Pages

Wednesday, June 9, 2010

Tô canh cua

*

Ông Vinh thức giấc lúc quá nửa đêm, người ông nóng, khắp thân thể đau, đầu vẫn nhức, một lúc ông lăn qua ôm cái mền, một lúc bỏ cái mền qua một bên, lăn trở lại vẫn không thể nào ngủ, trong nhà ông đã điều chỉnh nhiệt độ, mở máy sưởi tự động72, năm nay ông đã cẩn thận chích ngừa cúm rất sớm, vậy mà ông vẫn bị trận cúm ác ôn này, đọc tài liệu của Hiệp Hội Y sĩ Hoa Kỳ thì hình như ông bị cúm H1N1.

Tối hôm kia ông bắt đầu bị lạnh run, rồi nóng sốt, đau khắp thân thể, nhức đầu, mũi không nghẹt, không ho. Sáng hôm qua đi bác sĩ, trong khi khám ngực, khám lưng để nghe tim, nghe phổi, bác sĩ cho biết người ông nóng quá, trước đó cô y tá lấy nhiệt độ cho biết còn một độ nửa thì tới 100, ông nhớ mình đã uống hai ngày thuốc với 6 viên trụ sinh và 12 viên Tylenol, bệnh thuyên giảm đôi phần.

Hai ngày qua không ăn uống được, giờ ông Vinh cảm thấy thèm thức ăn chua chua, làm cho ông liên tưởng đến những ngày còn nhỏ, cứ trong mỗi cơn bệnh mà ông thèm ăn canh chua, đó là bệnh báo hiệu bắt đầu lành.

Mẹ ông sẽ nấu cho ông một tô canh chua cá, có khi là cá lóc, có khi là cá rô đồng hoặc rô biển, ông nhớ có lần vào mùa nước dâng cao, nước lé đé sàn nhà bếp, mở cửa sau ra toàn là nước, nước ngập những bụi chuối, bụi tre ở sau hè, nước lên gần đến háng, đi ra sau hè phải chống xuồng, khoảng đầu tháng 10 nước trong, có thể nhìn thấy cá bơi lội đi kiếm mồi, cá lòng tong chừng bằng đầu đủa ăn hoặc bằng ngón tay út, cá thiểu mình nó vảy bạc, dẹp, thân chừng hai ngón tay dài khoảng ngón tay, vài con cá sặc bướm.

Cô hay chị ông thỉnh thoảng bơi xuồng ra sau hè, lựa chổ thích hợp để câu cá thiểu hay cá lòng tong, bằng cái lưỡi câu không ngạnh. Trước tiên liệng ra một nhúm cám để dụ cá đến, rồi dùng chiếc cần câu liệng lưỡi câu xuống chỗ có cá, cá háu ăn bơi tới đớp dính vào lưỡi câu, dựt lưỡi câu lên cá bị mắc câu nên theo lưỡi câu, trên đà đó người câu hất cá và lưỡi câu vào xuồng, cá tự rớt ra khỏi lưỡi câu nằm ngay trong xuồng. Cô tôi câu loại này rất quen tay, cô cứ dùng cần liệng lưỡi câu xuống, hất lưỡi câu lên, nhịp nhàng và đều đặn dĩ nhiên không phải cái nào cũng có cá, mười lần thì cũng được sáu bảy lần có cá. Khi đó, mẹ tôi nấu canh chua cá thiểu với vài lá rau tần dầy lá xắt nhỏ. Ăn xong, tôi thấy mình đã hết bệnh, có thể chạy đi chơi. Để chấm dứt suy nghĩ mông lung, ông Vinh quyết định sáng mai sẽ nhờ vợ nấu cho mình một tô canh chua thơm.

Ông Vinh vẫn trằn trọc khó ngủ, không phải vì ông thèm ăn canh chua mà vì trong người cứ hâm hấp nóng. Đã mấy tiếng trôi qua, ông quyết định dậy sớm ra bếp nấu nước, pha trà uống như mọi hôm, nhưng hôm nay ông không thể ngồi thiền khi cái đầu vẫn còn nhức.

Bước vào bếp, ông thấy bà Vinh đã bày biện ngổn ngang những món nấu nướng, một nồi kho bà đã nấu xong, một xoong đồ xào đang trên bếp, còn nấm nằm trên thớt, một hủ măng đã mở nắp, ông nhớ ra hôm bà Vinh đang nấu một “mâm cơm canh” cúng nhạc mẫu của ông. Trong nhà dù khi còn ở Việt Nam hay ra chốn hải ngoại này, giổ quãy khi rảnh rang có điều kiện bà Vinh nấu món nọ, món kia; khi nào bận thì ít ra cũng phải có đủ ba món: món canh, món xào và món kho.

Ông Vinh nghĩ chớ không nói ra, bà đã nấu lỉnh kĩnh mấy món cúng rồi, cho biết ông muốn ăn canh chua chắc bà cũng vui lòng nấu, nhưng bà cũng bị cúm mới thuyên giảm chớ cũng chưa khỏi hẳn, bày ra chỉ làm bà thêm mệt. Chợt nhớ tới con trai, ông bốc điện thoại lên gọi:

-Cha mẹ vẫn còn bệnh, sợ lây cho mấy đứa nhỏ, chút nửa con sang lấy thức ăn, đừng mang mấy đứa nhỏ theo nghe !

Cúp điện thoại rồi, ông đi nấu nước pha trà. Lấy những viên thuốc uống hàng ngày để riêng ra một chỗ, rữa mấy chén cúng nước trên bàn thờ rồi rót nước mới, công việc hàng ngày của ông mấy chục năm nay khi đi làm cũng như nay đã về hưu. Xong, ông lại đi vo gạo nấu một ít cơm mới để cúng.

Trên bếp, nước đã kêu ấm, ông Vinh lấy cái bình đất nung màu gan gà đã rữa sạch hôm qua, ông chế nước sôi vào bình trà, chờ một vài phút, ông đổ nước ra, mở tủ lấy hộp trà 103, lấy một nắm trà bỏ vào bình, lại đổ nước sôi vào cho ngập hết trà, ngay đó nhanh chóng ông đổ nước ra, cuối cùng ông đổ nước sôi vào đầy tràn mới ngưng, ông đậy nấp lại đem để bình trà lên bàn.

Bà Vinh đã nấu xong món cuối cùng, món xúp nắm với măng, bà đang chuẩn bị “bắt mâm”. Trong nhà ông, một bàn thờ Phật, bàn thờ Cữu huyền thất tổ, bàn thờ đức Quan Thánh, vậy là ba mâm cỗ, còn thêm một mâm cho “những người khuất mày khuất mặt trong nhà”, một mâm cho em và con ông những “vong yểu tử”, một mâm sau nhà cho “Đất đai viên trạch” và cuối cùng một mâm trước ngõ cho “Cô hồn các đảng”. Vị chi tất cả là 7 mâm cỗ mỗi lần cúng giỗ chạp.

Ông Vinh ngồi vào bàn, bắt đầu tuần trà của mình, ông rót trà ra chén nhỏ, thứ chén mắt trâu, nước trà nóng ông uống từng hớp nhỏ, trà đắng nhưng nuốt xong vị ngọt lan ra, ông thong thả từ tốn thưởng thức hương vị trà từng chén, từng chén nhỏ.

Chỉ có bắt mâm, dọn cỗ cúng với những chun nước, bát nhang, chân nến loay quay bà Vinh và ông cũng mất cả tiếng mới xong, ông bắt đầu lên đèn, dâng hương lúc mười giờ. Nhìn khói hương nghi ngút bay, ông tưởng niệm các đấng thiêng liêng, nhớ tới những người đã khuất, ông nghĩ họ vẫn ở gần ông và có một ngày rồi ông cũng tới đó, gọi là chốn hư vô nhưng ông tin nó có thật, càng về già lòng tin ấy ông càng thấy thật hơn.

Cúng xong dọn xuống, bà Vinh than mệt không đụng tới đủa, còn ông ráng húp nửa chén súp, để có thức ăn trong bao tử còn uống thuốc, ông nói với vợ:

-Hôm nay anh thèm ăn canh chua, chiều em nấu cho anh một tô.

Bà Vinh sốt sắng:

-Sao anh không nói sớm!

-Anh ngại vi thấy em nấu nướng cúng má cũng đủ mệt rồi.

Xế trưa, bà Vinh gọi điện thoại cho con dâu:

-Chiều nay, con có đi chợ Việt Hoa không?

Bà ngưng một chốc để nghe con dâu trả lời rồi nói tiếp:

-Cha con bệnh thèm ăn canh chua! Vậy con mua dùm cho mẹ một trái khóm chín nghe.

Bà ngưng để nghe con dâu hỏi rồi lại tiếp:

-Khóm chín là cái vỏ ở ngoài màu vàng đó con!

Gần bửa cơm chiều, nằm trong phòng, ông Vinh nghe con trai nói chuyện với mẹ:

-Vợ con đi chợ Việt Hoa về, nói không có khóm.

Sau khi con trai ông lấy thức ăn ra về rồi, ông Vinh thay quần áo, đi ra phòng khách nói với vợ:

-Để anh đi lại Value Market mua một trái thơm, đem về cho mình nấu canh chua dùm anh.

Bà Vinh hỏi một hơi:

-Anh có khỏe không? Chạy xe có được không? Hay để mai cho nó khỏe rồi hẳng đi?

-Không sao! Anh đi được mà!

-Nhớ cẩn thận nghe! Có cái phone trong túi không đó?!

-Có đủ rồi. Yên trí em!

Ông Vinh nói vậy cho vợ yên lòng, chớ thật ra trong người ông cũng còn yếu, chân bước đi không thật vững, tuy nhiên ông cũng muốn ra ngoài để thay đổi không khí.

Đi chợ, ông Vinh lan man nghĩ, cả con và dâu mình đều gần đến bốn mươi, chúng đều thiếu quan tâm đến cha mẹ già, chỉ chuyện cha mẹ muốn ăn thôi, dù món ngon vật lạ con cái có đủ khả năng cũng tìm mua cho cha mẹ ăn, như ông bây giờ càng già càng nhớ thương cha mẹ, muốn tỏ tấm lòng hiếu thảo không biết phải làm sao, vì cha mẹ đều không còn nữa. Khi cha mẹ đau ốm phải chăm nom, thuốc thang, ăn uống. Ông nghĩ mà không dám nói vợ, bởi tánh đàn bà hay cằn nhằn, mai kia, mốt nọ lại than phiền với bạn bè, họ hàng. Dầu con ông đã trưởng thành rồi, nhưng ông nghĩ hôm nào đó, ông phải dạy thêm cho con biết: “Dù từ cái nhỏ nhặt như thế đó, làm được hay không chỉ là sợi tóc phân chia lằn ranh phải trái của đạo làm con, làm người.”

Bà Vinh thấy ông xách trái khóm vào nhà, bà liền lấy xoong bắt nước, lặt rau … ông tiếp bà gọt vỏ rồi bằm trái khóm theo chiều dọc, cắt mấy nhát dao theo chiều ngang trước khi lát thành những lát nhỏ chừng đầu đủa ăn, dài khoảng hai lóng tay, ông lát vào tô những miếng khóm vàng, ông tưởng đến tô canh chua có thơm, có giá, có tàu hủ ky chiên dòn, nêm một đường cho ngọt lại dằn chút muối cho đậm đà.

Nội cái nêm chút đường, dằn chút muối, hay kho với nước mắm mặn lại dằn một chút đường, ông Vinh cho đó là cái triết lý sống của dân tộc Việt. Đọc Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi thì thấy rõ.

Tô canh chua thơm vàng, có vài cọng ngò om xanh, điểm thêm mấy lát ớt đỏ hiện rõ trong trí ông đủ cả mùi vị lẫn màu sắc.


No comments:

Post a Comment