Phú Ðức - Nguyễn Đức Nhuận (1901-1970)
Nói tới Hồ Biểu
Chánh là nói tới tiểu thuyết tình cảm, xã hội, còn nói tới tiểu thuyết kiếm hiệp
phải nói tới Phú Ðức, đó là đặc trưng của hai nhà viết tiểu thuyết danh tiếng ở
miền Nam.
Nhà văn Phú Ðức tên thật là
Nguyễn Ðức Nhuận, sinh ngày 24-9-1901 tại xã Bình Hòa tỉnh Gia Ðịnh, tên bổn
mạng là Joseph, ông từ trần ngày 4-3-1970 tại Gia Ðịnh, hưởng thọ 70 tuổi. Thân
phụ ông là Nguyễn Ðức Tuấn từng làm Ðốc học trường Sơ học tỉnh lỵ Gia Ðịnh và
Cai tổng Tổng Bình Trị Thượng tỉnh Gia Ðịnh.
Trước khi trở
thành nhà văn, Phú Ðức là một nhà giáo, dạy tại trường Gia Ðịnh do thân phụ ông
làm Hiệu trưởng. Năm 1924 nhà giáo Nguyễn Ðức Nhuận viết tiểu thuyết Câu
chuyện canh trường, gửi đăng trên nhật báo Trung Lập. Lúc đó tờ Trung Lập
do Trương Duy Toản làm chủ bút, ông nhận thấy tờ Ðông Pháp Thời Báo nhờ tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh được nhiều độc
giả, nên cụ Mạnh Tự đã mời tác giả Câu
chuyện canh trường, cộng tác viết tiểu thuyết cho báo Trung Lập. Tên tuổi Phú Đức bắt đầu từ báo Trung Lập nây, với Cái
nhà bí mật rồi sau đó viết tiếp Hiệp phố châu huờn.
Năm 1925, có phong trào tẩy
chay hàng Bombay của người Ấn diễn ra rầm rộ tại Sàigòn.
Nhà cầm quyền không muốn phong trào đi quá đà, nên đã chỉ thị cho tòa soạn Trung Lập không được đăng bài cổ động. Do đó, nhiều người làm cho báo Trung lập bất mãn. Riêng Phú Đức không chịu được
thái độ ấy, nên đã quyết định rời khỏi báo Trung Lập.
Nhân đó, tờ báo Công Luận mời Phú Đức về làm Chủ bút và đăng tiếp
Hiệp phố châu huờn từ số từ số 371,
ngày 7-7-1926 với nhan đề mới là Hoàn Ngọc
Ån, đến số 374 lại đổi thành Hiệp phố
châu huờn. Khi in thành sách mới sửa lại tên Châu về hiệp phố. Từ đó Phú Đức thôi làm thầy giáo dành thì giờ
chuyên viết tiểu thuyết.
Sau nầy khoảng thập
niên 1950, ông cộng tác với các Nhật báo Thần
Chung của Nam Đình, Tiếng Chuông của
Đinh Văn Khai, rồi làm chủ nhiệm kiêm chủ bút tuần báo Bình Dân và chủ nhiệm nhật báo Dân
Thanh.
Ông hâm mộ thể
thao, chơi quần vợt, bóng tròn, ông cũng có luyện tập võ nghệ, nhờ đó ông viết
đúng các thế võ thuật, ông thích xem chiếu bóng và đọc truyện trinh thám của
Pháp nhứt là tác giả Michel Zevaco. Những sở thích ấy, giúp cho ông viết thành
những chi tiết được độc giả thích thú và hâm mộ.
Ông mất ngày
4-3-1970 tại nhà riêng đường Phó Đức Chính Gia Định, thọ 69 tuổi. Ông Bút Trà
Nguyễn Đức Nhuận, chủ nhiệm báo Sàigòn Mới làm thơ khóc ông:
Cùng họ cùng
tên lại một nghề,
Cùng trong tòa soạn thuở nào hê?
Bốn mươi năm trước còn ghi dấu!
Bảy chục xuân nay đã vội về.
Vắng bạn văn đàn trông thấy thiếu,
Có mình thế giới tưởng như dư.
“Lửa lòng”,
“Hiệp phố”, lần tay giở,
Sách đó, người đâu? xiết não nề!
Sách đó, người đâu? xiết não nề!
Theo như ông trả
lời cuộc phỏng vấn của báo Ngày Mới
năm 1959, ông đã sáng tác trên 70 bộ tiểu thuyết, trong vòng 35 năm.
Tác phẩm:
- Cái
nhà bí mật (1925)
- Châu về hiệp phố (1926)
- Tiểu anh hùng Võ Kiết (1929)
- Lửa lòng (Bách Sima)
- Một mặt hai lòng (1929)
- Non tình biển bạc
- Tình trường huyết lệ (1930)
- Một thanh bửu kiếm (1930)
- Chẳng vì tình (1930)
…..
- Châu về hiệp phố (1926)
- Tiểu anh hùng Võ Kiết (1929)
- Lửa lòng (Bách Sima)
- Một mặt hai lòng (1929)
- Non tình biển bạc
- Tình trường huyết lệ (1930)
- Một thanh bửu kiếm (1930)
- Chẳng vì tình (1930)
…..
Tóm lược cốt truyện: Châu về hiệp phố
Hoàn Ngọc Ẩn, Đỗ Hiếu
Liêm là hai chàng sinh viên tuấn tú đang học năm thứ ba Trường Thuốc ở Hà Nội,
về Nam nghỉ hè. Hoàn Ngọc Ẩn lạc cha mẹ từ thuở nhỏ được bác sĩ Albert Lebon
nuôi làm dưỡng tử, cuối năm học chàng về nghỉ hè tại Sàigòn; còn Đỗ Hiếu Liêm về
nghỉ ở quê Vĩnh Long với song thân.
Nhân đi xem hát Hoàn Ngọc
Ẩn có cơ hội giúp một thiếu nữ tuyệt sắc là Lệ Thủy bị tai nạn. Từ đó chàng si
mê nàng.
Một hôm có người đến nhờ
chàng cứu một người tự tử, mà Hoàn Ngọc Ẩn biết đó là Đặng Thất Tình vì say đắm
Lệ Thủy, phá tán của cải đến nỗi phải tự kết liễu đời mình. Anh của Đặng Thất
Tình là Đặng Giao Hoan cũng vì nàng Lệ Thủy mà tự tử trước đó không lâu. Gia
đình họ Đặng có viên hoàn ngọc điệp rất quí, Đặng Giao Hoan đã đem tặng cho Lệ
Thủy mà nàng đang lưu giữ tại nhà. Biết việc ấy, Hoàn Ngọc Ẩn bất bình nên mang
lốt chàng Nghĩa Hiệp buộc Lệ Thủy phải giao trả viên ngọc ấy cho họ Đặng, nhưng
Lệ Thủy không khứng vì nàng có giấy đề tặng của chủ nhân.
Việc cướp và trả viên
ngọc điệp diễn ra li kì nhờ võ nghệ cao cường của chàng Nghĩa Hiệp. Lệ Thủy
khâm phục Nghĩa Hiệp vì chí khí ngang tàng với võ nghệ cao cường và đem lòng
yêu Hoàn Ngọc Ẩn - chàng sinh viên Trường Thuốc - mà không biết hai người ấy chỉ
là một.
Cha của Đặng Thất Tình
là Đặng Nghiêm Huấn vì buồn hai con trai lớn hư hỏng đến thiệt thân, cũng bệnh
mà chết, để lại ba người con nhỏ, trong đó có nàng Đặng Nguyệt Ánh rất xinh đẹp,
mới mười lăm tuổi phải lo nuôi dưỡng hai em trai vì còn thơ dại. Một hôm Nguyệt
Ánh sa vào tay tướng cướp Thanh Long, may gặp Đỗ Hiếu Liêm cứu thoát. Nguyệt
Ánh thầm yêu Đỗ Hiếu Liêm.
Hiếu Liêm làm việc
nghĩa, bị bọn Thanh Long thâm thù tìm cách hại cha mẹ chàng chết hết và gia tài tiêu tán. Đường công danh của chàng lại lỡ dỡ vì tham gia vào vụ hoàn ngọc điệp
của Lệ Thủy mà bị trọng thương. Sau đó Hiếu Liêm gia nhập ngành mật thám mong
tìm dấu vết Thanh Long để trả thù nhà.
Hoàn Ngọc Ẩn tư chất
thông minh, tài trí, võ nghệ siêu quần lại có tài thay đổi diện mạo, đến ngay bạn
thân thiết là Đỗ Hiếu Liêm cũng không nhận ra được.
Còn Lệ Thủy sắc nước
hương trời. Nàng có một bí mật nên tuy giao thiệp với các công tử háo sắc để trục
lợi mà luôn giữ lòng trinh bằng một mánh khóe riêng. Biết bao công tử tiêu cả sản
nghiệp vì nàng mà vẫn không hái được hương trinh nên hết lòng thù hận nàng.
Một lần Ngọc Ẩn khám
phá được mánh khóe ấy của nàng, biết Lệ Thủy vẫn còn trinh trắng nên càng yêu
và quyết cưới nàng làm vợ. Nhưng hai người chưa thể tiến tới hôn nhân, vì Ngọc Ẩn
theo di chúc của dưỡng phụ phải sang Pháp tiếp tục học đến đỗ Bác sĩ. Trên chuyến
tàu xuất dương, Hoàn Ngọc Ẩn mới hay Lệ Thủy trốn theo mình sang Pháp và bị bệnh
nặng. Chàng cứu chữa Lệ Thủy lành bệnh và được nàng tiết lộ bí mật đời tư mình
vì thân phụ nàng chỉ muốn con gái kết hôn với người Anh (như ông). Nếu Lệ Thủy
muốn kết hôn với người Việt Nam thì Lệ Thủy phải có đủ số bạc là ba triệu đồng
nộp cho ngân hàng ở Hồng Kông mới lãnh được gia tài của cha để lại. Vì lí do đó
mà nàng Lệ Thủy phải tích lũy tiền bạc bằng cách giao thiệp với các công tử si
tình và rất quí viên hoàn ngọc vô giá kia.
Biết được bí mật ấy của
Lệ Thủy, Hoàn Ngọc Ẩn bỏ học quay về Việt Nam dấu tên mình mà dựng lên nhân vật
bí mật Hiệp Liệc là một người Hoa tài ba lừng lẫy chấn động cả Sài Gòn, Chợ Lớn.
Muốn có đủ số tiền Lệ
Thủy cần, Hiệp Liệc cướp của các nhà giàu phi nghĩa nhất là các bang ngoại kiều
rồi để giấy nợ hẹn sẽ trả đủ vốn lẫn lời trong vòng hai năm. Đặc biệt Hiệp Liệc
là tên cướp không giết người mà chỉ nhờ tài trí của mình để lấy của thôi. Chàng
lại giúp Sở Mật thám nhiều phen trừ được những bọn cướp ác ôn lấy danh Hiệp Liệc
mà nhũng hại xã hội. Khi Hiệp Liệc muốn đánh cướp nhà nào, đều có thơ báo trước
ngày giờ. Vậy mà Đỗ Hiếu Liêm (thay mặt Sở mật thám) chịu bó tay nhiều phen để
Hiệp Liệc trổ tài cướp ngay trước mũi mình. Sở mật thám vừa kiêng nể tài Hiệp
Liệc vừa muốn trừ đi một tên cướp lừng lẫy đang lộng hành mà Sở mật thám đành
phải bó tay.
Trong thời gian ấy, Hiệp
Liệc luôn theo dõi những hoạn nạn của Đỗ Hiếu Liêm và nhiều lần cứu Hiếu Liêm
thoát chết bởi tay của tướng cướp Thanh Long. Rồi từ đó Hiệp Liệc tìm cách bắt
Thanh Long giao cho Hiếu Liêm. Hiệp Liệc cứu Nguyệt Ánh thoát khỏi âm mưu giết
cháu của người thiếm. Vì ơn cứu tử ấy, nên dù biết Hiệp Liệc chính là Hoàn Ngọc
Ẩn, Nguyệt Ánh giữ trọn lời hứa không cho Hiếu Liêm biết điều ấy, cả lúc hai
người đã kết hôn.
Ngược lại chuyện cũ,
lúc Hiếu Liêm vừa mới bị đuổi học, Hiếu Liêm thâm thù Hoàn Ngọc Ẩn. Chàng cũng
muốn bắt Hiệp Liệc để trừ một tướng cướp, nhưng vì mang ơn Hiệp Liệc quá sâu nặng,
Hiếu Liêm phải từ bỏ nghề thám tử.
Đỗ Hiếu Liêm căn cứ vào
những lần cứu mạng mình của Hiệp Liệc, lại liều thân giúp nàng Lệ Thủy cướp lại
hoàn ngọc từ xứ Ấn Độ. Từ các sự kiện đó Hiếu Liêm kết luận Hiệp Liệc với Hoàn
Ngọc Ẩn chỉ là một. Nhưng do tài sắp đặt đầy mưu mẹo của Ngọc Ẩn mà Hiếu Liêm lại
tự cho mình đã nhận xét sai lầm.
Trong lúc Lệ Thủy nén
lòng thương nhớ chờ đợi ngày Ngọc Ẩn hồi hương. Nào ngờ Ngọc Ẩn (Hiệp Liệc) vẫn
kề cận bên mình và khuấy động cả Sài Gòn. Chính Lệ Thủy cũng luôn lo sợ ngày
nào đó tướng cướp Hiệp Liệc thò tay vào tủ sắt của mình.
Tuy tài trí hơn người,
nhưng lắm phen Hiệp Liệc lâm cơn nguy khổn tưởng phải chết. Những lúc đó chàng
nghĩ rằng phải chết dưới lốt một tướng cướp, rồi với Lệ Thủy tên Ngọc Ẩn cũng bặt
vô âm tín, và nàng chẳng hề hay biết vì nàng mà Ngọc Ẩn phải nhiều phen đối đầu
với cái chết. Cuối cùng Hoàn Ngọc Ẩn vẫn tìm đủ số tiền mà Lệ Thủy cần, chàng
nhắn nàng sang Hồng Kông nhận tiền từ tay một thương gia Trung Hoa (Ngọc Ẩn)
Khi Lệ Thủy đến ngân
hàng Hồng Kông lãnh gia tài, mới hay số tiền ba triệu chưa đủ nộp, còn thiếu bốn
vạn đồng do tiền lời sinh ra. Lúc này Ngọc Ẩn không còn cách nào kiếm tiền cho
nhanh, chỉ còn cách thí thân đánh võ để cá độ với tên Đẩu Sơn - là một võ sĩ vô
địch lại xảo quyệt - chàng tưởng phải chết trên võ đài. May nhờ người em nuôi
là Bạch Tuyết cứu mạng. Lúc này Lệ Thủy mới biết võ sĩ Ngọc Bửu, chàng Nghĩa Hiệp,
tướng cướp Hiệp Liệc cũng chỉ là Hoàn Ngọc Ẩn.
Đến lúc này, lẽ ra Lệ
Thủy phải cảm động vì lòng hào hiệp tận tâm của Ngọc Ẩn với nàng. Nhưng nàng cảm
thấy khó xử, vì nếu Ngọc Ẩn là Hiệp Liệc thì theo nàng Hiệp Liệc đã có vợ là Bạch
Tuyết (Lệ Thủy lầm, Bạch Tuyết là con gái thầy dạy võ của Hoàn Ngọc Ẩn và là em
nuôi của chàng đã từng cận kề giúp đỡ chàng suốt hai năm gian nan để kiếm tiền
và cứu tử chàng nhiều lần, vì nàng rất giỏi võ nghệ). Vì vậy Lệ Thủy từ chối việc
hôn phối với Hoàn Ngọc Ẩn.
Trong gần hai năm gian
nan cận kề giúp đỡ Hoàn Ngọc Ẩn, Bạch Tuyết rất nặng tình với chàng, trong khi
đó Hoàn Ngọc Ẩn xem nàng chỉ là em gái. Bạch Tuyết câm lặng đành phải tìm cái
chết.
Lệ Thủy vẫn chưa nhận lời
cầu hôn của Hoàn Ngọc Ẩn mà còn mong chàng xuất dương du học cho thành tài. Buộc
lòng Ngọc Ẩn phải sang Pháp học tiếp mà vẫn mong có ngày về để đẹp duyên cùng Lệ
Thủy. Đến khi tốt nghiệp Bác sĩ trở về thì Lệ Thủy bị kẻ lạ bắt cóc. Bây giờ
chàng phải vất vả lắm một lần nữa truy tầm, cứu người yêu mà suýt mất mạng.
Sau bao nhiêu gian
truân lao khổ mới "Châu về hiệp phố" như ước vọng của đôi trai tài
gái sắc nầy.
Trích văn:
Châu về Hiệp Phố
I
Dụng sắc
giết người
Người đời ai lại chẳng khắc ý thương xuân: cảnh vật đối với xuân rất hữu tình còn người đối với xuân duyên thắm. Thế mà xuân có kiếp có thì đối với quang âm thật là vắn vỏi tính trọn có chín chục thiều quang mà thôi ngoài ra thật gặp tiết mưa tên nắng lửa, gió dáo sương đao, cảnh vật phải thiêu sắc thê lương; còn kiếp đời người ngoài thuở xuân sắc kém thân gầy âu sầu thảm đạm. Cảnh vật đối với xuân như thế! Con người đối với xuân như thế, nhưng có mấy mai để ý.
Trong chốn phồn hoa náo nhiệt, người
thích xuân thắng số dập dìu, xuống ngựa lên xe, sắc phục điểm trang lộ vẻ cực kỳ
hoa lệ. Kẻ mày xanh tóc rậm nô nức vui xuân, còn người tóc bạc mày thưa cũng rán
chen vui với mấy ngày xuân lụn. Mảng vì xuân mà cuộc vui đầy tháng trận cười suốt
đêm, bạc tuôn ra nước, đến chừng xuân biệt cái khổ tâm đeo đuổi cho đến xuống mồ,
chừng tỉnh ngộ vì xuân mà phải nằm gai nếm mật.
***
Cũng trong đêm đó, giờ đó, tại nhà
hát Tây Sàigòn tiếng chuông đổ reng reng… giục thính giả kíp vào xem tấn kịch
Phi Phi đang sửa soạn khởi diển. Người năng xem hát Tây tất đều biết tấn tuồng
này hay đến bực nào ? Tuồng nầy dậm đầy câu chải chuốt lả lơi cho đến sắc phục
của mấy cô đào, tưởng cho núi thấy núi cũng nghiêng, người xem người phải lụy. Đang
khi cái sắc dân đủ hạng con người, nào là nam thanh nữ tú nồng nực mùi hoa, đẹp
xinh sắc phấn chen lấn vào cửa như ngọn nước thủy triều, trên bực thềm trên cao
chót có hai gã thanh niên mặc toàn một thứ sắc phục; quần nỉ đen áo trắng, giày
da láng đen huyền, ai thấy tất nhiên cũng nhận con nhà hào hộ, học thức rộng
xa.
Một chàng tên là Hoàng Ngọc Ẩn
phong tư tuấn nhã, diện mạo khác thường, tuổi đặng hai mươi ba; một chàng nữa tên
là Đỗ Hiếu Liêm tuổi chừng hai mươi hai. Đỗ Hiếu Liêm tuy nhỏ tuổi hơn Hoàn Ngọc
Ẩn mà nét mặt uy nghiêm khẳng khái, còn dung nghi có bề lịch lãm mặm mà. Hai gã
nầy vốn là học sanh y viện cao đẳng tại Hà Nội nhơn dịp bãi trường mới sang tàu
về đến Sài Gòn trong ít bữa.
Đang khi Hoàn Ngọc Ẩn nói chuyện
vui cười với Đỗ Hiếu Liêm bỗng có một cái xe hơi rất huê mỹ kiểu ly-mu-dinh
(Limousine) trong có thắp đèn điện sáng lòa chạy êm ái đến ngay nhà hát Tây, tên
sớp phơ vừa mở cửa xe, thì trên có một ả nhan sắc tuyệt trần, nhẹ nhàng bỏ gót
sen xuống tợ con bướm đáp trên hoa. Hoàn Ngọc Ẩn vừa thấy liền vỗ vai Hiếu Liêm
một cái rất mạnh và nói : “Chà chà, bạn có thấy không ? Nàng nào vừa đến kia cà.
Úy! Cái nàng sao mà sắc lịch Tây Thi thuở trước chẳng ai dám bì đa. Ý ! Cặp mắt
của nàng liếc xéo rất hữu tình và sáng rỡ tợ sao. Thiệt mà! Phong trần có mấy mặt
như thế .”
Đoạn Hoàn Ngọc Ẩn ngâm rằng:
Rõ
ràng một ả không người sánh,
Càng ngó càng say với sắc à !
Bóng hồng nhác thấy nẻo xa,
Đào nguyên lạc lối đâu mà đến đây ?”
Càng ngó càng say với sắc à !
Bóng hồng nhác thấy nẻo xa,
Đào nguyên lạc lối đâu mà đến đây ?”
Đỗ Hiếu Liêm hất tay Hoàn Ngọc Ân
xuống và đáp rằng: “Hoàn huynh sao kỳ dị quá, dẫu người ta lịch sự như tiên đi
nữa cũng mặc người ta, cái gì mà Hoàn huynh vỗ vai tôi quá mạnh làm cho đến giựt
mình, rồi lại khen dồi đến sắc nàng như thế, anh thật là háo sắc ít ai bằng”
Hoàn Ngọc Ẩn nói: “Cha chả bạn hiếu
sắc tợ Liễu Hạ Huệ nay sao làm bộ như vậy, hễ lịch sự thì tôi khen, xấu thì tôi
chê, có cái gì đâu mà bạn phiền tôi vậỷ”
Đỗ Hiếu Liêm nói: “ Tôi cũng biết,
nhưng khen thì để vào long, có đâu đến chốn đô hội này mà còn đem bầu rượu túi
thơ, ngâm nga như mấy ông nho hủ, thế thì cái tư cách của một người có ảnh hưởng
văn minh còn gì ?”
Đỗ Hiếu Liêm vừa dứt lời ả nhan sắc
tuyệt trần đã bước đến bực thềm trên rồi và đi phớt ngang qua mặt Hoàn Ngọc Ẩn.
Chàng bực mình nói rằng: “Nàng xức dầu (origan de coty) thơm quá khoái đến lỗ mũi
của bạn không ?”
Đỗ Hiếu Liêm nghe hỏi tức cười song
gượng làm tỉnh đáp lại rằng: “Nữa cũng khen hoài, xức dầu gì mặc người ta, anh
nói với tôi làm chi. Muốn vậy thì xuất tiền mua một lu thứ dầu ấy rôi về nhảy vô
trỏng mà ngâm mà tẫm?” Hoàn Ngọc Ẩn cười hì hì và nói: “Cái miệng của tôi sao vô
duyên quá, bắt nói xàm hoài. Thôi chuông dứt đỗ rồi, anh em mình vào coi kẻo trễ.”
Khi hai gã nầy vào ngồi chung một
phòng vừa an chỗ, Hoàn Ngọc Ẩn day mặt qua phía hữu thấy nàng tuyệt sắc khi nãy
ngôi trong phòng kế cận thì vui mừng không xiết lật đật lại giơ tay khều Đỗ Hiếu
Liêm còn miệng thì muốn thốt lời. Đỗ Hiếu Liêm biết ý chận nói trước: “Hoàn
huynh muốn nói nữa phải không?”
Hoàn Ngọc Ẩn cười xòa rồi làm
thinh. Bỗng nghe tiếng gõ “cộp, cộp, cộp” tấm màn kéo lên, ấy là tấn tuồng khởi
sự diễn. Các thính giả đều lặng trang như tờ và chầm chầm mắt ngó. Hoàn Ngọc Ẩn
ngó sang qua, đoạn liếc mắt trộm xem gương mặt mày hoa mắt ngọc của nàng tuyệt
sắc. Cũng trong khi đó nàng nầy cũng liếc cặp tròng thu đưa tình với Hoàn Ngọc Ẩn,
Đã vậy mà nàng còn chúm chím cười duyên làm cho trí của chàng nửa say nửa tỉnh.
Chàng nói trong miệng rằng: “Cha chả cái miệng cười có duyên quá. Trai tài gái
sắc trong cảnh ngộ nầy ai thấy cũng nhận rằng dan díu lực tình; nhưng mà “tình
trong như đã; mặt ngoài còn e” đó thôi.Quang âm chóng thoát tuồng diễn gần hết
lớp đầu, Hoàn Ngọc Ẩn chỉ lo ra vì nhan sắc mà không rõ tấn kịch đã diễn đến đoạn
nào. Dầu đang lúc đào kép cụp lạc, giỡn nguyệt trêu hoa làm cho các thính giả đoanh
tròng ngó sững mà Hoàn Ngọc Ẩn chẳng để ý chút nào, chỉ luyện mắt khơi tình với
ả nầy không dứt.
Thình lình chẳng rõ vì duyên hay vì
nợ nguyệt lão muốn khuấy cho nên khiến cho nàng nầy xây xẩm mặt mày mà đứng dậy
bỗng ngã ra bất tỉnh, va đầu xuống gạch máu tuôn ra xối xả như mội trào. Hoàn
Ngọc Ẩn thấy vậy lật đật xô ghế chạy qua phòng nàng đỡ nàng lên trên tay, đoạn
bồng nàng chạy thẳng ra xe hơi hối sớp phơ mở máy chạy thẳng lên đường Catinat,
qua khỏi nhà thờ rồi đổ qua phía tả qua đường Colombert và đậu trước một cái nhà
cất theo kiểu Tây, tuy nhỏ mà nguy nga tốt đẹp.
Khi nàng ngã xuống gạch nghe một cái
rầm ai nấy đều rộn rực kẻ đứng dậy người chạy đến phòng nàng thì chỉ thấy mấy
giọt máu ràng rang dưới gạch còn nàng thì đã bị Hoàn Ngọc Ẩn bồng đi rôi.
***
Nói tiếp qua khi Hoàn Ngọc Ẩn bồng
nàng tuyệt sắc này xuống xe và đem vào nhà chàng để nằm trên cái giường sắt rất
đẹp, đoạn bấm chuông kêu đứa ở chạy lên dạy việc, Hoàn Ngọc Ẩn thấy trên đầu nàng
có một vít rất lớn, máu chảy rất nhiều bèn lấy thuốc gòn và đồ dùng theo việc lương
y rồi biểu đứa ở đỡ đầu nàng lên mà xức thuốc và băng bó cho nàng. Khi cho thuốc
và băng bó vừa rồi, nàng nầy tỉnh dậy mở mắt ra ngó dáo dác, đoạn rờ đầu và gượng
ngồi dậy nghiêng mình tỏ sắc e lệ chào Hoàn Ngọc Ẩn và hỏi rằng: “Thưa thầy chẳng biết vì sao mà
em ở chốn nầy ?” Hoàn Ngọc Ẩn bèn dem hết các việc xảy ra mà thuật hết cho nàng
nầy nghe. Nàng châu mày thở ra và nói:
“Dạ thưa thầy, ơn thầy quá trọng,
biết bao giờ em trả đặng, em thật đa tạ ơn ấy lắm.” Hoàn Ngọc Ẩn tỏ sắc hân
hoan và đáp: “Có chi là trọng, có chi xứng đáng, cho cô thốt lời châu ngọc cảm
tạ như vậy. Thật tôi ái ngại lắm.” Nàng nói: “Dạ xin thầy chớ khiêm nhượng quá,
em muốn biết danh tánh của thầy hầu khắc cốt ghi tâm, chẳng biết có điều chi ngăn
trở hay không?”
Hoàn Ngọc Ẩn nói: “Tôi tên họ là Hoàn
Ngọc Ẩn học sanh y viện tại Hà Nội, tôi đây cũng muốn rõ quý danh của cô, tiện đây
cũng cho tôi biết luôn nhà ở nơi đâu.” Nàng đó suy nghĩ một hồi dường như ngại
ngùng, kế nàng nói: “ Em tên họ là Lệ Thủy. Thầy muốn biết nhà cửa em, xin để
sau rồi em sẽ cho biết.” Nói dứt lời nàng Lệ Thủy xuống giường chấp tay lại và
nói: “Em xin thầy cho phép em về.”
Hoàn Ngọc Ẩn ngó bàn tay của nàng có
ba chiếc cà rá hột xoàn thì định nàng con nhà phú hộ, hoặc hiền thê của một nhà
sang trọng nào đó.
Hoàn Ngọc Ẩn nói: “Cô về chi gấp
xin ở nghỉ một giây lát cho bớt đau rồi sẽ về không muộn, chẳng biết cô có chồng
chưa, vậy xuân niên cô đặng mấy ?”
Lệ Thủy e lệ thưa rằng: “Dạ thưa đang
xuân hai chín, 12 bến nước còn đang lọc lừa. Em muốn về vì đau cũng giảm nhiều,
và lại đêm hôm phận gái xảy chơn lạc bước đến nhà thầy ở lâu e không tiện, xin
thầy thứ lỗi.” Hoàn Ngọc Ẩn không nỡ cầm lại nên nói: “Cô về cũng được, song vít
nầy rất nặng, chín mười ngày săn sóc kỹ lưỡng mới thiệt lành, nếu như cô tưởng
đến lòng tôi xin ngày mai trở lại, tôi sẽ tận tâm cho thuốc.”
Dạ em cám ơn thầy lắm nhưng không dám
làm nhọc lòng thầy, để em cho rước lương y đến nhà điều trị tiện hơn.
Nói dứt lời nàng Lệ Thủy rón rén cúi
đầu một lần nữa đoạn trở lưng đi ra xe. Hoàn Ngọc Ẩn nối gót nàng ra đến đường.
Trước khi lên xe nàng Lệ Thủy nói nhỏ với sốp phơ rằng: “Coi dùm số nhà cho tôi.”
Tên sốp phơ trả lời vắn tắt: “dạ xong”. Xe mở máy nghe rì rì, chạy thẳng đến ngã
ba đường Mac Mahon đoạn quẹo qua tay mặt mà dung ruổi.
Xe chạy khuất dạng Hoàn Ngọc Ẩn đứng
ngơ ngẩn một mình, lóng tai nghe bóp kèn to-to rồi lần lần lặng mất. Chàng ta
thở ra và nói một mình rằng:
Người
đâu gặp gỡ làm chi,
Trăm năm biết có duyên gì hay không ?
Trăm năm biết có duyên gì hay không ?
………
- 0 -
Trong làng báo,
nhiều ký giả viết về Phú Ðức, họ có quan điểm như nhau, Phú Ðức là một hiện tượng
lạ trong làng báo:
- Chỉ có viết tiểu thuyết mà làm chủ
bút tờ báo Công Luận (làm chủ bút mà
không cần nắm chủ trương, đường lối, không viết xã luận, mỗi ngày chỉ viết tiểu
thuyết mà thôi)
- Một tuần báo Bình Dân chỉ đăng toàn tiểu thuyết của ông, nó bán rất chạy và đủ
nuôi tờ nhật báo Dân Thanh (thật ra
tuần báo Bình Dân còn có đăng về các
kỳ đua ngựa, những người mê đánh cá ngựa có thể vừa theo dõi các trận đua, vừa
đọc tiểu thuyết giải trí).
- Chỉ có bổn cũ Châu về hiệp phố soạn lại, mà ông tạo ra
xe hơi, nhà lầu.
Ðúng ra ông là tiểu
thuyết gia đẻ bọc điều, trong làng báo miền Nam, ông viết tiểu thuyết không chú
trọng về văn chương, những cảnh ông tả chỉ để xác định không và thời gian,
trong bối cảnh phải có mà thôi, chẳng hạn như đoạn Hiệp Liệc cứu Hiếu Liêm trong Châu
về hiệp phố.
Ðêm hôm sau vào lúc 9 giờ, tại nhà Hoàn Ngọc Ẩn, Năm Mạnh và Lục Tặc
đang trò chuyện, thì bên ngoài một trận mưa to, gió lớn đang đổ nước xuống ào
ào ...
Ông thường hành
văn hí ngôn, trong câu đối thoại, dù thực tế hiếm có xảy ra như đoạn sau đây giữa
thám tử Ðỗ Hiếu Liêm và Ðội Tài:
- Thầy Ðội hôm nay có chuyện gì mà thầy đi vào
đây có gương mặt buồn teo như thế ?
Ðội Tài thở dài:
- Rua xếp ! Thật vậy ông xếp thấy cái mặt tôi
hôm nay nhăn nhó như cái xíu mại khó thương làm sao.
- Có thím Ðội lẽ nào ngâm câu : “Anh đi đàng
anh, em đi đàng em” chớ gì ?
Ðội Tài mĩm cười :
- Phải như thế thì tôi ‘’ măng phú ‘’ xếp à,
đàn bà như trấu xay tôi kể gì. Hôm nay tôi đến thăm xếp đặng báo một cái tin đặc
biệt.
- Tin chi vậy hở thầy Ðội ?
- Một vụ cướp táo bạo nhà máy Huỳnh Long ở Bình
Tây bị bọn cướp khoét tủ sắt không còn một xu con.
Bọn cướp thật hung ác,
chúng đâm anh Chà ban cà lì đổ ruột chết lòi cà ri không kịp ngáp.
Tiểu thuyết của
Phú Ðức được nhiều độc giả ưa chuộng vì có nhiều nguyên nhân:
-
Ông lợi dụng phong trào võ ta và quyền anh có sự thách thức giữa võ sĩ Tạ
Ánh Xém và Amadou vào khoảng năm 1924.
-
Tiểu thuyết kiếm hiệp có pha lẫn loại trinh thám, một thể tài mới lạ và
cũng có phần gần gủi với truyện Tàu.
-
Thể tài nầy không kén lựa độc giả như loại tiểu thuyết tình cảm hay luận
đề.
- 0 -
Nghiên cứu về tiểu thuyết miền Nam, không thể bỏ qua nhà văn Phú Ðức,
nói đến tiểu thuyết tình cảm xã hội phải nói đến Hồ Biểu Chánh, nói đến tiểu
thuyết trinh thám võ hiệp phải nói đến Phú Ðức, bởi vì ông là một hiện tượng đặc
biệt trong làng báo miền Nam.
Đầu thập niên 1950, có Phi long viết tiểu thuyết trinh thám Bàn Tay
Máu, nổi danh một thời nhưng chỉ một thời đó mà thôi, nên không thể đem so sánh
với Châu Về Hiệp Phố của Phú Đức.
Tài liệu tham khảo:
- Phú Đức Web: khoavanhoc-ngonngu.edu.vn
- Phú Đức, Châu về hiệp phố, Tiền Giang, 1988
- Phú Đức, Châu về hiệp phố, Tiền Giang, 1988
Nhà văn đa tài
ReplyDelete