Pages

Thursday, July 10, 2014

Những nhà văn dân tộc: Nhà thơ Tuệ Nguyên




Tuệ Nguyên - Thạch Trung Tuệ Nguyên (1982-20  )

Nhà thơ Tuệ Nguyên tên thật là Thạch Trung Tuệ Nguyên, dân tộc Chăm, sinh ngày 20 tháng 10 năm 1982, tại Caklaing tỉnh Ninh Thuận, còn có bút danh khác là Michelia.  

Hiện sống và làm việc tại TP Hồ Chí Minh.

Tác phẩm:

- Khúc tấu rối bù (thơ, 2007)
- Ch[tr]ào & Những vết bẩn
- 7749 (thơ in chung)

- Những giấc mơ đa chiều (thơ, Hội Nhà văn, 2009)

Trích văn:
Theo cách đó tôi bị ném vào danh sách
(truyện cực ngắn)
Họ đứng thành một chuỗi dài chỉ với mỗi nhiệm vụ là đếm xác chết. Và tôi là người nằm trong số đếm kế tiếp. Con số dành cho tôi được mã hoá bằng dấu X. Khi chỉ ngón trỏ về phía tôi thì họ phát hiện tôi đang hấp hối. Để tránh tình trạng trì trễ họ chuyển tôi vào một căn phòng kín. Ở đây chỉ có một cánh cửa để ra vào. Họ tiến hành đo đếm hơi thở, nhịp tim và cả khả năng phân giải hệ thần kinh của tôi. Tôi im lặng về điều đó. Họ xì xào với nhau: “Bằng mọi cách phải cứu được nó.”
Sau đó, họ cho tôi uống một chất màu đỏ như máu và ăn toàn miếng thịt được cắt rạch ra từ cơ bắp của những người đã chết. Trước khi dùng được những thứ như thế họ bắt tôi phải học cách tự nuốt lưỡi và nghiến nát hàm răng mình. Lúc đầu tôi phải tập tành nhai nuốt những con mắt của trẻ em, sau này mới gặm nhấm nổi cái đầu của những con người lớn hơn. Mọi cách thể hiện đều khiến tôi phải trấn áp mình lại bằng cách không nôn mửa. Nhưng thường thì thế này, vào lúc nửa đêm tôi thấy những con người vọt ra từ cổ họng tôi tụ tập lại ở trong phòng tôi rất đông. Nhưng đêm nay, họ có đủ số người vẫy tay chào tôi rồi đẩy cửa bước ra khỏi phòng.
Tôi nghe ngóng được có tiếng ồn bên ngoài, họ đang huyên thuyên với thế lực nào đó, rằng: “Tôi đã chết. Ở trong phòng tôi chỉ có một xác chết. Cái xác chết của tôi là dấu hiệu tốt nhất để lấp vào lỗ hổng của bảng danh sách.” Khi hình dung ra việc họ sắp ném cái xác của tôi vào lỗ hổng, tôi bật dậy chạy ùa ra ngoài – với tốc độ đủ làm tôi té nhào vào bảng danh sách.
Trích thơ:
Về tôi
Tên tôi, Tuệ Nguyên
quê Caklaing    dân tộc Chàm
tôn giáo Bà-la-môn    quốc tịch Việt Nam
gia đình có sáu     chưa rụng quả nào
Trong một thế giới mọi thứ đều tầm thường hóa
không ai còn tin những điều phi thường
tình yêu thương       sự hi sinh
nên tôi chỉ muốn khai báo cho có lệ     nhưng
Tôi ít khi quan tâm đến tên họ   quê quán  dân tộc
tôn giáo hay quốc gia
vì tôi lúc nào cũng có cảm giác một mình
hoang mang về gốc nguồn      và nơi ở
Tôi cũng ít khi quan tâm đến tuổi tác theo thủ tục hành chính
vì lẽ    tôi không đếm ngày sống của mình bao giờ
Khi chìm trong khoảng lặng cuộc đời
tôi viết   những ngôn lời mọc lên từ ngọn lửa con tim
có khối óc làm chất xúc tác
đôi khi tiếng ồn của nó tác động đến thái độ người khác
việc đó đối với tôi chẳng có gì quan trọng
đôi khi sự im lặng của nó cũng là cái mầm tội lỗi
khiến nhiều người ngờ vực
việc đó đối với tôi cũng chẳng có gì quan trọng
Để giữ một lối sống trong sạch và khoẻ khoắn
tôi phải tập giao cảm với cái đẹp
tập luôn cách buông xả những áp lực thường nhật
mọi người ở phía xa phán tôi là kẻ chạy trốn cuộc sống
mặc kệ     chẳng có gì quan trọng cả
Trong cuộc chạy đua mà lúc nào tôi cũng bừng tỉnh vào buổi sang
tôi phát hiện mình ở vùng miền khác    chênh vênh      lạc loài
trái tim tôi đập lệch pha một chút
các quý bà đâm ra xa lánh tôi
Khi những hệ luỵ đang tự bật gốc rễ
tôi đi vào đời sống    tôi đụng đầu với kẻ
gai góc    tôi đụng đầu với kẻ bênh vực
tôi luôn ngơ ngác     kẻ cả bọn trung lập
Lúc vui     lúc buồn   tôi hút thuốc lá    tôi nốc
cạn ly beer trên vỉa hè khu phố lạ   tôi tán phét
bằng triết lý thánh giả    đạo đức chính trị
những cô ả qua đường liếc xiên mắt vào đám
đông đang chọc ghẹo   sự im lặng trong tôi
cũng được để ý
Ở nơi tôi sinh ra
nơi chỉ có gió thổi rác bay
nắng đốt rám da     vàng tóc
cơn gió làm run đôi chân trần
bóng tối luôn có những con ma gây sợ hãi nơi tâm trí
tôi mở tiệc ăn mừng hàng đêm liền
say xỉn, tôi đập nát cả cái Tôi trong tôi
Nhưng khi ở phố thị Sài Gòn
tôi được ngắm những chiếc hộp sắt cao/rộng luôn chứa
thải những con người    tôi được
ngắm những con đường đông nghẹt xe cộ
luôn có đèn xanh đèn đỏ ở ngã ba   ngã tư
đường        tôi luôn đi lạc
Đâu đây quanh tôi đủ thành phần người
từ doanh nhân/công nhân viên chức
đến những đứa trẻ rao bán vé số/kẻ ăn xin
gã lang thang/cô gái đứng đường
lâu lâu có những tên côn đồ đánh đập nhau
chảy máu     những tiếng còi hú và hình người
chạy tán loạn     những gã cớm rình giấc
ngủ khu ổ chuột trong đêm khuya   cặp
tình nhân ôm hôn nhau vội vã     tiếng chó tru
lúc nửa đêm     và những sợi dây thòng lọng
treo xác chết      tôi vẫn trố mắt nhìn
nhìn vào những mộ phần và những đền đài
tưởng niệm    tôi nhìn xuyên bức màn thời gian
Sài Gòn và bóng ma của nó    tôi nhìn
Nhìn vào điệu ngữ ngoài kia
anh em tôi vẫn hô hào khẩu hiệu về tự do và
dân chủ    hô hào khẩu hiệu yêu đất nước mình
đất đai và biển đảo    hô hào trong ngục tối
hô hào và hú gọi nhau… ơi ới
chỉ sự im lặng ở lại
ốn bức tường lởn vởn trên đầu
Dù là gì thì trong tâm khảm tôi    ở đâu đó rất
xa    không có dấu vết gì về tôi    và cũng không
thuộc phạm quyền của tôi    tất cả tan biến
Chỉ có Thượng đế rơi rụng chòm râu bạc
có ai đó đốt que diêm soi nhìn mặt hắn.
Cây chổi tự truyện

Tôi là cây chổi
nhiệm vụ của tôi là
quét
quét rác
quét sạch rác
 
Tôi quét từng ngày
từ trong nhà một anh nông dân đến những thành phố lớn
từ một cơ quan thôn làng nhỏ bé cho đến dinh đài các lãnh chúa
từ đồng bằng cho đến miền núi
từ ao hồ nhỏ cho đến ngoài đại dương xa xôi
tôi quét luôn cả kí ức đau thương
quét luôn chính tôi
quét
tôi vẫn làm việc miệt mài với niềm tin rằng: "Mọi nơi sẽ luôn sạch sẽ."
 
cho đến một ngày khi tôi tự vấn, rác là gì?
thì có đôi bàn tay ném tôi vào sọt rác
 
Và, tôi - là rác
sống một đời sống của rác
thứ bị vứt
thứ bị chà đạp, coi khinh
 
Tôi khóc cho những cây chổi đang làm nhiệm vụ
quét
quét rác
quét sạch rác
 
quét cả tôi.
 
Ở thời điểm mà màn đêm lên men

Đằng sau sự vụng về của chúng ta là sứ mệnh của tình yêu
niềm tin và đam mê
thiêng liêng và nhục cảm
 
Em - thiên sứ đến nhen nhóm trong ta ngọn lửa đốt cháy niềm vô cảm
ở thời điểm mà màn đêm lên men
ta đắm chìm trong vòng tay ôm và đôi ngực căng tròn em
 
hơi thở toát ra từ toàn thân cóng lạnh
- bởi cơn gió và sự nghi hoặc
ta chạm vào mùi hương của làn tóc
của da thịt em
định vị lại nhịp điệu của con tim yếu mềm đang đập loạn xạ trong lồng ngực
 
Chính ngay lúc ấy
chúng ta tìm được cái nguyên thủy của thú tính đang ẩn tàng trong người
những tiếng kêu rên không rõ âm lời
khi ta mân mê - cái thân thể đang thèm muốn
óc não ta như tróc vỏ tước đi những khối lo/ những khối nặng
khiến ta phải chịu đựng những gì đã vụt qua đang qua và sắp đến
 
- ta chạm vào nhau
nơi u tối của tâm hồn - là sự nhục dục
nơi tự do của lương tâm - là sự phản loạn
trong cơn say miên viễn – ta đạp lên sự tha hóa của đời sống thường nhật
 
Ôi! ta đang ở rất gần em
chỉ một bước nữa là đi xuyên qua người em
nhưng ta đã dừng ở đó rất lâu
nơi ta và em đang bão hòa cái lingayoni của tồn sinh nhân thế
nơi ta và em đang say với trò chơi ái ân để không còn cảm thấy sự tồn tại của mình nữa
 
nhưng đó cũng là nơi
mà nguồn đam mê có đó nhưng thoáng rất nhanh
rồi ta trở về căn nhà
nơi ta hoài nghi những gì đã xảy ra
ta kiếm tìm những gì giống như thế trong nghĩa địa ký ức
chỉ thấy em, người đàn bà đến lay ta tỉnh giấc lúc đêm khuya.

Lễ của lễ hội

1.
Đây ngày hội của rác rưởi
thời đại những ống kính đục khoét những gã khổng lồ
moi tìm những kẻ nằm trong ngục tối
và những người được xem là không có mặt của ngày hôm qua

cũng chính đêm đó
có người kể lể về đời sống thế sự
đưa mình vào cổ tích ở nơi chốn
những kẻ chối tội làm nên nghệ thuật sống
những thằng điên trở thành học giả
những kẻ khổng lồ có xu hướng béo phì
những kẻ tầm thường có nguy cơ mất tích
có cả bè lũ ngu ngốc im lìm lắng nghe
khuya lắm rồi tôi còn nghe tiếng vỗ tay rất thanh của đám lâu la

tôi phải nhảy qua bóng đêm để kể thành tích mình.

2.
Đây ngày mặc niệm của những bóng ma
những linh hồn côi cút gặp nạn dưới địa ngục
lẩm bẩm bản kinh lật mặt tối về đời sống loài người

cũng chính đêm hôm đó
những khuôn mặt đã chết nổi cộm lên đòi quyền sống
họ ùa đến rất nhiều đến nỗi choáng ngợp không–thời gian
ở đó họ bao phủ tôi
bao phủ khuôn mặt tôi
cái khuôn mặt cứng đơ vì ngỡ ngàng

cũng bằng sức lực bàn tay mình
tôi lột luôn con người tôi
bằng cách làm nở phồng những xác chết gần gũi tôi để chất vấn về đời sống.

3.
Đây ngày lễ của thánh thần
loài người chém giết nhau tranh giành quyền nhân danh
ở trên thiên đàng – những vị thần say rượu đã lẩm cẩm

cũng chính đêm hôm đó
một tội ác đến từ miền đất mà mọi điều có thể
đổ lên đầu đám vô thần
loan báo cho họ một tia hi vọng cho sự tự do
cái tự do được đi bằng đôi chân mình
mà mọi tiếng động đều được để ý

cũng đến từ miền đất đó
thuật ngữ công bằng chèn ép nhóm thiểu số và buộc chúng phải chịu đựng
tôi phải ví đời sống mình như một đền thờ
để xưng tội và cầu nguyện

Và đây
ngày hội của con người
phố thị nuốt mất đàn bà
đường phố phải tạo ra giống loài như thế để lũ ngợm nghịch
tôi dùng sức mình nâng cao hai bàn tay trắng hoan hô đồng loại

4.
Trong ba lễ hội này bạn không có quyền được cô đơn
nếu là ngoại lễ bạn nên chon cuộc chơi cho riêng mình

5.
Còn tôi
kẻ tham dự tang lễ của kẻ vô hình
người đã vác mang đủ khuôn mặt các vị khách mời

Phải chăng
cả tôi và (họ) có đủ số lượng để khẳng định người vô hình đó là ai? 

Mi và ngôn lời

Mi luôn được đảm bảo về mọi mặt
mi có thể trở nên tri thức hơn
mi có thể dạy đời tôi bằng khuôn khổ đạo đức khắc khổ mà loài người đã chịu đựng
mi có thể lăng nhục đời tôi bằng những cuốn sách đắc nhân tâm qua kiểm duyệt
hay những ảo tưởng về cái đẹp
hay những mặt nạ có bôi son phấn rể tiền
nhưng mi không thể
mi hoan nghênh tôi
 
bằng ngôn lời
mi gọt giũa tôi
 
bằng ngôn lời
mi cắt tỉa lông cánh tôi
 
bằng ngôn lời
mi dựng rào cản cầm tù tôi
 
bằng ngôn từ
mi thoá mạ và thêm trọng lượng vào chiếc bóng quá cỡ thân thể tôi
 
bằng ngôn lời
mi cầm đuốc và thiêu sống tôi
 
và cũng bằng ngôn lời
mi đã giết tôi
 
Ồ sự phòng vệ sản ảnh tưởng cho tôi nhìn xuyên khuôn mặt mi
tôi cô lập tôi
tôi bỏ mặc tôi
để bất th[l]ình tấn công trực diện vào tôi
và tôi, kẻ nặng nề và tật nguyền
đem cơn đói
lấp luôn cuộc đời và đường đi
 
ở nơi góc nhọn dị thường của cuộc đời
mi chứng kiến cái chết của tôi
mi có thể thấy cái hố sâu đã hút mất con người như thế nào
và vách tường cao vô cùng tận đã cầm tù con người ta suốt đời như thế nào
mi có thể thấy
nơi mà những cuộc đời thống thiết
dựng muôn vàn hệ lụy
để con người ta hướng cái nhìn về
mi có thể thấy
nơi mà những thân phận đơn độc trôi dạt về thắp lên ngọn lửa trong đêm
lạnh lẽo của cuộc đời
để con người mò về sưởi ấm
 
Nhưng mi không thấy
mi hiện diện để nhìn cái xác tôi
mi hiện diện để giết chóc, cầm tù
còn về phần ngôn lời
nó tìm không ra kẻ thù
giãy giụa gục chết
Và mi,
câm lặng. 
Lời bộc bạch của một linh hồn

Tôi là thai nhi
tôi chưa đủ hình hài của một con người
tôi bị tước đi cuộc sống
từ đôi bàn tay của kẻ mặc áo blu trắng
tôi bị cắt bỏ không rõ lý do
tôi bị vứt đi như một cục thịt
cái cục thịt mà mọi người có thể nhìn thấy ở gian hàng của
các bà bán thịt trong chợ
 
Tôi được vứt đi để người nhẹ nhỏm
tôi được vứt đi để người ngửng cao đầu làm dáng, tiếp tục sống
tôi được vứt đi để người khỏi phải dễ dại trong trò chơi tự do yêu đương
có khi tôi được vứt đi chỉ vì tôi là con gái
trong một cộng đồng nặng vấn nạn “trọng nam khinh nữ”
Thưa,
đó có phải là câu hỏi để người quyết định sự lựa chọn cho câu trả lời đúng/ sai?
thưa,
đó có phải là trách nhiệm của người đang cưu mang – để tôi còn hi vọng hiện hoạt
như một sinh linh khác
được nuôi dạy
được đi học
được ước mơ
Người biết không
trong bụng người
tôi không có gì để tự vệ
chạy trốn cũng không
ẩn núp cũng không
chỉ duy người biết
tôi không có quyền gì hết
cũng như không thể phán xét hay kết án ai là kẻ sát nhân
Khi lúc khai tử đã định
luật lệ người đời cũng không bảo vệ tôi hơn người
người biết không
khi cái cục thịt đó được vứt đi
linh hồn tôi vẫn bám theo bóng người
vì không biết đến một ai khác để mà nương tựa
Và tôi - kẻ vắng mặt trong suốt cuộc đời người
chơi vơi
trong một thế giới khác
ở đó
tôi chờ đợi người để gọi một tiếng “Mẹ”.
Hồi chuông
gửi nhà thơ Đồng Chuông Tử

Nơi những con tim ném mình trong ngục tối nghẹn tiếng với nhịp đập thoi thóp
moi tìm ánh sáng
Nơi những âm lượng bị nén chặt và những cuộc trốn chạy
trở nên cuồng loạn
Kẻ ra đi mang vác theo cả âm bản hoan lạc/đau khổ
rống lên những hồi chuông

Nơi các vị thánh bị lật tẩy vẻ già nua và mù loà
trước trọng trách đốn mạt tự gán
Nơi những chiếc mặt nạ lột trần không còn giật mình kinh ngạc nữa
Kẻ ở lại chỉ biết cúi đầu ta thán về đời sống vô định
Âm vang của hồi chuông lạc giọng điệu âm ỉ mãi

Nơi không còn là nơi nữa
Nơi không còn dấu chân của loài người nữa
Còn ai nghe tiếng tắt thở của chuông?

(Sài Gòn, 5-2008)

Tôi là chiếc lá non xanh mới nhú
khi tôi thấy các anh chị âm thầm rụng xuống mặt đất
và nằm im bất động
mưa bầm dập
gió cuốn trôi
tôi suy tư về mùa màng lạ lùng đi qua

Gió – tên lãng du luôn làm tôi run rẩy
mi là ai mà gieo quanh tôi
những ngôn từ thì thầm ngọt lịm
những lời mời mọc dịu dàng cùng bay cao/xa
những tiếng cười chua ngoa
những im lặng rùng rợn
và chỉ có những chú chim sẻ hót quanh/chăm chú nhìn con sâu nhỏ
đang bò trên mình tôi

Ánh mặt trời nhìn tôi đang hấp hối
bóng đêm vây quanh và im nghe hơi thở tôi
cơn mưa phùn tạo dáng tôi
những giọt sương trang điểm tôi mỗi buổi sáng

Vào một ngày đẹp trời vẻ già nua đến với tôi
tôi thấy mình đổi màu và mỏi mệt
cơn gió đột nhiên ghé ngang qua
các thế hệ tôi vui nhộn rời cành và biết bay

Riêng tôi
rơi và xoáy
trầm nhẹ mình xuống dòng suối
trôi trong cô độc.
(Sài Gòn, 4-2008)
Con đường và, tôi: kẻ đi

Trên con đường tôi đi và trang điểm
trò ngụy trang đánh lừa cả cuộc diễn cuộc chơi và cuộc đời mình
đối mặt với từng hành trang cần thiết
tôi trở nên uể oải

Nỗi xao xuyến về thân phận mọc lên tựu nấm mồ
óc não thè lưỡi liếm quả tim hấp hối
tôi bị chứa đựng trong vỏ bọc lề lối và trở nên nghẹt thở
dù là vậy tôi vẫn tiếp trò đào xới xếp đặt

Một hi vọng trong cuộc hành trình
trật tự và yên bình
loài người tự vẽ ảo tưởng tự do trên nghĩa trang đời mình ở
cuối con đường

Từ gốc gác cho đến phận mình
tôi thấy mọi người đều sống cho đến chết
cơ thể tôi run rẫy
hơi thở phập phồng lạc nhịp trú tôi vào vũng tối
tôi lắng nghe tiếng gọi thống thiết của muôn vàn hệ luỵ
ở khúc rẽ ngoặt trong tôi bốc cháy.

(Sàigòn, 6-2008)
Trong bài: Chùm thơ: "Lễ của lễ hội" của Tuệ Nguyên, tác giả Lê Anh Hoài viết:
“Đọc Tuệ Nguyên là đi vào một thế giới vừa tâm linh đến u minh vừa rất thật đến như có thể chạm tay vào để có những cảm giác cụ thể…Là nhà thơ người dân tộc nhưng lại ở thành phố, một mặt anh cháy mình trong cuộc sống đương đại, nhưng vẫn đau đáu: phế tích cha ông bỏ mặc/ linh hồn tộc người bôi bẩn… Ngoài đời, Tuệ Nguyên mang dáng vẻ rất đặc trưng của kẻ tha hương, đang đi tìm bản thể của chính mình. Anh có thể đi khắp nơi, vài tháng, không một xu dính túi."
Tài liệu tham khảo:
- Tuệ Nguyên Web:
- Theo cách đó tôi bị ném vào danh sách Web: tienve.org

No comments:

Post a Comment