Túy ngọa sa trường quân mạc tiếu,
Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi.
*
Hồi đó ở trên rừng Cà-Tum, để quên năm, tháng gian khổ, tôi có nhờ người nhà khi thăm nuôi mang theo quyển Kim Túy Tình Từ của Nguyễn Du, đây là một bản Kim Vân Kiều in trong Nam vào đầu thiên niên kỷ 20. Mấy ngày Tết, anh em mượn quyển sách ấy để bói Kiều, tôi còn nhớ trường hợp của nhà thơ Huỳnh Hữu Ủy và của tôi khá đúng.
Một người bạn khác, bác Phạm Ngọc Quỳnh nhờ người nhà mang lên một quyển sách Hán Văn, để “văn ôn võ luyện”, trong trại chỉ có bác và tôi có thân tình với nhau, vì cùng Đội từ Trãng Lớn, chuyển lên rừng cũng ở chung B (Trung đội), nên tôi cũng thường mượn quyển Hán Văn của bác để đọc.
Một hôm đọc đến bài Thạch Hào Lại của Đỗ Phủ:
石 壕 吏
杜 甫
暮 頭 石 壕 村
Mộ đầu Thạch Hào thôn
有 吏 夜 捉 人
Hữu lại dạ tróc nhân
老 翁 踰 牆 走
Lão ông du tường tẩu
老 婦 出 門 迎
Lão phụ xuất môn nghinh
吏 呼 一 何 怒
Lại hô nhất hà nộ
婦 啼 一 何 苦
Phụ đề nhất hà khổ
聽 婦 前 致 辭
Thính phụ tiền trí từ
三 男 鄴 城 戍
Tam nam Nghiệp Thành thú
一 男 附 書 至
Nhất nam phụ thư chí
二 男 新 戰 死
Nhị nam tân chiến tử
存 者 且 偷 生
Tồn giả thả thâu sinh
死 者 長 已 矣
Tử giả trường dĩ hỷ
室 中 更 無 人
Thất trung cánh vô nhân
惟 有 乳 下 孫
Duy hữu nhũ hạ tôn
孫 有 母 未 去
Tôn hữu mẫu vị khứ
出 入 無 完 裙
Xuất nhập vô hoàn quần
老 嫗 力 雖 衰
Lão ẩu lực tuy suy
請 從 吏 夜 歸
Thỉnh tòng lại dạ quy
急 應 河 陽 役
Cấp ứng Hà Dương dịch
猶 得 備 晨 炊
Do đắc bị thần xuy
夜 久 語 聲 絕
Dạ cửu ngữ thanh tuyệt
如 聞 泣 幽 咽
Như văn khấp u yết
天 明 登 前 途
Thiên minh đăng tiền đồ
獨 與 老 翁 別
Độc dữ lão ông biệt
Trần Trọng Kim đã dịch:
Người Lính Xóm Thạch Hào
Chiều hôm nghỉ xóm Thạch Hào,
Ban đêm có lính xôn xao bắt người.
Treo tường, ông lão trốn rồi,
Vội vàng, bà lão đón mời ngoài hiên.
Lính la dữ dội huyên thiên,
Mụ già kể lễ nổi phiền biết bao!
Lắng nghe mụ nói tình đầu:
“Ba con đi lính ở đâu Nghiệp Thành.
Được thư một đứa tỏ tình,
Chiến trường hai đứa giao chinh bỏ mình.
Kẻ còn là tạm thâu sinh,
Kể chi kẻ khuất đã đành biệt hơi.
Trong nhà nào có một ai,
Có thằng cháu nhỏ chưa rời vú ra.
Quẩn con mẹ nó chưa xa,
Áo quần rách rưới vào ra có gì.
Già này dù sức đã suy,
Cũng xin theo lính cùng về đêm nay.
Hà dương phục dịch gấp ngay,
Việc quan thổi nấu hằng ngày cũng xuôi »
Canh khuya tiếng nói im rồi,
Còn nghe nức nở, tiếng người khóc thương.
Sáng ra khách phải lên đường,
Chỉ cùng ông lão vội vàng chia tay.
Trong trại, nghe những nguời thăm nuôi kể lại: Từ ngày Cộng sản chiếm miền Nam, bắt thanh niên đi lính, gọi là đi nghĩa vụ, chiến trường Tây Nam chống trả bọn Pôn Pốt, nhiều lính miền Nam bỏ ngũ. Do đo, nhiều thanh niên bị gọi đi nghĩa vụ liền tìm cách trốn, cũng như thanh niên trốn quân dịch ngày trước, nhưng cha mẹ của thanh niên nào trốn nghĩa vụ, bị nhà cầm quyền mời đến xã họp, rồi để cho họ ngồi ngoài sân phơi nắng, có chỗ không cho tiếp tế cơm nước, một hình phạt mà con làm, bắt cha mẹ chịu. Tin ấy, với bài Thạch Hào Lại của Đỗ Phủ kia, làm cho tôi xúc cảm nên dịch bài thơ trên.
Dịch xong, tôi ghi vào trong quyển sổ tay là quyển sổ mà tôi dung để ghi công tác hàng ngày, vì giấy khan hiếm, sổ tay ấy cũng chỉ là giấy tập học trò xé ra từng tờ, xếp đôi lại cho nhỏ, rồi lấy kim chỉ may ở gáy, thành sổ tay, trước tiên viết bằng bút chì, sau đó lại viết bút mực hay bút bi chồng lên.
Ngày ra trại, ai cũng vậy, có chi cho được đều cho lại bạn bè như một cái dao đi rừng, một lon Guigoz, một ít đường, bánh … những thứ khác, riêng tư sẽ được mang về, cho nên tôi tin rằng mình đã mang quyển sổ tay về, nhưng từ năm ra trại 1977 đến nay, tôi nhớ chưa từng đọc lại bài thơ mình dịch, đôi lúc tôi cũng tìm kiếm quyển sổ tay nhưng lại không gặp.
Một đêm, tôi tìm bài thơ Tiết Phụ Ngâm của Trương Tịch, tôi nhớ có trong tập Đường Thi của Trần Trọng Kim, tôi tìm khắp năm kệ sách vẫn không thấy, lại thấy một chồng sách cũ, lần lượt lấy ra xem, trong đó có một tập sách mỏng tựa Kỷ niệm Phương danh Pétrus Trương Vĩnh Ký Đại văn sĩ Nam kỳ (1837-1898), quyển Nho Phong của Nguyễn Tường Tam in lần thứ nhất năm 1926, quyển Chinh Phụ Ngâm của Cao Đình Nam in năm 1929, quyển Giấc Mộng Con của Tản Đà in năm 1932, quyển Thú Chơi Sách của Vương Hồng Sễn in năm 1960, quyển Ngồi Tù Khám Lớn của Phan Văn Hùm in năm 1957, quyển Hương Rừng Cà Mau của Sơn Nam in năm 1962 và dưới cùng, mấy cuốn sách Luân Lý Giáo Khoa Thư của Trần Trọng Kim, Nguyễn Văn Ngọc, Đặng Đình Phúc, Đỗ Thận lóp Đồng Ấu MORAL (Cours enfantin) in lần thứ năm 1929, Quốc Văn Giáo Khoa Thư lớp Sơ Đẳng LECTURE (Cours Élémentaire), sách đã quá cũ rách mất vài trang, lẫn lộn trong mấy cuốn Giáo Khoa Thư đó, là cuốn sổ tay trong “Trại học tập cải tạo Cà Tum” của tôi.
Cầm trong tay, tôi rất mừng chẳng khác nào gặp lại cố nhân, vì “Thư trung hữu nữ nhan như ngọc”, nhưng cũng không khỏi bùi ngùi nhớ lại những ngày khổ cực đắng cay của cuộc đời, sổ tay lâu ngày giấy hoen ố, mực phai, tôi lật từng trang chỗ viết chì, chỗ mực xanh, chỗ mực đỏ, có trang đọc được, cũng có trang không thể đọc, nhưng tôi mừng quá vì tìm thấy bản dịch bài thơ của Đỗ Phủ, đọc rõ nhờ viết bút bi xanh.
Chiều hôm khách trú Thạch Hào
Đến đêm bọn lính ồn ào bắt dân
Vượt tường, ông lão thoát thân
Để bà ra ngỏ một thân đón chào
Một hai chúng nạt ồn ào
Một điều bà lão kêu gào khổ thân
Trước nghe bà kể dần dần
“Ba trai đi lính giữ chân Nghiệp Thành
Một trai thư gửi chẳng lành
Hai trai mới bị chiến tranh lìa đời
Đứa còn thừa sống chơi vơi
Cả hai đứa mất chuyện đời cũng phai
Trong nhà lại chẳng có ai
Duy còn cháu nhỏ hàng ngày dưỡng nuôi
Mẹ cháu dứt sữa nào xuôi
Ra vào quần áo được tươi tốt gì
Già này tuy sức đã suy
Xin cùng mấy chú đêm đi theo về
Hà Lương cấp dịch trọn bề
Vì còn buổi sáng được bề nấu ăn
Đêm trường im bặt nói năng,
Như nghe ấm ức khóc than kiếp người
Rạng ngày khăn gói về xuôi,
Chỉ cùng ông lão ngậm ngùi chia tay.
Huỳnh Ái Tông
Cà Tum, 28-5-1977
Thời nào cũng vậy, chiến tranh gây ra biết bao đau thương, kẻ chết, người tật nguyền, vợ góa, con côi, mẹ cha sống những ngày còn lại trong nỗi niềm thương nhớ không nguôi. Muốn tránh được chiến tranh, nhân loại cần tránh tranh danh, đoạt lợi. Nhưng biết đến bao giờ mới đạt được điều này !
Louisville, ngày 22-2-2008
No comments:
Post a Comment