Đại học Sư Phạm Kỹ Thuật Thủ Đức, tiền phong của nó là Ban Cao Đẳng Sư Phạm Kỹ Thuật được thành lập năm 1962 đặt tại Trường Bách Khoa Trung Cấp Phú Thọ.
Năm 1969, Trường Kỹ Thuật Nguyễn Trường Tộ giao cho Tòa Đại Sứ Mỹ, dời về ở tạm trong khuôn viên Nha Kỹ Thuật Học Vụ. Năm 1970, từ Ban Mê Thuột tôi được đổi về dạy Trường này, đến năm 1972 Trung Tâm Kỹ Thuật Nguyễn Trường Tộ Thủ Đức khánh thành và bàn giao cho Trung Học Kỹ Thuật Nguyễn Trường Tộ, Trường rất đẹp, đầy đủ tiện nghi máy móc, nhưng xa trung tâm Sàigòn nên các Giáo sư Nguyễn Trường Tộ đồng ý giao Trường cho Ban Cao Đẳng Sư Phạm Kỹ Thuật. Cho nên, Nguyễn Đức Lộc và Nguyễn Văn Quyền mời tôi lên Thủ Đức chơi, thăm lại trường cũ, tôi nhận lời và đi, cùng đi còn có Nguyễn Xuân Thới, Hồ Ngọc Điển và bạn của Điển.
Để tránh kẹt xe, tôi khởi hành lúc 7 giờ, còn Điển và Thới đi lúc 8 giờ, nên tôi đến nhà Lộc sớm vào khoảng 8 giờ, chúng tôi có thời gian nói chuyện nhắc đến bạn bè. Lộc gọi điện thoại cho Đỗ Hoàng Bá, đưa cho tôi nói chuyện với Bá, Bá nhắc tới Lý Thất và chị Dung phu nhân Lý Thất, rồi Bá cho chị Dung biết tôi đang ở nhà Lộc, chừng 5 phút sau chị Dung gọi tới thăm tôi, tôi được biết Lý thất có con gái ở Mỹ và một cô con gái khác sắp gả chồng về miền Trung, chị Dung được con gái bảo lãnh cũng sắp đi Mỹ.
Đến hơn 9 giờ Thới và Lộc mới đến, chúng tôi nói chuyện về Lý Thất và Phạm Văn Tài, hai người bạn đều giã từ anh em quá sớm. Chờ đến hơn 10 giờ Nguyễn Văn Quyền đi họp mới về, Quyền đưa chúng tôi vào thăm Trường Đại Học Sư Phạm Kỹ Thuật Thủ Đức, Trường Việt Đức cũng đã xáp nhập vào Trường này từ lâu. Chúng tôi xem một Phân Khoa do Áo Viện Trợ 4 triệu Euro máy móc, còn cơ sở xây một building 4 tầng do vốn Việt Nam. Rồi Quyền hướng dẫn chúng tôi đi thăm một Phân Khoa Việt Đức, do Đức trang bị Dụng cụ máy móc khá hiện đại, khả năng đào tạo chuyên viên cho các công ty của Đức tại Việt Nam.
Đi ngang qua Hội Trường, dãi nhà hành chánh làm cho tôi nhớ đến năm xưa, mới tiếp thu trường, hàng đêm chúng tôi phải từ Sàigòn lên đó gác đêm, chuyện giáo sư Nguyễn Tấn Lợi cùng gác đêm với tôi bị một cô gái mặc áo dài trắng xõa tóc, kéo anh Lợi từ trên bàn rớt xuống đất, huyền thoại về cây săn đá duy nhất còn lại trong trường, ngày nay nơi đó ngày Tết tất cả Ban Giám Đốc Trường ra đó đốt nhang, mùa thi Sinh Viên đốt nhang nghi ngút khói.
Hơn 1 giờ chúng tôi chia tay nhau, tôi đi viếng mộ nhạc gia tôi trong Nghĩa trang Vĩnh Nghiêm ở Quận 12 (Hóc Môn).
Cuộc họp mặt rất đầm ấm, trên 20 năm tôi mới gặp lại Quyền, Quyền học Cao Thắng sau này, tốt nghiệp Kỹ Nghệ Họa Ban Cao Đẳng Sư Phạm Kỹ Thuật, Lộc hình như ngoài 30 năm hay 40 năm mới gặp lại, nhìn lại đã già hết, cái chết sồng sộc đến rồi, nên tránh hiểu lầm nhau để tình bạn ngày càng đậm đà hơn.
No comments:
Post a Comment