Pages

Friday, November 28, 2014

Về thăm quê hương



Tôi sinh ra ở Cù Lao Năng Gù thuộc tỉnh Long Xuyên, tuổi ấu thơ sống trong Thế chiến thứ hai, phải trải qua những năm tháng chiến tranh, nghèo khó. Người dân sống dưới những áp lực của Hòa Hảo, Việt Minh, quân đội Pháp, trường học quê tôi có, bên nầy sông, bên kia sông, đều là những ngôi trưòng làng ba lớp, tường xây mái ngói, nhưng thầy giáo ai cũng một lòng yêu tổ quốc, nên bỏ bảng đen phấn trắng, bỏ đám học trò quê mùa, với ruộng đồng, hăng hái vác tầm vong vạt nhọn theo “Thanh niên tiền phong” lên đường cứu nước.

Trường khóa cửa im lìm, tôi  cùng những trẻ con khác bị thất học, sau khi đã học gần hết Cours Enfantaire, cũng đã biết đọc, biết viết, nên sau đó học trường làng nhưng thầy giáo dạy tư.

Năm 1950, tôi xuống trường tỉnh Long Xuyên thi đậu Văn bằng Sơ Đẳng Tiểu học. Mãi đến năm 1954, tôi mới được đi học lại lớp nhì trường tỉnh Châu Đốc. Năm 1956, được miễn thi Tiểu học nhưng đã quá tuổi thi vào Đệ Thất, nên phải làm Thế vì khai sinh, sinh năm 1943 tại Mỹ Hòa Hưng, Long Xuyên, còn có tục danh là cù lao ông Hổ. nếu ai về Long Xuyên hay Châu Đốc phải đi qua Phà An Hòa, thấy có một cù lao gần thủy trình của Phà, đó là Cù lao Ông Hổ, nơi đó tôi chưa từng đặt chân đến.

Mấy tuần trước, tôi đã về thăm nhà, thăm mồ mả ông bà, thăm bà con láng giềng, mấy đứa cháu muốn tôi về có thì giờ đi Hà Tiên hay Núi Cấm, cho nên tôi dành vài hôm về quê đi chơi với mấy cháu.

Lần nầy tôi chọn xe Phương Trang, tôi biết xe sẽ đi đường cao tốc Tp. HCM-Trung Lương, qua cầu Mỹ Thuận, qua thị xã Sa Đéc, thị trấn Lai Vung, Lấp Vò, qua phà Vàm Cống rồi cuối cùng dừng tại bến xe Bình Khánh.




Trên xe Phương Trang có WiFi, hành khách có thể thoải mái sử dụng Internet, đọc mail hoặc xem Web, xe có nhạc hoặc Video. Chuyến đi của tôi mưa tầm tả từ Sađéc cho đến Lai Vung, rồi mưa rả rít cho đến khi về tới bến. Tại bến có xe Trung chuyển đưa về tận nhà ở chợ Long Xuyên hay vào Phú Hòa hoặc lên đến Lộ tẻ tức trong vòng bán kính 10 cây số. Còn ở bến Xa Cảng miền Tây có xe Trung chuyển đưa về tới bến Lê Hồng Phong.

Đến Long Xuyên, xe Trung chuyển đưa tôi về tiệm cơm Hồng Phát, trên đường Lương Văn Cù, cháu tôi nấu cho tô canh chua, một dĩa tàu hủ muối xả, thật ra tôi chỉ yêu cầu cho một dĩa cơm với món kho hay xào mà thôi. Cơm xong, một đứa cháu con chị tôi tới rước ra bờ hồ ngồi uống cà phê, một chốc thêm đứa cháu khác em nó, đến uống cà phê, để rồi rước tôi về nhà gần chợ Cần Đăng ngủ.

Sáng hôm sau ra chợ Cần Đăng ăn sáng, rồi hai anh em và hai đứa cháu nó, đưa tôi đi lên núi Cấm, viếng Vồ Bồ Hông, vồ đá nầy là nơi cao nhất của ngọn núi Cấm 705 m so với mực nước biển.


Vào những năm 1930, cha tôi mến mộ một vị tu sĩ 德明 Đức Minh, nên có khắc vào đó hai đại tự, một chữ Đức đọc được, còn chữ kia tôi nghĩ là Minh, nhưng lần này nhìn kỷ những làn đục, không phải chữ minh gồm chữ nhật và chữ nguyệt月,chữ Hán tôi không thạo nên tôi vẫn chưa nhận ra nó là chữ chi ? Dưới hai đại tự ấy có hai chữ sáng tạo, chừng bằng cái dĩa cỡ trung và một bài thơ chữ Hán ở giữa hai chữ đại tự, nhiều chữ đọc được, nhưng có một số chữ bị mất nét nên tôi chưa đọc được.


Dưới đó có vài người sơn tên của họ, chúng tôi đã dùng hóa chất để bôi bỏ, để giữ tích xưa của vị tu sĩ Đức Minh đã từng cất am tu ở đó, trước cả khi đức Huỳnh Phú Sổ lên viếng núi Cấm nầy. Ngài Đức Minh có nhiều đệ tử tại gia ở vùng Long Xuyên, Châu Đốc vẫn còn thờ tự ngài ở tư gia của họ. Cô tôi mất năm 1998, thọ 94 tuổi cũng đã quy y với ngài Đức Minh.

Chúng tôi chụp vài tấm ảnh, kỷ niệm chuyến đi rồi xuống núi. Gặp một người ở dưới leo núi lên bằng con đường khác, cháu tôi hỏi:

- Đường nầy, có dễ đi không à xuống tại bến xe ôm phải không ?

Người kia đáp:

- Ờ ! Đường này dễ đi, cùng xuống núi gặp bến xe ôm.

Tưởng là bến xe ôm mà chúng tôi đã nhờ họ đưa từ bến xe Lữ Hành gần chùa Vạn Linh lên Vồ Bồ Hông, không ngờ, là đường khác, nên chúng tôi phải lội bộ từ đó xuống tận bến xe ôm dưới chùa Vạn Linh, chuyến đi xuống tuy không thấm mệt như  khi leo lên đoạn cuối phải đi xuyên qua một vài ngôi hàng quán, người lớn tuổi “mệt muốn đứt hơi”, tuy không mệt nhưng đôi chân cũng rã rời.

Xuống đến bến xe ôm, chúng tôi vào quán, hai đứa cháu ăn cơm sườn, còn tôi và hai đứa cháu gọi tôi bằng ông mỗi người một dĩa gồm hai cái bánh xèo, bánh chiên dòn, nhiều dầu màu vàng sậm, ăn với cải bẹ xanh, đọt những lá cây ở núi như đọt sung, đọt cơm nguội …, bánh xèo khá ngon nhờ những đọt cây mà ở thành phố lớn, ở Mỹ không có, cũng là một món ăn đặc sản ở miền núi.


Chúng tôi vào viếng chùa Vạn Linh, năm ngoại đã xây dựng gần hoàng thành ngôi chánh điện, năm nay đang hoàn tất với phù điêu Đức Phật đại định dưới gốc cây Bồ đề, phía sau là dòng song Ni liên thuyền, trên trần cao là bức tranh họa bầu trời xanh có những đám mây trắng.


Lần nầy chúng tôi không viếng tượng Đức Di Lặc, cũng như không viếng chùa Phật Lớn, vì mới năm ngoái chúng tôi đã viếng hai nơi này. Chúng tôi dành thời giờ đi tham quan khu du lịch sinh thái rừng tram Trà Sư.



Xe Lữ hành đưa chúng tôi xuống núi, chuyến lên xuống mỗi người là 80 ngàn, rồi đi thêm một đoạn xe ôm từ chùa Vạn Linh lên Vồ Bồ Hông là 20 ngàn.

Rời khỏi bến xe Lữ Hành, chúng tôi chạy xe gắn máy tới rừng tràm Trà Sư, có đoạn chừng 5 cây số ngàn chúng tôi phải chạy trên đường lộ đất. Nếu đoạn này trải đá tráng nhựa và có những bảng chỉ dẫn, chắc chăn khu du lịch sinh thái nầy sẽ thu hút đuợc nhiều du khách.

Vào đến văn phòng điều hành khu du lịch, các cháu tôi đóng phí tham quan cho mỗi người là 55 ngàn, trước tiên chúng tôi được một chiếc ghe máy, chở chạy quanh co trong rừng tram, nơi đây có nhiều cây tràm mọc chen lẫn với sen và trên mặt nước phủ đầy bèo, có một ít cò, vạt đậu trên cây, chúng khá dạn với du khách.


Sau đó, ghe máy dừng lại tại một bến có nhiều chiếc xuồng, mỗi chiếc chở bốn người, chúng tôi phải đi 2 chiếc xuồng, xuồng cũng bơi quanh co trong khu rừng tram, nước ở đây không sâu, chỉ chừng 1,5 m mà thôi, sau đó xuồng cập bến, chúng tôi lại đi qua một chiếc ghe máy khác. 


Chiếc ghe máy này chở chúng tôi đến một nơi để ăn uống, tại nơi đây có những quán ăn dựng sườn cây tràm, lợp lá, lót ván, có quán có võng nằm. Tại đây chúng tôi leo lên một dài cao, tầng chót có cao độ chừng 20 m, tôi cố gắng đi trên những bậc thang chung quanh tháp để lên tầng cuối cùng. Trên tầng nầy nhìn bao quát mới thấy rừng tràm nguyên sinh ngút ngàn, được biết nó có diện tích 845 mẫu.


Trong khu rừng tràm ngập nước, tôi nhận thấy hầu hết tràm không được thẳng tắp và đường kính thân trên mặt nước chừng 2 tấc, nhưng những cây tràm mọc theo bờ bao cao lớn hơn, thân suông đuột, đường kính thân chừng 2 tấc rưỡi, chỗ khỏi mặt đất chừng 1 thước, phải chăng nơi khô ráo, tràm tăng trưởng tốt hơn nơi ngập nước


Sau khi rời khỏi khu ăn uống và đài quan sát, chúng tôi được ghe máy chuyến chót đưa về bến khởi hành. Nhìn đồng hồ chỉ 2 giờ 30, chúng tôi đã tham quan nơi đây mất 1 giờ 1 khắc.


Xung quanh rừng tràm có bờ bao lộ đất, chúng ta có thể dùng xe gắn máy hay xe đạp hoặc đi bộ tham quan, mà không phải đóng  một chi phí nào. 


Được biết ngày thường ít người, nhưng thứ bảy, chủ nhật đông hơn, hôm nay tôi thấy có một thuyền chừng 6 người ngoại quốc tham quan.



Buổi chiều chúng tôi ăn uống tại nhà đứa cháu ở chợ Cần Đăng, đây là nhà con đầu lòng của chị tôi, cháu nhỏ hơn tôi 1 con giáp, cháu sanh được 1 năm thì cha mẹ tôi qua đời, nó là đứa cháu có diễm phúc được ông bà ngoại bồng bế, nựng nịu khi còn nhỏ, cũng là hạnh phúc của ông bà khi có cháu.

Sáng hôm sau, sau khi điểm tâm, tôi đến Vàm Nha cách chợ Cần Đăng không xa, là phần cuối của làng Bình Hòa, để thăm và chào chị tôi ra về. Thật ra tôi nhờ một đứa cháu đưa về nhà, từ đây em rể đưa tôi đi thăm một người con ông chú, thăm mấy đứa cháu nội của một người cô, sau đó rời khỏi cù lao Năng Gù.


Chúng tôi chạy một đoạn lộ 91, rồi xuống đò Thanh Bình sang làng Bình Thạnh Đông thăm mấy người con cô thứ tư của tôi, trong đó có người con trai đã cùng ở nhà chú tôi tại Châu Đốc, để theo học Trung học Thủ Khoa Nghĩa, sau tốt nghiệp Sư Phạm Vĩnh Long, bị động viên ra đơn vị Liên Đoàn Công Binh 40, sau được biệt phái về dạy ở Trường Trung học Bình Thạnh Đông, đã về hưu từ lâu.

Mười năm trước tôi đã đi thăm một lần, mười năm sau gặp lại, ai tuổi cũng chồng thêm với tật bệnh, có dịp thăm nhau, gặp lại hôm nay, ngày mai biết còn đi lại, còn được gặp nhau không ? Cho nên tuổi già quí ở chỗ đi lại, thăm viếng, mừng còn được khỏe mạnh, ăn ngon, ngủ được.


Sau khi chia tay với cô em thứ bảy, chú Châu Hòa Nhà và vợ, chúng tôi dùng đò tại Kinh Xáng Cây Dương, phía đưới Thị trấn Cái Dầu, quận lỵ Châu Phú, để trở lại lộ 91, thăm con gái út của cô thứ sáu, cô em nầy bị tai biến mấy năm về trước, nên ít đi lại, được thân nhân đến thăm rất vui mừng.

Tại đây, tôi nhờ đứa cháu, con anh kế tôi ở tiệm cơm Hông Phát đặt vé Phương Trang về Sàigòn lúc 2 giờ 15.

Quá ngọ, em rể tôi đưa về tới tiệm cơm, cháu tôi biết tôi thích ăn bông điên điển, nên xào cho tôi một dĩa bông điên điển với tàu hủ và một trách tàu hủ với khóm kho tộ, nhưng tôi chỉ ăn độc món mình thích, vì món này ở Mỹ không có, nên về Long Xuyên tôi chỉ muốn ăn món trên và bánh xèo nhân bông đên điển mà thôi.

Sau bữa cơm, em rể, cháu gọi tôi bằng cậu, bằng chú quây quần chuyện trò, chuyện gia đình đầm ấm, hiếm có cảnh xum họp như vậy.

Xe trung chuyển đến tiệm cơm rước ra bến xe Bình Khánh, tôi phải rời mọi người, nhớ tới Quốc Văn Giáo Khoa Thư “Ôi ! Cảnh biệt ly sao mà buồn vậy!”

Đoạn xe chạy từ Lấp Vò đến khoảng Lai Vung cạnh bên đường là con sông, với những con tàu rẽ song, gợi tôi nhớ đến những năm 1960, tôi dùng xe đò Công Tạo hay Tam Hữu đi từ Châu Đốc lên Sàigòn hoặc ngược lại vào dịp Tết, Bãi Trường, lễ Phục sinh, với tôi đó là con đường thơ mộng của một thời thơ ấu.


Đường phố đã lên đèn từ lâu, tôi mới về đến Xa cảng, một chuyến về quê đầy ấp thân thương, tôi đã đi thăm, gặp hầu hết những em cháu. Còn sức leo lên Vồ Bồ Hông, được dịp tham quan rừng tràm sinh thái Trà Sư. Các cháu còn hẹn tôi sang năm tham quan Phú Quốc miền cực nam của đất nước.

Lần này em rể tôi đã chịu khó gõ vi tính gia phả họ Dương, trong đó có chi của chúng tôi, tôi quí nó vì ông Tiền Hiền là ông Dương Hóa sơ tổ của chúng tôi đã lập làng Bình Lâm, nay là Bình Thủy trên đất Cù lao Năng Gù. Ông Tiền Hiền Dương Hóa, bà cố tôi gọi bằng ông cố, mộ ông hiện nay nằm trên đất của bà cố tôi.


Sg 28-XI-2014

Những bài đã viết:

Friday, November 21, 2014

Họp mặt với cựu học sinh ngày 15-XI-2014



Năm nay về Sàigòn, để gặp các anh chị Cựu học sinh, tôi đã nhờ Kim Mỹ mời một số các anh, chị tới nhà con rể tôi dùng bữa cơm thân mật, trong đó có những anh, chị đã gặp tôi vài lần, cũng có anh, chị tôi mới biết lần đầu.

Những anh, chị năng nổ hoạt động cho Ban Liên Lạc cựu học sinh như Nguyễn Văn Tịnh bận công tác đi Cần Thơ chưa về kịp, Nguyễn Hữu Phúc đang thăm con ở Úc, Nguyễn Thị Nở phải tổ chức sinh nhật cho cháu, Minh Nguyệt đang trên đường về từ Hà Nội … cho nên cuối cùng có 20 anh, chị tới dự, trong đó có cặp vợ chồng con gái nuôi của tôi Huỳnh Thị Ảnh và Tươi.

Nhà con rể tôi ở Bình Tân, có người ở Gò Vấp, ở NhơnTrạch vì tình nghĩa Thầy trò, đường xa phải lặn lội tới, lại còn bị Cầu Ông Buông (Cầu Phú Lâm) sửa chữa, phải dùng cầu Tân Hóa hay cầu Hậu Giang, đường xá bị ngăn chận, giao thông bị kẹt xe, vậy mà các anh, chị cố gắng tới họp mặt.


Nhờ Kim Mỹ ghi nhận, dự họp mặt trong hình này có: Từ trái qua phải là Âu Gia Thành , Anh Tươi ( ông xã của Ảnh ), Thanh Hóa, Kim Bích, Tạ Văn Vàng, Lương Loan, Thầy Cô, Kim Mỹ, Diệp con gái tôi, Ảnh, Minh Tuyết, Hường, Lâm Khương Tiến, Oanh, Thanh Chi, Nguyễn Thanh Quan , Thái. 

 
Bạch Tuyết đến trễ một chút nhưng cũng đã có mặt như trong ảnh từ trái sang là Thanh Hóa, Kim Bích. Tạ Văn Vàng, Lương Loan, Bạch Tuyết và bạn của Bạch Tuyết.

 Con rể Lam và con gái tôi Diệp ngồi cạnh Kim Mỹ

Dĩ nhiên gặp nhau không chỉ tay bắt mặt mừng, mà câu chuyện vẫn cứ xoay quanh những ngày còn cập sách tới trường, những ngây thơ vô số tội của đời học sinh đã qua, nay hối tiếc không còn tuổi thanh xuân.

 
Thầy trò nói chuyện thân mật, nhưng luôn luôn trò tôn kính thầy, một nét văn hóa mà các trường trước năm 1975 đã vun trồng, đã đào tạo nên những người hữu ích cho xã hội, luôn có đạo đức, tình người, nhân bản.




Không thể quên chụp ảnh lưu niệm:

 Ảnh chụp tại phòng khách, trước khi vào bàn tiệc

 Ảnh chụp trước khi chia tay, vẫn thiếu Bạch Tuyết đã ra về trước.

 Gia đình tôi còn thiếu Huỳnh Thị Sương đang ở Detroit Mỹ

 Với Lương Loan lớp Thương Mại

Một bữa tiệc vui và đáng nhớ, ghi lại những tình cảm đậm đà tình nghĩa Thầy Trò, trong mùa Ngày Nhà Giáo Việt Nam năm 2014, tại vùng đất Sàigòn xưa.

Sàigòn 21-XI-2014

Thursday, November 20, 2014

Ngày Nhà Giáo Việt Nam tại Trường Cao Đẳng Nghề Nguyễn Trường Tộ Sàigòn




Năm nay, tôi cũng được mời tới dự ngày Nhà Giáo Việt Nam tại Trường Cao Đẳng Nghề Nguyễn Trường Tộ, gợi tôi nhớ lại ngày 20-11-1982, đó là ngày Nhà Giáo Việt Nam đầu tiên, được tổ chức tại Việt Nam, tôi trong Ban Giám Hiệu Trường Kỹ thuật Nghiệp Vụ, tiền thân của Truờng Cao Đẳng Nghề Nguyễn Trường Tộ, đã tổ chức tại khuôn viên Trường nầy ngày Nhà Giáo đầu tiên năm đó.


Thấm thoát đã tròn 32 năm, nhìn lại mấy lớp học cũ, cây đa rũ bóng ở sân trường, đã ghi lại nhiều kỷ niệm xưa, vài anh, chị cựu học sinh về dự lễ đã chỉ kìa cây đa, nọ lớp học vẫn còn, đã in trong ký ức họ.

Trường nay đã thay đổi bộ mặt khang trang hơn xưa, mấy dãi lầu xây mới dành cho nhiều lớp học, chỉ còn một dãi cũ của Nguyễn Trường Tộ xưa, nay cũng được cơi thêm một tầng, thành một tầng trệt với bốn tầng lầu. Chỉ còn đó là dấu tích xưa còn lại.

Các xưởng và các thiết bị Xưởng đều được dời đến Cơ sở 2 trên vùng Gò Vấp.


Nhiều tổ chức đã gửi vòng hoa tới mừng Ngày Nhà Giáo, trong đó có vòng hoa của Sở Công Thương, chủ quản nhà Trường, có vòng hoa của Cựu Học Sinh và nhừng vòng hoa của xí nghiệp, của Phường.


Sở dĩ có Ngày Nhà Giáo vì những năm 1975 cho đến 1982, đời sống vật chất của nhà giáo rất khó khăn, chật vật. Nhà giáo phải sống cam khổ vì nghề cao quí mình đã chọn, cho nên Ngày Nhà Giáo ra đời để an ủi tinh thần cho Thầy, Cô giáo.


Trong buổi lễ có hai MC điều khiển chương trình khá tốt, có những ca sĩ chuyên nghiệp và nghiệp dư giúp vui.


Hiệu Trưởng Ngô Văn Hai chào mừng các đại biểu, phụ huynh, cựu học sinh tham dự, nói qua ý nghĩa Ngày Nhà Giáo Việt Nam.


Nhân dịp nầy, Trường phát những phần thưởng thi đua về các công tác trong các phòng ban của nhà Trường.


Một em học sinh phát biểu cảm tưởng về ngày lễ và hứa cố gắng học tập, trau dồi nghề nghiệp, kiến thức.


Có một cựu học sinh, nay là giáo viên nhà trường, khoe với tôi là có xin được bạn một tập sách Kỹ Nghệ Họa lớp 9 của tôi soạn, do nhà sách Khai Trí ấn hành, mặc dù Copy lại nhưng giấy trắng còn đẹp hơn nguyên bản, do mến mộ nên anh ta xin chữ ký của tôi vào quyển sách. Thật tình đó là quyển sách tôi ưng ý nhất, các hình do tôi vẽ, còn phần chữ viết bài do một họa sĩ trình bày, sách do nà xuất bản Chiêu Dương của nhà văn Nhất Giang in, bán lại cho nhà sách Khai Trí.

Nhân ngày lễ, mọi người gặp lại nhau nên chụp ảnh lưu niệm

 Hàng đứng sau: Chiến, Tông, Thuận, Rốt, Hiệu phó Sơn
Hàng đứng trước: Lê Quyên, Cô Hoàng, Quế, Du, Vượng, Vàng, Ích

Kết thúc buổi lễ, nhà trường đãi một tiệc nhỏ, có sandwich, paté chaud, bánh ngọt, trái cây, quay quần bên nhau trò chuyện rất đầm ấm, giữa các Thầy, Cô và các cựu học sinh.

Tôi dự Ngày Nhà Giáo năm nay, được gặp lại những đồng nghiệp cũ như Vũ Duy Thuận, Phan Đình Du, Nguyễn Ngọc Quế, Phạm Minh Phước, Giảng Huệ Thắng, Cô Hoàng, Nguyễn Trần Nghĩa, Nguyễn Văn Chiến, Lê Quyên, Nguyễn Đắc Thế, Rốt, Năng, Khánh… nhân viên cũ như Lý Thanh Giảng, Nguyễn Văn Tuấn, nhiều cựu học sinh tôi không còn nhớ được tên, mọi người đều vui vẻ, để lại trong tôi nhiều tình cảm tốt đẹp.

Lại một Ngày Nhà Giáo nữa đi qua …

 Huỳnh Ái Tông và Hiệu trưởng Ngô Văn Hai


Nguyễn Trần Nghĩa nguyên Hiệu phó trường, nguyên Hiệu Trưởng trường khác

Sàigòn, 20-XI-2014