Pages

Saturday, October 18, 2014

Đi về Việt Nam



Tôi đã về Sàigòn, một chuyến đi khá vất vả với hãng hàng không American Airlines và Japan Airlines, vất vả vì “tuổi già sức yếu” chớ không phải vì nặng nhọc hay chuyến bay với thời tiết xấu.

Thứ năm 17-10-2014 chúng tôi lên đường từ phi trường Louisille, đây là phi trường có tiêu chuẩn quốc tế, là căn cứ của UPS, nhưng không có máy bay đi nước ngoài cho nên chúng tôi phải bay tới Chicago, nhà tôi bị suy thoái cột sống, nên cần xe lăn, và chúng tôi ăn chay nên khi mua vé có yêu cầu xe lăn và thức ăn chay. Vào ngày Thứ Hai, nhân có việc đi ngang qua phi trường, tôi ghé vào quầy vé yêu cầu họ kiểm tra dùm thức ăn, họ trả lời là không thể kiểm tra được, tin rằng hãng máy bay sẽ phục vụ tốt như trước đây.

Nhưng trên chuyến bay ra ngoại quốc, của hãng AA từ Chicago đến Tokyo, Nhựt Bổn, đến khi phục vụ thức ăn, tiếp viên cho biết không có thức ăn chay phục vụ, chúng tôi cho biết có yêu cầu khi mua vé, tiếp viên xin lỗi, hứa sẽ tìm thức ăn chay cho chúng tôi.

Sau khi phân phối thức ăn cho hành khách, họ mang đến cho chúng tôi 2 tô nuôi, trong mỗi tô có 2 phần, một phần nuôi sốt cheese và phần kia nuôi dồn cheese với rau spinach và sốt cà chua, sau khi họ trình bày rằng không có cá thịt, chúng tôi đồng ý, họ yều cầu chờ để làm lại cho chúng tôi dùng, gần nữa giờ sau họ mới mang khay thức ăn ra, ngoài tô nuôi còn có những thức ăn khác như bánh mì, sà lách trộn dầu dấm, một ổ bánh mì nhỏ, một miếng cheese, trái cây tráng miệng …

Trên chuyến bay JAL từ phi trường Natari về Sàigòn, hãng này phục vụ rất chu đáo, nhà tôi đi xe đẩy, khi vào máy bay họ mang xách tay của nhà tôi đến chỗ ngồi và để vào ngăn chứa xách tay, họ hỏi chúng tôi có phải đã có yêu cầu ăn chay để họ phục vụ bữa ăn. Họ cũng cho tôi biết ông khách ngồi cùng hàng ghế cách tôi lối đi, có vấn đề về ngôn ngữ ở quầy vé, nên nhờ tôi giúp đỡ khi ông ta có yêu cầu với tiếp viên.

Khi máy bay cất cánh một lúc, tiếp viên mang khăn ấm cho hành khách lau mặt, lau tay, tôi mới chợt nhớ ra từ mấy năm sau này, các hãng máy bay Mỹ đã bỏ việc phục vụ khăn lau mặt, lau tay. Đến giờ ăn trên mâm thức ăn chay của JAL, có một hộp cơm nấu với đậu, nấm tuyết xào mặn, một hộp nhỏ xà lách, một hộp nhỏ dưa chua, một hộp nhỏ vài miếng dưa leo, cà sống, một ổ bán mì nhỏ, một miếng cheese, một hộp nhỏ xoài để tráng miệng, nhưng do bữa ăn chót trên AA cách đó chừng hơn 2 giờ, nên chúng tôi không thể dùng thêm nhiều, chỉ ăn qua loa cho biết những món ăn của họ mà thôi.

Khay thức ăn chay của JAL

Còn chừng hơn một giờ đến Tân Sơn Nhất, họ báo cho nhà tôi biết khi đến nơi, ngồi yên tại chỗ, chờ họ tìm xe lăn và tiếp viên của họ sẽ đưa nhà tôi ra tân xe lăn, rồi họ đi tìm một hành khách có tên NGUYEN, họ nhìn số ghế, rồi hỏi ông khách ngồi bên kia lối đi có phải tên ông ta hay không, ông ta đưa tờ giấy có ghi tên NGUYEN cho tôi, và nhờ tôi nói dùm với cô tiếp viên không phải tên ông ta.

Khi cô tiếp viên tiếp tục đi tìm ông NGUYEN, tôi mới hỏi ông ta tên chi, ông ta cho biết:

- Tôi tên Chỉ nhưng bây giờ họ viết là Chi.

Tôi chợt nhớ và hỏi:

- Vậy anh họ gì ?

- Tôi họ Nguyễn.

- Đúng cô tiếp viên đi tìm anh đó! Vì họ viết họ, chớ không vết tên.

Một chốc sau cô tiếp viên quay trở lại, tôi cho cô ta biết đó là ông khách cô đi tìm, vì ông ta và tôi hiểu lầm giữa họ và tên. Cô ấy cho tôi biết, ông ta có yêu cầu xe lăn, vì vậy khi máy bay đến nơi, báo cho ông ta biết hãy ngồi tại chỗ, chờ tiếp viên tìm xe lăn. Ông ta cho biết, có thể tự đi bộ được, nên không cần xe lăn.

Sau khi cô tiếp viên đi rồi, ông ta nói với tôi, thân phụ ông ta 84 tuổi hấp hối, trước đây ông ta đã về Việt Nam 3 tháng nuôi bệnh, nay thân phụ hấp hối nên phải về cho kịp lúc thân phụ lâm chung, vì vậy khi máy bay ngừng ông ta cần đi ra nhanh, không phải ở chờ xe lăn, ra khỏi phi trường, ông ta phải thuê bao xe về ngay ở Rạch Giá.

Lúc mới vào phi cơ, cô tiếp viên nhờ tôi giúp đỡ ông ta, tôi quan sát thấy ông ta ăn mặc gọn gàng, lịch sự, nhưng nét mặt da nhăn nhúm, tôi nghĩ ông ta phải bằng tuổi tôi hoặc lớn hơn tôi vài tuổi, nay mới rõ thân phụ ông ta lớn hơn tôi 10 tuổi, ông ta phải nhỏ hơn tôi ít ra là 8 tuổi, nhưng nét mặt khắc khổ, chứng tỏ ông ta đã trải qua một thời phong sương với đồng ruộng hay nghề cá ở ngoài biển.

Khi vào trình giấy tờ nhập cảnh, nhân viên công an cửa khẩu trông có vẽ nhàn nhã, anh ta hỏi tôi sanh quán ở đâu, rồi đóng dấu, ghi chép, gõ máy vi tính, nói với tôi:

- Máy chạy chậm quá !

Làm cho tôi liên tưởng đến lần trước, anh công an cửa khẩu nói với tôi:

- Máy trục trặc, bác đến ghế ngồi chờ một chốc.

Thế là tôi đến băng ghế ngồi chờ gần nữa giờ sau, anh đẩy xe lăn của nhà tôi trở lại nhờ họ giải quyết, tôi mới được anh công an khác đưa đi lên tầng lầu trên gặp một nhân viên an ninh khác hỏi tôi mấy câu hỏi, bắt tôi ghi xuống giấy địa chỉ, số điện thoại ở Mỹ và địa chỉ nơi tôi tạm trú ở Sàigòn. Câu chót nhân viên này đã đánh đòn cân não với tôi:

- Nếu bác gia nhập đảng phái, chúng tôi sẽ không cho bác về Việt Nam nữa!

Lần này, máy vi tinh ấy chạy chậm thật, tôi nhìn mấy chiếc máy đời cũ, nằm trên các bàn làm việc của công an cửa khẩu, tự hỏi sao bộ phận này không trang bị máy móc hiện đại cho hành khách nhờ, vì ai cũng muốn mọi việc nhanh chóng để về với thân nhân.

Xuống tới chỗ lấy hành lý, tôi còn thấy anh hành khách ở Rạch Giá vừa đẩy xe hành lý của mình đi ngang qua tôi, tôi vẫy tay chào, không thể chúc anh ta: “Đi đường vui vẻ”, cũng không thể “chúc may mắn”, cũng không thể “chia buồn” với anh ta.

Rời khỏi phi trường hơn 11 giờ đêm, nhiệt độ 75 hay 76 độ, tôi cảm thấy nóng sau trên 24 giờ trong máy bay hay ở phi trường có máy điều hòa không khí.

Có thân nhân, có bạn bè phải đi về thăm viếng, đi lại rất vất vả cho người lớn tuổi, nhưng chuyện tình cảm chúng ta là phải đi lại, viếng thăm thân nhân, họ hàng. Từ sau cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, tôi nhận thấy cung cách phục vụ của JAL là tốt nhất, các tiếp viên luôn luôn tươi cười khi phục vụ và nghiêng mình cúi đầu chào hết sức cung kính, như họ đà tận tâm phục vụ hành khách.
Sàigòn 19-10-2014

No comments:

Post a Comment