Pages

Sunday, January 6, 2019

HÒ MIỀN NAM


Khoảng chừng 70 năm trước, từ cù lao Năng Gù thuộc quận Châu Thành  tỉnh Long Xuyên, mẹ với tôi bơi xuồng theo giòng Hậu Giang rồi theo kênh Long Xuyên để vào Phú Hòa cùng quận Châu Thành về quê ngoại. Thời ấy khoảng năm 1950, đã có đường xe đò Long Xuyên – Châu Đốc, nhưng từ Long Xuyên vào Phú Hòa hay xa hơn như Núi Sập chỉ có đi bộ, sang hơn là đi xe đạp.

Giao thông thời đó chủ yếu là đường sông có tàu, ghe, xuồng. Cho nên những đêm trăng thanh gió mát, còn được nghe người ta hò trên sông, đó là người chèo ghe hay bơi xuồng có một mình, buồn nên hò hát nghêu ngao cho đỡ buồn ngủ.

Gió đưa cơn buồn ngủ lên bờ,
Mùng ai có rộng xin ngủ nhờ một đêm.

Nhớ đến thú xưa cho nên tôi tìm hiểu để viết về những câu hò Miền Nam, đó là Ca dao hay là Dân ca trong kho tàng dân tộc Việt Nam ta.


I.- Khái quát.

Ngày nay người ta thường hay nói về Dân Ca, để chỉ cho các đìệu hát rất phổ biến trong dân gian như các điệu Ru, Hò, Lý.

Các thể dân ca nầy vốn lấy từ Ca dao mà hát thành các điệu khác nhau, nhưng từng địa phương còn có giọng điệu khác nhau. Như chúng ta biết về Hò ở Thừa Thiên, Huế có Hò mái đẩy, Hò mái nhì. Cũng là loại hò, nhưng Hò mái đẩy có lời mạnh mẻ, nhịp điệu hò nhanh hơn, để những người cùng hò khi chèo thuyền, cần sức mạnh và cần chèo nhanh để vượt qua khúc sông có dòng nước chảy siết. Chẳng hạn như:

Hò lên, hai mái song song,
Phải cam, cam ngọt, phải bòng, bòng chua
.

Còn ngược lại Hò mái nhì lời lẽ khoan thai, dịu ngọt, tình tứ chẳng hạn như bài Trước bến Vân Lâu của thi sĩ Ưng Bình Thúc Giạ Thị:

Chiều chiều trước bến văn lâu
Ai ngồi, ai câu, ai sầu, ai thảm
Ai thương, ai cảm, ai nhớ, ai mong
Thuyền ai thấp thoáng bên sông
Ðưa câu mái đẩy, chạnh lòng nước non.

Xin mời nghe tại:
https://www.youtube.com/watch?v=E6d5hZKeF2o
https://www.youtube.com/watch?v=E6d5hZKeF2o

Ca dao thông thường người ta định nghĩa: Ca là hát còn dao là không có chương khúc hay nói khác hơn là dài ngắn không cố định, thông thường ít nhất là 2 câu. Ví dụ:

Công cha như núi Thái sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.

Ca  dao là những câu cô động, có vần, có điệu, có tiết tấu cho người ta dễ học, dễ nhớ, có thể hát được thuộc thể Thi ca. Do đó nó có quy luật về các thể thơ.

Thông thường người ta nghĩ rằng Việt nam chịu ảnh hưởng Thi ca của Trung Quốc, trước họ có Cổ Phong rồi sau mới đến Đường Thi. Cổ phong cũng là những bài Ca dao xưa của người Trung Quốc như Kinh Thi, về sau đến đời nhà Đường, nhiều nhà thơ sáng tác thơ của họ theo quy luật, nên người ta gọi là Đường thi. Đường thi do nhiều nhà thơ nổi tiếng như Lý Bạch, Đỗ Phủ, Bạch Cư Dị, họ đã ảnh hưởng rất nhiều nhà thơ Việt Nam như Nguyễn Khuyến, Trần Kế Xương, Bà Huyện Thanh Quan… là những người có học chữ nghĩa.

Nhưng Ca dao Việt Nam có những câu rất xưa, rất giản dị, người không biết chữ cũng có thể sáng tác, lưu truyền trong dân gian đời nọ sang đời kia. Ví dụ như:

Thơ 3 chữ:

Tập tầm vong

Tập tầm vông
Chị lấy chồng
Em ở góa
Chị ăn cá
Em mút xương
Chị nằm giường
Em nằm đất
Chị húp mật
Em liếm ve
Chị ăn chè
Em liếm bát
Chị coi hát
Em vỗ tay
Chị ăn mày
Em xách bị
Chị làm đĩ
Em thâu tiền
Chị đi thuyền
Em đi bộ
Chị kéo gỗ
Em lợp nhà
Chị trồng cà
Em trồng bí
Chị tuổi Tí
Em tuổi Thân
Chị tuổi Dần
Em tuổi Mẹo
Chị kéo kẹo
Em đòi ăn
Chị lăn xăn
Em nít hết
Chị đánh chết
Em la làng
Chị đào hang
Em chui tót

Thơ 4 chữ:

Lạy trời mưa xuống

Lạy trời mưa xuống
Lấy nước tôi uống
Lấy ruộng tôi cày
Lấy đầy bát cơm
Lấy rơm đun bếp
Lấy nếp nấu xôi
Lấy vôi ăn trầu
Lấy bậu về ôm
Lấy nơm đơm cá
Lấy rá vo gạo
Lấy dao thái thịt
Lấy liếp làm nhà
Lấy hoa về cúng
Lấy thúng đựng tiền
Lấy tiên làm vợ
Lấy chợ bán đồ
Lấy ngô nuôi lợn
Lấy bợm làm bè
Lấy ghe đánh cá
Lấy vá múc canh
Lấy hành xào thịt
Lấy vịt tiết canh
Lấy manh áo mới
Lấy trời chở che
Lấy mè rang muối
Lấy chuỗi trân châu
Lấy trâu đi cày
Lấy bầy trẻ con
Lấy hòn đá cuội
Lấy bụi chuối cau
Lấy màu nhuộm áo
Lấy đạo để theo
Lấy cheo đóng làng
Lấy hàng rau muống

Dị bản:

Lạy trời mưa xuống
Lấy nước tôi uống
Lấy ruộng tôi cày
Cho đầy nồi cơm
Tôi đơm cho dễ
Tôi lễ ông trời

Dị bản:

Lạy trời mưa xuống,
Lấy nước tôi uống,
Lấy ruộng tôi cày,
Lấy đầy bát cơm,
Lấy rơm đun bếp.
Lấy tệp bánh chưng,
Lấy lưng hũ rượu.

Thơ 5 chữ:

Khóm gừng tỏi

Lỏm chỏm vài hàng tỏi,
Lơ thơ mấy khóm gừng
Vẻ chi là cảnh mọn
Mà cũng đến tang thương
Ôn Như Hầu

Đề chùa vô vi
Vắt vẻo sườn non Trạo
Lơ thơ mấy ngọn chùa
Hỏi ai là chủ đó ?
Có bán ta xin mua.
Vô danh

Thơ 6 chữ:

Miễn em mở miệng em ừ,
Anh sẽ chẳng từ lao khổ.

Thơ 7 chữ:
Con cóc
Bác mẹ sinh ra vốn áo sồi,
Chốn nghiêm thăm thẳm một mình ngồi.
Tép miệng năm ba con kiến gió,
Nghiến răng chuyển động bốn phương trời.
Lê Thánh Tôn

Cái pháo
Xác không vốn những cậy tay người,
Bao nả công trình cạch cái thôi.
Kêu lắm lại càng tan tác lắm,
Thế nào cũng một tiếng mà thôi.
Nguyễn Hữu Chỉnh

Thơ 8 chữ:

Ngó lên trên trời, một trăm ông sao,
Ngó ra ngoài biển, một trăm con cá.
Ngó vô trong nhà, mẹ góa con côi,
Hương tàn, bàn lạnh khổ rồi ai ơi !

Hay

Ngó lên trên trời không cao không thấp,
Ngó xuống dưới biển, từng cạn từng sâu.
Anh đi qua mười tám nước chư hầu,
Không ai chịu phận thảm sầu như em.

Thơ 9 chữ:

Cái nghĩa đã phai dù khăn dài cũng vắn,
Dầu cho sáng cũng lu, dầu thù lu cùng lợt.

Hay:

Ngọn đèn thương ai mà ngọn đèn không tắt,
Nước mắt thương ai mà nước mắt lâm ly
.

Hoặc:

Ngó lên trên trời thấy cặp cu đương đá,
Ngó ra ngoài biển thấy cặp cá đương đua.

Người ta thường cho rằng chỉ có Thơ Lục bát hay Song thất mới hoàn toàn là thể thơ của Việt Nam. Ví dụ:

Thể Lục bát:

Bầu ơi thương lấy bí cùng,
Tuy rằng khác giống, nhưng chung một giàn.

Hay:

Mẹ cha trượng (trọng) quá ngọc vàng,
Đền bồi sao xiết muôn ngàn công ơn.

Hoặc:

Chim quyên hút mật bông quỳ,
Nam Kỳ Lục Tỉnh thiếu gì gái khôn

Thể song thất:

Xứ Cần Thơ nam thanh, nữ tú,
Xứ Rạch Giá vượn hú chim kêu
.

Hay:

Gió hiu hiu Bặc Liêu kia hởi !
Đoạn sầu nầy biết gửi cho ai ?

Nhưng chúng ta thấy trong Ca dao có bài 3 chữ, 4 chữ, 5 chữ, 6 chữ , 7 chữ, 8 chữ, 9 chữ và nhiều nhất là thể hổn hợp dùng câu 6, 8 hay câu 8 để chấm dứt. Ví dụ:

Thơ 3 chữ chấm dứt câu 8:

Cây da cũ,
Con yến rũ,
Cây da tàn.
Bao nhiêu lá rụng, thương nàng bấy nhiêu.

Thơ 4 chữ chấm dứt câu 8:

Giấy Tây bán mấy
Mua lấy tờ nguyên
Làm thơ hỏi bạn tình duyên chuyện gì ?

Thơ 5 chữ chấm dứt câu 8:

Anh tỉ cái phận anh,
Chẳng thà ở lều tranh,
Như thầy Tăng, thầy Lộ.
Cũng chẳng hề hâm mộ,
Như Vương Khải Thạch Sùng,
Đạo người giữ vẹn, bần cùng sá bao.

Thơ 6 chữ chấm dứt câu 8:

Miễn em mở miệng em ừ,
Anh sẽ chẳng từ lao khổ.
D
ẫu lên non cao tróc hổ,
Hay xuống biển rộng nã rồng,
Anh đây cũng chẳng tiếc công
Miễn sao cho đặng tấm lòng em thương.

Thơ 7 chữ chấm dứt câu 8:

Thiếp xa chàng đêm trông ngày tưởng,
Mấy lâu nay chăn trướng đợi chờ.
Chàng phân cho rõ chớ nghi ngờ dạ em.

Hay:

Thiếp xa chàng hái dâu quên giỏ,
Chàng xa thiếp cắt cỏ quên liềm.
Ra sông gánh nước, hủ chìm, gióng trôi.

Hoặc:

Đèn Sài Gòn ngọn xanh ngọn đỏ,
Đèn Mỹ Tho ngọn tỏ ngọn lu.
Khuyên anh về học lấy chữ Nhu,
Chín trăng em đợi mười thu em chờ

Thơ 8 chữ chấm dứt câu 8:

Ngó lên trên trời không cao không thấp,
Ngó xuống dưới biển, từng cạn từng sâu.
Anh đi qua mười tám nước chư hầu,
Không ai chịu phận thảm sầu như em.

Thơ 9 chữ chấm dứt câu 8:

Ngọn đèn thương ai mà ngọn đèn không tắt,
Nước mắt thương ai mà nước mắt lâm ly
.
Khăn đây bạn lấy lau đi bớt buồn.

Thơ hổn hợp chấm dứt câu Lục bát:

Tích tịch tình tang,
Mẹ đi tìm sàng,
Cho con đổ đỗ,
Con đi tìm rổ,
Cho mẹ đổ khoai.
Con ăn một, mẹ ăn hai,
Con đi bóc muối thì khoai chẳng còn.
Con ngồi con khóc nỉ non,
Mẹ đi lấy vọt, con ton đầu hè.
Có đánh thì đánh vọt tre,
Chớ đánh vọt nứa mà què chân con.

Hay:

Chợ Bến Thành mới,
Kẻ lui người tới.
Xem tứ diện rất xinh
Thấy em tốt dạng, tốt hình
Chẳng hay em có chốn duyên tình hay chưa ?

Hoặc:

Chợ Sài Gòn cẩn đá,
Chợ Rạch Giá cẩn Xi-măng.
Già em ở lại vuông tròn,
Anh về xứ sở không còn ra vô.

8664060118

No comments:

Post a Comment