Pages

Thursday, March 31, 2016

Chào đón Xuân sang



Mặc dù trời còn lạnh, nhưng từ 17 tháng 3 năm nay, cây Mận (Plum)  bên vỉa hè đã trổ hoa, mấy năm trước tôi nhìn thấy cây nầy đang trổ hoa  bày bán ở cửa hàng, thấy đẹp tưởng là Anh Đào nên mua, rồi hết hoa lại có trái, tôi mới biết là cây mận, bạn tôi cũng lầm như tôi, anh ta gọi là Chị Đào.


Rồi những cây hoa Mẫu Đơn (Peony) bắt đầu nhú lên, chừng 10 ngày sau đã thấy có nụ, trong bụi hoa thường nở rộ và tàn trong vài ngày.


Trước nhà có cây Magnolia (Hoa Mộc Lan) trắng, hoa trổ giống như hoa sen, cây khá cao, nên có hoa không nhìn thấy, tôi chặt thấp xuống, khi nó đâm tược ra lại án lối đi vào nhà, năm ngoái tôi mé nhánh lần nữa, lần nầy nó chết luôn. Trước đó, tôi đã mua một cây Magnolia màu tím, nó đã trổ hoa từ ba, bốn năm nay.


Cách nay mấy ngày, ra Bưu Điện làm lại Passport cho nhà tôi, thấy bên cạnh đường của khu chung cư có một cây Magnolia màu vàng, trông rất đẹp, tiếc rằng hoa đã trổ và sắp tàn, cho nên không còn tốt tươi lắm.




Sau nhà tôi người chủ cũ có trồng một cây Anh Đào màu hường, hoa trổ thành chùm, kín cả cành cây, luôn trổ muộn, đến nay nụ chỉ mới hé nở, vì vậy tôi mua 2 cây Anh Đào trồng phía trước nhà.


Hai cây Anh Đào tôi trồng trước nhà mới chỉ 4 hay 5 năm, rất mau lớn, một câu đào rủ và một cây đào chùm cả hai đều màu hồng, cây đào rủ trổ bông sớm trên những cành rủ, còn cây đào kia chỉ mới có nụ.


Ở gần nhà, có một mảnh đất có bảng ghi bán mới biết nó rộng 5 mẫu Anh, chừng 5, 6 năm nay họ chỉ cắt cỏ dọc theo con đường, bên trong để mặc cho cây cỏ chen nhau mọc, không hiểu vì sao những cây hoang dại đó lại là hoa Anh Đào trắng, năm nay trổ hoa trông rất đẹp mắt.


Nhưng hoa Anh Đào trắng nầy như có pha chút màu xanh lá cây và hoa nhỏ nên không được đẹp cho lắm, cũng gần nhà tôi có một cây Anh Đào trắng, phơn phớt màu vàng, hoa chùm và nhiều cánh trông rất đẹp, con gái tôi thích quá, đứng chụp vài tấm ảnh.


Nói về hoa Anh Đào không thể không nhắc tới quê hương của nó tức là hoa Anh Đào ở nước Nhật, khi hoa nở vào mùa Xuân, người Nhật cũng đi ngắm hoa trổ rộ ở những con đường, công viên trồng hoa Anh Đào.


Hoa nổi bật trên nền trời Phú Sĩ Sơn vào mùa Xuân, nét đặc trưng của xứ Hoa Anh Đào.


Vào năm 1912, chính phủ Nhật đã tặng Hoa Kỳ 3000 cây anh đào, và năm 1956 lại tặng thêm 3800 cây. Tất cả các cây này được trồng tại Công viên West Potomac ở Washington, D.C. và hàng năm vào khoảng đầu tháng 4 hoa trổ, có tổ chức Lể Hội Hoa Anh Đào cho công chúng thưởng ngoạn. Nhiều người ở từ các tiểu bang khác đến Washington DC ngắm hoa, đương nhiên đó cũng là yếu tố phát triển kinh tế địa phương.


Xuân đang về, muôn hoa chưa rộ nở, luôn luôn những cây hoa Anh Đào trắng trổ trước tiên, báo hiệu mùa Đông đang tàn và Xuân sắp sang, đem lại ấm áp, vui tươi tăng trưởng cho vạn vật và con người.
8664310316



Wednesday, March 23, 2016

Một chút cẩn trọng



Trong bài Bảy kỳ quan Phật giáo Thế giới, muốn tìm hiểu thêm, tôi viết như ghi chú về những kỳ quan nầy, hầu hết đều lấy tài liệu từ nguồn Internet, tôi gặp phải sự khó khăn khi viết về kỳ quan thứ sáu là Thiên Đàn Đại Phật tại Bửu Liên Thiền Tự, Hồng Kông. Về bài viết nầy, tôi phải đưa lên Mạng, xóa bỏ, chỉnh sửa không dưới 10 lần, vì những sai lầm do tài liệu cung cấp.

Thiên Đàn Đại Phật 天壇大佛

Hầu hết các tài liệu, phiên âm ra Anh ngữ là Tian Tan Buddha, có người dịch là tượng Phật Thiên Tân, có người cho tượng Phật được đặt tên Thiên Tân, vì là một bản sao của tượng Thiên Tân tại chùa The Temple of Heaven ở Bắc Kinh. Tôi phải truy tìm mới biết là do tượng Phật rất lớn, được an trí trên một ngọn đồi và phong cách kiến trúc tòa hoa sen, lan can bao quanh có nét giống Thiên Đàn, nơi thờ Trời ở Bắc Kinh, nên có tên gọi là 天壇大佛 Thiên Đàn Đại Phật.


Thiên Đàn tức đàn thờ Trời tại Bắc Kinh

Tượng Phật nầy thuộc chùa Bửu Liên, người ta dịch chữ Anh từ Po Lin Temple, có người chắc đã biết rõ nên gọi là Bửu Liên Thiền Tự, tôi nghĩ ở Việt Nam chỉ dùng từ Chùa như Chùa Linh Mụ, Chùa Tây An hay Trúc Lâm Thiền Viện, Thanh Minh Thiền viện…, không dùng Thiền Tự cho nên đầu tiên tôi dùng tên Bửu Liên Thiền Viện, sau truy ra bản Hán tên chùa chính là 寶蓮禪寺 Bửu Liên Thiền Tự. 

Cổng chính Bửu Liên Thiền Tự

Tượng Thiên Đàn Đại Phật thuộc Bửu Liên Thiền Tự nằm trong vùng thôn quê có tên phiên âm là Ngong Ping, tôi nghĩ có lẽ nó có âm là Ngưỡng Bình hay Ngân Bình, cuối cùng truy tìm ra trên bản đồ mới biết nó có tên là Ngang Bình một địa danh mà khách du lịch thường tới bằng xe bus hay cáp treo tại Trạm Ngang Bình để tham quan Bửu Liên Thiền Tự, tượng Thiên Đàn Đại Phật và Đường Trí Tuệ.

Đường Trí tuệ có 38 miếng ván khắc những câu chữ trong Bát nhã tâm kinh, các miếng ván nầy xếp đặt theo ký hiệu vô cực (α), miếng ván cuối cùng đặt trên đỉnh cao để trống trơn, tượng trưng cho tánh Không (Sunyata), cốt tủy của Bát-nhã-ba-la-mật-đa tâm kinh (phiên âm La tinh từ Phạn ngữ: Prajñā Pāramitā Hridaya Sūtra, Prajnaparamitahridaya Sutra; Anh ngữ: Heart of Perfect Wisdom Sutra, Hán văn: 般若波羅蜜多心經; còn được gọi là Bát-nhã tâm kinh, hay Tâm Kinh. Đây là kinh ngắn nhất chỉ có 260 chữ. Nó cũng là kinh tinh yếu của bộ kinh Đại Bát Nhã gồm 600 quyển.

Kinh này được hầu hết các Phật tử Việt Nam, Triều Tiên, Nhật Bản, Tây Tạng, và Trung Quốc đọc tụng. 

Đường Trí Tuệ (Wisdom Path)

Làng Ngang Bình 昂平 nằm trên Lantau island, có người dịch là đảo Đại Nhĩ Sơn, có người gọi nó với tên cũ là Lan Đầu , xem bản đồ thấy ghi chữ Hán là 大嶼山đọc là đại dữ sơn.

Sơ đồ làng Ngang Bình (昂平)

Tất cả các bài viết về đảo nầy đều đọc là Đại Nhĩ Sơn, nhưng tôi tra tự điển, đó là chđọc là tự hay dữ, theo từ điển Thiều Chữu, đọc là tự có nghĩa là đảo nhỏ. Tôi chọn tên của đảo nầy là Đại Dữ Sơn. Tuy nhiên, danh từ Lantau island là phiên âm từ ch (Lan Đầu), nhưng đó là tên cũ trên bản đồ, còn tên gọi ngày nay là Đại Dữ Sơn. Trên Đại Dữ Sơn có Núi Phụng (trống) và Núi Loan (mái), là một cặp làm thành đỉnh Phượng Hoàng鳳凰山, có độ cao 934 mét (3,064 feet). 

Bản đồ đảo Đại Dữ Sơn 大嶼山 Lantau Island

Phía trên bản đồ hay phía Bắc của Lantau Island là phi trường quốc tế Hồng Kông, được sử dụng từ năm 1998.

Dù là một tên gọi, một địa danh, không truy tìm tới nơi đến chốn dễ nhầm lẫn, tìm ra được nguồn gốc tên gọi, địa danh một nơi chốn, giúp chúng ta có thêm một số kiến thức. Đó cũng là bài học quý giá, một kinh nghiệm là luôn luôn phải thẩm định từ nhiều nguồn, chọn tài liệu thật đáng tin cậy để sử dụng.
12 - 24-03-2016
866424032016



Tuesday, March 22, 2016

Chùa Tây Lai, Los Angeles, Hoa Kỳ


Phật Quang Sơn Tây Lai Tự (佛光山西來寺 Fo Guang Shan Hsi Lai Temple) là tên chính thức của chùa, khắc chữ vàng trên cổng tam quan, tọa lạc tại 3456 Glenmark Dr, thành phố Hacienda Heights, California 91745. Tên chùa mang ý nghĩa “Ánh sáng đạo Phật trên núi cao truyền bá đến Phương Tây”, cũng có nghĩa là chùa của tông phái Phật Quang Sơn đến Phương Tây”.


Phật Quang Sơn là nguồn gốc của Tây Lai Tự do Tinh Vân Đại Sư sáng lập.

Phật Quang Sơn nằm ở khu vực Đông Bắc của làng Đại Thọ - Cao Hùng – Đài Loan. Quần thể kiến trúc Phật giáo đồ sộ này do Pháp sư Tinh Vân – một bậc danh tăng ở thế k 20 lãnh đạo các chúng đệ tử sáng lập vào năm 1967. Từ sự đóng góp của các phật tử, giữa hoang sơ, Phật Quang Sơn ngày nay đã trở thành một thánh địa Phật giáo. Sau khi Phật Quang Sơn vang danh tại Đài Loan và Trung Hoa đại lục, đại sư Tinh Vân đã nhường chức trụ trì cho các đệ tử và đi chu du khắp nơi, truyền đạo. Vì vậy, Phật Quang Sơn có đến 200 chi nhánh trên thế giới, trong số đó có các đạo tràng quy mô, uy nghiêm không kém như Tây Lai tự (Mỹ), Nam Thiên tự (Úc), Nam Hoa tự (châu Phi)…


Ph
ật Quang Sơn ở Cao Hùng Đài Loan
Còn về Tinh Vân Đại Sư.


Đại sư Tinh Vân

Đại sư Tinh Vân sinh ngày 22-7 năm Đinh Mão (1927) tại Giang Đô, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. Là con thứ ba trong một gia đình có bốn anh chị em, năm lên 5 tuổi ngài bắt đầu ăn chay, đến năm 12 tuổi, ngài đến xin xuất gia với Hòa thượng Chí Khai Thượng Nhân chùa Đại Giác ở Nghi Hưng. Vốn tư chất thông minh lại thâm tín Phật pháp chẳng bao lâu sau ngài tốt nghiệp Học viện Phật giáo Tiêu Sơn. Đến năm 1967, Phật Quang Sơn ra đời dưới sự lãnh đạo của ngài. Từ đó đến nay Phật Quang Sơn đã ngày một phát triển về mọi mặt như văn hỏa, giáo dục, từ thiện... Có thể nói, đó chính là một minh chứng hùng hồn nhất của diện mạo Phật giáo trong thời đại hiện nay.

Với hoài bão lớn lao, Đại sư đã ngày đêm không mệt mỏi đẩy mạnh sự nghiệp hoằng pháp, văn hóa và giáo dục Phật giáo, ngài thành lập Trung tâm phục vụ Văn hóa Phật giáo, xây dựng học viện Phật giáo, sáng lập các nhà trưng bày mỹ thuật, thư viện, nhà xuất bản, nhà sách, các trường học, Học viện Tùng lâm Phật giáo, v.v... Bên cạnh đó, ngài đã chỉ đạo biên soạn Phật Quang Đại tạng kinh, Phật Quang đại từ điển và cho xuất bản Trung Quốc Phật giáo bạch thoại kinh điển bảo tạng, v.v... Với tinh thần không ngại gian khó, ngài đã thuyết giảng khắp nơi từ Đài Loan, đến các nước Đông Nam Á, qua châu Âu, châu Mỹ, từ chùa đến trường học, từ tổ chức chính phủ đến tổ chức tư nhân, từ nhà tù đến trung tâm quân sự... Ngài đã và đang gắn kết hàng triệu trái tim của mọi giai tầng trong xã hội lại với nhau thông qua lời dạy của đức Phật và khẳng định được mình trong việc mang đến lợi ích cho Phật giáo thế giới nói chung và Phật giáo Đài Loan nói riêng. Điển hình là Đại sư đã khai sáng bốn trường Đại học lớn như: Đại học Tây Lai ờ Los Angeles (Mỹ) Phật Quang ở Đài Loan Trung Quốc, Nam Hoa và Nam Thiên ở Sydney (úc). Với sự khéo léo và tinh tế của mình, ngài đã dung hòa văn hóa xưa và nay, Đông và Tây, đặt ra hệ thống điều lệ, tạo nên một luồng gió mới mang phong cách Phật giáo nhân gian. Nét đẹp từ hạnh nguyện của ngài vẫn mãi dịu dàng và lung linh tỏa sáng, ngài đi đến các nơi trên khắp thế giới: Bắc Mỹ, Ấn Độ, Úc và các nước phương Tây truyền thụ Tam đàn đại giới quốc tế với mục đích ươm mầm đạo pháp.

Trong quá trình xây dựng Tây Lai Tự đã gặp rất nhiều khó khăn với cộng đồng dân cư địa phương trong vùng chùa định xây. Hồ sơ xin xây chùa, họa đồ kiến trúc đã đệ nạp từ những năm đầu thập niên 1980 nhưng bị chống đối vì những lý do liên hệ đến môi trường như tiếng ồn của chuông trống, ồn ào từ các buổi lễ hàng tuần, lượng lưu thông xe cộ ảnh hưởng tổn hại cho môi trường thiên nhiên, đời sống của chim chóc, thú thiên nhiên trong vùng núi v.v... Sau 6 lần ra đối chất cùng cộng đồng (public hearings) và nhiều lần giải thích, bổ túc hồ sơ, cuối cùng năm 1985, ngôi chùa được giấy phép chấp thuận cho xây dựng.

Chùa đã tổ chức đặt viên đá xây tòa Đại hùng Bảo điện vào ngày 03-7-1986. Hai năm sau, ngày 24-7-1988, lễ An vị Phật được cử hành. Đến ngày 26-11-1988, chùa đã tổ chức Đại lễ khánh thành trang nghiêm cùng với lễ xuất gia Tam đàn Đại giới, Vạn duyên Thủy lục Pháp hội, và các sinh hoạt của Hội Hữu nghị Phật giáo đồ Thế giới. Chi phí xây dựng chùa vào năm 1988 là 10 triệu dollars.


Tam quan Phật Quang Sơn Tây Lai Tự

Chùa chiếm diện tích 15 mẫu Anh xây lưng chừng núi, từ thấp lên cao, từ bãi đậu xe có những bậc tam cấp dẫn lên cổng tam quan. Từ đây nhìn lên chùa quang cảnh rất uy nghi hùng tráng, chùa có kiến trúc truyền thống Phật Giáo Á Đông, mái cong lợp ngói lưu ly âm dương màu vàng óng. 


M
ặt trước Ngũ Thánh Điện (nhìn ra tam quan)

Sau cổng tam quan là Ngũ Thánh Điện thờ 5 vị Bồ Tát, chính giữa là Bồ Tát Di Lặc tiêu biểu cho tâm hồn hoan hỉ, hai bên là Bồ Tát Quán Thế Âm tiêu biểu cho đại từ đại bi, Bồ Tát Địa Tạng tiêu biểu cho lòng đại nguyện, Bồ Tát Văn Thù tiêu biểu cho trí tuệ và Bồ Tát Phổ Hiền tiêu biểu cho sự thiện lành, đại hạnh. 


Năm vị Bồ Tát trong Ngũ Thánh Điện

Cùng dãi với Ngũ Thánh Điện là Trường Phật Quang Tây Lai nhằm quảng bá tôn chỉ của giáo phái là mang ánh sáng đạo Phật về hướng Tây tức là các nước Âu Châu và Mỹ Châu. Nơi trường này có Hải Hội Đường (phòng họp), Hương Vân Đường (phòng hội thảo), khách đường, thư viện, hiệu sách và nhà xuất bản Phật Quang, phòng uống trà và xem phim về đạo pháp (Trích Thủy Đường).


Mặt sau Ngũ Thánh Điện nhìn vào Chánh Điện

Rời Ngũ Thánh Điện là một khoảng sân đình rộng lớn có thể chứa hàng ngàn người, nơi đây dùng để tổ chức những buổi thuyết giảng hay những nghi thức ngoài trời. Tiến lên nữa theo những bậc thang là ngôi chùa chánh tức Đại Hùng Bảo Điện. 


Đại Hùng Bửu Điện

Trong chánh điện Đại Hùng Bảo Điện, chính giữa thờ tượng Đức Phật Thích Ca, hai bên là tượng Đức Phật Dược Sư và Đức Phật A Di Đà. Trên bốn bức tường chánh điện có trên 10 ngàn tượng Phật do bá tánh cúng dường được tôn trí từ thấp lên cao gần tới mái nhà chánh điện. Nơi đây lúc nào cũng có các ni sư chăm nom nhang đèn, giữ gìn không khí trang nghiêm thanh tịnh, không được chụp hình, quay phim hay gây tiếng động ồn ào.


Trong Chánh Điện

Hành lang hai bên Đại Hùng Bảo Điện là chiếc chuông đại hồng chung và chiếc trống to lớn treo cao được đánh lên mỗi khi có lễ lớn. Tiếng chuông trống hùng dũng ngân nga vang động khắp cả núi đồi. Theo truyền thống hàng năm chùa tổ chức nhiều sinh hoạt tâm linh như: Tết Nguyên Đán Âm Lịch (lễ Thiên Phật), lễ cầu nguyện cho hòa bình thế giới vào đầu Tháng Giêng, lễ Phật Đản, Lễ Tắm Phật vào Tháng Tư âm lịch, lễ Du Già Diệm Khẩu và Lương Hoàng Bảo Sám vào Tháng Bảy âm lịch, lễ vía Phật Dược Sư vào Tháng Chín và lễ Phật Thất A Di Đà vào cuối năm.

Nhiều chương trình sinh hoạt văn hóa, giáo dục, từ thiện cũng được tổ chức quanh năm như lớp Phật học, lớp tọa thiền, Bát Quan Trai Giới, đoàn trống nhạc, đoàn hướng đạo v.v... Những sinh hoạt đều được thuyết giảng bằng tiếng Anh.

Phía cánh trái ngôi chánh điện tức hướng Tây dẫn đến phòng ăn Cafeteria nơi đây buổi trưa hàng ngày có phục vụ cơm chay, thức ăn thanh khiết, quang cảnh phòng ăn tươm tất sạch sẽ và khách hành hương tùy hỷ cúng dường (có bảng đề nghị là 7$). Phía cánh phải chánh điện tức hướng Đông hành lang dẫn đến phòng Bảo Tàng nơi đây lưu trữ nhiều tác phẩm nghệ thuật Phật Giáo như các tượng cổ, tranh điêu khắc và những trang kinh kệ xưa cổ trong đó có những bài kinh được khắc trên ngà voi, cẩm thạch chữ khắc tinh vi rất nhỏ phải dùng kính hiển vi mới xem được...


Thập bát La Hán

Sân vườn cảnh trong khuôn viên chùa được bảo trì chăm sóc rất nghệ thuật, trong đó có khu vườn A La Hán với tượng 18 vị A La Hán là những vị thánh nhân tu đã đạt thành chánh quả, đã diệt được bản ngã tham sân si của người trần tục. Phía khác còn có khu vườn cảnh Phật Bà Quán Thế Âm đại từ đại bi hay cứu khổ cứu nạn cho bá tánh nhân gian, tượng của bà ngự trên một bể nước với Tứ Thiên Vương sẵn sàng phò nguy giúp đỡ. Do đó khi lâm nạn gặp cảnh hiểm nghèo người ta thường cầu cứu với Phật Bà Quán Âm như khi đi biển gặp cơn bão tố, thuyền chết máy hay hải tặc uy hiếp. Sân chùa còn có những chậu hoa bốn mùa khoe sắc, những cây cảnh bonsai bố trí hài hòa mỹ thuật và những chậu phong lan quý hiếm phô sắc thắm tươi.


Bồ Tát Quán Thế Âm với Tứ Thiên Vương

Phật Quang Sơn Tây Lai Tự, hiện nay là ngôi chùa Phật giáo lớn nhất trên Bắc Mỹ, ngoài công cuộc truyền bá giáo pháp đạo Phật, chùa còn có trường Đại học cấp phát văn bằng từ Cử nhân, Cao học cho đến Tiến sĩ về các bộ môn Mỹ thuật, Quản trị cho đến Phật học. Đóng góp lớn cho sự truyền bá đạo Phật ở Phương Tây trong thời đại hiện nay.

866422032016