Lần này tôi không chủ động, mua vé chưa đầy hai tuần là đi, ngày chót mới nhận được visa do đại lý vé gửi cấp tốc qua đêm. Tôi cũng ngại chuyện dịch cúm H1N1 khi đến phi trường Tân Sơn Nhất, tôi không rõ ở đó khám như thế nào, nhưng nhớ chuyến sang Cali vào tháng 6, khi chuyển phi cơ ở phi trường Phoenix, lúc hành khách sắp hàng lên phi cơ thì có 2 nhân viên mặc đồng phục xanh, họ đều mang găng tay, tay cầm lọ thuốc, tay cầm bao ny-long nhỏ, hình như họ chỉ quan sát bằng mắt thường, phát hiện ai có triệu chứng như ho, át xì … họ sẽ tiến hành xét nghiệm.
Về tới phi trường Tân Sơn Nhất, tôi quan sát không thấy có y tế dàn chào khám nghiệm Cúm H1N1, người nhà cho biết họ có đặt máy từ xa, tôi không tin điều đó.
Một người bạn học Đệ Nhị và Đệ Nhất năm 1963,1964 chúng tôi đã không gặp nhau từ sau khi đổ Tú Tài toàn phần, anh ta du học ở Nhật, có bằng Kỷ sư, Thạc sĩ Cơ khí về nước làm Phó Giám Đốc rồi Giám Đốc Vikyno (Việt Nam Kỹ nghệ Nông cơ). Sau 1975, vượt biên bị bắt ở Kiến hòa, rồi ở lại làm cho nhà nước, sau ra kinh doanh, cho thuê xe cơ giới, nay thêm đóng cọc nhồi để xây cao ốc hay móng cầu, về anh bạn này, tôi chỉ nghe bạn bè kể lại, chớ chưa gặp lại từ lâụ Lần này tôi gọi điện thoại tới thăm, anh mời tôi một bửa cơm tối và nhờ một người bạn khác sắp xếp để có vài bạn học cũ cùng tham dự.
Sàigòn lúc này có rất nhiều quán ăn hay nói chính xác hơn là có rất nhiều quán nhậu, đa số đều uống bia lon Heineken hay bia chai Tiger, hầu hết đều có nữ chiêu đãi viên trẻ.
Tôi được mời đến một quán ăn ở đường Phan Bội Châu Bà Chiểu, trong một villa nên có nhiều phòng riêng biệt. Chúng tôi gồm có 6 thực khách, bốn là đồng môn, còn hai học sau mấy năm, hai anh này là Phó Giám Đốc là Trưởng Xưởng công ty của bạn tôi.
Khi chúng tôi đến, vào phòng ăn thì bạn tôi đã ngồi một mình đợi chúng tôi rồi. Sau khi chào hỏi nhau, bạn tôi nói:
- Tao định đãi mầy món Lẫu Mắm, để mầy luôn nhớ đến hương vị quê hương, nhưng biết mầy ăn chay, tao đã gọi mấy món chay rồi, hay phá giới một bửa được không?
Tôi cười trừ, đáp:
- Quê hương có quá nhiều hương vị, Lẫu Mắm thì đặc biệt hơn vì nó thật đậm đà, món ăn của đồng quê, nhìn thấy thì cũng đủ để nhớ quê hương, cần chi phải phá giới !
Rồi các anh khai vị với món sò huyết trụng nước sôi, sò chấm muối tiêu chanh và ăn thêm rau râm, tiếp đến là gỏi, vịt quay.
Còn tôi, tàu hủ dồn xả chiên, mì căn khìa, mì ống xào nấm rơm tàu hủ, dĩ nhiên một mình tôi không thể nào ăn hết, hơn nửa buổi cơm chiều tôi thường ăn rất ít để tối dễ ngủ đã quen.
Và món cuối cùng của các anh mà bạn định đãi tôi là Lẫu Mắm, chiêu đãi viên đặt cái lẫu ở giữa bàn, một dĩa cá kèo và một dĩa rau sống. Trong dĩa cá kèo có con còn sống, nó nhảy ra khỏi dĩa lăn lóc trên bàn, một anh gắp nó liệng vào cái lẫu đang sôi, cá vùng vẩy, nước tung tóa, tôi thấy lòng thật bất nhẫn, thương hại con vật cũng là một chúng sinh, dưới cái nhìn Từ bi của đạo Phật, người Phật tử ăn chay vì không muốn bất cứ chúng sinh nào bị đau khổ, vì không muốn diệt sự sống của sinh vật.
Còn dĩa rau, những cộng kèo nèo xanh tươi, những cộng bông súng đã bóc võ lụa ngoài phơi màu nâu, những cộng rau nhúc với những cành lá xanh tươi và còn vài thứ rau khác nằm ở dưới, dĩa rau thật là bát mắt. Bạn tôi cho biết cá kèo ngày nay người ta nuôi, cho nên trong dĩa những con cá kèo đều bằng ngón tay cái.
Ở nhà quê, tôi nhớ vào khoảng tháng Giêng, tháng Hai cây xoài đâm những đọt mới, để sau đó trổ bông, người ta ăn mắm với đọt xoài non, hoặc lá non của cây cơm nguội, với những lát mỏng của trái chuối chát.
Đúng như bạn tôi nói, muốn dành cho tôi một món ăn để nhớ tới hương vị của quê hương, quê hương không phải chỉ những ngôi nhà, con sông, ruộng đồng, bụi tre, cành trúc, bụi chuối, buồng cau mà còn có những cộng bông súng mọc hoang vào mùa nước nổi, có hoa trắng, hoa đỏ tím, những bụi kèo nèo đôi khi mọc chen lẫn với lục bình, những cộng rau nhúc người ta trồng trong ao.
Ai đã đi xa khỏi làng thì nhớ nhà, ai đã đi xa khỏi nước thì nhớ quê hương. Nỗi nhớ da diết khi đêm trường canh vắng hoặc là có hình ảnh đập vào mắt làm cho người ta liên tưởng. Tôi thầm cám ơn người bạn già, gần 50 năm gặp lại, anh muốn gửi cho tôi một tấm lòng, một lời nhắn nhủ. Nhìn lại thật tế tuổi thất thập sắp đến rồi, tự hỏi chúng ta làm được gì cho đất nước, cái ước mơ thanh bình của những năm 60, tuy đơn giản nhưng mà bao lâu nữa chúng ta mới đạt tới, e còn xa vời. Thế hệ sau tôi, cả đời chưa chắc đã được an hưởng!
4-12-2009
No comments:
Post a Comment