Huỳnh Ái Tông
Từ lâu, như một thói quen, mỗi lần từ Sàigòn về thăm nhà, dù Tết nhứt hay ngày thường, việc đầu tiên là tôi thắp hương lễ bàn thờ ông bà, sau đó đi thăm mồ mã.
Từ ngày cha mẹ tôi còn sống, nhà cha tôi như một ngôi từ đường, cha tôi thờ ông bà nội, ông bà ngoại và song thân của người, về sau bác tôi ngỏ ý muốn thờ ông bà nội, tôi gọi là ông bà cố, vì được hàng xóm mời ăn giỗ thường xuyên mà nhà không có giỗ để mời người ta đáp lễ lại, nên cha tôi để bác ấy thỉnh lư hương ông bà nội về thờ cho có giỗ quảy hàng năm. Từ đó, trên bàn thờ tổ tiên, có những vị tôi gọi là ông bà cố, ông bà nội và sau này là cha mẹ tôi.
Cha tôi thứ ba, trên có bác hai tôi, dưới còn có hai chú Tám và Chín, nhưng sở dĩ cha tôi thờ cúng ông bà tổ tiên vì ông nội tôi có ba anh em trai, một người em theo dì lập lập nghiệp ở Nhà Bàn, một người em nữa đi miệt dưới làm ăn, rồi lập nghiệp ở làng Hòa Tú, Sóc Trăng, nên ông Nội tôi thờ cúng cha mẹ. Bà nội tôi, chỉ có ba chị em, một người lấy chồng ở trong xóm, một người lấy chồng ở gần chợ Long Xuyên, là chị nên bà Nội tôi cúng giỗ cha mẹ.
Bác hai tôi lập gia đình rồi ra ở riêng, cha mẹ tôi lập gia đình rồi ở chung nhà lo phụng dưỡng bà Nội tôi, nên sau khi bà Nội tôi qua đời, cha tôi tiếp tục cúng quảy ông bà, đó là ông bà ngoại và cha mẹ của cha tôị Mỗi năm Tết nhất, giỗ quảy bà con tề tựu về.
Còn mồ mã, ông bà cố tôi là con nuôi của ông Phủ, nên được chôn cất trong phần đất ông Phủ, ông bà Nội tôi được chôn trong phần đất của bà Cố tôi để lại. Nơi đó, nay đã thành nghĩa trang gia tộc, ngoài ông bà Nội còn an táng bác trai bác gái, cha mẹ, hai chú thím và cô tôi.
Hồi còn nhỏ, tôi thường nghe cha tôi nói, người mất trong ba ngày cứ chôn cất, không cần coi ngày, kiêng cử. Không biết có phải vì theo lời của cha tôi hay không, nhưng bắt đầu từ cha tôi, mất lúc năm giờ chiều hôm trước, chin giờ đêm tẩn liệm, quá Ngọ hôm sau di quan và an táng.
Mẹ tôi mất ở Bờ Ao, khuya chở về nhà ở Năng Gù, buổi sáng ấy Nhập quan, đến chiều Di quan và an táng.
Một người chú của tôi, thân phụ Giáo sư Huỳnh Hữu Chí, mất trong khi Chí và tôi ở Sàigòn được điện tín vào buổi chiều, cả hai ra Xa cảng Miền Tây, còn chuyến xe chót về Long Xuyên, kẻ đeo, người ngồi trên mui, thời buổi bao cấp, mua vé phải xếp hàng rồng rắn, nạn vé chợ đen, chợ đỏ, nào xe quốc doanh,công tư hợp doanh, xe hợp tác xã, xe chạy ì ạch vì phải lòn lách những ổ gà vừa sâu vừa to bằng cái nia, chiếc đệm, rồi xe cũng về tới chợ Long xuyên lúc quá nửa đêm. Không có xe đi về Năng Gù, phải đợi đến bốn giờ sáng mới có xe Hợp Tác Xã đi Châu đốc. Lên xe, nữa giờ sau đã về tới nhà. Người nhà cho biết, may mà về kịp, đến Tám giờ sẽ di quan.
Vài năm sau, vào đầu thập niên 80, chú tôi, thân phụ Huỳnh Bảo Toàn mất, sáu giờ chiều được điện tín chú mất, không còn xe về, khuya hôm sau tôi đi xe sớm, về tới nhà một giờ trưa, nhà vắng tanh, tôi biết đã Di quan rồi, hấp tấp ra đất mộ, dọc đường gặp cô Nga, con gái lớn của chú tôi đi ngược chiều nói:
- Anh về trễ, mới chôn cất cha xong, em phải về Châu đốc lo việc nhà.
Hồi bà Nội tôi mất, nghe kể lại, cha tôi để đến bảy ngày, mỗi ngày đều có một Suôi gia đi tế lễ, mỗi người tế một con heo, ngày cất đám, mượn nhà giàn của ông Thầy Phó Quý, một nhà giàu có lớn trong tỉnh Châu đốc, đặt quan tài lên đó, bốn năm chục người khiên đi, có học trò lễ, có giàn nhạc bát âm đưa đám. Theo lời cô tôi kể lại, sở dĩ gia đình làm đám tang lớn, vì bà Nội tôi là cháu nội của ông Phủ, nhà ở ngay bên cạnh nhà ông Phủ, nhưng sau khi ông Nội tôi mất, một tay bà Nội tôi tảo tần nuôi tám người con, gia cảnh trở nên khó khăn. Rồi cha tôi làm Hương chức, chú tôi làm Thầy giáo, chú kế làm Biện làng, gia đình đang êm ấm, có chút danh vọng với xóm giềng thì bà tôi mất, nên gia đình làm đám tang lớn một chút để trả hiếu.
Trong nhà có treo một tấm ảnh đám tang bà Nội tôi, nhà giàn được nhiều người khiêng qua cánh đồng. Năm nào đó vào đầu thập niên 60, anh tôi cất nhà lại, lục lạo đồ tế nhuyễn gia đình, tôi thấy mấy tấm phim chụp tang lễ bà Nội tôi, phim xưa chất hóa học tráng vào trong tấm kiếng, để có tấm ảnh lớn, phải chụp bằng tấm phim lớn, rồi in ảnh trực tiếp phim bao lớn, ảnh bao lớn, chớ không có máy phóng to như ngày nay. Những tấm phim ấy cỡ 18 phân với 24 phân. Chất tráng phim trên kiếng tốt nên nhìn còn rất rõ nét, mặc dù những phim ấy đã trên 30 năm và không được bảo quản cẩn thận. Xem hình và phim, ngoài chú, bác tôi nhận ra được những người cô, chú họ mặc tang phục, hoặc đang kề vai khiên nhà giàn, hoặc đi theo sau nhà giàn hay lẫn lộn với những người đưa đám, nay có người còn, người mất. Nhiều người khác tôi không nhận ra, không hiểu là họ hàng hay chỉ là người làng xóm, bạn bè với chú bác của tôi.
Tuần bách nhật, cha tôi có làm một bài văn tế chữ Nôm, nhờ đó, tôi biết được gia cảnh ngày xưa, văn tế ấy như sau:
Văn Tế Mẹ
Hởi ôi !!
Máy âm dương xoay trở, luật tạo hóa vô tư,
Đường sanh tử mất còn, sổ Nam Tào nan thức.
Nhớ mẹ xưa !
Tánh hạnh hiền hòa,
Công ngôn chánh trực.
Việc đối đãi với làng với xóm, chẳng đổi hai lời,
Sự ở ăn cùng chị cùng em, cứ gìn một mực.
Con côi tám đứa, mẹ chí công nuôi dưỡng, hằng lộ vẻ vui mừng,
Thân góa một mình, mẹ gắng sức dạy răn, chẳng hề than khó cực
Dạy con gái nấu nướng vá may, công hạnh mọi đường,
Cho con trai học hành chữ nghĩa, nghiệp nghề đủ bực.
Trai bốn thằng, mẹ cưới vợ hai thằng, còn hai không cưới kịp cho xong,
Gái bốn đứa, mẹ gả chồng ba đứa, còn một chưa gả rồi cho phức.
Ở cùng dâu mẹ chẳng rầy rà,
Đối với rể mẹ hằng khuyên dứt.
Hình mẹ mới vừa già, tóc bạc hoa râm. Răng chưa rụng, mắt chưa lòa, con tưởng chẳng yếu đau.
Vóc mẹ mới vừ ốm, da mồi lém đém. Gối không dùng, tai không lãng, con ngỡ còn sức lực.
Khoảng hai mươi ba năm, giữ tiết thờ chồng. Làng xóm ngợi khen, con nở mặt mừng vui.
Tuần sáu mươi bảy tuổi, về quê bỏ cháu. Con dâu thương tiếc, mẹ đành lòng gấp bức.
Ôi !!!
Nhớ mẹ ủ ê!
Đau lòng bức rức!
Trời xuôi chia rẻ, con ở trần gian,
Phật vội kêu đòi, mẹ về Tây vức.
Tây vức mẹ về ngàn thuở tiêu diêu,
Trần gian con ở trăm năm buồn bực.
Mẹ đau năm bảy tháng, con lo nuôi dưỡng thuốc cơm, không đáng kể sự công lao,
Mẹ thác ba bốn ngày, con để quảy đơm dưa muối, chưa phỉ đền ơn cúc dục.
Con nuôi mẹ, kể giờ kể khắc, thiếu nghĩa thiếu tình.
Mẹ nuôi con, quên tháng quên ngày, đại ân đại đức.
Nhiều khi con cám thương phận mẹ, chịu phận đơn cô,
Lắm lúc con sầu tủi đoàn con, cam bề côi cúc.
Sớm đón gió, chiều nhìn mây, gió lặn mây tan, ngậm ngùi bấy, xót lòng con trẻ luốn ai hoài.
Đêm trông sao, ngày ngắm cảnh, sao dời cảnh đổi, bâng khuân thay, thương phận mẹ già càng thốn thức.
Khi ngày qua giờ lại, ngồi buồn bã tay khoanh trói gối, chợt thấy nhền nhện bủa tơ sầu, biếng canh, biếng dệt, hay là nhện cũng vì khổ chủ đeo phiền.
Lúc đêm lụn canh tàn, nằm nghĩ suy tay gát ngang đầu, lắng nghe thằn lằn chắt lưỡi thảm, biếng chạy biếng bò, hay là lằn cũng vị tang gia than tức !
Quá chạn vạng nghe tiếng dế ngâm ru rít dưới thềm, nhớ những thuở, mẹ khuyên con thức học hành cho bằng anh bằng em, gắng chí gắng công.
Vừa bửng tửng nghe gà gáy ốc eo ngoài vách, nhớ những thuở mẹ kêu con đi làm lụn cho kịp thì kịp tiết, bền lòng bền sức.
Nhớ nhung áo não khôn cùng, thương mến con đỗ vòng châu
Đau đớn âu sầu chi xiết, kỉnh thờ mẹ trong nét mực.
Hàng ngày con dưng nước, dưng hương, dưng cơm hai bửa chẳng thấy mẹ về ăn, con hằng vái hằng van.
Thường bửa con thay trầu, thay cau, thay thuốc ba lần,chẳng thấy mẹ về hưởng, con thường chầu thường chực.
Ôi!
Thảo phải ba tuần rượu lạt, tấm lòng con xin kỉnh hiến dưng.
Đơn sơ một cổ cơm thô, hương hồn mẹ có linh thọ thực.
Đinh Sửu, Trọng Thu, ngày mùng 10
Năm 1937
Huỳnh Văn Đoan tế mẹ
Có lẽ vì chữ hiếu ấy mà sát sanh hơi nhiều, nên sau này cha và các chú tôi chủ trương làm đám tang đơn giản, cất đám nhanh, nên nhiều người chưa kịp đi viếng tang thì đã chôn cất rồi.
Hồi cha tôi mất, thời buổi loạn ly, Phật giáo chưa hưng thịnh như ngày nay, gia đình chỉ làm Tuần thất ở nhà, mặc dù cha tôi có quy y với Sư Huệ Minh, người tu ở vùng Thất Sơn, ở Vồ Bồ Hóng Núi Cấm, cha tôi có đục đá, khắc pháp hiệu Huệ Minh của Sư, chữ Hán rất to, ngày nay vẫn còn, mẹ tôi quy y tai một ngôi chùa ở Bờ Ao. Vậy mà ngày đó đến tuần thất, tối cúng chè sôi nước, sáng cúng cơm ở tại nhà, đến Chung thất, mẹ tôi gửi tôi và cô em gái tới chùa, đêm sư Trụ Trì tụng kinh, tôi quỳ đội sớ, em tôi quỳ cạnh bên, đến công phu khuya sư Trụ trì tụng kinh, tôi cũng đội sớ với em tôi quỳ bên, và cho đến sáng thì gia đình tôi mới lễ mễ mang thức ăn đến cúng Phật, cúng thất cho cha tôi tại chùa.
Trong gia đình tôi có ai mất, chẳng hạn như vào Thứ Ba ngày Rằm, làm tuần thì tối Thứ Hai cúng Tuần thất, sáng Thứ Ba cúng cơm, còn đám giỗ thì buổi chiều ngày Mười bốn cúng một cổ, gọi là Tiên Thường, con cháu ở các nơi về kịp hay không, không quan trọng, đến sáng ngày Rằm mới làm mâm cổ lớn cúng ông bà, cúng người mất, cúng đất đai, gọi là Chánh kỵ, con cháu ở gần xa cố gắng về dự đủ, đó cũng là gia phong của người Việt chúng ta.
Về mở cửa mả, theo tín ngưỡng dân gian, người ta tin rằng người mới chết linh hồn còn u u mê mê, vì vậy mà lúc di quan, người nhà lấy một cái nồi đất hay cái siêu sắc thuốc bằng đất nung, liệng xuống chỗ quan tài vừa mới chuyển khỏi, để làm cho linh hồn người chết thức tĩnh, đi theo quan tài. Sau khi chôn cất 3 ngày, người nhà mở cửa mả, ngoài phẩm vật cúng như trái cây, chè xôi …, nhất thiết người ta phải làm năm cái ống tre, hay ống trúc bằng ngón chân cái, mỗi ống đựng một thứ đậu: Xanh, vàng (đậu nành), trắng, đỏ, đen rồi dùng vải trắng bao miệng ống lại. Năm cái thẻ ghi: Đông thần, Tây thần, Nam thần, Bắc thần và Trung ương thần, theo hướng cắm, bốn thẻ ở bốn góc mộ. Góc hướng Đông, cắm thẻ Đông thần và ống đậu Xanh, hướng Nam cắm thẻ Nam thần và ống đậu Đỏ, hướng Tây cắm thẻ Tây thần và ống đậu Trắng, hướng Bắc cắm thẻ Bắc thần và ống đậu Đen, thẻ Trung ương thần và ống đậu vàng cắm dưới chân mộ. Một cái thang thường người ta làm bằng hai cọng tàu lá chuối và những thanh tre xỏ ngang, đàn ông bảy thanh, đàn bà 9 thanh, dựng ở dưới chân mộ. Một cây chuối con hay là cây mía trồng ở gần chân mộ và một con gà giò trống. Khi cúng vái xong, người ta cột dây vào chân con gà giò, kéo nó đi quanh mộ ba vòng rồi mở dây thả con gà ra. Về cái thang tín ngưỡng dân gian cho rằng để linh hồn người chết từ âm phủ theo đó leo lên cõi dương thế hay cõi cao hơn, cây chuối hay cây mía tượng trưng cho linh hồn người chết sẽ tốt tươi lại, con gà sau khi kéo ba vòng nó bị say máu ngà ngu ngơ ở quanh mộ (nên có người lúc ngu ngơ người ta thường nói : “ - Giống như con gà mở cửa mả”), để con gà gáy cho linh hồn người chết biết ngày đêm.
Ngày nay ở chốn xa xôi hải ngoại này, đến ngày giỗ kỵ ông bà cha mẹ, không cách nào về dự được, ngày chánh giỗ cũng không có thì giờ nấu nướng, phải đợi đến cuối tuần, nấu một mâm cơm canh cúng vọng ông bà, cha mẹ, cho con cháu quay tụ về trước cúng, sau ăn uống, nhắc lại chuyện xưa để tưởng niệm đến những người đã khuất, chỉ mong cho con, cho cháu sau này có thể biết và theo đó mà gìn giữ được nền nếp gia đình, phong hóa của chúng ta.
Ngày kỵ cơm Nhạc mẫu
18-10-2008
No comments:
Post a Comment