Pages

Wednesday, December 18, 2013

Nhớ về Sàigòn



Tôi trở về nhà được 1 tuần, sau khi ở đó gần hai tháng, cho nên có những lúc tôi nhớ tới thân nhân, bạn bè. Không nhớ sao được khi chúng ta có những kỷ niệm đẹp và biết bao điều chướng tai gai mắt.

Tôi nhớ tới những quán cà phê, cái không khí ấm cúng, thân thiện cùng với bạn bè kể cho nhau nghe những chuyện trên trời, dưới đất, hầu hết đều tránh kể chuyện thời sự chánh trị bởi vì nó có họ tên “Vũ Như Cẩn”, người dân rất thờ ơ với sự sửa đổi Hiếp Pháp năm 2013, có 486 đại biểu thuận, còn 2 đại biểu không nhấn nút điện tử thuận hoặc chống, trong số 2 đại biểu này có Dương Trung Quốc.

Sàigòn có thương hiệu cà phê Starbucks trong khách sạn nằm trên đường Pasteur trước Toà Đô Chánh cũ, tôi không rõ giá bao nhiêu cho ly cà phê đen, tôi uống ở vỉa hè quán “cây tre” trên đường Lạc Long Quân, Tân Bình, quán có ca nhạc trên đường Nguyền Đình Chiểu, Bàn Cờ giá ly cà phê đen từ 10 ngàn đến 70 ngàn, có một lần uống cà phê quán Suối Đá trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa đối diện với Viện Pasteur và G coffee tại ngã tư Mạc Đỉnh Chi - Tự Đức ở Đất Hộ, do một người bạn mới quen biết mời, nên tôi không rõ giá cả.

Thường cà phê họ pha đặc quánh, chỉ cần uống một ly đen trước bữa ăn, ngồi vào bàn ăn không muốn ăn vì cảm thấy no ! Màu cà phê đen nhạt hay sậm tùy theo cách rang cho hạt cà phê màu nâu hay đen. Còn muốn cho cà phê đặc quánh chừng 50 năm trước, người ta pha thêm một chút cao khô rang cháy, tán thành bột trộn với cà phê.

Về ăn nhậu thì khỏi chê, năm 2011, thế giới tiêu thụ 182 tỉ lít bia, trong đó Việt Nam tiêu thụ trên 2 tỉ lít. Các nhà máy sản xuất bia tại Việt Nam dự trù Tết Giáp Ngọ 2014 sẽ sản xuất 500 triệu lít bia. Dân số Việt Nam đã đạt 90 triệu vào ngày 1-11-2013 như vậy bổ đồng Tết này mỗi người Việt Nam tiêu thụ chừng 5.5 lít bia !


Dân số Sàigòn theo Cục thống kê vào ngày 1-4-2010 là 7,382,287 người, trên địa bàn 19 quận, huyện: 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12, Gò Vấp, Tân Bình, Tân Phú, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Thủ Đức, Bình Tân. Sàigòn chiếm diện tích 2,095.6 cây số vuông, mật độ 3,996 người trên cây số vuông (vào năm 2012 dân số là 7,750,900 người).

Xe gắn máy khoảng 5,6 triệu, không kể có chừng 1 triệu xe ở các tỉnh khác, đem vào Sàigòn sử dụng, trong quí 1 năm 2013, cả nước có 2,033,265 xe hơi, xe đạp rất hiếm, có thể bình quân mỗi người dân Sàigòn sử dụng 1 chiếc xe, cho nên giờ đi làm hay giờ về xe chạy như mắc cửi, nhiều giao lộ có cầu vượt nhưng cũng không giải quyết được nhiều nạn kẹt xe. Người ta tranh nhau luồn lách, cho nên va chạm đưa đến cãi vã, gây ấu đả là thường.

Ra đường, thấy người khác chạy xe bóp còi “chướng tai, gai mắt”, muốn được yên than không nên nhìn họ, không nên phê phán, tôi từng nghe bên tai một thanh niên phát ngôn với người lớn tuổi: “Đ. M. thằng cha già kia nhìn cái gì, muốn tao lấy mũ bảo hiểm đập cho bể đầu không ?” !!!!

Đường xá thì không ổ gà cũng chấp vá, khó mà tìm được con đường êm ái.


 Còn người chạy xe gắn máy thì, chạy xuôi cũng được mà chạy ngược chiều cũng xong, đèn xanh chạy là phải mà đèn đỏ cùng cứ chạy, nói theo ngôn từ Việt Nam ngày nay là “đèn đỏ chạy vô tư” !!! Có bản cấm cũng cứ chạy, nhất là trên cầu vượt Cây gõ phía Phú Lâm.

Còn về ăn uống thì khỏi phải nói, từ trái cây cho đến rau cải hầu hết đều có thuốc tăng trưởng, ăn thức ăn chẳng khác nào đưa hóa chất độc vào người.

Có người cắc cớ hỏi tôi: “Ngày xưa, chừng 50 năm về trước, người ta ăn uống không hề có hóa chất độc, sao tuổi thọ chỉ chừng trên 60, ngày nay ăn uống nhiều chất độc sao tuổi thọ trung bình trên 70 ?”

Tôi chỉ đáp theo sự hiểu biết của mình: “Do ngày nay khoa học tiến bộ, người ta biết chữa trị theo y khoa, nhờ đó kéo dài tuổi thọ, còn hóa chất độc đưa vào thân thể nhiều sanh ra nhiều tật bệnh chẳng hạn như ung thư, viêm gan, tai biến mạch máu não, đột quỵ …” bệnh viện trở nên quá tải.
 


Sàigòn ngày nay có những cao ốc xen lẫn với những căn nhà ổ chuột, nhiều người cố cựu đã bán nhà, mua căn nhà khác khang trang hơn đôi chút, họ có dư chút của nhưng dời xa ra khỏi trung tâm thành phố, năm bảy năm không gặp nhau, tìm thăm họ đã bán nhà dời đi địa chỉ khác rồi, đôi khi mất luôn liên lạc.

Đường xá, số nhà ghi theo từng Phường, cho nên đi tìm nhà không phải dễ dàng, trên đường Lê Văn Sỹ có ngõ hẻm số 331, gần đường Trương Tấn Bửu, nhưng ngõ hẻm số 333 phải qua khỏi Nhà thờ ba chuông, hai số đó thay vì liền nhau, lại cách nhau chừng 2 cây số. Tôi không tìm thấy hẻm 333, phải hỏi thăm một người xe ôm gát xe tại đây, ông ta vui vẻ chỉ dẫn: “Chạy tiếp qua khỏi 2 cây đèn xanh đỏ thì tới”.

Về điện thoại thì cũng hơi rắc rối, số di động có tới 10 hay 11 số, nhưng số để bàn chỉ có 8 số, từ điện thoại di động gọi sang số để bàn phải thêm 08 hay 09, tùy vùng tôi hỏi một người: “Sao điện thoại không thống nhất, dùng 10 số cho tất cả, phải dễ dàng không ?” Được trả lời: “Dùng 8 số cho tiện, khỏi quay nhiều số”. Nhưng bất tiện cho những người không quen dùng, phải quay thêm số 08 hoặc 09.

Sống ở Sàigòn gần 2 tháng, nhưng tôi luôn luôn nhớ về Sàigòn những năm 1960, Sàigòn hiền lành, êm ả như dòng nước chảy xuôi. Đường Lê Lợi đó, đường Tự do đó, đường Nguyễn Huệ đó, nhưng chúng không còn như xưa. Không còn hình ảnh người thiếu nữ đội nón lá, chạy xe Vélo Solex, tà áo dài trắng bay là đà bọc gió…


Lou. 18-12-2013

No comments:

Post a Comment