Vào đầu năm 1964, lần đầu tiên tôi đến Huế trong một phái đoàn Gia Ðình Phật Tử Thủ đô Sàigòn ra thăm viếng cố đô Huế, Trưởng phái đoàn là thành viên trong Ban Trị Sự Hội Phật Học Nam Việt, vốn là công chức trung cấp của Bộ Tài Chánh, cố vấn là cụ Ðặng Như Lan, ông ta là họa sĩ chuyên vẽ tranh Phật, đặc biệt là một bức tranh như vậy chép nguyên cả một bộ kinh, nghe nói ông có tranh tặng cho Viện Bảo Tàng ở Paris, còn tôi tuổi nhỏ nhưng lại được chỉ định làm phó trưởng đoàn, nhiệm vụ ràng buộc, nhiều khi tôi không có thì giờ thoải mái vui chơi, nếu không có lẽ tôi có nhiều kỷ niệm hơn.
Sáng hôm ấy, phái đoàn đáp chuyến Hàng Không Quân Ðội DC3 của Quân lực Việt nam Cộng Hoà do phi hành đoàn người Mỹ lái, không hiểu ai đã xin trọn chuyến phi cơ ấy cho chúng tôi đi, nhưng đặc biệt phi hành đoàn rất dễ dải, cho phép chúng tôi vào phòng lái, nhiều người thích thú được nhìn xem phong cảnh bao la ở bên dưới.
Máy bay đáp xuống phi trường Phú Bài Huế khoảng 11 giờ trưa, đã có Ðại Ðức Chánh Trực, chú Quang và một số vị khác đón chúng tôi, trên đường từ phi trường Phú Bài về thành phố, chúng tôi đã thấy một ngôi Giáo đường đồ sộ, có người bảo cho biết đó là Nhà thờ Phú Cam, ngôi Nhà thờ lớn nhất của Thành phố Huế, rồi chúng tôi được đưa về trú ngụ tại chùa Linh Quang do Thượng Tọa Mật Nguyện trụ trì, xếp đặt chỗ ở xong, chúng tôi đi qua chùa Từ Ðàm vào chánh điện lễ Phật, một niềm vinh hạnh dâng lên trong lòng tôi, nơi đây năm 1951, một đại hội Phật giáo đã thành lập Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam, nơi chùa Từ Ðàm nầy, Thượng Toạ Trí Quang đã lãnh đạo cuộc đấu tranh Phật giáo năm 1963.
Sau đó chúng tôi được mời vào phòng Ðại hội của Huynh Trưởng Gia Ðình Phật Tử Trung Phần, có chừng trên trăm Ðại biểu, trong đó có Văn Ðình Hy Giám học trường Quốc Học, Hoàng Thị Kim Cúc Tổng Giám Thị Trường Nữ Trung Học Ðồng Khánh, nữ thi sĩ Thu Nhi..., sau phần nghi thức chào hỏi, giới thiệu và chúc mừng Ðại Hội thành công, phái đoàn chúng tôi xin phép ra khỏi hội trường để Ðại Hội tiếp tục thảo luận.
Sau buổi cơm trưa, buổi chiều phái đoàn được tự do, không rõ ai đã có sáng kiến thuê đò đi trên sông Hương, thuyền rời bến đi về phía cầu Bạch Hổ, ra giữa giòng sông, nước sông Hương trong xanh phẳng lặng như tờ, vài anh bỗng dưng hứng thú, thay áo quần nhảy xuống giòng sông, tôi cũng bị lôi cuốn cùng tắm với họ, bơi lặn giữa dòng sông Hương thật là thú vị.
Sau khi tắm xong, một anh bạn ở nhà sách Phan Bội Châu hướng dẫn tôi đến chùa Diệu Ðế, nơi đây tôi gặp hai chị trong đoàn đã kết bạn với ba cô gái Huế, cô nào cũng mái tóc thề, giọng nói truyền cảm, cho nên ngày xưa đã có câu ca dao:
Con trai xứ Quãng ra thi,
Thấy cô gái Huế chân đi không đành.
Chúng tôi được một cô mời về nhà, nhà cô ta có cây Hồng quân trái vừa chín tới, cô ấy giới thiệu đó là trái Bận quân, gọi là " Bận Quân " vì ngày xưa binh của chúa Nguyễn và Tây Sơn bận đánh nhau, không có thì giờ nấu cơm, họ phải hái trái nầy để ăn cho đở đói, do đó gọi là trái bận quân.
Ðêm đó, từ chùa Từ Ðàm, vài anh em chúng tôi đi bộ đến Ðàn Nam Giao, nơi đây toàn bộ Huynh Trưởng Thừa Thiên cắm trại, đứng trên đàn Nam giao, xây trên một nền vuông rồi một sân tròn có lan can chung quanh, tượng trưng cho Trời tròn, Ðất vuông, người ta chỉ cho tôi đây là nơi vua đứng tế, kia là nhà trai giới của vua... giờ đây chung quanh tôi, thấp thoáng bên những cây thông nào là trại, nào là đèn và những tà áo lam nam, nữ, họ đang chuẩn bị trang hoàng, tổ chức để sáng hôm sau làm lễ Khai mạc trại. Một khung cảnh đẹp, trại rất rộng lớn, thứ tự, người ta khéo đưa chúng tôi lên Ðàn mới có thể nhìn khung cảnh ấy.
Một ngày nào đó, chúng tôi được đi viếng điện Thái Hoà, điện có bề sâu ngắn, bề ngang rộng, trong điện thoáng, ở mỗi cột điện có một độc bình khá to và cao, ở giữa điện gian trong là một cái bục, bên trên đạt " Ngai vàng " , phía truớc ngai vàng, gian ngoài có một cái bàn, trên ấy để một mục liễu, bên trong ngày xưa đặt " Quốc Ấn " mỗi khi vua lâm triều. Ngai vàng của vua ta so với ngai vàng của Thanh triều trong các phim The Last Emperor hay Càn Long du Giang Nam, quả thật ngai vàng vua Việt nam rất đơn giản, không có chạm trổ cầu kỳ. Còn chiếc ngai vàng chạm rồng trổ mây từ thời vua Gia Long truyền lại, đã bị vua Khải Ðịnh đem tặng cho chánh phủ Pháp, khi đi dự đấu xảo ở Pháp năm 1925.
Một anh trong đoàn bước đến ngai vàng, anh ta định lên ngôi một lần thử xem sao ? người giữ điện liền bước đến ngăn lại, nói với anh ta:
- Cậu à ! Tôi không thể cấm cậu ngồi lên ngai vàng, nhưng trước khi cậu ngồi, tôi muốn nói cho cậu nghe việc nầy, sau đó tùy cậu định lấy. Chuyện thế nầy, năm ngoái có một cậu học sinh từ Ðà Nẵng ra đây, đã ngồi vào ngai vàng, sau khi cậu ta về bị đau thập tử nhất sanh, nghe nói cầu thầy khẩn Phật được cho biết là bị quở vì đã ngồi lên ngai vàng, gia đình ấy phải vái cúng một con heo quay, họ đã đem ra đây cúng sau khi cậu ta lành bệnh. Tôi đã kể cho cậu biết rồi đó, bây giờ tùy cậu.
Trong đoàn có người lên tiếng :
- Người ta từ Ðà Nẵng ra đây dễ, anh từ Sàigòn ra đây quả thật là khó đấy nhé !
Chắc có nhiều người cũng có ý định ngồi thử lên ngai vàng, nhưng nghe qua câu chuyện, mọi người đều cụt hứng, chẳng ai còn muốn thử cho biết nữa.
Rồi chúng tôi bước ra ngoài sân Ðiện Thái Hòa, đây là sân chầu, có ba từng cấp, tầng cấp ngoài cùng dành cho hương hào, kỳ lý và bà con bên ngoại vua, cấp giữa dành cho quan từ cửu phảm đến tứ phẩm, cấp trên gần điện dành cho quan từ nhất phẩm đến tam phẩm, hai bên sân có bia khắc các phẩm trật cho từng cấp sân, có người bảo bên trong điện chỉ có vua và Tứ trụ triều đình ( bốn vị quan đầu triều ), còn các quan khác, từ nhất phẩm cho đến cửu phẩm đều đứng ngoài sân chầu theo phẩm trật đã quy định.
Ðoàn cũng có đến viếng hồ Tịnh Tâm, vua phải ở trong cung cấm vì vậy mà phải có nhiều cung, nhiều điện, có những nơi thâm nghiêm, oai vệ và cũng có nhưng nơi yên tỉnh như hồ Tịnh Tâm nầy.
Có đêm, chúng tôi đi bộ từ chùa Từ Ðàm đến chợ Ðông Ba, rồi từ chợ Ðông Ba quay trở lại Ga để ăn chè, trên đường chúng tôi đã đi qua cầu An Cựu, gợi nhớ đến câu Ca dao :
Núi Ngự Bình trước tròn sau méo,
Sông An Cựu nắng đục mưa trong.
Và cũng đã đi qua cầu Tràng Tiền, chiếc cầu sắt nên thơ bắt ngang sông Hương, nối liền thành nội với khu các Trường Ðại học, Quốc Học và Ðồng Khánh, có câu ca dao :
Cầu Tràng Tiền sáu vài mười hai nhịp,
Thương nhau rồi xin kịp về mau.
Kẻo mai kia bóng xế qua cầu,
Bậu còn thương bậu biết gửi sầu về nơi mô !
Thời ấy, đứng đây nhìn nữ sinh Ðồng Khánh toàn trắng, đầu đội nón lá bài thơ, đạp xe đạp qua cầu vào giờ tan học, đẹp không thể tả mà cũng khó quên, cho nên chiến trận Tết Mậu Thân, chiếc cầu vô tình kia đã bị sập, nhạc sĩ Trầm Tử Thiên đã đặt nên khúc hát Chuyện một chiếc cầu đã gãy .
Còn Lời hò mái nhì :
Ðất thần kinh trai hiền gái lịch
Non xanh nước biếc, điện ngọc đền rồng
Tháp bảy tầng, miếu Thánh, chùa Ông
Chuông khua Diệu Ðế, trống rung tam tòa
Cầu Tràng Tiền mười hai nhịp bắc qua
Tả Thanh Long, hữu Bạch Hổ đợi khách âu ca thái bình.
Một hôm nữa, chúng tôi được viếng chùa chiền và Lăng tẩm ở Huế. Trước tiên là chùa Linh Mụ, chùa cất bên giòng sông Hương, ở trước cổng chùa có ngôi tháp bảy tầng, một nhà bia và một nhà chứa đại hồng chung, nhưng có người cho biết làng bên kia sông chuyên đúc chuông chùa, một chiếc chuông chùa lớn nhất Việt Nam, sau khi đúc xong đưa xuống thuyền chở đi, đã bị chìm ở giữa sông trước chùa Linh Mụ, đến nay đã bị phù sa phủ lên vẫn nằm giữa sông; muốn vào chùa phải qua cổng tam quan, có hai tượng Hộ pháp mà người ta thường gọi là ông Thiện và ông Ác ở hai bên, có lầu chuông và gác trống, hàng ngày công phu ở chùa thỉnh chuông trên lầu nầy, tiếng chuông từ đó theo dòng sông Hương vang đến thành phố Huế, đã cảnh tỉnh biết bao nhiêu người, tiếng chuông ngâm nga vào trong ca dao;
Gió đưa cành trúc la đà,
Hồi chuông Linh Mụ,canh gà Thọ Xương.
Bên trong chùa có một tượng Ðức Di Lạc bằng đồng to lớn, ngồi bệ vệ, nét mặt Ngài tràn đầy hoan hỉ. Hôm đó lần đầu tiên, chúng tôi có duyên may gặp được Ôn Linh Mụ, năm đó trông Ngài mới ngoài năm mươi mà thôi.
Có ai đó đã dẫn tôi đi ra phía sau chùa, một khu vườn trồng nhiều cây dương, tự dưng tôi bỗng nghĩ cảnh Tôn Hành Giả đến vườn nhân sâm, rồi ra ngoài ruộng, cách vườn chừng 20 thước, có một con rạch sâu nhưng đang mùa khô cạn, dựa mé rạch có tượng con rùa bằng đá, nó khá lớn, ngang chừng thước hai, dài chừng hai thước, người dẫn đi kể rằng : Thuở xưa, sau khi xây chùa, quý Tăng trồng trọt để sinh nhai, những loại thú hoang hay vào vườn chùa ăn hoặc rau lang, hoặc phá những hoa trồng trồng cúng Phật, trong đó có một con rùa, một hôm trời gần sáng, có đám mưa to, trong chùa có nghe tiếng sét đánh sau chùa, sáng ra người ta thấy một con rùa sau khi đi ăn trong vườn chùa ra, đã bị sét đánh chết. Sau đó người ta làm tượng con rùa ấy cho hậu thế làm gương.
Rời Linh Mụ, chúng tôi quay trở lại viếng chùa Từ Hiếu, lúc đó trong chùa có nuôi một con heo trên hai trăm ký, nó chỉ nằm chớ không đi được, hình như nó có pháp danh và đặc biệt là biết ăn trầu.
Sau khi đi xem trại chín hầm, chúng tôi có đến viếng Sư Bà Diệu Không ở chùa Hồng Ân. Sư Bà kể chuyện về Ðạo Phật đã đi vào dân gian qua ca dao, có lẽ ngày xưa trên núi Thiên Thai có nhiều xoài nên có câu ca dao:
Ngó lên trên núi Thiên Thai,
Thấy ba ông Phật ăn xoài chín cây.
Chúng tôi có viếng thăm mộ của Ðại Ðức Thích Tiêu Diêu, người tự thiêu trong phong trào đấu tranh của Phật giáo, mộ người nằm ngoài cánh đồng, cạnh vườn chùa, vẫn chưa xây, cỏ vừa mới mọc xanh. Ðại Ðức Tiêu Diêu là phụ thân của Ðại Ðức Thích Thiên Ân, lúc đó còn đang ở Nhật, sau Ðại Ðức Thích Thiên Ân về dạy ở Ðại Học Văn Khoa Sàigòn và Ðại Học Vạn Hạnh, rồi sang Mỹ trong chương trình trao đổi giáo sư giũa các Viện Ðại Học, có công hoằng dương Phật Giáo Việt Nam tại Mỹ, đã viên tịch năm 1980. Hòa Thượng được tôn vinh là sơ tổ của Phật Giáo Việt Nam tại Mỹ.
Thời đó không an ninh, chúng tôi không được viếng hai lăng vua Gia Long và Minh Mạng được nghe nhiều người nói rằng hai lăng ấy rất đẹp, còn lăng Tự Ðức thì rất thơ mộng, chúng tôi có hân hạnh đến đây, dạo quanh hồ sen, đến nhà thủy tạ, đi dưới những tàng cây sứ trắng to lớn, trong lăng có nhà hát cho để cho vua giải trí, nơi đây đặc biệt có một chiếc đồng hồ reo, người ta bảo đó là đồng hồ, tượng trưng cho chiếc đồng hồ của vua Pháp đã gửi tặng vua Tự Ðức, có một cái chậu trên ấy có một cành cây phết nhũ vàng và những chiếc lá pha lê màu lam, người ta bảo đây là " Kim Chi, Ngọc Diệp " giả, tức là cành vàng lá ngọc ngày xưa như vậy, còn một vật kia, là một cái cây chừng ba tấc, có những cái gù người ta bảo đó là " Lịnh tiển ", đọc truyện tàu người cầm lịnh tiễn là đi thi hành nhiệm vụ cấp tốc của vua, phải mở cửa thành cho họ qua..., viếng phần mộ của vua, nơi đây có một cột biểu, có bia ghi chép, xưng tán đức hạnh của vua, vào mộ phải bước qua cổng có hai cánh cửa đồng, mộ được xây tương chung quanh, nấm mộ đúc kiên cố cao có đến ngực, có vẻ to lớn nhưng cũng đơn sơ. Người ta bảo rằng tuy ngôi mộ ở đó, nhưng chỉ là mộ giả, còn mộ thật chưa rỏ là đâu. Vua chúa xây lăng tẩm vẫn theo quan niệm " Sống có nhà, thác có mồ " , vì vậy lăng tẩm xây cho đẹp, tốn biết bao nhiêu tiền của, thời gian có khi năm, mười, hai chục năm, nhiều vị vua vừa mới lên ngôi là đã lo xây lăng cho mình rồi và cố giấu ngôi mộ chính của mình, chỉ vì sợ về sau bị kẻ khác quật mồ.
Lăng Tự Ðức rất nên thơ,mà không nên thơ sao được bởi vì ông ta là một thi sĩ kia mà. Ông có một bài thơ nôm, khóc một người phi, thật bi luỵ :
Ớ Thị Bằng ơi ! đã mất rồi,
Ớ tình, ớ nghĩa, ớ duyên ôi !
Mưa hè, nắng chái, oanh ăn nói;
Sớm ngõ, trưa sân, liễu đứng ngồi.
Ðập cổ kính ra tìm lấy bóng,
Xếp tàn y lại để dành hơi.
Mối tình muốn dứt càng thêm bận,
Mãi mãi theo hoài cứ chẳng thôi.
Ông cũng còn có bài thơ Nôm Ngẫm sự đời :
Sự đời ngẫm nghĩ, nghĩ mà ghê,
Sống gửi rồi ra lại thác về.
Khôn dại cùng chung ba thước đất,
Giàu sang chưa chín một nồi kê.
Tranh giành trước mắt : mây tan tác,
Ðầy đọa thân sau : núi nặng nề.
Thử đến hỏi tiên, tiên chẳng bảo,
Gượng làm chút nữa để mà nghe.
Tôi chưa hề đi khắp Lăng, vì phía sau nhà thuỷ tạ liền với đồi và rừng thông, lăng thường u tịch, chỉ có đôi người trông nom, hình như họ là những cung phi ngày xưa, một thời ở cung điện nay lại ở chốn nầy để gậm nhấm từng ngày dĩ vãng đã qua.
Có hôm tôi đã lang thang cuốc bộ trong thành nội, trong ấy cũng có đường xe bus đi Tân Lộc, có sân bay trực thăng, có cả một đầm sen và cánh đồng ruộng, người ta bảo rằng quy hoạch thành nội như thế, dù thành bị giặc vây năm nọ sang năm kia, ruộng nương trong nội thành đủ cung cấp thực phẩm cho hoàng gia, quan quân và dân chúng trong thành suốt năm.
Chúng tôi vài ba người có đi thăm nhà thờ Phan Bội Châu, cách chùa Linh Quang và Từ Ðàm không xa. Phan Bội Châu nhà cách mạng tiền bối chống Pháp, để dành độc lập cho nước nhà, phong trào Ðông Du thất bại, ông đã bị quản thúc ở Huế, thời gian nầy ông đã sáng tác những thơ văn, tôi thích bài Vào Thành sau đây :
Vào thành ra cửa đông
Xe ngựa chạy tứ tung
Vào thành ra cửa tây
Sa gấm rực như mây
*
Vào thành ra cửa Nam
Áo mũ đỏ pha chàm
Vào thành ra cửa Bắc
Mưa gió đen hơn mực
*
Dạo khắp trong với ngoài
Ðàn địch vang tai trời
Ðau lòng có một người
Hỏi ai, ai biết ai ?
Còn nhiều nhà thơ khác Bắc, Nam ghi những xúc cảm về Huế, nhưng tôi thích bài thơ của một thi sĩ hoàng tộc, không phải của hai thi sĩ thuở hoàng kim ngày trước:
Văn như Siêu Quát vô Tiền Hán,
Thi đáo Tùng, Tuy thất thịnh Ðường.
mà là bậc quan trường làm thơ nói về những ưu thời, mẫn thế sau nầy. Ðó là nhà thơ Ưng Bình Thúc Giạ Thị, bài thơ nhiều người đã biết : Lâu ngày mới thấy lại đất Huế :
Ở xa đất Huế chục năm thừa,
Trở lại ngày nay cảnh khác xưa.
Cái dại Tràng Tiền đâu chẳng thấy,
Nóc nhà Thương Bạc hãy còn lưa.
Quan Tham, quan Thị chào khôn xiết,
Ông Cống ông Nghè ngó đã sưa.
Thêm rạp cải lương đào kép mới,
Ai ơi có rõ mẹo tuồng chưa ?
Ông quả thật là thi sĩ yêu nước thương nòi, xin hãy đọc bài gánh Gánh tương tư :
Trong gánh tương tư những vật gì ?
Dây hồng lá đỏ đó chơ chi
Sao mà bợ ngợ sương không nổi
Lại cứ lần đân chẳng vất đi
San sẻ khôn nhờ cân tạo hóa
Nặng nề thêm mải khối tình si
Hỡi ai là bạn thương mình đó
Xin hãy xê vai rợt chút ni.
Nói đến Huế, là nói đến sông Hương, núi Ngự, cung điện, đền đài, lăng tẩm và Chùa chiền, cũng còn phải nói đến sinh hoạt, món ăn. Lần đi Huế nầy, tôi đã viếng thăm các nơi như Lăng Ðồng Khánh, Khải Ðịnh, Thiệu Trị, và cả lăng Cậu Cẩn xây sắp hoàn thành, đến Trại Chín Hầm nơi địa ngục trần gian của mật vụ miền Trung, tôi có đến chùa Báo Quốc, chùa Trà Am, chùa Trúc Lâm, có vào thành nội ăn một bửa cơm khách, có đi một chuyến xe bus từ bến Ðông Ba đến trạm chót ở Kim Long, nhưng trong một tuần lễ chỉ là Cửi ngựa xem hoa .
Ngày ra về, nhiều cô gái Huế đã theo ra tận phi trường Phú Bài đưa tiễn bạn bè, họ đã khóc, những giọt nước mắt làm dịu bớt tình cảm nồng nàng, sâu đậm. Tôi thật hiểu tấm lòng của những chàng trai xứ Quãng, phi cơ cất cánh rồi, chị bạn vừa cười nói với tôi :
- Về nhớ gửi thư hỏi xem : Ai buồn hơn ai ?
Tuần lễ sau, tôi nhận được thư trả lời : Ta buồn như nhau.
*
Tôi không nghĩ rằng mình có dịp trở lại Huế lần thứ hai, nhưng mà lại có. Vào gần Hè năm 1965, tôi theo phái đoàn Tổng Hội sinh viên Vạn Hạnh, đi phó hội Tổng Hội Sinh Viên Quốc Gia tổ chức tại Huế. Trước đó vào thời Lê Hữu Bôi, Nguyễn Trọng Nho thuộc Tổng Hội Sinh Viên Sàigòn và Vĩnh Kha Tổng Hội Sinh Viên Huế đã thành lập Tổng Hội Sinh Viên Quốc Gia, Vĩnh Kha chủ tịch đã mãn nhiệm kỳ, do đó Tổng Hội Sinh Viên Huế do các anh Tuấn, Kiêm, Phước... đứng ra tổ chức Ðại hội, để thứ nhất Vĩnh Kha trao ấn tín, thứ hai là không cho phép Tổng Hội Sinh Viên nào được phép nhân danh Sinh Viên Việt Nam tuyên bố thế nọ, thế kia.
Ông Hồ Hữu Tường lúc đó làm Phó Viện Trưởng đầu tiên của Viện Ðại Học Vạn Hạnh, ông có một người con trai là Hồ Xích Tú, tốt nghiệp Trường Bách Khoa Paris, làm Phó Tổng Giám Ðốc Hàng Không Việt Nam, Ông Tường giới thiệu, chúng tôi xin cho phái đoàn 5 vé khứ hồi, gồm có Trưởng Ðoàn, anh Chủ Tịch Trần Tiến Tự, Phó đoàn Ðại Ðức Thích Chân Thiện, Thư ký anh Trần Thiện Bật, cố vấn Bác sĩ Trần Tấn Trâm ( về sau làm Giám Ðốc Bệnh Viện Nhi Ðồng ) và người cuối cùng là tôi, thành viên.
Ngày đầu tiên chúng tôi ra đến Huế, chưa đến ngày Ðại Hội, thầy Chân Thiện muốn chúng tôi ngủ tại chùa Tường Vân, chùa ở cùng phía với chùa Báo Quốc nhưng phải đi vào trong chùa bằng con đường đất, không xa, ở ngoài đường vào là toà soạn của báo Liên Hoa thuộc Hội Phật Giáo Trung Phần, có lẽ đó cũng là một ngôi chùa nhỏ, lâu ngày tôi không thể nhớ được tên.
Thầy Chân Thiện là đệ tử của Ôn Tịnh Khiết, Ngài nguyên là Hội Chủ Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam, vừa mới được bầu Tăng Thống trong Giáo Hội Phật Giáo Việt nam Thống Nhất, Tường Vân là chùa Ôn Tịnh Khiết trụ trì, vì lẽ đó nên chúng tôi được ngụ tại đây, đêm ấy quý Thầy kể cho chúng tôi về pháp nạn năm 63, có thầy đã leo lên cây trính trốn được cảnh sát vào chùa bắt chư Tăng đêm 20-8-1963. Nằm ở đó, tôi nhớ đến những mẫu chuyện trong Tình Người của Tâm Quán, tôi cũng nhớ đến đêm nào ở ngôi chùa làng, tôi đã ngủ lại với đứa em gái lên tám để cúng Chung thất cho cha tôi, đêm trong chùa bao giờ cũng âm u với tượng Phật, với tiếng chuông mõ, câu kinh tiếng kệ, tạo thành một khung cảnh tịch tĩnh.
Ngày hôm sau, chúng tôi liên lạc được với Ban Tổ Chức, Phái đoàn Tổng Hội Sinh Viên Ðàlạt ở tại Morin còn chúng tôi ở Khách sạn Hương Giang, nhưng Thầy Chân Thiện vẫn phải ở Tường Vân chớ không thể ở khách sạn, sau khi xếp đặt xong chỗ nghỉ ngơi, chúng tôi lại đi vào thành nội vừa ngắm cảnh vừa để họp bàn về Ðại hội. Chúng tôi ăn sáng với xôi bắp ở nhà anh Trần Tiến Tự trên đường Ngô Thúc Loan, rồi chúng tôi đến cửa Ngọ Môn, leo lên lầu Ngọ Môn vào buổi trưa, gió hiu hiu thổi, mát mẻ vô cùng, chúng tôi định nằm ngủ một giấc. Bỗng có người nhà anh Tự tìm đến, đưa cho anh bức điện tín, xem xong, anh nói với chúng tôi là có việc nhà, phải về Sàigòn ngay, việc tham dự Ðại hội giao cho tôi làm Trưởng phái đoàn. Tôi nghĩ chỉ đi theo chơi bây giờ phải gánh lấy trách nhiệm, cảm thấy không còn an nhàn nữa, anh Tự biết nhiều ở trong Ðại Nội, định đưa chúng tôi đi thăm các nơi, có anh giải thích mới có thể hiểu biết nhiều hơn, nay anh bỏ đi, chúng tôi cũng phải về khách sạn mà thôi.
Bù lại, chiều hôm đó, Ðại Ðức Thích Chân Thiện nhờ một đạo hữu có xe Peugoet 203, đưa chúng tôi đi ăn bánh bèo Vỹ Dạ, tên Vỹ Dạ ấy nên thơ vô cùng, không nên thơ sao được, khi thi nhân Hàn Mạc Tử đã vì người đẹp Hoàng Thị Kim Cúc ( mất ngày 3-2-1989 ), dụng tứ làm thơ ca tụng Vỹ Dạ :
Sao anh không về chơi thôn Vỹ ?
Nhìn nắng hàng cau, nắng mới lên.
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc,
Lá trúc che ngang mặt chữ điền.
*
Gió theo lối gió, mây đường mây,
Giòng nước buồn thiu, hoa bắp lay.
Thuyền ai đậu bến sông trăng đó ?
Có chở trăng về kịp tối nay ?
*
Mơ khách đường xa, khách đường xa,
Áo em trắng quá nhìn không ra.
Ở đây sương khói mờ nhân ảnh,
Ai biết tình ai có đậm đà.
Từ Ðập Ðá, xe chạy ra hướng cửa Thuận An, người đưa chúng tôi đi đã dừng lại ở một quán Bánh Bèo Vỹ Dạ bên tay trái.
Bánh bèo ở trong Nam làm có hai loại, bánh bèo ngọt làm gồm có bột trộn với đường thùng, đổ bột nầy vào khuôn đem hấp, gần chín đổ nước cốt dừa lên mặt, khi ăn rắc thêm muối mè; còn bánh bèo mặn, bột đổ vào khuôn đem hấp, chín lấy ra trét nhân đậu xanh lên trên mặt, khi ăn chan nước mắm pha với nước, chanh, đường, tỏi, ớt.
Bánh bèo Vĩ Dạ là loại bánh bèo mặn, đặc biệt nhân có tôm chấy, nước mắm pha có mùi vị ngon riêng, cũng như ở Sàigòn ăn bánh cuốn " Thanh Trì " , ngon đặc biệt nhờ nước mắm có vị con Cà Cuống .
Vì Tổng Hội Sinh Viên Sàigòn không ra dự Ðại hội, nên Tổng Hội Sinh Viên Ðàlạt cũng không muốn tham dự, hai Tổng Hội Huế và Vạn Hạnh họp bàn sơ bộ, yêu cầu Tổng Hội Ðàlạt phải tham dự một phiên họp để ra Tuyên bố chung không có Ðại Hội. Thế là ngày Ðại Hội chính thức chỉ có một phiên họp để ra Tuyên bố chung, gửi cho báo chí và các đài phát thanh, gồm có ba điểm : 1) Vì Tổng Hội Sinh Viên Sàigòn không ra tham dự nên không thể mở Ðại Hội Sinh Viên Quốc Gia Việt Nam. 2) Trong thời gian chờ đợi tổ chức lại Ðại Hội, không có tổ chức nào hay cá nhân nào được phép tự xưng danh nghĩa Sinh Viên Quốc Gia Việt Nam. 3) Ủy nhiệm cho Tổng Hội Sinh Viên Huế giữ khuôn dấu của Tổng Hội Sinh Viên Quốc Gia Việt Nam do anh Vĩnh Kha trao lại và sớm tổ chức Ðại hội khác khi thuận tiện.
Chúng tôi hiểu, Tổng Hội Sinh Viên Sàigòn không ra vì nhận thấy không thể chịu được búa riều dư luận và không thể nắm được chức chủ tịch Tổng Hội Sinh Viên Quốc Gia Việt Nam, ngược lại dù không có Ðại Hội, chúng tôi cũng vô hiệu quá được lúc đó họ thường tiếm vị danh xưng Sinh Viên Quốc Gia Việt Nam.
Nhờ không có Ðại hội, chúng tôi có thì giờ rảnh rang đi chơi. Tối hôm ấy, gồm có Vĩnh Kha, các anh Sinh viên Huế và phái đoàn chúng tôi, đi ăn Cơm Âm Phủ, quán cơm Âm phủ ở bên Ðập Ðá, gần sân Vận động, vì quán bán từ chiều đến khuya, ngày xưa vì thắp đèn dầu lờ mờ nên mới gọi là quán Cơm Âm Phủ.
Ngày hôm sau, cũng các anh sinh viên Huế đưa chúng tôi đi tắm biển Thuận An, xe chạy đến cửa Thuận An phải dừng xe lại đó, còn người đi đò qua bên kia, lội bộ qua một khu đất toàn cây dương, không xa thì đến bãi tắm Thuận An. Tại khu vực bến đò, chúng tôi có đến thăm nhà " câu cá của cậu Cẩn ", hai ba căn nhà lợp lá, cột tre đơn sơ cất trên mặt nước nên rất mát và cảnh vật cũng hữu tình, nơi đây cũng là Phá Tam Giang, bắt chúng tôi nhớ đến câu ca dao :
Thương em anh cũng muốn vô,
Sợ truông nhà Hồ, sợ phá Tam giang.
Phá Tam giang ngày rày đã cạn,
Truông nhà Hồ, Nội Táng dẹp yên.
Hôm đó tại nhà câu cá nầy, có một nhóm Thanh Sinh Công, chừng mười thanh niên và một linh mục đang ngồi họp. Khi chúng tôi ra tắm biển, trời đã trưa, hôm ấy chẳng có ai, cũng chảng lấy làm thú vị cho lắm.
Trong thời gian nầy, một hôm có Chủ Tịch Hội Ðồng Lãnh Ðạo Quốc Gia, Trung Tướng Nguyễn Văn Thiệu, Chủ Tịch Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương, Thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ ra Huế nói chuyện với đồng bào đất thần kinh ở Rạp Chiếu Bóng, có Trung Tướng Nguyễn Chánh Thi, Tư lệnh vùng I đón tiếp, chúng tôi có vào dự, nhưng sau đó các anh sinh viên Huế cho mời chúng tôi đi chỗ khác chơi , các anh cho biết đang chuẩn bị biểu tình phản đối, khi chúng tôi ra khỏi rạp hát, họ đã dùng xe bus để chận hai đầu đường từ rạp hát ra, cuộc biểu tình ấy ra sao chúng tôi không rõ, nhưng mà tướng Nguyễn Chánh Thi sau nầy phải rời khỏi chức Ðại Biểu Chánh Phủ kiêm Tư Lệnh Vùng I chiến thuật, đi Mỹ chửa bệnh thúi mũi, rồi từ đó không được phép trở lại Việt Nam nữa.
Một hôm đi ngang qua đầu cầu phía thành nội, thấy có những người bày biện lễ vật ra cả lề đường, khói nhang nghi ngút, họ đang vái lạy. Nơi đó không nhà cửa ai cả, có người cho biết đó là họ cúng Cô hồn trận Kinh thành thất thủ ngày 23 tháng 5 năm Ất Dậu ( nhầm 5-7-1885 ), trong Hạnh Thục ca của Nguyễn Nhược Thị còn ghi lại :
..........................................
Liệu chừng thuốc đạn đã mòn,
Giãy lên, Tây mới thành môn bắn vào.
Nhường như sấm sét ầm ào,
Dẫu là núi cũng phải chao, huống thành!
Quân ta khôn sức đua tranh,
Ðem nhau trốn chạy tan tành bèo trôi.
...........................................
Hôm chúng tôi ra về, sáng sớm thức dậy, chuẩn bị áo quần xong xuôi, thấy bụng đói, rủ nhau ra chợ Ðông Ba ăn sáng, bước ra đến chợ, chợ vẫn chưa nhóm, chúng tôi lấy làm lạ, chợ nhóm rất trễ, còn một đặc điểm nữa là những người buôn gánh bán bưng, dù đi chân đất họ vẫn mặc áo dài, có lẽ ngày xưa cung cách phải như thế, để buôn bán, giao tiếp với nhũng mệnh phụ, phu nhân, những tiểu thư đài các từ trong thành nội ra đến ngoài dân gian, phong tục đất thần kinh có khác.
Có lẽ hơn 8 giờ, chợ mới nhóm, chúng tôi trở lại chợ, vào ăn bún bò cũng là món quốc hồn quốc túy của người Huế, đặc biệt rau mùi rất thơm, thơm mùi lạ hơn rau sống ở miền Nam và ớt tuy xanh nhưng mà rất cay, phải nói là cay xé miệng và người Huế thì ăn nhiều ớt trong mỗi bửa ăn.
Trưa hôm ấy, chúng tôi từ giả Huế chỉ còn có 3 người, anh Tự đã về Sàigòn Có việc nhà , sau nầy chúng tôi mới biết, anh đã phản bội chúng tôi, anh về Sàigòn để đi du lịch với đám sinh viên Sàigòn do Tòa Ðại sứ Mỹ đài thọ chi phí, anh đã bị cất chức Chủ tịch và khai trừ khỏi Tổng Hội Sinh viên Vạn Hạnh, thầy Chơn Thiện ở lại Huế thêm vài ngày.
Ðặc biệt chuyến đi nầy tôi được thưởng thức những món ăn ngon của đất thần kinh, tôi cũng không quên mua quà biếu như Nón lá bài thơ, tré, nem chua, mè xửng huế đem về biếu người thân bởi vì đó là những quà biếu, khách du lịch không thể thiếu khi từ Huế trở về.
*
Ðầu năm 1966, tôi lại có dịp ra Huế lần thứ ba, lần nầy đi trong phái đoàn Ban Hướng Dẫn Trung Ương Gia Ðình Phật Tử Việt Nam, chuyến đi nầy có Thượng Tọa Thích Minh Châu, Viện Trưởng Viện Ðại Học Vạn Hạnh, anh Trần Quang Thuận sau khi đã thôi giữ chức Bộ Trưởng Bộ Xã Hội và Tổng Thư Ký Viện Ðại Học Vạn Hạnh. Anh Thuận trước là Ðại Ðức Thích Trí Không, đệ tử của Ôn Ðôn Hậu, anh đi du học ở Anh Quốc, cùng lượt với thầy Minh Châu du học ở Ấn Ðộ, khi anh về nước thì hoàn tục, cưới con gái cụ Tôn Thất Hối ( nguyên đại sứ Việt Nam tại Lào ), sau anh là Nghị Sĩ chung liên danh với Bác sĩ Tôn Thất Niệm cũng con trai cụ Hối. Từ những năm 1963, 64 tôi đã họp với Trần Quang Thuận nhiều phiên họp ở chùa Xá Lợi, gọi bằng anh đã quen miệng.
Lần nầy phái đoàn trú ngụ tại chùa Linh Quang, đi chỉ có mấy ngày, cũng có viếng chùa và lăng Tẩm. Cũng vào thăm điện Thái Hòa, sân chầu, đăc biệt có vào thăm Tả vu và Hữu Vu nhưng không có gì lạ.
Khi đến thăm chùa Linh Mụ, nhờ anh Thuận xin phép Ôn Linh Mụ mở cửa tháp Phước Duyên, chúng tôi đã leo lên viếng tháp nầy, tầng thứ bảy rất nhỏ, có thờ tượng Phật, rộng chỉ đủ ngồi và xoay người nhìn cảnh bên kia sông và ngồi xoay người để lết xuống, nghe nói trước kia tầng nầy có thờ tượng Phật bằng vàng.
Tôi thấy anh Thuận đang ăn một thứ trái cây sống, giống như trái sung, to bằng nắm tay, hỏi anh trái gì ? Anh cho biết đó là trái VẢ, anh chỉ một cây, lá to gần đó, nói với tôi :
- Cây vả đó, lựa hái một trái như thế ni, vào bếp xin một tí muối, chấm với muối ăn thử cho biết hỉ ?
Mặc dù trái vả tôi đã được ăn trong những bửa cơm chùa khi nấu chín, nhưng ăn sống hơi chát chát chấm muối cũng ngon.
Cũng có viếng Lăng Tự Ðức, vào ngôi mộ lần nầy, tôi để ý thấy có một lằn gạch lót màu khác hơn gạch cũ, người ta cho biết hồi những năm loan lạc 1945, quân gian đã lẻn vào đây, đào mộ vua để tìm của quý giá, gạch lót bị hư nên người ta thay gạch khác.
Trên đường xe chạy đến Lăng Khải Ðịnh, dọc đường có người chỉ bên kia sông mái ngói đỏ chen lẫn với cây xanh, đó là điện Hòn Chén, ở Lăng Khải Ðịnh có vài tràng hoa làm bằng thuỷ tinh, đặt trên kệ đúc bên tường, người ta bảo đó là những tràng hoa phúng viếng đám tang của tòa Khâm sứ Pháp hồi đó.
Ngày phái đoàn đi viếng Nhà thờ đức Mẹ La Vang, tôi tháp tùng một đoạn rồi tách ra đến thị xã Quảng Trị thăm gia đình một người bạn, đáng tiếc không viếng được Nhà thờ đức Mẹ La Vang.
Buổi chiều trước ngày về, anh của một người bạn, làm giáo sư ở Huế đến Linh Quang, đưa tôi đi xem Ciné, rạp ấy trên đường Phan Bội Châu, lần trước đồng bào và sinh viên Huế đã tổ chức biểu tình khi Thiệu Kỳ ra đây,sau khi tan hát, chúng tôi đi ăn chè, rồi về nhà anh ngủ, lần đầu tiên tôi được ngủ trong thành nội. Sáng ra, tôi được ăn bửa sáng của gia đình, xôi nếp đậu với muối mè, cả gia đình cùng ngồi ăn sáng, không khí rất đầm ấm, khó quên. Tôi nhớ lại mấy năm trước, tôi đã đến đây ăn cơm khách một lần, gia chủ toàn là phái nữ mà khách thì toàn là phái nam, tôi không thể nào nhớ ra những thức đã ăn, nhưng bửa ăn rất vui vẻ và gây nhiều ấn tượng trong tôi. Sau buổi ăn sáng, tôi hốc tốc trở lại chùa Linh Quang, thu dọn hành lý vừa kịp để lên xe ra phi trường, ai đó đã cầm nhầm cái áo Veston tôi mượn của Nhạc sĩ Ngô Mạnh Thu.
Người ta thường nói :" bất quá tam " , từ đó tôi không còn trở lại thăm viếng Huế. Có còn dịp nào cho tôi trở lại đất thần kinh không ? Tôi ước ao được xem Viện bảo tàng, Lăng Gia Long, Lăng Minh Mạng, đứng trên cầu Tràng Tiền, nhìn lại dòng nước sông Hương, nó vẫn trôi chảy ra biển cả, xóa mờ biết bao nhiêu hình ảnh đã in vào lòng sông, trong đó có cả hình ảnh của tôi, những hình ảnh êm đềm nhất của thời niên thiếu.
Dù có trở lại, tôi sẽ không bao giờ có được những cảm xúc như ngày xưa. Tôi khó quên được Huế, còn vì năm nào đó, từ Huế người ta gửi tặng quà sinh nhật cho tôi, mở gói quà ra, đó là quyển tiểu thuyếtHai mươi bốn giờ trong đời người đàn bà, Tràng Thiên dịch do Thời Mới xuất bản, một chuyện tình cảm lãng mạn, như những tình cảm lãng mạn của tôi đã để lại nơi chốn Huế kia.
July 4, 1996