Ngày xưa
60 tuổi người ta được lên lão, ăn trên ngồi trước, nay 60 chưa phải là già,
chúng tôi mấy người bạn gặp lại tuổi ngoài 70, cùng học Cao Thắng, hiếm khi gặp
nhau, cho nên anh Nguyễn Long Tồn từ Cam Ranh vào Sàigòn chữa bệnh, sau khi
khám chữa xong, đến nhà thăm Minh.
Tôi, từ
ngày về Sàigòn tới nay đã hơn tháng, chưa tiện ghé thăm, nên quyết định đi thăm
Minh, để nhân tiện thăm hỏi anh em kẻ còn người mất ra sao, vào cái tuổi “thất
thập cổ lai hy” nầy.
Đến nơi gặp Minh và một ông già lạ hoắc đang ngồi uống nước, mỗi
người chiếm một cái bàn, tôi nghĩ chắc là hàng xóm của Minh. Chào hỏi nhau
xong, Minh giới thiệu người đó là Nguyễn Long Tồn, bạn học cùng lớp với Minh ở
Cao Thắng. Đúng ra thì trong 7, 8 năm học Cao Thắng, tôi chưa từng học chung với
Minh lớp nào cả, về đời quân ngũ chúng tôi không cùng khóa Sĩ quan Thủ Đức, lại
cũng chẳng cùng ngành chuyên môn, Minh thuộc ngành Công Binh với Nguyễn Công Mạnh,
Phan Văn Hùng…, còn tôi Quân Cụ với Nguyễn Hữu Hiệp, Hồ Ngọc Thu…, sau nầy Minh
đứng ra tổ chức hàng năm họp mặt nhóm kỹ thuật Cao Thắng niên khóa 1956-1963,
còn gọi là Kỹ thuật Phan Đình Phùng vì khi mới nhập học lớp Đệ Thất, học tại
chi nhánh của Cao Thắng là Trường Kỹ thuật Phan Đình Phùng, tọa lạc tại số 2 Phạm
Đăng Hưng, gần đài phát thanh Sàigòn, nhờ đó tôi mới quen biết Minh và thân nhau
chắc nhờ hợp tánh tình.
Với Nguyễn Long Tồn cũng vậy, chúng tôi chưa hề học chung lớp với
nhau, nên 250 đồng môn được nhập học năm đó, nào là Đệ thất A, B, C, D, E, không
ai có thể biết khắp tất cả đồng môn cùng niên khóa với mình, chưa nói tới những
học sinh các khóa khác, tổng cộng có chừng 1.500 học sinh toàn trường thuở đó.
Rồi Minh gọi thêm Nguyễn Minh Chiếu, rủ nhau cùng sang vườn Bà Lớn,
bên kia đường Điện Biên Phủ, gần nhà Minh ở ngã Bảy, uống lai rai vài ba chai
buổi trưa.
Từ Nguyễn Long Tồn bị bệnh tim, chúng tôi đã thông tin cho nhau
biết Phan Văn Hùng vừa mới mất ở Cali, Huỳnh Hữu Lộc năm ngoái đi chữa bệnh ở
Singapour, năm nay sức khỏe khá hơn, để dưỡng bệnh Lộc giao công ty cho con gái
điều hành, do không còn đi sớm về trễ, không còn gặp công nhân để thúc việc,
nên Lộc than buồn, do đó Minh hẹn với Lộc sẽ cùng vài người bạn tới thăm, trò
chuyện cho Lộc đỡ buồn. Với Chiếu và tôi, Minh rủ cùng đi thăm Lộc vào ngày Thứ
Tư, rồi sau đó sẽ đi ăn trưa với nhau.
Từ trái: Đặng Vĩnh Bửu, Nguyễn Long Tồn, Nguyễn Minh Chiếu, Trần
Xuân Minh, Huỳnh Ái Tông
Một lát sau, thêm Đặng Vĩnh Bửu, cũng là cựu học sinh Cao Thắng,
nhưng học sau chúng tôi nhiều năm, nhờ Bửu trẻ nên được tín nhiệm giao cho làm
Thủ quỹ, với hy vọng tuổi già chúng tôi ngày càng rơi rụng, có anh em trẻ chống
đỡ, tiếp nối khi đàn anh đã về chiều.
Bửu mang tới cho tôi một hộp bánh Pía, đặc sản Sốc Trăng và mang tới
cho anh em 2 hộp trái cây, một hộp trái cóc chính cắt sẳn thành nhiều miếng và
hộp kia những múi mít đã lột sẳn, như thế một hộp chua là mồi và hộp kia ngọt để
tráng miệng. Hình như lúc nào đi ăn uống, Bửu cũng mang đến vài món dậm thêm.
Tôi đang đọc Già sao cho
sướng của Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc, những người bạn già họp mặt, vui chơi làm
cho tuổi già thêm hạnh phúc, ngăn ngừa tật bệnh, kéo dài tuổi thọ an vui.
Sàigòn 17-11-2015
No comments:
Post a Comment