Pages

Wednesday, June 9, 2010

Lục tìm dĩ vãnh

Lục tìm dĩ vãng Huỳnh Ái Tông

Mặc dù không có thì giờ, ngày áp chót nghỉ Hè năm nay, tôi muốn tìm lại một vài vết tích cũ của cái thành phố đã ôm ấp trọn hết tuổi thanh xuân của tôi, những buổi rong chơi trong Sở thú, la cà từ chuồng khỉ tới chuồng cọp…xem những di chỉ Chăm, Óc eo, tượng Phật gỗ chùa Khải Tường, lang thang trong vườn Ông Thượng, cột cờ Thủ Ngữ ở bến sông Sàigòn,

Sàigòn ngày ấy là hòn ngọc Viễn Đông, đường phố với những hàng me bóng mát rợp đường, những cây dầu to, thật to trên đường Phan Đình Phùng, những cây sao trên đường Duy Tân, Phan Thanh Giản, những cây cao-su trên đường Hiền Vương, con đường vắng dành riêng cho những cập tình nhân trên đường Tú Xương.

Sàigòn có những rạp Ciné được giới trẻ học sinh chúng tôi ưa chuộng như Lê Lợi, Vĩnh Lợi, Casino Sàigòn, những rạp thanh nhã hơn như Rex, Eden, Đại Nam, Majectic, Kinh Đô, Văn Hoa. Lại còn những rạp hát bình dân hơn như Asam, Long Thuận, Hồng Bàng, Nam Việt, Catina, Khải Hoàn, Rạng Đông, Nam Quang, Việt Long …. Đã chiếu những phim Cây Nhân Sinh, Cuốn Theo Chiều Gió, Người Phu Xe, Lã Sanh Môn, Bac Trắng Lửa Hồng, và còn nhiều nữa những bộ phim tình cảm, đưa tuổi thơ vào đời với biết bao mơ mộng.

Những thứ đó, mỗi chút mỗi gậm nhấm, chia xẻ, cột chặt tuổi thơ, tuổi thanh niên của tôi. Nay đã có tuổi, tôi muốn tìm lại chút gì còn lại ở thành phố này. Tôi đi ngang qua trường cũ mấy bận, nhìn thấy chiếc đồng hồ xưa, một chút tuổi học trò tôi còn đó, nhìn thấy đồng hồ bốn mặt chợ Bến thành, một chút tuổi thanh xuân tôi còn đó.

Tôi muốn tìm đến ngôi trường kỹ thuật Nguyễn Trường Tộ cũ, ở địa chỉ 25 Bis Hồng Thập Tự, nó là ngôi trường được thành lập từ năm 1898, trên một khu đất mà Toà Đại sứ Pháp chiếm phân nữa, phần tư kia sau này là Toà Đại Sứ Mỹ và phần tư còn lại là của Trường.

Đến năm 1945 Trường bị Nhật chiếm, sau Pháp tiếp thu lại rồi cắt một phần làm trụ sở Cảnh Sát Quận Nhứt, năm 1946 Pháp trả lại cho Trường chỉ còn có phân nửa Trường cũ mà thôi. Năm 1969, phần còn lại của Trường giao cho Tòa Đại sứ Mỹ, Trường dời về 55C đường Tự Đức, Mỳ đền cho Bộ Giáo Dục một ngôi trường đồ sộ, nay là Đại Học Sư Phạm Kỹ Thuật Thủ Đức.

Tôi đến đã trễ, không thể nào ghi lại một chút dấu tích của ngôi trường xưa, Trường đó, sau này có thời tôi đã dạy, có thời tôi đã làm Hiệu Trưởng. nay người ta đang đập phá, đang dùng cơ giới để ủi sập những bức tường, những nền ngang, móng dọc. Nó ngổn ngang cũng như thành phố đang ngổn ngang với những ngôi nhà cao-thấp, nhỏ-to, mới-cũ.

Bổng dưng tôi nhớ tới mấy năm trước, đi trên đường Phạm Ngũ Lão thấy có dòng chữ École Maternelle de Chodui, ghi trên tường trạm biến điện CEE, phía sau Trường Tôn Thọ Tường, dòng chữ ấy đấp nổi, sau này người ta đục bỏ dòng chữ nổi đi, nhưng vẫn còn dấu vết của dòng chữ kia, Tôi quay trở lại chỗ cũ, nhưng người ta đã quét những lớp vôi mới, nay tôi chỉ còn thấy có DE CHODUI lờ mờ mà thôi.

Mấy chữ lờ mờ đó, nó đã giúp tôi giải tỏa một câu hỏi, từ lâu của ai đó. Chợ Đủi ở ngã tư Trần Quý Cáp – Lê Văn Duyệt, sau năm 1975, người ta đã dẹp hai nhà lồng chợ, để xây cửa hàng bách hóa, rồi đây địa danh chợ Đủi sẽ bị người đời lãng quên qua năm tháng. Câu hỏi, người ta đã đặt chung chung cho mọi người trong một buổi uống cà-phê: “- Nghĩa địa Họ đạo Chợ Đủi nằm cạnh nghĩa địa Đô Thành (nay là Công viên Lê Thị Riêng - đường CMT8), vậy nhà thờ Chợ Đủi ở đâu ?”. Sau đó, tôi đọc được tài liệu hay trong Sàigòn Năm Xưa của Vương Hồng Sễn, cho biết nhà thờ họ Đạo Chợ Đủi là nhà thờ Huyện Sĩ, và dòng chữ trên Trạm biến thế kia là một khẳng định chắc chắn nhứt, nhưng người ta đang bôi xóa nó dần dần.

Trước một tuần, tôi trở về có người bạn mời đi ăn cơm chay của nhà hàng Việt Chay ở chùa Vĩnh Nghiêm. Nói đến nhà hàng chay ở Sàigòn, như Cát Tường ở đường Trần Khánh Dư, Thiền Duyên trên đường Nguyễn Văn Đậu ở Gia Định, Giác Đức ở đường Nguyễn Đình Chiểu, Văn Cảnh ở chợ Sàigòn với 100 thức ăn chay Buffet vào tháng 7 âm lịch mỗi năm. Định Ý ở đường Cống Quỳnh, Hoa Đăng ở đường Huỳnh Khương Ninh…

Đến nhà hàng Việt Chay vào buổi tối, tôi không có dịp lễ Phật, viếng chùa, nhất là từ khi Hòa Thượng Thanh Kiểm viên tịch, tôi thấy mình bị xa cách chùa từ đó. Nhớ lại năm 1964, khi mới đổ đất lấp ao rau muống để xây chùa, tôi đã góp một tay khiêng đất san nền. Nơi đó, những ngày tháng khó khăn của đất nước, Hòa Thượng Thanh Kiểm đã làm kinh tế tự túc ở nghĩa địa Vĩnh Nghiêm trên Hóc Môn, giữ cho chùa một chỗ trang nghiêm thanh tịnh, nay người ta biến chùa ấy thành chốn bán mua !

Lần đầu tiên, chuyến về Sàigòn này, tôi cảm thấy quê hương mình xa thì nhớ, trở về lại thấy ngổn ngang, xa lạ, tìm một chút gì kỷ niệm xưa, nó đã bị người ta đang đập phá, quét tô dùi dập.

Làm mới thì phải bỏ cũ đã đành, nhưng người có tuổi lại chỉ thích nhớ chuyện xưa, chuyện họ hàng thân thuộc, chuyện bạn bè, trường học, dòng nước, con sông, tiếc nuối để làm gì, cuộc đời khác nào dòng nước chảy, nó cuốn trôi cả rác rến lẫn phù sa, nó làm lở chỗ này thì bồi đấp chỗ kia, cuộc bể dâu là vậy.

Biết thế, nhưng tôi lại mang về một cái khai cẩn xà cừ có chạm trổ tinh vi, một cái nhạo và mấy cái chun rượu, đó là bộ của khai trầu rượu, nó là hình thức biểu lộ phong tục, văn hóa, tôi nghĩ chúng ta còn có thể giữ được cái đó, trước cao trào Việt Nam hội nhập thế giới ngày nay.

1-9-2008

No comments:

Post a Comment