Pages

Thursday, October 9, 2014

Nhà văn Nam Đình



Nam Đình - Nguyễn Thế Phương (1907-1978)

Ông Nam Đình còn có bút danh khác là Nguyễn Kỳ Nam, tên thật là Nguyễn Thế Phương, nguyên quán tỉnh Long An.

Ông làm phóng viên của nhiều tờ báo, chuyên về tin tức tòa án. Từng chủ trương tờ Đuốc công lí rất giá trị tại Sàigòn trước năm 1945; nhất là tờ nhật báo Thần Chung do ông tục bản, vừa làm chủ nhiệm kiêm chủ bút, nổi tiếng trong báo giới miền Nam, với chủ trương thống nhất tổ quốc, nhằm chống lại nhóm báo phân ly của chính phủ "Nam Kỳ tự trị" Nguyễn Văn Thinh.

Năm 1945 ông làm Đổng lí văn phòng bộ Tư pháp của Bộ trưởng Trịnh Đình Thảo trong nội các Trần Trọng Kim ở Huế.

Sau Cách mạng tháng 8 năm 1945 ông bị nhóm "Nam kỳ tự trị" khủng bố, tòa soạn báo Thần Chung bị đốt cháy, sau đó báo tục bản đến năm 1954. Sau hiệp định Genève ông bị chính quyền Ngô Đình Diệm khủng bố mãi đến sau năm 1963 ông mới cầm bút lại đều đặn trên các tờ Đuốc Nhà Nam, Dân chủ mới. Một thời gian dài trên các báo vừa dẫn các mục Bài học lịch sử và văn học đều do ông viết nhưng được ký với bút hiệu Thiếu Sơn để tránh kiểm duyệt và tăng giá trị tờ báo.

Năm 1977, tuổi già, bệnh nặng, ông được hai người con gái (Nguyễn Thị Cẩm Vân, Nguyễn Thị Cẩm Hường) bảo lãnh sang Pháp trị bệnh. Ông mất tại Pháp ngày 29-1-1978 tại Pháp, thọ 72 tuổi.

Từ thuở thanh xuân cho đến cuối đời, ông cũng có viết nhiều bộ tiểu thuyết được độc giả hoan nghênh:

- Mộng hoa (Tam Thanh, 1928)
- Bó hoa lài (Phạm Văn Thình , 1930)
- Túy hoa đình (tiểu thuyết, Bảo Tồn, 1930)
- Khép cửa phòng thu (Bảo Tồn, 1930)
- Vô oan trái (ái tình tiểu thuyết, Nhà in J.Viết, 1931)
- Chén thuốc độc (Phạm Văn Thình , 1932)
- Giọt lệ má hồng (Tín Đức, 1932)
- Bó hoa lài (Xưa Nay, 1932)
- Cô Bạch Mai (1932)
- Cô Ba Tràng (Bảo Tồn, 1933)
- Khép cửa phòng thu (tiểu thuyết, Phạm Đình Khương, 1933)
- Lửa phiền cháy gan (Phạm Đình Khương, 1934)
- Khối tình (tiểu thuyết, Phạm Đình Khương, 1937)
- Vì một mối thù (Bảo tồn, 1938)
- Tội của ai? (tiểu thuyết, Phạm Đình Khương, 1938)
- Huyết lệ hoa …

- Sài Gòn tháng 9 năm 1946 (1946)
- 83 năm nước Pháp với Việt Nam đã mấy lần kí hiệp ước. (1946)
- Hồi kí (hồi kí gồm 3 tập, t
ập 1 in năm 1964)

Trích văn:
Bó hoa lài
……………
Về điệu văn nó cũng là dễ xài; tuy nó không bằng mấy người đỗ tú tài, đậu còm mi, chớ cũng là bực trung vậy! Oi ! Mà đời này chữ nghĩa có dùng bao nhiêu, duy có đồng tiền là trọng dụng hơn hết. Phương chi mấy ông còm mi, mấy cậu tú tài, về chuyên làm việc nhà nước, lấy cái bằng cấp treo trước ngực, ra đi coi tự kêu tự đắc, muốn cho người ta kêu ông này ông kia, mà không ai thèm kêu, muốn cho người ta bẩm thưa, mà ai thèm bẩm thưa, chớ như có đồng tiền, bước ra một bước thì hiếm người bẩm thưa, tôn trọng để trên đầu, ở thành thị chớ nào phải ở trong làng trong tổng, có chức phận mà người ta sợ, người ta kính vì.
……………………….
Di hận ngàn thu
………………….
- Này ông Bang ơi, tôi là người chịu khổ từ khi tôi mười lăm tuổi. Cái khổ độc nhất vô nhị trên đời. Mẹ tôi chết hồi tôi còn nhỏ, cha tôi kiếm người khác coi sóc trong nhà nhưng than ôi, mẹ ghẻ xưa nay mấy người được hiền lành chơn chánh. Cha tôi có sự nghiệp cũng nhiều, dì tôi lại tóm thâu hết nên một hôm kia dì toan mướn người giết cha tôi…
Ngọc Điệp nói tới đây khóc ngất. Ong Bang an ủi mà rằng:
- Rồi sao nữa? Giết cách nào? Quan trên có buộc tội chăng?
Ngọc Điệp gạt lụy, kể chuyện rằng:
- Giết một cách tàn nhẫn, xưa nay dễ mấy người sâu độc
- Giết cách nào?
- Cha tôi ham săn bắn, dì tôi cho người đi theo lên rừng sâu rồi thì giữa chốn vắng vẻ quạnh hiu, tư bề cây cao bóng mát, nào có một ai lai vãng chốn này nên kẻ vô lương kia chĩa súng vào đầu cha tôi mà bắn.
- Thế thì ngừơi ấy bị xử chém sao?
- Không, nó ở ngoài  vòng pháp luật.
- Sao vậy?
- Viện lẽ rằng người ấy là bạn, đi săn gặp việc rủi ro là việc thường nên quan trên tha bổng.
- Úy, trời ơi…
- Chuyện vậy chỉ có một tôi biết mà thôi. Dì tôi hưởng hết gia tài của cha tôi để lại nhưng hoàng thiên đâu có phụ người ngay. Cha tôi có để lại chút ngôn trên phòng quan Nôbe.
- Chút ngôn để lại gia tài lại cho cô phải chăng?
- Phải, nhưng tôi không được hưởng.
- Sao lạ vậy?
- Trong chút ngôn cha tôi  dặn rằng sau khi cha tôi măn phần thì gia tài sự nghiệp này để lại tôi nhưng bao giờ tôi lớn lên, kết hôn với một nhà ngôn luận có tên tuổi.
Ông Bang chặn lại mà rằng:
- Thiếu gì mấy ông chủ bút đó. Vô số chủ bút ở Sài Gòn mà.
Ngọc Điệp đáp rằng:
- Trong chút ngôn nói rành rẽ lắm, cha tôi chọn nhà ngôn luận nào biết bênh vực quyền lợi cho quốc dân, biết trọng danh dự ngòi viết, ít nữa là chỉ ròng rã một nghề viết báo mà thôi.
…………………………
(Công Luận Báo số 2523)
Quyển Hồi Ký tập III  Thay lời tựa của nhà báo kỳ cựu Cát Hữu là bài Đọc Hồi ký của Nguyễn Kỳ Nam như sau:

"Vieil homme, recru d'épreuves, détaché des entreprises, sentant venir le froid éternel, mais jamais las de guetter dans l'ombre la lueur de l'espérance."

Général de Gaulle
(Mémoires de guerre)

Một văn hào Tây phương từng được thanh niên coi là bực thầy về Nghệ thuật Sống, André Maurois đã nhận xét trong một cuốn tiểu thuyết của ông rằng: cái quyến rũ của những người bạn mới ở điểm, họ giúp ta biến đổi cả một quá khứ mà ta hằng mong muốn đẹp đẽ hơn...

Tôi đã nhớ lại nhận xét vô cùng tế nhị kể trên của A. Maurois khi tôi tự hỏi: Những người viết Hồi Kí đã viết cho ai? Viết cho những bạn cũ của mình để cùng nhau ôn lại một khoảng thời gian đã trôi qua nào đó? Hay viết cho những người xa gần chưa hề quen biết với ước mong họ sẽ trở thành những bạn mới của mình... sau khi mình đã mời họ cùng mình ngược dòng thời gian?

Tôi tin rằng trường hợp thứ hai có lẽ đúng hơn: người viết Hồi Kí đã nhắm vào những người bạn mới. Không cứ phải là nhà chánh trị... mới thấy "thêm bạn" là hay. Mà ở đời, không ai là không thèm mỗi ngày một thêm bạn mới. Bạn mới có một sức quyến rũ lạ lùng. Tại sao? A Maurois đã giải thích rồi đó.

Anh Nguyễn Kỳ Nam khi viết tập Hồi Kí này của anh lúc đầu chỉ đề tặng bạn hữu thôi, chớ không bán, đã nghĩ rất nhiều tới những "bạn mới". Viết vào năm tuổi anh đã trong ngoài sáu chục; Nguyễn quân lại còn nghĩ rất nhiều... tới những bạn tuổi mới quá đôi mươi. Đó là phương thuốc "cải lão hoàn đồng" thần diệu mà tác giả đã khôn ngoan tự "bốc" cho mình. Hướng về tương lai, bằng cách kể lại quá khứ người viết Hồi Kí quả tình đã tỏ ra... có cái đức tánh "biết già".

(Nguyễn Q. Thắng-Nguyễn Bá Thế, Từ Điển Nhân Vật Lịch Sử Việt Nam, Tổng Hợp Tp. HCM, 2006, tr. 947)
Ông Nam Đình chẳng những là một nhà văn có tiếng, ông còn là nhà báo danh tiếng hơn, ông là người tục bản tờ báo Thần Chung vào cuối thập niên 1940, tờ báo rất được độc giả ưa chuộng vì nội dung có giá trị từ tin tức cho đến văn chương.

Tài liệu tham khảo:

- Nam Đình Web: vi.wikipedia
- Bó hoa lài
Web: khoavanhoc-ngonngu.edu.vn

No comments:

Post a Comment