Pages

Wednesday, December 18, 2013

Gặp lại Lưu Nhơn Nghĩa



Năm nay về Việt Nam, xe tôi đi có chạy ngang qua Tri Tôn một lần, mấy năm trước đi Hà Tiên về xe cũng chạy ngang qua Tri Tôn, mỗi lần như vậy, tôi đều nhớ tới Lưu Nhơn Nghĩa, nhớ tới Trại hè học sinh toàn quốc năm 1956, anh và tôi cùng dự với rất nhiều học sinh Thủ Khoa Nghĩa, Nam, Nữ Tiểu học Châu đốc do Huấn luyện viên Trần Văn Ngà hướng dẫn.

Kỷ niệm với anh đáng nhớ là Vân với tôi đứng gác cổng ra vào của Trại hè, Nghĩa không có phận sự nhưng ra chỗ chúng tôi trò chuyện cho vui, khi ấy có con chó con lông xù trắng, đốm đen, tôi lấy chân đùa nghịch với nó không sao, nhưng đến Nghĩa bị nó cắn vào đầu ngón chân chảy máu, phải đưa đi bệnh viện Vũng Tàu, rồi hàng ngày phải chích thuốc vào bụng, lúc trại hè giải tán, anh chưa chích đủ thuốc, phải cầm giấy về bệnh viện Châu  Đốc chích tiếp cho đủ 21 liều.

Từ giả nhau năm đó, năm sau tôi lên Sàigòn học, nên không gặp lại Lưu Nhơn Nghĩa, Vân, Điệp, Nam, Năm …

Lần này về Sàigòn, tôi vào nhiều nhà sách khác nhau để tìm tài liệu viết về Văn Học Việt Nam sau 1975, tôi đã vào nhà sách Fahasa ở đường Nguyễn Huệ, đường Lê Lợi (Khai Trí cũ), nhà sách Nguyền Văn Cừ trên đường Nguyễn Văn Cừ, nhà sách Nhân Văn trên đường Hòa Bình, Tân Bình và một hôm vào nhà sách Nguyễn Văn Cừ trên đường Hùng Vương ở vòng xoay Cây Gõ, thấy có quyển Như Cánh Chuồn Chuồn của Lưu Nhơn Nghĩa, tôi lấy từ giá sách, lật ra đọc sơ rồi để lại vì không có ý định mua, chỉ muốn đi tìm sách Đường Xa Nắng Mới của Nguyễn Tường Bách, con tôi gọi điện từ Mỹ về nhờ tìm mua.

 

Đến ngày cuối cùng, tối lên máy bay, buổi sáng tôi quyết định trở lại nhà sách mua quyển Như Cánh Chuồn Chuồn, vì tôi vẫn thích đọc sách hơn là đọc trên ebook hay trên mạng, hơn nữa đường bay từ Sàigòn tới Tokyo 6 giờ bay, từ Tokyo tới Dallas 11 giờ bay, ở mỗi phi trường phải chờ đợi 5, 6 giờ có sách đọc vẫn thích hơn là nhìn cảnh “ông đi qua bà đi lại”.

Sách chỉ có 253 trang khổ 13 X 19 cm gồm có 14 truyện, do tôi lật sách ra thấy truyện Bốn năm với trường trung học Thủ Khoa Nghĩa, thoáng nhìn thấy nói tới người Hiệu trưởng đầu tiên là ông Phạm Ngọc Đa, cũng có lien quan tới cây Bồ đề ở Bồ Đề Đạo Tràng Châu Đốc, nên tôi đọc trước. Vì vậy, có lẽ nên nói thêm cho rõ phần này.

Theo tôi biết, ông Phạm Ngọc Đa là con ông huyện Phạm Ngọc Thố, thuở thiếu thời học ở trường Chasseloup-Laubat, ra trường năm 1921, làm giáo viên rồi Hiệu Trưởng Thủ Khoa Nghĩa, rồi Hiệu Trưởng Trường Nữ tiểu học Châu Đốc.

Ông là người đầu tiên gia nhập Hội Thông Thiên Học Pháp quốc vào năm 1925, từ đó ông học hỏi, dịch sách để truyền bá Thông Thiên Học tại Việt Nam. Năm 1952, hội Thông Thiên Học Việt Nam được chánh phủ Việt Nam cho phép thành lập, ông Phạm Ngọc Đa là Hội Trưởng, ông Mai Thọ Truyền Phó Hội Trưởng và ông Nguyễn Văn Lượng là Thư Ký.

Năm 1951, ông Phạm Ngọc Đa được hội Thông Thiên Học ở Ấn Độ tặng riêng cho ông một cây Bồ đề, giống từ cây Bồ đề Đạo Tràng Ấn độ, do bà Nguyễn Thị Hai nhân đi sang Ấn Độ học giáo lý Thông Thiên Học mang về.

Ông Phạm Ngọc Đa được ông Đặng Văn Lý tỉnh trưởng Châu Đốc cấp cho mảnh đất ngay trung tâm thành phố để trồng cây nầy, đêm trước khi trồng, cây bồ đề bị người ta chặt đứt lìa thân cây, nhưng ban tổ chức dùng dây kẽm giữ cho cây đứng yên trong chậu, đem lên xe hoa diễu hành quanh châu thành trước khi hạ thổ, noi theo tích xưa, người ta dùng sữa tươi tưới cây, về sau gốc cây đâm ra bốn tược, có người cho đó là tượng trưng cho Tứ diệu đế, giáo lý nhà Phật.

Muốn hiểu về Xà Tón hay Tri Tôn, về xã hội người “Tiều” ở vùng Thất Sơn, tưởng nên đọc quyển Như Cánh Chuồn Chuồn của anh, Tôi thích truyện Như Cánh Chuồn Chuồn, anh ghi âm mấy bày trong Kinh Thi, cho tôi biết âm “Tiều” và âm “Hán Việt” là những biến âm rất gần nhau, thứ nữa là một chuyện tình buồn giữa cô nàng Sóc Lếnh (Thục Linh) và chàng Dìn Nghĩ (Nhơn Nghĩa).

Tôi thích đoạn kết của truyện Con Đường Cũ:

Tôi dắt chiếc xe đạp lẫn lộn nhóm học sinh, tìm cách làm quen. Học sinh đi từng nhóm, sử dụng ngôn ngữ "thông dụng" với nhau như tiếng đệm bình thường trong mỗi câu nói, lập đi lập lại nghe ngộp thở.  Dù tôi có thời dùng nó trong lính, nhưng chắc không bao giờ dám dùng trên đường tới trường. Tôi bạo dạn hỏi: "Sao mấy cháu chưởi thề nhiều quá vậy ? ".  Mấy đứa bé nhìn tôi cười vui vẻ, pha trộn chút thái độ sành đời, ngước mặt vén hất, hãnh diện " Học sinh Thủ Khoa Nghiã mà chú ". Máu lính  ngày trước trào lên cổ tôi  bất ngờ, không kềm hãm kịp, " Ê, ĐM mầy, tao cũng Thủ Khoa Nghĩa đây nghe".”

Lưu Nhơn Nghĩa có một bút pháp khá đặc biệt, câu văn ngắn nên không nhẹ nhàng, nhưng cũng không nhát gừng, nó chỉ gãy gọn, làm nên tên tuổi Lưu Nhơn Nghĩa. Tôi đã đọc hết quyển truyện, nghĩ đến anh người tài hoa mệnh đoản.
Louisville 17-12-2013

No comments:

Post a Comment