Pages

Sunday, August 29, 2010

Trường Tôi

HTML clipboard
-->Vì một Nhóm cựu học sinh Cao Thắng đã hình thành, tôi muốn viết một bài về trường Cao Thắng, nhưng còn những trường khác, tôi đã mài đủng quần trên bàn ghế ở đó thì sao, cho nên tôi muốn viết đủ hết những trường, nhất là những ngôi trường nhỏ, trường làng, trường đầu đời tôi đã cập vở đến học.
Tôi sinh ra ở một cù lao sông Hậu, nhà của cha mẹ tôi nhìn ra sông, con sông nhỏ thuộc sông Hậu Giang, chạy dọc theo con lộ đá đường Long Xuyên Châu Ðốc, ai đã từng đi xe đò trên đường nầy, sẽ nghe tới địa danh Bắc Năng Gù. Tên ấy theo tôi mấy anh xe đò ngày xưa đã quen miệng, đặt sai tên. Vì chiếc Bắc ấy chạy từ chợ Bình Mỹ đi sang vùng thánh địa Hòa Hảo, nơi đó là sông Hậu Giang, bị cù lao chia thành nhiều nhánh, có một nhánh chảy qua làng tôi, đó là cù lao Năng Gù, một nhánh nữa chảy qua nối với Tiền giang. Chiếc bắc ấy không phát xuất từ Năng Gù, không chạy tới Năng Gù, nó chỉ chạy ngang qua trên đường chạy của nó, nhưng chạy gần đuôi của một cù lao kia hơn là đầu cù lao Năng Gù, cho nên Năng Gù và chiếc bắc ấy không có gì dính dáng nhau, và cù lao Năng Gù có ghi trong Ðại Nam Nhất Thống Chí, nay là làng Bình Thủy, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang.
Tôi đã đi hơi xa một chút, xin trở lại bên kia sông là con lộ đá đường Liên Tỉnh 10, nối liền Long Xuyên Châu Ðốc, bạn có biết tại sao gọi là Liên Tỉnh 10 không ? Ngày xưa sau khi Lục Tỉnh mất luôn vào tay Pháp, họ chia đất Nam Kỳ ra làm 20 Tỉnh, mỗi Tỉnh xếp theo Thứ Tự sau đây : 1. Gia Ðịnh, 2. Châu Ðốc, 3. Hà Tiên, 4. Rạch Giá, 5. Trà Vinh, 6. Sa Ðéc, 7. Bến Tre, 8 Long Xuyên ... để dễ nhớ, người ta ghép thành một bài Tứ Tuyệt :
Gia Châu Hà Rạch Trà
Sa Bến Long Tân Sóc
Thủ Tây Biên Mỹ Bà
Chợ Vĩnh Gò Cần Bạc.
Về sau thêm Vũng Tàu thành một tỉnh, tổng cộng là 21 tỉnh
Tỉnh Châu Ðốc thứ tự 2, tỉnh Long Xuyên thứ tự 8, do đó hai tỉnh cọng lại là 10. Ghe ngày xưa cũng có số, ví dụ ghe nào số HF 1 là ghe của chủ ở Gia Ðịnh, HF 6 là ghe của chủ ở Sa Ðéc. Tôi lại đi xa nữa rồi.
Bên kia sông có một ngôi trường, xây tường gạch, lợp ngói móc, có ba lớp và một căn phòng nhỏ, bên tay phải chừng bằng phần ba lớp học, các lớp nằm trên nền xây đá cao hơn sân trên một thước tây, chú tôi dạy và làm Trưởng giáo của Trường nầy, thời Pháp tên của nó là ECOLE DE BÌNH MỸ, hồi mới dạy, chú tôi ở ngay phòng bên cạnh lớp, sau chú tôi cất nhà bên cạnh trường, sau nữa chú tôi mua đất trong làng, dời nhà về bên cù lao, hàng ngày đi dạy, chú tôi bơi xuồng qua sông chở theo con và cháu đi học.
Cách nhà tôi chừng 200 thước, cũng có ngôi trường làng, cũng xây giống như ngôi trường Bình Mỹ, nhưng xây thấp hơn, nền chỉ cao hơn sân chừng 4 tấc tây, và có xây lan can ngăn chia giữa hành lang với sân trường. Trước sân trường có trồng mấy cây Ô Môi, gần Tết ô Môi trổ hoa màu tím trông rất đẹp, trái ô môi bằng cườm tay dài từ 3. 4 tấc đến một thước, bên trong có những miếng ngăn, cách nhau chừng đầu đủa ăn, mỗi miếng nầy có cái hột dẹp và có những cơm màu nâu sậm đen, ăn nó ngọt, ăn nhiều bị táo bón, nhiều người rất thích ăn ô môi.
Tôi sanh năm Tân Tỵ (1941), lúc tôi biết, hàng ngày chú tôi bơi xuồng sang sông, chở theo anh tôi, con chú tôi, do đó cha tôi cũng cho tôi theo anh sang bên kia sông học, anh tôi lớn hơn tôi ba tuổi nên học với chú tôi dạy chung trong một lớp, hai trình độ Cour Moyen và Cour Supérieur, ai ở Châu đốc biết thầy giáo Huỳnh Bá Nhệ ấy là chú tôi.
Tôi học Cour Élémentaire với thầy giáo Lê Văn Thọ, thầy vở lòng của tôi, ai là học sinh Cao Thắng có bằng Tú Tài Kỹ Thuật, lật phía sau lưng, có thể thấy chữ ký và tên của người viết bằng Lê Văn Thọ, đó là thầy tôi, sau nầy về làm việc tại Phòng Khảo Thí Nha Kỹ Thuật Học Vụ.
Trường đầu đời nầy tôi có nhiều kỷ niệm, tôi nhớ sau khi đi học đã mấy ngày, một hôm tập viết, thầy tôi bảo lấy thước gạch hàng, tôi không có thước vừa khóc vừa chạy sang lớp anh tôi để mượn cây thước của anh ấy. Chú tôi đang ngồi dạy ở bàn thầy giáo, thấy tôi vừa khóc vừa lấy thước đi về lớp, chú bảo tôi :
- Nín đi! Ði học mà khóc cái gì !
Tôi nhớ mỗi lớp có hai dãi bàn, có 2 tấm bản đen, mỗi bản đặt nằm trên một cái giá, bàn thầy giáo dựa tường nằm giữa hai tấm bản, tôi ngồi bàn đầu, phía tay phải của tôi là anh học trò tên Ðộ, nhà anh ở phía tay trái của trường, cách miếng đất trống, bên tay trái của tôi là Trai và kế bên Trai là Lê Văn Khải con của thầy. Hồi nhỏ chúng tôi thường gọi là trò Ðộ, trò Trai, trò Khải.
Một hôm thầy kêu Trai đọc bài, Trai đứng lên để nhìn bản đọc, Khải và tôi mỗi người một bên nắm quần xà lỏn của Trai, Trai chẳng để ý, đứng lên, quần bị tuột xuống, Trai phải ngồi xuống. Thầy tưởng Trai không vâng lệnh, Thầy gọi lên đánh Trai hết mấy khẻ tay, tội nghiệp Trai bị khẻ tay mà chẳng than phiền chúng tôi, lần khác Thầy gọi, Trai chẳng dám đứng lên, Thầy định khẻ tay nữa, có vài anh học trò lớn bất mãn liền mét với Thầy nguyên do vì chúng tôi nắm chiếc quần xà lỏn Trai không dám đứng lên.
Biết rõ lý do, thầy gọi Khải và tôi lên bàn, thầy lấy cây thước bản ( cây thước dài chừng 2 thước, thầy giáo dùng để chỉ lên bảng giảng bài), bắt chúng tôi chúm năm ngón tay lại, thầy đánh hai chúng tôi mỗi đứa 3 cái, đau ôi là đau thấu xương từ đó chúng tôi không dám nắm quần đùi trò Trai nữa.
Trong sân trường về phía nhà trò Ðộ có cái đu, chúng tôi tha hồ đánh đu, học trò gái chơi chuyền chuyền hay nhảy đây, hoặc họ chơi cò cò, sân trường phía nhà trò Trai có một cây, mùa Hè hoa nở đỏ, mọi người đều gọi là Ðiệp Tây, có lẽ hồi xưa trong Nam không có thứ cây nầy, Pháp đến rồi họ trồng gọi là Ðiệp Tây, cũng như giữa sân đình làng tôi có trồng cây Chuối Tây. Sau nầy tôi mới nghe Ðiệp Tây là Phượng Vỹ. Ở cạnh đó có cây dừa cao bị sét đánh cháy phân nữa những tàu lá. Trai kể cho chúng tôi nghe, ban đêm ở đó có con quỷ mẹ vào những đêm mưa lâm râm hay trời không trăng, tối thui, con quỷ mẹ ru con ngủ, tiếng ru lảnh lót, tiếng võng đưa cọt kẹt, nên một hôm trời mưa, Thiên lôi đến cắm cờ trên đọt cây dừa, rồi ông Trời đánh một cái rầm, cây dừa bị cháy lá, cây Ðiệp Tây bị gảy nhánh, Trai còn dặn chúng tôi, khi nào trời mưa coi chừng bị Trời đánh, đi dưới mưa thỉnh thoảng nên rờ lên đầu coi có bị Thiên Lôi cắm cờ không, nếu bị thì rút cờ ném xuống đất mà chạy, còn ở trong nhà thì dọn cơm ra mà ăn, ai ăn cơm ông Trời không bao giờ đánh, vì ‘’ Trời đánh còn tránh bửa ăn ‘’. Chúng tôi ai cũng say sưa nghe Trai kể chuyện Trời đánh, vừa sợ ma vừa sợ trời đánh và cũng phục Trai biết nhiều.
Có một lần trò Hàn, ngồi ở cuối lớp thầy gọi tập đọc, đánh vần chữ TÔI, trò Hàn cứ đánh vần T, Ô, TÔ, I, TUI, thầy dạy: ‘‘ Mầy phải đánh vần T, Ô, I, TÔI ‘’, trò Hàn : ‘’ Dạ ‘’, rồi cũng cứ T, Ô, TÔ, I, TUI, thầy đánh mấy lần, trò ấy cũng cứ TUI chớ không làm sao đọc TÔI, thầy bỏ qua, gọi trò khác.
Thầy dạy học, hết giờ thầy kéo kẹo, đến ra chơi thím bán kẹo kéo cho chúng tôi ăn, một lần giờ ra chơi, tôi ở ngoài sân chú tôi đến bên móc ví, lấy cho tôi một cắc, tôi nhớ tờ giấy Hào hay mười xu ấy là một tờ giấy nho nhỏ, in màu vàng, còn tờ giấy hai Hào lớn hơn một chút, in màu nâu, được tiền chú cho, tôi chạy mua kẹo kéo ăn, kẹo xốp dòn, bên ngoài còn dính lớp bột trắng, nhờ đó những cây kẹo để chung không dính với nhau. Kẹo ấy làm là dùng đường nấu (gọi là thắng) cho đặc lại, rồi dùng đủa kéo nó ra, nhập nó lại rồi kéo nó ra, cứ kéo ra, kéo vô cho đến khi thành kẹo, nên gọi là kẹo kéo.
Hồi đó trai gái học chung, con gái cha mẹ cho đi học rất ít, lớp trên tôi có chị Phấn, lớp tôi có cô Phe và những trò gái khác tất cả đều để tóc dài, kẹp lại phía sau lưng.
Sau đó Việt Minh cướp chánh quyền, Thanh Niên tiền phong tập họp thành hàng ngủ, họ vác tầm vông vạt nhọn, tập đi tới, đi lui với hàng ngang, hàng dọc, rồi họ tập vỏ, rồi chú tôi và Thầy Thọ bỏ Trường về tỉnh, trường gần nhà tôi thầy giáo cũng bỏ đi, cả hai trường đều đóng cửa, học trò nhỏ tuổi được ở nhà chơi, lớn tuổi hơn lo công việc đồng áng, ban đêm thanh niên ở làng tôi chèo ghe qua bên kia sông đào đường, chặt cây cản lộ, ban ngày dân bên kia sông bị bắt đi lấp đường, phá cản cho xe nhà binh, xe đò chạy. Thỉnh thoảng Tây Trắng, Tây đen đi bố ráp, tuy nhỏ tôi cũng phải chạy theo mẹ theo anh. Có một hôm tôi thấy một chiếc tàu lớn lắm, lấy lá dừa che phủ ở trên, ghé vào trường tôi ở mấy hôm, những người ở trên tàu thấp lùn, cha tôi bảo đó là lính Nhật.
Nhớ lại năm ấy là năm Ất Dậu 1945, tôi sanh năm 1941, như vậy tôi đi học sớm lắm, mới có 4 tuổi, người ta chưa tới tuổi cập vở đến trường thì tôi đã bị thất học rồi.
Sau khi chú tôi về Tỉnh một thời gian, cha tôi được thư của chú, bảo anh tôi và con của người chú khác, bơi xuồng sang sông chở tủ sách của chú, đem về để ở nhà tôi, một hay hai năm sau chú tôi mới về mở tủ lấy sách mang đi, cha tôi mượn lại bộ sách đạo Niết Bàn Tạp Chí, cô tôi không chồng ở chung nhà, mượn giữ lại bộ Tiểu Thuyết Thứ Bảy và chú tôi để lại mấy quyển sách Luân Lý, Cách Trí, Quốc Văn Giáo Khoa Thư các lớp Ðồng Ấu, Dự Bị và Cao Ðẳng, cho anh em tôi học.
Cha tôi làm Hương Sư, các thầy giáo bỏ trường Bình Thủy ra đi, giao chìa khóa trường lại cho cha tôi, có dạo anh Hai tôi đi Tân Châu học dệt vải, vải dệt từ bông vải gọi là vải ta, sợi chỉ to nên vải dầy, trông thô, còn dệt từ sợi tơ của tầm, sợi tơ rất nhỏ, vải mịn và chắc gọi là lụa, quận Tân Châu ở Châu Ðốc nổi tiếng là Lụa Mỹ A cũng gọi là Lãnh Mỹ A, có lẽ vì lụa ấy mặc vào nó mát lạnh nên gọi là Lãnh, quần Lãnh Mỹ A mới may, mặc đi nghe sột sạt, chỉ có một màu đen, nhuộm với trái Mạt Nưa, chỉ dùng may quần cho phụ nữ và giá rất đắc tiền.
Rồi một thời gian sau vải nhập cảng, anh tôi không công ăn việc làm, lấy chìa khóa cùng với anh Hoài mở cửa trường, lấy lớp dạy tư, tôi không có đi học, dạy vài tháng anh tôi bỏ đi Sàigòn làm cho nhà thuốc Nhành Mai, ở bên hông chợ Sàigòn số 36 Saboraine sau đổi là Tạ Thu Thâu, chuyên bán thuốc dán Con Rắn và thuốc Dưỡng Thai. Còn thầy Hoài sau làm chủ nhà thuốc Bình Sanh, chạy ghe máy bán khắp nơi trong vùng Long Xuyên, như Sơn Ðông Mãi Võ. Năm 1969, đi lính về phép gặp được anh trong quán nhậu tại thị xã Long Xuyên, cụng với anh một ly tràn đầy bọt bia.
Rồi lúc nào đó chú Nguyễn Hoa Hẩu lấy trường mở lớp dạy tư, chú là con của thầy giáo Nguyễn Văn Ðe, tôi nghe nói ông Bảy Ðe hồi đó dạy tại Long Xuyên, chú tôi theo học với ông, sau ông đổi đi dạy trường tỉnh Sa Ðéc. Chú Hai Hẩu cũng như anh Hai tôi có đi học lớp nhứt trường tỉnh, nhưng cả hai không đậu được bằng Primaire. Cha tôi cho tôi đi học với chú Hai, lớp học nầy chỉ có một dãi bàn, mỗi bàn rất dài, đóng ván sao dầy gần 2 phân nên rất chắc và nặng khỏi chê. Lớp học chỉ có một cửa và một lối vào ra, một bên là tường một bên là dãi bàn học, hai cửa sổ, hai tấm bản và cái bàn thầy giáo, trên tường có treo tranh vẽ khá lớn cảnh bến tàu và chợ Sàigòn, những hôm trời mưa lớp tối tù mù vì không có đèn đóm chi cả.
Trường có một cái trống, chú Hai không treo lên, để nó ở gần bàn chú ngồi và chỉ mình chú đánh trống vào lớp, trống ra chơi, trống tan trường, chú đánh bằng cái dùi to chừng bắp tay, có nhiều hôm giận quá khi dạy học trò không hiểu, không thuộc bài, chú sẳn tay quơ cái dùi trống đánh luôn lọc trò vào lưng nghe thình thịch gần giống như chú đánh trống tan trường.
Một hôm chú dùng cây thước kẻ đánh luôn vào mặt trò Ðơn, cây thước ấy là cây thước vuông bằng gỏ, bốn cạnh của nó được người thợ mộc khéo tay xẻ bốn đường, khảm vào đó 4 miếng thau, là cây thước cưng của học trò nhà giàu, cạnh thước đó chú đánh vào xương gò má trò Ðơn tét một đường chảy máu, giờ ra chơi tôi phải đưa trò Ðơn về nhà, lấy muối bọt chấm miếng nước xát vào chỗ vết thương, trò Ðơn tội nghiệp lo sợ than thở với tôi : - Tao bị vầy, về nhà cha tao thấy, chắc ổng đánh tao nữa.
Ðến năm 1950, chú Hai Hẩu, tôi thường gọi là Chú Hai chớ không gọi thầy, tổ chức cho học trò xuống Long Xuyên thi, một số đóng góp tiền thuê một chiếc ghe, xuống đậu ở bến sông gần trường Nam Tiểu Học Long Xuyên để dự thi, gia đình tôi có người quen làm Police ở dãi phố gần Rạp hát Thanh Liêm, tôi và người em con ông chú ở đó, ngày đi thi tôi ngồi ở phòng học cột tràm, lợp lá vách cũng không che được kín, dãi ấy sát với hàng rào dây kẻm gai, phía sau là ao, hồ, có nhà vệ sinh cất trên ao cá, học sinh muốn đi còn phải đi qua chiếc cầu khỉ bằng tre, sau nầy chỗ ấy lấp đi để xây Trường Trung Học Thoại Ngọc Hầu.
Sau một ngày thi, tôi vẫn về ở nhà quen, đến hôm kêu Résulta, lúc ấy chừng 10 giờ sáng, tôi không rõ có bao nhiêu thí sinh thi, nhưng đi nghe lèo tèo chừng vài chục lố nhố đứng chờ ở giữa sân cờ, một ông thầy giáo ra đứng trên cái ghế giữa sân trường, bắt sĩ tử phải xếp hàng, xong ông ta mới lấy cái loa làm bằng kẻm, sơn trắng đọc danh sách những người đậu, gồm có số báo danh, họ tên và nơi sanh.
Tôi nghe đọc tên Huỳnh Hữu Tâm đậu, Tâm đứng gần đó cũng nghe như thế, còn tôi không có tên, biết mình đã thi rớt, tôi ra bến xe đi về nhà.
Xuống xe, tôi lo sợ về nhà sẽ bị cha tôi đánh đòn vì thi rớt, chị tôi bơi xuồng qua đón, chị hỏi :
- Ði mấy ngày nay thi đậu hay rớt ?
Tôi buồn bả đáp :
- Rớt rồi chị Ba.
Chị tôi mĩm cười nói thêm:
- Vậy là từ nay thay họ đổi tên thành Bùi Kiệm rồi!
Nghe chị nói tôi còn buồn hơn, xuồng chị tôi chưa cập bến, có một anh hàng xóm tên là Vương Triều Hón, năm ấy anh ta cũng gần năm mươi, thấy tôi anh ta hỏi :
- Sao chú mầy đậu rớt ?
Tôi buồn bả trả lời :
- Rớt rồi anh Năm!
Ðúng ra về vai vế anh ta phải gọi tôi bằng anh, nhưng anh ta đã trộng tuổi, lại để râu thành ra mấy anh chị em tôi đều gọi anh ta bằng anh. Anh ta cười ruồi nói với tôi :
- Cậu Ba có một bầy dê, mầy sẽ làm ông Tô Võ, chăn dê đến khi nào dê đực đẻ thì mới thôi đó nghe mậy!
Tôi đã sợ bị đòn, anh ta nói đùa, tôi không mấy vui, từ chỗ xuồng cập bến về tới nhà chừng 200 thước, anh Năm Hón nói xong đi về nhà của ảnh, tôi đi về nhà tôi, hai hướng khác nhau, còn lại một mình, tôi tư tưởng, cha tôi trước kia ăn chay trường được 10 năm rồi bị lao phổi, đi bệnh viện Long Xuyên được Bác Sĩ Bàng trị hết, khuyên dứt cha tôi ăn mặn, và có người khuyên nuôi dê, lấy sữa dê uống cho bổ, vì vậy cha tôi nuôi một bầy dê Bắc Thảo, giống to con, màu tím lốm đốm trắng, sữa nhiều. Nếu thi đậu, tôi có thể xuống tỉnh học lớp Nhì, còn nay thi rớt, nhà cha mẹ tôi lại không dư ăn dư để, anh kế tôi đang học ở Long Xuyên, nên tôi phải ở nhà chăn bầy dê là cái chắc, dê thứ chi cũng ăn, phải chăn giữ để chúng đừng ăn của người ta, lại còn phải trông nom bảo vệ chúng để khỏi bị chó cắn.
Về tích Tô Vũ, tôi đã nghe người ta nói, ngày xưa ông ta làm quan, vua Hán phái đi sứ sang Hung Nô, vua Hung Nô không coi sứ ra chi, bắt đày ông Tô Vũ đi chăn dê, dạy rằng khi nào dê đực đẻ thì tha cho về Hán. Khi bị đày chăn dê, ông Tô Vũ vẫn coi mình là sứ giả, về sau vua Hán cho quân đánh Hung Nô, tìm ra Tô Vũ râu tóc bạc phơ, tay vẫn cầm cờ sứ rách nát te tua.
Bước vào nhà, cha tôi đang vẽ tranh, không nhìn tôi, ông hỏi :
- Thi đậu rớt mậy ?
Tôi trả lời ngay :
- Dạ rớt rồi cha!
- Vậy thì mầy cũng nếm được mùi thi cử!
Cha tôi không nói thêm nữa, tôi mừng vì khỏi bị đòn, anh em tôi sợ những trận đòn của cha, đánh mà không cho khóc, không cho ai can, má hay cô tôi can thì chúng tôi còn bị đòn nhiều hơn.
Khi tôi xuống tỉnh dự thi, tôi ở nhà anh Police quen, còn anh tôi ở trọ dưới Cái Sơn, lúc thi rớt ra về tôi cũng không nói cho anh tôi hay. Vài hôm sau đến Chủ Nhật, anh tôi về, gặp tôi ngoài sân, anh cười nói với tôi :
- Thi đậu rồi sướng quá hé!
Tôi năn nỉ anh tôi :
- Thôi mà! Thi rớt rồi anh còn mỉa mai nữa chi vậy ?
- Không mầy thi đậu rồi mà!
- Thôi đi anh ơi, tôi đứng gần ông thầy cầm cái loa, ổng đọc tên thằng Tâm con chú Chín, chớ đâu có tên tôi!
Anh tôi cải lại :
- Sao kỳ vậy ? Thằng Tâm rớt mầy đậu mà!
Cha tôi trong nhà nghe hai anh em cải lẩy thi đậu rớt, liền gọi anh tôi vào hỏi cho rõ, anh tôi nói là xem bảng thấy rõ tên tôi, còn Tâm con chú tôi bị gạch đỏ cũng như những đứa thi rớt khác. Cha tôi nói :
- Vậy mà mấy bửa nay nó nói nó rớt.
Tôi thấy khi rớt, cha tôi chẳng buồn và rầy rà, khi thi đậu cha tôi chẳng những không vui mà lại còn có nét suy tư và buồn bả, sau nầy tôi mới biết, đáng lẽ thi đậu gia đình phải cho tôi xuống Long xuyên học tiếp, nhưng cha mẹ tôi không có tiền, tôi phải thất học, cũng là con, hai anh tôi đều được xuống tỉnh học, còn tôi thì không được như vậy, cha mẹ nào lại không buồn, mẹ tôi vốn ít nói, nên cũng chẳng nói chi về việc thi cử của tôi. Có người đưa ý kiến, cho tôi lên Châu Ðốc ở nhà chú tôi đi học. Cha tôi nói :
- Chú nó tốt, nhưng còn thím.
Vài năm sau, anh tôi lãnh bằng đem về cho tôi đó là Văn Bằng Sơ Ðẳng Tiểu Học, có chữ ký của Thanh Tra Hàng Tỉnh Long Xuyên Trương Văn Ðức và Giám Ðốc Sở Học Chánh Nam Việt Trần Bá Chức, đấy là mảnh bằng đầu đời, ngày nay tôi vẫn còn giữ được.
Rồi năm sau, năm 1951, chú Hai Hẩu xin làm thầy giáo, chú xin thêm thầy về dạy đó là thầy Giáo Chín, quê ông ở Chợ Mới, thầy đến cùng gia đình ở một chiếc ghe nho nhỏ, con thầy có anh Quan, anh Quân, chị Liệt, chị Tuyết và con gái út tên So, da trắng, môi son, tóc hớt ngắn như con trai, cô ta đẹp và dễ thương.
Tôi thì, nhà chưa có đủ tiền đi học ở dưới tỉnh, cha tôi xin chú Hai cho tôi học buổi sáng, buổi chiều ở nhà chăn dê. Nhà tôi gần trường, cha tôi từng làm Hương Quản rồi Hương Sư nên mỗi ngày, lúc giờ chơi chú Hai và thầy giáo Chín thường đến nhà tôi uống trà, bàn chuyện Ðông Tây, kim cổ.
Một hôm, cha tôi đưa quyển Tam Thiên Tự, sách đóng bìa cứng, bảo tôi đem theo, lúc rãnh lấy ra đọc và viết xuống đất cho nhớ , tôi đã học Thiên : Trời, Ðịa : Ðất, Cử : Cất, Tồn : Còn, Tử: Con, Tôn : Cháu, Lục: Sáu, Tam : Ba, Gia: Nhà, Quốc: Nước, Tiền: Trước, Hậu: Sau, Ngưu : Trâu, Mã : Ngựa cho đến bây giờ tôi chỉ còn nhớ bấy nhiêu đó.
Tôi đi chăn dê trong cánh đồng, thường đi một mình nên lấy Tiểu Thuyết Thứ Bảy theo đọc, những chuyện Cô Giáo Minh của Nguyễn Công Hoan, Hòm Ðựng Người của Nguyễn Triệu Luật, Bóng Cờ Trắng Trong Sương Mù của Ngọc Giao (?), tôi không nhớ có thơ TTKH hay không, vì ngày đó tôi không đọc thơ., tôi đã đọc hầu hết những chuyện ngắn trong những quyển tiểu thuyết của chú tôi. Thời gian đó tôi còn đọc Tế Ðiên Hòa Thượng, Hỏa Thiêu Hồng Liên Tự, Thằng Bờm, Thần Hổ của TCHYA (Ðái Ðức Tuấn), cho nên tôi bị nhiễm tiểu thuyết.
Ðã vài năm mà không có tiền cho tôi xuống tỉnh học, cha tôi cho tôi ở nhà luôn, tôi không nhớ duyên cớ gì tôi lấy giấy học trò, viết mực tím gửi cho cô So, đó là thơ tình, thứ tình như con nít chơi nhà chòi, làm đám cưới, đi đám giỗ ... thư tôi nhờ chú út Thửng, nhà chú giữa trường học và nhà tôi, trường học nay thầy giáo Chín đưa gia đình về ở phòng bên cạnh lớp. Chú Thửng hơn tôi chừng 2 tuổi, chú không được thông minh, tôi nghĩ chú không đọc thư tôi mới nhờ. Hôm sau, chú Thửng đưa lại cho tôi thư cô So, nay tôi không còn nhớ hết cô đà viết chi trên tờ giấy học trò, mực tím, tôi chỉ nhớ lấy có một hàng quan trọng: ‘‘...Em cũng thương anh, anh thương em thì để bụng, giấu kín đừng nói cho ai biết hết nghe...’’ Tôi dấu kỷ lá thư ấy, dấu kỷ đến nổi tôi không nhớ nó ở đâu và tôi làm y như lời cô So dặn, tôi không nói với ai hết, ngay với cô tôi cũng chẳng nói thêm tiếng nào.
Sau nầy lên Sàigòn học, cuối năm đầu tiên ấy, Tâm và tôi đi đến quê cô, tận bến đò Bà Vệ ở Kiến An, Chợ Mới, ngủ lại đó đêm mồng một tết, tôi cũng chẳng nói được với cô ta lời nào. Sao nầy nghe nói cô làm cô giáo, lập gia đình với một thầy giáo. Năm 1986, hơn 30 năm sau, có dịp đi huyện Chợ Mới, tôi lại ghé thăm thầy Chín, thím chỉ lên bàn thờ, bảo thầy chết vừa mới mãn tang. Thầy không dạy tôi, tưởng tình bạn vong niên với cha tôi, tôi thắp hương lạy thầy.
Rồi cô giáo So cùng với con ở đâu gần đó về nhà thăm mẹ, thấy tôi khách, cô cuối đầu chào, tôi cũng cuối đầu chào lại. Cô nói thêm với thím giáo vài câu rồi đi ra. Tôi ngồi nán lại một chốc rồi xin phép ra về, từ nhà ấy ra ngõ, tôi thấy cô giáo So đứng ở cửa hông nhà bên cạnh, có nhìn thấy tôi, chẳng ai nói tiếng nào, thật tôi đã làm đúng lời cô dặn năm xưa:‘’ Thương em thì để bụng ‘’.
Năm 1954, cha tôi qua đời, anh tôi ở Pháp viết thừ về, nhờ chú giúp dùm tôi đi học, do đó tôi lên Châu Ðốc vào học Trường Nam Tiểu Học, lớp nhì với thầy Lê Quang Ðiện, lớp Nhì H của chúng tôi ở dãi lớp lợp lá, vách lá, nền đất, phía tay phải cuối đằng xa là Trường Trung Học Thủ Khoa Nghĩa, có lớp Nhứt gần đó, thầy Châu Văn Tính dạy, con gái thầy thi rớt vào Ðệ Thất, nên thầy cho cô Dung học chung với con trai của lớp thầy, như thế năm ấy trường có một bóng hồng. Thầy Châu Văn Tính có một người con trai sau hy sinh vì tổ quốc, người ta lấy tên anh đặt cho tên trại Lực Lượng Ðặc Biệt trên đường Trần Quốc Toản, gần Trường đua ngựa đó là Trại Châu Minh Kiến. Thầy dạy vở lòng của tôi, thầy Lê Văn Thọ cũng dạy lớp nhì F trường đó.
Từ đó tôi xa ngôi trường học vở lòng, xa ngôi trường làng, những lần về quê, khi đi ngang ngôi trường thuở ấu thơ, tôi nhớ tới nhiều người bạn học, Ngát cháu ngoại của cô tôi đã ra người thiên cổ được mấy năm rồi, cô Dậu, xẩm rất xinh, con chú chệt Soạn, chú chạy xe đạp rao bán thịt heo trong làng, chú ở gần nhà Cô tôi, xa trường nên cùng với cháu Ngát, trưa về nhà tôi ăn cơm rồi leo lên võng ngủ một giấc, thức dậy lại đi học buổi chiều. Nhớ lại hồi đó chú thím Tư Soạn có con gái lớn là Chị Muối đã đến tuổi lấy chồng, mấy người hàng xóm chỗ tôi hay đùa chú với giọng Chệt nói tiếng Việt : ‘’ Con bà cũng lứn dồi, gã cho thàng ló thì cũng xừng ‘’ ( Con bà cũng lớn rồi, gã cho thằng đó thì cũng xứng), hay ‘’ Cái đồn đó đông thật là đông ‘’, chú Tư nghe người ta nhái giọng thì cười chớ không giận, người ta hỏi sao chú không giận hờn chi hết, chú trả lời : ‘‘ - Há ngộ dận làm chi ? Lể ngộ bán thịt kiếm tiền mua gạo mà! Bở nào ló mua, bớt ló một miếng thịt hà !’’. Chú thím Tư Soạn đã chết từ lâu, cô Dậu đã lấy chồng, đã nhiều năm không gặp lại cô ấy, chắc cháu nội ngoại nay cũng đã nhiều.
Những khi có ca sĩ hát : ‘’ Trường làng tôi, cây xanh lá vây quanh. Muôn chim hót vang lên trên cành ..., luôn luôn làm cho tôi nhớ tới ngôi trường tôi đã học vở lòng hơn là ngôi trường làng gần nhà.
Qua bài hát nầy, tôi nghĩ những ngôi trường xưa, giữ biết bao nhiêu tình cảm của thuở học trò, thật là đậm đà trinh trắng của tuổi thơ.
Tôi vào học, mấy ngày đầu bài toán nhân, chia tôi làm sai bét, tôi quên hết cửu chương, chú tôi bắt học cửu chương đọc xuôi, đọc ngược, rồi hỏi đâu trả lời đó, tháng đầu tôi đứng gần hạng bét, nhưng từ tháng thứ hai trở đi tôi đã tiến bộ nhiều, vài tháng sau vị thứ tôi ở vào nhứt, nhì, ba, tư mà thôi.
Một hôm, sáng sớm tôi sắp sửa đi học thì có tin báo cho biết mẹ tôi đau nặng, bảo phải về gấp, chú tôi cho phép nghỉ học về thăm mẹ, hôm ấy đi xe đò về Năng gù rồi cùng anh rễ tôi đi Long Xuyên từ Long Xuyên đi xe đạp vào Vĩnh Chánh, đến nơi trời đã về chiều, gia đình đã đưa mẹ tôi đến ngôi chùa làng, nơi ngày xưa mẹ tôi đã quy y, chị tôi bảo :
- Má chờ em đó, lại nằm với má đi!
Tôi đến nằm bên cạnh má tôi, nơi bộ ván ngựa trải manh đệm kê ở hậu liêu của chùa, nhìn sang má tôi, người đã mê man rồi. Chị tôi lay gọi :
- Má ơi má! Thằng Tông nó về nằm bên cạnh má đó!
Tôi chỉ nghe má tôi thốt giọng ư ư yếu ớt, cũng không mở mắt nhìn ai nữa, đêm ấy mẹ tôi từ trần, người nhà nhìn đồng hồ treo trên cột bảo là 10 giờ. Tôi đã mất thêm mẹ, trở nên mồ côi từ năm 13 tuổi.
Trường Nam Tiểu Học, hồi đó có ba dãi xây tường lợp ngói, chỉ riêng có dãi tôi học là lợp lá, nằm sát hàng rào, bên kia thuộc khu đồn trú của quân đội, nhưng cách xa nên lau sậy mọc tràn lan, quanh năm không có bóng người. Sân trường trồng những cây bả đậu, cây điệp loại cây to hoa tím nhỏ, ở chính giữa bốn dãi lớp là cột cờ, mỗi ngày vào buổi sáng, học sinh đều phải xếp hàng chào quốc kỳ, hát quốc ca rồi mới đi vào lớp, mỗi lần đến phiên trực, lớp tôi có Thu đứng ra bắt nhịp cho học sinh cả trường hát quốc ca, về sau Thầy Ðiện tập cho tôi bắt nhịp ở trong lớp vài lần, rồi bắt tôi ra bắt nhịp cho học sinh hát, từ đó trở đi Thu và tôi thay phiên nhau bắt giọng và đánh nhịp : ‘’Nầy Công dân ơi! Quốc gia đến ngày giải phóng! Hai! Ba Tất cả học sinh theo đó đồng ca : Nầy Công dân ơi ! Quốc gia đến ngày giải phóng....
Trong lớp, thỉnh thoảng Thầy dạy cho cả lớp cùng hát những bài hát ngắn, nay tôi chỉ còn nhớ bài Lên Ðường ‘’ Nào anh em ta cùng nhau xông pha lên đường, kiếm nguồn tươi sáng, ta nguyền đồng lòng điểm tô non sông tự nay ra sức anh tài, đoàn ta chen vai nề chi chông gai lên đường...’’
Và có một lần mỗi học sinh phải làm một món thủ công, thầy chấm điểm sau đó tất cả những thủ công có điểm cao của tất cả các lớp, đem tới Phòng Thông Tin để triển lãm, tôi được triểm lãm thủ công con trâu nắn đất sét.
Ngày nay lớp nầy tôi chỉ còn nhớ có Tỏ ở đâu Bình Di Bắc Nam chi đó, gần biên giới Miên xuống học, có Lê Quang Nản con của Thầy Ðiện.
Trường ở tại tỉnh lỵ, nhưng có những học sinh từ Núi Sam, từ Mỹ Ðức, từ Cồn Tiên bên kia sông phía trước chợ Châu Ðốc đến học, phía Cồn Tiên là làng Khánh Hậu hình như quê của nữ nghệ sĩ Bạch Tuyết ở đó, còn ở chỗ bến Bắc đi sang bên kia là Châu Giang, nơi đó là làng Chăm, không có người sang học ở Châu Ðốc, làng Chăm đó tôi không hiểu sao họ lưu lạc đến đó và lập nghiệp từ bao giờ. Hồi nhỏ, có mấy người làm nghề đánh cá, vào khoảng tháng Ba tháng Tư họ hay đi chài vùng sông chỗ tôi, chiều họ về đậu bến sông và hay lên nhà tôi chơi, tôi còn nhớ có anh Ali và Ama cũng còn nhỏ tuổi, anh tôi xin anh Ali dạy gồng, anh ta dạy anh tôi ngồi và luyện chi đó, tôi nghe anh tôi tập thở phì phò, chỉ có vậy mà thôi.
Sau họ không chài cá nữa, nhưng mỗi năm có người đàn bà Chăm tôi gọi là Bác Tư, cứ mấy ngày tết là xuống thăm cha mẹ tôi, Bác ấy ở đó chơi vài hôm mới về, khách tới thăm chơi trong nhà phải cơm nước, khi Bác Tư về mẹ tôi cho bánh tét, bánh phồng, trà mứt và gạo nữa, cho đến năm nào đó, cha tôi nói chi tôi không rõ, bác khóc với mẹ tôi và nói sẽ không xuống nữa, từ đó tôi không thấy Bác Tư Chà trở lại. Có khi tôi muốn tìm thăm Bác Tư Chà và anh Ama hay Ali nhưng tôi không biết nhà bác chỗ nào bên làng Châu Giang.
Sang năm sau tôi lên lớp Nhứt E, học với Thầy Châu Văn Tính, cuối năm có chụp hình nên tôi còn nhớ nhiều bạn học cùng lớp như Huỳnh Bảo Toàn con chú tôi, Lê Văn Khá con thầy Thọ, Tiên, em của Tỉnh Trưởng, Châu Minh Quyền con của Thầy Tính, Hồ Văn Tri và em ruột Hồ Văn Phú cùng học chung lớp nhà ở Mỹ Ðức, Ðổng con chủ lò bún ở Ðường Rầy Xe Lửa, Dễ, Bé ở khu Thánh Thất Cao Ðài. Có một anh chàng em của người tài xế xe Công Tạo chạy đường Châu Ðốc Sàigòn, sau anh ta là nhạc sĩ gặp tôi vài lần khi thang thang trên hè phố Sàigòn, anh chàng Nu cao lêu nghêu nghe nói sau nầy làm ở Hội Việt Mỹ, và còn nhiều người nữa tôi không thể nhớ hết vì ít khi gặp lại.
Học lớp Nhất E nầy, thầy Tính khuyến khích học sinh làm toán cho nhanh, mỗi ngày đều có toán đố, 10 học sinh lên trước được thầy chấm, những học sinh còn lại sẽ không được điểm, cho nên học sinh phải làm nhanh và chạy cho lẹ, có hôm tôi đã vô ý nguyên bình mực tím đổ khắp quần áo bộ bà ba trắng tôi mặc đi học, cũng vì muốn đi nhanh đem vở lên cho thầy.
Tôi hảnh diện vì được Thầy giao cho chép bảng những bài Cách Trí, Ðịa Lý, Sử Ký cho những học sinh khác chép theo vì chữ tôi đẹp, thường những bài luận của tôi Thầy cho tới 8 điểm, thầy sửa vài chỗ rồi lấy làm bài mẫu cho học sinh, tôi còn hảnh diện với các học sinh cùng lớp vì cuối tuần thầy giao cho tôi mang sổ về nhà cộng điểm, xếp hạng. Nhớ lại thuở nhỏ đó là vinh dự lớn của người học trò, được thầy tín cẩn mới cho làm việc ấy.
Vì tôi đi học lại đã quá tuổi thi vào Trung Học, nên bác tôi phải làm Thế Vì Khai Sinh cho tôi, tôi sinh năm 1941, nay phải sửa lại 1943 để còn đủ tuổi thi vào Ðệ Thất. Thế Vì Khai Sanh ấy giả nhưng mà nó là thật vì phải Tòa Hòa Giải Rộng Quyền ở Cần Thơ ký vào sổ bộ, nó thật nhưng mà giả vì ngày sinh tháng đẻ của tôi nào phải vậy. Chiến tranh vì học hành, thi cử vì trốn lính nhiều người phải làm giấy tờ giả vài tuổi cho đến 10 tuổi. Rồi sau nầy không còn chiến tranh, nhưng để thoát khỏi chế độ Cộng sản người ta phải làm giấy tờ giả, anh chị giả làm cha mẹ, em út thành ra con cái, tuổi trẻ hóa già, tuổi lớn hóa nhỏ...
Ở Châu Ðốc, có những hôm muốn đi núi chơi, chúng tôi học sinh rủ nhau vài người, ra chợ mua vài ổ bánh mì, vài hộp cá mòi mang theo ăn, hoặc mua một nải chuối già với một hai cân khoai mì mang theo ăn. Ngày đó, chúng tôi đã được dạy hát bài Suy tôn Thủ Tướng Ngô Ðình Ðiệm: ‘’Ai bao năm từng lê gót nơi quê người, cứu đất nước thề tranh đấu cho tự do ... Ngô Thủ Tướng! Ngô Thủ Tướng muôn năm! Toàn dân Việt Nam nhớ ơn Ngô Thủ Tướng. Thời đó học trò chúng tôi sửa lại : Khoai mì chuối! Khoai mì chuối muôn năm! Toàn dân Việt Nam nhớ ơn khoai mì chuối ‘’. Sáng sớm đi, chừng một giờ đồng hồ vào tới chân núi Sam, ngày xưa hai bên lộ không có nhà cửa, nhìn hai bên đồng mông hiu quạnh, nhìn chẳng xa chi lắm là kinh Vĩnh Tế do ông Thoại Ngọc Hầu trong nom dân phu đào cập theo ranh giới Việt Miên, từ Châu Ðốc sang tới Hà Tiên
Khi vào tới chân núi là gặp ngay chùa Tây An, nơi đó có ngôi mộ của Ðức Phật Thầy, rẽ tay phải sẽ đến miễu bà Chúa Xứ, nằm bên tay phải, xế đó bên tay trái là lăng của Thoại Ngọc Hầu, nơi đây trong khuôn viên lăng có mộ của mười mấy người, ấy là những đào kép hát, hình như họ bị bức tử chôn theo Thoại Ngọc Hầu. Nếu đi nữa sẽ tới Bạch Vân Tịnh Xá, nơi đây có tượng Phật ngồi tham thiền, từ đây có đường leo lên đỉnh núi, nếu đi nữa sẽ tới chùa hang cũng có đường lên núi. Nhưng nếu từ Châu Ðốc vào rẽ trái một khoảng sẽ có đường đi lên đỉnh núi, ngày xưa Pháp làm cho xe hơi chạy lên tận đỉnh, đường cho xe quan chạy nên có tên là Ðường Quan, cũng như trước dinh tỉnh trưởng, có chiếc cầu sắt bắc ra sông cho tàu của quan đậu, gọi là Cầu Quan, trên đỉnh có một ngôi nhà xây người ta gọi là pháo đài, dùng để canh gác, lúc tôi đến đó, tôi nghĩ có lẽ là nhà nghỉ mát, trên đỉnh cao, gió thổi lồng lộng. Lên đến đây bày thức ăn ra ăn, rồi ngã lưng nằm, ngủ một giấc thoải mái, đến gần chiều từ từ theo đường quan xuống núi, đường tuy xa nhưng dễ đi và không nguy hiểm, vì không phải leo trèo qua những vồ đá cheo leo.
Ở Chợ Châu Ðốc, có một món ăn rất nổi tiếng gọi là Bún Nước Lèo, ăn mới biết hương vị, hình như đó là món ăn của người Chăm hay người Miên chớ không phải của người Việt. Còn người Việt thì có đặc sản Mắm Thái, mắm thái là mắm con cá lóc, sau khi làm mắm, người ta xắt thịt con mắm cá lóc thành từng sợi nhỏ bằng đầu đủa ăn, rồi trộn với đu đủ, gừng, ớt, tỏi. Khi ăn chúng ta cuốn với cải xà lách, kèm thêm thịt ba rọi luộc xắt lát mỏng, thêm bún, khế, chuối chát, gừng, ớt xắt lát. Chúng ta có đủ hương vị : cay, nồng, béo, chua, chát, mặn, ngọt. Còn Mắm Ruột là làm từ ruột cá lóc, vì ruột thì ít cho nên hiếm, giá đắt.
Tại trung tâm tỉnh lỵ Châu Ðốc, còn có một cây Bồ Ðề chánh gốc Bồ Ðề Ðạo Tràng Ấn Ðộ, nơi đức Phật đã thành đạo, Hội Thông Thiên Học Quốc Tế trụ sở tại Ấn Ðộ, Hội ấy tặng cho ông Phạm Ngọc Ða, Hội Trưởng Hội Thông Thiên Học Việt Nam, Hiệu Trưởng đầu tiên của Thủ Khoa Nghĩa, ông được Tỉnh Trưởng cấp đất nên hạ thổ trồng vào năm 1952.
Cuối năm học, tôi đứng hạng nhất của lớp, ngày phát thưởng tổ chức tại rạp hát Lạc Thanh, rạp duy nhất của tỉnh, nằm ngay tại đầu chợ. Phần thưởng tôi lãnh được quyển Việt Nam Tự Ðiển, sách Văn Phạm của Trần Trọng Kim ...
Thầy Châu Văn Tính là thầy giáo dạy rất giỏi, có lương tâm chức nghiệp, sau thầy làm Hiệu Trưởng trường đó rồi làm Thanh Tra học chánh tỉnh Châu Ðốc. Khi về hưu, Thầy mua nhà trong cư xá Lữ Gia, tôi có đến thăm thầy một lần.
Gần cuối năm học lớp Nhất, một hôm chú kêu tôi hỏi :
"- Người ta nói nhất nghệ tinh nhất thân vinh, chú muốn cho con học trường Bách Nghệ ở Sàigòn, con có chịu không ?"
Tôi nhớ trong năm mình có làm bài luận, Nhất nghệ tinh nhất thân vinh, nhưng lúc nầy, tôi đâu cần chi hơn là được đi Sàigòn học, nên tôi chịu liền. Chú tôi viết thư xin cho tôi dự thi, nộp giấy thế vì khai sinh..., sau đó trường Cao Thắng gửi thư cho chú tôi biết ngày và nơi thi, yêu cầu gần đến ngày thi, tôi lên trường Cao Thắng số 65 Ðỗ Hữu Vị lấy phiếu báo danh.
Tôi mong nhanh chóng tới ngày thi vào Cao Thắng, năm 1948 hay 1949, tôi có lên Sàigòn một lần, ở nhà thuốc Nhành Mai nơi anh tôi làm việc ở đó, vào khoảng tháng 8 ta. Tôi còn nhớ, đêm Trung Thu con gái ông chủ nhà thuốc Nhành Mai gọi tôi lên lầu, chị đưa bánh Trung Thu cho tôi ăn, ban ngày tôi và một thằng bé cháu ông chủ Nhành Mai, đi quanh đó lượm nút chai, đến bến xe đò xem xe chở khách, Sàigòn với cyclo, xe điện với đèn xanh, đèn đỏ muôn màu, lôi cuốn tôi lúc tuổi còn thơ.
Khi thi tuyển vào Trung Học Thủ Khoa Nghĩa, tôi làm trật hết cả 2 bài toán, nhưng nhờ bài Luận văn và Câu Hỏi Thường Thức, tôi đậu hạng 51/300 học sinh trúng tuyển. Bé người đứng hạnh nhì trong lớp, đậu thủ khoa, Toàn con chú tôi đậu hạng 36.
Sắp đến ngày thi vào Trường Cao Thắng, chú tôi bảo cho đi thi, có thi rớt cũng như thưởng cho tôi một chuyến đi chơi ở Sàigòn.
Năm 1956, thi tuyển vào Cao Thắng, tôi dự thi tại trường Nữ Trung Học Gia Long với 3000 sĩ tử. Buổi trưa đi bộ xuống chợ Sàigòn ăn cơm, ăn xong trở lại vườn Tao Ðàn nằm nghỉ chờ tới chiều thi lại, nằm trên băng đá vườn Tao Ðàn tôi nhớ tới Thằng Ðược, Thằng Bỉ trong tiểu thuyết Cay Ðắng Mùi Ðời của Hồ Biểu Chánh.
Thi xong về nhà, tôi được chú cho biết nhà trường thưởng cho tôi một chuyến đi Vũng Tàu 21 ngày, thế là tôi làm giấy tờ rồi vài hôm sau đi, từ các tỉnh, học sinh lên Sàigòn tập trung ở Trường Tiểu Học Lê Văn Duyệt ngủ một đêm, hôm sau mới lên đường ra Vũng Tàu.
Trại do Thanh Tra Xường ở Vĩnh Long làm Trại trưởng, mỗi tỉnh cử 2 thầy hay cô giáo dạy thể dục thể thao đi theo, năm đó bộ Giáo Dục mua 2 dãi nhà của người Pháp, lập nhà nghỉ của học sinh, nó nằm trên đường đi Bãi Sau cách chợ Vũng Tàu chừng 300 thước, cách bờ biển cũng chừng 200 thước, nơi đó cũng là trung tâm thành phố.
Học sinh chia thành từng Ðội, đội chúng tôi là nhóm học sinh Châu Ðốc với Học Sinh Chu Văn An Sàigòn, nói chung trại sinh tuổi từ 8 cho đến 16 hay 17, trai có, gái có, giàu nghèo đều có, ai học giỏi đi khỏi đóng tiền, còn những học sinh khác đi Trại phải trả chi phí mất 800 đồng.
Sinh hoạt của trại thì ngày ăn ba bửa, đi tắm biển thường xuyên, đi tham quan đèn pha trên đỉnh núi, đền thờ cá ông, xuống tàu Hải Quân đi Cần Giờ nhưng mới ra khơi nhiều người say sóng, tàu đành quay trở lại.
Trại sinh tất cả khoảng trên 300, 2 dãi nhà ấy mỗi nhà gồm hai tầng, mỗi tầng phải kê giường chồng mới đủ chỗ nằm, có những cậu còn nhỏ ban đêm ngủ mớ còn gọi Má ơi! Má ơi! Có cậu ngủ nữa đêm thức dậy la lối om xòm vì cậu nằm trên tè xuống !
Một hôm cũng gần đến ngày về, buổi sáng điểm danh mất hết hai trại sinh 9, 10 tuổi, có người cho biết hai cậu ấy nhớ nhà quá, tối cứ khóc nhớ mẹ, trại đi báo bót Cảnh Sát, cách đó chừng 100 thước, rồi trại sinh theo chương trình sinh hoạt trong ngày, chẳng ngờ đến 3 giờ chiều, hai cậu bé được Cảnh sát mang giao lại cho Trại, chúng đã trốn lên xe đò về tới Biên Hòa bị Cảnh Sát chận lại gửi trả về cho trại. Tội nghiệp cho hai cậu bé, thầy cô phải khuyên nhũ và an ủi.
Thi vào Trường Cao Thắng, tôi chỉ làm trúng có một bài toán, tôi nghĩ là mình thi rớt rồi, có bị rớt, tôi vẫn được học ở Thủ Khoa Nghĩa, hạng 51 vẫn có học bổng.
Trại Hè Vũng Tàu chấm dứt, về lại Trường Lê Văn Duyệt nghỉ tạm, tôi đi xe buýt vào Chợ Lớn thăm chị ruột tôi ở đó, chị ấy cho biết tôi đã thi đậu, chuyến về tôi mới cuốc bộ từ Bùng Binh Sàigòn đến Trường Cao Thắng để xem kết quả, tôi thấy tên mình ở hạng 132 trong 250 học sinh được trúng tuyển. Dù vậy tôi không biết chú tôi có cho tôi đi học ở Sàigòn không? Cuối cùng chú tôi quyết định cho tôi đi học ở Sàigòn.
Từ đó tôi xa Châu Ðốc, sau nầy mỗi lần về thăm nhà, ban đêm tôi thích ra ngồi cầu tàu trước chợ Châu Ðốc, để nhìn xuống lòng sông, ghe, xuồng qua lại, nhìn qua bên kia Cồn Tiên, bên nọ Châu Giang, và nhất là tại chỗ đó tôi hiểu được câu Ca dao :
Ðèn nào cao cho bằng đèn Châu Ðốc,
Gió nào độc cho bằng gió Gò Công.
Ðêm tĩnh mịch thức giấc, thỉnh thoảng nghe tiếng trống điểm canh đêm đêm của nhà việc Châu Phú. Tiếng trống thường gợi cho chúng ta nhớ đến thời xa xưa, đến người của những năm tháng cũ. Chú tôi, thầy tôi nay yên giấc đã nhiều. Có ai về Châu Ðốc, xin cho tôi nhắn hỏi: - Tiếng trống sang canh còn đó hay không ?

Trường Tôi bấy giờ là Trung Học Kỹ Thuật Cao Thắng

Tôi lên Sàigòn, trước tiên ở nhà anh Police ngày xưa, nay anh đã chuyển sang ngành an ninh, chỗ anh làm có giam giữ tù nhân, nó nằm bên cạnh Xã Tây Chợ Lớn cũ, nhà anh thì ở khu gia binh sau trường Chu Văn An ngày nay, xưa là gần khu nhà xác của bệnh viện Hồng Bàng, đi học thì đi xe buýt, từ ngã sáu Chợ Lớn ra Lê Văn Duyệt rồi cuốc bộ lên Trường Kỹ Thuật Phan Ðình Phùng, nằm trong khuôn viên Nha Kỹ Thuật và Mỹ Thuật Học Vụ số 48 đường Phan Ðình Phùng, chênh chếch trước mặt là Ðài Phát Thanh Sàigòn, bên hông là đường Phạm Ðăng Hưng, có nhà thờ dòng Saint Francier. Sau nầy Nha ấy đổi thành Nha Kỹ Thuật Học Vụ.
Trường Kỹ Thuật Phan Ðình Phùng là chi nhánh của Trường Cao Thắng, nơi đó có một dãi nhà, ngay cổng ra vào số 2 Phạm Ðăng Hưng có nhà cho Gác Dan, bên cạnh có phòng cho Giám Thị làm việc, kế đó là 6 phòng học được xếp lớp Ðệ Thất A, B, C, D và E còn một phòng nữa, mấy tháng sau trở thành lớp học của Trường Kỹ Sư Công Nghệ khóa đầu tiên, do cụ Phạm Xuân Ðộ điều hành, qua khỏi đó là nhà vệ sinh. Trong khu nầy, ban đêm còn có Trường Quốc Gia Âm Nhạc do ông Nguyễn Phụng làm Giám Ðốc, nơi đây tôi từng thấy nhạc sĩ Nghiêm Phú Phi, Nguyễn Hữu Ba..., do đó trong mỗi phòng chúng tôi học, đều có một cây Dương Cầm, năm đó chúng tôi học nhạc với nhạc sĩ Nguyễn Văn Khánh, ông thường đàn cho chúng tôi hát những bài ông dạy.
Học vẽ và Công Tác Xưởng thì phải về trường Cao Thắng học. Nếu tôi nhớ không lầm thì năm tôi vào học là ông Khoan làm Hiệu Trưởng vừa Trường Cao Thắng vừa Trường Thực Nghiệp sau nầy đổi tên là Trường Nguyễn Trường Tộ, Trường nầy lâu đời nằm trên đường Hồng Thập Tự, một bên là bót Cảnh Sát Quận Nhứt, một bên là Tòa Ðại Sứ Pháp, và phía sau là Tòa Ðại Sứ Mỹ.
Sau nầy tôi có dịp đọc tài liệu mới biết, Pháp đến Việt Nam, để sửa chữa tàu họ cho lập Trường Thực Nghiệp tên của nó là Ecole d’ Apprentisage, đến đầu thế kỷ thứ 20, để nới rộng, mới cất thêm chi nhánh là Trường Cao Thắng, nên hiệu trưởng chỉ là một ông điều khiển hai trường. Học sinh ra trường thường theo ngành Hàng Hải hay Hải quân, do đó những Ðô Ðốc Trần Văn Chơn, Ðề Ðốc Chung Tấn Cang ... xuất thân từ trường nầy, Hồ Chí Minh, Tôn Ðức Thắng cũng học trường nầy. Theo lời ông Phan Kim Báu Hiệu Trưởng Nguyễn Trường Tộ thuật lại: Năm 1945, Nhật đảo chánh Tây, họ chiếm đóng trường và đem hồ sơ ra đốt hết, gồm cả học bạ, cho nên ngày nay không ai còn tìm ra chứng tích. Còn phải nói thêm, ông Nguyễn Hùng Trương, Giám Ðốc nhà sách Khai Trí cũng học Cao Thắng, và người cuối cùng tôi muốn nói đến đó là Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu cũng học Trường Cao Thắng. Ngày xưa mỗi lần Tổng Thống đi công du, các Tổng, Thứ, Bộ Trưởng, Giám Ðốc phải ra sân bay tiển đưa, hay chào đón lúc về, Tổng Thống Thiệu gặp ông Giám Ðốc Nha Kỹ Thuật Học Vụ Lý Kim Chân vốn là thầy cũ, Tổng Thống Thiệu lễ phép, chấp tay cúi đầu chào, phần đông người ta chỉ biết học sinh Cao Thắng dao to búa lớn, ít ai biết rằng họ rất lễ phép với Thầy mình, có dịp tôi sẽ nói thêm.
Giáo sư thì đa số là Giáo sư dạy giờ như Trần Ðức Can, Hiệu Trưởng trường Tiểu Học Ðinh Tiên Hoàng dạy Pháp Văn, ông luôn luôn mặc Veston, đội nón Flechet, tay mang găng, giáo sư Sơn tốt nghiệp Cao Ðẳng Sư Phạm Hà Nội đã về hưu, dạy học đi bằng xe Fiat, Bác sĩ Kim dạy Việt Văn, ông có phòng mạch ở Quận Tư, ông trích giảng truyện chi đó tôi đã quên tên, trong ấy có nhân vật Bảy Hổ, tên nầy chúng tôi đặt thành biệt danh cho Nguyễn Thanh Tòng, nay anh ở San Jose, Bác sĩ Kim còn đem thơ Thanh Tâm Tuyền ra giảng cho chúng tôi nghe, ông bắt học thuộc lòng, tôi không còn nhớ tựa bài chỉ nhớ được vài câu:
Mưa bên kia sông,
Mưa nửa giòng nước.
Hồn nhiên tôi trở thành thi sĩ ca dao ...
Dạy Hóa Học tôi không còn nhớ tên ông giáo sư ấy, ông hay nói : Thí rượu , Xưởng thì học với Giáo sư Lê Văn Chịa, ngày ấy ông đi chiếc Traction đen, Kỹ Nghệ Họa thì học với Giáo Sư Trần Văn Ðặng, Anh văn học với giáo sư Phan Hữu Tạt ở Pháp mói về, ông đi dạy bằng xe Wolfwagen.
Hai ông giám thị, trong ấy có ông Giám Thị Tài, mang kiếng cận, người thật mập, giống như hình biểu thị vỏ xe Michelin, ông phạt gắt lắm, hở mỗi chút là Consigne, anh em mới đặt cho ông biệt danh là ông Michelin. Tôi cắt móng tay trong lớp, lúc không có giáo sư dạy, nên ông lại ngồi trong lớp để giữ trật tự, ông nghe được tiếng lách cách ấy, tôi bị double zero conduite và consigné một tuần. Sổ Consinge ông ký đầy hết, nhưng đến Lễ Quốc Khánh 26-10-1956 ông bèn vào lớp tuyên bố : ‘‘Do ăn mừng Lễ Quốc Khánh, tôi tha phạt hết cho các trò ‘’. Học sinh mừng hết lớn!
Năm Ðệ Thất tôi học lớp E với Nguyễn Thanh Tòng, Trương Công Phước, Bùi Văn Chín, Lương Minh Mẫn, Lương Minh Ðạt, Nguyễn Văn Hòa, Mai Hữu Tâm, Lý Phụng Toàn, Tăng Tấn Tài, Lý Phước Châu, Trần Xuân Vĩnh Quế, Lương Văn Sĩ, Trần Văn Ðắt, Trần Văn Trường, Lê Văn Thơm, Nguyễn Hữu Hiệp, Phan Tùng ... Ðến 50 mạng và gần 50 năm qua rồi kể từ năm 1956 đó, khó mà nhớ hết. Trong số học sinh lớp ấy có Mai Hữu Tâm đi học bằng xe Push xanh, còn Lý Phụng Toàn Push đỏ, Lợi đi Gobel.
Vào năm Ðệ Thất, anh em học sinh có phong trào đi học Nhu Ðạo ở sân Phan Ðình Phùng với giáo sư Hồ Cẩm Ngạc, hình như trong số đó có Nguyễn Ðịnh An theo đuổi lâu năm. có thi cử và có đẳng cấp.
Một số khác đi học vẽ với họa sĩ Vương Quốc Ðạt ở Hòa Hưng hay Ngã bảy, trong đó có Dương Văn Thơm và Thạch Minh Thông, một số học làm thơ để thực hiện hoài bảo trở thành thi sĩ. Sau 1975 gặp lại Dương Văn Thơm anh cho biết cùng với Thạch Minh Thông lấy gỗ mít khắc tượng Phật bán cho cửa hàng bán đồ cổ ở đường Trần Quý Cáp, sau chuyển ra Lê Văn Duyệt ( nay là Cách Mạng Tháng 8 ), các anh chỉ nhận được 2 chỉ vàng, họ bán ra trên 2 cây.
Tôi ở trọ nhà anh An trong ngã sáu được một tháng anh bị thuyên chuyển, tôi chuyển ra ở trọ nhà người quen trong hẻm, trước Rạp hát Việt Long, hai tháng sau lại dọn về ở nhà Họa sĩ Phạm Thăng, vài tháng sau, tôi xin vào ở trọ ngay trong Trường Phan Ðình Phùng, nơi đây đã có Trần Văn Tự, Nguyễn Văn Sĩ, Trần Văn Long, Nguyễn Trung Trực, Trần Xuân Vĩnh Quế, Nguyễn Văn Ðức, Nguyễn Văn Giáp tự Giao, Nguyễn Tiến Minh bút hiệu Nhất Giang, Huỳnh Văn Huê cũng có vài người của Trường Quốc Gia Âm Nhạc, nay tôi còn nhớ là anh Nguyễn Quang Vui. Và hồi đó có mở lớp Sư Phạm Kỹ Thuật cấp tốc học một năm, lại có thêm anh Huỳnh Phương cũng ở đó, sau nầy anh có đi tu nghiệp ở Mỹ và dạy ở Trường Ðà Nẳng. Sau 1975 anh vào Sàigòn, thỉnh thoảng tôi cũng gặp anh, cho đến khi anh đi anh đi định cư ở Mỹ vào khoảng năm 1990.
Chúng tôi ăn cơm tháng ở quán Ba Ðờn chỗ ngã tư Phan Ðình Phùng và Nguyễn bỉnh Khiêm, thường ngày là cơm đĩa với cá kèo kho hột vịt và đậu xào, một thời gian sau vài anh em tự nấu ăn, mua một cái Réseau đốt dầu hôi, một cái nồi nhôm, mội cái soon, đôi đủa cái chén là xong, thức ăn mua ở chợ Ða kao.
Ngủ thì, mỗi người một cái ghế bố, tối trải ra, sáng xếp lại, đặt ở góc nào đó. Ở đó có những kỹ niệm khó quên, có những đêm Huỳnh Văn Huê, Trần Xuân Vĩnh Quế và tôi đi bộ qua Cầu Bông, qua Lăng Ông đến một Cư xá sau nầy nằm trên đường Nguyễn Huệ hay Thích Quảng Ðức, để Huỳnh Văn Huê xin tiền của người chị, rồi lội bộ ra Ngã Tư Phú Nhuận, theo đường Hai Bà Trưng, đến Trần Quang Khải trở về Chợ Ða Kao, gần đền thờ Phan Chu Trinh có hiệu Kem, mỗi đứa mua ăn một cây kem Eskimos, về tới trường cũng khoảng 10 giờ đêm, có khi cổng đã khóa, phải gọi anh Gác Dan Gourd Salan, người Ấn lai mở cổng.
Có những đêm chừng 9 hay 10 giờ, đi ra ngoài sân nhìn lên Building công chức ở đó, trên tầng lầu tư, đôi khi có cô ca sĩ vợ ông giáo sư kia ra đứng balcon, hai tay bà chống xuống lan can để chịu thân mình, đứng cuối nhìn xuống đất, trong nhà đèn mở sáng trưng, chiếu rõ người phụ nữ không mặc áo, đứng yên lặng một mình, trông như một pho tượng tuyệt đẹp. Gourd Salan chép miệng nói : ‘‘ Trông thân hình tuyệt đẹp mà bà ta cũng tự nhiên quá. Chẳng lẽ mình đứng ngắm hoài !‘’ Những năm gần đây tôi còn được vài lần xem bà ta trình diễn trong Video, bà ta tuy tuổi đã cao, nhưng vẫn còn nét đẹp, còn đủ quyến rũ gợi tôi nhớ đến hình ảnh năm xưa.
Trong những người ở chung nơi đây, nay mỗi người một phương trời, kẻ mất người còn. Nguyễn Trung Trực tôi có gặp anh cấp bực Trung Úy ở Trại Lực Lượng Ðặc Biệt Ban Mê Thuộc, Hà cũng Trung Úy Quân Cụ, Trần Xuân Vĩnh Quế đã hy sinh cho tổ quốc trước Mậu Thân.
Anh Nguyễn Quang Vui cùng tôi gắn bó như tình ruột thịt, nay anh ở San Jose, nhớ ngày nào tôi thi rớt Tú Tài, anh thuê nhà cho tôi có chỗ học bài, anh giới thiệu cho tôi cô em họ của anh ở Huế, tôi ra đó cô mời về nhà ăn cơm, lần khác anh cô đưa tôi đi Ciné rồi đi ăn chè ở Ga xe lửa, rồi về nhà ngủ lại trong thành nội, một lần cô đưa tôi đi xe bus về vùng quê ở Kim Long. Có một lần cô vào Sàigòn, chúng tôi đi ăn chè Hiển Khánh ở đường Phan Ðình Phùng, đi xem phim Giã Từ Vũ Khí ở Rạp Văn Hoa Ða Kao, chúng tôi chỉ có duyên chớ không có nợ, Nếu ngày nay tôi viết cho nàng: ‘‘ Tình chỉ đẹp khi còn dang dở ‘’, nàng chẳng phụ họa ‘’ Ðời mất vui khi đã trọn cầu thề ‘’, đó là bài thơ Ngập Ngừng của Hồ Dzếnh như sau :
Em cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé.
Tôi sẽ trách- cố nhiên - nhưng rất nhẹ;
Nếu trót đi, em hãy gắng quay về.
Tình mất vui lúc đã vẹn câu thề,
Ðời chỉ đẹp những khi còn dang dở.
Thơ viết đừng xong, thuyền trôi chớ đỗ,
Cho nghìn sau... lơ lửng....với nghìn xưa.
Còn người nữa, tôi cũng khó quên, đó là Nguyễn Tiến Minh, bút hiệu Nhất Giang. Minh người Bắc, thỉnh thoảng có người đàn ông ở Ðà Lạt xuống tìm Minh, Minh gọi là Bố, nhưng khi ông ta về rồi, Minh nói với tôi : - Ông ta không phải là bố ruột của tôi, mẹ tôi ngày xưa đi buôn, một hôm bị tên cướp hảm hiếp sau sinh ra tôi. Tôi không tin lời Minh nói, tôi cho rằng hắn tiểu thuyết hóa cho đời hắn có thêm huyền thoại. Minh đi học, có lúc không tiền ăn, nhịn đói vài hôm, khi có tiền nhuận bút hắn mua chả quế, bánh dầy ăn thật hả hê, bù lại những bửa đói, cuộc đời văn nghiệp của Nhất Giang Nguyễn Tiến Minh bắt đầu với chuyện Chú Chuột Chù, hắn viết rồi gửi tới nhà văn Lê Văn Siêu in trong sách viết cho trẻ con như Dế Mèn Phiêu Lưu Ký của Tô Hoài. Sau khi sách Chú Chuột Chù của Minh được in năm 1958 hay 1959, Minh trở thành nhà văn Nhất Giang từ đó, sau nầy khoảng năm 1959, Kỷ Sư Cầu Cống Trần Văn Bạch thôi chức Giám Ðốc Nha Kỹ Thuật và Mỹ Thuật, Kỷ sư Nguyễn Ðược từ Pháp về thay làm Giám Ðốc, Trần Lưu Cung làm Phó, chúng tôi không được ở trong khuôn viên Nha Kỹ Thuật nữa, Minh học trên tôi một lớp, tôi không rõ Minh bỏ học năm nào, có được mảnh bằng chi. Ðã là văn sĩ Minh còn cần chi bằng kỹ thuật ấy.
Khoảng năm 1960, một hôm gặp Minh ngồi xích lô trên đường Pasteur gần ngã tư Hồng Thập Tự, Minh cho biết vưà ở tù ra, hiện ở đường Trương Tấn Bửu, cho số nhà bảo tôi đến chơi, căn nhà ấy tôi có đến thăm Minh, nhưng Minh đứng trên gác, tôi đứng dưới đường nói chuyện với nhau.
Về sau, Minh mua căn nhà nhỏ trong hẻm đường Lê Văn Duyệt, gần đình Phú Thạnh (?), chỗ có quán Ba Ninh chuyên bán thức ăn Huế. Rồi Minh lấy vợ bắt tôi làm rể phụ bưng khai trầu rượu, vợ Minh Lý Mỹ Bạch, nhà ở trong hẻm đường Tô Hiến Thành, gốc người Sa Ðéc. Sau khi đãi ăn ở nhà hàng ra về, vợ chồng Minh mời tôi và cô dâu phụ về tổ uyên ương của Minh, ăn xôi gà, rồi họ nhờ tôi đưa cô dâu phụ Trần Thị Thu Cúc về nhà.
Tôi lấy Taxi đưa Cúc về nhà ở đường Phan Văn Trị, gần ngã năm Bình Hoà, từ đó tôi quen Cúc, đêm đêm tôi có đến nhà kèm nàng học toán để thi Tú Tài. Năm tôi lập gia đình, tôi không mời và báo tin cho Cúc, đêm nhóm họ nàng đến nhà trọ gửi cho tôi món quà, hôm sau mở quà ra là một đĩa hát, trong đó Phương Dung hát bài Thương Hoài Ngàn Năm và một Album, Cúc ghi hai hàng chữ :
Thương hoài ngàn năm ....
Em nghĩ đó là tình của anh với chị.
Buổi tiệc cưới chúng tôi ở Ðồng Khánh, Cúc mặc toàn trắng, chào chúng tôi đang đón khách và nói : - Tối hôm qua, em tưởng anh có nhà, em mang quà tới mừng anh chị, không gặp anh, em đã gửi lại, bây giờ em xin phép về.
Chúng tôi cố mời nhưng Cúc từ chối, lấy lý do nhà xa, lại nữa Sàigòn giới nghiêm quá sớm, vào lúc 10 giờ đêm.
Sau nầy Minh mua nhà ở đường Nguyễn Cảnh Chân, xây lầu đúc 3 tầng, chạy xe đua, mở nhà xuất bản Chiêu Dương. Minh đã khuyến khích tôi viết sách, nhờ đó tôi đã viết quyển Kỹ Nghệ Họa lớp 9, để giảm chi phí, Minh tìm họa sĩ viết chữ, hình tôi vẽ, sách ấy in ra 5 ngàn quyển, Minh bán hết cho Khai Trí và tôi được 60 ngàn đồng, năm đó có lẽ 1971, năm sau tôi soạn sách Bài Tập Vẽ Kỹ Thuật, tôi mang đến cho ông Khai Trí xuất bản, và còn mấy quyển Kỹ Nghệ Họa lớp 8, lớp 10 ông Khai Trí đã mua nhưng chưa xuất bản.
Tôi vẫn thường đến chơi với Minh, có lúc hắn lên voi mà cũng có lúc xuống đất. Một hôm tôi đến, Minh đi khỏi, Bạch vợ Minh trông coi công nhân đóng sách trên lầu, bảo tôi lên lầu vì đang bận khách. Tôi lên đến nơi mới biết có Cúc ở đó, Bạch đang xem xấp ảnh của Cúc, rồi vừa cười đưa cho tôi một tấm ảnh và nói :
- Anh Tông xem tấm ảnh nầy đẹp nè !
Tôi vừa cầm ảnh mới xem qua, Cúc vội la lên :
- Ấy! Anh đừng xem, em mắc cỡ lắm!
Ðó là tấm ảnh màu, Cúc đang cho con bú, chắc là chồng Cúc đã chụp ảnh thằng bé đang bú sữa căng đầy ngực nàng.
Từ đó tôi không gặp Cúc nữa, tôi nhớ hồi đó có lần đi Ban Mê Thuộc, tôi có gặp Cúc ở Phi Trường Tân Sơn Nhất, Cúc bảo tôi : - Em đã đi dạy học ở Bình Long, anh em làm Hiệu Trưởng trên ấy. Sau nầy Bình Long mất, tôi tự hỏi bây giờ Cúc và gia đình ở đâu ? Còn Minh sau 1975, có lúc mua xe đò lở, chở khách chạy đường Sàigòn Cần Thơ, rồi cả gia đình vượt biên sang Úc.
Sau nghe người ta nói, ở Úc Minh lại làm báo Chiêu Dương, sau khi tôi rời Việt Nam, nghe nói Minh đã về lại Việt Nam, chiêu đãi bạn bè và đã kinh doanh ở đó. Hồi còn ở Việt Nam tôi có gửi thư cho Minh ở địa chỉ báo Chiêu Dương, gần đây anh Nguyễn Thanh Bình cho tôi địa chỉ Website Âu Cơ ở Úc, cơ sở kinh doanh của gia đình Minh, tôi gửi Email tới thăm, tất cả đều không có hồi âm.
Năm Ðệ Lục, tất cả học sinh về Cao Thắng học, Trường Kỹ Thuật Phan Ðình Phùng xóa tên, sau nầy nơi đó mở Trường Quốc Gia Thương Mại do Thầy Phan Hữu Tạt làm Hiệu Trưởng, Trường Nữ Công Gia Chánh Bà Nữ vợ ông Giám Thị Tập làm Hiệu trưởng, về sau khi các Trường Quốc Gia Âm Nhạc dời về vườn Tao Ðàn, Thương Mại, Nữ Công dời lên Trường Bách Khoa Phú Thọ, nơi đây mở Trung Tâm Phan Ðình Phùng dạy tiểu thủ công nghiệp do họa sĩ Nguyễn Văn Bình làm Hiệu Trưởng, sau nữa Toà Ðại Sứ Mỹ lấy Trường Nguyễn Trường Tộ (trước là Trường Thực Nghiệp) để mở rộng thêm Toà Ðại Sứ, đổi lại họ sẽ cất Trường Nguyễn Trường Tộ, gần khu Bến Xe An Ðông, nơi cơ sở Trường Quân Y cũ. Ðến Tết Mậu Thân chánh phủ lấy chỗ đó cho nạn nhân tạm trú, rồi họ chiếm luôn, Mỹ phải xây cất trên Thủ Ðức, vì cơ sở quá khang trang nên Bộ Giáo Dục dành cho Trường Cao Ðẳng Sư Phạm Kỹ Thuật, lấy tên là Ðại Học Sư Phạm Kỹ Thuật Thủ Ðức, ông Nguyễn Văn Ái nguyên Giám Thị Cao Thắng, hồi đó ông thường mặc áo sơ mi ngắn tay trắng, quần vải Kaki vàng. Ông có du học ở Mỹ lấy được bằng Tiến sĩ giáo dục, được bổ nhiệm làm khoa trưởng, còn Trường Kỹ Thuật Nguyễn Trường Tộ thì vẫn ở tạm trong khuôn viên Nha Kỹ Thuật cho đến ngày nay.
Tôi nhớ năm Ðệ Lục học Xưởng Gò học với Thầy Quan, sau Thầy làm Hiệu Trưởng Trường Kỹ Thuật Cần Thơ và một Thầy nữa là ba của Ðại, học Rèn với Thầy Hồ Văn Vầy, Lê Văn Kiệt và học Machine à Vapeur với Thầy Tỷ, khổ ơi là khổ, toàn bài là Pháp Văn, phải học thuộc lòng về mô tả cơ cấu, vận chuyển của những bộ phận.
Ở lớp Pháp Văn học với Thầy Khuê, nghe nói xưa Thầy từng làm quận Trưởng ở quận nào đó, Thầy vào lớp cho học sinh chép bài rồi nằm dưới bàn học trò để nghỉ lưng. Thầy chọn những bài văn hay để dạy, tôi còn nhớ một bài đại ý như sau :
Có một gánh hát dạo ở Pháp, đến làng kia hát, anh hề diễu một câu thế nào đó làm mích lòng khán giả, họ buộc anh ta phải xin lỗi, anh ta cho rằng mình không có lỗi. Ông bầu bảo anh ta xin lỗi anh ta cũng không khứng chịu. Sau ông bầu nói rằng vì miếng cơm manh áo, anh ta nên xin lỗi để cho mọi người được nhờ. Do đó anh ta bằng lòng và ra sân khấu xin lỗi, anh ta nói :
- Tôi xin lỗi quý vị là tôi có lỗi !
Khán giả chẳng những hài lòng mà còn vỗ tay tán thưởng anh ta, khi lui vào hậu trường, có đào kép hát hỏi, tại sao ban đầu bảo anh ta xin lỗi, anh ta đã nhất định không xin lỗi, sao bây giờ lại chịu xin lỗi, anh ta bảo :
- Hãy nghe cho kỷ lời tôi nói, tôi nào có xin lỗi chi đâu, vì nếu tôi xin lỗi thì đó là tôi có lỗi.
Lúc đó mọi người mới hiểu là anh ta chơi chữ.
Thầy Phan Hữu Tạt vẫn dạy Anh Văn, Sử Ðịa học với Thầy Nguyễn Ngọc Ẩn, Thầy cũng có du học ở Pháp. Toán học với Thầy Lê Bạc Sang, Thầy Sang với Thầy Trần Ngọc Ðảnh, giờ học sinh ra chơi hai Thầy thường thả bộ, trò chuyện với nhau trong sân trường, hình như hai Thầy là đồng hương, quê ở tỉnh Cần Thơ.
Năm Ðệ Ngũ, tôi và vài bạn cùng lớp bị chuyển sang Ðệ Ngũ D, học chung với Hồ Ngọc Thu (con của Thầy Hồ Văn Vầy),Nguyễn Ðắc Thận, Lê Kim Nghĩa, Dương Văn Thơm, Lê Văn Thơm, Trần Xuân Minh (?), Trần Thái Thông, Thạch Minh Thông, Tá, Nam, một cậu nữa lông tay rất dài, do báo Sàigòn Mới của bà Bút Tra đăng bài có người lấy khỉ đẻ con, nên anh em gọi anh ta là con khỉ của bà Bút Trà.
Năm nầy học Máy Nỗ với Thầy Phan Văn Mão, Thầy rất khó, học với Thầy lớp im phăng phắc, mỗi lần Thầy gọi tới 2 học sinh lên trả bài. Anh em thường bảo giờ Thầy Mão ruồi bay ngang biết đực hay cái.
Thầy Nghiêm Xuân Sương dạy Lý Hóa, giọng Thầy hơi ngọng, bị học sinh nháy, một hôm Thầy nói : - Tôi nói ngọng là do Trời sinh, các em đừng cười, người có tật nguyền mình đáng thương mới phải, cho nên ‘‘ Cái gì của Cesar hãy trả lại cho Cesar ‘’. Câu nói của Thầy, tôi vẫn thắc mắc về ‘‘ Cái gì của Cesar hãy trả lại cho Cesar ‘’ Chừng 30 năm sau, tôi mới tìm thấy ý nghĩa trong Thánh Kinh. Câu nói ấy xãy ra lúc Chúa đương thời, La Mã cai trị người Do Thái, dân Do Thái vì đó chống lại nhà cầm quyền La Mã, người ta muốn hại chúa, nên hỏi Chúa có nên đóng thuế hay không ? Nếu Chúa bảo nên đóng thuế tức là Chúa không chống La Mã, dân Do Thái sẽ chống Chúa, nếu Chúa bảo đừng đóng thuế tức chống lại La Mã sẽ được lòng dân Do Thái, nhưng nhà cầm quyền La Mã sẽ bắt bỏ tù Chúa vì tội xúi dân chống nhà cầm quyền, lúc được hỏi như thế, chúa trả lời :
- Cái gì của Cesar hãy trả lại cho Cesar.
Mà Cesar là Ðại Ðế La Mã, có hình tượng in trên đồng tiền sử dụng thời bấy giờ.
Công Dân học với Thầy Lê Trọng Lễ, Thầy Lễ đang học Luật, em Thầy là luật sư Lê Trọng Nghĩa, nghe nói khi tập sự người ta đưa cho Thầy bào chữa cho một tên Việt Cộng, tội tử hình là cái chắc, cho nên anh em bảo gặp Thầy Lễ thì chỉ còn nước bị tử hình.
Tôi nhớ hình như năm nầy Thầy Phạm Văn Luật thân phụ của Phạm Minh Luân làm Giám Thị kiêm Giáo sư hướng dẫn Hiệu Ðoàn, cuối năm Thầy khuyến khích Dương Văn Thơm và tôi in Ronéo đặc san của Lớp, Thầy Lê Nguyễn Bá Tước dạy Việt Văn cho một mớ Stencil, Thầy Luật bảo tôi sang thư viện Quốc Gia nằm trước mặt Bộ Kinh Tế (sau nầy là Nha Ðộng Viên của Tướng Trần Ðình Ðạm, có xướng ngôn viên tiếng nói động viên Huỳnh Hữu Trí), mượn sách mà viết về Thất Sơn Huyền Bí, Thầy viết thư giới thiệu, tôi sang gặp ông Lê Ngọc Trụ đồng tác giả với thầy Luật về quyễn Sãi Vãi của Nguyễn Cư Trinh, ông Trụ còn là tác giảViệt ngữ Chánh tả tự vị .... , ông Trụ đưa cho tôi quyển sách Pháp văn viết về địa lý miền Nam của Trương Vĩnh Ký, tôi đem về nhà đọc cả tuần không thấy thú vị, không trích được bài nào, bây giờ nghĩ lại thấy mình quá dại, sách của đại văn hào, tại mình dốt đó thôi. Ông Luật còn xía tay vào định mệnh của tôi, nếu có định mệnh, tôi sẽ nói tới sau.
Còn tờ báo Xuân, thuở đó Thơm và tôi tìm được một hiệu Ronéo ở gần Trường Trần Lục Tân Ðịnh, bìa Thơm vẽ cành mai vàng, với 4 tờ Stencils để in 4 màu: Xanh dương, vàng, đỏ, đen, và trộn 4 màu thành ra technicolor, đạt được kỹ thuật cao, đẹp hơn tất cả báo xuân cùng quay Ronéo trong năm đó.
Xưởng máy ô tô, thuở đó được Toà Ðại Sứ Anh cho một động cơ JET, để gần bàn Thầy Mão, anh học sinh nào cũng hảnh diện vì trường mình có máy móc tân tiến, nhưng nhìn chớ không dám rờ tới.
Có hôm học với Thầy Huỳnh Văn Thức, thân phụ của Huỳnh Hữu Trí, ông đem động cơ nổ ra bảo tháo hết ra rồi lắp lại, làm cho tới chiều mới xong, lắp rất cẩn thận nhưng khoi xong thì còn dư cả nắm tay nào nào bù lông, đai ốc, vòng đệm. Ðem mấy món lục cục ấy hỏi Thầy Phạm Văn Tới, Thầy bảo : - Mấy em coi có cái lỗ nào đó, liệng hết nó vào trong máy đi, máy nầy cũ lắm rồi, bao nhiêu năm chẳng ai rớ tới, máy cũ lúc sửa chữa người ta thêm chỗ nọ chỗ kia, mình lắp đúng kỹ thuật thì nó dư. Tại buổi sáng các em làm mất trật tự, ông Thầy phạt bắt tháo máy chớ học hành gì cái máy cõ lỗ sĩ đó ! Học sinh có anh nói : - Hèn chi ! Còn mớ kia, anh em lén liệng luôn vô thùng rác.
Thầy Thức nói giọng Nam rặc, Trí nói giọng Bắc rặc, hỏi Thầy tại sao vậy ? Thầy trả lời :
- Có chi khó đâu ! Hồi 1945 tôi đi tàu ra Hải Phòng, kẹt ở đó, nó sanh ở Bắc, lớn lên ở Bắc nên nói giọng Bắc rặc ròng.
Còn Thầy Hồ Văn Vầy, đến năm 1969 tôi xuống đơn vị Quân Cụ ở Sóc Trăng, mới vào trình diện với Ðại Úy Ðại Ðội Trưởng, ông đang căn dặn tôi chỗ ăn ngủ vừa xong, một anh Trung Sĩ nhất chào tôi cái cụp :
- Thưa Thiếu Úy! Có người mời Thiếu Úy ra quán.
Tôi còn đang phân vân, Ðại Ðội Trưởng khuyên tôi :
- Có anh em mời thì anh đi chơi đi, chỗ lạ có người quan thì tốt cho mình.
Tôi chào Ðại Ðội Trưởng rồi theo anh Trung sĩ đi chẳng mấy bước tới chiếc cầu xi măng nhỏ, bên cạnh cầu là cái quán lá đơn sơ, bước vào quán nhìn thấy Hồ Ngọc Thu ngồi đó, chung quanh với một số đàn em. Hắn đẩy về phía tôi ly cối đầy bia nói :
- Ngồi xuống uống đi mầy! Giới thiệu với anh em, Chuẩn Úy Tông là bạn học cùng lớp, bạn đồng nghiệp cùng dạy trường kỹ Thuật, nay bạn đồng ly của đời binh nghiệp.
Ðó là ngày binh nghiệp đầu tiên của tôi, từ đó Thu và tôi be bét nhậu, có những bửa uống với Mỹ, chúng say mèm, một hôm có anh Mỹ cố vấn Trung đoàn, mời chúng tôi về nhà hắn nhậu, vợ hắn là cô gái người Việt chuẩn bị cho chúng tôi thức ăn đầy bàn, rượu mấy thùng bia hộp. Thu thì cứ hát nhạc Trịnh Công Sơn : ‘‘ Người con gái Việt Nam da vàng, yêu đô la hơn yêu nòi giống...’’, chị ta tránh mặt chúng tôi, nói từ trong buồn vọng ra :
- Uống dùm đi mấy anh ơi! Ai có phận nấy mà, chúng ta đâu có muốn mà được, thương nhau không thương thì uống dùm đi, chớ cay đắng chi cho tội nghiệp thân em.
Thu thì vẫn cứ hát, mà tôi thì xót xa cho thân phận con người nhất là người Việt Nam, trong thời buổi chiến tranh, nay còn , mai mất, thân phận nhược tiểu, ai cũng như ai. Nhưng mà không phải Thu chế diễu, khinh bạc, bởi vì nghe giọng Thu hát, nhình đôi mắt hắn đoanh tròng lệ ứa. Thu hắn có tâm hồn, hắn chơi nhạc được và cũng vẽ được những bức tranh, xem ra nhà Thu bên cạnh Trường Mỹ Thuật Gia Ðịnh, chắc Thu có hoa tay hơn là học lóm.
Một hôm tôi bận việc ký các Phiếu hệ sửa chữa không đi uống bia được, Thu đi với các sĩ quan tài chánh đơn vị, đến chiều khoảng 6 giờ tôi đi ăn cơm về tới cổng, thì đuợc hạ sĩ quan trực báo cáo có Thầy Vầy đi kiếm Thu, tôi mời Thầy lên xe jeep, chở Thầy đi Bãi Xào không gặp, phải ra tận đường đi Vũng Thơm mới tìm thấy Thu.
Chúng tôi chở Thầy về thành phố, vào một cái quán ở bờ sông vắng khách ngồi, Thầy lấy trong túi bàng ra một chai Johnny Walker nhản đỏ, đặt trên bàn Thầy cười nhẹ nhàng và nói :
- Thấy con lâu về, ba má nhớ con, má con không khỏe nên ba đi thăm, có chai nầy nhậu đở.
Thầy Vầy và Thu, chuyện vãng qua loa, chậm rải hớp từng ngụm Whisky pha Soda, tôi uống ít nhưng thấm nhiều về tình phụ tử của Thầy Vầy và Thu, họ có khoảng cách tôn kính vừa đủ để không làm mất sự thân yêu, cha bao giờ cũng ít bày tỏ tình cảm với con, nhưng qua ánh mắt, qua từng hớp rượu tôi thấy họ đã trao cho nhau tình cảm sâu sắc đậm đà. Cho đến gần 11 giờ đêm, chúng tôi đưa Thầy về ngủ trong trại, sáng dậy sớm đưa Thầy ra quán Cây Dương ăn điểm tâm, rồi tiễn Thầy ra về.
Tôi nhớ những vị Hiệu Trưởng như là ông Khoan, ông Trà cụ Phạm Xuân Ðộ, rồi Kỷ sư Cao Thanh Ðảnh, Giám Học là ông Minh, ông Lý Kim Chân, ông Lê Thanh Vân, ông Phan Văn Long, Tổng Giám Xưởng có ông Phòng, Phan Văn Mão, Nguyễn Thành Ðức, Tổng Giám Thị Có Lê Văn Chịa, Giám Thị có ông Phòng, ông Kim, ông Luật, ông Tài, ông Khoa, ông Nén, ông Ái, ông Ngạc.
Ông Lý Kim Chân sau đi làm Hiệu Trưởng Trường Kỹ Thuật Vĩnh Long, trước khi làm Giám Ðốc Nha Kỹ Thuật, Lê Văn Chịa đi làm Hiệu Trưởng Trường Kỹ Thuật Long Xuyên, Nguyễn Thành Ðức làm Hiệu Trưởng Trường Nguyễn Trường Tộ.
Khi Kỷ sư Cao Thanh Ðảnh làm Hiệu Trưởng, ông xếp những học sinh giỏi vào lớp A, rồi B, rồi C... năm Ðệ Tứ, tôi học Tứ A trong đó có Trần Văn Xê, Se Văn An, Nguyễn Ðình An, Mai Văn Khoa, Trần Bình Ðức, Trần Hưng Bang, Dư Quang Thuấn, Trần Thanh Quang, Lý Thất, Lê Kim Nghĩa, Vũ Duy Dần, Ngô Phước Tường, Nguyễn Văn Thuận, Lê Văn Quang, Nguyễn Kim Biên, Nguyễn Ðắc Thận, Nguyễn Hữu Thế là một lớp học sinh giỏi về sau ra Kỷ sư có Nguyễn Ðắc Thận, Dư Quang Thuấn, Hiệu Trưởng Trường Kỹ Thuật có Lý Thất, Lê Kim Nghĩa và tôi. Riêng Trần Bình Ðức, năm đổ Tú Tài 2 Kỹ Thuật hạng Bình, đậu luôn Math G ở Ðại Học Khoa Học, nhưng ngày kêu kết quả Tú Tài là ngày đưa anh vào bệnh viện Grall, vì anh bị đau màng óc, anh trối lại các em đừng cố học như anh, rồi anh từ trần năm đó.
Pháp Văn học với ông Nguyễn Văn Chiểu nguyên Thanh Tra quân đội ở ngoài Bắc thời chánh phủ Nguyễn Văn Tâm, Việt Văn học với Lê Nguyễn Bá Tước.

Học Kỹ Nghệ Họa với ông Dương Khắc Long, ông Long dạy có in bài Ronéo phát, đở phải chép bài, cho tới nay tôi vẫn còn tìm cách lý giải, câu hỏi của Thầy Long là : - Tại sao người ta nói mình ên ? Ví dụ như tôi đi có một mình ên. Chữ ên do đâu mà ra ?

Sử Ðịa thì học với Thầy Nguyễn Khánh Nhuần, Thầy Nhuần đi dạy bằng xe hơi, ăn mặt đúng mode, đầu chải láng, theo như chính Thầy kể, xưa Thầy học trường Sư Phạm để ra dạy cho con em của Pháp, vợ của Thủ tướng Lào Souvana Nouvong hay Phouma là bạn học với Thầy lúc ấy, sau Thầy được bổ dụng qua dạy ở Vientaine Lào, rồi 1945 xảy ra, Thầy phải chạy sang Thái Lan lánh nạn và làm nghề thầy bói, Thầy có làm Hiệu Trưởng Trường Ðông Tây Học Ðường, trường nầy đóng cửa trước khi tôi lên Sàigòn học, nhưng cơ sở vẫn còn thấy ở đường Hai Bà Trưng, sau Trung Quốc mua cất thành Tòa Ðại Sứ Quán Trung Hoa Quốc Gia ở Sàigòn, nghe nói Thầy Nhuần là anh em với các tiệm vàng Nguyễn Thế Năng và Nguyễn Thế Tài, tôi không chắc là anh em ruột, vì Nguyễn Thế Năng, Nguyễn Thế Tài thi phải Nguyễn Thế Nhuần, Khánh và Thế khác nhau.
Năm 1974, tôi được đề cử làm Hiệu Trưởng Trường Nguyễn Trường Tộ, Thầy Lưu Minh Tuấn - em của Thầy Lưu Luân Trọng, chú của Lưu Bá Ðại dạy Kỹ Nghệ Họa ở Cao Thắng - góp ý kiến tôi nên nhờ Thầy Nhuần xem cho ngày bàn giao, tôi phải nghe lời. Thầy Tuấn chở xe gắn máy đưa tôi đến nhà Thầy Nhuần ở một hẻm chênh chếch trước chợ Tân Ðịnh, Thầy xem cho ngày bàn giao phù hợp với ngày giờ anh Phạm Văn Tài muốn bàn giao sớm. Chưa đầy một năm Việt Cộng đã vào, cho nên tôi không biết được có gì hên xui không, vì mọi việc trường vẫn bình thường.
Tôi không nhớ thời điểm bắt đầu, nhưng khoảng thời gian nầy thì có chị Chín, có xe bán nước ngọt đặt gần xưởng Nguội, sau lại có thêm cô Liên, chừng 16 hay 17 tuổi phụ giúp bán với chị Chín, cô Liên trở thành cây Si cho nhiều người trồng, nên xe nước chị Chín đông khách hơn trước kia.
Ngoài cổng trường, những xe đổ hột xí ngầu lắc, ăn bò vò viên, xe bột chiên, bánh mì thịt, khô mực ... bán chiếm lòng lề đường, cảnh sát quận nhất đuổi chạy qua bên kia là quận nhì, quận nhì đuổi chạy lại quận nhất, ranh giới chỉ là con đường Công Lý.
Thầy Phan Hữu Thành là huấn luyện viên Thể Dục lâu năm của trường, sau có thêm Thầy Phạm Văn Sửu, năm Ðệ Tam trường bắt học sinh lớp Ðệ Tam tham gia thể dục đồng diễn, anh em tập nhiều tuần lễ dưới sự hướng dẫn của Thầy Thành, đến ngày trình diễn ở sân Tao Ðàn, có Tổng Thống Ngô Ðình Diệm chủ tọa, tôi nhớ đến đoạn ngồi hai chân duỗi thẳng cúi mình ra trước, hai tay chạm vào ngón cái lấy đà, lộn nhào một cái, rồi đứng ở thế thấp, bắp vế nằm ngang, hai tay đưa về phía trước, động tác nầy anh Sa ở Ðệ Tam B hay C người hơi thô, nên chân anh cứ dựng đứng lên trời, Tổng Thống Diệm phì cười. Ngày ấy đủ các trường Gia Long, Trưng Vương, Trương Vĩnh Ký, Chu Văn An ...
Năm Ðệ Tam nầy, tôi nhớ học Toán với Thầy Nguyễn Mạnh Cung là Giám Ðốc Phi Trường Tân Sơn Nhất, Thầy có đưa anh em lên phi trường tham quan, đặc biệt Thầy đưa lên đài không lưu chỉ rõ những đường bay, những hỏa hiệu.
Học Kỹ Nghệ Họa với Kỷ sư Lâm Trưởng khu Bắc Công Chánh ở Sàigòn, Lý Hóa học với Trần Ngọc Ðảnh.
Tôi nhớ học Pháp Văn với giáo sư Lương Thọ Phát, tiến sĩ Văn Chương Pháp, ông dạy về Le Cid của Corneil, nay tôi chỉ còn nhớ mỗi câu : ‘’ - Je peur tout autre que vous ‘’.
Anh Văn học với ông Bửu Nghi, Giám Ðốc Ðài Phát Thanh Sàigòn, chính ông Bửu Nghi tiết lộ khi cuộc đảo chánh của Ðại Tá Nguyễn Chánh Thi 11-11-1960, nhảy dù bao vây Dinh Ðộc Lập nhưng Ðài Phát Thanh họ không kiểm soát, Dinh Ðộc Lập nội bất xuất, ngọai bất nhập đâu có làm sao đem băng từ trong đó ra để đài phát. Ðài đã nhờ một người nhái giọng Tổng Thống để gọi Ðại Tá Trần Thiện Khiêm và Ðại Tá Nguyễn Văn Thiệu đem quân từ Sư Ðoàn 7 ở Mỹ Tho về cứu giá. Tuy ông Bửu Nghi không cho biết người có tài nhái giọng ấy là ai, nhưng chúng ta đều biết chỉ có quái kiệt Trần Văn Trạch, biệt tài của ông đã làm cho cuộc đảo chánh thất bại. Bửu Nghi từ Phó Giám Ðốc được đề cử Giám Ðốc thay vào chỗ nhạc sĩ Thẩm Oánh đã về hưu trước đó.
Kỷ sư Lâm dạy Kỹ Nghệ Họa một thời gian ngắn, ông bận việc nên giao cho Kỷ sư Nguyễn Văn Quang xuất thân từ trường Công Nghệ, kỷ sư Quan dạy chiều Thứ Bảy, ông đặt vấn đề: ‘’ Các anh nghe giảng xong bài Kỹ Thuật Học, đến giờ Vẽ muốn làm chi thì làm, miễn hết giờ góp bài làm tuần trước cho tôi là đủ.’’ Thế là sau khi nghe giảng xong phần kỹ thuật, anh em đa số bỏ lớp đi quanh chợ Sàigòn hay chui vào các Rạp Hồng Bàng, ở đường Pasteur, bên hông Trường Cao Thắng, rạp Nam Việt đường Tôn Thất Thiệp ( ? ), Casino Sàigòn nằm trên đường Pasteur, Lê Lợi ở gần ngã tư Lê Thánh Tôn, Nguyễn Trung Trực, Vĩnh Lợi nằm cạnh bệnh viện Sàigòn, đa số anh em thích đi Lê Lợi hơn vì nơi đó có treo chiếc đồng hồ, phía tường bên cạnh màn ảnh, cho nên dễ biết giờ giấc ra về.
Trên đường Lê Lợi còn có các nhà sách Lê Phan, Văn Hữu, Khai Trí, Việt Bằng để anh em xem sách, còn anh nào có tiền ngồi quán Kim Sơn ngay góc Nguyễn Trung Trực Lê Lợi để nhìn nam thanh, nữ tú đi mua sắm, cũng có khi người ta nói: ‘‘ để nhìn ông đi qua bà đi lại ‘’ hoặc là ‘‘ để rửa mắt ‘’.
Học Cao Thắng, tôi tin rằng anh nào cũng có dịp hàng tuần đi dạo một lần cho thanh thản tâm hồn.
Năm Ðệ Tam và Ðệ Nhị học sinh lớp A không thay đổi, năm Ðệ Nhị A tôi nhớ học Pháp Văn với giáo sư Nguyễn Văn Kiết. Sàigòn có Giáo Sư Kiết và Giáo sư Lúa dạy Pháp Văn, gặp một trong hai ông ấy coi như đi đong, chỉ trừ anh nào xưa kia có học trường Pháp hay đang theo học Alliance Francaise thì còn có điểm. Một hôm học trên lầu phía ngoài đường, dãi lớp nằm sát văn phòng, ông Kiết gọi Vũ Ðình Dần lên bảng viết một câu Pháp văn, Dần viết không xuôi, ông giận quá bước lại định nắm anh Dần ném xuống lầu, nhưng ông bước đến nhìn thấy anh Dần cao hơn ông, ông mới phì cười. Ông Kiết có bằng Cao Học Triết của Pháp, sau ông dạy Văn Khoa, Vạn Hạnh rồi Mậu Thân, ông vào bưng tham gia Chánh Phủ Giải Phóng Miền Nam giữ chức Bộ Trưởng Bộ Giáo Dục.
Kỹ Nghệ Họa học với kỷ sư Nguyễn Văn Phúc, được vài tháng ông Phúc đi tu nghiệp ở Hoa Kỳ, kỷ sư Lê Tài Quấc dạy thế, sau ông Quấc ra ứng cử Thượng Nghị Sĩ trong liên danh Bông Sen.
Lý Hóa học với Thầy Ðào Ðức Vĩnh, hình như Thầy Vĩnh là giáo sư Võ Trường Toản, Thầy dạy sách của ông Lâm nhưng các bài tập Thầy đọc thuộc lòng cho học sinh chép.
Toán học với Kỹ sư Khí Tượng Hoàng Hồng, có hôm Thầy nghe học sinh tình nguyện đi Thủ Ðức, Thầy lập lại lời của người xưa : ‘‘ Quốc Gia hữu sự thất phu hữu trách ‘’. Sau Thầy Hồng bị động viên, có học sinh truyền tin Thầy bỏ nhiệm sở, đi trốn lính chớ không đi theo tiếng gọi của quê hương. Thiệt hư tôi chẳng biết.
Cuối năm học tôi đứng hạng tư trên 37 học sinh, có được phần thưởng, vậy mà tôi thi rới Tú Tài, người ta chỉ thi rớt 2 keo là đau lắm rồi, vậy mà năm đó tôi rớt tới 4 keo trong 1 năm. Hai lần thi kỹ thuật và hai lần thi phổ thông.
Thi rớt, tôi buồn quá bỏ về quê, chẳng thiết đến những chuyện khác, đến khai trường lại, bị xếp vào học lớp Ðệ Nhị 5, là lớp cuối cùng của 5 lớp Ðệ Nhị, hỏi ra tôi mới biết là kể từ năm học đó Trường chỉ có 1 sinh ngữ, học sinh phải chọn Anh hay Pháp, có 4 lớp Pháp Văn và 1 lớp Anh Văn. Tôi bị đưa vào lớp Anh Văn vì tôi bỏ Sàigòn về quê, không nộp đơn học lại, đến ngày hết hạn, ông Giám thị Phạm Văn Luật làm đơn cho tôi, không biết tôi chọn Pháp hay Anh Văn, ông tìm học bạ thấy Pháp Văn tôi được 13 điểm của giáo sư Kiết còn Anh văn, tôi được 14 điểm của giáo sư Nguyễn Ðình Hải vốn là chuyên viên của Unessco, cuộc đời tôi bị giám thị Luật xía vào số mạng từ đó. Thật ra tôi đâu có giỏi Anh Văn, chẳng qua tôi làm nhiệm vụ ôm sổ ghi danh, sổ ghi đầu bài, giáo sư Hải hiếm gọi tôi đọc Quatrième Bleu, nhưng thương hại cứ cho tôi 14 điểm. Ðược thầy thương cũng là tai họa.
Nhưng bù lại, Hiệu rưởng Cao Thanh Ðảnh cho toàn là giáo sư giỏi dạy lớp ấy : Việt Văn với Giáo sư Lê Nguyễn Bá Tước, Sử Ðịa Nguyễn Khánh Nhuần, Anh Văn Phùng Thịnh thực hành với bà Le Blanche, Kinh Tế học Luật sư Vũ Tứ Cầu, Toán Cù An Hưng, Hóa giáo sư Bùi Xiêm, Lý Kỷ sư Quyền dạy ở Trường Cao Ðẳng Ðiện Học Phú Thọ, Kỹ Nghệ Họa Lê Tài Quấc, Xưởng Huỳnh Văn Thức.
Học sinh ở lại lớp với tôi có Huỳnh Ngọc Ðiệp, Hồ Ngọc Ðiển, Võ Duy Khiết, Ngô Phước Tường, những học sinh ở lớp sau lên học chung có Huỳnh Hữu Lộc, Hoàng Thanh, Trần Văn Thành, Nguyễn Văn Nghĩa, Phan Thành Tưa...
Tôi có học chung với Huỳnh Ngọc Ðiệp lớp Ngũ D lúc đó các anh học làm thơ, sau đó Ðiệp trở thành thi sĩ, anh có thơ đăng trong Tập San Sáng Dội Miền Nam do Tchya Ðái Ðức Tuấn làn chủ nhiệm. Hoàng Thanh là con của Nghị sĩ Hoàng Thế Phiệt được phong hiệp sĩ của Tòa thánh La Mã, sau anh tốt nghiệp Kỷ sư công nghệ rồi du học ở Pháp, riêng Huỳnh Hữu Lộc thường đưa tôi sang rạp Hồng Bàng tán tỉnh cô bán vé, cô ấy trông rất đẹp và thuỳ mị dễ thương, nhưng còn nữa Lộc quen với Hạc con của Hoàng Trọng Miên, Hạc đẹp lắm, nước da trắng, môi son đỏ, tóc hớt ngắn, ba chúng tôi thường đi dạo phố Lê Lợi, chúng tôi chơi thân thiết nhau, ra đường nhiều người đi qua còn phải ngoái lại nhìn Hạc. Có hôm tôi đến nhà Hạc ở đường Phạm Ngũ Lão (gần chùa An Lạc ), gặp chị Phụng, tôi biết chị đang hoạt động cho bên kia, té ra chị là em của ông Thanh Nghị người viết Tự Ðiển Việt Nam cũng là nhà Văn Hoàng Trọng Miên, chị là cô của Hạc. Sau 1975, tôi không gặp chị Phụng, không biết chị ra sao, riêng Hạc năm 2000, gặp lại bạn bè ở Cali, cho biết Hạc đã lấy vợ và định cư ở Pháp, còn Lộc sau khi ra trường Cao Thắng du học ở Nhật về Việt Nam làm Phó Giám Ðốc Vikyno, sau làm Giám Ðốc, vượt biên bị bắt ở Bến Tre, thành phố Hồ Chí Minh can thiệp để Lộc về làm việc cho thành phố. Võ Duy Khiết học Luật, sau làm Biện lý tỉnh Phước Tuy.
Cuối năm học nầy, tôi đạt được hạng 2 trên 38 học sinh, và tôi đã đỗ Tú Tài 1 hạng Bình Thứ, năm ấy học sinh lớp Nhị 5, tỉ số đậu cao hơn các lớp khác, nhờ có các giáo sư dạy giỏi, nhất là Cù An Hưng.
Năm học nầy tôi chịu ảnh hưởng của Luật sư Vũ Tứ Cầu, ông viết chữ nhỏ, dùng bút bi nhiều màu để viết tựa, những mục, tiểu mục, chú thích, tôi đã theo cách thức ông trình bày bài học và bài giảng sau nầy khi tôi đi dạy học.
Năm Ðệ Nhất, còn lại 3 lớp, chúng tôi lớp Anh Văn Ðệ Nhứt 3, học Sử Ðịa với giáo sư Nguyễn Bá Nhẫn ông xuất thân từ trường Cao Cấp Kinh Doanh của Pháp, lúc đó ông làm Giám Ðốc nhà máy xi măng Hà Tiên, sau làm Tổng Cục Trưởng Tiếp Tế. Anh Văn học với giáo sư Phạm Văn Rao, Triết Học với giáo sư Nguyễn Mẫn, Toán và Lý Hóa với giáo sư Vũ Mộng Hà, Kỹ Nghệ Họa với giáo sư Trần Thế Can, Công Tác Xưởng với Thầy Lưu Luân Trọng.
Sau nầy vào học Cao Ðẳng Sư Phạm Kỹ Thuật, tôi còn học với Thầy Phạm Văn Rao, Vũ Mộng Hà và nhiều giờ nhất là Trần Thế Can mỗi tuần 20 giờ trong năm học đầu tiên.
Ðôi khi xem lại bài vẽ Kỹ Nghệ Họa cũ, có một bài tên của tôi, nhưng nét vẽ không phải của tôi. Cố moi óc nhớ chuyện năm xưa lúc còn đi học, lục tìm mãi rồi cũng nhớ ra. Năm 1964 tôi ra thăm Huế, đứng nhìn hàng trăm nữ sinh với tà áo trắng đi trên cầu Tràng Tiền có Sáu Vài Mười Hai Nhịp, đi với người con gái xứ Huế dạo đến Kim Long, chia tay nhau với giọt lệ vắn dài ở phi trường Phú Bài, tôi hưởng những giờ phút vui tươi nơi cố đô, sánh vai với người đẹp đất thần kinh, thì Hoàng Thanh ở nhà cậm cụi vẽ bài dùm tôi để nộp cho Thầy Trần Thế Can.
Thầy Vũ Mộng Hà có nhiều giai thoại ở Trường Cao Thắng, ngày Thầy đi dạy đầu tiên bị gác dan và Giám Thị không cho Thầy vào trường, Thầy phải nhắn mời Giám Học ra đưa Thầy vào, chỉ vì Thầy đi dạy còn rất trẻ có dáng thư sinh ‘’ Trói gà không chặt ‘’, giám thị nghĩ Thầy là học sinh không mặc đồng phục, nên không cho vào trường, từ đó về sau Thầy Hà đi dạy phải thắt cà vạt để cho Giám Thị phân biệt, tôi nhớ mấy chuyện chứng tỏ Thầy Hà có trí thông minh tuyệt vời, Thầy dạy Toán, Lý Hóa Ðệ Nhất, đang đọc bài cho học sinh chép, chuông reo hết giờ, Thầy bỏ ra khỏi lớp, tuần sau đọc tiếp cho học sinh chép. Bài tập Thầy chấm xong trả lại cho học sinh, sau đó chỉ gọi vài học sinh để ghi điểm, những học sinh khác Thầy ghi theo trí nhớ.
Còn một chuyện nữa, để tôi kể theo thời gian. Hôm đó đi nghe kết quả thi Tú Tài 2, kết quả kêu vào khoảng 11 giờ, Ngô Phước Tường và tôi đến trường sớm nên đi ra Nguyễn Huệ chơi rồi theo đường Huỳnh Thúc Kháng trở về, khi đi qua ngã tư Pasteur, từ phía kia một chiếc cyclo chạy ngược chiều, trên xe chở một Á Xẩm, cô ta mặc váy đầm, vô ý gió thổi để tốc cái bùng rền lên, Tường nhìn tôi cười rồi nói : ‘’ - Chết cha rồi ! Ði nghe kết quả mà gặp cái điệu nầy, rớt là cái chắc! ‘’ Tường có vẻ lo âu, vào trường chúng tôi đi ngang phòng Hiệu Trưởng, gặp Vũ Mộng Hà từ hướng Hội Ðồng Thi ở phòng Giáo Sư đi tới, tôi hỏi cầu may :
- Thưa Thầy hai đứa em đậu rớt ?
Thầy cười và trả lời không chút suy nghĩ :
- Cả hai anh đều đậu.
Tường và tôi không tin chút nào, vì trước đó chúng tôi đâu có gặp để nhờ Thầy xem điểm, vậy thì làm sao Thầy quan tâm đến, chẳng lẽ Thầy phải nhớ hết học sinh các lớp Ðệ Nhất 1, 2 và 3.
Rồi kết quả được dán lên bảng, cả Tường và tôi đều đậu, chúng tôi phục trí nhớ của Thầy Vũ Mộng Hà.
Tường và tôi còn một chuyện vui nữa, một hôm hai chúng tôi đạp xe về tới cái đồng hồ Chợ Bến Thành, có anh Cảnh sát đứng gác trong lồng chim, thổi còi chận các xe dừng lại cho người đi bộ qua đường, trước mặt chúng tôi có hai cô gái tuổi chừng hai mươi, chở nhau trên xe Velo Solex, cô ngồi sau ăn mặc thật hấp dẫn, Tường buộc miệng nói : ‘’ Chà Cô nầy ăn mặc Văm quá !‘’ Cô ấy nguýt Tường một cái rồi nói : ‘’- Muốn không ? Tao cỡi ra cho mà coi !‘’ Tường đáp ngay: ‘’ - Ấy Cảnh sát kìa ! Ðừng có làm ẩu nghe! ‘’. Tiếng còi Cảnh Sát ré lên, chiếc Velo vọt lẹ, Tường lắc đầu nói : ‘’ - Con gái gì mà dạn mồm, dạn miệng thế !‘’
Trong năm học cuối đó, một hôm vợ họa sĩ Phạm Thăng, đi làm ở Sở Vệ Sinh về, chị nói với tôi :
- Chú Sáu à ! Ðể chị giới thiệu cho chú một cô, đẹp và dễ thương, cùng làm sở với chị, nếu hạp chú có thể tiến tới hôn nhân.
Tôi ở trọ nhà họa sĩ Phạm Thăng, anh chị xem tôi như ruột thịt, nghe chị nói tôi nghĩ mình cũng không phải tệ, không làm quen với mấy cô được hay sao mà phải đợi có người giới thiệu. Nhưng nghĩ lại có gặp mặt cô nào đó thì cũng có hại chi đâu. Thế là hai hôm sau ngày Thứ Năm tôi đến Sở Vệ Sinh ở đường Hiền Vương, cô ta có buổi tu nghiệp tôi không gặp được. Hai hôm sau tôi trở lại mới gặp, từ buổi gặp mặt đầu tiên đó, nhen nhúm trong tôi một cảm tình, sau đó tôi đến thăm chơi ở nhà, tôi biết nàng là học sinh Gia Long.
Tôi nhớ lại, năm xưa thời cụ Ðộ làm Hiệu Trưởng, có anh Tốt cầu thủ bóng tròn của trường, không hiểu vì sao lại phóng uế bên bờ rào của Trường Nữ Trung Học Gia Long, bị cảnh sát bắt giải tòa về tội ‘’ Công Xúc Tu Sĩ ‘’. Thầy Phan Hữu Tạt nói : Cụ Phạm Xuân Ðộ Hiệu Trưởng Cao Thắng với bà Nguyễn Thị Hội Hiệu Trưởng Gia Long có chuyện gây cấn nên : ‘’ Trâu bò húc nhau, ruồi muỗi chết ‘’.
Học sinh còn thường kháo nhau, cho là nữ sinh Gia Long chỉ để ý đến học sinh Petrus Ký, còn nữ sinh Trưng Vương chỉ để ý tới học sinh Chu Văn An, cho nên tôi cũng còn bị ám ảnh : Vói cho được nữ sinh Gia Long không phải dễ. Chính vì vậy, tôi tự nhủ phải chinh phục cho được người đẹp, mà quả thật tôi đã được, đó là nhà tôi ngày nay.
Cho phép tôi được cám ơn nhà tôi, người đã khuyến khích, an ủi tôi nhiều mặt, lúc thành công cũng như khi thất bại, những dòng ghi nầy nếu không có nhà tôi như nguồn cảm hứng thúc dục, chắc tôi cũng chẳng ghi chép được dòng nào. Nhạc mẫu tôi, học Trường Áo Tím, nhà tôi học Trường Gia Long, con gái út của tôi học Trường Nguyễn Thị Minh Khai, 3 thế hệ có ba tên gọi khác nhau, nhưng cũng chỉ là một Trường Nữ Trung Học danh tiếng ở miền Nam
Cũng như những trường khác là Petrus Ký, Gia Long, Bác Ái, Marie Curie... Trường Cao Thắng cũng có cái đồng hồ thật to, đặt trên lầu của dãi Xưởng, đối điện với văn phòng, một số phòng học cũng có thể nhìn thấy, nó đặc biệt là đứng ngoài đường cũng như ở trong sân trường đều có thể nhìn thấy giờ giấc trên chiếc đồng hồ nầy.
Trường tôi, Trường Kỹ Thuật Cao Thắng, Trường Máy, Trường Bách Nghệ, nhiều người học ở đó, mỗi người có kỷ niệm khác nhau, nơi đó Tôn Ðức Thắng, Hồ Chí Minh, Nguyễn Văn Thiệu những người làm nên lịch sử đã từng theo học, công với tội còn để nghìn sau, với tôi cũng như nhiều người khác đã là học sinh của Trường Cao Thắng, sẽ không quên được những kỷ niệm về trường học của mình, nó còn gắn liền với chợ Bến Thành với đường Lê Lợi. Ðó là trung tâm, là nơi buôn bán sầm quất của thủ đô miền Nam. Xin mượn thơ của Nguyễn Du để diễn tả nơi ấy :
Dập dìu tài tử giai nhân,
Ngựa xe như nước, áo quần như nêm .

Louisville, ngày 31 tháng 3 năm 2001

No comments:

Post a Comment