Pages

Wednesday, January 29, 2025

Mồng Một Tết đi Chùa lễ Phật

Hôm nay là ngày 29 tháng Giêng năm 2025 là ngày Mồng Một Tết Ất Dậu, như mọi năm gia đình chúng tôi đi chùa lễ Phật đầu năm. Sở dĩ chúng tôi đi chùa Từ Ân vì ngôi chùa nầy có trước những ngôi chùa khác, hơn nữa được một số chư Tăng thường đến đây giảng dạy Phật Pháp.

Sau khi đi lễ Phật tại chùa Từ Ân, gia đình chúng tôi đi lễ Phật tại Tu viện Vạn Phật Đảnh II, ngoài việc tôn kính chư Tăng, nhà tôi và thân mẫu của viện chủ Thích Hằng Đạt còn có họ hàng xa với nhau, gốc gác ở Tầm Vu, Tân Trụ tỉnh Long An.

Hiện nay tôi ít lái xe, cho nên thỉnh thoảng có dịp mới đi lễ Phật ở Chùa, đi thăm viếng bà con họ hàng.

Mong cho sức khỏe bình thường, ít ốm đau bênh tật sẽ còn có dịp thăm viếng bà con, có như vậy mới gắn chặt tình cốt nhục với nhau.

Tôi vẫn nhớ Bảy Thành, bà con đầu ông Sơ với tôi, hôm trước về Việt Nam, khi về thăm nhà xe chạy ngang qua Rạch Gộc, thấy chiếc Phà Rạch Gộc đang chạy về hướng Tham Buôn bên kia sông Hậu Giang, nhưng tôi không có thì giờ để đi thăm Bảy Thành, không biết anh ta còn khỏe mạnh không ? Mong anh ta vẫn khỏe để một ngày gần đây tôi sẽ đi thăm, gặp lại nhau tay bắt mặt mừng.

Tôi vẫn nhớ người ta thường nói: “Mồng một ngày cha, mồng hai ngày mẹ, mồng ba ngày thầy”. Cho đến nay, tôi biết chắc tôi vẫn còn 2 ông thầy tại tiền. Thầy thứ nhất là Doãn Quốc Sỹ sinh năm 1923, hiện sinh sống tại California, người thầy thứ hai là Vũ Mộng Hà sinh năm 1940, hiện sống ở Nam California vào tháng 6 năm ngoái 2024 tôi có dịp uống cà-phê với thầy do một em Cựu học sinh NTT mời thầy tới dự.

Nguyễn Lâm, Nguyễn Điệp, Vũ Mộng Hà và Huỳnh Ái Tông

Người Việt ta thường nói: “Tiên học Lễ, hậu học văn” hay “Không Thầy đố mầy làm nên” cho nên làm con người luôn biết kính trọng Thầy là điều đáng quý, đáng ngưỡng mộ.

866429012025




Tuesday, January 28, 2025

Ngày cuối năm

 Hôm nay là ngày cuối năm Giáp Thìn, chính xác là ngày 29 tháng Chạp, nhưng vì tháng thiếu nên tối nay sẽ là đêm Giao Thừa, nhưng ở Viêt Nam thì Giao Thừa đã qua, đã bước sang ngày Mồng Một Tết Ất Tỵ rồi.

Tự nhiên tôi bỗng nhớ nhiều chuyện vui có buồn có, chuyện tù đày, lên voi xuống chó đều có ! Chuyện từ đày số là sau 1975, ai là sĩ quan từ cấp Thiếu Úy trở lên đều phải trình diện đi Học Tập Cải Tạo, cấp Úy nói chung ở trong Nam còn cấp Tá trở lên đi ra ngoài Bắc.

Tôi đi trình diện ở Trường Trung Học Tabert, cạnh Bộ Giáo Dục, đối diện bên hông Bưu Điện Sàigòn, rồi đêm 26 tháng 5, tôi được xe Molotova chỡ lên Trãng Lớn ở Tây Ninh, ở tại đây chừng 1 năm thì được chuyển Trại lên Kà-Tum, tôi ở đây đến ngày 16 tháng 9 năm 1977 thì được tạm tha lý do hồi hương lập nghiệp ở xã Phú Hòa huyện Châu Thành tỉnh Long Xuyên (sau nầy xã Phú Hòa thuộc huyện Thoại Sơn tỉnh An Giang), tôi được về sớm do trong khi ở trong trại tôi được chỉ định làm B trưởng (A: Tiểu đội, B: Trung Đội, C: Đại Đội, D: Tiểu Đoàn….), mỗi ngày tôi phải nắm rõ trong B có bao nhiêu người khỏe mạnh, bao nhiêu người bệnh, bao nhiêu người nằm viện…, để cấp trên phân công lao động. Thời gian đó có một trại bị giải thể, sáp nhập một phần vào B tôi, trong đó có một anh bị bệnh là Vũ Hữu Thuận, hàng ngày tôi phải thăm hỏi anh để biết bệnh tình ra sao, báo cáo cấp trên để tính nhân công lao động.

Vài tuần sau anh nầy hết bệnh, một hôm sau khi ăn cơm chiều xong lúc chiều tối là thời gian tự do, anh nầy đi dạo ngoài sân, thấy tôi cùng đi một mình anh ta đến gần tôi nói: - Anh có muốn về sớm không ? Dĩ nhiên ai mà không muốn, anh ta nói tiếp: - Anh tôi mới nói cho biết, bố tôi trước kia là Sư Trưởng Sư đoàn nầy, nay bố tôi về hưu, nhưng vẫn sinh hoạt Đảng, nếu anh muốn về sớm, anh bảo người nhà làm cho anh cái giấy Xin Hồi Hương Lập Nghiệp hoặc gia đình xin đi Vùng Kinh Tế Mới, tôi sẽ bảo fiancé tôi giúp anh được về sớm.

Tôi gửi thư về, bảo nhà tôi xin cho tôi Giấy Hồi Hương lập nghiệp hoặc gia đình xin đi Kinh tế mới, tôi sẽ được về sớm. Nhà tôi được thư, nhờ anh tôi xin cho giấy hồi hương về xã Phú Hòa lập nghiệp, có giấy tờ rồi, fiancié của Vũ Hữu Thuận đưa nhà tôi vào Đoàn 500 ở trong rừng cao su Bình Dương xin cho tôi được Hồi Hương lập nghiệp. Nhờ đó tôi được về sớm, nhưng nơi Ka-Tum sát biên giới Kampuchia, nên bị Pon-Pốt đe dọa an ninh, sau đó trại giải tán, một số cho về và một số “ác-ôn” đưa đi nơi khác. Tôi ra Trại, có người quen với nhạc gia tôi, nên đưa tôi vào làm ở Phòng Thanh Tra An Toàn thuộc Sở Lao Động Thành Phố HCM.

Sau tôi làm ở Công Ty Trang Bị Kỹ Thuật thuộc Sở Công Nghiệp Tp. HCM, có lúc tôi bị điều về làm Hiệu Phó Trường Kỹ Thuật Nghiệp Vụ thuộc Sở Công Nghiệp Tp. HCM. Thời buổi đó, tôi thấy mình không thích hợp với vai trò giáo dục cần số lượng mà không cần chất luợng, hơn nữa nhất thân nhì thế, nên ở trường một thời gian, tôi trở lại Công Ty.

Tại Công Ty là Trưởng phòng Kinh Tế Kế Hoạch, nên tôi thường đi giao dịch các nơi như Bến Tre, Long Phú ở Sóc Trăng, Hóc Môn, Tây Ninh, Mỹ An (Đồng Tháp), Chợ Mới (An Giang), Duyên Hải (Trà Vinh), Kiên Giang, Pnom-Penh,… để làm nhà máy Đường, nhà máy Giấy công xuất nhỏ.

Năm 1991, tôi rời Việt Nam sang Mỹ được hưởng diện HO vì tôi có 2 năm 2 tháng 20 ngày đi học tập cải tạo với hơn 1 năm bị quản chế (thay vì 6 tháng, do tôi ra trại Cải tạo, được làm ở Sở Lao Động, nên tôi không đi trình diện hàng tháng, do đó hơn 1 năm sau tôi mới được trả quyền Công Dân), cộng chung tôi hơn 3 năm nên được Mỹ xếp vào diện HO.

Sang tới Mỹ, trước tiên tôi tìm được việc phụ giáo, nhưng do lương hàng năm kém quá, dù lương tối thiểu là 4.25dollar/giờ, lương phụ giáo 7 dollar/giờ, ngày chỉ có 6 giờ rưỡi, năm chỉ chừng 180 ngày làm. Tính ra 7x6.50x180=8,190.00 dollars, là số tiền quá ít, nên tôi xin đi làm cho hãng Dobb là hãng cung cấp thức ăn cho hành khách trên phi cơ (ngày trước đi máy bay trong nước Mỹ, ngồi trên máy bay giờ ăn là có bữa ăn, nhưng sau hãng máy bay cạnh tranh giảm giá, nên họ bỏ phần ăn cho giảm chi phí), nên giờ làm ít đi, lương kém, tôi bỏ đi làm cho hãng Nhật bổn, chuyên cung cấp bộ phận Sensor về máy lạnh trong xe hơi hoặc trong tủ lạnh, đáng lý làm trong 1 tháng thì vào biên chế, nhưng tôi làm 4 tháng không vào được biên chế, tôi bỏ việc, đi làm cho hãng làm bánh Mễ, sau đó có người giới thiệu cho tôi đi làm tại hãng Fabricated Metal, trước tiên tôi vào làm công nhân, sau làm Họa viên, cho đến ngày về hưu năm 2009.

Từ khi về hưu, tôi lưu ý về sức khỏe, về thể xác tập thể dục bằng cách đi bộ, về trí óc viết lách để cho bộ óc làm việc hầu tránh bệnh lãng trí hay Alzheimer.

Từ nay cho đến cuối cuộc đời, tôi mong mình sẽ được mọi việc tốt đẹp như thời gian qua.

Tom chủ nhân Công Ty Fabricated Metals

Larry Garvin Trưởng Phòng, Jackson, Wet, Brian, Tông, Mos (thợ hàn)

866428012025





Wednesday, January 22, 2025

Ngày đưa Ông Táo về Trời

Hôm nay là ngày 23 tháng Chạp năm Giáp Thìn (22-1-2025), theo phong tục dân gian là ngày đưa ông Táo về Trời. Ông Táo về Trời để báo cáo lên Ngọc Hoàng Thượng Đế việc làm trong gia đình suốt năm qua.

Táo Quân trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam có nguồn gốc từ ba vị thần Thổ CôngThổ ĐịaThổ Kỳ và hình thành huyền tích "2 ông 1 bà" - vị thần Đất, vị thần Nhà, vị thần Bếp núc. Tuy vậy người dân vẫn quen gọi chung là Táo Quân hoặc Ông Táo. Ở Việt Nam, sự tích Táo Quân được truyền khẩu, rồi ghi chép, do đó có những sự khác nhau về tình tiết, nội dung chính được tóm tắt như sau:

Trọng Cao có vợ là Thị Nhi ăn ở với nhau đã lâu mà không con, nên sinh ra buồn phiền, hay cãi cọ nhau. Một hôm, Trọng Cao giận quá, đánh vợ. Thị Nhi bỏ nhà ra đi sau đó gặp và bằng lòng làm vợ Phạm Lang. Khi Trọng Cao hết giận vợ, nghĩ lại mình cũng có lỗi nên đi tìm vợ. Khi đi tìm vì tiền bạc đem theo đều tiêu hết nên Trọng Cao đành phải đi ăn xin.

 

Khi Trọng Cao đến ăn xin nhà Thị Nhi, thì hai bên nhận ra nhau. Thị Nhi rước Trọng Cao vào nhà, hai người kể chuyện và Thị Nhi tỏ lòng ân hận vì đã trót lấy Phạm Lang làm chồng.

Phạm Lang trở về nhà, sợ chồng bắt gặp Trọng Cao nơi đây thì khó giải thích, nên Thị Nhi bảo Trọng Cao ẩn trong đống rơm ngoài vườn. Phạm Lang về nhà liền ra đốt đống rơm để lấy tro bón ruộng. Trọng Cao không dám chui ra nên bị chết thiêu. Thị Nhi trong nhà chạy ra thấy Trọng Cao đã chết bởi sự sắp đặt của mình nên nhào vào đống rơm đang cháy để chết theo.

 

Phạm Lang gặp tình cảnh quá bất ngờ, thấy vợ chết không biết tính sao, liền nhảy vào đống rơm đang cháy để chết theo vợ.

 

Linh hồn của ba vị được đưa lên Thượng đế. Thượng đế thấy ba người đều có nghĩa, nên sắc phong cho làm Táo Quân, gọi chung là: Định Phúc Táo Quân (定福灶君), nhưng mỗi người giữ một việc:

·         Phạm Lang làm Thổ Công, trông coi việc bếp. Danh hiệu: Đông Trù Tư Mệnh Táo Phủ Thần Quân

·         Trọng Cao làm Thổ Địa, trông coi việc nhà cửa. Danh hiệu: Thổ Địa Long Mạch Tôn Thần

·         Thị Nhi làm Thổ Kỳ, trông coi việc chợ búa. Danh hiệu: Ngũ Phương Ngũ Thổ Phúc Đức Chánh Thần


Sớ Táo Quân

20/01/2025

Các Táo: Thượng Đế giá lâm, Ngọc Hoàng vạn tuế, vạn vạn tuế

Ngọc Hoàng: Trẩm miễn lễ, chúng khanh hãy bình thân

– Này cáo Táo:

Năm mới gần tới
Năm cũ sắp qua
Tất cả chúng ta
Vô cùng bận rộn
Công việc bề bộn
Tổng kết, thi đua
Họp, hội búa xua
Dựng xây kế hoạch
Những việc cấp bách
Thì triển khai ngay
Buổi họp hôm nay
Truyền thông báo trước

Táo truyền thông:                                                                               

Muốn tâu:

Thần đây xin được
Báo cáo truyền thông
Văn bản gởi xong
Giờ xin tóm lược
Dịch bệnh báo trước
Là sốt Dengue
Thời điểm hiện giờ (1)
Mắc hơn ngàn tám
Sởi thì tàm tạm
Chỉ bốn chín ca
Tay chân miệng là
Hơn 3 ngàn trẻ
Ảnh hưởng sức khỏe
Ma túy- xì ke
Chúng cứ lăm le
Tấn công giới trẻ
Lo nhất có lẽ
Dịch bệnh không lây
Quy tụ xum vầy (2)
Ngày càng phát triển
Lại thêm cái chuyện
Ăn uống hàng ngày
Gặp phải nạn tai
Đó là ngộ độc
Thống kê thấy sốc
Thỉnh thoảng xảy ra
Có khi trăm ca
Báo tiếp cái chuyện
Tai nạn trong năm
Té cao, sụp hầm
Giao thông, đuối nước
Vấn nạn tiếp bước
Dẫn dụ thiếu niên
Tập tành cho ghiền:
Thuốc lá điện tử
Thông tin hung dữ
Là HIV
Khắp chợ cùng quê
Lây giới đồng tính
Thần vừa cung kính
Báo cáo năm qua
Thề chẳng hề ngoa
Xin Trời minh giám.

Ngọc Hoàng: Sẳn đây hãy cho trẩm và các Táo biết những việc khanh làm năm qua luôn đi.

Táo truyền thông:

Dạ:
Muốn việc trôi chảy
Đầu năm bắt tay
Kế hoạch làm ngay
Chỉ tiêu phân bổ.
Triển khai trong tổ
Nhiệm vụ phân công
Họp hội vừa xong
Tập huấn chuyên trách
Làm tiếp kế hoạch
Kết hợp Học đường
Chống dịch đảm đương
Truyền thông ổ dịch
Hợp đồng chắc nịch
Kết hợp truyền thanh
Phỏng vấn làm nhanh
Năm 12 cuộc.
Chủ đề thông thuộc
Mỗi tuần một bài
Viết xong gởi ngay
Phát thanh rôm rả
Khoa, phòng tất tả
Biên bản có ghi
Hội đồng người bệnh
Khoa, phòng y lệnh
Kết hợp truyền thông
Sư kiện cộng đồng
Góp mặt đầy đủ
Chuyên trách người cũ
Giám sát bốn lần
Kế hoạch tỉnh phân
Tin, bài liền gửi
Việc làm chẳng mới
Kết hợp truyền hình
Phóng sự đưa tin
Năm vài ba lượt.

Ngọc Hoàng: Tốt lắm! Thế trong năm qua khanh thấy có khó khăn gì không? Có kiến nghị gì cho năm tới hoạt động tốt hơn.

Táo truyền thông:

Dạ!
Khó khăn cốt lõi
Ý thức cộng đồng
Kiến thức mênh mông
Hành vi chậm tiến
Thêm có một chuyện
Cán bộ chương trình
Thay đổi thình lình
Nên không thạo việc
Chuyện ai cũng biết
Cánh tay nối dài (3)
Giờ chẳng còn ai
Tham gia cộng tác
Thần buồn man mác
Chỗ ở gia đình(4)
Thay đổi thình lình
Rày đây, mai đó
Sau này nếu có
Bố trí an cư
Thành viên thêm dư
Để kiềng vững chắc
Thần không thắc mắc
Chỉ tỏ nỗi niềm
Giờ chẳng báo thêm
Xin được lui bước
Trước tiên xin được
Kính chúc Ngọc Hoàng
Vương Mẫu an khang
Chư tiên tài lộc
Nông dân đầy thóc
Công- Thương phồn vinh
Khoa học chuyển mình
Công chức thành đạt
Thành đạt…cái mà thành đạt./.

Nguyễn Minh Thời – TTYT thị xã Tịnh Biên

 

866422012025







Tuesday, January 21, 2025

Donald Trump

 

ồn hình ảnh,mages

Chụp lại hình ảnh,Tổng thống đắc cử Donald Trump mừng chiến thắng trong đêm 5/11 tại Florida

Donald John Trump sinh ngày 14/6/1946 tại quận Queens ở New York.

Đứng thứ tư trong năm anh chị em, ông có hai anh em trai - Fred Jr (anh) và Robert (em) - và hai chị gái, Maryanne và Elizabeth. Trong số các anh chị em ruột, hiện chỉ còn bà Elizabeth còn sống.

Cha ông, Fred, điều hành một công ty xây dựng rất thành công ở các quận ngoại ô của New York.

Ông lần đầu tiên tham gia vào việc kinh doanh của cha vào năm 1968, nhưng chẳng bao lâu sau đã tự khởi nghiệp tại trung tâm Manhattan.

Các sòng bạc, căn hộ chung cư, sân golf và khách sạn lần lượt xuất hiện, từ Atlantic City, Chicago và Las Vegas đến Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ và Philippines.

Phong cách phô trương của Donald Trump đã giúp ông nổi bật trong thế giới kinh doanh New York và trở thành ngôi sao trong làng giải trí với chương trình truyền hình The Apprentice.

Trump đã kết hôn ba lần và có năm người con. Ông lần đầu tiên kết hôn vào năm 1977 với Ivana Zelníčková.

"Trump kết hôn với người vợ thứ ba, Melania Knauss, vào năm 2005.

Khi họ gặp nhau bảy năm trước đó, ông 52 tuổi và bà 28 tuổi.

Sự nghiệp chính trị của ông bắt đầu vào năm 2015 khi ông tuyên bố tranh cử tổng thống trong một buổi họp báo tại Trump Tower, có sự hiện diện của gia đình ông.

Khẩu hiệu của ông: Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại.

Sau một chiến dịch căng thẳng đầy tranh cãi, ông đã đánh bại ứng cử viên Đảng Dân chủ Hillary Clinton và tuyên thệ nhậm chức Tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ vào năm 2017.

Nhiệm kỳ tổng thống của ông là một giai đoạn đầy bất ổn đối với các đồng minh của Mỹ, khi ông thường xuyên xung đột công khai với các nhà lãnh đạo nước ngoài.

Ông đã rút khỏi các hiệp định quan trọng về khí hậu và thương mại, đồng thời phát động một cuộc chiến thương mại với Trung Quốc.

 

Năm cuối cùng nhiệm kỳ tổng thống của ông bị chi phối bởi những chỉ trích về cách ông xử lý đại dịch Covid.


Trump đã buộc phải tạm ngừng chiến dịch tranh cử năm 2020 sau khi được chẩn đoán nhiễm virus.

Trump thua cuộc đua tổng thống năm 2020 trước Joe Biden nhưng từ chối chấp nhận kết quả, tuyên bố rằng cuộc bầu cử đã bị gian lận.

Ông kêu gọi những người ủng hộ tại Washington vào ngày 6/1 tuần hành đến Quốc hội.

Cuộc biểu tình leo thang thành bạo loạn, và hành động của ông trong ngày hôm đó là trọng tâm của hai vụ án hình sự.

Sự nghiệp chính trị của ông dường như đã kết thúc, nhưng ông tuyên bố ra tranh cử tổng thống lần nữa và nhanh chóng trở thành ứng cử viên hàng đầu của Đảng Cộng hòa.

Trump bắt đầu chiến dịch tranh cử tổng thống với 91 cáo buộc trọng tội.

Vào tháng 5/2024, ông bị tuyên bố có tội với 34 tội danh gian lận liên quan đến tiền bịt miệng đã trả cho diễn viên phim người lớn Stormy Daniels trước cuộc bầu cử năm 2016.

Khi Trump quay lại đường đua tranh cử vào mùa hè, một tay súng 20 tuổi đã cố gắng ám sát ông tại một buổi mít tinh ở Butler, Pennsylvania.

Vài ngày sau, tại Đại hội Quốc gia Đảng Cộng hòa, ông đã được xác nhận là ứng cử viên tổng thống của đảng này.


Sau chiến thắng tại kỳ bầu cử năm 2024, Trump sẽ trở thành tổng thống lớn tuổi nhất của Mỹ.


Ông sẽ 82 tuổi vào cuối nhiệm kỳ của mình.


Toàn văn phát biểu nhậm chức của Donald Trump

Xin cảm ơn Thẩm phán trưởng Roberts, Tổng thống Cater, Tổng thống Clinton, Tổng thống Bush, Tổng thống Obama, người dân Mỹ và người dân toàn thế giới.

Chúng tôi, công dân của nước Mỹ, đang tham gia vào nỗ lực quốc gia lớn lao để tái thiết đất nước và khôi phục lời hứa với toàn thể người dân. Chúng ta sẽ cùng nhau quyết định hướng đi của nước Mỹ và thế giới trong rất nhiều năm tiếp theo. Chúng ta sẽ đối mặt với nhiều thách thức. Chúng ta sẽ đương đầu với những khó khăn, nhưng chúng ta sẽ làm được.

Cứ mỗi 4 năm, chúng ta lại tập hợp lại trên những bậc thềm này để thực hiện quá trình chuyển giao quyền lực hòa bình và trật tự. Chúng ta biết ơn Tổng thống Obama và Đệ nhất Phu nhân Michelle Obama vì sự trợ giúp đầy tử tế của họ trong suốt quá trình chuyển giao này. Họ rất tuyệt vời. Xin cảm ơn.

Tuy nhiên, buổi lễ hôm nay có ý nghĩa rất đặc biệt. Bởi vì hôm nay, chúng ta không chỉ đơn thuần chuyển giao quyền lực từ một chính quyền sang chính quyền khác hay từ một đảng này sang đảng khác. Chúng ta đang chuyển giao quyền lực từ Washington DC và đưa nó trở lại với các bạn – người dân của chúng ta.

Từ lâu một nhóm nhỏ ở thủ đô đã thu lợi từ chính phủ trong khi người dân phải chịu thiệt. Washington đã phát triển mạnh mẽ nhưng người dân không được hưởng chung sự giàu có đó. Các chính trị gia ngày càng thành công phát đạt, nhưng việc làm lại ra đi, các nhà máy thì đóng cửa.

Tầng lớp lãnh đạo bảo vệ chính họ chứ không phải người dân. Chiến thắng của họ không phải là chiến thắng của các bạn. Trong khi họ sung sướng ăn mừng tại thủ đô thì những gia đình đang gặp khó khăn trên khắp đất nước không có điều gì để vui mừng. Tất cả điều đó sẽ thay đổi ngay tại đây và ngay bây giờ. Bởi vì thời điểm này là thời điểm của các bạn. Nó thuộc về các bạn.

Nó thuộc về tất cả mọi người tập trung ở đây hôm nay và những ai đang theo dõi trên khắp nước Mỹ. Hôm nay là ngày của các bạn. Đây là đại tiệc của các bạn. Và đây, Hợp chúng quốc Hoa Kỳ, là đất nước của các bạn.

Vấn đề thực sự không phải là đảng nào kiểm soát chính quyền, mà là chính phủ của chúng ta có được người dân kiểm soát hay không. Ngày 20/1/2017 sẽ được nhớ đến như là ngày người dân lại trở thành những người cai quản đất nước này. Những người đàn ông, phụ nữ bị lãng quên của đất nước sẽ không còn bị quên lãng nữa.

Mọi người giờ đây đang lắng nghe các bạn. Hàng chục triệu người các bạn đã trở thành một phần của phong trào lịch sử, điều mà thế giới chưa từng thấy trước đây.

Tâm điểm của phong trào này là một tín điều trọng yếu, rằng quốc gia tồn tại để phục vụ người dân. Người Mỹ muốn những ngôi trường tốt cho con em mình, môi trường sống an toàn cho gia đình mình và công ăn việc làm tốt cho chính bản thân họ.

Đó là những nhu cầu chính đáng và hợp lý của những con người chính trực và dư luận chính trực. Nhưng với rất nhiều người dân chúng ta, một thực tế khác đang tồn tại. Các bà mẹ và trẻ em ngập trong nghèo đói ở các thành phố, những nhà máy lụi tàn nằm rải rác như bia mộ khắp mọi nơi trên đất nước, một hệ thống giáo dục được chi rất nhiều tiền nhưng lại để những học sinh trẻ trung, xinh đẹp của chúng ta thiếu hụt mọi kiến thức. Và tội phạm, băng đảng, ma túy đã cướp đi quá nhiều sinh mạng, tước đoạt của đất nước quá nhiều tiềm năng chưa được nhận ra. Hành động giết chết nước Mỹ này phải chấm dứt tại đây, ngay tại lúc này.

Chúng ta là một quốc gia, nỗi đau của họ cũng là nỗi đau của chúng ta. Giấc mơ của họ là mơ ước của chúng ta và thành công của họ cũng là thắng lợi của chúng ta. Chúng ta có chung một trái tim, một mái nhà và một số phận vinh quang.

Lời tuyên thệ nhậm chức của tôi hôm nay là lời thề trung thành với toàn thể người dân Mỹ. Trong nhiều thập kỷ, chúng ta đã làm giàu cho các tập đoàn nước ngoài bằng cái giá của nền công nghiệp Mỹ, chi tiền cho quân đội các nước khác trong khi lại để cho quân đội chúng ta cạn kiệt nguồn lực một cách đáng buồn.

Chúng ta bảo vệ biên giới của các nước khác, trong khi không chịu bảo vệ biên giới của chúng ta.

Chúng ta đã chi hàng nghìn và hàng nghìn tỷ USD ở nước ngoài, trong khi cơ sở hạ tầng của nước Mỹ đang rơi vào tình trạng xuống cấp và hư hỏng.

Chúng ta làm giàu cho các nước khác, trong khi sự thịnh vượng, sức mạnh, sự tự tin của đất nước đã tản mát ngoài đường chân trời. Các nhà máy lần lượt đóng cửa và rời khỏi đất nước mà không mảy may nghĩ đến hàng triệu công nhân Mỹ bị bỏ lại phía sau.

Của cải của tầng lớp trung lưu bị tước đoạt khỏi ngôi nhà của họ để rồi phân phát cho khắp thế giới.

Nhưng đó là quá khứ và bây giờ chúng ta chỉ nhìn về tương lai.

Chúng ta tập hợp ở đây hôm nay để dõng dạc đưa ra một sắc lệnh sẽ vang vọng ở mọi thành phố, mọi thủ đô nước ngoài và mỗi trụ sở quyền lực. Từ ngày này về sau, một tầm nhìn mới sẽ dẫn dắt đất nước. Từ nay về sau sẽ chỉ có nước Mỹ trước tiên, lợi ích nước Mỹ được đặt lên hàng đầu.

Mọi quyết định về thương mại, thuế, xuất nhập cảnh và đối ngoại sẽ đều nhằm mang lại lợi ích cho người lao động Mỹ và gia đình Mỹ. Chúng ta phải bảo vệ biên giới khỏi sự tàn phá từ những nước sản xuất sản phẩm của chúng ta, ăn cắp công ty của chúng ta và hủy hoại công việc của chúng ta. Việc bảo hộ hàng nội địa sẽ dẫn đến thịnh vượng và sức mạnh.

Vì các bạn, tôi sẽ chiến đấu không ngừng nghỉ. Và tôi sẽ không bao giờ, không bao giờ làm các bạn thất vọng.

Nước Mỹ sẽ lại chiến thắng và chiến thắng vang dội chưa từng thấy.

Chúng ta sẽ mang việc làm, biên giới, thịnh vượng và những giấc mơ trở lại. Chúng ta sẽ xây dựng những con đường, cầu đường, sân bay, đường hầm và đường sắt mới trên khắp đất nước tuyệt vời của chúng ta. Chúng ta sẽ đưa những người sống bằng trợ cấp trở lại làm việc để xây dựng đất nước bằng chính bàn tay và sức lao động của Mỹ. Chúng ta sẽ thực hiện theo hai quy tắc đơn giản – mua hàng Mỹ và thuê người Mỹ.

Chúng ta sẽ thúc đẩy tình bạn và thiện chí với các quốc gia trên thế giới, nhưng chúng ta làm vậy với sự thấu hiểu rằng tất cả quốc gia đương nhiên phải đặt lợi ích của chính mình lên trước. Chúng ta không tìm cách áp đặt cách sống của mình vào bất cứ ai mà để nó tỏa sáng như một tấm gương. Chúng ta sẽ tỏa sáng cho mọi người noi theo.

Chúng ta sẽ củng cố những liên minh cũ và tạo nên những liên minh mới. Và đoàn kết thế giới văn minh chống lại chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo cực đoan, thứ sẽ bị chúng ta xóa bỏ hoàn toàn khỏi thế giới.

Nền tảng của nền chính trị chúng ta sẽ là sự trung thành tuyệt đối với nước Mỹ và thông qua lòng trung thành của các bạn với đất nước, chúng ta sẽ tìm lại được sự trung thành lẫn nhau.

Khi bạn mở lòng bằng tình yêu nước, sẽ không còn chỗ cho định kiến. Kinh thánh nói với chúng ta rằng “thật tuyệt vời và dễ chịu khi người dân của Chúa sống đoàn kết cùng nhau”. Chúng ta phải nói ra suy nghĩ của mình một cách cởi mở, tranh luận những bất đồng một cách thẳng thắn nhưng luôn theo đuổi sự đoàn kết. Khi nước Mỹ đoàn kết, sẽ không ai có thể cản bước được nước Mỹ.

Chúng ta không nên sợ hãi. Chúng ta được bảo vệ, và chúng ta sẽ luôn được bảo vệ. Chúng ta sẽ được bảo vệ bởi những người lính trong quân đội và lực lượng hành pháp. Và quan trọng nhất, chúng ta được bảo vệ bởi Chúa.

Cuối cùng, chúng ta phải nghĩ lớn và mơ ước còn lớn hơn. Ở nước Mỹ, chúng ta hiểu rằng một quốc gia chỉ tồn tại khi còn cố gắng. Chúng ta sẽ không tiếp tục chấp nhận những chính trị gia chỉ biết nói mà không làm, không ngừng than phiền nhưng chẳng bao giờ làm gì để cải thiện nó.

Thời của những lời nói suông đã qua rồi. Giờ là thời khắc của hành động.

Đừng cho phép bất cứ ai nói với bạn rằng việc đó không thể thực hiện được. Không có thách thức nào có thể so bì được với lòng nhiệt huyết, ý chí và tinh thần chiến đấu của Mỹ. Chúng ta sẽ không thất bại. Đất nước chúng ta sẽ phát triển mạnh mẽ và thịnh vượng trở lại. Chúng ta đang ở thời khắc ra đời của một thiên niên kỷ mới, sẵn sàng mở khóa những bí ẩn của không gian, giải phóng hành tinh khỏi những nỗi đau bệnh tật và khai thác các nguồn năng lượng, công nghiệp và công nghệ của ngày mai.

Một niềm tự hào quốc gia mới sẽ khích lệ bản thân chúng ta, nâng cao tầm nhìn của chúng ta và hàn gắn chia rẽ. Giờ là lúc nhớ đến câu châm ngôn mà binh sĩ của chúng ta sẽ không bao giờ quên – rằng cho dù chúng ta da đen, da nâu hay da trắng, chúng ta đều cùng đổ dòng máu đỏ yêu nước. Chúng ta đều hưởng sự tự do vinh quang giống nhau, tất cả chúng ta đều chào trước lá cờ Mỹ.

Dù là một đứa trẻ được sinh ra ở khu đô thị mới tại Detroit hay vùng đồng bằng lộng gió của Nebraska, chúng đều nhìn lên một bầu trời đêm, mang trong mình những giấc mơ giống nhau và cùng được trao hơi thở sự sống bởi cùng một Đấng Tạo hóa Toàn năng.

Bởi vậy với toàn thể người dân Mỹ trên mọi thành phố gần xa, lớn nhỏ, từ vùng núi tới vùng biển, hãy lắng nghe những lời này – các bạn sẽ không bao giờ bị bỏ quên nữa.

Tiếng nói, hy vọng và giấc mơ của các bạn sẽ định hình số phận của nước Mỹ. Lòng dũng cảm và tử tế cùng tình yêu của các bạn sẽ mãi mãi dẫn dắt chúng ta trên con đường đó.

Cùng nhau, chúng ta sẽ làm nước Mỹ hùng mạnh trở lại.

Chúng ta sẽ làm nước Mỹ giàu có trở lại.

Chúng ta sẽ làm nước Mỹ tự hào trở lại.

Chúng ta sẽ làm nước Mỹ an toàn trở lại.

Và vâng, cùng nhau, chúng ta sẽ làm nước Mỹ vĩ đại trở lại.

Cảm ơn, Chúa phù hộ các bạn, và Chúa phù hộ nước Mỹ.

866421012025






 

Monday, January 20, 2025

Kỷ nguyên mới

Hôm nay là ngày 20 tháng Giêng năm 2025 là ngày Tổng Thống đắc cử nhậm chức, lễ bàn giao sẽ được diễn ra tại Tòa Bạch Ốc ở Washington Dc giữa Tổng Thống mãn nhiệm Joe Biden và Tổng Thống đắc cử Donald Trump.

Người ta tin rằng ông Trump thuộc đảng Cộng Hòa, một đảng bảo thủ, sẽ mang lại hạnh phúc cho toàn dân Mỹ, chẳng những thế còn mang lại hòa bình và thịnh vượng cho thế giới ngày nay nào là chiến tranh nào là thiên tai bão tuyết ở miền Đông, cháy rừng ở miền Tây nước Mỹ.

Chẳng những đa số dân chúng Mỹ mà cả trên thế giới cũng kỳ vọng như thế. Mong rằng những kỳ vọng đó sẽ trở thành hiện thực cho nhiều người được hưởng sự ấm no hạnh phúc.

Theo hiến pháp Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ, mỗi người được bầu giữ chức vụ Tổng Thống chỉ có 2 nhiệm kỳ mà thôi, ông Trump đã có nhiệm kỳ trước 2016-2020 và nhiệm kỳ nầy 2025-2029, vào năm 2030 ông Trump sẽ phải bàn giao cho một Tổng Thống tân nhiệm.

Người Việt đa số ủng hộ ông Trump vì ông dám nói dám làm, làm mà không nhận 1$ lương nào cả !


Donald Trump (1946-20 ..)

Sunday, January 12, 2025

Chuyện sau A Dậu


Hình minh họa

Sau khi chú thím Tư Soạn mất, đất nhà của chú bán cho anh Tư Sến, cả hai người đều là người Hoa. Như chúng ta biết chú thím Tư Soạn là người Hoa, nên A Dậu là người Hoa nhưng sinh đẻ tại Việt Nam. Thuở tôi còn nhỏ từ đầu làng đến cuối làng, cứ chừng 10 nhà là có một nhà người Hoa, anh Tư Sến ấy cha là người Hoa, mẹ là người Việt, mẹ của anh Tư Sến ngày nhỏ tôi xem như là mẹ của tôi, thỉnh thoảng cha tôi chỡ tôi bằng xe đạp hiệu Saint-Etienne, bỏ tôi ở nhà mẹ anh Tư, rồi cha tôi đi đến nhà chú Năm, chú Sáu là em của cô Tư Thiệt trò chuyện, con cô Tư ai cũng lớn cả ngoài anh Tư còn có anh Năm Ỵ, anh Sáu Èm, chị Xi-Tan, không ai trò chuyện hoặc chơi với tôi, nên tôi leo lên võng ngủ một giấc.

Con cô Tư người thứ Hai, thứ Ba tôi không biết, nghe nói ngày xưa, những người Hoa sang Việt Nam có con trai gửi về Tàu để nối dõi tông đường. Có thể con lớn của cô Tư đã được gửi về bên Tàu rồi chăng ?

Nghe nói ngày xưa khi cha tôi tham gia Ban Hội Tề làng Bình Thủy, Tổng Định Thành, huyện Châu Thành, tỉnh Long Xuyên, cha tôi từng giữ chức Hương Quản, trong vụ tranh chấp đất đai, cha tôi theo công tâm xử, anh em cô Tư thắng kiện, nên họ đối xử với gia đình tôi rất tử tế.

Ngày cô Tư mất, gia đình cô Tư có nhờ cha tôi làm cho tấm Triệu, cha tôi thiên bẩm có hoa tai, làm nhiều nghề: làm thợ bạc, làm làng, làm họa sĩ vẽ tranh thờ cúng, thỉnh thoảng cha tôi trị rết cắn, băng bó chữa cho người gãy tay, gãy tay phải thì bó tay trái, gãy tay trái bó tay phải, cách trị nầy khi bó phải đâm một con gà giò và sau khi người ta lành bệnh phải cúng con gà giò, cha tôi chỉ trị cho người thân trong gia đình hay trong họ, vì cha tôi ngại người ngoài quên cúng trả lễ, con cái sẽ bị gãy tay để phải bó và phải cúng mất 2 con gà, lại người nhà bị như thế mất công ăn việc làm vài tháng.

Tôi nhớ chừng 5, 6 năm về trước khi về thăm quê, tôi muốn thăm lại cảnh vật xưa, nên chạy xe xuống nhà anh Năm Èm, lần đó gặp anh Năm và con gái anh Năm. Tôi nhớ khi xưa chị Xi-Tan thích bông tai nhận hột đá do cha tôi làm, chị ấy bảo cô Tư đem một đôi bông đến nhà tôi xin đổi đôi bông mà chị ấy thích. Cha mẹ tôi cũng thương chị Xi-Tan nên bằng lòng cho đổi, chị tôi ganh tị nói: “Con cũng thích đôi bông đó, mà cha má đổi cho nó, làm như nó là con của cha má vậy !” Tôi hỏi về đôi bông tai của chị Xi tan, con gái anh Năm Èm mang cái hộp bánh Biscuit ra cho tôi xem, nào bông tai, nào dây chuyền, nào tấm plaque. Tôi không biết cái nào là bông tai cha tôi đã làm.

Nhớ hồi cha tôi còn sống, ông nói: “Cha có chiếc vòng chạm, chiếc vòng trơn, đôi bông nhận hột và đôi bông trơn là những kỷ niệm về nghề nghiệp của cha ngày xưa, các con giữ gìn làm kỷ niệm.

Sau nầy có một cô gái, mẹ chúng có quen thân với gia đình tôi, cháu làm ăn thua lỗ, nên mượn mấy món nữ trang em tôi cất giữ, nói là để đi đám tiệc, nhưng cô gái ấy đem cầm cố trả nợ, lâu ngày em gái tôi đòi thì đã mất, gia đình tôi biết cô gái ấy là cháu ngoại của cha tôi, nhưng cô gái ấy hoàn toàn không biết. Em gái tôi bỏ qua chuyện nầy.

Tôi bỗng nhiên nhớ tới những căn nhà truyền thống của người dân quê miền Tây, thường nhà có 3 gian, một chái.

Trong ba gian ấy, từ cột cái trở ra trước hay sau, có 3 hàng cột có tên là cột hang nhứt, cột hàng nhì, cột hàng ba.

Từ cột hàng nhứt ở phía trước, người ta làm bộ cửa, phía trong cột hàng nhứt, tức là sau cửa thì người ta bày salon, bàn ăn, tủ kính. Phía sau hàng cột cái gian giữa là bàn thờ, hai gian 2 bên là phòng ngủ, hai bên bàn thờ của gian giữa có chừa 2 lối đi ra gian sau, gian sau là phòng ăn, bếp, kho chứa lúa gạo, mắm, muối ….

Ngày nay khó tìm được gian nhà như thế. Nếu nhà có tiền, người ta cất thêm cái chái bên tay phải hay trái hoặc nối tiếp phía sau.

Mỗi ngày, người thêm đông, đất không thêm cho nên nhà cửa cất phải tóm gọn, nếu muốn có thêm diện tích thì lên lầu.

Ngày xưa nhà gia đình tôi cất bên cạnh nhà ông Phủ hồi hưu, vì ông cố tôi là con nuôi ông Phủ. Khi tôi lên 4, 5 tuổi trong trí tôi còn nhớ được ngôi nhà xưa, nhưng vì đất là đất ông Phủ, nên sau nầy cha tôi phải mua đất đời nhà về chỗ đất mới mua. Nghe nói nhà ông Phủ có lầu, khi tôi 4, 5 tuổi thì nhà ông Phủ không còn, cháu nội ông thu gom căn nhà cũ, cất lại căn nhà khác nhỏ hơn nhà xưa trên nền nhà cũ, nên không có lầu.

Một chút chuyện xưa, còn nhớ được.

866412012025








Saturday, January 11, 2025

Bạn học thời niên thiếu.

Hôm nay Kỷ sư Bùi Minh Chánh gửi ra một tấm ảnh, tấm ảnh ấy tô từng thấy nhiều lần, ảnh chụp vào thập niên 1960, trong sân trường Cao Thắng, chắc dưới thời Kỷ sư Cao Thanh Đảnh làm Hiệu Trưởng, ông Đảnh từng du học ở Pháp, xuất thân từ trường kỷ sư ở Nante.

Thuở trước đa số học sinh Việt Nam được học bổng du học, do Pháp văn không nhuần nhuyển nên không theo học các trường lớn ở Paris và họ thường rủ nhau đến Nante học.

Tấm ảnh ấy của anh Chánh là học sinh kỹ thuật Cao Thắng năm 1957, tôi thi đổ vào Trung học kỹ thuật Cao Thắng năm 1956, lúc đó có tên là Lycée Technique Cao Thăng, tọa lạc tại địa chỉ 65 Đỗ Hữu Vị sau nầy là Huỳnh Thúc Kháng, Phường Bến Nghé, Quận 1, Tp. HCM. Nhưng nhập học tại chi nhánh của Trường Cao Thắng là Trung Học Kỹ Thuật Phan Đình Phùng, tọa lạc trong khuôn viên Nha Kỹ Thuật và Mỹ Thuật Học vụ có địa chỉ số 48 Phan Đình Phùng, nay là Nguyễn Đình Chiểu. Chi nhánh có cổng đi riêng tại số 2 Phạm Đăng Hưng, nay là Mai Thị Lựu, Phường Đa Kao, Quận 1, Tp. HCM.

Theo anh Chánh cho biết: Từ trái qua phải: Nguyễn hồng Tuấn, Ng kim Biên, Lý Thất, Bm Chánh (trong bóng tối không thấy rỏ), Kính (quên họ), Trần bình Đức, Kiệt (con giám thị, quên họ). Hàng dưới: Vỏ trọng Thuận, Đăng v Nam,, Trần v Quan (con thầy Đặng dạy kỹ nghệ hoạ).

Ngoài ra anh Chánh còn gửi thêm tấm ảnh chụp năm 1960, ở bồn hoa nơi có cột cờ trước văn phòng Hiệu Trưởng với ghi chú sau lưng tấm ảnh.

Hàng đứng từ phải sang trái: Hương, Lâm, Tâm, Tấn, Điệp, Hoàng, Trổ
Hàng ngồi sau: Cường, Ráng, Nỉ, Phúc, Chánh, Hơn
Hàng ngồi trước: Đon, Châu, Dương, Ngô, Thanh, Cát, Tâm

Cho rằng hình chụp năm 1960 đến nay (2025) cũng được 65 năm, còn ảnh chụp năm 1957, nay cũng được 68 năm. Bao khuôn mặt thân thương, nhưng kẻ còn người mất, kẻ ở tại quê hương, kẻ lưu vong xứ người. Người trẻ nhất hiện nay còn sinh tiền cũng phải 82 tuổi còn người cao niên hơn như anh Nguyễn Xuân Thới đã 88 cái xuân xanh rồi.

Tôi có cái may mắn, năm ngoái được ngồi chung bàn tâm tình với anh em ở quán ăn 241 có địa chỉ 45 đường Phạm Viết Chánh, Phường Nguyễn Cư Trinh, Quận 1 Tp. HCM, có Trần Xuân Minh, Lâm Văn Tấn,

Từ trái sang phải: Đặng Vĩnh Bữu, Đặng Ngọc Hữu, Nguyễn Văn Hướng, Nguyễn Minh Chiếu, Lâm Văn Tấn, Trần Xuân Minh, Huỳnh Ái Tông

Trong số đó chỉ có Tấn, Minh và tôi cùng nhập học năm 1956, Hữu, Hướng, Chiếu sau 1 năm. Bửu trẻ nhất.

Ngoài ra một dịp khác trước đó ngày 8-12-2024, anh em có họp mặt tại nhà con rể tôi, tôi có mời anh Đinh Bá Phát, nhưng anh bận không đến được, trước đó anh có mời tôi đến nhà anh, tôi phải về Long Xuyên dự đám giỗ mẹ, nên không đến được, đáng tiếc.

Từ trái qua phải: Bửu, Tấn, Minh, Tông, Chiếu, Thới, Hướng (ảnh không rõ)

Những người cao niên như chúng tôi càng ngày càng ít bạn bè tới lui thăm viếng nhau, họp mặt. Cho nên nếu có dịp, nên tạo điều kiên gặp nhau, biết đâu đó là lần sau cùng mình gặp bạn mình. Người xưa nói rằng “Nhân sinh thất thập c lai hy”. Cho nên tôi luôn thích gặp bạn bè và khi có thể tạo điều kiện để gặp lại nhau.

866411012025