Pages

Wednesday, June 9, 2010

Cha tôi

Năm tôi vừa mới lên 13 tuổi thì cha tôi mất, đến nay đã gần 60 năm rồi, nhiều chuyện tôi không còn nhớ được thời thơ ấu, nhưng công đức sanh thành, dưỡng dục tôi không thể quên vì cha tôi đã để lại trong tôi nhiều hình ảnh, giáo huấn làm cho tôi phải ghi nhớ luôn.

Tôi không nghe ai nói về sự học hành của cha tôi, nhưng cha tôi thông thạo chữ Nho, chữ Nôm, chữ quốc ngữ và chút ít chữ Pháp. Một lần tôi không nhớ vì lý do gì, cha tôi nói với anh kế và tôi:

- Trong nhà này, cha chỉ thua có anh Hai bây mà thôi!

Lúc cha tôi thốt ra câu nói này, cha tôi đã làm Hương Quản rồi Hương Sư trong làng, nghe cô tôi kể lại, hồi nhỏ cha tôi có theo một người bà con là vợ ông Phó vương Cao Miên, khi ông ta về Pháp, bà ấy xin cha tôi làm con nuôi, để theo bà ấy sang Pháp sinh sống, nhưng bà nội tôi không khứng chịu. Còn anh Hai tôi đã trốn nhà, bỏ quê lên Sàigòn tự học, rồi đi làm cho Ngân Hàng Quốc Gia Việt Nam, làm Kế toán cho đồn điền cao-su Mimot, trốn lệnh tổng động viên chạy sang Pháp, làm thủy thủ đi tàu hàng chạy đường biển từ Marseille sang Algérie.

Những năm trường đóng cửa, không có thầy giáo dạy ở trường làng tôi cũng như trường làng bên kia sông, hàng ngày cha tôi dạy hai anh em chúng tôi làm toán và viết chánh tả.

Tâm lý chung, ai cũng cảm thấy cha mình là người đáng kính nhất, đáng phục nhất, còn mẹ mình là người đáng yêu quí nhất trên đời, bởi vì cha là người đã dạy mình những bài học đầu đời, còn mẹ là người gần gủi mình nhất, thương yêu mình nhất. Chẳng khác nào cũng một căn nhà nhưng khi ta còn bé, thấy nó to, rộng thênh thang nhưng khi càng lớn lên càng thấy nó nhỏ lần đi.

Cho nên những gì tôi cảm nhận về cha mình, chắc chắn không ra khỏi tâm lý chung này, nhưng người càng trộng tuổi lại càng nhớ đến cha mẹ, nhớ thì gợi lại những hình ảnh xa xưa.

Hai điều làm tôi hằng nhớ tới cha mình:

Một là vào năm tôi lên 12 tuổi, một hôm vào buổi sáng gần trưa, cha mẹ tôi ngồi trên bộ ván giữa nhà, giữa hai đấng sanh thành của tôi là cái bàn trên ấy thường để khai trầu, bộ chén uống trà và bình trà trong cái vỏ dừa, gọi tôi đến gần rồi cha tôi nói:

- Cha với má sanh con ra, nuôi cho con đến nay được 12 tuổi, chăm sóc, gìn giữ cho con hằng ngày, thân thể con lành lặn, không chút tật nguyền, nay con đã lớn khôn, cha mẹ không thể giữ con như lúc còn nhỏ, từ nay con phải tự gìn giữ lấy thân con, đừng để bị tật nguyền, nếu con không gìn giữ kỷ, có gì không thể trách cha mẹ nghe con. Hãy nhớ những gì cha mẹ nói với con hôm nay.

Lời dạy ấy, tôi không quên được cho tới ngày nay.

Còn chuyện thứ hai, tôi không nhớ là cha tôi đã dạy tôi từ lúc nào, 6 hay 7 tuổi chăng ? Cha tôi dạy rằng:

- Gia đình mình có dòng gãy tay, tránh leo cây vì leo cây thường bị gãy nhánh làm cho ta té, té dễ bị gãy tay.

Tôi không rõ từ đời ông, có những ai bị gãy tay không? Nghe cô tôi kể lại, lúc nhỏ, vào một đêm có trăng, cha tôi và mấy cô chú rũ nhau ra ngoài vườn “hát bội”, cha tôi đang đóng vai vua, có hai vị tướng đứng hai bên hầu, đang hát bổng dưng mọi người bỏ chạy, cả hai người hầu cũng bỏ chạy, không biết chuyện chi, bổng nhìn về gốc cây phía trước mặt, cha tôi thấy có một người to lớn, mặt vằn vện, mặc áo rằn ri thế là cha tôi hoảng kinh bỏ chạy theo, chẳng may chân vấp một rễ cây té ngã rất đau nhưng sợ quá, lồm cồm đứng lên chạy tiếp, về nhà mới biết đã bị gảy tay. Chú tôi lúc nhỏ đi học ở Long Xuyên, nghỉ hè về nhà leo lên lưng bò cỡi chơi lúc nó đang ăn cỏ gần đám vườn cây, bỗng dưng có người từ trong vườn đi ra, con bò hoảng sợ bỏ chạy, hất chú tôi té, chú ấy chống tay khi rơi xuống đất cũng bị gãy tay, anh tôi khi nhỏ trèo cây ổi trước sân nhà, anh ấy té từ cây ổi xuống, cũng bị gãy tay, phải chăng vì vậy cha tôi mới nói có dòng gãy tay ?

Năm chừng mười, mười một tôi chơi vật lộn với một chú họ, chú chấp tôi và em của chú, tôi liều nhảy vào trước, chú ấy ôm lấy tôi, dùng hết sức quăng tôi ra, tôi mất đà té chống tay, thấy đau ở cánh tay không chơi nữa, về nhà đi ngủ trưa, cha mẹ tôi phát hiện tôi bị nóng bất thường, phát hiện cánh tay tôi bị sưng, tra hỏi tôi cho biết chơi vật lộn bị té nên chống tay.

Cha tôi sờ vào cánh tay, rồi bảo mẹ tôi hái một thứ lá gì đó nay tôi đã quên, đâm dập rồi bỏ thêm vài thứ chi đó, nhờ người hàng xóm dùng chân đạp nách, tay nắm cánh tay tôi kéo ra, tôi nghe một cái “cụp”, đau thật là đau, sau đó dùng thuốc kể trên bó lại với mấy tấm tre, khoảng 20 ngày hay một tháng mới tháo bó thuốc, cánh tay tôi không thể co lại cho ngón tay chạm vào vai, mỗi ngày tôi phải tập co tay vài lần, dần dần cho đến ba tháng sau, tôi mới có thể co tay cho ngón tay chạm vào vai mình.

Cha tôi có một bài thuốc từ cậu ruột tôi truyền lại, một người bị gãy tay trái sẽ bó thuốc ở tay mặt, hay ngước lại, bó thuốc chừng tháng sau xương lành lặn lại, thuốc gồm có một con gà giò, một củ chuối và một vài món nữa, nhưng phải vái sau khi khỏi cúng một con gà. Nếu người vái mà không cúng thì con cháu người thầy thuốc sẽ bị gãy tay, chính vì điều này cha tôi không truyền lại con cháu, người bảo:

- Chữa trị một cánh tay phải giết hai con gà, một con làm thuốc, một con cúng, chẳng may người ta quên cúng, con cháu mình bị gãy tay, một hai con gà chẳng đáng là bao, nhưng mất công ăn, việc làm!

Tôi có thấy cha tôi trị gãy tay cho một người, hình như đó là lần duy nhất cha tôi đã làm, vì không thể từ chối với thân nhân của mình.

Cha tôi còn trị rết cắn nữa, ở quê, nhà thường lợp lá, vài năm lá mục hay có rết sống trên mái nhà, từ đó nó bị rớt xuống, ban ngày người ta thấy thì bắt nó, nhưng ban đêm không thấy, nó bò đi gặp khi người ta ngồi hay nằm trò chuyện, nó cắn người, có lẽ nó có nộc độc nên nhức nhối vô cùng. Nhiều đêm, có người đến nhà xin thuốc trị rết cắn cho bạn bè hay người thân. Cha tôi bảo người đi xin thuốc ngồi chơi chờ tìm thuốc, thế rồi cha tôi vì “sợ ma” nên thường dẫn tôi theo để đi tìm thuốc, cũng là để cho hàng xóm biết có người ngay chớ không phải kẻ trộm, sau khi có thuốc, cha tôi hỏi người đi xin thuốc rết đã cắn người bệnh ở chỗ nào, cha tôi dùng thuốc đấp vào chỗ người xin thuốc chỉ và dặn thêm: “- Về chỉ cho người bị rết cắn thấy thuốc đã đấp rồi đó!”. Thế là người bị rết cắn hết đau nhức.

Thật sự, tôi không hề biết người bị rết cắn có hết nhức sau khi cha tôi đấp thuốc cho người đi xin thuốc hay không ? Tôi chỉ biết lập luận, nếu không hiệu nghiệm thì tại sao có người tới xin thuốc hoài.

Đó là cách trị bệnh, đau Đông mà chữa Tây, tôi không cách lý giải những bài thuốc gia truyền của dân gian ta, nhưng dần dần bị thất truyền vì lý do nào đó.

Father’s Day, nhớ tới công đức sanh thành, giáo dưỡng, ngoài những chuyện hết sức riêng tư, tôi không thể không nhắc tới một vài đức tính mà người cha nào cũng hết lòng thương yêu, đùm bọc giáo dưỡng đàn con và luôn mong muốn, hảnh diện khi con cái tiến bộ hơn cha mẹ về mọi mặt, như tục ngữ Việt Nam ta có câu: “Con hơn cha là nhà có phúc”.

Cho đến gần cuối đời, tôi luôn luôn cố gắng vươn lên từng năm tháng, vậy mà nhìn tới, nhìn lui hình như tôi vẫn chưa bằng, chưa được như cha tôi mong muốn.

Tháng 6, 2009

No comments:

Post a Comment