Trong những ngày gần đây, có thì giờ, tôi đọc lại vài tác phẩm của mình, vài bài viết đã lâu ngày thấy có vài điều thích thú và cũng gợi nhớ chuyện xa xưa.
Tôi nhớ năm
nào đó ngồi uống cà phê sáng ở khu Chuồng Bò, gần nhà thờ Ba Chuông, nhà văn Dương
Nghiễm Mậu có cho biết nhà văn Hồ Biểu Chánh là một nhà văn lớn của Văn chương
Miền Nam. Thời đó là thời gian khoảng đầu thập niên 1960, gần như chưa có người
nghiên cứu, khám phá về Văn Học Miền Nam thời trước, người đương thời đang ca tụng
về Tự Lực Văn Đoàn, về các nhà văn đương thời như Doãn Quốc Sỹ, Vũ Khắc Khoan,
Bình Nguyên Lộc, Sơn Nam … Còn các nhà văn như Bà Tùng Long, Dương Hà, Lê Xuyên
là những nhà văn Feuilleton thứ yếu.
Chính nhờ sự
nhận xét của Dương Nghiễm Mậu đã giúp tôi tìm hiểu về những nhà văn miền Nam, tôi
bắt đầu tìm hiểu và có cảm hứng để viết quyển Văn Học Miền Nam, khảo cứu về các nhà văn miền Nam thời tiền phong.
Những quyển
sách về Văn học miền Nam tôi đã viết:
- Văn
Học Miền Nam (1 quyển)
- Văn Học Miền Nam 1954-1975 (7 quyển)
- Văn học Quốc Ngữ Thời Sơ Khởi (1
quyển)
Tất cả nhừng
sách tôi viết đều có đưa lên Mạng cho mọi người đọc, ai muốn có thể in ra do
Lulu.com ấn hành.
Thỉnh thoảng
có thì giờ, tôi đọc lại những sách, những bài viết của mình, bài nầy bỗng dưng làm
tôi tưởng nhớ đến nhà văn Dương Nghiễm Mậu, nhạc sĩ Ngô Mạnh Thu với những ly cà
phê đen ở khu Chuồng Bò cũng có là Lò Heo tại xóm đó.
Mời quý bạn đọc Chương Kết của quyển Báo Chí Nhà Văn Quốc Ngữ Thời Sơ Khởi:
Trước 1975,
phải công nhận văn học miền Nam bị coi thường, bởi vì so với lịch sử dân tộc
thì lịch sử miền Nam chỉ mới vài trăm năm, trong khi lịch sử Việt Nam có đến
hàng ngàn năm, trong đó mảng văn học Việt Nam có đến cả ngàn năm, nào những Lĩnh Nam Chích Quái, Truyền Kỳ Mạn Lục, Truyện
Kiều, Chinh phụ ngâm, Cung Oán ngâm khúc…., trong khi miền Nam chỉ có Lục Vân Tiên.
Văn chương
là gì ? Hiểu theo ngữ nguyên Văn là vẻ đẹp. Chương là vẻ sáng. Văn chương có
nghĩa là vẻ đẹp đẽ sáng sủa của một sáng tác, nhưng những nhà văn sơ khởi ở miền
Nam, họ không chủ trương sáng tác những bản văn với lời lẽ bóng bẩy, giọng văn
êm dịu. Họ cho biết nghĩ ra làm sao, nói như thế nào thì viết như thế ấy.
Trong
nhựt trình Nam kỳ số 1, ngày
11-10-1897, trong bài Lời cùng các người coi nhựt trình ta viết như sau:
Về việc chữ nghĩa thì dùng những tiếng tầm thường, không dùng những tiếng cao kỳ, dân sự ít hiểu. Chúng ta có ý nói về đều này, là vì nhựt trình Nam Kỳ thì là để mà rao báo những chuyện có ích cho mọi người đều hiểu, không phải là chuyện cao xa đễ cho một ít người thông minh hiểu biết mà thôi. Những người Annam hay chữ nghĩa đã thông hiểu ý tứ chúng ta, thì biết việc rõ ràng, chẳng câu chấp sự chúng ta dùng những tiếng tầm thường, vì các người ấy đã biết là việc làm ích chung cho mỗi một người ...
Cho nên những nhà văn miền Nam khởi từ Nguyễn Trọng Quản cho đến Trần Chánh Chiếu, Lê Hoằng Mưu, Hồ Biểu Chánh … văn của họ không đẽo gọt, không quá mượt mà.
Trong hồi ký của nhà văn Bình Nguyên Lộc viết về bà Bút Trà, ông thực lòng khen ngợi khi bà lập tờ báo, chỉ nhằm mục đích chưởi lại những tờ báo đã chưởi bà cho vay nặng lãi, nhưng khi bà ra được tờ Sàigòn Họa Báo, sau đổi tên là Sàigòn Mới , bà không hề chưởi lại họ một chữ nào. Ông đề nghị sẽ cộng tác viết tiểu thuyết cho tờ Sàigòn Mới nhưng bà Bút Trà thẳng thừng từ chối đề nghị của nhà văn Bình Nguyên Lộc với lý do: “Tôi chỉ đăng bài mà chị bán cá có đọc cũng hiểu. Cậu viết khó hiểu, người bình dân không đọc đâu.”.
Có một nhà văn cho biết vào năm 1954, ông ta di cư vào Nam, thấy một người phu xích lô, buổi trưa ghế xe nơi vệ đường có bóng mát, ngồi vào xe, lật tờ báo ra đọc, ông ta hết sức lấy làm lạ, nhưng chắc ông ta còn quên kể thêm, chị bán xôi ở góc ngã tư đường, khi vắng khách kéo tờ báo ở dưới gánh xôi ra đọc.
Đó chỉ là khía cạnh của văn hóa miền Nam, nhờ đó tiểu thuyết feuilleton phát triễn mạnh vào những năm 1930-1970, nhưng chính vì tiểu thuyết feuilleton đã làm cho các nhà phê bình văn học trước kia không để ý đến, có thể họ đã đánh giá chúng không phải là tác phẩm văn chương, mà văn chương vị nghệ thuật hay vị nhân sinh ?
Cho đến nghìn sau dù cho người ta quên hết tất cả những tờ báo ở miền Nam, ở Việt Nam, nhưng không thể nào quên được Gia Định Báo, người ta có thể quên hết các nhà văn Việt Nam nhưng không thể nào quên được Trương Vĩnh Ký nhà văn Miền Nam, nhà văn quốc ngữ tiền phong, và con rể ông cũng là học trò của ông, nhà văn Nguyễn Trọng Quản người viết tiểu thuyết bằng chữ quốc ngữ đầu tiên ở Việt Nam.
Mặc dù nhóm Trí Đức Học Xá của Đông Hồ có luyện văn, tuần báo Sống của họ như một thử nghiệm, gặp lúc kinh tế khó khăn hay không được nhiều người ủng hộ, nên chưa đầy năm thì Sống đã chết.
Cho đến nay, văn học miền Nam vẫn còn là mảnh đất trù phú cho những nhà nghiên cứu, những người viết luận án tốt nghiệp sau Đại học, nó cần được khai phá nhiều hơn, để người ta thấy được cái tinh hoa của văn học miền Nam, từ xây dựng nền văn học mới, cho tới kiên cường đấu tranh chống thực dân, hầu mang lại độc lập cho đất nước, ấm no hạnh phúc cho mọi người.
866405072021
No comments:
Post a Comment