Pages

Wednesday, June 9, 2010

Những người đồng hương

*

Chúng ta ai cũng biết từ Đồng Hương là dùng để chỉ cho những người cùng quê hương, nhưng nói như vậy e có khi chưa trọn nghĩa, bởi vì khi nói đến đồng hương là người ta muốn nói đến chuyện tình cảm, mà từ đồng hương như một thứ keo sơn gắn bó những người xa xứ lại gần với nhau.


Năm 1953, anh tôi trốn lệnh động viên vì chiến trường Điện Biên Phủ nên chạy sang Pháp, sang đến nơi mới gửi thư về nhà báo tin. Cám cảnh cô đơn nơi xứ lạ quê người, một hôm cha tôi nói cho tôi viết, để gửi cho anh tôi một bài thơ:


Rúc rắc mưa đêm đổ mái nhà,

Một mình thổn thức luống vào ra.

Ngoài tường giọt nước mưa tầm tả,

Trong trướng giòng châu ướm nhỏ sa.

Đế khóc dưới thềm khêu dạ khách,

Lằn than trên vách gợi lòng ta

Vật còn biết cảm người đâu chẳng

Lỡ bước lưu ly chạnh xót xa.


Những lúc như vậy, người ta cảm thấy nhớ nhà, nhớ người, nhớ cánh đồng, dòng sông, bến nước… như thế người ta cần đến đồng hương, để trò chuyện cho vơi bớt nỗi niềm.


Một hôm, cần tìm tài liệu trên mạng, tôi đã tới dòng Kết nối: Đồng hương Thất sơn Châu đốc, nơi đây một tấm ảnh bán than đập vào mắt tôi, người trong ảnh trông rất quen mặt, nhưng tôi không thể nhớ là ai hay đã quen biết ở đâu, vì vậy tôi tìm kiếm bài để đọc, té ra đó là anh Lưu Nhơn Nghĩa, hơn 50 năm trước anh và tôi đã cùng dự Trại Hè Học Sinh Toàn Quốc tại Vũng Tàu, chính xác là vào mùa Hè năm 1956, sau khi tôi đã học hết lớp Nhất trường Nam Tiểu Học Châu Đốc, đã thi vào Trung Học Thủ Khoa Nghĩa. Trại sinh ở Châu đốc gồm có học sinh Trung Học, Tiểu Học, Nam, Nữ chừng 20 cô cậu do Thầy Trần Văn Ngà hướng dẫn.


Tôi không còn nhớ được bao nhiêu kỷ niệm với các trại viên, nhưng với Lưu Nhơn Nghĩa còn ghi lại trong ký ức tôi một chuyện khó quên. Số là thời gian Trại Hè kéo dài 21 ngày, nhiều học sinh còn nhỏ tuổi, chưa từng xa gia đình nên dự trại được chừng 2 tuần có nhiều cậu nhớ nhà, một đêm kia có 2 cậu chin, mười tuổi trốn trại ra xe đò về Sàigòn, nhưng đến chiều Cảnh sát mang hai cậu bé trả lại Trại, sau khi hai cậu đã về đến Biên Hòa, bị Cảnh sát ở đó bắt được, gửi trả lại Vũng Tàu, nên từ đó Trại cắt cử Trại sinh gác cổng, không cho Trại sinh ra khỏi trại, nếu không có phép.


Vào một buổi sáng đến phiên Vân và tôi gác cổng, Lưu Nhơn Nghĩa và một vài trại sinh khác cũng ở Châu đốc ra đứng chơi với chúng tôi, lúc đó có con chó nhỏ lông xù màu xám, chừng 1 tháng tuổi, không rõ ở đâu đến lẫn quẫn bên chân chúng tôi, có người lấy chân khều đùa với nó, nhưng khi Nghĩa lấy chân khều nó, nó cắn bàn chân mang giày sandale của anh ta, vết thương ở ngón chân cái tuy không sâu nhưng cũng rướm máu, Nghĩa và chúng tôi thấy con chó nhỏ hung dữ nên xua đuổi nó đi chỗ khác. Sau đó Nghĩa vào Trại, có lẽ anh Ngà được biết chuyện nên báo cáo lại cho Ban Quản Trại, và Ban này đã quyết định đưa Nghĩa đi khám ở Bệnh viện Vũng Tàu. Tại Bệnh viện, người ta đòi mang con chó đến để họ định xem có phải nó là chó dại hay không. Vì không thể tìm ra con chó nhỏ kia, nên Nghĩa phải chịu chích 21 mũi thuốc vào bụng, mỗi ngày một mũi, chích được vài mũi thuốc thì đến ngày về, Nghĩa được gửi về bệnh viện Châu đốc để chích tiếp thuốc trị bệnh chó dại. Đó là điều nay tôi còn nhớ về Nghĩa.


Vài năm trước, trong một tập san nay tôi không còn nhớ tên tập san lẫn bài viết, cũng không nhớ tác giả và nội dung, chỉ nhớ trong đó tác giả có nói tới hai thầy giáo, thầy giáo Lộ ở Long Xuyên và thầy giáo Ngân ở Bình Hòa. Tôi không học ở Long Xuyên nên không nhớ đã gặp và biết thầy Lộ lúc nào, vào dịp tôi đi thi bằng Cao Đẳng Tiểu Học năm 1950 ? Năm ấy tôi mới chin tuổi, ở Long xuyên mấy ngày, chỉ nhớ phòng thi là lớp học, cột gỗ, mái lá, vách lá, giờ nghỉ đi vệ sinh phải đi qua cầu khỉ ở về phía trường Thoại Ngọc Hầu sau này, hình ảnh trường học, thầy giáo, giám thị coi thi ở trường Tiểu Học Long Xuyên nay nhạt nhòa trong trí nhớ.


May ra tôi được biết thầy Lộ vào dịp đám tang của nghĩa phụ tôi, là thầy giáo dạy Hán văn Trương Gia Mô, có con là các thầy cô giáo Trương Minh Kỳ, Trương Thị Việt Châu, Trương Thị Việt Bích, đám tang đưa về Mỹ Hiệp ở Cù lao Giêng, nhằm mùa khô nên tàu phải chạy vòng Cù lao ông Chưởng. Có nhiều thầy, cô giáo đến phúng viếng, tiễn đưa linh cữu, trong đó có cô giáo Liệp, vợ của nhà văn Nguyễn Hiến Lê, đưa nghĩa phụ tôi đến nơi an nghỉ cuối cùng. Có lẽ tôi được biết thầy Lộ vào dịp này, lúc đó Thầy ngoài năm mươi, người vạm vở, nước da bánh mật.


Còn thầy giáo Ngân vào năm 1954, sau khi cha tôi mất vài tháng, thầy giáo Ngân ở Bình Hòa (Mặc Cần Dưng), đến nhà tôi nài mua 2 con dê, để nuôi lấy sữa uống. Thầy giáo Ngân dáng người gầy, cao trung bình, nhà thầy ở bên kia rạch đối diện với chùa ông đạo Cậy, xóm nhà lầu. Vì trong truyện tác giả viết về thầy giáo Ngân làm cho tôi nhớ tới Đời Tân cũng ở Bình Hòa.


Tết năm 1958, ở Sàigòn về quê ăn Tết, có thầy giáo Nguyễn Tấn Phát nhà ở ngay tại chợ Bình Hòa, lên dạy ở Trường Bình Thủy, có ai đó giới thiệu anh ở trọ nhà tôi để đi dạy gần trường. Mồng Một Tết, anh lên nhà tôi chúc Tết rồi rủ tôi đi Long xuyên chơi, đêm đó về nhà anh ngủ, sáng ra chúng tôi đi ăn sáng, lúc tản bộ anh gặp người quen ngoài 30 tuổi, giới thiệu tôi là học sinh ở Sàigòn về chơi và anh Phát cũng giới thiệu cho tôi biết người tôi được giới thiệu là chủ nhân hảng gạch Đời Tân, chúng tôi chào nhau, rồi anh thân thiện móc bóp đưa cho tôi một carte-visite, tôi mới biết anh ta là Nguyễn Tấn Đời, anh nói với tôi:


- Về Sàigòn hôm nào rảnh ghé nhà tôi chơi.


Rồi chúng tôi chia tay, vì anh và tôi tuổi tác chênh lệch, thế hệ nọ với thế hệ kia, thành ra tôi không có đến thăm anh lần nào hết, mặc dù tôi có biết những cơ sở thương mại của anh như hảng gạch Đời Tân, khách sạn Tân Lộc, Đại khách sạn ở đường Trần Hưng Đạo, Tín Nghĩa Ngân Hàng.


Khoảng năm 1974, trường chúng tôi có dạy con của anh Nguyễn Chánh Lý, nên anh mời bốn năm giáo sư thân tình với em của anh cũng là giáo sư dạy cùng trường, đi ăn ở nhà hàng nổi Ngân Đình ở bến tàu Sàigòn. Anh Nguyễn Chánh Lý nguyên là Tổng Giám Đốc Kỹ Thương Ngân Hàng (Ngân hàng của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa) ở đường Nguyễn Huệ, sau bị áp lực của Mỹ nên đóng cửa, anh Nguyễn Chánh Lý về làm Tổng Giám Đốc Mê Kông Ngân Hàng ở đường Hàm Nghi. Trong bửa ăn, anh Lý đã nhắc đến Nguyễn Tấn Đời với lời ca ngợi của anh về công việc thương mại và tư cách của Đời Tân.


Chẳng hạn như khi ra tranh cử Đân biểu ở Đơn vị Rạch giá, Đời Tân xuống Rạch giá, tìm đến những vị lãnh đạo tôn giáo: Thiên chúa giáo, Phật giáo, Phật giáo Hòa Hảo, Cao Đài yêu cầu quí vị ấy hãy vận động cho giáo dân, tín đồ bỏ phiếu cho Đời Tân, số phiếu dồn cho Đời Tân trong khu vực ảnh hưởng của quí vị ấy sẽ được trả bằng tiền theo lũy tiến, sau đó Đời Tân về Sàigòn tuyên bố trước khi bầu phiếu là sẽ đắc cử, và Đời Tân đã đắc cử thật như cách mua phiếu anh ta đã tính.


Nhưng về xử thế ở đời, Đời Tân không như những người giàu có, quyền thế khác, như anh ta có nhờ một giáo sư đến tư gia dạy Anh văn. Khi giáo sư đến, chính Đời Tân đích thân ra mở cổng đón thầy và khi hết giờ giáo sư ra về, cũng chính Đời Tân đích thân đưa thầy ra về và đóng cổng lại.


Còn anh kế tôi, có làm nhà máy xay lúa công xuất nhỏ, anh tôi có nhà máy ở Long Xuyên, ở Rạch giá. Một lần tôi nghe anh kể với lời lẽ rất thán phục Đời Tân, số là đến 30 tháng 4 năm 1975, Đời Tân mới ra khỏi nhà tù, về nhà mọi người đã di tản, anh chạy xuống Rạch giá để tìm đường ra ngoại quốc, đến Rạch giá, anh biết có một số Sĩ quan cấp cao, một số thương gia giàu sụ đang tìm đường đi, anh cho người thân tín đi tìm những vị ấy, đề nghị họ chi ra một số tiền, vàng để Đời Tân mua tàu vượt biên, nhiều người đã chi tiền, vàng cho Đời Tân, anh đã giúp họ và nhờ họ, từ tay trắng anh đã bật dậy với một số vốn lớn, có lẽ đó là thương vụ sau cùng của anh ở Việt Nam.


Từ Lưu Nhơn Nghĩa cho đến Nguyễn Tấn Đời đều là đồng hương của tôi, kẻ ở Xà Tón, người ở Mặc Cần Dưng, kẻ viết văn người làm thương mại, họ góp cho đời thêm một chút sắc màu trong bức tranh xã hội, nay họ đã lìa xa chốn trần lao cát bụi này, nhưng vẫn còn để lại cho đời đôi chút tiếng tăm, để lại trong tôi một chút gì kỷ niệm của tuổi thiếu thời.

Huỳnh Ái Tông

Louisville, 5-3-2008

No comments:

Post a Comment