Pages

Wednesday, June 9, 2010

Lãnh Mỹ A

Nói đến Châu đốc, người ta thường nói địa danh như Thất sơn, kinh Vĩnh Tế, về tín ngưỡng như lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam, Phật giáo Tứ Ân, Phật Giáo Hòa Hảo, Bồ Đề Đạo Tràng, về nhân vật lịch sử như Phật Thầy Tây An, Huỳnh Phú Sổ, Thoại Ngọc Hầu, còn một thứ danh tiếng nhưng ít người nói đến đó là lãnh Mỹ A, một nghề truyền thống lâu đời ở Tân Châu.

Hồi thời Pháp mới đặt nền móng đô hộ Miền Nam, có người Pháp là De Colbert đến Tân Châu lập ra Sở Kén, để lấy tơ dệt lụa nhưng về sau thất bại.

Khoảng trên năm mươi năm trước, những nơi chốn ăn mặc sang trọng như ở đám cưới, đi xem hát, trong những ngày tết, phụ nữ ai ăn mặc lãnh Mỹ A, người ta biết ngay đó là những người có tiền của.

Lãnh Mỹ A, dệt từ tơ, gọi chung là lụa, nhưng trong kỹ thuật người ta tạo ra mặt lụa trơn láng, sờ đến nó mát lạnh, phải chăng vì vậy nên gọi là lãnh ? Ngày trước nó được nhuộm với trái Mạt nưa, cho ra một màu đen tuyền và bóng láng nên có tên riêng là lãnh Mỹ A, khi quần áo mới may người ta mặc vào, khi đi lãnh Mỹ A cọ xát vào nhau phát ra âm thanh sột soạt, nó có đặc tính chung của tơ lụa là mặc vào mùa hè mát, mặc vào mùa đông ấm.

Nhớ lại thuở ấu thơ của tôi, những người ngày nay vào độ tuổi “Thất thập cổ lai hy”, đều phải trải qua một thời kỳ gian khổ này, đó là thời đệ nhị thế chiến, quân đội Thiên Hoàng tràn khắp Đông Nam Á, Đồng Minh chủ yếu là Mỹ kiểm soát vùng biển Thái Bình Dương, tàu bè không thể đi lại, Việt Nam không thể xuất hay nhập khẩu, vựa lúa miền Nam đổ vào nhà máy điện Chợ quán hay Cần thơ, để cho đồng bào miền Bắc chết đói gần hai triệu người!

Không có nhập cảng nên không có dầu lửa để thắp đèn, người dân quê phải thắp đèn dầu cá, không có vải nhập, phải trồng cây bông vải, dệt “vải ta” vì dụng cụ thô sơ từ kéo sợi đến khung dệt nên vải ta thô, dầy, nhiều nhà nghèo có một bộ cứ mặc hoài ít giặt giũ nên dễ sanh rận, rệp. Do đó, ông bà ta thường nói “nghèo mạt rệp” là vậy!

Trong gia đình, để làm kế sinh nhai, anh lớn của tôi khoảng 17 hay 18 tuổi, sau khi nghỉ học vì chiến tranh, được gửi đi học nghề dệt ở Tân châu. Khi rành nghề anh tôi trở về dệt vải tại nhà, có lúc dệt vải ta, vải thưa, cũng có lúc dệt lãnh Mỹ A, tôi còn nhớ trong nhà có mua trái Mạt nưa để nhuộm và có lúc anh tôi đem lãnh Mỹ A xuống bến sông, dùng cái chày cở bằng bắp tay để đập lên khúc lãnh.

Dệt lãnh Mỹ A cũng như lụa, còn phải nói đến trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, kéo sợi. Cây dâu để cho tằm ăn, hồi nhỏ tôi thường nghe người ta nói “ma” sợ roi dâu, cho nên mấy người lên đồng cốt thường dùng roi dâu để trị “tà”! Riêng tôi có kinh nghiệm, lấy lá dâu tằm ăn chừng một nắm bỏ vào máy xay sinh tố với một ly nước, xay nhuyển lược lấy nước uống, trị chứng người già bị tiểu đêm.


Tằm là một con sâu, thân nó chừng bằng ngón tay út màu trắng, khi nó sắp nhả tơ gọi là chín mình nó trở thành màu vàng, nó nhả ra một chất kéo thành sợi tơ, để tạo ra một cái ổ kín bao bọc ngoài thân nó gọi là ổ kén, khi nó đã nhả ra hết tơ, thân hình nó còn chừng bằng một lóng tay được gọi là “nhộng”, sau đó nó mọc cánh mọc chân, cắn ổ kén chui ra gọi là con ngài, con ngài phát triển thành bướm.

Lúc ở thời kỳ con “nhộng”, người ta bỏ những ổ kén vào trong nồi nước nóng, rồi dùng cái xa quay để kéo tơ từ trong ổ kén ra thành sợi tơ, rồi dùng sợi tơ ấy dệt thành lụa.

Nuôi tằm tốn nhiều công phu, phải canh chừng cho nó ăn đầy đủ, lúc người ta gọi là tằm ăn lên, nó ăn hết lá dâu nhanh chóng và chúng ta có thể nghe tiếng chúng ăn phát ra âm thanh “rào rào”, còn phải giữ cho sạch sẻ, yên tĩnh nếu không nó bị dịch bệnh chết nhanh chóng.

Sau đệ nhị thế chiến, chúng ta lại có hàng vải nhập cảng, vải ta thô kệch dần dần biến mất vì không thể cạnh tranh với vải ngoại, nhưng tơ lụa cũng không thể cạnh tranh với sợi hóa chất về giá cả, dần dần lãnh Mỹ A cũng ít được người ưa chuộng, bởi vì giá thành đắt, chỉ độc có một màu đen.

Gần đây, Tân Châu muốn khôi phục lại mặt hàng truyền thống lãnh Mỹ A, nhưng phải làm sao để có thể nhuộm được nhiều màu khác nhau, có người yêu nghề đã bỏ ra hàng chục năm để nghiên cứu, cuối cùng cũng thành công, ngày nay có thể nhuộm ra được 7 màu, thêm vào đó có những nhà thiết kế đã dùng lãnh Mỹ A để thiết kế thành những thời trang, trình diễn trong và ngoài nước rất được người mộ điệu tán thưởng.

Dù vậy, hướng đến tương lai, người ta dự kiến khó đạt được ước muốn làm sống dậy mặt hàng truyền thống lãnh Mỹ A của Tân Châu vì giá thành cao, kén chọn khách tiêu dùng. mặc dù lãnh Mỹ A nay đã có nhiều màu, có những bộ sưu tập thời trang đặc sắc.

Chúng ta vẫn hy vọng, vì thời trang luôn thay đổi, thị hiếu của thời thượng là luôn muốn chỉ mình có, một mình có mà thôi! Biết đâu, một ngày nào đó người ta đua nhau đặt hàng, lãnh Mỹ A của Tân Châu được ưa chuộng ở Âu, Mỹ thì Châu Đốc mình cũng được tiếng thơm lây.

Huỳnh Ái Tông

No comments:

Post a Comment