Pages

Wednesday, June 9, 2010

Một chuyến về Việt Nam 2009

Viếng chùa, thăm mộ

Năm nay, tôi về Việt Nam không chủ động được ngày đi về, mục đích chánh của tôi là về khám bệnh Tiền liệt tuyến, nó ám ảnh tôi hơi nhiều do chỉ số PSA vào tháng 3 hay 4 tôi khám là 3.9, chỉ số trung bình cho phép là 4, dưới 4 là bướu lành, trên 4 là bướu dữ hay ung thư, kích cở phì đại là 30, 47 và 50 mm.

Về Việt Nam nghỉ ngơi vài hôm, sau đó tôi đi vào Bệnh Viện Nhân Dân 115 tái khám, sau khi khám xong, bác sĩ cho tôi biết là muốn mổ cũng được mà không cũng được, do đó tôi quyết định không mổ.

Mấy người bạn thời Trung học, sáng thường gọi tôi đi uống cà-phê, giới thiệu, cổ võ tôi uống một thứ thuốc Nam, do một ngôi chùa ở Thất sơn cho để làm phước. Thuốc chỉ có một vị lấy từ thân của cây Sen Rừng, vạt thành những miếng mỏng, sắc như thuốc Bắc, nước nhất 3 chén còn 8 phân, nước nhì nấu như nước trà để uống cả ngày.

Tôi uống như vậy từ 24-11-2009 đến 17-12-2009, đi xét nghiệm lại, kết quả rất khả quan, chỉ số PSA còn 3.75, kích cở phì đại cũng nhỏ đi là 27, 44 và 48 mm, tôi không thể ngờ được chỉ số PSA đã xuống dưới mức giới hạn, không còn gì an tâm hơn.

Lần về Việt Nam này, chúng tôi phải dành thời giờ đi viếng mộ nhạc gia tôi ở Nghĩa trang Vĩnh Nghiêm, vì lúc người mất chúng tôi không về được và chúng tôi cũng phải đi viếng Quan Âm Tu Viện ỏ Cầu Hang Biên Hòa, nơi đó có Sư Bà Huệ Giác đã dẫn dắt chúng tôi tu học nhiều năm, cứ mỗi hai tuần chúng tôi thọ Bát Quan Trai một kỳ, từ Bát Quan Trai này, có nhiều bạn đạo của chúng tôi đã xuất gia.

Từ Quan Âm Tu Viện này, ngoài thọ bát ra, nhiều năm chúng tôi theo dự khóa Bách Nhật Niệm Phật tại Nhất Nguyên Bửu Tự ở Lái Thiêu cũng thuộc chi phái của Tu viện này, cho nên có thể nói Tu viện là nơi để cho chúng tôi tu học.

Năm 2007, Sư Bà Huệ Giác dẫn một phái đoàn sang Mỹ có ưu ái đến thăm và ở lại nhà chúng tôi một ngày, Sư Bà còn dạy chúng tôi về Việt Nam vào chùa, Sư Bà cho cất một tịnh thất để tu, luôn luôn sách tấn chúng tôi xuất gia. Lần này Sư Bà dạy:

- Thu xếp mọi việc cho xong, sang năm về chùa đây ở nghe!

Sau khi viếng Tu viện, Lễ Phật thăm Sư Bà và chư Tăng, chúng tôi theo Xa lộ Đại Hàn về Nghĩa Trang thăm mộ nhạc gia.

Mấy năm trước, nhà tôi đã mua hai phần mộ cho thân phụ và kế mẫu của mình trong khu đất sát với tượng đức Địa Tạng, Nghĩa Trang Vĩnh Nghiêm trước thuộc tổ đình Vĩnh Nghiêm, gần đó có khu mộ của Hòa Thượng Thích Tâm Giác. Nay nghĩa trang này do nhà nước quản lý, không còn thuộc chùa Vĩnh Nghiêm nữa.

Một hôm chúng tôi ra Bà Rịa, thăm Ni Trưởng Diệu Ngọc trú trì chùa Thiên Bửu Tháp để tạ ơn cô đã cho làm và ký gửi linh vị nhạc gia tôi ơ Thiên Thai Cổ Tự, đây là một chùa xưa, có đến gần 20 tháp của chư vị Hòa Thượng tại đây.

Trước khi đến, nhà tôi có nhờ Ni Trưởng Diệu Ngọc giúp nấu cho một mâm cơm canh cúng vong. Khi chúng tôi ra gặp Ni Trưởng thì đã chuẩn bị xong, rồi Ni Trưởng hướng dẫn chúng tôi sang Thiên Thai Cổ Tự, đến nơi chờ cho vị Tăng cúng vong cho một gia đình nào đó xong, cô Diệu Ngọc nhờ cúng vong cho nhạc gia chúng tôi, vị Tăng trẻ ấy hoan hỷ tiếp tục cúng ngay, đây là vị Tăng trẻ có học nên chỉ đọc theo chữ Hán tên tuổi năm sinh, năm mất của nhạc gia tôi một cách suông sẻ, chúng tôi quỳ, cô Diệu Ngọc tiếp tay rót nước mỗi khi Tăng dẫn lễ xướng dâng trà.

Buổi trưa chúng tôi thọ trai tại chùa Thiên Bửu Tháp, chùa đang xây dựng giảng đường, khách tăng rất bề bộn, cho nên thọ trai xong, chúng tôi cáo từ ra về.

Nhà tôi nghe một vị cựu giáo sư Gia Long, cô Thoại Lan đã xuất gia đầu Phật từ nhiều năm qua, nay đang tu ở Thường Chiếu. Trên đường về, nhân tiện ghé thăm, thông tin không rõ ràng, do đó khi vào Thường Chiếu người ta cho biết có hàng trăm người có thất riêng, muốn hỏi thăm phải chở hết giờ nghỉ trưa đến phòng phát hành kinh sách, ở đó có người phụ trách sẽ tra cứu, chỉ dẫn cho.

Tuy nhiên, chúng tôi cũng tìm ra, cô Thoại Lan có pháp danh Thuần Chơn đã tu theo Thầy Thanh Từ từ trên Tu viện Chân Không ở Vũng Tàu, khi Liên Xô dùng núi lớn để khai thác dầu khí thì cô Thuần Chơn về Tu viện Thường Chiếu tu, được Hòa Thượng cho mảnh đất, cô xây dựng Thiền viện An Lạc, nằm trong khuôn viên Thường Chiếu, gần khu vực để tro cốt. Tu viện An Lạc có khoảng 20 Ni.

Tu viện An Lạc có Chánh điện khoảng 6 x 9 thước, chứa được khoảng 50 vị Ni khi hành lễ, tôn tượng Phật rất trang nghiêm.

Cô Thuần Chơn cho biết, khi xin đất để xây dựng Tu viện Trúc Lâm, phải đi qua hồ Tuyền Lâm tham quan, khảo sát để xin đất bên ấy, nhưng sau đó người ta lại cấp cho miếng đất hiện nay, tất cả đều là nhân duyên.

Rời Tu viện An Lạc, chúng tôi lại ghé Bửu Hoa Ni Viện, bên đường chỗ bánh bao Huỳnh Mai. Mấy năm trước, nơi đây có Trường Phật Học Cơ Bản dành cho Ni, nay Trường dời đi nơi khác cảnh quang trở nên thanh tịnh, đúng nghĩa là chốn thiền lâm.

Lần này cũng như bao lần trước, mấy chục năm qua vật đổi sao dời, quý cô vẫn dành cho chúng tôi nhiều tình cảm tốt đẹp.

Về thăm Châu Đốc

Cũng như mọi lần, lần nào tôi cũng phải về Long Xuyên, Châu Đốc để viếng Từ đường, thăm họ hàng, anh em. Lần này đặc biệt, tôi được về dự ngày giỗ của mẹ, tổ chức tại nhà anh kế của tôi ở Phú Hòa, nơi mà năm 1954 mẹ tôi đã trút hơi thở cuối cùng trong ngôi chùa làng, tới dự gồm có chị dâu họ, hai chị em con của dì, nhớ lúc nhỏ hai em ấy thỉnh thoảng được mẹ tôi đem về nuôi vài tháng, vì dì tôi mất, dượng tôi bước thêm bước nữa, ba bốn mươi năm rồi, lần này tôi mới gặp hai em ấy, còn lại mấy đứa cháu chào tôi, đứa gọi chú, gọi cậu cũng có đứa gọi ông, nhìn lại cậu, dì, mẹ tôi đã mất, anh em trang lứa họ ngoại của tôi cũng chỉ còn có bốn năm người, sống chết là lẽ thường nhưng không tránh khỏi bùi ngùi nhớ lại hình ảnh lớp người xưa.

Tôi đến Châu Đốc ngày 10-12-2009, vào núi Sam cho người nhà đi lễ Bà Chúa Sứ, nhân thể tôi ghé qua bên đường xem Sơn Lăng Thoại Ngọc Hầu đang trùng tu, đọc bài trên Mạng, thấy đợt trùng tu này có khai quật được hai chỗ chôn nhiều cổ vật, vì đang khai quật người ta che chắn nên khách không thể đi thẳng vào khuôn viên Lăng, chỉ đi theo một lối đi nhỏ bên tay trái của Lăng để vào điện thờ, nhờ vậy tôi mới có dịp thấy bên tay trái là một quần thể mộ, trong nhiều tài liệu có nói tới hoặc phía sau Lăng, hoặc hai bên Lăng, hoặc một bên Lăng có khoảng 50 ngôi mộ, là những mộ do Thoại Ngọc Hầu cải táng những quan lại, tùy tùng, dân phu đã đào kinh Vĩnh tế, vì rừng sâu nước độc vì tai nạn phải bỏ mình.

Theo tôi, chỉ có một quần thể khu mộ này nằm phía tay trái kể từ ngoài đường cái nhìn vào Sơn Lăng, vì những bậc thềm ngoài đường cái để bước lên sân, kéo dài từ Lăng cho đến phần quần thể mộ này dài chừng 50 thước, và sân cũng giáp liền như phần Lăng.

Tôi đếm tất cả có 29 ngôi mộ, trong đó có 12 ngôi mộ hình voi phục mà một ngôi có bình phong, tường thấp ngăn ba phía, tôi đoán đây là mộ của một viên quan lớn còn những ngôi mộ voi phục khác cũng là quan chức nhỏ, 17 ngôi mộ hình thuẫn, nấm bằng phẳng chỉ đấp cao hơn mặt đất chừng 2 tấc mà thôi, và có 2 ngôi mộ đấp hình qui bối dài chừng 2 gang, ngang chừng 1 gang tay, hai ngôi mộ này dấp song song, cách nhau chừng gang tay. Đây là những ngôi mộ của quan viên, tùy tòng, dân phu đã góp công đào kênh Vĩnh Tế, họ đã bỏ mình vì “sấu tha ma bắt”, “rừng thiêng nước độc”. Còn hai ngôi mộ nhỏ, hình như mộ vọng, không cách lý giải. Nói chung, có nhìn thấy 29 ngôi mộ này mới xác chính 14 ngôi mộ trong khuôn viên Lăng là mộ của đào kép hát bội và toàn thể là Sơn Lăng.

Sau khi cải táng, Thoại Ngọc Hầu đã lập đàn cúng tế họ, xin đọc bài văn tế Nghĩa Trủng Văn dịch theo thể song thất lục bát từ nguyên văn chữ Hán:

Trời xanh thẳm mồ hoang lợp lợp
Trăng soi nhoà mấy lớp bia tàn!
Mây che bao nấm đất vàng,
Sương sa sao giọi gò hang đổi dời!
Máy tạo thể trò chơi lũ trẻ,
Bóng quang âm như kẻ qua đường.
Lúc sanh, khi lớn không tường,
Là trai hay gái khó tường họ tên?
Hiền hoặc dữ, hư nên nào rõ?
Cha anh đâu, còn có cháu con?
Việc người ta biết chưa tròn,
Xưa làm chi đấy, hãy còn nghĩ suy!
Đào kinh trước mấy kỳ khó nhớ,
Khoác nhung y chống đỡ biên cương.
Bình man máu nhuộm chiến trường.
Bọc thây da ngựa gửi xương xứ này.
Quê cách trở lấy ai hộ tống,
Sống làm binh, thác chống quỷ ma.
Than ôi ai cũng người ta,
Mà sao người lại thân ra thế này!
Mồ ba thước gửi thây cõi lạ,
Lễ thanh minh ai sá quét cho,
Ai trừ gai gốc lan bò,
Gió dồn mưa dập làm cho mòn lần.
Ngày viên huyệt hú rân thê thảm,
Đêm tử quy ảm đạm khóc than,
Mênh mông đất rộng mây ngàn.
Vật vờ lửng đửng hồn an nơi nào?
Móc đỡ dạ mây bao xác ốm,
Đèn ma trơi lửa đốm lập loè,

Bờ sông đất trở trời che,

Vì ai cảnh vật cũng tê tái lòng!
Nếu không gặp được ông Tây Bá,
Nắm xương khô tan rã khắp đồng.
Giờ ta vâng lệnh bệ rồng,
Dời người an táng nằm chung chốn này.
Chọn đất tốt thi hài an ổn,
Cảnh trời thanh vui nhộn cùng nhau.
Hàng năm cúng tế dồi dào,
Tràn trề lễ trọng dám nào để vơi!

Ơn chúa rộng cho người chín suối,
Được hưởng nhờ đền buổi gian lao.
Mộ phần xa cách biết bao,
Làng quê xiêu lạc lòng nào ta an.
Mắt chạm thấy lòng càng tưởng nhớ,
Dầu đưa tay vớt đỡ được đâu.
Tỏ lòng ghi nhớ ơn sâu,
Điếu người thiên cổ mấy câu ca rằng:
Đỉnh núi Sam gió xuân thổi ngót
Triền núi Sam móc ngọt đượm nhuần
Hợp nơi mồ vắng reo mừng,
Hồn ơi! Hồn hỡi! Mưa đừng luyến xa!
Cỡi văn báo hay là xe ngựa,
Cảnh chia ly gợi ứa lệ hồng,
Phương Tây thoả dạ ruổi dong,
Núi Sam sừng sững như mong hồn về!

Trên đường từ Núi Sam về Thị xã Châu Đốc, chúng tôi có ghé thăm chùa Quảng Đạo, là một ngôi chùa khang trang, Chánh điện đã xây cất xong, đang xây cất thêm vài cơ sở phụ khác.


Tôi có đi dạo trong nhà lồng chợ, lần theo kẻ mua người bán tôi ra đến đường bờ sông, muốn tìm lại Cầu Tàu, nhưng hiện nay nhà cửa chen chúc hổn tạp, không có lối nào ra Cầu Tàu, có thể nó không còn nữa. Tôi đi lần về hướng đình Châu Phú, qua khỏi đình từ trước Bưu Điện cho tới Kinh Lò Heo, từ lúc nào chánh quyền đã đổ đất đắp thêm bờ rộng ra thêm chừng 20 thước, làm thành một công viên, trước khu Nhà Lớn có một khách sạn nhiều tầng, trước Tòa Hành Chánh cây Cầu Quan đã phá bỏ, nay thay vào đó là một tượng đài hình con cá khá to, thân thẳng đứng, đầu hướng lên trời như muốn nhảy lên, vượt lên, biểu tượng cho địa phương có tiềm năng cá tôm và danh tiếng về mắm, nào là mắm ruột, mắm thái, mắm lóc, mắm cá trèn …

Tôi dừng chân ở rào cản ngoài cùng để ngắm nhìn, trước mắt là Cồn Tiên, xa kia là Châu Giang, những đám lục bình lững lờ trôi trên sông, đó đây những bãi bùn phơi mình làm cho tôi nghĩ tới mới có 24 tháng mười, mà mực nước sông Hậu Giang như tháng hai, tháng ba, Trung Quốc hạn hán, những dập thủy điện ngăn nước, làm cho mực nước hạ lưu sông Mékong thấp, quá thấp có thể sẽ gây ra hạn hán cho Đồng Bằng Sông Cửu Long sau này chăng?

Tôi có thấy những thùng rác khá ngộ nghĩnh, lôi kéo trẻ con và người lớn vất rác vào đó, tránh được nạn xả rác bừa bải, kém văn minh, đây là nét đáng khen cho Thị Xã Châu Đốc.

Khi về, tôi đi theo con đường bên hông Tòa Hành Chánh cũ, thấy Trường Nữ đã xây cất lại gợi cho tôi nhớ tới ông Phạm Ngọc Đa hiệu trưởng trường này vào thập niên 50 của thế kỷ trước, hình như ông cũng là hiệu trưởng đầu tiên của Trung học Thủ khoa Nghĩa Châu Đốc, ông là Hội trưởng sáng lập Hội Thông Thiên Học Việt Nam, đã hiến tặng cây Bồ đề và được ông Đặng Văn Lý Tỉnh trưởng Châu Đốc cho đất để trồng cây Bồ đề, giống từ cây Bồ Đề Đạo Tràng ở Ấn Độ. Tôi cũng nhớ tới chú tôi thầy giáo Huỳnh Bá Nhệ, giáo viên dạy lớp Tiếp liên Trường Nữ nhiều năm, Chi trưởng Chi bộ Thông Thiên Học An Giang, Phó Hội trưởng sáng lập Tỉnh Hội Phật Học tỉnh Châu Đốc, chủ trì xây dựng chùa Viên Quang tại Thị xã Châu Đốc. Nay Trường này đã xây mới khang trang, đổi tên là Trường Trưng Vương.

Tôi có ghé viếng chùa, lên chánh điện trên lầu lễ Phật, nhớ tới năm 1960 chùa xây cất gần xong, tôi đã thành lập Gia Đình Phật Tử Chánh Hạnh tại đây.

Vào buổi tối, tôi có viếng Bồ Đề Đạo Tràng, nơi Chánh điện thiện nam, tín nữ tụng kinh Pháp Hoa, chánh điện nhỏ hẹp Phật tử phải ngồi ra sân để tụng kinh, những hương án ở gốc Bồ Đề, ở trước tượng đúc Quán Thế Âm, nhiều người lễ bái đa số là thiếu nữ, đôi khi là bà mẹ trẻ dẫn con theo, hai mẹ con cùng lễ Phật, không có chi hay bằng “dạy con từ thuở còn thơ”, gieo vào chúng hạt giống Bồ Đề.

Trên cột tháp bốn mặt ở cổng chánh ra vào, ghi công đức những vị đã tạo dựng nên Bồ Đề Đạo Tràng, ngày tháng trồng cây và trên chót tháp có tôn trí Xá Lợi Phật, làm cho nơi đây trở thành đất thiêng của Phật tích.

Tiếc cho tôi chưa có thời giờ, để thăm lại những chỗ cũng đáng thăm như Trường Nam, nơi đó tôi có hai năm “dùi mài kinh sử”, thôi đành hẹn lại chuyến sau.

Chuyến đi Đà Lạt

Ngày 15-12-2009, nhà tôi, tôi, con rể và tài xế lên xe rời Sàigòn đi Đà Lạt lúc 3 giờ 30 sáng, khoảng 5 giờ trời còn nhá nhem tối, tôi nhác thấy bên đường phía tay trái có tấm bảng nhỏ màu xanh dương, chữ trắng DAMBRI làm cho tôi liên tưởng tới vụ Thiền Viện Bát Nhã, những hôm ở Sàigòn đọc báo, chẳng có tin tức chi về vụ này, tôi không hiểu Tăng sinh làng Mai hiện trú ngụ ở chùa Phước Huệ tại thị xã Bảo Lộc ra sao rồi ? Một chức sắc Phật giáo ở tỉnh Đồng Nai cho tôi biết, vì Thiền sư Nhất Hạnh đưa ý kiến dẹp bỏ Ban Tôn Giáo Chánh Phủ, trái với đường lối của Đảng Cộng Sản nên Làng Mai tại Việt Nam bị xóa sổ, còn một ngưới bạn là Đảng viên cho biết vì Thiền sư Nhất Hạnh còn tuyên bố với truyền thông Ý là thiền sư đã về Việt Nam thì đức Đạt Lai Lạt Ma cũng sẽ trở về Tây Tạng, đã đụng chạm lớn, trái nghịch với đường lối, chủ trương của nhà cầm quyền Trung Quốc nên sự việc mới xảy ra.

Qua đèo Bảo Lộc thì trới đã sáng, xe vào thị trấn Bảo Lộc tôi thấy bên tay phải có cổng tam quan Chùa Phước Huệ, xe chạy qua vài chục thước, bên tay trái có cái hồ lớn nằm dọc theo đường, có một hàng cây cao trồng bên vệ đường dọc theo bờ hồ, cây đang trổ hoa màu cam, rể tôi dừng xe lại để chụp ảnh, nhân tiện ghé quán cơm chay gần đó ăn sáng.

Quán nấu hủ tíu cũng thường, không chi đặc sắc nhưng đặc biệt tôi được hưỡng mấy chén chè tươi vừa ấm vừa nồng với gừng. Tôi có hỏi một người ở quán về tình hình chư tăng sinh Làng Mai đang trú ngụ tại chùa Phước Huệ, vị ấy cho biết:

- Tôi không dược rõ còn bao nhiêu, chánh quyền ra hạn chót là ngày 31-12-2009.

Thấy chùa không xa, tôi đến tam quan chụp ảnh để trình làng tôi có đi ngang qua, sau khi chụp ảnh xong, tôi thấy có một Tăng sinh đứng cạnh tam quan, tôi liền đến gần hỏi chuyện.

- Bạch Thầy trong chùa còn Tăng, Ni sinh không?

- Còn

- Xin hỏi Thầy đi đâu?

- Tôi đi về Sàigòn

- Thầy về chùa hay về nhà?

- Tôi về chùa.

Thấy thái độ của vị Tăng sinh này e dè, né tránh không muốn đứng gần tôi, hình như Thầy sợ tôi là công an hoặc sợ công an đang theo dõi, cho nên tôi không hỏi thêm.

Nhớ có người bạn vừa mới viếng thăm, đãnh lễ Sư bà Hả Triều Âm, nhà tôi liền gọi điện thoại hỏi thăm lối vào chùa, người bạn của nhà tôi chỉ dẫn:

- Đến Đại Ninh hỏi thăm chùa Dược Sư, Sư bà ở đó.

Xe đến Đại Ninh, chúng tôi hói thăm mấy anh xe ôm, họ chỉ:

- Chạy qua khỏi cầu, bên tay phải có con đường nhựa chạy vào đó, gần cuối đường, chùa Dươc Sư ở sau chùa Hương Sen.

Theo sự chỉ dẫn của mấy anh xe ôm, tìm ra chùa Dược Sư cũng dễ, chùa khang trang, rộng lớn, rất sạch sẻ, Sư cô Tri khách tiếp rất ân cần, hướng dẫn lên Chánh điện lễ Phật trong khi chờ Sư Bà làm lễ Bố Tát. Lễ Bố tát xong, Sư Bà được chư Ni cung thỉnh về phương trượng, kẻ dìu, người che dù, trông Sư Bà phương phi nhưng tuổi cao, sức yếu.

Tôi nhớ năm 1960, vào dịp Tết năm đó, Thầy Chính Tiến tổ chức đi Thập Tự, cho tôi theo, khi đến Thiền viện Vạn Đức của Thầy Trí Tịnh ở Thủ Đức, Thầy Chính Tiến cho biết vào đó nhân thể thăm Chị Ni, là huynh trưởng kỳ cựu của Miền Bắc, nhưng lần đó Sư cô đi khỏi Thiền Viện, tôi không có duyên được gặp, nay đà đến lúc có duyên.

Đại cương Chị Ni là huynh trưởng kỳ cựu đất Bắt, mẹ Việt, cha Pháp chị là Y tá, có dự Đại Hội Huynh Trưởng Toàn Quốc kỳ 2 năm 1953 cùng với các anh Lê Vinh, Trần Thanh Hiệp …

Khi Sư Bà an vị ở phương trượng, thị giả liền báo cho chúng tôi vào, nhà tôi đãnh lễ Sư Bà, tôi có cho Sư Bà biết tôi là Huynh Trưởng Vĩnh Nghiêm, năm 1960 theo Thầy Chính Tiến thăm Sư Bà ở Thiền Viện Vạn Đức của Thầy Trí Tịnh ở Thủ Đức, nhưng không có duyên gặp Sư Bà và ở hải ngoại có Ái Hữu GĐPT Vĩnh Nghiêm, có anh Lê Vinh, Trần Thanh Hiệp cùng sinh hoạt, thị giả phải to tiếng kề sát tai Sư Bà lập lại lời tôi. Sư Bà cho biết già rồi nên lãng tai, không nhớ được chuyện xưa.

Trước khi chào ra về, Sư Bà chúc cho được an lành và cho mổi người một quyển sách do Sư Bà giảng dạy. Sư cô Tri khách mời ở lại thọ trai, nhưng chúng tôi xin phép cáo từ vì mới ăn sáng ở Bảo Lộc.

Ngày 16-12-2009, chúng tôi đi viếng Thiền Viện Trúc Lâm, sau khi lễ Phật trên Chánh điện, nhà tôi đến phòng khách tìm gặp Thầy Tri khách, xin cho gặp Hòa Thượng Thanh Từ, Thầy Tri khách gọi điện vào trong xin thỉnh ý Hòa Thượng viện chủ, trong khi đó chúng tôi ngồi chờ ở phòng khách, Phòng khách có tượng Phật, ảnh của Hòa Thượng viện chủ phóng to, có 2 khung chữ vàng mừng Thượng thọ của Hòa Thượng và những bức tranh thư pháp, chừng 15 phút sau, chúng tôi được Thầy Tri khách hướng dẫn vào Nội viện để gặp Hòa Thượng viện trưởng.

Từ ngoài phải đi qua hai lần cổng mới vào tới Nội viện Ni, giữa hai lần cổng có hai cái thất, trước kia Hòa Thượng đã giới thiệu cho tôi biết, một dành cho Hòa Thượng Tù Mãn viện chủ chùa Linh Sơn, khi nào Ngài cần tịnh dưỡng vào đó, thất ấy cũng dành cho những vị Hòa Thượng khác khi vào viếng thăm Trúc Lâm, thất phía trong sát với hàng rào Nội viện chính là thất của Hòa Thượng Viện chủ, chúng tôi không được đưa vào thất mà là vào một thất khác trong khu Nội viện gần sát với Thiền đường của Ni chúng.

Khi chúng tôi vào, Hòa thượng đang nằm trên võng, có ba Ni cô hầu, khi thấy chúng tôi, Hòa Thượng ngồi thẳng lưng lên, chúng tôi đãnh lễ, Ngài chấp tay định tâm, sau đó Ngài mời chúng tôi ngồi, nhà tôi quỳ tôi đứng hầu chuyện Ngài, tôi có cho Hòa Thượng biết, trước kia chúng tôi có đến với Thầy Thông Châu, nhưng sau khi Hòa Thượng từ vị đệ tử này, chúng tôi không có đến đó nữa, một Sư cô hỏi tôi có biết chùa Hoa Nghiêm không, nơi đó Hòa Thượng đã từ Thầy Thông Châu, tôi chưa đến Hoa Nghiêm, nhưng từng gặp Thầy Kiến Khai, lúc đám tang chị Đoàn Thị Kim Cúc tại Virginia, chúng tôi xin chụp ảnh với Hòa Thượng, nhà tôi xin Ngài ban cho vài lời để tu học, Ngài dạy đã có thời khóa tụng kinh thì nên niệm Phật khi đi, đứng, nằm ngồi để ngày về được thanh thảng.


Hôm đó là ngày giỗ của Hòa Thượng Thích Thiện Hoa, Thầy của Hòa Thượng Viện chủ, nên chư Ni tù Nội viện y áo tề chỉnh ra nhà tổ hành lễ kỷ niệm.

Rời Trúc Lâm Thiền Viện, chúng tôi đi viếng Thiên Vương Cổ Sát, là một ngôi bảo tự của người Hoa, Chánh điện có ba pho tượng trầm cao chừng bốn thước, chùa đã thỉnh từ Đoài Loan vào những năm 1960, do phi cơ chuyển vận.

Trên đỉnh đồi phía sau chùa là một pho tượng Phật tổ to lớn, tôn trí trên đài cao, xung quanh là những cây thông, tạo thành khung cảnh hùng vĩ, trang nghiêm.

Buổi chiều chúng tôi đi viếng chùa Linh Sơn, vì còn sớm nên chùa đóng cửa, một học tăng chỉ chúng tôi theo hông chùa ra phía sau. Phía sau có nhà Tổ và tháp của Hòa Thượng Từ Mãn, Ngài đã viên tịch từ năm 2007. Chùa Linh Sơn có Trường Phật Học gồm từ Sơ cáp cho đến Cao đẳng.

Sau Linh Sơn, chúng tôi đi viếng chùa Sư Nữ Linh Phong, chùa không rộng, hôm ấy ngày mồng một, tụng kinh vừa Ni chúng vừa Phật tử chừng 20 vị. Sau sân chùa có bảng chỉ theo các bậc thang đi lên đài Quan Âm linh cảm, nhưng cũng có đường xe chạy vòng ra phía sau rồi lên đồi, chúng tôi chọn dường này.

Trên ngọn đồi này có tên là Thạch Vân Phong, rãi rát có những tảng xi-măng làm thành những cụm mây, trên một cụm mây lớn tôn trí tượng Quán Thế Âm đứng, cao chừng 4 thước, khi chúng tôi lên đến nơi, tôi thấy một ông Tăng đang ngồi trò chuyện với một cô gái, ở chỗ tượng đài hoa quả, khói nhang nghi ngút, cô gái đi lễ Phật rồi xuống đồi lúc nào tôi không biết, vì sau khi lễ Phật, tôi đến chào ông Tăng, nhìn kỹ tôi nhận ra người quen, đó là Bửu Cầu, tôi nằm giường trên, anh nằm giường dưới trong cùng Trung đội khóa sinh Khóa 27 Sĩ quan Thủ Đức, tính ra 41 năm gặp lại, tôi còn nhận ra anh, thật là một cuộc trùng phùng đáng nhớ trên đỉnh Thạch Vân Phong.

Tôi nhớ khóa 27 có nhiều công chức, nhất là giáo chức bị động viên, Trung đội tôi có Bửu Cầu, Bửu Biên, Vĩnh Đào, Vĩnh Cường vốn dòng hoàng tộc.

Tôi có thắc mắc hỏi:

- Vì sao đây là chùa Sư Nữ mà ông Thầy lại tu ở đây ?

Ông ta giải thích rõ thắc mắc của tôi:

- Tôi chỉ là cư sĩ làm công quả ở chùa, trông nom khu vực Thạch Vân Phong này, Ni Sư trụ trì là Công Tằng Tôn Nữ Kim Anh, là họ hàng nên tôi mới được cắt đặt ở đây.

Ngoài những cây thông, Thạch Vân Phong còn trồng rải rác những cây hoa Mimosa, khí hậu Đà Lạt thích hợp để trồng rau quả và hoa, những cành hoa anh đào, hoa mimosa trổ vào dịp Noel điểm cho thành phố hoa này nhiều màu sắc rực rở đẹp mắt cho nhiều du khách.

Một ngày tôi đã có duyên phước gặp được Hòa Thượng viện chủ Trúc Lâm, gặp lại một chiến hữu mà tôi tưởng chừng không bao giờ còn gặp lại, lại được trùng phùng nơi Quán Âm Linh Cảm đài này. Thật là một ngày đầy phước duyên.

Ngày 21-12-2009

No comments:

Post a Comment