Mấy hôm nay, tôi có người bạn lìa đời,
tôi đã không gặp anh từ những năm 1972, sau 1975 tôi nghĩ quấy về anh là có lẽ
anh đã vượt biên, vùi chôn thân xác ở Biển Đông, vì không nghe thấy bạn bè nhắc
đến.
Năm kia, tự dưng anh gọi điện thoại đến
thăm tôi, anh cho biết trong lần họp mặt đồng môn Trường Trung học Kỹ Thuật Cao
Thắng, anh cố ý tìm nhưng không gặp tôi. Cho nên năm vừa qua, vào dịp July 4th.
2015, tôi tham dự họp mặt đồng môn ở Nam California, anh không dự nên sau đó tôi
tìm đến nhà thăm anh chị. Thấy anh còn khỏe mạnh, nói chuyện vẫn hoạt bát, chỉ
riêng đôi mắt có vẻ bệnh, tôi hỏi, anh cho biết bị Cườm nhưng không mổ, vì
ngại mổ mắt có khi bị mù, do người nhà của anh đã bị. Tôi lấy làm lạ, vì được
biết con trai anh là bác sĩ.
Nay anh đã mất, bạn của anh cho biết
anh bị tiểu đường, riêng chị ấy khi báo tin, tôi có hỏi, chị cho biết anh mất vì
Stroke.
Trong ngày hôm nay, vào buổi chiều sẽ
chôn cất anh tại Peek Family Home, trên đường Bolsa, Westminster, California. Tôi
còn quên, nên vội báo tin cho một anh đồng nghiệp ở Úc, xong việc, tự nhiên tôi
đọc lại bài nầy. Tưởng cũng cần chia sẻ với mọi người. Bài ngắn, gọn, xúc tích.
Theo tôi thật hữu ích cho mọi người.
Mar. 4th. 2016
SỬA SOẠN LÌA ĐỜI
Hiền Thuận ghi
Bài pháp với đề tài thực dụng “Đem sự tu tập vào đời sống” đã được Ni Sư Tenzin Palmo trình bày với phong cách đơn giản mà tinh tế, linh hoạt của bà.
Ni Sư chấm dứt bài giảng, nhìn thính chúng, mỉm cười chờ đợi những
câu hỏi của các Phật tử tham dự. Chánh điện Thiền Tự Tiêu Dao sinh động hẳn lên
và hội chúng tranh nhau đưa tay xin hỏi.
Thông qua sự thông dịch của hai em Phật tử, Ni Sư từ tốn giải
đáp từng thắc mắc về cá nhân Ni Sư, về cuộc sống đời thường cho đến các ưu tư
về trải nghiệm thiền tập...
Một Phật tử đã hỏi một câu thú vị:
- “Đọc cuốn Cave in the Snow,
con biết là Jetsuma đã suy nghĩ về cái chết từ khi còn rất bé, ở độ tuổi mà các
con cuả con chỉ biết ăn ngủ, chơi đùa. Trong 12 năm ẩn tu trên núi tuyết, Ni Sư
nhiều lần đối diện với hiểm nguy. Có lần Ni Sư bị chôn sống nhiều ngày trong
hang dưới trận bão tuyết và tưởng chừng không thể thoát khỏi lưỡi hái của Tử
thần... Xin Ni Sư hoan hỉ cho con biết cảm nghĩ của Ni Sư về Cái Chết.”
- “Tôi may mắn sinh ra trong một gia đình “lạ đời” ở Luân đôn! Cái
chết không là điều cấm kỵ (taboo) mà luôn được gia đình bàn cãi hàng ngày một
cách cởi mở. Trong khoảng đời ở trong hang trên núi tuyết, nhờ tu tập mà tôi đã
bình tĩnh đối phó với mọi chuyện. Tôi bình thản đón nhận cái chết nếu nó xảy ra
cho tôi vào thời điểm ấy.
Bây giờ, đôi khi tôi nghĩ rằng: A! Cái chết đến hả. Chắc là
hứng khởi (exciting) lắm đấy!”
Cử toạ cười ồ trước câu kết dí dõm, nửa đùa nửa thật của Ni Sư
Tenzin Palmo.
Từ cuối phòng, cô trụ trì mở lối cho một thính giả đi lên phía
trước Chánh điện. Anh ấy trông tiều tụy, da dẽ xám xanh và nét mặt lộ vẻ lo
buồn. Anh chắp tay vái chào, ngồi xuống bồ đoàn, ngước nhìn Ni Sư, nghẹn ngào
không nói được. Cô trụ trì đỡ lời:
“Anh D muốn xin ý kiến Ni Sư về việc sửa soạn thế nào khi sắp lìa
đời. Anh bị ung thư phổi, đã mổ xẻ và hóa trị gần ba năm nay nhưng không thuyên
giảm, bịnh đã đến thời kỳ cuối. Mạng sống không còn bao lâu. Hôm nay anh đến để
thưa hỏi Ni Sư, dù anh là tín đồ Công giáo.”
Đại chúng im phăng phắt vì kinh ngạc.
Ni sư xoay người đối diện với anh D. Nhìn anh với ánh mắt đầy
thương cảm, Ni sư hỏi: “Anh có muốn nói chuyện riêng với tôi không?”
Anh D thưa: “Dạ không cần. Con muốn Ni Sư trả lời cho con trước hội
chúng để mọi người cùng được lợi lạc.”
Một tràng pháo tay nổi lên tán thưởng sự chia sẻ đầy can đảm và độ
lượng của anh.
Hướng về anh D, Ni sư Tenzin Palmo nói chậm rải từng tiếng một:
“ Ai rồi cũng phải chết cả! Có những đứa bé chết từ thuở sơ sanh.
Có kẻ chết trẻ, người chết già vì đủ mọi lý do: tai nạn, bịnh tật, già yếu...
Ai cũng biết về cái chết nhưng cứ tưởng là nó đến cho người khác chớ chưa
đến lượt mình... mãi cho đến lúc nó thình lình hiện ra trước mắt thì hoảng hốt,
lo sợ, bấn loạn vì thiếu sự chuẩn bị. Chết vì bệnh tật là may mắn hơn vì có
thời gian sửa soạn cho sự ra đi.
Để sửa soạn lìa bỏ cuộc đời:
1/ Điều trước tiên là buông bỏ mọi giận hờn, oán hận mà từ
trước tới nay ta ôm ấp trong lòng. Mở lòng tha thứ hết mọi người. Buông xã hết.
2/ Hãy nói những lời yêu thương và biết ơn ta từng muốn nói
mà chưa có dịp hay còn ngần ngại.
3/ Hãy di chúc về tài sản, ước muốn của mình. Cần phân minh
và công bằng để thân nhân không tranh dành, cãi cọ trong thời gian ta mới lìa
đời.
4/ Hướng tâm, nghĩ tưởng về Đức Chúa, Đức Mẹ nếu là tín đồ
Công giáo, về Phật A Di Đà nếu là Phật giáo. Nếu không có tôn giáo thì nên
hướng về Ánh Sáng.
5/ Thân nhân không nên than khóc và níu kéo: “Đừng đi, đừng bỏ em,
đừng bỏ con...” vì sẽ gây quyến luyến, khó khăn thêm cho người sắp ra đi. Điều
nên làm là nhắc nhở kẻ hấp hối nhớ đến những điều thiện lành. Dù người ấy có vẻ
như đang hôn mê, không nói năng được nhưng thân nhân vẫn luôn nhắc nhở, cầu
nguyện vì trong thâm sâu, họ vẫn còn biết.
6/ Nếu thân thể bị đau đớn thì cứ dùng thuốc giảm đau. Người
tu tập cao có thể chịu đựng vì quán chiếu tánh không của cơn đau. Nhưng với
người bình thường thì đau quá làm họ sân hận, bấn loạn. Hơn nữa, thuốc giảm đau
không ảnh hưởng đến thần thức sau khi chết.
7/ Một điều cần nhắc nữa là: Khi ra đi, người chết thường
thấy hình ảnh của ông bà, cha mẹ hay thân quyến quá cố hiện ra, vẫy gọi mình.
Đừng đi theo họ mà chỉ hướng đến Chúa, Phật hay Ánh Sáng, là con đường hướng
thượng.”
Ghi lại những lời khuyên hữu ích vì cảm niệm công đức của Ni Sư.
Xin chia sẻ cùng tất cả. Thực hành là chuyện của mỗi người.
No comments:
Post a Comment