Pages

Wednesday, June 9, 2010

Việt Nam ngày trở về năm 2006

Tôi rời Louisville ngày 14 tháng 7 năm 2006 này, để về Việt Nam trên chuyến bay của hãng hàng không United Airline, đường bay thẳng này từ Chicago bay lên Bắc cực, xuống Liên xô qua Ulan Bato của Mông cổ, vào đất Trung Hoa băng ngang Bắc Kinh đến Hồng kông mất 14 giờ. Chuyến bay bị đình trễ từ 12 giờ đến hơn 5 giờ chiều mới cất cánh, đến Hồng kông khoảng 9 giờ đêm ngày 15 tháng 7, có khoảng thời gian ngắn chờ đợi chuyển phi cơ, lần này tôi có dịp đi xem những cửa hàng bày bán trà Tàu, bộ uống trà … Lên phi cơ khoảng 10 giờ 30 về đến phi trường Tân Sơn Nhất khoảng 11 giờ 30 đêm.

Hôm sau, Chủ nhật 16-8-2006, tôi có nhớ tới Hội Thảo “Phật Giáo Trong Thời Đại Mới: Cơ Hội và Thách Thức” tổ chức tại Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam trong các ngày 15 và 16-7-2006 quy tụ hơn 60 nhà nghiên cứu học giả trong nước và hải ngoại. Tôi muốn đến dự thính, nhưng mới về trong người không được khỏe, vả lại đường sá xe cộ đông đúc, nhà cửa xây cất hổn độn chói mắt, tôi thấy chưa quen cần nghỉ ngơi vài hôm.

Sáng Thứ hai 17-7-2006, đi ăn sáng ở quán chay Định Ý trên đường Cống Quỳnh, con rể tôi có mời một giáo sư dạy ở Đại Học Khoa Học Tự Nhiên ăn sáng, ông ta cho biết có phụ giúp tổ chức Hội Thảo, xong hôm qua, hôm nay một số ra phi trường đi về, một số lên đất của Viện Đại Học Phật Giáo trồng cây Bồ Đề, gần chỗ Ông Phật Cô Đơn, đó là khu Kinh tế mới Lê Minh Xuân, thuộc quận Bình Chánh.

Buổi chiều, tôi gọi điện thoại cho Nguyễn Đình Hùng, Hùng cho biết Bác Liệu ốm, Hùng muốn đến đưa tôi đi thăm, tôi đồng ý, thế là Hùng đến chở tôi, trên đường đi Hùng cho biết năm ngoái đã về hưu, nhưng năm nay đi làm lại cho đủ thời gian hưởng hưu, Hùng cũng cho biết anh Phạm Tuấn Ngọc và Chị Mai đã trở lại sinh hoạt Gia Đình Phật Tử Giác Hạnh ở chùa Phước Hải của Ni sư Tịnh Nguyện. Đây là một tin vui.

Đến nhà gặp Bác Liệu, bác cho biết đã khỏe lại rồi, qua trao đổi Phật sự, Bác cho biết lần này Vĩnh Nghiêm có đến hai Huynh Trưởng đi dự Trại Vạn Hạnh, đó là Hòa thuộc GĐPT Giác Nguyên và Kiều thuộc GĐPT Giác Trí, tôi cảm thấy đây là tin vui, các Huynh Trưởng cố gắng để cầu tiến, kế đó nữa là tin sắp có Hội Nghị Gia Đình Phật Tử toàn quốc tổ chức tại tổ đình Vĩnh Nghiêm, Bác Liệu và Hùng chưa có tin tức chính xác về ngày giờ và nội dung Hội nghị.

Về Mỹ, tôi đọc được Bản Tin trên Trang nhà Vĩnh Nghiêm, một số bài và hình ảnh của Hội Nghị này, có ảnh chụp toàn thể Đại Biểu tại Tổ đình Vĩnh Nghiêm.

Sáng Thứ ba 18-7-2006, nhà tôi và tôi mới đi đến chùa Già Lam để thăm Thầy Tuệ Sỹ theo yêu cầu của Giáo sư Hồng Dương Nguyễn Văn Hai, tôi đã được Thầy Tuệ Sỹ tiếp ở dưới mái hiên Thi Nại Am, từ đây nhìn xuống bên dưới có một con đường nhỏ, lối đi giữa hai hang kiểng xanh, lối ấy dẫn ra phía ngoài là một cái cổng có mái che, không gian tuy nhỏ hẹp nhưng cũng đủ thiền vị, rồi Thầy sai một chú pha trà, vừa uống trà, Thầy vừa nói cho tôi biết về Viện Đại Học Phật Giáo sắp mở. Thầy không làm được nên đưa Thầy Lê Mạnh Thát ra làm, nhà nước không cho lấy lại tên cũ Đại Học Vạn Hạnh, sẽ đặt tên Đại Học Lý Thái Tổ, hiện nay một số chư Tăng du học ở Ấn Độ về, có bằng cấp, nhưng Phật Học Ấn độ còn hạn chế nên số Thầy có trình độ giảng dạy không nhiều, số cư sĩ có trình độ ngày xưa nay không còn bao nhiêu, một số ra nước ngoài, số còn lại rất ít, một số đã mệnh chung. Trước mắt sẽ mở hai Phân khoa : Phật học và Y khoa, về Y khoa trong Phật giáo còn nhiều chưa phát triển. Rất cần những vị có trình độ giảng dạy để đạt được kết quả, nếu không chúng ta tranh đấu để rồi các tôn giáo khác được hưởng mà mình không đạt được thành quả như mong muốn.

Một Tăng vào báo có khách, Thầy cho mời vào, nhìn người khách mới đến, tôi nhận ra đó là anh Vũ Thế Ngọc, bạn học cùng năm thứ tư ở Văn khoa Vạn Hạnh, mới đây mà đã xa cách gần 40 năm mới gặp lại, không hẹn mà gặp, chụp vài tấm ảnh, chủ khách uống một chén trà ngon, Thị giả vào báo đến giờ cúng Quá Đường, Thầy bảo chúng tôi: “Các anh đến buổi chiều có nhiều thì giờ trò chuyện hơn”. Riêng tôi, Thầy bảo : “Muốn gặp Thầy Thát, hôm khác đến, tôi bảo thầy Nguyên Vương gọi điện thoại, hẹn cho anh, tiếc rằng hôm nay có việc, thầy Nguyên Vương đi vắng”. Thầy Nguyên Vương được nhắc tới, đó là Thị giả của Thầy Tuệ Sỹ.

Ba chúng tôi chào Thầy ra về, xuống sân chùa anh Ngọc và chúng tôi lâu ngày gặp lại, tình còn quyến luyến nên ngồi lại uống nước, hàn huyên. Tôi nói để tìm lại vài người bạn như Lê Văn Quang, Ngọc lại liên tưởng đến Trần Văn Quang học lớp Anh Mỹ 3 với anh, Quang này là bạn học với tôi ở Trung Học Kỹ Thuật Cao Thắng. Tôi cũng hứa tìm cô Trần Thị Bích Bướm, chẳng những tên đẹp mà người cũng đẹp, làm Ngọc liên tưởng đến một chuyện, Ngọc kể: “ Có một ông giáo sư kia, từ hải ngoại về Việt nam ra Hà Nội thăm lại ngôi nhà cũ, ông ta nhớ đến cô hàng xóm năm xưa, bồi hồi hỏi một bà lão tóc bạc, da mồi có biết cô Thanh trong căn nhà đó hay không, bà lão trả lời chính mình là cô Thanh ngày xưa …” Tôi có đến tìm Quang, người hàng xóm cho biết Quang đã dọn đi nơi khác vài năm rồi, tôi để điện thoại nhờ chuyển cho Quang để gọi tôi tới thăm, nhưng chờ mãi chẳng thấy Quang gọi tới, anh ta không thể quên tôi, bởi vì ngoài tình bạn, tôi còn đưa anh ta vào dạy giờ ở trường Kỹ Thuật Nguyễn Trường Tộ. Tới nhà cô Bích Bướm, xưa là quán cà phê trước mái hiên nhà, trong con hẻm cụt, nay đã có hàng rào sắt, cổng khóa, hỏi hàng xóm cho biết cô và gia đình đã đi Mỹ trên mười năm rồi.

Về tới Mỹ, tôi gửi ngay cho Ngọc một Email, cho anh biết tôi không tìm ra Quang, còn Bích Bướm thì cũng đã bay lượn qua Mỹ trên mười năm trước rồi, kèm theo đó là địa chỉ Email của Trần Thanh Quang.

Về Việt Nam lần này, lòng nhủ lòng sẽ dành thì giờ đi thăm anh Trúc Hải ở Cam Ranh, nhưng không có địa chỉ, một buổi tối ghé thăm anh Lê Xuân Thiệu, để nhờ anh chỉ dùm, tôi đến thấy nhà anh đã đập phá, nhá nhem ánh đèn, tôi thấy anh Thiệu đang chén chú chén anh, nghe có tôi tìm, anh mừng rở chạy ra kéo tôi vào bàn tiệc, gồm có sui gia của anh, cháu Thảo con đầu lòng của anh, một người con rể của anh, anh và tôi. Anh cho biết không có địa chỉ của Trúc Hải, nhưng hứa ngày mai sẽ đi tìm cho tôi, tôi đưa cho anh số điện thoại của con gái tôi, dặn anh khi có địa chỉ, anh gọi báo dùm. Anh đưa cho tôi xem tập bản vẽ thiết kế xây dựng nhà mới của anh, hợp đồng xây cất trọn gói là sáu trăm ba mươi triệu đồng, vừa mới ký kết xong nên ăn mừng. Tôi uống mừng anh mấy ly bia rồi ra về, hy vọng có địa chỉ, tôi sẽ đi thăm anh Trúc Hải ở Cam Ranh, rồi tiện thể ra Nha Trang tắm biển, nhưng tôi chờ anh mấy hôm mà không nghe anh gọi điện thoại tới, gọi điện thoại cho anh không được, tới nhà anh tìm không gặp. Chắc là chưa gặp duyên để đi thăm anh Trúc Hải. Có những việc ta mong cầu mà không được, lại có những việc ta không mong đợi mà nó đến một cách bất ngờ, như tôi gặp lại anh Nguyễn Văn Quýnh lần này.

Tôi có viết một quyển sách loại khảo cứu văn học, tựa là “Văn Học Miền Nam” giới hạn từ khi Nam tiến cho đến năm 1954, năm miền Bắc di cư. Trong sách có nhiều chương, tôi đã hoàn tất được một số chương sau, đưa lên Trang nhà Ái hữu Vĩnh Nghiêm, còn một số chương khởi đầu, trước 1975 tôi đã đánh máy xong, nay mang về Việt Nam mướn người đánh vào máy vi tính, vì nhìn thấy khoảng 180 trang tôi không đủ can đảm ngồi vào máy vi tính mổ cò từng chữ. Trong đó có một phần viết về Mạc Cữu, người Minh Hương đã dâng đất Hà Tiên cho chúa Nguyễn, phần đất cực Nam nước Việt, là bậc Khai quốc công thần. Con ông, Mạc Thiên Tích người lập ra Chiêu Anh Các quy tụ trên 30 văn nhân Việt Nam và Trung Hoa xướng họa thi văn, đất Hà Tiên được ông ca ngợi, đặt tên cho mười thắng cảnh: 1.- Kim dự lan đào 2.- Bình sơn điệp thúy 3.- Tiêu tự thần chung 4.- Giang thành dạ cổ 5.- Thạch động thôn vân 6.- Châu nham lạc lộ 7.- Đông hồ ấn nguyệt 8.- Nam phố trừng ba 9.- Lộc trĩ cư thôn 10.- Lư khê nhàn điếu. Với 10 cảnh này đã gây cảm hứng chi thi nhân sáng tác một tác phẩm Hán: “Hà Tiên Thập Vịnh” và một tác phẩm Nôm: “Hà Tiên Thập Cảnh Khúc Vịnh”, xin trích “Hà Tiên Thập Cảnh Tổng Vịnh” là khúc thứ 11 trong “Hà Tiên Thập Cảnh Khúc Vịnh”:

Mười cảnh Hà Tiên rất hữu tình,
Non non nước nước gẫm nên xinh.
Đông hồ, Lộc trĩ luôn dòng chảy,
Nam phố, Lư khê một mạch xanh.
Tiêu tự, Giang thành chuông trống ỏi,
Châu nham, Kim dự cá chim quanh.
Bình san, Thạch động là rường cột,
Sừng sựng muôn năm cũng để dành.

Cho nên, tôi muốn nhơn về thăm nhà ở An giang, tiện thể đến thăm Hà Tiên để biết thêm danh lam thắng cảnh nước nhà.

Từ Sàigòn về Long xuyên, chúng tôi thuê một chiếc xe Van Mercedes 16 chỗ ngồi, tính ra mỗi người có thể nằm một băng cũng còn dư chỗ, cho nên có một người quen quá giang đi Châu đốc cúng Bà, đúng ra Vía Bà Chúa Xứ ở núi Sam Châu đốc, vào ngày 24 tháng Tư Âm lịch hàng năm, vào những ngày tháng đó, xe cộ dập dìu, nhưng những ngày khác cũng thường có khách vãng lai đến viếng cảnh hay cúng tạ lễ. Cách Miểu Bà chừng 50 thước, bên kia đường là chùa Tây An, một ngôi chùa cổ nổi tiếng ở miền Tây, đây là nơi đức Phật Thầy Tây An trụ trì đầu tiên. Ngài là một vị Tăng dòng Lâm Tế thuộc Tổ đình Giác Lâm, nơi Gia Đình Phật Tử Giác Minh ngày xưa thường đi cắm trại ở chùa này.

Ngày xưa, từ Sàigòn đi An Giang theo quốc lộ 4, qua phà Mỹ Thuận, qua Sa đéc rồi qua phà Vàm Cống đến Long Xuyên hoặc sau khi qua phà Mỹ Thuận, qua Vĩnh Long, qua phà Cần Thơ rồi về Long Xuyên, theo đường này xa hơn chừng 30 cây số. Còn ngày nay từ Sàigòn đi tới An Hữu (cách cầu treo Mỹ Thuận) chừng 5 cây số, rẽ tay phải đi qua Cao Lãnh, qua phà Cao Lãnh, chạy lên Cái Tàu Thượng, qua phà An Hòa là tới ngay Thị Xã Long Xuyên, đi đường này gần hơn đường qua phà Vàm Cống. Chúng tôi đi đường này, khởi hành hơn 7 giờ sang, tới Long Xuyên khoảng 11 giờ, ăn cơm rồi thẳng đi Châu Đốc vào núi Sam viếng Miếu bà, trở lại chợ Châu Đốc mua vài đặc sản, trên đường về Long Xuyên, ghé thăm nhà, viếng mộ gia đình, trước đó chúng tôi có nhờ vợ chồng người em gái, tu bổ lại mộ ông bà, cha mẹ, nhân tiện tôi cũng ghé thăm Đình làng, nơi đó ngày xưa có miếu thờ Ông Xã Cọp, nay miếu ấy vẫn còn, người ta đã tu bổ lại và biến cải thành miếu thờ hai chữ đại tự (Thổ Thần), tôi nghĩ trong làng ngày nay không còn ai nhớ tới tích xưa: Một con cọp cõng bà mụ đi đỡ đẻ cọp con, vài đêm sau nó tha đến một con heo đền ơn bà mụ, cọp chẳng những không giết hại dân làng, không bắt heo của ai trong làng để tạ ơn bà mụ, nên nó được cử làm Xã trưởng, và cái miếu đó để thờ con cọp ấy, nay không còn. Trở lại thị xã Long Xuyên đèn đường vẫn còn chưa cháy.

Ngày hôm sau, chúng tôi đi Hà Tiên chở theo hai gia đình của chị và em gái tôi. Xưa muốn đi Hà Tiên, từ Long Xuyên phải đi Rạch Giá rồi qua Hà Tiên, nay từ Long Xuyên hoặc đi đường núi Sập, qua Ba Thê nơi có di chỉ khảo cổ Óc Eo, đến Tri Tôn rồi thẳng tới Hà Tiên hoặc từ Long Xuyên đi Lộ Tẻ vào Tri Tôn đến Hà Tiên, chuyến đi theo đường Núi Sập, chuyến về theo đường Lộ Tẻ gần hơn. Ở Long Xuyên hơn 7 giờ mới đi, vào Hà Tiên chừng 11 giờ, sau khi vào chùa Hang, ngắm Hòn Phụ Tử xong mới quay về chợ Hà Tiên dùng cơm, nơi đây tôi đã nhìn thấy bến Tô Châu, từ trước 1975 Công Binh có làm chiếc cầu nổi, bắt qua Đông hồ nay vẫn còn đó, cuối Đông hồ phía bờ biển mới xây cầu xi măng mang tên Cầu Tô Châu, ban đêm ánh trăng rọi xuống hồ này chắc là phải đẹp, nên mới được thi nhân đặt là “Đông hồ ấn nguyệt”. Dùng cơm xong đi viếng Thạch Động. Thạch động là một khối đá dựng rất to, từ dưới chân theo các bậc thang bước lên chừng 20 bậc thì tới cửa động, có biển ghi là Tiên Sơn Động, vào bên trong gặp ngay chỗ thờ đức Quán Thế Âm, qua khỏi đó là một ngôi chùa Phật, tường xây gạch, mái lợp ngói, chánh điện thờ Phật Thích Ca, tả hữu có A Nan và Ca Diếp, đối diện là Hộ Pháp, chùa ngang chừng 6 thước, sâu chừng 8 thước, mái thấp, có thể chứa chừng 30 người khi tụng kinh, lễ Phật, tượng đức Bổn sư hơi to, chùa nhỏ lại thấp nên không cân xứng, ở đây có những khoảng trống nhìn ra bên ngoài, dưới thấp kia trải ra một cánh đồng cỏ, xa xa một ngọn núi xanh, cảnh vật thật hữu tình, nên được đặt tên là “Thạch động thôn vân”.

Rời Thạch động, tài xế đề nghị đưa ra Mũi Nai để tắm biển, không ai tán thành, mặc dầu tôi muốn biết cảnh “Lộc trỉ thôn cư”, nên đành quay xe ra về.

Về Sàigòn vài hôm, đọc báo thấy hòn Phụ đã bị gãy, hòn này chừng 100 tấn, ở vị thế nghiêng 15 độ, gãy làm hai phần chìm xuống biển, phần giữa còn nguyên, nhưng phần trên gãy vụn thành nhiều mảnh, địa phương cho rằng Hòn Phụ tử là biểu tượng của Hà Tiên, nên cần phải tái tạo lại, cũng có một nhà thầu xây cất, cho biết có khả năng phục chế, chắc rồi đây Hòn Phụ sẽ được tái tạo, để giữ được mỹ quan và biểu tượng của đất Hà Tiên.

Tôi dành một buổi sáng để đi thăm anh Võ Đình Cường, sau khi bấm chuông, tôi đợi khá lâu, con gái anh ra mở cổng, vào nhà vẫn thấy anh ngồi y chỗ năm ngoái anh đã ngồi, anh mặc pyjama trắng, trông anh khoẻ hơn lần gặp trước, anh cho biết còn một tháng nữa anh được 90 tuổi, Hòa Thượng Minh Châu, Từ Mãn, anh Cầm và anh cùng tuổi, nhưng anh Cầm là người khỏe mạnh nhất, ngày ngày vẫn đi làm ở báo Giác Ngộ, còn Hòa Thượng Minh Châu nay nằm đó chờ ngày về cõi Phật. Con gái anh mời nước uống, tôi nhờ cô ấy chụp cho anh và tôi tấm ảnh, lần này chị Cường không có ở nhà, anh nói chuyện với tôi nhiều hơn lần trước, và khi tôi ra về, anh đích thân đưa ra tận cổng, chứng tỏ sức khỏe của anh vần còn tốt. Anh nhờ tôi nhắn lời thăm tất cả anh chị em ở hải ngoại.

Một lần vào sáng Thứ Bảy tôi đến tòa soạn báo Giác Ngộ để thăm anh Tống Hồ Cầm, Phó tổng biên tập báo này, đến nơi người bảo vệ cho biết Thứ Bảy nghỉ, ngày khác tôi đến sớm, tòa soạn vắng, người ta chỉ tôi lên lầu để gặp anh Cầm, cả một tầng lầu mấy phòng, chỉ có mình anh ngồi đọc báo ở ghế Salon, phòng làm việc của anh rất rộng, gặp tôi anh rất vui vẻ trò chuyện, bảo tôi viết bài gửi về đăng báo Giác Ngộ, đã có nhiều người ở hải ngoại làm việc ấy rồi, tôi cười chớ không trả lời như mấy chục năm trước, cũng tại tòa soạn này, anh bảo tôi viết bài để đăng vào báo Giác Ngộ, tôi tự hỏi mình có khả năng viết cho báo Giác Ngộ hay sao?” Anh vói lấy một số báo Vu Lan PL 2550 đưa cho tôi, dặn thêm: “Trong đó nhiều bài có giá trị”. Tôi muốn chụp với anh một tấm ảnh, anh phải đi xuống lầu, mượn được một cô thư ký lên chụp ảnh, anh muốn ngồi vào chỗ có tấm ảnh chụp kỷ niệm ngày khánh thành trụ sở báo Giác Ngộ vừa mới xây lại, với anh đó là một chứng tích, anh đã góp công xây dựng Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam ngày nay. Lần này anh cho biết, con anh Tống Hồ Thanh Kỳ đang ở California, con của Kỳ, cháu của Kỳ, về thăm chúng gọi anh là ông Cố rồi.

Tôi liên tưởng tới, ngày xưa Lê Đình Luân, Lê Lừng hai mươi ngoài tuổi, lập Gia Đình Phật Hóa Phổ, Đoàn sinh gọi Huynh Trưởng là anh là chị không có chi “nghịch nhĩ”, họ đâu có nghĩ đến ngày nay, chúng ta Huynh Trưởng có con đàn, cháu đống xưng hô anh anh, chị chị, em em đôi khi “nghịch nhĩ”, ví dụ anh Cầm đi với Kỳ, với con của Kỳ, với cháu của Kỳ tất cả mặc đồng phục Gia Đình Phật Tử, anh Cầm chào anh Cường: “- Chào anh”, con Cầm là Kỳ chào anh Cường: “- Chào anh”, cháu nội anh Cầm chào anh Cường, cũng: “- Chào anh”, rồi đến cháu Cố của anh Cầm chào anh Cường, cũng lại: “- Chào anh”. Thấy được điều “nghịch nhĩ” ấy, Vĩnh Nghiêm đã chấp nhận dùng từ Trưởng trong xưng hô, như vậy hợp lý hơn.

Một hôm Bác Liệu gọi điện thoại, Bác cho biết muốn gặp riêng tôi, cho nên tôi đến gặp Bác. Bác cho tôi biết thêm một số vấn đề, chẳng hạn như việc các Huynh Trưởng tham dự Trại Vạn Hạnh, vài việc thiếu tế nhị có thể gây hiểu lầm dẫn đến chia rẽ trong nội bộ GĐPT Vĩnh Nghiêm, từ đó tôi tự rút ra kết luận, Bác Liệu vẫn chưa có một người phụ tá như ý, hay tại tôi chủ quan và cầu toàn quá chăng ? Bác cũng nói với tôi về cựu hoàng Bảo Đại, chính thật là con của Vua Khải Định, không phải như người ta viết. Bác kể rõ từ khi còn là ông hoàng, ông ấy đã lấy bà Từ Cung như thế nào. Theo tôi được biết, nay bác là Hội Trưởng của Nguyễn Phước Tộc, đôi khi trên giấy tờ tôi thấy bác ghi Nguyễn Phúc Liệu.

Sắp sửa lên đường về Việt Nam, nhà tôi nói: “- Lần này về, anh mời anh chị Gia Đình Phật Tử đi ăn một bửa, em chi cho”, nên tôi mời Bác Liệu và một số anh chị đi ăn với chúng tôi một bửa vào chiều Chủ Nhật 6 tháng 8 /2006. Có 3 chỗ tôi lựa chọn, ở nhà hàng Vân Cảnh, ăn Buffet với 100 món chay, nhưng tôi ngại quá xa với tuổi già sức yếu của bác Liệu, ăn ở quán chay Typ trên đường Trần Quang Khải, không khí sẽ không được vui, chúng tôi chọn quán chay Cát Tường ở đường Trần Khánh Dư Tân Định, được gần nhà Bác Liệu, mọi người sẽ được tự nhiên.

Buổi sáng hôm ấy, chúng tôi đi Quan Âm Tu Viện ở Biên Hòa để cúng Trai Tăng, tôi quy y với Hòa Thượng Thích Thanh Thạnh, nhà tôi quy y với Hòa Thượng Đức Nhuận đều ở tại chùa Giác Minh, nhưng sau này chúng tôi đi Quan Âm Tu Viện tho Bát Quan Trai, hai tuần một lần, nhiều bạn đạo ngày nay đã xuất gia, nhiều người đến nay đã 20 năm rồi, vẫn Thọ Bát đều đều, cho nên chúng tôi chọn nơi này để cùng bạn đạo đóng góp cúng Trai Tăng.

Buổi chiều tối, đúng hẹn, chúng tôi đến quán Cát Tường chờ một chốc thì hai Bác Liệu đến, kế đó chị Nguyễn Thị Oanh, anh Trần Đình Hùng, Cao Bá Hưng, Huỳnh Hữu Tâm còn có biệt danh là Tâm đen, thêm một lát nữa có Đặng Văn Nữu đến, Nữu cho biết hôm nay phải đi làm Lễ Cầu Siêu cho người nhà chị Thanh, nên đến trễ, trên đường đến đây có xe bị xẹp lốp phải vá, nên vài anh chị đến trễ một chút, rồi cuối cùng họ cũng đến gồm có La Dĩ Hồng, anh Lê Xuân Kiều, Đỗ Xuân Hòa, phu nhân của Hòa, chị Nguyễn Thị Sáp. Khi Kiều vào gặp tôi, nói ngay: “- Anh Quýnh sẽ vào, thứ Sáu tập trung ở tổ đình Vĩnh Nghiêm”.

Bửa ăn thân mật, ấm cúng, tôi nghe Bác và một số anh chị trao đổi, năm nay tạm không tổ chức Trại truyền thống Tuệ Tạng, một vài chuẩn bị cho Hội nghị Gia Đình Phật Tử toàn quốc sẽ tổ chức tại Tổ đình Vĩnh Nghiêm.

Lúc sắp chia tay, Nữu đại diện cho anh chị em Vĩnh Nghiêm mời chúng tôi một bửa ăn, tôi nhận lời, hôm sau báo cho Nữu biết là tôi chọn tối Thứ Năm, nhưng đến tối Thứ Ba tôi phải từ chối bửa ăn này vì anh chị em cũng bận lo chuẩn bị cho Hội nghị, còn chúng tôi bận chuẩn bị hành trang trở về, hơn nữa nhà tôi và tôi cảm thấy không được khỏe, vì đi nhiều quá.

Tối Thứ Hai 7-8-2006, chị Oanh cho biết anh Quýnh đã vào Sàigòn, ở nhà anh Đàm, chị cho tôi số điện thoại của anh Đàm. Sáng hôm sau, tôi gọi anh Đàm, nhờ anh chỉ dẫn để tôi tìm thăm anh Quýnh. Nhà anh Đàm ở Gò Vấp, gần Nghĩa trang Nghệ sĩ. Anh hẹn tôi đến Nghĩa trang rồi đưa vào nhà anh.

Anh Nguyễn Văn Quýnh, một Huynh Trưởng đã từng sinh hoạt ở Giác Minh, thời anh Vui làm Liên Đoàn Trưởng, anh Quýnh và anh Lê Xuân Thiệu từ Huế vào học chuyên môn ở Trường Quân Y, anh Quýnh có họ hàng với anh Vui nên vào sinh hoạt ở Giác Minh, khi anh Vui nghỉ ở Giác Minh, hai anh sang sinh hoại ở Gia Đình Phật Tử Chánh Đạo, tại chùa Xá Lợi một thời gian. Anh Quýnh có người anh là Nguyễn Văn Chức cũng là Huynh Trưởng, anh Chức đã tử nạn ở Đà Lạt, hình như trong kỳ tổ chức Trại Vạn Hạnh năm 1973. Anh Quýnh có người em, nay là Hòa Thượng Chơn Thiện.

Nhờ tôi có quen biết anh Quýnh, nên tháng Giêng năm 1965, dịp lễ đặt viên đá đầu tiên xây Viện Đại Học Vạn Hạnh ở 222 Trương Minh Giảng, một Liên Danh Tổng Hội Sinh Viên Vạn Hạnh đầu tiên được hình thành và đắc cử tại đây, gồm có:

Chủ tịch : Luật sư Trần Tiến Tự
Phó Chủ Tịch Ngọai Vụ : Đại Đức Thích Chơn Thiện
Phó Chủ Tịch Nội Vụ: Sinh Viên Huỳnh Ái Tông
Tổng Thư Ký: Sinh Viên Trần Thiện Bậc
Phó Tổng thư ký: Sinh viên Nguyễn Đình Nam
Thủ Quỹ: Sinh viên Nguyễn Thị Nghĩa

Khi Phong trào Phật Giáo tranh đấu ở miền Trung năm 1966, anh Quýnh đã tham gia tích cực, nên đã bị bắt và kết án tù ngoài Côn Đảo, những năm tháng ngoài đó, anh đã học được chữ Hán, anh có thể đọc hiểu thông suốt Tam Quốc Chí hay tiểu thuyết kiếm hiệp của Kim Dung, ngày anh được thả về, anh Vui đã mở một bửa tiệc mừng tại nhà anh số 4 Cô Giang Phú Nhuận, tôi được anh Vui kêu tới dự, ngồi quanh chiếc bàn tròn là những người thân thiết nhất của anh Quýnh, khi mỗi người có một chút hơi men, anh Quýnh đã tả lại những đêm trăng, nằm cô đơn trên chiếc võng, nhớ về cố hương, có lúc ngâm Đường Thi, anh không cầm được giọt lệ:

Bồ đào mỹ tửu dạ quang bôi
Dục ẩm tỳ bà mã thượng thôi
Túy ngọa sa trường quân mạc tiếu
Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi

Đó là bài Lương Châu Từ của Vương Hàn, Trần Trọng San dịch

Rượu bồ đào, chén dạ quang
Muốn say , đàn đã rền vang dục rồi
Sa trường say ngủ, ai cười ?
Từ xưa chinh chiến mấy người về đâu !

Anh Quýnh, sáng tác thơ cũng hay tiếc rằng tôi không còn nhớ được bài nào của anh. Rồi những năm sau 1975, hình như Thầy Chơn Thiện sau vài lần vượt biên không thoát, về tá túc ở Thiền viện Vạn Hạnh, dạy Thiền và Anh Văn cho Phật Tử, anh Quýnh và một cậu con trai từ Đà Nẳng vào Thiền Viện làm chao Hoa Sen phát triển kinh tế tự túc cho chùa, có hôm tôi đến thăm Thầy Chơn Thiện và anh, gặp bửa cơm trưa, Thầy Chơn Thiện bảo tôi ở lại dùng cơm, ngồi vào bàn ăn với quý Thầy, hôm đó lại có vị khách tăng nữa, đó là Thầy Tuệ Sỹ, còn Thầy Chơn Thiện dùng cơm ở phòng riêng.

Anh Đàm đưa tôi vào nhà, anh Quýnh đã đứng ở thềm đón tôi, anh không ngờ là tôi vì trong khi nói điện thoại, tên tôi anh nghe ra là Tùng ở GĐPT Chánh Đạo. Phần tôi, nếu không biết trước, tôi không thể nhận ra anh Quýnh, mặc dù anh và tôi mới hai mươi ngoài năm chưa gặp lại nhau.

Có tiếp chuyện với anh Quýnh mới thấy được anh dễ gây cảm tình với người khác, chuyện anh kể đều hấp dẫn, dễ thu hút người nghe, qua những chuyện anh kể, tôi mới biết năm nay anh đã bước qua “Thất thập cổ lai hy” rồi (71 tuổi), con đầu của anh, năm xưa làm chao ở Vạn Hạnh, đã xuất gia thọ đại giới, du học Ấn Độ, được học bổng của Thầy Như Điển, nay có bằng Tiến sĩ, đã đi tham quan vài nước, con gái út của anh cũng đã xuất gia và hiện trụ trì một ngôi chùa nào đó.

Anh nói đến chuyến về thăm Việt Nam của Thầy Nhất Hạnh, nếu như anh có đón tiếp phái đoàn, gặp Sư Cô Chân Không, anh sẽ gọi: “ - Chị Phượng, Quýnh đây”, anh nhắc lại, những năm khốn khó, chị Phượng hàng năm thường gửi cho anh một hộp thuốc tây, chị chỉ ngưng sau khi nghe anh làm Thư Ký cho Tỉnh Giáo Hội Quảng Nam Đà Nẳng.

Anh đã gợi cho tôi nhớ lại, những ngày tháng sau khi ở trại học tập cải tạo về, anh đã cho tôi địa chỉ chị Phượng, tôi gửi thư thăm chị, chị gửi cho tôi hai lần thuốc, một lần chị dặn bán vài thứ mua gạo cho những người hàng xóm nghèo khó của tôi, lần thứ hai, hộp thuốc chia làm hai phần, một phần mang tới nhà anh Hiệp, trong nhóm cựu sinh viên Vạn Hạnh của chị và tôi, ở đường Nguyễn Hữu Cảnh Tân Định, để Hiệp chuyển thuốc về Huế.

Tôi chưa hỏi anh Quýnh, cơ duyên nào anh đã quen biết chị Phượng. Chị Cao Ngọc Phượng, ngày mà tôi biết chị đã du học từ Pháp về, giáo sư, giảng dạy ở Đại Học Khoa Học, đi học thêm Phật Học ở Vạn Hạnh, thuộc nhóm theo Thầy Nhất Hạnh, rồi nhóm ấy ra tranh cử Tổng Hội Sinh Viên Vạn Hạnh nhiệm kỳ 2, tôi từ Ban Chấp Hành Tổng Hội nhiệm kỳ 1 mãn nhiệm, được anh Đỗ Văn Khôn giới thiệu đứng chung vào Liên danh sách ứng cử của chị Phượng. Liên danh này đã đắc cử với thành phần như sau:

Chủ tịch : Giáo sư Cao Ngọc Phượng
Phó chủ tịch ngoại vụ : Sinh viên Huỳnh Ái Tông
Phó chủ tịch nội vụ: Sinh viên Nguyễn Phúc
Tổng Thư ký: Sinh viên Đỗ Văn Khôn
Phó Tổng Thư ký: Sinh viên Lê Thị Uyên
Thủ quỹ: Sinh viên Nhất Chi Mai

Chị Nhất Chi Mai, theo tôi biết, chị là Y tá, nhưng trong số sách của Hòa Thượng Thích Thiện Hoa, Trí Quang ghi chị là Giáo viên, chắc là Sư Cô Chân Không biết xác thực hơn.

Anh Quýnh nói rằng Trại Vạn Hạnh, vừa rồi anh mời anh Võ Đình Cường ra làm Trại Trưởng, để tăng thêm giá trị cho Trại sinh. Năm tới, anh sẽ tổ chức Trại cho ngành Thiếu ở Đà Nẳng, Giáo Hội Đà Nẳng hứa giúp rồi, sở dĩ chọn Đà Nẳng vì ở đó đông trại sinh, các tỉnh miền Trung đến cũng gần, trong Nam ra tuy xa, nhưng không ngại tốn kém. Tôi lại liên tưởng năm 1964 ra Huế, anh Quýnh bảo với tôi: “- Hè này, Huế sẽ tổ chức Trại ngành Thanh, về cụ bảo Vui đặt cho ta một hài hát quân hành, Vui đặt nhạc, cụ đặt lời nghe”, tôi đã hứa, nhưng chưa làm, vì anh Vui có đặt bài hát nào đâu ! Giá mà năm nay anh Vui sáng tác cho anh Quýnh một bài, để trả món nợ năm xưa.

Anh cho biết, Gia Đình Phật Tử đã có Mục đích giáo dục, Nội dung giáo dục, nhưng thiếu phương pháp nên lần này anh tham dự Hội nghị sẽ chủ trì một bộ phận, thảo luận về “Định hướng giáo dục Gia Đình Phật Tử”. Sẽ đưa Thiền áp dụng vào việc học tập của các em từ Đồng Niên, Thiếu Niên, Thanh niên và Huynh Trưởng. Nhiều Huynh Trưởng không biết Thiền. Thầy Chơn Thiện có viết một quyển sách Thiền, chia ra nhiều phần, dùng sách này dạy cho các em.

Anh cũng cho tôi biết đã dịch xong quyển Kinh Lăng Nghiêm, tác giả viết theo kim văn nên đọc rất dễ hiểu, tôi xin anh một bản vi tính, để tôi phổ biến trên Trang nhà, anh hứa sẽ gửi cho, nên sau Hội nghị dù lên Đà Lạt, chưa về tới nhà, anh cũng nhờ người ở Đà Nẳng gửi một phiên bản vi tính kinh Lăng Nghiêm cho tôi. Anh kể lại, đã từng dịch bài cho Hòa Thượng Tịnh Không, từng dịch tiểu thuyết kiếm hiệp để sống qua những năm tháng khó khăn.

Tôi thấy cổ tay trái anh bị băng, hỏi vì sao, anh cho biết tối hôm qua về, ngồi sau xe, vì rớt cái kiếng, nên vói tay nhặt lên, mất đà bị té chỏi tay nên bị bong gân, sáng nay Đàm mua băng về bó lại.

Lần này gặp anh Quýnh thật là có duyên, hình như lần trước, tôi lên Vạn Hạnh thăm Thầy Chơn Thiện, cũng gặp anh từ Đà Nẳng vào họp ở Thiền Viện Vạn Hạnh với anh Cường, anh Cầm và mấy vị khác nữa, để bàn về chương trình tu học của “Ban Hướng Dẫn Nam Nữ Phật Tử”, nay chính nó là Gia Đình Phật Tử.

Anh là người Huynh Trưởng đầy nhiệt tâm, đóng góp cả cuộc đời của mình chẳng những cho Gia Đình Phật Tử mà còn cho Đạo Pháp và Dân Tộc nữa.

Ngày tôi lên đường về Mỹ là ngày Hội Nghị Gia Đình Phật Tử họp tại Sàigòn, tiếc quá tôi không có dịp thăm lại anh chị em, nhưng lần này, tôi đã đi thăm miền cực Nam đất nước ta, gặp lại nhiều anh chị em, những hàn huyên trao đổi, để lại trong lòng tôi, niềm phấn khởi về tương lai xán lạn của Gia Đình Phật Tử Việt Nam. Tuy nhiên, nó không xóa tan được mối ưu tư của tôi về GĐPT Vĩnh Nghiêm hôm nay và mai sau.

No comments:

Post a Comment