Tôi không định gặp hay gọi điện thoại thăm anh Hoàng Trọng Cang hay anh Nguyễn Văn Bình tại phi trường Dallas, vì tôi chỉ có khoảng một giờ đồng hồ để chuyển máy bay, chẳng may khi đến nơi tôi mới biết chuyến bay của tôi bị dời lại 2 giờ, thời gian chờ đợi đó, muốn gọi điện thoại cho anh Cang và anh Bình tôi lại không có số điện thoại mang theo, tìm trong Niên Giám điện thoại không thấy tên, loay quay mất hơn nữa tiếng đồng hồ, tôi mới gọi tới một người lạ có họ Hoàng, may thay người nầy ở cùng khu phố, nên biết anh Cang, đã cho tôi số điện thoại của anh Cang, tôi gọi thăm anh rồi xin số điện thoại của anh Bình, rồi tôi gọi thăm anh Bình, nhờ anh Bình báo cho Anh Thu biết, chuyến bay của tôi bị trễ đến 2 giờ.
Mười giờ đêm tôi đến phi trường Los, có anh chị Ngô Mạnh Thu, anh Tuệ Linh, chị Tuyết Mai chờ đón, chúng tôi đi tìm chị Nguyễn Thị Tâm để cùng con gái của Chị Check-in vé về Việt Nam, rồi chúng tôi đến Mac Donal ăn uống và nói chuyện. Một chút trao đổi về Ban Hướng Dẫn Trung Ương Gia Đình Phật Tử Việt Nam Tại Hoa Kỳ, anh Thu trao trách nhiệm cho tôi thay mặt tất cả Anh Chị Em Ái Hữu GĐPT Vĩnh Nghiêm Hải Ngoại đến thắp nén hương cho Anh Đặng Văn Khuê, chia buồn và trao cho gia đình anh số tiền $200.00 cùng hình ảnh ghi lại trong lễ Truy Niệm vừa qua, tôi ngại những thủ tục khó khăn nên đã bỏ lại huy hiệu Hoa sen trắng, huy hiệu cấp Dũng và băng video. Anh cũng yêu cầu tôi bàn về việc cấp học bổng cho Đoàn sinh các Gia Đình Phật Tử Miền Vĩnh Nghiêm và nên đi thăm các Gia Đình, những dặn dò, những tình cảm trao gửi đậm đà, rồi cũng phải chia tay.
Tôi về đến Sàigòn ngày Chủ nhật 25-8-1996, trưa hôm sau, nhơn đi ngang qua đường Điện Biên Phủ, tôi ghé thăm anh Võ Đình Cường, tôi bước vào phòng khách, nhìn sang phòng ăn, anh chị đang chuẩn bị dùng thức tráng miệng, rồi anh Cường bước ra phòng khách nhìn tôi có vẻ ngỡ ngàng, ngược lại, tôi trông anh có vẻ già đi nhiều so với năm năm trước, tôi đến đây chào từ giã anh, rồi anh Cường nhận ra tôi, anh gọi chị ra phòng khách, nhìn chị tuổi đã cao, nét đẹp vẫn còn, chị đã gầy đi nhiều so với thuở trước.
Anh đề tặng tôi một quyển Những cập kính màu và quyển sách dịch Cô gái bất khuất của Sommerset Maugham, tác giả mà tôi rất thích, ông là một văn hào nhưng không hề được giải Nobel, bởi vì chuyện của ông tả chân những cảnh đời tối tăm, nó là cái là chớ không phải cái phải là của xả hội. Anh cũng trả lời về một lá thư, tôi có hỏi về Gia Đình Phật Tử : - Anh có được thư Tông, nhưng anh không trả lời vì có anh em ở Trung, viết về Gia Đình Phật Tử hơi khác.
Ngoài ra còn một việc riêng, anh chị nhờ hỏi cách thức xin nhập hộ khẩu cho người từ nước ngoài về, vì chưa biết rõ nên tôi có hẹn sẽ trở lại.
Rời khỏi nhà Anh Cường, tôi đi đến thăm Bác Tôn Thất Liệu, hàn huyên vài câu, Bác và tôi cung đi đến nhà Anh Khuê. Đến nơi, Bác Liệu lại đi vào con hẻm gần đó để mời thêm anh Nguyễn Hữu Hy, anh Hy có họ hàng với Anh Ngô Mạnh Thu, tôi đã thay mặt cho tất cả anh chị em GĐPT Việt Nam ở Hải Ngoại chia buồn cùng gia đình Anh Khuê, trao lại hình ảnh buổi lễ Truy Niệm và Cầu Siêu và số tiền $200.00. Tôi thắp một nén hương để cầu nguyện cho hương linh anh tiêu dao miền Cực lạc, rồi tới Bác Liệu và Anh Hy cùng niệm hương cho Anh. Trước khi ra về Chị Khuyến. Con gái anh Khuê có yêu cầu tôi gửi về cho chị băng Video của buổi lễ, tôi hứa sẽ gửi rồi chia tay với anh Hy.
Trên đường về, Bác Liệu và tôi ghé lại chùa Giác Minh, tôi gửi xe ở nhà Hảo, Con gái Bác Nguyễn Trọng, Hảo cho tôi biết Gia Đình Phật Tử Giác Minh không còn được sinh hoạt ở chùa Giác Minh nữa, nay đã dời về chùa Lâm Tế.
Chúng tôi đã vào thăm Hoà Thượng Đức Nhuận, ở phòng mà ngày xưa Thầy làm trụ trì đã ở đó, Thầy cho biết, trước khi được thả, công an đã sửa phòng nầy lại cho Thầy, tôi còn nhớ trước kia tôi đã đến thăm Thầy, phòng ở tầng trệt phía ngoài cùng, hôm đó có giáo sư Doãn Quốc Sĩ cũng đến thăm Thầy, hai vị đã trao đổi với nhau về bức tượng Quán Thế Âm đứng trên quả địa cầu thời đó, tôi cũng có nghe nói về những bức tượng nầy, do một điêu khắc gia Phật Tử phát tâm đúc tượng bằng thạch cao giao cho Anh Nguyễn Khắc Từ biếu các nơi.
Trong căn phòng nhỏ và thiếu sáng đó, tôi thấy Thầy có nước da trắng và béo ra, có lẽ Thầy ít ra ngoài và không đi đâu, Thầy lấy quyển Phật Học Tinh Hoa ra viết tặng cho tôi một quyển và hai quyển khác tặng cho Thượng Tọa Trí Hiền và Thượng Tọa Cố Vấn Ái Hữu Vĩnh Nghiêm. Thầy có nói về những tình thế khó khăn, sự tranh đấu về ý thức hệ trước đây. Thầy hỏi thăm gia đình tôi vì năm 1980, trừ tôi ra, nhà tôi và các cháu đều quy y với Thầy. Thầy cũng nhắc nhủ rằng quý Thầy đang làm việc trong Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam, vì lý do vì đó chẳng đặng đừng, hãy thông cảm cho trường hợp của họ là những vị rất kham nhẫn, phải kính trọng. Đó là tấm lòng Từ bi và Hỷ xả của một vị Hòa Thượng nguyên là Chánh Thư Ký Viện Tăng Thống, cũng là Gia Trưởng GĐPT Giác Minh.
Rồi chúng tôi đến chùa Vĩnh Nghiêm, trước tiên vào Đoàn Quán, nơi đây chúng tôi có gặp chị Nguyễn Thị Oanh, một chị Trưởng năng nổ của Gia Đình Phật Tử Vĩnh Nghiêm ngày nay, trao cho chị một món quà của chị Tâm gửi. Đoàn quán cất chung một dãi với những gian nhà khác, ở về phía lầu chuông của chùa.
Rời Đoàn quán, chúng tôi vào phòng Trụ trì thăm Hoà Thượng Thanh Kiểm, trông ngài cũng vẫn như độ nào, nhân dịp nầy Bác Liệu có trình bày chương trình cấp học bổng cho Đoàn Sinh Gia Đình Phật Tử, Thầy dạy rằng việc lập danh sách, rồi tiền gửi tới gửi lui sẽ gây nhiều khó khăn, việc nhận học bổng như vậy có thật cần thiết hay không ? Nên nghiên cứu lại ! Tôi có trình thầy, Thầy Trí Hiền muốn xin ảnh chùa Trung Hậu để cho Phật Tử thấy chùa đã xây cất lại, Thầy bảo cho tôi biết Thầy sẽ ra đó lại để xây thêm hai dãi Đông và Tây lang, một để làm nhà Tăng, hai để làm Trường Cơ Bản Phật Học, Thầy cho biết ngày nay ở Bắc có tất cả 7 trường Cơ Bản Phật Học, có lẽ Thầy quên, không nói gì về tấm ảnh tôi xin cho Thượng Toạ Trí Hiền, viện chủ Trung Tâm Phật Giáo Khuôn Việt ỏ Texas, Bác Liệu nói sẽ đưa cho tôi tấm ảnh của GĐPT ra viếng chùa, cho đến khi tôi đi, Bác Liệu vẫn chưa trao cho tôi - Xin lỗi TT. Trí Hiền, tôi không làm tròn việc Thầy đã nhờ tôi, Sàigòn một ít ngày về thăm, quả là ngắn ngủi, nhớ trước, quên sau - Vì đến giờ cơm chiều của chư Tăng, chúng tôi xin phép lui ra.
Trước khi chia tay với Bác Liệu, tôi có hẹn sẽ đến Vĩnh Nghiêm vào Lễ Vu Lan, và nhắc lại rằng Anh Tuệ Linh có yêu cầu tôi sưu tầm một số hình ảnh sinh hoạt để có thể làm một Tập Kỷ Yếu GĐPT Miền Vĩnh Nghiêm. Đến 5 giờ chiều ngày lễ, tôi bị kẹt ở ngã tư Huỳnh Văn Bánh và Nam Kỳ khởi nghĩa, liệu khó vào chùa và nhất là sẽ có quá đông người nên tôi đành lỗi hẹn phải quay về nhà.
Vì tôi không tới chùa được cho nên đêm sau, Nguyễn Huy Nghiễn, Trần Đình Hùng và Cô Nguy vợ Hùng đi đến thăm tôi. Nghiễn tặng cho tôi bản nháp Tập Kỷ Yếu và Kỹ Năng Trại Tuệ Tạng 3 ở Hòn Một Long Hải có các Gia Đình Phật Tử Giác Long, Giác Ngạn, Phước Viên, Vĩnh Nghiêm tham gia và một Tập Bài Thơ Tặng Vợ, nội dung gồm thơ và nhạc do anh sáng tác, và còn nữa, anh còn tặng cho tôi một Tập Kỷ Yếu Trại Hiếu Oanh Vũ tại chùa Giác Lâm ngày 18-8-1996 do Ban Hướng Dẫn Gia Đình Phật Tử Thành Phố Hồ Chí Minh tổ chức, anh Đặng Đình Dũng làm Trại Trưởng. Trong ấy vỏn vẹn chỉ có một tấm ảnh màu chụp Dũng và Nghi Yên. Hùng hứa sẽ trao cho tôi một số ảnh của Trại Tuệ Tạng 3, còn ảnh xưa, Hùng yêu cầu tôi liên lạc với Dũng để Hùng chụp lại. Hùng trách Tuệ Linh không viết thư cho Hùng, tôi đính chánh tay Tuệ Linh đau khó khăn khi viết. Chúng tôi hẹn gặp lại nhau tại Phở Hòa vào chiều Chủ nhật 8-9-1996. Thật khuya Nghiễn, Hùng và Nguy mới ra về, để lại cho tôi thắc mắc ai là Cao Văn Tiến, Trưởng Ban Hướng Dẫn GĐPT Thành phố Hồ Chí Minh ? Lạ hay quen ? Trúc Hải và tôi có một người quen là Cao Tấn Tiến, học ở Sàigòn, sau nầy sinh sống ở Biên Hòa. Phải anh ta không ?
Một tối, em Kim Phượng gọi điện thoại hỏi tôi có biết tin gì không, tôi trả lời không, Phượng cho biết đêm 21-8-1996, mẹ em, chị Cố Vấn của chúng ta vì cơn bệnh nặng phải đưa đi bệnh viện, trước khi đi, tôi có nhận được thư của chị, chữ viết rung tay khó đọc, chị cho biết về Sàigòn có bị té, trở lại Mỹ nghe đau trong phổi, có đi khám Bác sĩ, có điều trị, mọi việc đã ổn định, tôi lo lắng vì tuổi già của chị, những ngày Phú, Quỳ, Trâm, Phượng, Phước còn nhỏ, tôi đã sống trong gia đình chị với các em, chị luôn luôn dành cho tôi một chỗ trong gia đình, ngày tôi sang thăm chị ở Virginia, dù có đi đâu, buổi tối cũng phải từ chối cơm khách để về dùng cơm với chị. Tôi tự hỏi chị Hồng Loan hay anh Thu có biết tin chưa ?
Tôi dành vài hôm về miền Hậu Giang thăm gia đình, vài hôm đi viếng chùa trên núi Dinh ở Bà Rịa, đêm ngủ với một người bạn trong một cái cóc nhỏ, tôi đã có thì giờ ngồi ở đó nhìn ra biển Đông cũng là biển Nam Hải, nơi Đức Quán Thế Âm ngài ngự, ngài đã thí vô úy và cứu độ cho bao nhiêu người đã vượt biển Đông về vùng đất hứa ! Đèn đêm lấp lánh chốn ăn chơi của Vũng Tàu ngày nay, thỉnh thoảng có vệt sáng của ngọn hải đăng, đêm thật là yên tĩnh, tôi ngồi ngoài nhìn cảnh vật, bên trong cóc bạn tôi tụng kinh, niệm Phật. Đến khuya, bạn tôi lại công phu tụng kinh, tôi ngồi thiền. Có lẽ một ngày nào đó, tôi sẽ trở lại đây sống với núi rừng, cảnh vật thiên nhiên với ngày ngày câu kinh tiếng kệ chuẩn bị cho một ngày về cõi an nhiên tịch tĩnh.
Trở lại Sàigòn, trưa Chủ nhật tôi đi quay Video cảnh Tháp chùa Giác Lâm, một ngọn tháp bảy từng to lớn để tôn trí Ngọc Xá Lợi, đây là một ngọn tháp mới xây ở xa trước chùa, nơi khu đất xưa kia là sân banh, tôi cũng thu hình ảnh ngọn tháp Việt Nam Quốc Tự, Phật Giáo Việt Nam đã lấy lại một phần đất và ngôi tháp nầy, đã xây xong sáu tầng, mỗi tầng thờ một tượng Phật, tôi thấy có Phật tử đi lại và lễ Phật trên những tầng tháp đó, còn tầng tháp thứ sáu và nóc đang xây dở dang, phía trước tháp bên tay phải gần ngoài đường có đặt tượng Đức Quán Thế Âm cao hơn 2 thước, nhìn ra đường Trần Quốc Toản.
Rồi tôi đến chùa Lâm Tế, chùa cất trong khuôn viên cũ ở đường Nguyễn Trải, ngôi chánh điện và cổng đã xây xong, đây là ngôi chùa đẹp, chỉ tiếc khuôn viên hơi nhỏ, kiến trúc Việt Nam có chút đường nét Khme, bên trong trang trí những hoa văn, phù điêu sơn son thếp vàng lộng lẩy, thờ phượng rất trang nghiêm.
Gia Đình Giác Minh vừa mới dời về sinh hoạt nơi đây, do đó có nhiều đoàn sinh mới, đồng phục chưa có. Sau khi các em lễ Phật, rồi tập trung trước sân chùa để chào cờ, sau đó Trưởng Nga - Trưởng đã trúng cách thủ khoa khóa Huấn Luyện Lộc Uyển đầu tiên của GĐPT Miền Vĩnh Nghiêm do tôi làm Trại Trưởng năm 1964 - đã giới thiệu tôi là nguyên Liên Đoàn Trưởng của Gia Đình Giác Minh, yêu cầu tôi có vài lời với các em, nhân đó tôi nhắn nhủ các em cố gắng đi sinh hoạt, học tập để trở thành Phật tử chân chánh, theo bước của các anh chị để cho GĐPT ngày càng hưng thịnh hơn. Sau khi nói chuyện với các em, tôi có gặp anh Châu, một nhân vật lạ, được giới thiệu là Phó Trưởng Ban Hướng Dẫn GĐPT T/P Hồ Chí Minh. Nga có hẹn gặp tôi vào tối thứ Năm 12-9-96.
Sau khi rời Giác Minh, tôi đến thăm anh Huỳnh, gia đình đang ngồi xem TV ở phòng khách, tôi bước vào, chị Huỳnh nhận ngay ra tôi, còn anh Huỳnh cũng ngỡ ngàng trong phút đầu tiên gặp lại đó, tôi hỏi thăm sức khoẻ của chị Huỳnh vì tuần trước, gọi điện thoại tới nhà, có người cho biết anh Huỳnh vào bệnh viện thăm chị, chị bị đưa đi cứu cấp vì bệnh tim. Sau khi tay bắt mặt mừng ấy, anh Huỳnh vào trong, lấy một quyển sách mỏng viết để tặng cho Tuệ Linh, anh nói vì chỉ còn một quyển mà thôi. Chị Huỳnh nhắc anh lấy cho tôi vé đi xem ca nhạc, đây là những buổi trình diễn do con anh, Diệu Đức chẳng những là nhạc sĩ mà còn là đạo diễn, đang dàn dựng chương trình dân ca, trình diễn trên sân khấu quận Nhất, tuy nhiên tôi không có ngày giờ trở lại để lấy vé, xem trình diễn dân ca mặc dù tôi rất thích.
Đến chiều như đã hẹn, tôi chở nhà tôi đến Phở Hòa, cơn mưa chiều của thành phố ướt át, đi ngang qua Vĩnh Nghiêm, thấy Gia Đình Phật Tử Vĩnh Nghiêm đang sinh hoạt trong chùa, nhưng đã trễ hẹn và vì mưa ướt nên tôi không ghé lại. Đến nơi, tôi thấy mình đến sớm, Thu đi đâu đó về gặp tôi cho biết Nữu đang sửa xe, rồi Hùng đến, rồi lần lượt Nữu, Bác Liệu, Anh Hy, Cao Bá Hưng, Nghiễn, chị Oanh, Hùng, Kiều, Ngọc đến hơi trễ một chút, chúng tôi gặp nhau hàn huyên, trao đổi những sinh hoạt ngày nay về GĐPT T/P Hồ Chí Minh, về Vĩnh Nghiêm, về các Trại vừa mới tổ chức. Nghiễn cho biết ở Bắc, ngoài Gia Đình đang sinh hoạt ở chùa Quán sứ, còn có một Gia Đình thứ hai do Hướng đạo Việt Nam giúp đở phần chuyên môn. Anh Hy gợi ý hỏi tôi có nhắn gửi gì ? Tôi tâm sự niềm ước ao, mong muốn chung của Ái Hữu Vĩnh Nghiêm là thống nhất, đoàn kết và thương yêu nhau hơn trong tình Lam của chúng ta. Không hẹn mà gặp anh Ngọc và chị Mai ở Gia Đình Giác Hạnh đến tìm Nữu. Anh Nghiễn đã giới thiệu chị Mai, một Trưởng đường hoàng bước vào Gia Đình Phật Tử bằng con đường lớn là làm Trại Trưởng Trại Lộc Uyển, trại đầu tiên sau khi Gia Đình Phật Tử phục hoạt. Hùng trao cho tôi một tập ảnh Trại hè ở hòn Một, Long Hải và yêu cầu tôi gặp Dũng để cho Hùng chụp lại ảnh Gia Đình Giác Minh thuở xa xưa, tôi hứa sẽ gặp vào tối thứ Năm vì đã có hẹn.
Chị Mai cáo từ ra về, chúng tôi cũng chấm dứt buổi tiệc, chị Mai và anh Ngọc còn đứng chờ tôi ở phòng ngoài, khi tôi bước tới, chị chận tôi lại và nói : " Xin anh vui lòng cho em gửi lời tới anh Ngô Mạnh Thu, trước kia khi sinh hoạt, còn trẻ thiếu suy nghĩ, em có lỗi lầm với anh Thu, nay cho em gửi lời xin lỗi !
Tôi đến Toà soạn báo Giác Ngộ để thăm anh Cầm, khi tôi đến, anh đang trao đổi với một thầy, anh quay lưng lại về phía cửa nên không thấy tôi, có người báo cho anh, anh quay lại thấy tôi, không ngạc nhiên lắm, mừng rỡ chào rồi cùng tôi ngồi nói chuyện khá lâu, anh thanh minh nhiều việc, anh cho rằng việc thành lập lại Gia Đình Phật Tử, là để cho sinh hoạt được hợp pháp, khỏi bị bắt bớ, khó khăn. Anh nhờ người khác lấy tặng cho tôi vài số tuần báo Giác Ngộ.
Tôi có việc riêng không thể gặp Nga vào tối thứ Năm, do đó tôi phải đi tới thăm chị Nguyễn Thị Cảnh và La Kiến Nam để hỏi thăm địa chỉ nhà Nga, nơi đó tôi có đến vài lần, nay Sàigòn phố phường kiến thiết lại, xây nhiều nhà đôi ba tầng, một cao ốc cao nhất thành phố, bạn tôi chịu trách nhiệm xây cất để làm văn phòng cho các cơ sở nước ngoài, cao cao 37 tầng, ở chỗ căn nhà cũ của Thống Tướng Lê Văn Tỵ, phía sau toà nhà của hảng xăng Shell, do vậy mà tôi khó tìm nhà Nga, nhưng chị Cảnh và Nam không có địa chỉ, cuối cùng tôi tự tìm cũng thấy nhà Nga. Nga đã tặng cho tôi một số ảnh, tôi nhận ra Cao Văn Tiến, anh ta là thành viên phái đoàn Gia Đình Phật Tử Thủ đô Sàigòn ra thăm viếng Cố đô Huế năm xưa 1964, anh ta đã bỏ đoàn đi ĐàNẳng, là Huynh Trưởng Trực, tôi đã phê bình sự thiếu tôn trọng kỷ luật của anh ta ngay khi tập họp sau buổi cơm chiều nơi sân chùa Từ Đàm, chị Hồng Loan và một chị nữa đã cho rằng tôi quá lời, trường hợp đó nên " đóng cửa dạy nhau '" vì tất cả đều là Huynh Trưởng. Tôi nhắn gửi Nga, dù vì lý do phải tổ chức sinh hoạt cho hợp pháp, các Gia Đình Phật Tử miền Vĩnh Nghiêm cũng nên quy tụ trong những sinh hoạt với nhau, Nga đưa ra lý do Ban Hướng Dẫn hiện nay do Bác Liệu áp đặt như thế, Dũng, Nga không hài lòng. Tôi còn lạ gì Đặng Đình Dũng, ngày xưa Dũng làm Liên Đoàn Trưởng Giác Minh, sinh hoạt ở Việt Nam Quốc Tự, còn Phạm Minh Tâm làm Liên Đoàn Trưởng Giác Minh, sinh hoạt ở ngôi chùa đối diện với Học viện Quốc Gia Hành Chánh. Trước khi tôi ra về, Nga còn yêu cầu tôi giúp may đồng phục cho các em mới đi sinh hoạt, còn số tiền giúp trước kia, Nga đã dùng may 6 cái liều vải, 20 áo dài cho các em Thiếu Nữ, áo dài chỉ mặc khi các ngày lễ lớn. Tôi không dám hứa hẹn gì cả.
Một buổi sáng, tôi có dành một chút thời gian vào Thảo Cầm Viên Sàigòn, chỉ để xem cây Bồ Đề vào năm 1958 hay 60 do Phó Tổng Thống Ấn Độ sang thăm viếng Việt Nam Cộng Hòa, đã vào đó trồng một cây Bồ Đề, gần đây tôi mới thắc mắc và nghi quyết nó là cây Bồ Đề gốc từ Bồ Đề Đạo Tràng nơi Đức Thế Tôn đã thành đạo, một Phó Tổng Thống sang không thể trồng một cây không quí, nhưng ngày ấy báo chí không chua rõ là Cây Bồ Đề gốc nơi đức Phật thành đạo chẳng qua vì lúc đó Tổng Thống Ngô Đình Diệm là người công giáo, hoặc Tổng Thống Diệm không muốn chua thêm câu ấy, hoặc Bộ Ngoại giao Ấn Độ muốn Phó Tổng Thống biếu cho Phật Giáo Việt Nam một bảo vật nhưng tế nhị không muốn làm mích lòng Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Cây Bồ Đề ở Thảo Cầm Viên Sàigòn cùng với cây Bồ Đề ở trung tâm thị xã Châu Đốc đều là cây con lấy từ Bồ Đề Đạo Tràng ở Ấn Độ, quí hơn các cây Bồ Đề trồng ở Chùa Linh Sơn, Xá Lợi, Giác Lâm... do Đại Đức Narada tặng. Thảo Cầm Viên đã chiết nhánh, trồng thêm một cây nữa, ngày nay trước đền thờ Hùng Vương, đối diện với Viện Bảo Tàng Sàigòn có hai cây Bồ Đề, thân cây lớn đến hai người ôm mới giáp vòng.
Ngày tôi ra phi trường có Bác Liệu và Chị Dương tiễn đưa, tôi đã thanh minh vài việc tiền nong có người đã hiểu lầm vào năm xưa khi anh Thu còn ở Việt nam. Khi tôi trở lại Los, chị Lê Xuân Mai có gặp tôi, tôi tưởng chị chờ đón ai, không ngờ có cả anh Thu, Tuệ Linh, chị Tâm ra đón tôi ở phi trường, nhưng chúng tôi lại không gặp nhau, tiếc quá, cho tôi có lời xin lỗi vì tôi phải chạy cho kịp với thời gian, nào là check- in vé, chuyển gửi hành lý ở một phi trường xa lạ.
Tôi đã mang về một số hình ảnh xưa, nay. Tôi ghi lại đây những dòng nầy mong gửi đến quý Anh Chị một chút gì của quê hương, sinh hoạt và tình Lam của chúng ta.
No comments:
Post a Comment