Pages

Tuesday, September 26, 2017

Anh tôi



Huỳnh Ái Chủng (1928-2017)

Anh tôi sinh năm Mậu Thìn, nhưng không rõ vì sao cha tôi để đến cuối năm sau mới làm khai sinh. Do đó trên giấy khai sanh ghi sanh ngày 1 tháng 12 năm 1929.

Nghe gia đình kể lại, anh tôi là cháu trai đầu tiên của bà nội cũng như bà ngoại, nên được cả hai bà thương yêu, lên 3 bà nội vẫn ẳm bồng khi đi chơi hàng xóm, lớn lên đi học ở trường tỉnh Long Xuyên, mỗi lần vào Bờ Ao thăm bà ngoại, bà ngoại cho cả xâu tiền để ăn bánh.

Anh Hai và chị Ba của tôi

Anh tôi thi rớt bằng Tiểu học, về ở nhà, sau đó cuộc Cách mạng mùa thu nổ ra, anh có theo bộ đội vài tháng. Trở về nhà anh đi học dệt ở Chợ Mới, khi thành thạo tay nghề, anh về nhà,  thân phụ tôi đóng khung dệt, anh dệt vải ta, dệt lãnh Mỹ A, dệt khăn mouchoir. Sau đó vải sợi được nhập cảng, thành phẩm anh dệt ra bán không chạy, nên anh bỏ nghề dệt, lấy ngôi trường làng, cùng với người bạn mở lớp dạy tư.

Anh tôi dạy học được vài tháng, có người chị có chông người Pháp ở Hà Nội, về quê thăm mẹ, anh tôi trốn gia đình theo chị ấy lên Sàigòn, chị ấy gửi anh tôi cho người chị của chị ấy, nhờ đó có chỗ ngủ nghỉ, ăn ngày 2 bữa. Muốn có tiền xài, anh tôi phải đi gánh nước mướn, mỗi đôi được 5 xu.

Sống như thế được vài tháng, chắc do chú tôi giới thiệu, anh tôi được vào làm cho nhà thuốc Nhành Mai, thời đó nhà thuốc nầy danh tiếng với Thuốc Dưỡng Thai hiệu Nhành Mai và Thuốc Dán hiệu Con Rắn, có địa chỉ 36 Sabouraine, sau đổi thành Tạ Thu Thâu, nay là đường Lưu Văn Lang, ở cửa Đông chợ Bến Thành, được ông bà chủ Nguyễn Văn Lượng cho trú ngụ luôn tại đây, ăn cơm quán.

Ban ngày anh tôi làm cho nhà thuốc, ban đêm anh tôi đi học thêm về kế toán ở trường nhà kiếng, là cái nhà có những tấm kiếng làm tường, gần cửa ra vào Vườn Tao Đàn, nằm trên đường Lê Văn Duyệt, nay là Cách Mạng Tháng 8, cơ sở đó sau thuộc Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam.

Anh tôi có bằng kế toán của Trường nhà kiếng, tiếp tục làm cho nhà thuốc nhành mai một thời gian, rồi xin vào làm cho Ngân Hàng Quôc Gia, ở Bến Chương Dương, Sàigòn. Sau đó, anh tôi đi làm cho đồn điên Cao su Mimot, bên Cambodge.

Năm 1953, anh tôi bị động viên vì chiến trường Điên Biên Phủ, nên trốn lính mua vé tàu đi sang Pháp. Năm đó, có hai sự kiện đáng nhớ, có cô Quờn ở Khánh Hội vì ghen đốt chồng, đồng bạc Đông Dương bị sụt giá so với đồng France. Sự kiện nầy làm cho anh tôi đặt chân lên thành phố cảng Marseille không tiền, ngày ăn bánh mì, uống nước fountaine, tối đi lang thang.

Cuối cùng anh tôi tìm được chân thủy thủ, vừa làm vừa học thêm.

Chị dâu của tôi đã mất vào thập niên 1990

Khoảng năm 1955, anh tôi lập gia đình với một phụ nữ người bản xứ, ở thành phố Avignon, rồi họ có đứa con gái đầu lòng, nhưng do anh tôi tánh tình nghiêm khắc, nên họ chia tay, anh tôi lên Paris lập nghiệp.

Cháu Véronique Huynh

Anh làm Kế toán trưởng kiêm Trưởng phòng nhân viên cho nhà in J. Beutier rồi về hưu vào  thập niên 1980, anh tôi có nhà ở vùng Ivry Sur Seine. Từ giữa thập niên 1990, anh tôi về Việt Nam mua đất cất nhà ở Bình Tân, mua nhà ở Đà Lạt, nhà ở Bình Tân nhằm giúp cho con cháu ở quê lên Sàigòn học có nơi trú ngụ, nhà ở Đà Lạt để khi cần lên đó nghỉ dưỡng.

Con gái anh tôi, sau khi tốt nghiệp đại học ở Paris, trở về quê lập gia đình, có một đứa con trai, nó đã tốt nghiệp đại học, đã đi làm.

Véronique Huynh, chồng và con trai Julien Pouchon. Ảnh chụp trước Nhà hát lớn Sàigòn

Khoảng 10 năm trước, con gái anh tôi bị tai biến mạch máu não, sau khi điều trị có thể đi lại, nói chuyện từng tiếng một, rồi cháu đã qua đời vào năm 2015, theo ước muốn, cháu đã hiến thân xác của mình cho y học.

Sau khi con gái mất, anh tôi bán căn nhà ở Bình Tân, tiền bán nhà đó cho người thân, còn căn nhà ở Đà Lạt cho các cháu, con của người anh kế tôi, anh ấy đã mất cũng vì tai biến mạch máu não.

Gần đây anh tôi bệnh phải điều trị ở bệnh viện Pierre et Marie Curie, rồi bệnh viện quân đội Pháp, cuối cùng anh vào nằm ở Hôpital Chales-Foix. Tại đây, vào tháng 7-2017, tôi có sang Paris vào bệnh viện thăm anh, anh vẫn tỉnh táo, chuyện trò với tôi, bảo tôi lục tìm những tờ giấy bạc 500 Euros, để đem ra Banque De France đổi ra tiền khác, vì đến cuối năm nay Cộng đồng Âu Châu không còn xài tiền nầy nữa, anh bảo tôi lục tìm mấy cái đồng hồ Patek Philippe của anh, để anh nhờ bạn đem sang Hồng Kông sửa chữa, anh cũng nhờ tôi tìm gom những đồng tiền vàng 37.5gr để lại một chỗ.

Anh cho tôi biết, anh bị ung thư phổi nhưng đã chữa trị hết rồi, hiện anh đang bị 3 đốt xương sống cuối cùng làm cho đau khó tả, một đốt đã được bệnh viện quân đội đắp vá lại, 2 đốt kia mới bộc phát, không có cách chữa trị, chỉ uống morphine để giảm đau mà thôi.

Trong thời gian tôi tới thăm ở bệnh viện, anh có gọi người nhân viên cũ tới, anh hỏi thăm vì cô ta nuôi bà mẹ bị ung thư, cô ta cho biết mẹ cô ta mất sau 5 năm bệnh, đã uống morphine tới liều 125mg. Trong khi đó, bệnh ung thư của anh tôi mới 2 năm đã chữa xong rồi, còn thuốc chỉ mới uống sáng 10mg, chiều 15mg, tổng cộng là 25mg. Cho nên anh tôi nghĩ thời gian và liều lượng uống thuốc morphine anh còn sống vài năm nữa.

Tôi trở về Mỹ ngày 19-7 thì hôm sau anh tôi xin và được xuất viện về nhà vì anh thấy nằm trong bệnh viện chỉ có uống thuốc, không chữa trị chi cả, nhưng thức ăn của bệnh viện anh không ăn được, hy vọng về nhà sẽ ăn được ngon miệng.

Đôi ba ngày anh tôi và tôi vẫn email cho nhau, ngày 10-9-2017, tôi được email anh cho biết ăn không được, ngày 11-9-2017, tôi email cho anh hỏi đã có giường nằm như của bệnh viện, do cơ quan ở quận hứa sẽ mang tới cho anh nằm được thoải mái hơn.

Không thấy anh tôi trả lời, ngày 16-9-2017, tôi lại gửi email hỏi anh có ăn được, ngủ được không? Đêm đó, vào lúc 4 giờ sáng ngày 17-9-2017, tôi được điện thoại tù Paris báo cho biết anh tôi đã mất rồi.

Tôi tức tốc mua vé máy bay đi về trong tuần, sáng mua vé, chiều đi, đến 8 giờ sáng hôm sau tới phi trường Charle De Gaules. Đến nhà anh tôi không vào nhà được, vì chị dâu đi lo giấy tờ, chị bảo tôi tìm bạn bè hay khách sạn ở tạm.

Tôi tìm đến nhà người chú vợ ở Bures sur Yvette ở mấy ngày, rồi lấy khách sạn Le Baron, 76 Avenue de Choisy 75013 Paris, gần khu chợ người Việt, cho đến đêm Thứ Năm 21-9-2017, chị dâu mới đón tôi về nhà.

Hôm sau Thứ Sáu 22-9, chúng tôi được phép vào Instutut Medico Legal (Viện Pháp Y) tại số 2 Voie Mazas, 75012 Paris, để thăm xác anh tôi, vì ngày Thứ Bảy 23-9-2017, tôi phải rời Paris trở về Mỹ, cũng vì tôi nghĩ rằng tang lễ sẽ làm nhanh chóng, nên tôi chỉ mang theo thuốc uống hàng ngày đủ dùng trong tuần lễ.

Nơi đây, nhân viên ăn mặc rất lịch sự tiếp đón chúng tôi, họ cho biết không được phép sờ mó vào xác chết, không được chụp ảnh.

Khi vào trong phòng đó, có một bức tường cao chừng 1 thước ngăn đôi căn phòng, chúng tôi đứng bên nầy nhìn sang bên kia, xác anh tôi được đặt nằm xuôi theo bức tường, phủ kín từ cổ xuống chân với tấm drap trắng. Tôi nhìn rõ mặt anh tôi không thay đổi, như những ngày nằm ở bệnh viện Charles-Foix, tóc dài hơn, sắc mặt tuy không hồng hào nhưng cũng không tái nhiều. Tự dưng tôi bị cảm xúc thương yêu ập tới, tôi không thể ngăn dòng lệ, vì biết rằng sẽ chẳng bao giờ còn gặp lại nhau. Hôm 18-7 là ngày sau cùng, gặp nhau ở bệnh viện, tôi đã linh cảm, đó là những giờ phút sau cùng anh em còn gặp nhau, cho nên tôi đã nán ở lại cho đến hết giờ thăm viếng.

Thân xác anh tôi nằm đó, anh đã rời bỏ chốn trần ai nầy, anh đã để lại trong tôi hình ảnh, tình cảm một người anh tuyệt vời. Năm 13 tuổi, tôi đã mồ côi, anh thay cha mẹ, thay chú thím nuôi cho tôi ăn học những năm học đại học, vùa giúp những khi khốn khó, vì anh thương tôi nhất trong 6 anh em.


Mời xem thêm hình ảnh tại:



866428092017










Thursday, September 14, 2017

Thầy tôi



Tục ngữ chúng ta có câu:

Không Thầy đố mầy làm nên.

Lại có câu:

Nhất tự vi sư, bán tự vi sư.

Nay tôi đã sống quá “60 năm cuộc đời”, đến giữa cái tuổi “thất thập nhi tùng tâm sở dục bất du củ”, tôi muốn ghi lại những vị Thầy của tôi.

Người Thầy đầu tiên tôi muốn nói đến, đó là Thầy dạy vở lòng cho tôi ở ngôi trường có tên là “Ecole de Bình Mỹ”, thuộc quận Châu Thành tỉnh Châu Đốc ngày xưa, tôi sinh ra ở làng Bình Thủy nằm trên cù lao Năng Gù, gần nhà có trường Bình Thủy, nhưng tôi lại theo người chú sang làng bên kia sông học, vì chú tôi làm Trưởng giáo ở đó. Tôi học Cours Élémentaire do Thầy Lê Văn Thọ dạy.

Thầy Lê Văn Thọ người Tân An, không biết thầy dạy ở trường đó lúc nào, nhưng năm tôi đi học, thì học chung với con trai đầu lòng của thầy là Lê Văn Khải, tôi không nhớ được năm đó là năm nào, nhưng tôi học được nửa chừng thì chú tôi, thầy tôi bỏ trường về dạy tại tỉnh lỵ Châu Đốc, tôi nhớ có lính Nhật Bổn đi tàu đến ngụ tại trường vài hôm. Như vậy, năm đó là năm 1945, tôi được đi học rất sớm.

Về sau, tôi lên Châu Đốc học thì thầy Lê Văn Thọ dạy tại đây, nhưng tôi không có học với Thầy, sau nầy tôi lên Sàigòn học, thầy đổi về Sàigòn làm ở Phòng Khảo thí của Nha Kỹ Thuật Học Vụ. Vì Thầy và chú tôi dạy chung trường trong nhiều năm, nên Thầy xem gia đình tôi như thân thuộc, do vậy thỉnh thoảng tôi vẫn tới nhà thăm thầy, có lần tôi đi thăm và chụp ảnh chung với Thầy và Khải ở nhà Thầy, tại chợ Tân Quy ở quận 7, Sàigòn. Thầy đã mất vài năm trước, thọ khoảng 90 tuổi.

Thầy Lê Văn Thọ, tôi, Lê Văn Khải

Sau Nhật đảo chánh Tây, ngày Nam Bộ kháng chiến, các trường ở nhà quê đóng cửa vì không có thầy dạy. Rồi vài năm sau, trường Bình Thủy gần nhà, anh tôi với người bạn mở lớp dạy tư vài tháng, sau đó cả hai bỏ đi lên Sàigòn lập nghiệp, một thời gian sau có chú Hai, lấy trường mở lớp dạy tư, tôi được gia đình cho đi học lại. Chú Hai có tên là Nguyễn Hoa Hẩu, là con của ông Nguyễn Bá Thế vốn là thầy giáo tỉnh Sa Đéc, rồi đổi về trường tỉnh Long Xuyên, nghỉ hưu trước 1945.

Tôi không gọi chú Hai là Thầy mà gọi chú vì cha tôi với chú Hai là cháu gọi ông Phủ Nguyễn Hà Thanh là ông cố, nhà chú và nhà tôi vài năm trước đó chỉ cách nhau một căn nhà khác. Tôi học với chú Hai lớp học tư, năm 1950 tôi đi xuống tỉnh dự thi và đỗ bằng Sơ Đẳng Tiểu Học. Thời gian đó tại tỉnh lỵ Long Xuyên có Trường Nam và Trường Nữ, Trung Học Thoại Ngọc Hầu đã có, nhưng chưa xây cất mặt tiền ở đường Gia Long, nơi đây còn các mương lục bình.


Niên học 1950-1951, chú Hai được nhập ngạch Giáo viên, Ty Tiểu Học Long Xuyên bổ thêm một Giáo viên nữa về dạy, tôi được đi học tiếp để chờ gia đình có điều kiện cho tôi xuống tỉnh học.

Cuối năm đó, chú Hai kêu thợ đến chụp tấm ảnh lưu niệm 2 lớp học, chú Hai mặc áo tay dài, thầy Chín mặc áo tay ngắn. Tôi ngồi gần chú Hai, sau lưng chú Hai và tôi là anh Quan, con trai thầy Chín, dưới tôi là cô So con gái út của thầy Chín.


Vì nhà nghèo lại thời buổi chiến tranh, nên năm 1954 tôi mới được lên Châu Đốc học tại Trường Nam tỉnh lỵ. Tôi học lớp Nhì H do thầy Lê Quang Điện dạy, trong lớp có Lê Quang Nảng là con của Thầy, thầy Điện đã huấn luyện cho tôi để cùng với trò Thu bắt nhịp hát bài quốc ca mỗi buổi chào cờ, khi lớp chúng tôi trực.

Năm sau lên lớp Nhất E, tôi học với thầy Châu Văn Tính, trong lớp có con của Thầy là Châu Minh Quyền, con của chú tôi là Huỳnh Bảo Toàn, con của thầy Thọ là Lê Văn Khá, em của Tỉnh Trưởng là Nguyễn Văn Quang cùng học chung lớp nầy. 


Thầy Châu Văn Tính có người con đã anh dũng hy sinh cho tổ quốc, được lấy tên đặt cho trại lực lượng đặc biệt Châu Minh Kiến nằm trên đường Trần Quốc Toản, gần trường đua ngựa, Thầy dạy học sinh rất giỏi, năm đó tôi đứng hạng nhứt trong lớp, thi đỗ vào Trung học Thủ Khoa Nghĩa hạng 51, còn Nguyễn Văn Bé đứng hạng nhì thi đỗ thủ khoa, tôi được thưởng một chuyến trại hè toàn quốc 3 tuần ở Vũng Tàu. 

Trại Hè Vũng Tàu năm 1956

Thầy Châu Văn Tính về sau làm Hiệu Trưởng trường Nam Tiểu học, rồi Thanh Tra hàng tỉnh ở Châu đốc. Sau khi nghỉ hưu, thầy cùng gia đình về sống trong cư xá Lữ Gia, Phú Thọ, Sàigòn.

Xem tiếp:

 http://huynhaitong.blogspot.com/2017/10/thay-toi-2.html

8664140917