Niê Thanh Mai (1980-20 )
Nhà văn
Niê Thanh Mai dân tộc Ê đê, sanh ngày 29 tháng 7 năm 1980, tại Hà Nội, nguyên
quán Đắc Lắc.
Thanh
Mai từng là cô giáo dạy Văn ở Trường phổ thông dân tộc nội trú N’ Trang Lơng tại
Buôn Ma Thuột.
Là Ủy viên Ban Chấp hành Hội
Văn học-Nghệ thuật các Dân tộc thiểu số Việt Nam.
Là Ủy viên Ban Thường Vụ, Phó
chủ tịch Hội Văn Học Nghệ Thuật Đắc Lắc.
Nhà văn Niê Thanh Mai được các
giải thưởng:
- Giải các tác giả trẻ của Liên
hiệp các Hội Văn Học Nghệ Thuật
Việt Nam trao tặng năm 2005, cho tập truyện Suối của rừng.
- Giải nhì của Tạp chí Văn nghệ quân đội năm 2006 cho truyện ngắn Giữa cơn mưa trắng xoá và Áo mưa trong suốt.
- Giải nhì của Tạp chí Văn nghệ quân đội năm 2006 cho truyện ngắn Giữa cơn mưa trắng xoá và Áo mưa trong suốt.
Hiện
nhà văn Niê Thanh Mai sống và làm việc tại BanmêThuột, là Phó Văn
phòng Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắc Lắc.
Tác phẩm:
- Suối của rừng
(2005)
- Về bên kia núi (2007)
- Sớm mai rực rỡ (2010)
- Về bên kia núi (2007)
- Sớm mai rực rỡ (2010)
Trích văn:
Sớm mai thoang thoảng…
Tôi mặc áo mới vào một buổi sáng thứ bảy. Khi cha dắt
chiếc xe 50 của tiếng nổ gầm gừ đi ra cổng, ông đi lướt qua tôi và mỉm
cười âu yếm, rồi ông nổ máy phóng vụt đi, chỉ có vệt khói xe mờ mờ hăng hắc
thoảng lại.
Mẹ dắt tôi xuống ruộng rau. Đường đi xuống ruộng rau
muống rất trơn và hẹp nhưng mẹ đi băng băng. Tôi vẫn chơi một mình, cặm cụi
trên bờ ruộng với chiếc áo màu đỏ chói. Mẹ cặm cụi dưới ruộng rau muống với đôi
ủng cao su dài qua bắp vế, chiếc nón cũ nhấp nhô giữa xanh um. Lúc lấp loáng
nước thì mẹ trở lên, cả người sực lên mùi nắng đến khét thịt.
Tôi lớn lên bên bờ ruộng. Và đôi khi tự hỏi sao chưa bao
giờ mình lộn cổ xuống đám ao bùn thơm rau mùi rau quế. Và giả sử nếu tôi có lộn
cổ xuống ao, chắc ngày hôm sau mẹ không thể lội ra ruộng bằng đôi ủng cao su
quá gối để cặm cụi dưới trời gay gắt.
…
Một vài lúc nào đó tôi nghĩ cha không phải là một người
bình thường. Ông vừa cười với tôi âu yếm nhưng quay lưng lại có thể ném vào mặt
mẹ tôi cái thúng, cái mẹt bà để quên dưới sàn nước( Mẹ rất hay quên, ngày nào
cũng quên cái gì đó vật gì đó hay việc gì đó- Những khi quên mẹ lẳng lặng đi
tìm kiếm, khuôn mặt nhợt nhạt và nín lặng khi cha nổi cáu). Cha không cho mẹ
con tôi qua lại nhà ai, kể cả nhà cậu út cách nhà tôi mười ba bước chân, thậm
chí cha cũng không muốn cho mẹ sang nhà bà ngoại non cây số. Cha gầm gừ khi cậu
mợ sang nhà. Cậu giận. Mợ giận. Rồi họ hàng giận. Nhất là họ thấy mẹ tôi thụt
lùi sau cánh cửa không phản ứng gì. Đổi lại ông mua cho tôi nhiều đồ chơi, kể
cả những thứ tôi không bao giờ thích ông vẫn treo đầy nhà.
Mẹ không có bạn. Tôi cũng không có bạn. Hai mẹ con cặm
cụi chơi với nhau.
Cha bảo thương tôi. Ngay cả khi ngầy ngật trong cơn say
không đi nổi vào nhà ông vẫn lặp đi lặp lại câu nói cũ kỹ ấy. Chỉ có điều tôi
không muốn đáp lại cái tình thương của cha dù ông cặm cụi ở ruộng rau từ hai
giờ sáng. Khi mùa rau cần, ông thức giấc lúc 1h sáng mà không cần đồng hồ
báo thức. Ông vác đống rau cần lên bờ, chân lủm chủm nước dưới ánh sáng mờ mờ
của bóng đèn compac, mẹ tôi vừa giũ lá héo, vừa bó cần thoăn thoắt. Cả hai
không nói gì với nhau cho đến khi mẹ xốc gánh cần ngồi sau xe honda cho cha chở
ra chợ đêm bán mối.
Tôi không thương cha vì chứng kiến cảnh mẹ khóc phía bên
hông nhà.
Mẹ khóc giữa ruộng rau muống.
Mẹ khóc giữa luống cải xanh đã trổ ngồng, hoa vàng phơ
phất giữa trời trưa nắng.
Nước mắt mẹ lúc nào cũng được giấu trong ống tay áo cũ
kỹ.
Mẹ khóc nhiều nhất mỗi khi cha uống say sau cuộc hội hè
giỗ chạp gì đó. Những lúc ấy ông chì chiết mẹ bằng cái giọng rin rít trong cổ
họng. Câu chuyện chắp vá không đầu không cuối. Giọng điệu buồn phiền ngủ quên
giữa lè nhè của rượu. Mẹ cặm cụi dọn dẹp nhà cửa, cặm cụi lau cổ lau chân lau
tay và chườm khăn ấm trong khi cha mắt nhắm nghiền và miệng không ngớt
nguyền rủa. Một đôi lần nào đó tôi chứng kiến cảnh ông co chân đạp mẹ quay đơ
xuống giường. Bà lồm cồm bò dậy, tiếp tục lau người xoa đầu đắp mền cho ông.
Những lúc ấy tôi giận mẹ ghê gớm.
***
Một ngày tháng năm.
Cha đưa về nhà một người lạ. Người đàn bà có khuôn mặt
dài, áo xanh nhàn nhạt bước vào nhà, ngồi rón rén ở tấm phản rộng m2, hai bàn
chân nhấc lên khỏi mặt đất một cách nhẹ nhàng. Tôi ngồi lọt thỏm trong lòng mẹ,
hết nhìn cha lại nhìn người đàn bà mặt dài. Lâu lắm tôi mới thấy nhà mình có
khách. Nhưng mẹ không xăng xái hớn hở như tôi vẫn tưởng, bà ngồi yên lặng trên
ghế. Ngồi rất lâu. Lâu đến mức độ tôi không thể cựa quậy hơn nữa vì mông ê
ẩm.
Người đàn bà lạ mặt dài ở lại nhà tôi. Và ngủ ở bộ phản
rộng m2. Mẹ đưa tôi sang nhà bà ngoại, mẹ bảo đêm nay bà mệt, mẹ con mình sang
trông bà. Cha không nói gì, lúc ấy tôi sung sướng quá đỗi bởi chưa bao giờ được
dắt ra ngoài đường lúc tối trời như thế. Đoạn đường sang nhà bà ngoại sụt sùi
nước mắt của mẹ, và bước nhảy chân sáo của tôi. Tôi ngủ quên giữa tiếng thút
thít của đêm khuya. Hôm đó tôi được ngủ với mẹ đến sáng, khi tỉnh dậy vẫn mải
miết vùi sâu vào gầy guộc thoang thoảng mùi rau cần.
Tôi không thích việc tối nào cũng sang nhà bà ngoại.
Người đàn bà mặt dài không còn rụt rè ngồi ở góc phản
nữa, bà ấy ngồi ngoài sân, tẩn mẩn xếp rau vào sọt và nhẩm đếm tiền. Người đàn
bà mặt dài thường nhìn mẹ dắt tôi ra khỏi nhà bằng một đôi mắt lạ, lúc bối rối
lúc ngại ngần rồi sau đó là bình thản.
Rồi một buổi sớm mai.
Bà ngoại thức tôi dậy bằng đôi tay run. Cậu mợ ngồi bên
cạnh. Tất cả những đồ đạc ở góc tủ gỗ cũ kỹ của bà chỉ còn lại một khoảng nhỏ.
Quần áo, búp bê tóc hoe hoe của tôi. Đồ đạc của mẹ biến mất. Mẹ đi đâu. Mẹ bỏ
đi rồi Sin à. Đi đâu? Bà không biết. Cậu không biết. Mợ không biết. Đáp lại sự
giãy giụa khóc lóc của tôi là khuôn mặt nhợt nhạt xanh xám của cha. Ông đến tự
bao giờ.
Không ai nhìn cha ngoại trừ tôi, ông né tránh ánh mắt ngơ
ngác đầy giận dữ của tôi. Hình như lâu lắm rồi tôi mới thấy ông cúi gằm mặt như
vậy, cúi để nhìn mãi bàn chân to bè nứt nẻ, cha năn nỉ tôi rất lâu nhưng tôi
không chịu theo ông về nhà - nơi có người đàn bà mặt dài đang lặt lá héo rau
cần ngoài sân - Cha rớm nước mắt. Mặc. Tôi ở lại với bà ngoại. Có lẽ mẹ sẽ về
vào sáng mai sáng kia hay ngày nào đó sớm thôi.
***
Lâu lắm sau đó.
Khi nào tôi biết mình lớn. Hôm trăng. Hôm sớm hay một
ngày nào đó xa lắc. Vồng ngực căng. Tóc cuốn tít giữa đỉnh đầu. Mọi thứ giấu
kín trong khẩu trang và áo sơ mi cũ dài lượt thượt.
Tôi ra chợ vào lúc 3h sáng. Rau từ ruộng muống của bà.
Rau húng rau thơm rau quế từ vườn của cậu. Mỗi ngày tôi quảy mọi loại rau trong
quang gánh. Giữa mờ mờ trăng sáng, tôi thích hít hà sự mỡ màng của thứ xà lách
rôn vừa hái đêm trước. Tôi cười với người mua sỉ với nụ cười rám nắng, và trả
lời rất kiệm lời trong tất cả cuộc mua bán của chợ đêm.
Gia đình của cha có một sạp bán rau ở gốc si đằng kia,
dưới ngọn đèn cao áp mờ mờ nhạt nhạt của chợ đêm. Cha thường mặc áo xanh lao
động nhàu nhĩ, quần lúc nào cũng tất tả xắn ngang ống quyển. Vội vã chào, vội
vã thối tiền và vội vã chạy theo khi tôi đi qua - Một đôi lần tôi thấy bụng
người đàn bà ấy phưỡn to, khuôn mặt sưng vều. Nhà của cha cách nhà bà ngoại chỉ
hơn cây số, mà tôi không còn biết gì về cuộc sống hiện tại của ông. Lúc nào tôi
cũng hả hê vì điều đó - Cha vẫn hay níu tay tôi lại hỏi con có khỏe không sống
có tốt không… Tôi đáp lại ông với cái nhìn ngơ ngẩn, cái nhìn của buổi sáng lúc
mẹ tôi đi.
Tôi vẫn nghĩ sớm hôm nào đó, khi đi chợ về sẽ thấy mẹ. Mẹ
ngồi trong căn buồng nhỏ nhìn xuống vườn qua ô cửa sổ có song sắt rỉ sét. Mẹ
hỏi sao về muộn thế, có nhớ mẹ không. Hay sao con gái cưng của mẹ lớn nhanh
thế, mẹ còn chẳng kịp nhận ra. Cũng sớm hôm nào đó, mẹ sẽ lội xuống ruộng muống
, bảo lâu không xuống ruộng nhớ mùi bùn quá con gái à. Rồi sao đó, sao đó.
…
Cậu dắt tôi ra khỏi cơn trầm uất của mười một năm. Sự chờ
đợi mẹ nguôi đi khi người đàn ông xuất hiện ở ngưỡng cửa. Cậu mợ bảo muốn tôi
lấy chồng. Tôi lặng lẽ ( lúc nào cũng lặng lẽ nghe, lặng lẽ cười và lặng lẽ
nhiều thứ khác nữa) nghe người này người kia nói chuyện. Bà muốn người ấy ở
rể. Bà chỉ có con bé cháu tật nguyền. Nhà cửa đấy. Ruộng vườn đấy. Túc tắc làm
rồi nuôi nhau. Rồi sinh con đẻ cái.
Tôi không hiểu vì sao người đàn ông ấy muốn lấy tôi. Anh
chàng chở rau mướn cho người bán mối ngoài chợ đêm hay nhìn tôi dịu dàng. Hay
hỏi han. Và đôi lúc đặt giữa sọt rau của tôi mấy cánh bánh cam nóng hổi. Tôi
khóc nơi bậc thềm cuối cùng xuống ruộng. Tôi cũng muốn lấy chồng. Nhưng bao giờ
mẹ về nhìn con gái lên xe hoa.
Tôi không lên xe hoa. Vì không có cuộc rước dâu nào.
Người đàn ông gầy nhẳng có đôi mắt ấm mồ côi cha mẹ, sống trong căn phòng
mướn 500000 ngàn đồng một tháng trở thành chồng của tôi sau bữa cơm nho nhỏ. Cô
dâu nhỏ xíu, váy dài chân ngắn nên váy quét đất. Bà ngoại sung sướng. Cậu và mợ
nhét phong bì dầy cộm vào lòng bàn tay đẫm mồ hôi của tôi. Cha đến sớm. Trong
buổi lễ gia tiên, ông cho tôi nhiều thứ: Kiềng đeo cổ, vòng đeo tay, nhẫn tay
trái tay phải. Cha dịu dàng: Cha không thể bù đắp cho con Sin à, còn giận cha
thì bỏ qua cho cha con nhé. Tôi không nghĩ mình còn giận ông. Cũng có khi tôi
nhìn thấy tóc ông lơ phơ quá. Cũng có khi tôi nhìn thấy thân hình ông quắt queo
và sặc sụa mùi rượu quá. Cũng có khi vì tôi thấy giận mẹ nhiều hơn. Mẹ của tôi
mải miết với cuộc viễn chinh nào đó, mẹ của tôi không thèm quay về để nhìn tôi
lấy chồng. Tôi gục lên vai chồng nức nở : Bao giờ mẹ về em sẽ đóng cổng không
cho bà vào nhà.
Tôi có một đứa con. Xinh xẻo. Ồn ào bi bô.
Rồi một đứa con gái thứ hai. Xinh xẻo. Cũng ồn ào như
chị.
Từ bao giờ bà ngoại quên mất từng có mẹ trên đời. Bà mải
mê với những đứa chắt. Bà ngoại thích bế chúng sang nhà hàng xóm hoặc gọi lũ
trẻ con sang nhà chơi với chắt bà. Nhà lúc nào cũng ngổn ngang đồ chơi trẻ con.
Ồn ào. Tôi quanh quẩn với con cái: sáng đút cháo, trưa đút cơm, dỗ dành cười
nói. Những khi đi ngang qua nhà cha - bọn trẻ con – mặt dài, tóc hoe nắng ngồi
yên lặng trên ghế trên xích đu trên bậc thềm hiên nhà hanh nắng chơi đồ hàng.
Bán rau. Người đàn bà mặt dài lặt rau héo. Bó rau muống ở đúng cái ghế con giữa
sân như mười một năm trước xa lơ xa lắc. Chúng chơi với nhau. Lẳng lặng như mẹ
chơi đồ hàng với tôi của ngày nảo ngày nao.
Chồng chạy sấp ngửa vào nhà, hối hả bảo tôi mặc áo khoác.
Để làm gì. Đi với anh. Anh nghĩ nhìn thấy mẹ của em. Nhưng anh đã từng nhìn
thấy mẹ tôi bao giờ đâu. Tôi ngơ ngác nhưng vẫn bươn bả chạy theo anh. Mũ bảo
hiểm cài mãi không được vì mọi thứ trong tôi run rẩy. Nếu không phải đó là mẹ!
Nếu người đàn bà anh nhìn thấy là mẹ của tôi. Tôi sẽ khóc. Sẽ mừng. Sẽ cuống
quít ôm chầm lấy bà. Rồi sao nữa. Mọi thứ trở nên buốt và lạnh. Như hơi sương
sớm hai bên đường xộc vào mũi vào mắt.
Tôi bám chặt lấy càng xe, cũng không nghĩ bàn tay khi
siết vào nhau thì đau đến buốt óc.
Người đàn bà tóc búi thoăn thoắt vặt lông gà giữa ngổn
ngang lồng gà lồng vịt. Đanh đá, cười sặc. Gian hàng ngun ngút khói sặc mùi cứt
gà. Ồn ào tiếng gà thét lên khi bị cứa cổ. Tiếng gà quát quát sau nhát dao gọn.
Tôi dợm buồn ói. Sự nhộn nhạo của chợ phiên sớm. Khẩu
trang hở hai mắt nên không ai nhìn thấy điều đó. Bên này đường, tôi tựa hẳn vào
lưng chồng. Có phải mẹ không em. Không biết. Mẹ tôi mỏng manh. Mẹ chỉ biết lội
ruộng bó rau, mắt lúc nào cũng cùm cụp vì nhặt rau héo rau sâu. Mẹ chưa bao giờ
cười sặc như thế. Mẹ chưa bao giờ mắng người làm chao chát như thế. Về đi anh
à. Không phải mẹ hả em. Mẹ em đấy. Đâu có nhầm được. Sao em không vào nhận mẹ.
Sao em không vào nhận mẹ. Sao tôi không bươn bả băng qua
đường, len giữa lồng gà lồng vịt, giẫm lên cứt gà lông gà để gọi mẹ ơi, mẹ ở
đây à. Vậy mà để con đợi mãi. Mẹ ơi, mẹ quên con rồi à. Người này là ai. Người
làm của mẹ hay chồng mẹ. Chồng mẹ là gã lái gà phải không?
Tôi tháo khẩu trang xuống thì mẹ có nhận ra tôi không?
Chắc là có. Con gái vẫn nép sau lưng mẹ mỗi khi cha gầm thét. Con gái vẫn rúc
vào ngực mẹ thầm thì mẹ ơi thơm mùi rau cần quá thì mẹ quên sao được. Nước mắt
tôi ướt đẫm mọi thứ. Khẩu trang. Vạt lưng của chồng. Đường về xa lắc, xa như
không biết ngày nào mẹ tìm về nơi ruộng rau của bà của tôi.
Tôi cũng không biết mình có đủ sức để khóa trái cổng khi
mẹ dừng một ngày cắt cổ gà quay về không. Đêm nay tôi sẽ nghĩ. Đêm mai tôi sẽ
nghĩ. Thoang thoảng chồng tôi tha thiết. Băng qua đường vô hỏi mẹ có nhận ra
con không đi em...
Hết mùa rau cần rồi mà sao xuống đến ruộng vẫn thấy lá
cần chấp chới.
Trích thơ:
Em ơi !
Gấu váy em dính đầy cỏ may
Quì gối xuống
Anh nhặt cho
Kẻo đâm vào bắp chân ngăm ngăm màu đất.
Quì gối xuống
Anh nhặt cho
Kẻo đâm vào bắp chân ngăm ngăm màu đất.
Cổ tay em
Dính nhựa cây rừng
Lại đây anh kéo vạt áo đỏ chói trước ngực
Lau cho
khỏi đen, khỏi ám.
Dính nhựa cây rừng
Lại đây anh kéo vạt áo đỏ chói trước ngực
Lau cho
khỏi đen, khỏi ám.
Vồng ngực em
Nhô căng sau thổ cẩm dầy như tấm chăn em đắp
Ướt đầm
Mồ hôi ngọt mặn của bước chân lội suối trèo đồi.
….
Nhô căng sau thổ cẩm dầy như tấm chăn em đắp
Ướt đầm
Mồ hôi ngọt mặn của bước chân lội suối trèo đồi.
….
Bắt anh về nhà em đi!
Về anh gỡ hoa may gấu váy
Chùi nhựa cây rừng
Hít sâu lồng ngực con gái
Sâu rối lòng rối dạ.
Về anh gỡ hoa may gấu váy
Chùi nhựa cây rừng
Hít sâu lồng ngực con gái
Sâu rối lòng rối dạ.
Chúng mình sẽ đẻ con
Gái lại dính hoa may gấu váy
Trai lượn lờ đòi chùi nhựa cổ tay…
Gái lại dính hoa may gấu váy
Trai lượn lờ đòi chùi nhựa cổ tay…
Thơ viết ở Ajun hạ
Ơ em!
Đêm nay trăng sáng
Mình dắt nhau ra lán tre
Bốn bề mênh mông
Ta tìm nhau như chim rừng tìm bạn kết đôi.
Đêm nay trăng sáng
Mình dắt nhau ra lán tre
Bốn bề mênh mông
Ta tìm nhau như chim rừng tìm bạn kết đôi.
Ơ em!
Đêm nay thú không đi hoang
Cá dưới hồ thôi quẫy đạp
Uốn éo tìm bạn tình thủ thỉ
Hai ta chỉ còn một
À…
Trời mênh mông gió
lán bần bật run.
Đêm nay thú không đi hoang
Cá dưới hồ thôi quẫy đạp
Uốn éo tìm bạn tình thủ thỉ
Hai ta chỉ còn một
À…
Trời mênh mông gió
lán bần bật run.
Ơ em!
Ta thương em!
Thương những đêm trăng ngoài lán của mình.
Ta thương em!
Thương những đêm trăng ngoài lán của mình.
Trong bài: Giới thiệu chân dung một số tác giả văn xuôi tiêu biểu Đắk Lắk, tác giả nhà văn Mã A Lềnh viết:
Niê Thanh Mai bứng ra những lát cắt của cuộc sống đưa vào
tác phẩm, không kể lể, cũng không cầu kỳ câu chữ, không hù dọa, không dẫn người
đọc vào màn mây vần vũ gai góc, không to tát; chân phương, mà chân thành, nhỏ
nhẹ. Điều này khác hẳn, mới hẳn, có thể phải nói là hiện đại hẳn so với những
người viết “cũ”. Hình tượng gần gũi, dễ hiểu là người viết “cũ” cứ bày biện lần
lượt từng món dù ngon hay không rồi rủ bạn ăn gắp món này nhâm nhi một lúc mới
lại gắp món khác. Còn với Niê Thanh Mai, chỉ bày lên mâm vài món ngon, đã thế,
lại còn “cơm muối thôi, ăn tạm”, “chả có miếng nào cho ra hồn, mời thực khách
tạm dùng”.
Nhà văn
quân nhân Nguyễn Đình Tú viết: “Ngay cả
những truyện ngắn viết về đất và người Tây Nguyên của Mai cũng gợi cảm giác như
là người Kinh sáng tác hơn là người Ê Đê viết ra. Vấn đề nằm ở chỗ văn phong.
Mai sử dụng ngôn ngữ hiện đại với những bối cảnh truyện hiện đại trên cái nền
Tây Nguyên hoang dã và cổ xưa. Có người cho rằng như thế là tốt vì tác giả đã
thoát khỏi cái từ trường của một nhà văn dân tộc ít người để nhìn nhận vấn đề
từ một điểm nhìn khác, rộng lớn hơn. Nhưng cũng lại có ý kiến cho rằng như thế
là đã mai một đi cái chất riêng của “núi rừng”.”
Tài liệu
tham khảo:
- Niê Thanh Mai Web:
thptbuondon.edu.vn
- Sớm mai thoang thoảng… Web: tapchichuyangsin.blogspot.com
- Sớm mai thoang thoảng… Web: tapchichuyangsin.blogspot.com
No comments:
Post a Comment