Pages

Thursday, October 23, 2014

Quán cây tre



Quán cà phê ở góc một con hẻm. Quán không có tên, mặt tiền có trồng vài gốc tre, nên những người đến uống cà phê đặt cho nó cái tên là Quán cây tre, vài năm gần đây, mấy người bạn của tôi bỏ quán cà phê trên đường số 5, từ Công viên Phú Lâm quận Bình Tân, họ dời về Quán cây tre vì họ phát hiện nơi đây cà phê nguyên chất.

Người ta thường có thói quen uống cà phê ở một cái quán nào có cà phê ngon có hương vị theo sở thích của họ, nhưng cái không khí của quán thường làm cho người ta ưa thích, tạo thành thói quen, không đến nơi đó cảm thấy thiếu thốn, nên người ta cho là ghiền cái chỗ ngồi hơn là ghiền ly cà phê.

Tại bàn cà phê, vào buổi sáng, nhóm bạn tôi ngồi từ 8 giờ cho đến hơn 10 giờ, gặp nhau hàng ngày, họ đọc báo của quán, gọi điện thoại thăm bạn bè, nói chuyện nắng mưa, một ngày cũng như mọi ngày, vậy mà họ vẫn có chuyện để nói.

Họ là bạn tôi, chủ yếu gồm một cập vợ chồng, thuở thiếu thời anh chồng học Trường Kỹ Thuật Cao Thắng, ở trung tâm Sàigòn, rồi anh ta đi làm cho Điện lực, sau 1975 cũng vượt biên đến 12 chuyến, không thành nên trụ lại lây lất qua ngày, nay đã thất thập cổ lai hy nên sáng sáng gặp bè bạn uống cà phê nghiền ngẫm thời đã qua.

Một anh bạn khác, sau khi tốt nghiệp Cao Thắng, vào học Cao đẳng Sư phạm Kỹ thuật rồi đi dạy học ở ngoài miền Trung, sau 1975 đi làm cho xí nghiệp sản xuất dây điện rồi về hưu, nay an hưởng tuổi già.

Hai anh bạn này, có người hình như có chân trong câu lạc bộ nhiếp ảnh nghệ thuật, một anh mới tập cầm máy ảnh, nên thỉnh thoảng họ tổ chức đi Trung đi Bắc đến những nơi có phong cảnh đẹp để chụp ảnh, đôi khi họ mang ra cho mọi người xem.

Một anh bạn nữa, không học chung với chúng tôi ở Cao Thắng, có biệt danh Ông Sáu, cùng ở trong nhóm nhiếp ảnh, gặp nhau họ thường bàn về những chuyến đi săn ảnh hay dự định cho chuyến đi săn ảnh sắp đến.

Tôi nhớ đến những năm Trung học, tôi đã từng học một lớp nhiếp ảnh nghệ thuật được tổ chức tại trường, có những nhiếp ảnh gia tên tuổi như Trần Cao Lĩnh, Cao Đàm, Minh Tuyền… các họa sĩ U Văn An, Thịnh Đen… Nhưng nhiều năm không cầm máy, không sáng tạo thì chẳng khác nào tay mơ.

Một anh bạn khác học cùng khóa nhưng không cùng lớp, cho nên tôi không được rành về anh chàng này, nhưng luôn luôn góp ý vui vẻ, tâm đồng ý hợp.

Một anh bạn khác từ trường khác chuyển về học cùng trường những năm Đệ nhị cấp, sau này làm ở Điện lực, mấy năm trước bị tai biến nhẹ, nay đã có thể đạp xe từ nhà ở Lãnh Binh Thăng, gần Trường đua chạy sang góp mặt cùng anh em.

Đó là những anh bạn thường trực của tôi tại quán cà phê này, thỉnh thoảng họ gọi điện cho anh nọ anh kia, cũng có người tới góp mặt bàn chuyện cho vui tuổi già.

Dĩ nhiên ở bàn cà phê, câu chuyện chẳng bào giờ dứt, chuyện nọ tiếp nối chuyện kia, chuyện ngày trước và chuyện hiện nay, đôi khi họ bàn đến cách pha chế cà phê với beurre, với rượu, ngày nay với bắp, với đậu nành, với hương liệu …

Họ cũng bàn tới cách pha cà phê, như xưa kia cà phê đỗ vào trong cái vợt nhỏ, để vào trong cái ly hay cái bình rồi đổ nước sôi vào, gọi là cà phê vớ, cà phê pha trong cái vợt, cái vợt để trong cái siêu hay cái ấm, đổ nước sôi vào rồi để trên lò lửa cho cà phê luôn luôn nóng, gọi là cà phê kho trước khi có cà phê phin.

Vài chục năm trước, người bình dân uống cà phê, họ đỗ cà phê nóng từ cái ly ra cái dĩa, rồi uống cà phê trong cái dĩa.

Khoảng 10 giờ, họ chia tay không hẹn, nhưng một thói quen, ngày mai họ bị cơn ghiền chỗ, không có chuyện chi, họ cũng mò tới để uống ly cà phê mừng ngày mới vẫn còn sống với bạn bè. Ngoài ra còn mấy bàn khác, cũng với những khuôn mặt đó hôm qua và hôm nay góp mặt, ngoài ra còn mấy bàn cờ tướng bên vĩa hè.

Đó là cái Quán cây tre, trong con hẻm trên đường Lạc Long Quân 11, chỗ không cần hẹn, tôi có thể gặp bạn hằng ngày.

Mấy hôm nay trời mưa lại thêm triều cường, nên nhiều con đường bị ngặp nước, cầu Phú Lâm bị đóng để xây kè chống ngập, từ Phú Lâm ra Sàigòn, Chợ Lớn chỉ có vài cây cầu sử dụng được, nên nạn kẹt xe kinh khủng vào giờ cao điểm, trừ cầu Hậu Giang giao thông tương đối tốt, không bị tắc nghẽn, nhưng các bạn tôi vẫn vượt qua khó khăn, để hằng ngày hai lượt đi về họp mặt, chỉ vì ghiền cái chỗ ngồi.
Sg 23-10-2014

No comments:

Post a Comment