Pages

Wednesday, June 9, 2010

Duyên Phận

Huỳnh Ái Tông

Ông Nội tôi có ba anh em, ông ba tôi được người dì thứ tám mai mối, lập gia đình ở Nhà Bàn rồi lập nghiệp luôn ở đó, hồi nhỏ khi đi học ở Châu đốc, có lần bác hai dẫn tôi vào thăm chú Ba Thường và chú Tư Diện, con của ông ba tôi ở tại chợ Nhà Bàn.

Còn ông tư tôi, xuống miệt dưới làm ăn rồi lập nghiệp ở làng Hòa Tú tỉnh Sóc Trăng, cô tôi kể lại, ông tư ấy có làm làng đến chức Hương Cả, con một chú tên Thông và một cô tên Chánh, khi bà Nội tôi còn sống chú Thông ấy theo gánh hát bội, hát ở đình làng, lúc rãnh rổi đến thăm bà Nội tôi, bà đem việc nhà ra khuyên chú ấy nên kiếm một nghề làm ăn, không nên theo nghề hát, bấy giờ xã hội vẫn lên án là “Xướng ca vô loại”, từ đó hoặc chú ấy sợ bà Nội tôi rầy la, hoặc để tâm phiền bác dâu của mình, chú không ghé thăm nữa, rồi đệ nhị thế chiến xãy ra, giao thông cách trở, miền Tây mỗ khu một lãnh địa, một luật lệ riêng của các Tướng Hòa Hảo, nào là Tướng Nguyễn Giác Ngộ hùng cứ ở Chợ Mới (Long Xuyên), Tướng Lê Quang Vinh tự Ba Cụt đóng ở Thốt Nốt (Long Xuyên), Tướng Trần Văn Soái tự Năm Lửa đóng ở Cái Vồn (Cần Thơ), Tướng Lâm Thành Nguyên tự Hai Ngoán đóng ở Cái Dầu (Châu Đốc). Bác, cha và các chú tôi muốn đi thăm viếng anh em, cũng không đi được.

Năm 1969, tôi đi lính, đóng ở gần Đài Phát Thanh Ba Xuyên, gần chùa Dơi, trên đường đi Bãi Xào. Có lần đơn vị tôi yểm trợ cho một cuộc hành quân ở làng Hòa Tú, tôi muốn đi theo để tìm cách thăm bà con, nhưng các sĩ quan khác đều khuyên tôi không nên vào đó, vì đó là vùng xôi đậu, hỏi thăm có người biết cũng không dám chỉ, hỏi đúng người, người ta cũng không dám nhận vì không hiểu chuyện chi sẽ xãy ra sau đó. Từ đó, tôi vẫn mong có dịp đi tìm thăm bà con mình, nhưng ngày qua tháng lại vẫn chưa thực hiện được, tuổi ngày một thêm, sức ngày một yếu, vẫn mong có ngày tìm lại được bà con mình.

Bà Nội tôi chắc là được giáo dục theo Nho phong của vị Phủ quan xưa cho nên gia đình sống có nề nếp, ngoài chuyện chú Thông, còn chuyện hôn nhân các Cô, Chú tôi nữa.

Bên kia sông nhà tôi, có gia đình của một chú chệt, tôi nghe người ta gọi là ông chệt Bệt, khá giả, nhà nền đúc, tường xây tô, lợp ngói Tây, có một người con gái tên là “Xừng Tay”. Bà Nội tôi định cưới cô ấy cho chú tôi. Lễ chạm ngõ đã xong, từ trước hai gia đình đã thân thiết nhau, chú thím Chệt Bệt nhỏ hơn Nội tôi nhiều tuổi, nên kính nhường gọi bà Nột tôi là Chị. Khi hai bên làm Suôi, bà Nội tôi yêu cầu vẫn giữ xưng hô như cũ, gọi bà Nội tôi là Chị, còn bà Nội tôi gọi lại là Chú, Thím mà thôi. Nhà gái không đồng ý, thế là cuộc hôn nhân không thành. Khi tôi đi học vở lòng, trường học bên cạnh nhà cô Xừng Tay, tôi thấy cô ấy có sắc đẹp, tướng đi dịu dàng, chắc có nhiều người muốn kết duyên cùng cô, nhưng cô vẫn ở vậy, không lập gia đình cho đến cuối đời, phải chăng vì cô không có duyên nợ vợ chồng, hay vì cô ấy son sắc một lòng với chú tôi?

Cha tôi là người có hoa tay, có học chữ Nho, chữ Nôm, chữ Quốc ngữ, biết làm bánh trái, nấu ăn, vẽ tranh, làm thi phú, khởi nghiệp cha tôi làm thợ bạc, sau khi lập gia thất cha tôi không làm thợ bạc nửa, cho nên đôi khi có người cậu họ của cha tôi, nhà ở gần, đến chơi, nói đùa với má tôi:

- Thím ba coi vậy mà khôn nghe! Biết sao không ? trong ca dao có câu hát:

“Thông ngôn, Ký lục bạc chục em không thèm,

Lấy chồng Thợ Bạc đeo vàng đỏ tay !”

- Vậy mà không phải vậy Cậu Bảy ơi ! Từ ngày cưới tôi về, ổng bỏ nghề thợ bạc, Cậu thấy tôi có đeo vàng vòng chi đâu ?

Khi cha tôi nghỉ nghề thợ Bạc, ông bảo làm nghề ấy thất đức, vì không muốn ăn vàng của người ta cũng phải ăn, chẳng hạn như khi làm vàng cho người ta, cân đúng lượng, đúng chỉ rồi, nhưng muốn cho đẹp, đánh bóng cũng mất vàng của người ta, lò thợ bạc nào cuối năm cũng mót vàng từ những mạt, những bụi vàng rơi rớt chung quanh chỗ làm.

Hồi ấy, có gia đình đi coi mắt cô tôi, hai bên đã đồng ý gả cưới, bên nhà trai nghe nói cha tôi là thợ bạc khéo tay cho nên họ muốn đi tìm người thợ bạc khéo tay để làm nữ trang đi sính lễ, cho nhà gái được vừa ý, cuối cùng họ nhờ chú thợ bạc là học trò của cha tôi làm nữ trang cho họ.

Người học trò của cha tôi đó, cũng là bà con họ hàng với gia đình tôi, ở cách nhà bà Nội tôi có bốn căn nhà khác, ngày chú rể đi lấy nữ trang ở nhà chú thợ bạc, lúc đó bà Nội tôi cũng tới nhà đó thăm, chuyện trò với cha mẹ chú thợ bạc, chú rễ có nhìn thấy bà Nội tôi, nhưng chú không nhớ người đàn bà hàng xóm của chú thợ bạc là Nhạc mẫu tương lai của mình, nên chú có chào nhưng chưa phải phép.

Khi bà Nội tôi về nhà, có nói lại chuyện gặp người con rễ tương lai ở nhà người bà con và bà tôi có nhận xét, hoặc chú rể tương lai ấy quá hời hợt lúc đi coi mắt vợ không để ý đến bà già vợ, nên gặp nhau ở nhà người khác, chú rể không nhận ra người nhạc mẫu tương lai của mình, hoặc chú ấy chưa học đủ phép tắc tôn kính, chào hỏi bậc trên trước cha mẹ.

Cô tôi được mẹ định đoạt việc hôn nhân, nghe mẹ tỏ vẻ hơi bất bình chàng rể thất kính, liền lội bộ mấy cây số đến nhà trai, xin từ hôn với cha mẹ chú rể, kể rõ sự tình đã xãy ra. Cuộc hôn nhân ấy không thành.

Năm tôi khoảng 10 tuổi, cô tôi đã “Lỡ thời” chừng bốn mươi, Dượng Sáu tôi ở Hang Tra, đưa một người góa vợ đến coi mắt cô tôi, lúc đó mùa nước nổi, anh tôi và tôi lấy xuồng đưa cô tôi đi khỏi nhà, không cho người ta coi mắt. Sau này cha mẹ tôi mất hết, cô tôi ở với chúng tôi vừa là người cha cũng là bà mẹ, đôi khi cô sai bảo điều gì, anh em tôi có ý không làm, cô bảo: “ – Sao hồi đó, anh em tụi bây không để người ta cưới tao, đi khỏi nhà này cho rồi !”. Cô bảo vậy, thế là anh em chúng tôi răng rắc làm theo không dám trái ý.

Năm cô tôi 94 tuổi, không bệnh hoạn, buổi tối đi nằm ngủ rồi an giấc ngàn thu. Việc ma chay xong xuôi, có người nói với anh em chúng tôi: “ – Nói thiệt mà nghe! Chị Bảy thật có phước, không chồng con, mấy em nuôi dưỡng chị Bảy, còn hơn nhiều người phụng dưỡng cha mẹ mình!”

Ở chốn hải ngoại này, người ta thường nói: “Con cái đặt đâu cha mẹ ngồi đó !”. Năm nay, theo dự định, vào dịp cuối năm, con tôi sẽ lập gia đình, chuyện hôn nhân vào thời đại a còng này, @ là ông tơ bà nguyệt, @ là ông mai bà mối. Mọi việc đang tiến hành, sẵn về Việt Nam thăm con cháu, nhà tôi và tôi cũng may quần áo mới để ăn mặc lúc làm Suôi, con tôi lo in thiệp cưới, đặt nhà hàng.

Một hôm, trong bửa cơm chiều, con tôi nói:

“ – Thưa cha mẹ! Con đã quyết định không làm đám cưới nữa.”

Tôi biết tánh con tôi, nói là làm, cho nên tôi không hỏi thêm nguyên cớ từ hôn. Nhưng hôm sau, điện thoại từ nhà trai gọi tới, chúng tôi không bắt điện thoại. Hôm ấy tôi nói với con tôi:

“ - Nhà trai, người ta gọi tới, cha mẹ không thể không nhắc điện thoại lên để trả lời, chắc người ta sẽ hỏi lý do. Theo con, cha mẹ phải trả lời ra sao ?

“- Người ta nói con thế nào cũng được! Nhưng người ta không thể xúc phạm đến cha mẹ, người ta đã phạm phải sai lầm này, nên con quyết định từ hôn. Cha mẹ biết vậy là đủ, từ từ con sẽ kể cho cha mẹ nghe và con xin lỗi mẹ, trước kia mẹ có khuyên con, nhưng con làm không đúng lời mẹ khuyên, xin cha mẹ tha thứ cho con!”

Dù thời xưa, thời của bà Nội tôi, cho đến thời nay là thời của con tôi, thời đại @. Tôi nghĩ, thời nào người ta cũng coi trọng đạo lý làm người. Phải có tôn ti, trật tự, lễ phép và việc hành xử người với người, có như vậy xã hội mới an lạc, người người mới an vui hạnh phúc. Lâu nay, tôi tưởng chừng như đã mất mát lớn cái gì đó, nhưng nay mới biết là không phải vậy, nó vẫn còn đó: Đạo đức làm người.

Quý Thu, Mậu Tý
19-8-08

No comments:

Post a Comment