Sau khi chú
thím Tư Soạn mất, đất nhà của chú bán cho anh Tư Sến, cả hai người đều là người
Hoa. Như chúng ta biết chú thím Tư Soạn là người Hoa, nên A Dậu là người Hoa
nhưng sinh đẻ tại Việt Nam. Thuở tôi còn nhỏ từ đầu làng đến cuối làng, cứ chừng
10 nhà là có một nhà người Hoa, anh Tư Sến ấy cha là người Hoa, mẹ là người Việt,
mẹ của anh Tư Sến ngày nhỏ tôi xem như là mẹ của tôi, thỉnh thoảng cha tôi chỡ
tôi bằng xe đạp hiệu Echantillon, bỏ tôi ở nhà mẹ anh tư, rồi cha tôi đi đến
nhà chú Năm, chú Sáu là em của cô Tư Thiệt trò chuyện, con cô Tư ai cũng lớn cả
ngoài anh Tư còn có anh Năm Ỵ, anh Sáu Èm, chị Xi-Tanh, không ai trò chuyện hoặc
chơi với tôi, nên tôi leo lên võng ngủ một giấc.
Con cô Tư
người thứ Hai, thứ Ba tôi không biết, nghe nói ngày xưa, những người Hoa sang
Việt Nam có con trai gửi về Tàu để nối dõi tông đường. Có thể con lớn của cô Tư
đã được gửi về bên Tàu rồi chăng ?
Nghe nói ngày
xưa khi cha tôi tham gia Ban Hội Tề làng Bình Thủy, Tổng Định Thành, huyện Châu
Thành, tỉnh Long Xuyên, cha tôi từng giữ chức Hương Quản, trong vụ tranh chấp đất
đai, cha tôi theo công tâm xử cho anh em cô Tư thắng kiện, nên họ đối xử với
gia đình tôi rất tử tế.
Ngày cô Tư mất,
gia đình cô Tư có nhờ cha tôi làm cho tấm Triệu, cha tôi thiên bẩm có hoa tai,
làm nhiều nghề: làm thợ bạc, làm làng, làm họa sĩ vẽ tranh thờ cúng, thỉnh thoảng
cha tôi trị rết cắn, băng bó chữa cho người gãy tay, gãy tay phải thì bó tay trái,
gãy tay trái bó tay phải, cách trị nầy khi bó phải đâm một con gà giò và sau
khi người ta lành bệnh phải cúng con gà giò, cha tôi chỉ trị cho người thân
trong gia đình hay trong họ, vì cha tôi ngại người ngoài quên cúng trả lễ, con
cái sẽ bị gãy tay để phải bó và phải cúng mất 2 con gà, lại người nhà bị như thế
mất công ăn việc làm vài tháng.
Tôi nhớ chừng
5, 6 năm về trước khi về thăm quê, tôi muốn thăm lại cảnh vật xưa, nên chạy xe
xuống nhà anh Năm Èm, lần đó gặp anh Năm và con gái anh Năm. Tôi nhớ khi xưa chị
Xi-Tan thích bông tai nhận hột đá do cha tôi làm, chị ấy bảo cô Tư đem một đôi
bông đến nhà tôi xin đổi đôi bông mà chị ấy thích. Cha mẹ tôi cũng thương chị
Xi-Tan nên bằng lòng cho đổi, chị tôi ganh tị nói: “Con cũng thích đôi bông đó,
mà cha má đổi cho nó, làm như nó là con của cha má vậy !” Tôi hỏi về đôi bông
tai của chị Xi tan, con gái anh Năm Èm mang cái hộp bánh Biscuit ra cho tôi
xem, nào bông tai, nào dây chuyền, nào tấm lacquer. Tôi không biết cái nào là bông
tai cha tôi đã làm.
Nhớ hồi cha
tôi còn sống, ông nói: “Cha có chiếc vòng chạm, chiếc vòng trơn, đôi bông nhận hột
và đôi bông trơn là những kỷ niệm về nghề nghiệp của cha ngày xưa, các con giữ
gìn làm kỷ niệm.
Sau nầy có một
cô gái, mẹ chúng có quen thân với gia đình tôi, cháu làm ăn thua lỗ, nên mượn mấy
món nữ trang em tôi cất giữ, nói là để đi đám tiệc, nhưng cô gái ấy đem cầm cố
trả nợ, lâu ngày em gái tôi đòi thì đã mất, gia đình tôi biết cô gái ấy là cháu
ngoại của cha tôi, nhưng cô gái ấy hoàn toàn không biết. Em gái tôi bỏ qua chuyện
nầy.
Tôi bỗng nhiên
nhớ tới những căn nhà truyền thống của người dân quê miền Tây, thường nhà có 3
gian, một chái.
Trong ba
gian ấy, từ cột cái trở ra trước hay sau, có 3 hàng cột có tên là cột hang nhứt,
cột hàng nhì, cột hàng ba.
Từ cột hàng nhứt,
người ta làm bộ cửa, phía trong cột hàng nhứt, tức là sau cửa thì người ta bày salon,
bàn ăn, tủ kính. Phía sau hàng cột cái gian giữa là bàn thờ, hai gian 2 bên là
phòng ngủ, hai bên bàn thờ của gian giữa có chừa 2 lối đi ra gian sau, gian sau
là phòng ăn, bếp, kho chứa lúa gạo, mắm, muối ….
Ngày nay khó
tìm được gian nhà như thế. Nếu nhà có tiền, người ta cất thêm cái chái bên tay
phải hay trái hoặc nối tiếp phía sau.
Mỗi ngày,
người thêm đông, đất không thêm cho nên nhà cửa cất phải tóm gọn, nếu muốn có thêm
diện tích thì lên lầu.
Ngày xưa nhà
gia đình tôi cất bên cạnh nhà ông Phủ hồi hưu, vì ông cố tôi là con nuôi ông Phủ.
Khi tôi lên 4, 5 tuổi trong trí tôi còn nhớ được ngôi nhà xưa, nhưng vì đất là
đất ông Phủ, nên sau nầy cha tôi phải mua đất đời nhà về chỗ đất mới mua. Nghe
nói nhà ông Phủ có lầu, khi tôi 4, 5 tuổi thì nhà ông Phủ không còn, cháu nội ông
thu gom căn nhà cũ, cất lại căn nhà khác nhỏ hơn nhà xưa trên nền nhà cũ, nên
không có lầu.
Một chút nhớ
chuyện xưa, còn nhớ được.
866412012025
No comments:
Post a Comment