Sáng nay
tôi muốn dành thời gian đi tìm thăm Thầy Tuệ Sỹ, vì mấy hôm trước tôi có nhờ
nhà thơ Từ Hoài Tấn tìm dùm cho tôi địa chỉ cái am của Thầy tịnh tu ở Lâm Đồng,
sau đó Từ Hoài Tấn cho biết Thầy đang ở Sàigòn, dạy một lớp học chi đó, muốn
thăm Thầy cần liên lạc với Tủ sách Hương Tích ở 308/12 Nguyễn Thượng Hiền Gia Định.
Tôi nhớ mấy năm trước cùng người bạn đi thăm Thầy ở Già Lam, không gặp Thầy ở tịnh
thất, có vị Tăng cho biết Thầy đã lên Lâm Đồng tịnh tụ muốn biết rõ am thất của
Thầy trên ấy, hãy đến Tủ sách Hương Tích mà hỏi thăm. Chúng tôi nghĩ Hương Tích
là nhà sách ở mặt tiền đường Nguyễn Văn Đậu, trên đường về chúng tôi không tìm
thấy vì không có địa chỉ.
Nay đã có
địa chỉ, tôi lên Mạng gõ Google để tìm, thấy Tủ sách Hương Tích nằm trên đường
Nguyễn Thượng Hiền, gần đầu đường Nguyễn Văn Đậu giáp với Phan Đăng Lưu, Bình
Thạnh. Đường Nguyễn Văn Đậu tôi đến đó nhiều lần, ngay ở đầu đường có một quán ăn
chay Thuyền Duyên, quán nầy có từ lâu đời, tôi đã ăn ở quán từ những ngày mới
khai trương, vào cuối thập niên 1980, vì bà chủ quán cũng là một đạo hữu.
Vào đến Tủ
sách Hương Tích là một ngôi nhà xây có mấy tầng lầu, tuy nhỏ hẹp nhưng kiến trúc
đẹp, trong sân có hơn chục xe gắn máy đậu và trước thềm nhà có nhiều đôi dép đặt
ngay ngắn, tôi đoán ngay trong nhà có nhiều người và có thể Thầy Tuệ Sỹ đang dạy
một lớp học tại đây.
Có một chị
trộng tuổi tiếp tôi, chị ăn nói rất khuôn phép đang dọn dẹp vài cái tách trên bàn
để mời tôi ngồi vào bộ ghế mây, nhưng tôi xin phép bước vào trong xem sách.
Trong căn
phòng nhỏ có những kệ sách, bày ngăn nắp, đẹp mắt những bộ sách của Thầy Tuệ Sỹ,
những quyển sách của Phạm Công Thiện, của Bùi Giáng và của Hạnh Viên sưu tập những
bài viết của Thầy Tuệ Sỹ, có một cái bàn viết nhỏ không ai ngồi, có lẽ để tiếp
khách mua sách.
Tôi hỏi
chị tiếp khách về Thầy Tuệ Sỹ, chị cho biết Thầy bận dạy, cần thì chờ Thầy Hạnh
Viên chốc lát sẽ về tới. Tôi có biết Thầy Hạnh Viên, Thầy là thị giả của Thầy
Tuệ Sỹ lúc ở Già Lam.
Tôi trao
cho chị tiếp khách danh thiếp của tôi, nhờ trao cho Thầy Tuệ Sỹ, để Thầy biết tôi
có tới thăm, trong đó tôi có ghi thêm số điện thoại di động, để Thầy có thể liên
lạc với tôi. Rồi tôi chào chị tiếp khách ra về.
Nhân tiện
nhà tôi và tôi đi thăm một gia đình quen thân cũ ở hẽm Quản Tám, nay là hẽm 42 đường
Hoàng Hoa Thám gần đó. Năm 1970 từ Banmêthuột đổi về Sàigòn, gia đình tôi không có nhà, phải thuê một căn phòng để ở,
sau lại có thêm gia đình anh kỷ sư Nông Lâm Súc Hồ Phùng, gia đình giáo sư kỹ
thuật Trịnh Như Tích cùng thuê phòng, ở trọ trong khu vườn nhà ông Đại úy Lê Thế
Ngọc. Tuy tôi thuê nhà ở chừng gần một năm, nhưng hai bên đi lại thân thiện,
cho nên đến nay ông bà Ngọc đã mất, nhưng hai gia đình đối xử với nhau như người
nhà.
Rời khỏi
gia đình nhà ông Ngọc, chúng tôi đến thăm anh Giám đốc Công ty, trước khi đi Mỹ
tôi đã làm việc với anh nầy khoảng 10 năm, có lần đi công tác rồi theo về quê
anh ở Bến Tre, từ Hàm Luông đi về nhà anh ta phải đi đò máy, dến nhà anh ta phải
lội bộ băng qua mấy cái mương, bắc qua bằng chiếc cầu dừa, nay nghe nói có cầu Hàm
Luông, xe có thể chạy đến nhà anh qua những chiếc cầu xi măng mới xây cất, tiện lợi nhưng
chắc không còn nên thơ như ngày trước.
Anh kể
cho tôi nghe, sau khi vào TPP (Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương - Trans-Pacific Strategic Economic Partnership Agreement), Việt Nam phải thay đổi từ cách trồng rau, chăn
nuôi … mới có thể buôn bán, cạnh tranh với các nước, phải tăng năng suất, phải
bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh thực phẩm … có như vậy mới cạnh tranh sống còn với sân chơi quốc tế.
Ra về lúc 10 giờ sáng, chúng tôi từ Gia Định ghé chợ Sàigòn mua sắm áo dài, áo
tứ thân cho đứa cháu ngoại lên 5, rồi đến cửa hàng dưỡng sinh Tâm Đức ở 183 đường
Nguyễn Tiểu La Phường 8, Quận 10, để mua Yến Mạch (Oat), vì chúng tôi đã dùng hết 2 hộp mang từ Mỹ về.
Một buổi thăm
viếng, mua sắm vài thứ rồi về nhà khoảng giữa trưa, thời tiết Sàigòn nóng, xe cộ
dập dìu, nhìn cảnh người ta thản nhiên vượt đèn đỏ, chen lấn nhau để chạy nhanh, chạy trước
chứng tỏ đời sống tất bật và văn hóa rất tệ hại, chắc không phải là tàn dư của
Mỹ Ngụy. Lỗi ấy do đâu mà có ? Chắc chắn một phần do định hướng giáo dục mà ra.
Sàigòn
12:45 – 5/11/2015
No comments:
Post a Comment