Pages

Sunday, August 29, 2010

Tôi theo học Ban Cao Đẳng Sư Phạm Kỹ Thuật

HTML clipboard
-->
Tôi thi rớt vào Trường Kỷ sư Công Nghệ, thật ra thì tôi bỏ thi đúng hơn. Lý do: Sau một ngày thi viết đã qua, ngày thứ hai thi thực hành vẽ kỹ nghệ họa vào buổi chiều và ngày hôm sau nữa thi Công tác xưởng. Vì buổi sáng không thi nên tôi đi chơi, về nhà ăn cơm, ngủ một giấc, sau khi thức dậy đẩy xe Vélo Solex ra đi thi, xe bổng chướng không nổ máy, chạy đi tìm chỗ sửa, người thợ hì hục sửa bộ phận điện, bơm xăng … cuối cùng xe vẫn không chịu nổ máy, nhìn lại đồng hồ đeo tay, còn 15 phút phải đạp từ chợ Hòa Hưng lên Ngã tư Bảy Hiền, rồi chạy đến Trung tâm Quốc Gia Kỹ thuật Phú Thọ ít ra cũng mất đến nửa giờ, thế là quá trễ giờ thi, cho nên tôi bỏ thi.

Tuần sau thi vào Cao Đẳng Sư Phạm Kỹ Thuật, Trường lấy vào 10 người, tôi đứng hạng thứ 12, tôi xin học dự thính, Trường chấp thuận, cuối cùng chỉ có 6 người theo học, tôi được lấy vào chánh thức. Học Sư Phạm cầm bằng mình sẽ ra Trường, nên tôi vừa học vừa chơi, có lần tôi bỏ học cả tuần để đi Huế, đi Quảng Trị chơi năm 1965. Nên khi ra Trường tôi đứng hạng thứ ba, hai anh ưu tiên hơn tôi một anh chọn về Trường Kỹ Thuật Long Xuyên vì bạn gái của anh đang làm y tá ở Bệnh viện Long Xuyên, anh thứ hai chọ Trường Kỹ Thuật Vĩnh Long, tôi chọn Trường Kỹ Thuật Ban Mê Thuột, anh kế tôi phải chọn xa hơn nữa là Trường Kỹ Thuật Đà Nẳng. Còn lại 2 người không có nhu cầu nên Trường giữ lại, học thêm 2 năm nữa ra Giáo sư Chuyên nghiệp Đệ nhị cấp.

Vào năm 1957 hay 58, thời ông kỷ sư cầu cống Trần Văn Bạch làm Giám Đốc Nha Kỹ Thuật Và Mỹ Thuật Học Vụ, tôi học lớp Đệ lục hay Đệ ngũ trường Kỹ Thuật Cao Thắng, được nhà trường điều động lên Trung Tâm Quốc Gia Kỹ Thuật Phú Thọ để làm hàng rào danh dự, chào đón ông Bộ Trưởng Bộ Giáo Dục đến chủ tọa lễ đặt viên đá đầu tiên, xây cất Trường Bách Khoa Trung Cấp Phú Thọ.

Hình như cũng trong thời gian đó, trường Quốc Gia Thương Mại được thành lập do ông Phan Hữu Tạt làm Hiệu Trưởng và Trường Nữ Công Gia Chánh do bà Nữ phu nhân của Giám Thị Cao Thắng Nguyễn Văn Tập làm Hiệu Trưởng, cả hai trường dùng các lớp học trong khuôn viên Nha Kỹ Thuật và Mỹ Thuật Học Vụ để giảng dạy.

Đến năm 1960, Trường Bách Khoa Trung Cấp xây cất xong, thu nhận khóa đầu tiên theo học, gồm học sinh các Trường Cao Thắng và Thực Nghiệp thi tuyển vào, các trường Thương Mại và Nữ Công Gia Chánh cũng được dời về Trường Bách Khoa Trung Cấp, mỗi Trường này chiếm một dãi lớp gồm hai tầng lầu.

Năm 1962, dưới thời Kỷ sư Nguyễn Được làm Giám Đốc Nha Kỹ Thuật Học Vụ, Ban Cao Đẳng Sư Phạm được thành lập, Ban này do ông Trần Lưu Cung kỷ sư viễn thông, Phụ tá Giám Đốc Nha làm Giám Đốc Ban này, kiêm Giám Đốc Trường Bách Khoa Trung Cấp, Ban Cao Đẳng dùng chung cơ sở của Trường Bách Khoa Trung Cấp để đào tạo Giáo sư Chuyên Nghiệp Đệ Nhất và Đệ Nhị Cấp, gồm các Ban: Khoa Học Áp Dụng, Kỹ Nghệ Họa, Máy Dụng Cụ, Điện Lạnh, Điện tử, Kỹ Nghệ Sắt, Kỹ Nghệ Gỗ, đến năm 1964 mới mở thêm Ban Nữ Công Gia Chánh và Thương Mại.

Ban Cao Đẳng Sư Phạm Kỹ Thuật là hệ Cao Đẳng như Cao Đẳng Công Chánh, Cao Đẳng Điện, Cao Đẳng Hóa Học, chuyên đào tạo Trung cấp và Đại Học, nhưng Cao Đẳng Sư Phạm Kỹ Thuật không chính thức là một Trường Cao Đẳng, nó chỉ là Ban Cao Đẳng, trực thuộc Nha Kỹ Thuật Học Vụ, sinh viên tốt nghiệp 2 năm, chỉ số 320 và tốt nghiệp 4 năm, chỉ số 480. Mãi đến năm 1972, Ban Cao Đẳng Sư Phạm Kỹ Thuật mới có cơ sở riêng ở Thủ Đức với tên Trung Tâm Giáo Dục Kỹ Thuật Nguyễn Trường Tộ. Năm 1974, được cải danh Trường Đại Học Giáo Dục Thủ Đức.
Năm đầu tiên, tôi học Toán với giáo sư Vũ Mộng Hà, Anh Văn giáo sư Phạm Văn Rao, vốn là giáo sư Cao Thắng, Công tác Xưởng học Kỹ Nghệ Gỗ với giáo sư Trần Minh Hoàng, Cơ Học kỷ sư Tôn Thất Tiêu, Kỹ Nghệ Họa 20 giờ/tuần học với kỷ sư Trần Thế Can, hồi ở Cao Thắng, tôi đã học với ông về Kỹ Nghệ Họa 5 giờ/tuần và Đại số.

Tôi không nhớ rõ lắm, nhưng mỗi tuần chúng tôi học chừng 40 giờ và mỗi sinh viên đường nhiên có học bổng hàng tháng một ngàn đồng.

Những ngày đầu, kể cả tôi, gồm có 9, 10 người theo học, trong đó có một số lại đỗ vào Kỹ sư Công nghệ, ai cũng muốn học kỷ sư, nhưng theo học kỷ sư mất 4 năm, còn Ban Kỹ Nghệ Họa chúng tôi năm đó chỉ lấy 10 người, học 2 năm, mỗi tháng đều có học bổng, cho nên có người học vài ngày rồi bỏ để theo học Kỷ sư Công nghệ, riêng chỉ có anh Nguyễn Văn Bài bỏ kỷ sư, theo học sư phạm; theo tôi, anh vì hoàn cảnh gia đình.

Lớp chúng tôi gồm có: Nguyễn Văn Bài, Phạm Văn Đước, Nguyễn Hữu Lộc, Lương Văn Nhơn, Trịnh Như Tích và tôi. Riêng Trịnh Như Tích là học sinh tốt nghiệp Tú Tài 2 phổ thông thi vào, phải nói là chúng tôi thật sự không hiểu vì sao anh đã đậu, tính ra chúng tôi đã học 7 năm Kỹ nghệ họa, mỗi tuần từ 4 giờ ở Đệ Nhất Cấp và 5 giờ ở Đệ Nhị Cấp, vị chi ít nhất phải học từ A đến Z chừng 800 giờ. Vậy mà anh Trịnh Như Tích lại trúng tuyển môn thi anh không học có hệ số 4 !

Trước khi chúng tôi vào học, Ban Kỹ Nghệ Họa có đến 2 giáo sư của Trường Đại Học Southern Illinois University, gọi tắc là phái đoàn SIU, sang dạy, lúc chúng tôi mới vào học, 2 giáo sư này hết hạn, đang chuẩn bị về nước, riêng Xưởng Kỹ Nghệ Gỗ vẫn còn một giáo sư cố vấn Mỹ.

Trong môn chính học Kỹ Nghệ Họa, ngoài việc học vẽ, kỹ thuật học, chúng tôi còn phải dịch các tài liệu kỹ thuật từ sách báo Mỹ ra Việt Văn, sau khi dịch xong, in Ditto ra phát cho mỗi người một bản để người dịch trình bày và cả lớp cùng thảo luận, một là nhằm mục đích tập cho sinh viên dịch tài liệu, hai là tập thuyết trình cũng là hai thứ chánh yếu cần thiết để giảng dạy sau này.

Ngày đó đã có Ronéo, Photocopy rất giới hạn, in Ditto cũng gần giống như in thạch hay in bột. Trên một tờ giấy để in Ditto, người ta tráng lên một lớp hóa chất chứa phẩm màu tím, rồi dùng tờ giấy khác che lại, không cho tiếp xúc với giấy hay vật khác. Muốn in người ta dùng cây bút đặt biệt đầu nhọn, tròn như hòn bi, viết lên mặt trước của tờ giấy tráng phẩm tím, nó sẽ kẻ lên tờ giấy bên kia màu tím những gì ta viết, vẽ hay đánh máy, sau đó đem tờ giấy có in những gì ta viết vẽ hay đánh máy, dán lên ống trụ của máy Ditto, khi máy chạy alcohol sẽ thấm vào tờ giấy này, nó sẽ in qua ống trụ khác, các chữ số sẽ ngược đi, ống trụ này sẽ lăn qua tờ giấy trắng, in lại những hình, chữ số sẽ thuận trở lại, giống như mấy chục năm trước, khoảng năm 1945, muốn in truyền đơn, người ta in thạch hay bột vậy.

Năm thứ hai, chúng tôi học Kỹ Nghệ Họa với kỷ sư Nguyễn Năng Cường, Anh Văn với giáo sư Nguyễn Hoàng Trinh, Máy Dụng Cụ với giáo sư Nguyễn Văn Giáp, Toán với kỷ sư Trần Lưu Cung, Cơ Học cũng với giáo sư Tôn Thất Tiêu, Sư Phạm với Thanh Tra Văn Văn Đây.

Trong một lần bầu cử Ban Đại Diện Sinh Viên Ban Cao Đẳng Sư Phạm Kỹ Thuật, có hai liên danh, tôi được anh chị em mời vào một liên danh gồm có 5 người, nay tôi đã quên gồm những ai, chỉ nhớ trong đó có chị Triệu Thị Chơi Nữ Công Gia Chánh, chị dễ nhớ vì chồng chị anh Trần Phát Lạc ra khóa đầu tiên Ban Kỹ Nghệ Họa Cao Đẳng Sư Phạm Kỹ Thuật. Liên danh chúng tôi thất cử, liên danh kia đắc cử có anh Phạm Văn Tài sau làm Hiệu Trưởng Trường Kỹ Thuật Nguyễn Trường Tộ, người đã đề bạt tôi làm Hiệu Trưởng Trường này kế nhiệm anh.

Tôi nhớ trong thời gian này, sinh viên có những cuộc biểu tình, bày tỏ lập trường với chánh phủ và sinh viên Ban Cao Đẳng Sư Phạm Kỹ Thuật đã họp Đại Hội Đồng để Bất tín nhiệm Tổng Hội Sinh Viên Sàigòn và Ban Đại Diện Sinh Viên Cao Đẳng Sư Phạm Kỹ Thuật do Nguyễn Minh Sử làm Trưởng Ban Đại Diện.

Tôi muốn nói thêm một chút về anh Nguyễn Minh Sử, sau khi tốt nghiệp 2 năm, anh không đi nhận nhiệm sở, ở lại tiếp tục học 4 năm để ra giáo sư đệ nhị cấp. Sau này đi làm anh là Công Cán Ủy Viên của Tổng Trưởng Giáo Dục Ngô Khắc Tỉnh, anh được đi học trường Đại Học Quốc Phòng số 2 đại lộ Thống Nhất, Trường dành cho Sĩ Quan cao cấp và Hành chánh từ Giám Đốc trở lên.

Có lần Bộ Giáo Dục họp, Tổng Trưởng bận công vụ không thể chủ tọa, Nguyễn Minh Sử thay thế Tổng Trưởng Giáo Dục chủ tọa, tham dự có các Thứ Trưởng, các Giám Đốc, trong đó có Thứ Trưởng Trần Lưu Cung vốn là Thầy và là Giám Đốc Trường đào tạo nghề giáo của anh vài năm trước đó.

Sau 1975, khoảng năm 1980, Nguyễn Minh Sử làm Trưởng phòng Giáo Vụ của Trường Lê Thị Hồng Gấm, tại Sàigòn.

Anh có xuất bản một quyển sách nhỏ, hướng dẫn phương pháp làm Luận án tốt nghiệp của Sinh viên. Anh quả thật có tài “Gặp thời thế, thế thời phải thế!”

Trong các nữ sinh viên Sư Phạm thời đó, hình như có người đẹp Hoàng Lan sau kết duyên với Trưởng Ty điện lực Tây Ninh ? Cô Huyền tên xứng danh với nước da của cô, cũng nổi tiếng vì có duyên hơn là đẹp.

Cầm bằng như học hết chương trình rồi sẽ ra Trường đi dạy, nên tôi học cầm chừng, có lúc tôi bỏ học cả tuần để đi Huế chơi. Còn hang ngày sau khi hết giờ học, tôi chạy tới chùa Xá Lợi để theo học tại Phân Khoa Văn Học và Khoa Học Nhân Văn của Đại Học Vạn Hạnh mới mở, nên khi ra Trường, tôi đứng hạng ba trong số bốn người tốt nghiệp năm đó gồm có: Nguyễn Văn Bài (đã mất ở VN), Lương Văn Nhơn (Ohio), tôi (Kentucky) và Trịnh Như Tích (California).

Mỗi sinh viên Ban Cao Đẳng Sư Phạm ra Trường đều có làm một Luận án tốt nghiệp. Luận án của tôi trình bày về Bánh xe răng khoảng 30 trang đánh máy.

Hai năm học Sư Phạm Kỹ Thuật, trôi qua lặng lẽ trong đời, nơi đây tôi học tập được nhiều điều hay để đem ra thực hành giảng dạy sau này, tôi cũng rút ra được những kinh nghiệm để dịch và viết sách kỹ thuật bán cho nhà sách Khai Trí. Một nhà sách đứng thứ nhất trong những nhà xuất bản danh tiếng thời bấy giờ tại Thủ đô Sàigòn.

21-2-2009
HTML clipboard
-->

Tôi Học Đại Học Vạn Hạnh

HTML clipboard

Sau khi vào học Cao Đẳng Sư Phạm, một tuần có đến 28 giờ thực hành, trên 10 giờ học Toán, Sinh ngữ … nên còn nhiều thì giờ rãnh, lúc đó Viện Đại Học Vạn Hạnh mới mở, tôi rũ vài bạn học cùng lớp ghi danh theo học tại Phân Khoa Văn Học và Khoa Học Nhân Văn, mặc dù tôi biết có Phân Khoa Phật Học, dù là một Phật tử nhưng tôi thích học Văn Khoa hơn, vì hồi còn nhỏ tôi đã mê đọc tạp chí Tiểu Thuyết Thứ Bảy, lớn lên một chút đọc các tiểu thuyết của Tự Lực Văn Đoàn.

Tôi nhớ cũng có vài anh ở Cao Đẳng Sư Phạm Kỹ Thuật cùng ghi danh học với tôi, nhưng qua một mùa học thì chỉ còn lại mình tôi thôi.

Tưởng cũng cần nhắc lại, sau khi Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất được thành lập, Giáo Hội tiến tới việc xây dựng cơ sở vật chất là Việt Nam Quốc Tự tại số 16 đường Trần Quốc Toản, có chương trình đào tạo Tăng tài như thành lập Viện Cao Đẳng Phật Học, mượn chùa Pháp Hội làm văn phòng và lớp học, Viện do Hòa Thượng Thích Trí Thủ làm Giám Đốc.

Sau đó, Giáo Hội xin phép chính phủ thành lập Viện Đại Học Vạn Hạnh, cử Thượng Tọa Thích Minh Châu làm Viện Trưởng, ông Hồ Hữu Tường Phó Viện Trưởng, ông Trần Quang Thuận Tổng Thư ký, thành lập thêm Phân khoa Văn Học và Khoa Học Nhân Văn do Đại Đức Thích Thiên Ân, tốt nghiệp tiến sĩ văn chương ở Nhật làm Khoa Trưởng, mượn cơ sở chùa Xá Lợi của Hội Phật Học Nam Việt làm văn phòng và lớp học. Thành lập Trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội do Thượng Tọa Thích Nhất Hạnh làm Giám Đốc, mượn chùa Ấn Quang làm trụ sở văn phòng và lớp học. Viện Cao Đẳng Phật Học trở thành Phân Khoa Phật Học vẫn đặt Văn phòng và các lớp học tại chùa Pháp Hội

Viện Đại Học Vạn Hạnh mượn một dãy nhà của chùa Pháp Hội làm văn phòng, dãy nhà này gồm có 3 tầng, tầng dưới làm phòng hành chánh, Văn phòng Phân khoa Phật Học, tầng giữa văn phòng Viện Trưởng, Phó Viện trưởng, Tổng Thư ký, tầng trên có dành một phòng cho Thầy Nhất Hạnh ở, Thượng Tọa Viện Trưởng ở phía sau Chánh điện chùa Pháp Hội, đó là tầng lầu như chùa Xá Lợi.

Vì theo học Phân khoa Văn Học và Khoa Học Nhân Văn nên tôi còn nhớ khai giảng niên khóa đầu tiên năm 1964-1965 tại Giảng đường chùa Xá Lợi, văn phòng gồm có ông Nguyễn Văn Tần làm Trưởng phòng hành chánh và học vụ, ông là tác giả của những quyển Lịch sử Nhật Bản do cơ sở Tự Do xuất bản, có cô Dung làm thư ký, về học phí Sinh viên đóng tiền tại Ngân hàng, cô thư ký này chỉ lo sổ sách giấy tờ, phân phát bài vở cho những sinh viên có mua bài học.

Các lớp học tổ chức vào 6 giờ chiều trở đi. Giáo sư Phân khoa này có ông Nguyễn Đăng Thục dạy Triết Đông, Thầy Nhất Hạnh dạy Tôn giáo tỉ giảo học, ông Mai Thọ Truyền dạy Tôn giáo học, giáo sư Nghiêm Thẩm dạy Thẩm Mỹ học, giáo sư Nguyễn Khắc Kham dạy về Cổ văn Việt Nam, giáo sư Nguyễn Văn Kiết dạy về Triết Tây Phương, giáo sư Phạm Cao Dương dạy về Sử học, ông Hồ Hữu Tường dạy về Xã hội học, về sau còn có giáo sư Lê Tôn Nghiêm dạy về Triết Tây, giáo sư Lê Thành Trị dạy triết học Hiện sinh Descartes, ông Thu Giang Nguyễn Duy Cần dạy về Triết Đông, giáo sư Phan Hồng Lạc dạy Hán Văn…

Thoạt đầu, Viện Đại Học Vạn Hạnh áp dụng chế độ học theo Tín chỉ, một năm chia ra làm hai mùa học: Khóa mùa Xuân và khóa mùa Thu, muốn lấy bằng Cử Nhân phải có 8 Tín chỉ.

Trong năm đầu tiên ông Hồ Hữu Tường mượn chù Ấn Quang và nhờ Đào Mộng Nam mở dạy một lớp Sơ Cấp miễn phí “Hán Văn Cơ Bản”, trong lớp này có rất nhiều người theo học, trong đó có cô con gái ồ Hữu Tường chừng 15 hay 16 tuổi, nghe nói cô ấy biết cả ngoại ngữ La Tinh.

Nếu tôi nhớ không lầm thì vào buổi sáng ngày 12 tháng Giêng năm 1965, lễ đặt viên đá đầu tiên xây dựng các cơ sở Viện Đại Học Vạn Hạnh tọa lạc tại số 222 Trương Minh Giảng, Quận Ba, Sàigòn. Khu đất này của Dược sĩ Nguyễn Cao Thăng hiến cho Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất. Để chuẩn bị cho buổi lễ, nơi đây xây dựng hai khán đài, một khán đài chính nhìn ra đường Trương Minh Giảng, một khán đài phụ, dựng cập theo con hẻm, bên kia con đường hẻm là chùa Pháp Hoa của Thượng Tọa Tuệ Hải, chùa cất dọc theo kinh Nhiêu Lộc.

Tôi không nhớ rõ quan khách gồm có những ai, dĩ nhiên là có đại diện Bộ Giáo Dục, chư Tăng Viện Hóa Đạo, Thượng Tọa Viện Trưởng Thích Minh Châu, quý vị Khoa trưởng, Giám Đốc, Giáo sư các Phân khoa Phật Học, Văn Học và Khoa Học Nhân Văn, Trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội, quan khách ngồi ở khán đài chính, còn sinh viên ngồi ở khán đài phụ.

Buổi lễ tổ chức đơn giản, cũng chào cờ, diễn văn, đặt viên đá … sau khi lễ xong, hình như tự phát, sinh viên tham dự lễ thành lập liên danh tranh cử Ban Chấp Hành Tổng Hội Sinh Viên Vạn Hạnh, mọi người đều hăng hái tham gia hay cổ động tranh cử tuy không có bích chương, truyền đơn quảng bá, nhưng buổi tranh cử diễn ra không kém sôi nổi ngay tại khán đài này.

Tôi được Đại Đức Thích Chơn Thiện mời vào liên danh - Đại Đức Thích Chơn Thiện biết tôi là một Huynh Trưởng Gia Đình Phật Tử quen thân với anh của Đại Đức cũng là Huynh Trưởng – và Đại Đức nhờ tôi giới thiệu thêm người, tôi đã giới thiệu Huynh Trưởng Nguyễn Đình Nam vốn là học sinh cùng trường Kỹ Thuật Cao Thắng với tôi.

Sau khi bầu cử, liên danh chúng tôi đắc cử, sau đó liên danh sắp xếp các chức vụ trong Ban Chấp hành như sau:

- Luật sư Trần Tiến Tự, SV Phật khoa Chủ tịch
- Đại Đức Thích Chơn Thiện, SV Phật khoa Phó Chủ Tịch Ngoại vụ
- Huỳnh Ái Tông, SV VK&KHNV Phó chủ tịch Nội vụ
- Trần Thiện Bật, SV Phật khoa Tổng thư ký
- Nguyễn Đình Nam, SV Phật khoa Phó Tổng thư ký
- Nguyễn Thị Nghĩa, SV Phật khoa Thủ quỹ.

Tổng Hội Sinh Viên Vạn Hạnh được Viện cho đặt văn phòng chung với Tòa Viện Trưởng, tức là trên tầng lầu một. Ban Chấp Hành được Viện trang bị cho một chiếc bàn, khi dọn những ngăn kéo, tôi mới biết đó là bàn làm việc của Tổng Thư Ký Viện, ông Trần Quang Thuận vừa mới từ chức và ông Nguyễn Văn Minh lên thay, không hiểu vì lý do chi, ông Minh đã không dùng cái bàn ấy để làm việc, nhờ đó Ban Chấp hành được một cái bàn làm việc có bề thế.

Việc đầu tiên và quan trọng hơn hết là Ban Chấp Hành cần soạn thảo Điều Lệ cho Tổng Hội Sinh Viên Vạn Hạnh, tôi được Ban Chấp Hành ủy nhiệm thành lập Ủy ban soạn thảo bản Điều Lệ, Ủy ban này gồm có đại diện của các Phân khoa. Theo gợi ý ban đầu, Ban Chấp Hành Tổng Hội Sinh Viên Vạn Hạnh là cơ quan thống nhất Sinh Viên Vạn Hạnh, sinh viên bầu trực tiếp Tổng Hội, Tổng Hội điều hành các ban Đại Diện Phân Khoa. Từ đó Ủy ban chúng tôi đã họp nhiều phiên họp, trong đó có anh Đồng (PK), chị Lan (VK), một sinh viên rất đẹp và rất tích cực hoạt động, mỗi tuần họp một kỳ, hơn một tháng mới hoàn tất Bản Điều Lệ để Tổng Hội Sinh Viên ban hành.

Gần đến Hè năm 1965, Tổng Hội Sinh Viên Vạn Hạnh, được thư của anh Vĩnh Kha, Chủ Tịch Tổng Hội Sinh Viên Quốc Gia Việt Nam, triệu tập Đại Hội các Tổng Hội Sinh Viên Huế, Sàigòn, Đà Lạt, Vạn Hạnh để bầu lại Ban Chấp hành cho nhiệm kỳ mới.

Ban Chấp Hành Tổng Hội Sinh Viên Vạn Hạnh cử một phái đoàn phó hội gồm có:

- Bác sĩ Trần Tiến Trâm, Cố Vấn
- Trần Tiến Tự Trưởng Đoàn
- Thích Chơn Thiện Phó Đoàn
- Huỳnh Ái Tông Phó Đoàn
- Trần Thiện Bật Thư ký

Vì không có quỹ, nên phải nhờ ông Hồ Hữu Tường, Phó Viện Trưởng có con trai là Kỷ sư Hồ Xích Tú làm Phó Tổng Giám Đốc Hàng Không Việt Nam, can thiệp xin cho chúng tôi năm vé phi cơ khứ hồi của Hàng Không Việt Nam đi từ Sàigòn đến Huế.

Phái đoàn Tổng Hội Sinh Viên Vạn Hạnh ra Huế sớm hơn vài hôm, vì sớm quá nên Tổng Hội Sinh Viên Huế chưa lo kịp chỗ ăn ở, do đó hôm đầu tiên chúng tôi phải trú ngụ ở chùa Tường Vân của Hòa Thượng Thích Tịnh Khiết, đương kiêm Tăng Thống Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, ngài là bổn sư của Thầy Chơn Thiện, còn anh Trần Tiến Tự về nhà của anh trong Thành nội.

Hôm sau, trong khi chờ đợi Tổng Hội Sinh Viên thu xếp chỗ ăn ở của Phái đoàn, Thầy Chơn Thiện nhờ một bác Phật tử có xe Peugeot đưa chúng tôi đi ăn bánh bèo Vĩ Dạ, người ta thường bảo đến Huế mà chưa ăn bánh bèo Vĩ Dạ, cơm Âm phủ, quên mua Tré, nem chua, nón lá bài thơ, chưa nhìn cảnh nữ sinh Đồng Khánh đi qua cầu Tràng Tiền khi tan học về thì cũng như chưa đến Huế, người có tâm hồn hơn bảo đến Huế mà chưa ngủ đò trên song Hương cũng còn thiếu dù đã vào Đại Nội hay đã viếng lăng tẩm các vua.

Nói đến Vĩ Dạ, chúng ta không thể nào không nhắc đến chuyện vì người đẹp Hoàng Thị Kim Cúc, sau làm Tổng Giám Thị Trường Đồng Khánh, đã mất vì tai nạn tại Sàigòn ngày 3-2-1989, ông đã dụng tứ làm bài thơ nổi tiếng sau đây:

Sao anh không về chơi thôn Vỹ ?
Nhìn nắng hàng cau, nắng mới lên.
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc,
Lá trúc che ngang mặt chữ điền.

*

Gió theo lối gió, mây đường mây,
Giòng nước buồn thiu, hoa bắp lay.
Thuyền ai đậu bến sông trăng đó ?
Có chở trăng về kịp tối nay ?

*

Mơ khách đường xa, khách đường xa,
Áo em trắng quá nhìn không ra.
Ở đây sương khói mờ nhân ảnh,
Ai biết tình ai có đậm đà.

Chiều hôm đó, chúng tôi được dành cho hai phòng ngủ ở khách sạn Hương Giang trên đường Phan Bội Châu, một phòng Bác sĩ Trâm và anh Bật ở, phòng còn lại anh Tự và tôi, nhưng anh Tự ra tới Huế là về nhà, cho nên anh chẳng cần ở khách sạn, ở đó gần chợ Đông Ba, bước vài bước ra chợ ăn sáng, trưa, chiều, tối cũng tiện cho. Riêng Thầy Chơn Thiện thì về ở chùa.

Tối hôm ấy, chúng tôi được Ban Chấp Hành Tổng Hội mời đi ăn cơm Âm phủ, nơi ấy nghe nói ở cạnh sân vận động, ăn cơm vào buổi tối đèn đuốc lờ mờ, tối tăm như cõi âm, nên mới có tên là cơm Âm phủ, bửa ăn có các anh Vĩnh Kha, anh Kiêm, anh Tuấn, anh Phước, phía chúng tôi không có Thầy Chơn Thiện.

Sáng hôm sau, anh Tự hướng dẫn ba chúng tôi đi với anh đến Viện Đại Học Huế, thăm xã giao ông Viện Trưởng Bùi Tường Huân, ông Huân và anh Tự có quen biết nhau trước nên cuộc thăm viếng rất cỡi mở, thân tình. Rời văn phòng Viện Trưởng, chúng tôi trở lại cầu Đông Ba để vào thăm Thành nội, trên đường đi, có ghé ngang nhà anh Tự, một ngôi nhà trang trí nhiều đồ xưa nào bàn, ghế, bình phong … đều là những thứ chạm trổ, gỗ quí. Rồi chúng tôi đến cửa Ngọ môn, leo lên trên vào buổi trưa, gió hiu hiu thổi, chỉ muốn nằm ngủ một giấc nhưng lúc ấy người nhà anh Tự tìm đến, trao cho anh một bức điện tín, anh xé ra xem và cho chúng tôi biết, anh có việc nhà phải về Sàigòn gắp. Anh tuyên bố trao quyền Trưởng phái đoàn phó hội cho tôi.

Tưởng anh làm Trưởng đoàn và Thổ công để đưa chúng tôi thăm viếng các nơi trong Thành nội, nay anh về Sàigòn gấp, không có người hướng dẫn, chúng tôi không còn hứng thú để đi thăm viếng thêm nên trở về khách sạn chờ phái đoàn Tổng Hội Sinh Viên Sàigòn và Đà Lạt ra để hôm sau Đại Hội.

Chiều hôm đó, được tin Phái đoàn Đà lạt đã ra đến Huế, được bố trí ở Morin, nhưng Phái đoàn Sàigòn chưa ra, họ liên lạc và cuối cùng được Tổng Hội Sinh Viên Sàigòn cho họ biết là không ra tham dự Đại hội. Trước tình hình đó, Phái đoàn chúng tôi thảo luận và có nhận định rằng Tổng Hội Sinh Viên Sàigòn biết Tổng Hội Sinh Viên Huế và Vạn Hạnh đã liên kết với nhau, họ khó giành được chức Chủ tịch Tổng Hội Sinh Viên Quốc Gia Việt Nam nên không ra phó hội và Vĩnh Kha đã mãn nhiệm, nếu không bầu được Ban Chấp Hành cho nhiệm kỳ mới, thì không Ban Chấp Hành nào được quyền tuyên bố là Đại Diện cho Sinh Viên toàn quốc, cho nên Phái đoàn chúng tôi đề nghị ba phái đoàn Sinh Viên họp lại ra một thông báo chung là không có bất kỳ cá nhân hay đoàn thể nào được quyền thay mặt cho Sinh viên toàn quốc để tuyên bố bất cứ điều gì.

Do vậy, ba phái đoàn Tổng Hội Sinh Viên của ba Viện Đại Học đã họp và ra thông báo chung nội dung gồm có chấp nhận mãn nhiệm của Ban Chấp Hành Tổng Hội Sinh Viên Quốc Gia, trong thời gian chưa bầu được Ban Chấp Hành cho nhiệm kỳ mới thì không có bất cứ tổ chức Sinh Viên hay Sinh Viên nào có quyền đại diện cho Sinh Viên Quốc Gia Việt Nam.

Mấy hôm sau về Sàigòn, chúng tôi có gửi đến tất cả Nhật báo tại Thủ đô để nhờ đăng tải thông báo chung này.

Tôi nhớ trong khoảng thời gian Tổng Hội Sinh Viên Vạn Hạnh ở Huế, có ngày Chủ Tịch Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia Trung tướng Nguyễn Văn Thiệu và Chủ tịch Ủy Ban hành Pháp Trung Ương Thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ ra Huế, được Thiếu tướng Nguyễn Chánh Thi, Tư lệnh Vùng I tổ chức cuộc đón tiếp tại rạp hát trên đường Phan Bội Châu. Phái đoàn chúng tôi có dự nghe cuộc nói chuyện này, khi gần chấm dứt thì các anh Tổng Hội Sinh Viên Huế nói riêng với chúng tôi: "Bây giờ mời các anh đi ra trước và nên tránh khỏi nơi đây, để chúng tôi bắt đầu làm việc."

Khi ra khỏi rạp hát, chúng tôi đã thấy nhiều chiếc xe bus dàn trước cửa rạp hát, quần chúng và Sinh viên Huế chuẩn bị biểu tình phản đối chính phủ, chúng tôi về khách sạn nghỉ.

Một hôm khác, anh Phước và vài anh nữa trong Tổng Hội Sinh Viên Huế, đưa chúng tôi ra cửa Thuận An để tắm biển, cửa biển Thuận An cách cố đô Huế không xa nhưng ngoài Sinh viên chúng tôi, không có ai tắm biển hôm đó và trên bãi tắm cũng không hề có hàng quán, không có bóng người lai vãng.

Một hôm đi ngang qua đầu cầu phía thành nội, thấy có những người bày biện lễ vật ra cả lề đường, khói nhang nghi ngút, họ đang vái lạy. Nơi đó không nhà cửa ai cả, có người cho biết đó là họ cúng Cô hồn trận Kinh thành thất thủ ngày 23 tháng 5 năm Ất Dậu ( nhằm 5-7-1885 ), trong Hạnh Thục ca của Nguyễn Nhược Thị còn ghi lại :

..........................................
Liệu chừng thuốc đạn đã mòn,
Giãy lên, Tây mới thành môn bắn vào.
Nhường như sấm sét ầm ào,
Dẫu là núi cũng phải chao, huống thành!
Quân ta khôn sức đua tranh,
Ðem nhau trốn chạy tan tành bèo trôi.
...........................................

Về Sàigòn, chúng tôi mới biết rằng anh Trần Tiến Tự có việc riêng cần về Sàigòn gắp, đó là việc anh có chân trong phái đoàn Sinh Viên Việt Nam đi Mỹ, việc làm ấy hoàn toàn trái ngược với đường lối chủ trương của Tổng Hội Sinh Viên Vạn Hạnh, do đó Tổng Hội đã bãi nhiệm chức Chủ tịch của anh và tôi được ủy nhiệm Quyền Chủ tịch Tổng Hội Sinh Viên Vạn Hạnh từ đó cho đến hết nhiệm kỳ.

Hè năm đó, Sinh viên Huế có tổ chức Trại Hè của Sinh viên tại Đà Nẳng, lúc ở Huế, phái đoàn chúng tôi đã nhận lời cử Sinh Viên ra dự Trại Hè này. Do vậy, Ban Chấp Hành đã đề cử anh Nguyễn Đình Nam, Phó Tổng Thư ký làm Trưởng đoàn cùng với Sinh Viên các Phân khoa tham dự Trại Hè Sinh Viên năm 1965 tại Đà Nẳng.

Sang niên khóa 1965-1966, tôi không có ý định ra ứng cử, một là tôi không có ê-kíp làm việc, hai là tôi sẽ ra trường Cao Đẳng Sư Phạm Kỹ Thuật, tôi sẽ được bổ nhiệm một chân giáo sư, việc này không cho phép tôi đảm nhiệm trách vụ đến cuối nhiệm kỳ. Ban Chấp Hành sắp mãn nhiệm nên thành lập Ban Tổ chức Bầu cử Tổng Hội Sinh Viên Vạn Hạnh nhiệm kỳ 2, 1965-1966.

Anh Đỗ Văn Khôn, sinh viên Phật Khoa, cũng là một Huynh Trưởng tìm gặp tôi, anh đưa ra hai đề nghị: Một là tôi thành lập liên danh ra ứng cử, hai là tham gia vào liên danh của chị Cao Ngọc Phượng- ngày đó tôi chưa hề quen biết chi với chị Phượng – Nhưng theo lời anh Khôn, chị Phượng muốn tôi ra ứng cử, chị và Nhóm Sinh Viên Phật Khoa đang theo Thầy Nhất Hạnh sẽ ủng hộ liên danh của tôi. Tôi chấp nhận tham gia vào liên danh của chị Phượng.

Cuối cùng liên danh của chị Cao Ngọc Phượng đắc cử Ban Chấp Hành Tổng Hội Sinh Viên Vạn Hạnh nhiệm kỳ 2. Liên danh này gồm có :

- Giáo sư Cao Ngọc Phượng SV PK, Chủ tịch
- Chị Nguyễn Thị Thanh SV PK, Phó Chủ tịch Nội vụ
- Anh Huỳnh Ái Tông SV VK & KHNV Phó Chủ tịch Ngoại vụ
- Anh Đỗ Văn Khôn SV PK Tổng Thư ký
- Chị Uyên SV PK Phó Tổng Thư ký
- Chị Nhất Chi Mai SV PK Thủ quỹ

Trong Ban Chấp Hành Tổng Hội nhiệm kỳ này, tôi được biết Chị Cao Ngọc Phượng du học ở Pháp về, giáo sư dạy ở Đại Học Khoa Học, anh Đỗ Văn Khôn làm việc ở phòng Thuế vụ Quận 10, chị Uyên sinh viên thuần túy, chị Nhất Chi Mai, theo trí nhớ của tôi, chị là y tá nhưng trong các tài liệu của Thượng Tọa Thích Thiện Hoa hay Hòa Thượng Thích Trí Quang đều ghi chị là giáo viên, và có một em học sinh trường Tiểu Học Tân Định đọc bài Những Ngày Đầu Của Tổng Hội Sinh Viên Vạn Hạnh, bày tỏ lòng tôn kính của em đối với chị vừa là cô giáo, vừa là mẹ nuôi của em.

Ban Chấp Hành Tổng Hội nhiệm kỳ này đã tổ chức một bửa cơm gây quỹ, một kỳ họp báo và tham gia biểu tình chống chính phủ đã bị Thượng Tọa Viện Trưởng Thích Minh Châu không đồng ý – Lần biểu tình đó, tôi về quê không tham dự được, khi lên Sàigòn chị Phượng cho biết Thầy Viện Trưởng và Ban Chấp Hành có mâu thuẩn lớn, Thầy không đồng ý Tổng Hội tham gia biểu tình theo đường lối của Viện Hóa Đạo, chị Phượng yêu cầu tôi vào gặp Thầy Minh Châu để thỉnh cầu Thầy ủng hộ Tổng Hội hoạt động theo đường lối của Viện Hóa Đạo. Về việc nầy, tôi đã vào phòng Thầy ở trên lầu chùa Pháp Hội xin Thầy thông cảm cho hoạt động của Ban Chấp Hành đã thi hành theo chủ trương của Viện Hóa Đạo. Thầy đã nói với tôi là Thầy không đồng ý Ban Chấp Hành Tổng Hội có những hoạt động theo đường lối của Viện Hóa Đạo chống chánh phủ, đem lại sự bất lợi cho Viện, vì chánh phủ có thể lấy lý do đó đóng cửa, rút giấy phép của Viện Đại Học Vạn Hạnh.

Sau khi gặp Thầy Viện Trưởng, tôi đã báo cáo rõ cho chị Cao Ngọc Phượng biết đường lối của Tổng Hội như hiện nay không được Thượng Tọa Viện Trưởng đồng ý, tuy nhiên Tổng Hội độc lập với Viện, Ban Chấp Hành phải đi theo nguyện vọng chính đáng của Sinh Viên. Những bất đồng của Viện và Ban Chấp Hành Tổng Hội bắt đầu từ đó, nhưng thật ra nguyên nhân còn sâu xa hơn mà cho đến nhiều năm sau này, tôi mới hiểu được. Lúc đó tôi chỉ thắc mắc tự hỏi: Viện Đại Học Vạn Hạnh là của Viện Hóa Đạo Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, Giáo Hội đang đòi hỏi chánh phủ thực thi dân chủ, tiếng nói của Sinh Viên có sức mạnh cho công cuộc đấu tranh, tại sao Thượng Tọa Viện Trưởng lại không muốn dùng tới sức mạnh này ?

Vào khoảng tháng 2 hay 3 năm 1966, có sinh viên Hoa Kỳ Philip, Chủ tịch hội Liên Hiệp Sinh Viên Học Sinh Mỹ đến Việt Nam tìm hiểu tình hình và nguyện vọng của dân chúng Việt Nam. Anh có xin gặp Tổng Hội Sinh Viên Vạn Hạnh. Buổi họp đã diễn ra tại phòng họp của THSVVH, trên lầu của Viện Đại Học, đi theo anh Philip có một người thông dịch của Tòa Đại sứ Mỹ. Anh Philip có cho biết, chánh phủ Mỹ chủ trương đánh cho Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam phải quỳ gối xuống xin đầu hàng. Chị Phượng thay mặt THSVVH cho biết rằng Hoa Kỳ nên giúp cho hai bên lâm chiến ngồi lại với nhau, giải quyết cuộc chiến qua hội nghị, thương thuyết hơn là dùng vũ lực, thắng hay bại cũng đều gây cảnh tang thương cho dân chúng Việt Nam và chiến binh Mỹ. Sau đó Thầy Nhất Hạnh bước vào phòng họp, Ban Chấp Hành giới thiệu Thầy là Cố Vấn Ban Chấp Hành, Thầy đã nói với anh Philip rằng chiến tranh Việt Nam dù bên nào thắng hay bại, cũng gây cho người dân vô tội chết chóc thương tâm, Mỹ chủ trương đánh cho MTGPMN phải quỳ gối xin hàng, điều này không thể thực hiện được, vì chiến tranh du kích không có giới tuyến, bất quy tắc, nên khó tiêu diệt. Do đó, Hoa Kỳ nên để cho hai bên lâm chiến ngồi vào hội nghị, giải quyết với nhau trong tình Huynh đệ của người Việt Nam.

Đầu tháng 9 năm đó, tôi rời Sàigòn để lên vùng Cao nguyên dạy học, trước khi đi, ngày 23-8-1966, Ban Chấp Hành Tổng Hội có đãi tôi một bửa cơm chay tại quán Thanh Lạc Trai, quán này nằm trên đường Trần Quốc Toản, đối diện với Học Viện Quốc Gia Hành Chánh. Trong bửa cơm chia tay này, Ban Chấp Hành tặng cho tôi nhiều cuốn sách của nhà xuất bản Lá Bối, trong đó có quyển "nói với tuổi hai mươi" của Thầy Nhất Hạnh, tôi quí cuốn sách này vì trong ấy có chữ ký của Thầy và mấy dòng chữ viết của chị Cao Ngọc Phượng "Quà của Ban Chấp Hành T.H.S.V.V.H Thân tặng anh Huỳnh Ái Tông T.M. Ban Chấp Hành" và chữ ký của chị Phượng. Sau bửa ăn, chị Nhất Chi Mai đã đưa tôi về nhà bằng chiếc xe Volwagen của chị, đó là lần cuối cùng tôi gặp chị Nhất Chi Mai. Cũng là lần cuối cùng tôi gặp chị Cao Ngọc Phượng, vì chị đã "cắt ái ly gia, xuất phiền não gia, xuất tam giới gia" hiện nay là Sư Cô Chân Không, đệ tử thân cận và triệt để y giáo phụng hành các pháp môn mới của Thiền sư Nhất Hạnh, ở Làng Mai, Pháp quốc.

Anh Trần Tiến Tự vào thập niên 80, tôi có gặp lại anh ở trên đường Lê Văn Duyệt, chúng tôi vui vẻ chào hỏi nhau, tôi thấy anh vẫn như ngày nào, không khác mấy dù đã gần 20 năm mới gặp lại, anh rủ tôi đi sinh hoạt ở Hội Trí Thức Yêu Nước, có trụ sở ở đường Nguyễn Thông, Quận Ba, tôi chỉ cười thay cho trả lời, không ngờ đó cũng là lần cuối tôi gặp Luật sư Trần Tiến Tự, có phải anh là con ong, nơi nào có mật ngọt thì ong bay tới?

Tôi lên Cao nguyên dạy học, bị động viên vào quân trường, rồi biệt phái về Cao nguyên lại nên không có tiếp tục học ở Vạn Hạnh, thời gian này tôi có ghi danh học ở Luật Khoa, có lấy bài vở đầy đủ, nhưng cũng không thời giờ học, không có thi cử chi hết.

Đến năm 1970, tôi được thuyên chuyển về Sàigòn, nên ghi danh theo tiếp tục học lại ở Phân Khoa Văn Học Và Khoa Học Nhân Văn, vì tôi đã có mấy tín chỉ, hơn nữa tôi đã tốt nghiệp Cao Đẳng Sư Phạm Kỹ Thuật nên được ghi danh học năm thứ ba. Viện đã cải tổ học trình theo chế độ năm, không còn chế độ Tín chỉ nữa. Phân Khoa Văn Học và Khoa Học Nhân Văn phát bằng Cử Nhân Văn Học Việt Nam, Cử Nhân Văn Chương Anh Mỹ, Cử Nhân Báo Chí.

Viện Đại Học Vạn Hạnh đã xây cất hoàn tất phần cơ sở chính, toàn bộ Văn phòng Viện Trưởng, các Phân Khoa và các lớp học đều ở tại cơ sở Viện Đại Học Vạn Hạnh, tọa lạc tại 222 Trương Minh Giảng, Quận 3, Sàigòn. Lúc đó ngoài hai Phân Khoa chính đã thành lập ban đầu là Phật Khoa, Văn Học và Khoa Học Nhân Văn, Viện đăng xây cất thêm cơ sở gồm một dãy nhà ngang ngó mặt ra đường Trương Minh Giảng và một dãi cập theo đường hẽm, song song kinh Nhiêu Lộc để đủ cho các lớp học của Trung Tâm Ngôn Ngữ, Phân Khoa Giáo Dục, Phân Khoa Khoa Học Xã Hội, Thư Viện, Câu Lạc Bộ Sinh Viên và đến năm 1974, mở thêm Phân Khoa Khoa Học tại địa điểm sau này là Thiền Viện Vạn Hạnh.

Giáo sư dạy ở Văn Học và Khoa Học Nhân Văn có giáo sư Nguyễn Đăng Thục, Tiến sĩ Trần Cửu Chấn (Cổ Văn Việt Nam), giáo sư Doãn Quốc Sỹ (Tiểu thuyết), Nguyễn Sỹ Tế (Phê bình văn học), Vũ Khắc Khoan (Phê bình văn học), Trần Đức Rật (Hán văn), Trần Trọng San (Bạch thoại), Bà Khưu Thị Huệ (Đàm thoại Phổ thông), Thuần Phong Ngô Văn Phát (Văn chương bình dân), Hiếu Chân Nguyễn Hoạt (Hán văn), Huỳnh Minh Đức (Hán văn),

Tôi đã hoàn tất học trình Cử nhân Văn học Việt Nam, lấy một chứng chỉ Cao học Văn Chương Việt Nam chờ Viện mở thêm chứng chỉ Cao học 2 để hoàn tất học trình Cao học thì Cộng sản chiếm Miền Nam, cuộc đổi đời đã bắt đầu từ đó.

Đi làm, đi học mãi lo sinh kế, tôi không có thì giờ tham gia vào các sinh hoạt của Sinh Viên, tôi nghĩ mỗi thời sinh hoạt thích hợp cho một lứa tuổi, thời của tôi đã bước qua rồi, những năm học ở Đại Học Vạn Hạnh đã đem lại cho tôi một kiến thức đủ để thưởng thức những áng văn hay của Văn học nước nhà và sưu tầm được những tài liệu để viết nên một tác phẩm Văn Học Miền Nam.

22-2-2009

HTML clipboard

Trường Xưa

HTML clipboardHTML clipboard

Năm ngoái về Việt Nam, tôi định chụp ảnh cổng Trường cũ 25 bis Hồng Thập Tự nay là Nguyễn Thị Minh Khai, nhưng tôi đến nơi thấy xe cơ giới đang san phẳng trường rồi, không còn chi cho tôi ghi nhận.

Tôi có liên lạc với giáo sư Phan Đình Du, Thầy Du có nhiều ảnh hứa cho tôi, một hôm tôi nhận được Email anh viết: “Không biết khi nào có thể trao ảnh cho anh, có khi không còn kịp gặp nhau, nhơn dịp có em học sinh nhận scan hình, tôi nhờ em ấy làm để gửi cho anh”. Sau khi được Email vài ngày, tôi mua vé về Việt Nam.

Đêm Hội Trường, tôi gặp lại nhiều giáo sư như Trần Văn Sáng, Vũ Duy Thuận, Phan Đình Du, Nguyễn Minh Phước, Nguyễn Ngọc Thượng… và các em học sinh. Khi ra về em Nguyễn Bỉnh Khiêm có trao cho tôi 7 cái đĩa, trong ấy là hình lấy từ phim ra. Em cho biết còn một số ảnh em sẽ làm sau.

Tôi có đến nhà thăm anh Phan Đình Du, anh vẫn khỏe mạnh, tuy nay rất yếu nhưng mỗi ngày vẫn tập thể dục đi bộ 2 tiếng đồng hồ, anh cho biết em Nguyễn Bỉnh Khiêm đang giữ ảnh, ảnh ấy anh cho tôi, tấm nào dùng được cứ dùng, tấm nào không dùng được thì vất đi, vì anh giữ cũng không biết làm gì, hai con gái anh một ở Mỹ, một ở Úc, anh kết thông gia với Lưu Bá Đại cháu của giáo sư Lưu Luân Trọng và Lưu Minh Tuấn.

Phim thì Nguyễn Bỉnh Khiêm cất giữ dưới dạng .tiff, thật tình tôi không hiểu vì sao em cất dưới dạng này, file rất lớn tới 20 MB một ảnh, tôi sẽ phải chuyển ra dạng JPEG cho được nhẹ hơn để bỏ lên Mạng. Phim có ghi rõ chủng loại như Giải Tứ Hùng, Bàn Giao Hiệu Trưởng … cho nên đưa lên Mạng theo từng thể tài dễ hiểu.

Gần đến ngày đi, em Nguyễn Bỉnh Khiêm gọi điện thoại đến gặp tôi, để trao cho đĩa hình em đã làm xong, tiếc rằng lúc ấy tôi không có ở nhà. Đĩa này em cất hình dưới dạng JPEG thật là tiện lợi. Nhưng hình không phân theo thời gian hay chủng loại, do đó tôi gặp phải sự khó khăn để trình bày cho được mạch lạc, rõ ràng. Xin thông cảm cho tôi về vấn đề này.

Tôi muốn nhân đây cám ơn giáo sư Phan Đình Du đã gìn giữ, cho tôi sử dụng gần 100 tấm ảnh và cũng cám ơn em Nguyễn Bỉnh Khiêm đã scanned những tấm ảnh này.

Louisville, ngày 4-1-2010

Huỳnh Ái Tông



Trở Lại Trường Cũ

HTML clipboard

Năm 1977, từ trại cải tạo về, nhớ bạn bè, nhớ học trò, nhớ bảng đen phấn trắng, một hôm tôi vào thăm Trường, tôi đã gặp lại nhiều người như ông Phan Kim Báu, Phạm Văn Tài, Lâm Văn Trân, Trần Văn Sáng, Nguyễn Văn Phấn,Lê Kim Nghĩa và một số giáo sư cũ vẫn còn dạy như Vũ Duy Thuận, Phan Đình Du, Nguyễn Anh Dõng, Giảng Huệ Thắng, Nguyễn Ngọc Thượng, Lê Tha, Bùi Danh Dinh … một số giáo sư Trường Phan Đình Phùng nhập vào, ở Xưởng các giáo sư phân chia thành nhóm theo Xưởng như cũ, còn ở lớp giáo sư nay được gọi là giáo viên, chia thành ra Ban bệ, có Trưởng Ban để quản lý giáo viên dưới quyền, tổ chức điều hành có Ban Giám Hiệu gồm Hiệu Trưởng, Hiệu Phó, dưới có các Phòng, như Phòng Tổ chức, Phòng Hành Chánh, Phòng Giáo Vụ, Phòng Quản Lý Học Sinh, Phòng Y Tế, tất cả đặt dưới sự chỉ đạo của Đảng bộ Trường, lãnh đạo là Bi Thư Chi Bộ. Còn học sinh, sinh hoạt theo Đoàn Thanh Niên của Trường, lãnh đạo là Bí Thư Chi Đoàn.

Thầy Khưu Văn Triệu có anh đi Tập kết, nên được bão lãnh về sớm, xin vào dạy lại tại Trường, thầy Hồ Ngọc Thu có chú họ là Hồ Ngọc Cứ, Dân Biểu Quốc hội, có biệt danh là ông Nghị Nhà Lá, đứng trong hàng ngũ Thành phần thứ ba, hoặc thiên cộng như Ngô Công Đức, Lý Quý Chung… nên lãnh giáo sư Thu về sớm và cũng xin được dạy tại Trường.

Cũng còn nhiều Thầy giáo vẫn con đang trong trại cải tạo như Thầy Vũ Hữu Quyến, Thầy Nguyễn Thái Hòa, Thầy Hà Mộng Giao, Thầy Đặng Vĩnh Thanh, Thầy Phạm Hữu Giỏi …

Thầy Phấn là Trưởng phòng Giáo vụ, biết tôi đã về trước khi vào thăm Trường, chỗ thân tình anh nói với tôi:

- Anh nên tìm một chỗ nào khác, không nên xin vào Trường!

Đúng ra, tôi vẫn chưa biết mình sẽ xin việc ở đâu, tôi còn đang nghĩ: Nếu được nghỉ ngơi một vài tháng thì tốt hơn.

Nhớ lại, hồi trong trại Học Tập Cải Tạo, có những anh cao kiến, khuyên nhũ anh em:

- Tướng Trung Hoa Dân Quốc (Lư Hán ?), bị Trung Cộng cầm tù mấy chục năm chưa thả, nhiều người Việt Nam trước đây trong quân đội Pháp chỉ là Trung sĩ, vậy mà cho đến nay vẫn còn bị quản chế, cho nên chúng ta ai được về, ráng bám Sàigòn mà sống, dầu sao nó cũng là “bộ mặt quốc tế”, Cộng sản sẽ phải nới tay một chút.

Vì lẽ đó, nếu Thầy Phấn không khuyên, có thể sau thời gian nghỉ ngơi lấy lại sức, tôi cũng xin vào dạy tại Trường, vì nơi đó tôi có bạn bè, bảng đen phấn trắng nghề tôi yêu thích.

Tôi cũng thuộc loại được về sớm, được bảo lãnh. Nếu không có mặt trận phía Tây của Pôn Pốt tấn công Việt Nam dọc theo biên giới từ Tây Ninh cho đến Châu Đốc, thì những ai cấp Úy, học tập trong Nam như Cà Tum, Bù Gia Mập … chưa chắc đã được về sớm hơn ba năm.

Tôi nói tôi được về sớm và được bảo lãnh, chuyện ấy như sau: Hồi đi học, tôi bị ảnh hưởng của Luật sư Phạm Tứ Cầu, ông ta dạy về Kinh tế học, bài giảng ông ta dùng bút Bic, tựa viết màu đỏ, mục viết màu xanh lá cây, tiểu mục màu đen và những dòng chữ thường viết màu xanh dương, nghe nói đi học 10 ngày, tôi cũng đem theo sổ, bút Bic xanh đỏ, vào Trãng Lớn mấy anh thấy vậy bầu tôi làm Thư ký Trung đội để ghi chép Lý Lịch Trích Ngang, ghi chép học tập …

Đến khi lên Cà Tum, anh Đội Trưởng của tôi ở Trãng Lớn được Trại chỉ định làm Khối Trưởng, sau đó có một anh B Trưởng có giấy chứng nhận bị Hủi, nên Trại cho ra về chữa bệnh, tôi bị Trại chỉ định làm B Trưởng thay anh ấy, chắc chắn là do anh Khối Trưởng đề nghị. Làm B Trưởng thì cũng làm mọi việc giống như anh Trại viên, mỗi ngày cũng cuốc đất trồng khoai, trồng đậu, vào rừng đốn tre, cắt tranh lợp nhà … nhưng thêm việc, phải báo cáo công tác đã hoàn tất trong ngày, nhận công tác từ Trại giao xuống rồi phân công cho anh em, làm sao cho công bằng thì được anh em thương, còn “thượng đội, hạ đạp” lợi cho mình, hại cho anh em, chẳng ai kiêng nễ. Tôi cứ thẳng thừng mà làm, làm thì hùng hục cho được việc. Bởi vì tôi nhớ hồi thụ huấn ở quân trường Thủ đức, khóa tôi là khóa khá đặc biệt, nhiều giáo viên, công chức bị động viên đi khóa này. Trung đội tôi có Bửu Đào, Trưởng Ty Công Chánh Đà Nẳng, anh Tòng giáo sư Trường Sư Phạm Vĩnh Long và nhiều giáo viên khác, có anh Nhân, anh Còn giáo viên quê ở Cần Giuộc, anh Nhân là bạn học của Trung Úy Nguyễn Văn Thiệu, Trung đội Trưởng của chúng tôi.

Một hôm ở vọng gác 13 bis, Trung Uý Thiệu uống vài ngụm bia rồi cười nói to với anh Nhân, cũng để cho mọi người cùng nghe:

- Đ. M. mấy thằng cha thầy giáo, ngoài chuyện dạy học không biết làm chuyện gì hết !

Tôi ở nhà quê, năm 13 tuổi mới lên tỉnh học, vậy mà tôi chưa hề biết cầm cày, đi bừa, chưa hề biết chăn bò, mọi thứ có mẹ tôi, cô tôi, chị tôi, anh tôi làm tất cả. Suy lời Trung Úy Thiệu nói, đối chiếu với bản thân mình, đúng là ngoài đi dạy tôi không còn biết làm cái chi hết. Vã lại, trước kia làm Thầy giáo hay cô giáo nhà có kẻ ăn người ở. Thầy không đụng tới móng tay, Cô không cần vào bếp núc. Cho nên trong Trại tôi quyết làm cho được mọi việc, để sau này ra về dưới chế độ Xã Hội Chủ Nghĩa nếu không tìm được việc làm bằng trí óc, thì cũng sống được với đôi bàn tay và sức lực của mình. Cho nên trong Trại anh em còn đặt cho tôi biệt danh “Bê-tông”.

Lúc tôi ở Cà Tum được nửa năm, có một Trại khác giải tán, họ phân bổ về Trung đội tôi một anh bệnh nằm liệt giường, hàng ngày tôi đến bên giường hỏi thăm bệnh tình của anh, để báo cáo có người bệnh, chỉ tiêu được bớt đi. Tôi nhớ rõ, anh đó là Vũ Hữu Thuận, bệnh chừng ba tháng sau mới khỏi hẳn, sau khi lành bệnh, một hôm anh ta tâm sự với tôi:

- Anh tôi mới nói cho biết, Ba tôi vốn là Sư Trưởng của Sư Đoàn này, nay đã về hưu nhưng còn làm công tác Đảng ở Hà Nội, vài tháng trước Ba tôi có vào Trại thăm tôi, kêu tôi lên Trung Đoàn ngủ với Ba tôi một đêm. Ba tôi đã lãnh tôi về, bây giờ còn chờ giấy tờ, nhưng Ba tôi không thể ở đây lâu, nên đã về Hà Nội. Trước khi về, Ba tôi đưa cô Fiancé của tôi lên Đoàn 500 ở thành Ông Năm, giới thiệu với họ để nhắc nhở lo cho tôi mau về. Vậy anh muốn về sớm, anh nói với người nhà xin cho anh cái giấy đi Vùng Kinh Tế Mới hay Hồi Hương Lập Nghiệp, có giấy đó, người nhà anh đưa cho cô Fiancé của tôi lo dùm cho, còn tôi, tôi sẽ gửi thư dặn cô Fiancé của tôi ráng giúp dùm anh.

Do vậy, người nhà tôi đã làm giấy bảo lãnh cho tôi “Hồi Hương Lập Nghiệp” ở xã Phú Hòa Huyện Châu Thành Tỉnh Long Xuyên, cô Fiancé của Vũ Hữu Thuận đã giúp tôi, nên tôi được cho về y theo địa chỉ trên. Ra Trại, tôi tìm đến nhà Vũ Hữu Thuận ở đường Nguyễn Duy Dương, Chợ Lớn, người nhà cho biết anh đã vượt biên rồi. Đến thăm, cô fiancé của anh Thuận ở Lý Thái Tổ, cô là người thi ân bất cầu báo. Đó là trường hợp tôi được bảo lãnh về sớm, sau đó Trại Cà Tum bị Pôn Pốt đe dọa tấn công, Trại phải chuyển về Thành Ông Năm Hóc Môn, Trại viên được đi phép, rồi cũng được tha về chẳng bao lâu sau đó. Cho đến nay ba mươi năm qua rồi, tôi vẫn chưa gặp lại Vũ Hữu Thuận, chưa gặp lại bạn tù xưa để hỏi thăm Thuận, mong gặp anh để nói một lời cám ơn.

Tôi không biết do đâu mà Nhạc gia tôi quen biết ông Lâm Tấn Lộc, Chánh văn phòng Sở Lao Động thành phố Hồ Chí Minh, tôi điền một lá Đơn Xin Việc Làm, Một Phiếu Lý Lịch, đưa cho ông nhạc tôi, vài hôm sau tôi nhận được giấy báo của Sở Lao Động gọi đi làm, tính ra từ khi ra Trại, đến khi tôi đi làm việc chỉ có 28 ngày.

Sau khi tôi đi làm một tuần, tôi không thấy ký kết giấy tờ gì, tôi vào phòng ông Lộc hỏi ông ta:

- Thưa Bác! Cháu đã đi làm một tuần mà không thấy có Hợp Đồng hay giấy tờ chi cả, những người khác đi làm đều có ký Hợp Đồng, cháu thắc mắc nên xin phép hỏi Bác.

Ông Lộc cười trả lời với tôi:

- Cháu biết không ? Người nào đi làm cũng phải ký Hợp Đồng để đem tới Sở Lao Động duyệt trong kế hoạch đã phân bổ, bây giờ cháu đã làm ngay tại sở Lao Động rồi, đâu cần lo chi, rồi nay mai văn phòng sẽ làm Hợp Đồng, đừng lo gì hết nghe.

Tuy ông Lộc nói vậy nhưng cả tuần sau, ông Phó văn phòng mới đem Hợp Đồng đưa cho tôi ký, chức danh Kỷ sư Cơ khí, lương tháng 63 đồng. phụ cấp mỗi đứa con là 5 đồng.

Tôi đi làm được 10 ngày hay nửa tháng, nhạc gia tôi mời ông Lâm Tấn Lộc, Kiến Trúc Sư Nguyễn Hữu Thiện đi ăn cơm chiều, ở quán ăn ngay bùng binh trước rạp hát Khải Hoàn, chợ Thái Bình, kiến trúc sư Thiện là Kiến Trúc sư trưởng thiết kế Thư Viện Quốc Gia, ông với kế mẫu của nhà tôi là anh em chú bác, cả hai đều có bà con gần với Lê Quang Chánh, Phó chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân Thành Phố, nên kiến trúc sư Thiện lúc đó là Phó Giám Đốc Sở Xây Dựng, kts Thiện và ông Lộc có bà con hay quen biết, nên kts Thiện tránh nhận tôi có liên hệ thân tộc, nhờ ông Lộc đưa tôi vào làm ở Sở Lao Động

Sau đó, năm 1978, Trung Quốc đánh 6 tỉnh phía Bắc, các cán bộ người Hoa hay có họ hàng gốc Hoa đều bị cho nghỉ hưu, Sở Lao Động có Giám Đốc Lâm Văn Sáu, Phó Giám Đốc Tư Kiên (người Hoa), Lâm Tấn Lộc đều được nghỉ hưu, cuối năm Bà Sáu Chương, người thuộc cục R làm Trưởng phòng tổ chức, chuyển tôi về Sở Công nghiệp.

Năm 1982, tôi làm Trưởng Phòng Công Nghệ của Phân Viện Thiết Kế thuộc Sở Công Nghiệp, một hôm ban Giám Đốc Sở mời tôi lên làm việc, trong buổi họp đó do Giám Đốc Lê Thành Phụng chủ tọa, có Đào Anh Vũ, Phạm Văn Bình Phó Giám Đốc, có các Trưởng Phòng Tổ Chức và Đào tạo, Kế Hoạch và Phân Viện Trưởng của tôi cùng họp, sau khi Giám Đốc Sở nói qua việc cần chấn chỉnh Trường thuộc Sở, yêu cầu tôi về đó đảm nhận chức vụ Hiệu Trưởng một thời gian. Ngay sau đó, Giám Đốc Sở hỏi tôi có ý kiến chi không ? Tôi đáp :

- Sở đã yêu cầu thì tôi thi hành, tôi xin cố gắng sắp xếp việc Trường ổn định trong 6 tháng đến một năm, sau đó cho tôi chuyển về lại Phân Viện Thiết Kế như cũ.

Giám Đốc Sở, thường được gọi là Sáu Phụng, cười và nói:

- Cũng như nàng Kiều, sau bao nhiêu năm lưu lạc, nay trở lại chốn cũ, người xưa, có khi anh lại xin ở luôn đó không chừng.

Sau buổi họp, trở về Phân Viện, Phân Viện Trưởng là người Bến Tre, xứ Đồng khởi, theo cha tập kết ra Bắc, có đi du học ở Liên Xô. Tuy không nói ra nhưng anh ta rất thích thu nhận những người Học Tập Cải Tạo như chúng tôi làm việc cho cơ quan anh, anh ta nói với tôi:

- Anh cũng biết, anh Sáu Phụng muốn anh xuống làm việc cho Trường, tôi muốn giữ anh lại cũng khó, tôi cũng muốn dĩ hòa vi quí, anh cứ đi một thời gian, tôi hứa sẽ kéo anh về sau.

Hôm sau, tôi tới Trường bên ngoài là để thăm bạn bè, bên trong tôi đi tìm hiểu tình hình, ông Nguyễn Hữu Quang làm Hiệu Trưởng, có vấn đề chi đó gây mâu thuẩn trong Ban Giám Đốc, ông Hiệu Phó Nguyễn Văn Được tố cáo với Sở. Thế là ông Quang và Được đều bị về hưu, ông Tài, ông Phấn đã nghỉ việc, Trường vẫn còn ông Phan Kim Báu, nguyên là Hiệu Trưởng, sao người ta không chọn ông Báu, lại chọn tôi vốn là một người Học Tập Cải Tạo ? Chắc chắn là ở Trường có người đề nghị tôi, cho đến giờ này tôi vẫn chưa hiểu là ai ?

Tôi có nói với Thầy Vũ Duy Thuận, Nguyễn Anh Dõng là tôi về Trường làm Hiệu Trưởng, ngoài ra những người khác tôi đều không nói việc này

Cuối cùng, thành phần Ban Giám Hiệu gồm có:

Quyền Hiệu Trưởng : Trần Minh Chánh (Bí Thư Chi Bộ)

Hiệu Phó Chuyên Môn: Huỳnh Ái Tông

Hiệu Phó Tổ chức và Chánh Trị : Vương Quốc Đạt.

Tôi không lấy làm lạ về việc Sáu Phụng đề cử tôi làm Hiệu Trưởng trước Ban Giám Đốc Sở, nay tôi chỉ là Hiệu Phó. Bởi vì một người “Ngụy quân, nguỵ quyền” không thể nào làm được Thủ Trưởng một cơ quan, bởi vì dù cho Sáu Phụng muốn, Sáu Vũ (Phó Giám Đốc, phụ trách Tổ chức) cố gắng cũng không thể vượt qua được Ban Tổ Chức Chánh Quyền Thành Phố. Tôi thì Hiệu Trưởng, Hiệu Phó hay Giáo Viên cũng thế thôi.

Giai đoạn đầu khi tôi về Trường rất vất vả, bởi vì ông Trần Minh Chánh cũng như Vương Quốc Đạt đều chưa có nhiều kinh nghiệm về giáo dục về tổ chức một Trường dạy nghề, thi tuyển thì có nhiều, rất nhiều thí sinh nhưng trường ốc, phương tiện hạn hẹp lấy vào một số ít học sinh cho nên tổ chức thi cử quả thật là chật vật, có những giáo viên trẻ, có những nhân viên ở Trường đã nhúng tay vào việc gian lận, tôi tả xông hữu đột, dẫu có bắt được gian lận nhưng tôi hiểu, số tôi không bắt được hay bị vuột khỏi tay không phải là không có.

Thông thường, tổ chức thi tuyển, khi nộp đơn, thí sinh kèm theo 2 tấm ảnh 4 X 6, một tấm Trường dán vào Phiếu báo danh, một tấm Trường dán vào một miếng bìa của Phòng thi, có ghi tên họ và số báo danh. Giám thị phòng thi có bổn phận nhận diện thí sinh qua thẻ học sinh có dán ảnh, phải giống với Phiếu báo danh, ảnh Phiếu báo danh phải giống với ảnh nhận diện trên tờ bìa của Phòng thi. Đó là để tránh trường hợp một người nộp đơn, một người khác thi dùm.

Năm đó, có một em thi đậu vào Trường, sau khi gọi nhập học, học sinh phải nộp ảnh để dán vào phiếu khám sức khỏe, ông Trần Văn Sáng báo cho tôi biết có một học sinh, ảnh bây giờ khác với ảnh đi thi, sau khi xem ảnh, tôi quyết chắc em học sinh này khác với em đi thi, có thể khi đi thi em thí sinh giả đã làm thẻ học sinh giả để ba tấm ảnh giống nhau, Giám thị không cách nào phát hiện được.

Biết chắc rằng em đó đã gian lận, tôi cho gọi em học sinh đó vào và nói với em đó:

- Bài của em làm được 8 điểm, tôi không hiểu vì sao bây giờ bài ấy bị mất, Trường không có bài lưu hồ sơ của em. Vậy bây giờ tôi đưa cho em bài của thí sinh 8 điểm và giấy thi đây, em ngồi chép y như vậy, để giáo sư chấm điểm sẽ ghi 8 điểm. chúng tôi lưu vào hồ sơ của em.

Thế là em đó nhận giấy thi, bài thi ngồi chép lại. Để cho em ấy chép xong, giao nộp lại cho tôi rồi, tôi mới mở hộc tủ bàn viết ra, lấy bài thi mang tên em ấy, cho em ấy xem và tôi nói cho em ấy biết;

- Nhà Trường phát hiện đây là trường hợp gian lận thi cử, bài thi không phải của em làm, nếu Trường làm ra lớn chuyện liên lụy tới người thi hộ em nữa. Vậy em về nhà mời phụ huynh em vào đây, để chúng tôi chỉ hướng cho gia đình em giải quyết việc này tốt đẹp, không ảnh hưởng tới tương lai của em.

Phụ Huynh của em đó tới Trường, tôi nói rõ việc thi cử gian lận, để tránh mọi chuyện không tốt xãy ra, tôi đề nghị phụ Huynh làm đơn xin cho con thôi học.

Việc này làm cho tôi nhớ lại năm 1974, cũng một vụ gian lận do Tầy Trần Văn Sáng phanh phui ra. Năm đó, Trường Kỹ Thuật Gia Định chuyển về một lớp Đệ Tam, Thầy Sáng kiểm soát thấy trong danh sách có một em nhỏ tuổi hơn tuổi quy định là một tuổi, mà em đó là học sinh của Trường Gia Định tức nhiên là em đó đã có thi vào, xem danh sách trúng tuyển năm đó, có tên của em học sinh đó, như vậy thí sinh nhỏ hơn một tuổi bắt buộc được Giám Đốc Nha Kỹ Thuật chấp thuận, và gửi Thông báo này cho nhà trường, chúng tôi xem xét không thấy có Thông báo chấp thuận miễn tuổi, tôi nghĩ có thể có sai sót, nên lên Nha xin xem hồ sơ miễn tuổi cho các thí sinh thi vào lớp 8 Trường Kỹ Thuật Gia định năm 1972, hoàn toàn không có tên miễn tuổi cho em đó khi thi tuyển. Trong tập hồ sơ của mỗi học sinh, đều có giấy khai sanh, văn bằng Tiểu Học. Chúng tôi suy luận rằng em học sinh đó có thi đậu vào học Trường Kỹ Thuật Gia Định với Khai sinh khác và bằng cấp khác, sau khi vào học ở Trường, gia đình em đó đã làm Khai sinh khác và bằng cấp khác nhờ Trường Kỹ Thuật Gia Định thay đổi hồ sơ.

Để giải quyết, tôi gọi em đó cho em biết rằng hồ sơ chuyển Trường của em giả mạo, vậy em mời phụ huynh đến, để chúng tôi hướng dẫn cách giải quyết. Hôm sau, có một giáo sư Trường Kỹ Thuật Gia Định đến gặp tôi, để nhờ tôi giúp đỡ trong trường hợp này, tôi nói cho giáo sư ấy biết, đây là một trường hợp gian lận có liên lụy đến Trường Kỹ Thuật Gia Định tráo hồ sơ, Hiệu Trưởng của một Trường Tiểu Học làm giả mạo Văn Bằng Tiểu Học, cách giải quyết của tôi là phụ huynh đến Trường làm đơn xin rút hồ sơ để xin học ở trường khác. Và chuyện này kết thúc ở hướng giải quyết đó.

Năm 1974, tôi làm Chủ Tịch Hội Đồng Giám Thị Tú Tài Kỹ Thuật Phần Hai kỳ hai, ngoài việc mang đề thi, tôi còn mang theo một Thông Báo của Nha Kỹ Thuật, yêu cầu Trường Kỹ Thuật Nha Trang tống đạt cho một học sinh của trường đã đậu khi thi kỳ một, nhưng Nha kiểm lại em học sinh đó đã bị đánh Rớt vì thiếu điểm, nay em học sinh đó phải dự thi kỳ hai. Nhà Trường làm Phiếu báo danh, làm Thông báo nhờ Đài Truyền Hình Nha Trang thông báo cho em đó biết để dự thi, và em đó đã có dự thi. Về sau, tôi không rõ kết quả thi kỳ 2 em đó đậu hay rớt, theo tôi chắc là Rớt, bởi vì em ấy đã thấy tên mình trên bảng vàng, nên đã nghỉ xả hơi, ai cũng vậy, đâu có cầm tới sách vở, làm sao nhớ được những công thức Toán, Lý, Hóa. Thi mà không được chuẩn bị thì cầm bằng cái rớt là chắc. Đáng trách các Giám khảo cộng điểm, đáng thương em học sinh kia, mừng hụt thật lớn! Con đường chiến binh đang chờ đón em trước mắt.

Do vô tình hay cố ý, nhưng Nha hậu kiểm dễ phát hiện, vì môn Kỹ Nghệ Họa hệ số 4, giả dụ thí sinh nào làm hoàn hảo, đạt điểm 20 nhân hệ số 4, em ấy chỉ được 80 điểm, đàng này em ấy có 84 điểm Kỹ Nghệ Họa, nhờ đó đủ điểm đậu, sau khi xem lại điểm thật môn Kỹ Nghệ Họa, nhân với hệ số rồi công các môn Toán, Lý, Hóa … em ấy không đủ điểm đậu, không đủ điểm vớt, đành phải gọi em ấy đến Trường thi lại.

Để tránh mọi chuyện không tốt đẹp có thể xảy ra, tôi yêu cầu tất cả giáo viên cũng như nhân viên của Trường có con, em ruột thi vào học, cứ để các em thi tự nhiên, dù cho các em bị KHÔNG điểm nhà Trường cũng cho phép theo học.

Ông Quang về hưu, để lại cho Trường một số học sinh hệ Trung Học, theo phân cấp quản lý, hệ này do Trung Ương hay nói khác hơn là do Bộ Giáo Dục quản lý, Trường mở không được Bộ chấp thuận. Việc đang giằng co để giải quyết tình trạng học sinh ra Trường. Ngoài việc tổ chức cho các em thi tốt nghiệp, tôi phải chạy lên chạy xuống Văn Phòng Bộ Giáo Dục ở phía Nam, đặt tại Toà Viện Trưởng Viện Đại Học Sàigòn cũ, ở “Hồ Con Rùa”, để xin được hợp thức hóa Văn Bằng tốt nghiệp Trung Học của các em. Cuối cùng Bộ chấp thuận, tôi phải đích thân tới đó, nộp Biên Bản Hội Đồng Thi, Nhận Văn Bằng Tốt Nghiệp, văn bằng giống y như Hộ Chiếu, bìa màu xanh lá cây, in chữ mạ vàng và quốc huy, tôi nhớ không chắc hình như tôi nhận 48 hay 49 văn bằng này.

Ông Lâm Văn Trân, trước 1975 là Tổng Giám Xưởng, sau này phụ trách về Xưởng, một đêm đi đường bị tai nạn rồi mất, trong tang lễ của ông Trân, tôi gặp lại Thầy Phấn đề nghị Thầy trở lại làm việc cho Trường, Thầy Phấn cho tôi biết là đề nghị của tôi đã quá trễ, đến giờ phút đó, tôi mới biết Thầy Phấn đã chuẩn bị một chuyến đi.

Ông Lâm Văn Trân mất, anh Trần Tứ Hải, giáo sư Trung Tâm Phan Đình Phùng cũ thay thế ông Trân từ đó.

Phòng Học Vụ trước kia Thầy Phấn đảm trách, nay tôi chọn ngồi đó, về Hoc Vụ thì giao cho Thầy Khưu Văn Triệu đảm trách Trưởng Phòng, có các Thầy Võ Văn Khéo là giáo viên ấn loát, Cô Tuyết, Cô Sảnh, phụ trách về Quản lý Học sinh có Thầy Trần Văn Sáng, anh Lâm Quang Trấn, anh Nguyễn Văn Thành.

Trường Nghiệp Vụ có cơ sở ở số 2 Cao Thắng và 2 phòng học ở một cao ốc đường Nguyễn Du, sáp nhập vào Trường Kỹ Thuật Công Nghiệp, có chị Hiệu Phó Nguyễn Thị Sáng, hai Trường được cải danh thành Trường Kỹ Thuật Nghiệp Vụ Thành Phố Hồ Chí Minh.

Vào cuốn năm đó, ông Phan Kim Báu về hưu, sang năm sau, anh Võ Văn Khéo xin chuyển công tác sang Xí nghiệp Xuất Nhập Khẩu của Ba Toàn, sau này là Xí nghiệp Cầu Tre, anh Khưu Văn Triệu cũng chuyển công tác. Tôi đưa anh Nguyễn Trần Nghĩa, Bí Thư Chi Đoàn Trường lên làm Trưởng Phòng Giáo Vụ, anh Nghĩa tốt nghiệp Đại Học Sư Phạm Kỹ Thuật, vợ là cô Loan, nhân viên của Trường, nguyên là học sinh Phan Đình Phùng, học sinh Phan Đình Phùng trước 1975, cô nào nhỏ nhất, trông khá xinh xắn, đó là cô Loan này.

Trong năm 1983, Sở Lao Động hướng dẫn sang Trường một phái đoàn Cao Ủy Tị Nạn của Liên Hiệp Quốc, họ muốn tìm hiểu về dạy nghề, về khả năng của Trường để huấn nghệ cho một số người Campuchea đang tị nạn Pon Pốt tại Việt Nam, nhưng cho đến khi tôi rời khỏi Trường, vẫn không nghe thấy gì về chuyện này.

Ngày Nhà Giáo Việt Nam 20-11-1983, nhà Trường tổ chức long trọng như các Trường khác, mời các Thầy cũ đến Trường, đón các em cựu Học sinh trở về thăm Trường, một dịp để các em thăm lại Thầy, Cô. Ngày ấy Thầy, Cô giáo đến Trường dự lễ, vinh danh những Giáo viên tiên tiến, tất cả được nghỉ, không dạy lớp, được các em biếu quà, phụ Huynh cũng như cựu học sinh mời đi ăn. Một ngày vui của Nhà giáo, là một ngày thật ấm cúng cho những ai được học sinh cũ còn nhớ tới mình, đem tặng cho một món quà, một cành hoa hay một cây bút.

Anh Trần Văn Sáng về sau xin được một chân tài xế cho một công ty xuất khẩu.

Hình như trước khi tôi về Trường, dưới thời ông Nguyễn Hữu Quang làm Hiệu Trưởng, nhiều người xin chuyển công tác rất khó khăn, tôi nghĩ rằng, nếu ai không thích nghề dạy học, hay trong thời buổi khó khăn, tìm được chỗ lương hướng khá hơn, nên giúp đỡ họ.

Có những người đi, thì cũng có những giáo viên khác đến, chẳng hạn như từ Trường Đại Học Sư Phạm Thủ Đức phân bổ cho Trường có các giáo sư: Nguyễn Trần Nghĩa, Nguyễn Văn Chiến, Năng, Khải. Ở nơi khác chuyển đến như Cô Nga dạy điện, Cô Lan dạy Hóa, nghe đâu thân phụ cô Lan là một ông Tướng Cộng Sản, cô du học nước ngoài về, một giáo viên nữa dạy ở Xưởng Nguội hình như du học ở Đức về, Thầy Hưng dạy Kỹ Nghệ Họa ở Long Xuyên cũng được chuyển về Trường.

Trong thời gian tôi làm Hiệu Phó Chuyên Môn, có một Hội Nghị Chuyên Đề Về Giáo Dục Chuyên Nghiệp ở các tỉnh phía Nam, tổ chức tại Ủy Ban Nhân Dân Thành Phố Hồ Chí Minh, nói khác hơn là tổ chức tại Tòa Đô Chánh, tôi phải tham dự, trong Hội nghị này, tôi gặp một em cựu học sinh của Trường Kỹ Thuật Nguyễn Trường Tộ, nói như vậy có nghĩa là em đó học trước 1975.

Trường có hai anh em ruột cùng một tên, đó là Bùi Nghệ, người Quãng Nam, học sinh mang bảng tên màu đỏ, một gọi là Nghệ anh và một gọi là Nghệ em. Hình như hai em này từ đâu chuyển về chớ không phải thi vào Trường Nguyễn Trường Tộ, Nghệ anh học một thời gian rồi nghĩ học, hình như có lần tôi hỏi, Nghệ em cho biết vì gia cảnh khó khăn nên Nghệ anh nghỉ học về quê giúp gia đình. Nhưng sau này biết ra không phải vậy, em nghỉ vì hoạt động cho Cộng sản.

Gặp lại tôi trong Hội Nghị, Nghệ anh nói:

- Bây giờ em mới biết Thầy !

Tôi đoán em Nghệ hiểu lầm, tưởng rằng tôi cũng hoạt động Cộng sản như em, nên nay tôi mới được làm Hiệu Phó và tham dự Hội Nghị này.

Cũng trong Hội Nghị này, ban tổ chức đã đưa đi tham quan một trại cải tạo tù hình sự ở đồn Tống Lê Chân cũ, vào thăm láng trại của họ, tôi nhớ đến thân phận mình ngày trước, gợi tôi nhớ tới những bạn tù, những gian nan cùng khổ, đói ăn, rét mặc.

Gần hai năm ở Trường Kỹ Thuật Nghiệp Vụ Công Nghiệp, tôi luôn bị vằn vật, tự hỏi giáo dục rồi sẽ đi vê` đâu ? Có lần một Thầy giáo nói với tôi:

- Anh nghĩ coi, ai cũng muốn dạy cho học trò của mình giỏi tay nghề, hữu dụng cho xã hội, giáo dục hiện nay thì lúc nào cũng đặt ra thi đua, tiên tiến, nhưng mà đồng lương chết đói, người có lương tâm cũng không thể làm. Theo chỉ đạo, trong lớp, học sinh dở mình phải dạy, kèm cập cho nó giỏi, học sinh trung bình mình cũng phải dạy cho nó giỏi và học sinh giỏi mình cũng phải dạy cho nó giỏi hơn. Như vậy, học sinh cở nào mình cũng phải dạy thêm hết, làm cho tròn nhiệm vụ này mình cũng ráng làm được, nhưng ăn uống không đủ, làm xong một năm thì thì được thảnh thơi ra nghĩa địa mà nằm an dưỡng!

Cho nên, học sinh giỏi dở gì mình cũng cho điểm khá hết, để một là khỏi phải kềm cập dạy thêm, hai là đáp ứng được thi đua để đạt danh hiệu Thầy giỏi, Trò giỏi, tiên tiến, đều đều, nhưng thực chất không ra gì !

Có những giáo viên, tôi muốn động viên họ dạy tốt hơn, nhưng nhìn lại cái ăn, cái mặc, họ cũng như tôi bị ăn “bo bo” là một thứ cho ngựa, cho bò ăn, mà người ta khéo đặt cho nó cái tên “cao lương”, để con người đã bị hóa thành súc vật, ăn thức ăn của súc vật mà phải nói, phải nghĩ rằng tôi ăn “cao lương mỹ vị”. Cho nên tôi đành im lặng, cúi mặt làm ngơ.

Năm 1984, Phân viện tôi làm việc trước kia, nâng lên thành Công Ty, tôi được Giám Đốc xin về làm Trưởng Phòng Kinh Tế Kế Hoạch, tôi rời khỏi Trường lần này cũng như khi tôi đến lòng rất thanh thản, vì tôi không mong cầu, không được, không mất.

Người xưa có dạy “Nhân vô thập toàn”, tôi hy vọng, hai lần ở hai chế độ tôi không làm một điều chi có hại cho đồng nghiệp, nếu có vì vô ý, vô tư của tôi thì xin người trong cuộc tha thứ cho. Tôi nhớ có một lần họp cuối năm về phê bình và tự phê, một chi đồng nghiệp, phát biểu: “Có lúc, anh nói, anh xem chúng tôi như cháu Diệp của anh!”. Quả thật là tôi bị bất ngờ, cho tới nay tôi vẫn nghĩ đối với đồng nghiệp chưa bao giờ, tôi dám bất kính. Tại tôi hống hách hay là tại các chị Tuyết, chị Sảnh thấy sao nói vậy!? Thế thì lỗi ở tôi.

Về học sinh, nay các em đã nên người đã đến tuổi “Tri Thiên Mệnh”, chắc nhiều em, đôi lúc cũng nhớ lại những Thầy, Cô giáo của mình. Giáo dục của Á Đông chúng ta đề cao “Quân, Sư, Phụ”, trên có quân vương, thứ đến có Thầy, sau mới đến cha mẹ. Những câu học sinh nằm lòng như “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”, về phong tục Tết nhất thì “Mồng một ngày Cha, mồng hai ngày Mẹ, mồng ba ngày Thầy”. Chưa hết đâu, còn nữa “Không Thầy đố mầy làm nên”, cho nên hồi nhỏ, sáu tuổi đi học lớp “Đồng Ấu”, làm lỗi, bị ông Thầy, bắt chúm 5 ngón tay lại, Thầy cầm cây thước bảng dài trên một thước, thẳng tay khẻ vào 5 đầu ngón tay, đau đến tận óc. Hai năm trước, tìm thăm Thầy dạy vở lòng cho tôi, Thầy ở Tân Quy Đông, gặp Thầy còn khỏe rất mừng, Thầy đã thọ, như tên Thọ của Thầy, đã ngoài 90, chuyện nhớ, chuyện quên nên cảm thấy buồn vì lần này Thầy còn đó, lần sau thăm Thầy có còn nữa hay không?

Dạy các em, tôi luôn luôn tìm cách để cho các em dễ hiểu, dễ nhớ để thực hành, nhưng điểm thì cho đến cuối đời, tôi không cho em nào quá 16 điểm, bởi vì tôi có quan niệm, cho điểm cao, các em tự mãn, không cố gắng thêm nữa.

Có một em học sinh tên là Hà Trọng Dũng, không hiểu vì cớ gì, tôi lại gọi đùa em ấy là Hà Bá, đáng lẽ tôi không nên gọi đùa như vậy. Những năm 1985 cho đến 1990 thỉnh thoảng tôi gặp Dũng, Thầy trò có dịp ngồi uống cà phê, nhắc lại chuyện xưa, lúc đó Dũng ở chung cư trong con hẽm, bên cạnh khách sạn Continental. Phía trước là Building Brink, nay Building này xây khách sạn Hyatt, không rõ em Hà Trọng Dũng còn ở đó hay không?

Một lần, trong giờ học, các em đang vẽ, tôi vô ý hỏi:

- Nhà em nào có chó đẻ không ?

Các em cười một cái rần! Tôi mới biết rằng mình lỡ lời, nên phải nói lại ngay:

- Tôi muốn hỏi nhà em nào có nuôi chó, có chó con, cho tôi xin một con về nuôi.

Sau khi Trường đã bị Ban Quân Quản Sàigòn-Gia Định tiếp thu, có người cho biết, tôi đã bị một em học sinh tố cáo về việc chi đó. Chuyện đó không làm tôi lo nghĩ chi hết, vì tôi biết mình không làm điều chi có hại cho Trường, cho Giáo sư, Nhân viên cũng như học sinh.

Năm 2007 về Việt Nam, tôi có đi thăm Thầy Khưu Văn Triệu, anh vẫn ở đường Võ Tánh cũ, nay là Nguyễn Trải, nói chung anh vẫn như xưa, nhưng theo anh cho biết, anh bị ung thư hàm mấy năm trước, phải chữa xạ trị, lúc tôi đến thăm thì việc chữa trị đã xong, mỗi ngày anh vẫn đi làm một buổi, anh đang tập sự cho một người để về hưu. Anh gợi cho tôi nhớ tới những ngày đầu sau 1975, Trường đã đặt dưới quyền của Quân Quản. Một đêm đi trực gác, có Tư Quỳnh, chị cán bộ R tiếp quản Trường, anh với tôi và một bộ đội bảo vệ, cùng ăn bò né, trong bửa ăn, anh Triệu hỏi về quê quán anh bảo vệ, anh ta cho biết người Thủ Thừa, Long An, chỉ có vậy, nhưng hôm sau, cậu ta bị chuyển công tác và thay một cậu bảo vệ khác. Anh Triệu nói với tôi : "- Chỉ có vậy mà cũng bảo mật !", anh Triệu có người anh đi tập kết, nên anh được về sớm và làm việc lại tại Trường, cho đến khi tôi trở lại Trường, anh đuợc chuyển sang làm quản lý cho một khách sạn khu Nhà Thờ Cứu Thế.

*

Năm 2008, về Việt Nam, tôi có vào Trường nhưng không có ai quen ở đó cả, vì vào dịp Hè, có cô Thu thư ký ngày trước, cô cũng đi khỏi, tìm đến nhà Thầy Lê Đình Viện, nguyên là Hiệu Trưởng trường Nguyễn Trường Tộ để tìm chút tài liệu của Trường, người ta cho biết nhà Thầy đã đổi chủ, tìm đến khu cư xá giáo sư và nhân viên kỹ thuật ở gần cầu sắt, gặp được Thầy Lưu Minh Tuấn, nhà hai căn xây cao hai ba tầng lầu, trong phòng khách bày bộ xa long gỗ chạm trổ nệm đỏ chứng tỏ Thầy đang an hưởng tuổi già. Sang thăm nhà Thầy Phạm Mạnh Tùng, thầy đang chuẩn bị đi ăn sinh nhật của Thầy do vài giáo sư cũ mời, trong đó có Thầy Giảng Huệ Thắng, Thầy Tùng có mời tôi cùng đi, tôi cũng muốn tới để gặp anh em cũ, nhưng trong người chưa khỏe sau khi nằm viện, tôi xin phép đi tìm Thầy Lê Đình Viện. Nhờ Thầy Tùng chỉ, tìm đến địa chỉ 282/68 Bùi Hữu Nghĩa, Phường 2 Quận Bình Thạnh, nhà cao hai ba tầng, cửa khóa kín, tôi đành ra về, tiếc đã bỏ công đi thăm, nhưng không gặp được Thầy.

Mấy hôm rồi, các em cựu học sinh Nguyễn Trường Tộ và Phan Đình Phùng có báo tin Thầy Trần Mạnh Du ở Mỹ về Việt Nam, tôi nhờ các em xin cho tôi địa chỉ và số Phone, các em gửi cho tôi số Phone của Du. Du với tôi đã từng ăn chung một mâm ngủ chung một sạp trong chốn cải tạo Trãng lớn hơn một năm. Nhớ lại, ngày mới đến Trãng lớn tôi nghĩ chỉ đi học tập 10 ngày như Thông cáo của Ủy Ban Quân Quản, nhưng đến nơi lại thấy họ sắp đặt hình như tính chuyện lâu dài! Trần Mạnh Du một hôm tâm sự với tôi: "- Khi ra đi, tôi đã nói với nhà tôi: 'Anh đi không hẹn ngày về!' ". Ra tù tôi có gặp Du một lần, tại nhà anh gần khu chung cư Nguyễn Thiện Thuật, mới đó mà nay cũng trên dưới 30 năm rồi chưa gặp lại !

Mọi chuyện rồi cũng qua đi, chuyện vui, chuyện buồn gây cho chúng ta ít nhiều xúc cảm. nhưng nếu Ta có làm lỗi với Người thì nên xin lỗi cho mọi Người cùng ta vui vẻ, Người làm lỗi với Ta, Ta tha thứ hết. Được như vậy, đời sống của chúng ta mang nhiều ý nghĩa, người người được an vui, ấm lòng, tăng thêm tuổi thọ.

Lou. 1-2-2009

1-3-2009