển, nên có vào xóm nằm giữa chùa Kỳ Viên và trường Sơ Đẳng Tiểu Học mà anh đã học hồi nhỏ, tôi có gặp anh Tư Cầm, năm nay chừng 80 tuổi, chắc đó là Thầy giáo dạy lớp Năm, năm xưa, anh ấy vẫn còn khỏe nhưng đi có cầm theo cây gậy, tôi và anh ấy có nói chuyện về bệnh tật, sức khỏe của người già, cháu gọi tôi bằng Cậu hiện nay làm Hiệu Trưởng trường này.

Thư này hôm qua tôi viết một đoạn, đến nửa đêm phải đi ngủ dưỡng sức cho sáng nay đi làm, hôm nay viết tiếp cho xong để gửi cho anh, vì sợ để lâu thành ra vô lễ bắt anh phải trông đợi câu trả lời, nhưng anh thấy đó, không viết ngắn được, nên phải có thì giờ.

Kính chúc anh, gia quyến và hết thảy bà con vạn an.

Kính thư,

Huỳnh Ái Tông

No comments:

Post a Comment