Pages

Thursday, March 8, 2012

Khóc anh tôi

Đêm nghe tin anh mất
Nhớ lúc tuổi còn thơ
Tung tăng cánh đồng cò
Bầy dê trên đồng cỏ
Té nước cộng lá môn
Ngứa ngáy vì chơi dại

*

Đêm chống xuồng anh cắt cỏ
Trên trời xanh đầy sao
Xuồng lướt trên đồng lúa
Lúa xanh ngút chân trời
Nơi nơi
Đêm yên tịnh
Thanh bình trong khoảnh khắc
Gió mát mùi cỏ dại
Thoáng đã đi qua rồi
Nay anh cũng lại đi
Dập vùi chôn kỷ niệm
Gặp lại giấc chiêm bao!

*

Nhớ tới lúc đi học
Chúng ta cùng chung trường
Bên kia sép sông Hậu
Trường mái đỏ
Tường xây
Cột đu cao ngất nghễu
Năm ba đứa nhảy cò cò
Ch
có thằng bắn bi xanh
Góc kia mấy chị tóc đuôi gà
Ngồi chơi trò đánh đủa
Lại có đứa cõng nhau
Chạy quanh sân trường nhỏ
La hét dậy buổi trưa
Giờ chơi đùa vui nhộn nhịp
Trường xưa nay đã dời
Bóng anh nay đã khuất
Thầy cũng đã xa lâu

*

Thấy đó
Rồi mất đó
Nghìn thu ta vĩnh biệt
Khóc anh lệ chẳng rơi
Buồn ngập khắp phương trời

*

Đi
Anh đi
Miên viễn miền an lạc,
Bỏ lại chốn nhân gian một kiếp người.

Huỳnh Ái Tộc
Sinh 1938
Tử 8-3-2012

8-3-2012

Wednesday, March 7, 2012

Tiếng chào cao hơn cỗ

Chào là một hình thức xã giao, nó nói lên phong tục và văn hóa của một nước. Người Đông Phương đa số lễ phép chào nhau bằng cách cúi đầu, người Tây Phương chào nhau bằng cách bắt tay khi đến gần hay vẩy tay nếu cách xa không thể bắt tay được.

Tôi không biết, tôi được dạy chào hỏi khi nào, chắc lúc đó còn nhỏ lắm nên không thể nhớ lại được, nay nhớ lại khi dạy con cũng trên bốn mươi năm trước, muốn được rõ ràng hơn, tôi quan sát các con đang dạy các cháu khi chúng lên 2, 3 cha mẹ đã dạy đứng khoanh tay, cúi đầu chào khi khách tới nhà hoặc lúc khách ra về với lời chào ông, chào bà hay chào chú, bác, cô, dì.

Tôi nhớ rõ khi còn nhỏ, mỗi lần khách đến nhà thăm cha mẹ tôi, khách đã quen biết hay chú, bác, cô dì tôi đứng khoanh tay, miệng nói:

- Thưa bác (chú, cô, dì …) mới tới!

Rồi cúi đầu chào, người khách trả lời:

- Ừ !

Hoặc khen:

- Giỏi!

Nếu khách không nói gì thêm, tôi bỏ tay xuống rồi đi vào trong nhà rót nước trà, bưng ra mời khách uống, xong lại tránh đi để người lớn nói chuyện với nhau.

Còn nếu khách vẫn hỏi thêm điều gì, tôi phải khoanh tay đứng nghe để trả lời, đến khi nào khách không còn hỏi nữa mới bỏ tay xuống, đi rót nước mời khách hoặc đi làm chuyện khác.

Trường hợp kkách lạ, không biết xưng hô với khách như thế nào, nhất thiết cũng phải đến gần khách. đứng thẳng người khoanh tay rồi cúi đầu chào khách.

Lễ phép của mỗi đứa trẻ ngày xưa, hầu hết đều được cha mẹ dạy dỗ như vậy. Nếu gặp khách tới nhà mà trẻ con không biết chào hỏi khách người lớn, trẻ con đó sẽ bị phê phán là “gặp khách chỉ biết giương mắt ếch mà nhìn”, hoặc sẽ bị phê phán là “thiếu giáo dục” hay nói khác hơn là cha mẹ không dạy dỗ, nên con cái không biết lễ phép chào hỏi khách.

Người ta thường nói sống trên đời có “tứ khoái”, “ăn” là đứng đầu, lại là ăn cỗ thì không cao lương, mỹ vị cũng là món ngon, vật lạ thực khách sẽ ăn uống ngon miệng. Nhất là được gia chủ vồn vã tiếp đón thì bửa ăn càng ngon hơn, nếu khách đến nhà mà gia chủ tiếp đón, chào hỏi lạnh nhạt thì dù cho cao lương, mỹ vị cũng trở nên tầm thường, nhạt nhẻo, chính vì vậy mà tục ngữ có câu: “Tiếng chào cao hơn cỗ!”

Rồi lớn lên, chừng 15, 16 chào khách tôi không còn khoanh tay mà nắm hai tay lại cúi đầu, miệng chào khách:

- Thưa bác (chú, cô, dì …) mới tới!

Đó là những người khách họ hàng, xóm làng xa lâu lâu tới nhà một lần, còn thân tộc như cô, chú, bác ruột thì vừa đi vừa vui mừng chào:

- Thưa bác (chú, cô, dì …) mới tới!

Rồi đến tuổi nào đó, có lẽ đến “ngũ thập tri thiên mệnh” trở đi, khi gặp khách, vai vế hay tuổi cao hơn mình thì chỉ khẻ cúi đầu chào, gặp người ngang hàng như bạn bè chỉ chào bằng lời:

- Chào anh (chị)!

Gặp người trẻ hơn chào, thì chào lại bằng cái mỉm cười.

Tôi nghĩ chẳng phải chỉ có mình làm như vậy, mà hầu hết người Việt ta đều làm như vậy, nó đã thở thành tạp quán trong nếp sống văn hóa của người Việt ta.

Nhưng nếu chúng ta nhìn thấy người Nhật hay người Đại Hàn, phép chào hỏi của họ tỏ ra rất tôn kính, họ đứng nghiêm cúi mình xuống càng thấp càng tỏ ra tôn kính. Mọi lứa tuổi họ đều chào kính như nhau.

Hai người Nhật hay Đại Hàn chào nhau

Tôi thấy trên truyền hình, Tổng Thống Đại Hàn trước hay sau khi đọc diễn văn, đều cúi mình chào dân chúng. Những ông Thủ tướng, Bộ Trưởng Nhật khi lên bục đọc diễn văn, trước đó đều đứng cúi mình chào lá quốc kỳ của nước họ.

Sự chào hỏi tôn kính đó, thể hiện nếp sống văn hóa cao, lại cho chúng ta thấy họ luôn luôn kính trọng người khác, khác với chúng ta lễ phép thay đổi theo tuổi tác, hơn nữa ta chỉ kính trọng người hơn mình, chớ không kính trọng kẻ dưới, phải chăng đó là thứ văn hóa tự tôn, vì chịu ảnh hưởng văn hóa Trung Quốc, hay Trung Hoa là nước tự tôn, cho rằng họ là Tinh hoa nằm ở trung tâm, giữa các nước kém văn minh như rợ Hồ phương Bắc, Nam di ở phương Nam.

Chúng ta hãy đọc một đoạn văn của Ngô Đồng Vũ đăng trên Web Thế Giới Cha Mẹ, để thấy người ta cảm nghĩ thế nào, khi được tôn trọng ở trong một xã hội đã bị băng hoại về lễ nghi:

Tôi nhớ mãi hình ảnh nhà văn Sơn Nam khoanh tay và cúi đầu chào mấy trăm sinh viên tại hội trường lớn của Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM mười mấy năm trước. Dường như tất cả sinh viên ở đó đều quá bất ngờ với hành động mang đậm chất lễ nghĩa của “ông già Nam bộ” nên… không kịp có biểu hiện đáp lễ đúng mực.

Hôm đó, nhà văn Sơn Nam đến nói chuyện với sinh viên báo chí về hoạt động làm báo ở Sài Gòn trước năm 1975. Nói thực, câu chuyện của nhà văn khá tản mạn nên không mấy thu hút sinh viên (chúng tôi hồi ấy vẫn thích đọc sách của ông hơn). Bởi vậy, hình ảnh nhà văn Sơn Nam vòng tay cúi chào đã đọng lại trong tôi rất sâu đậm.

Những vị hoàng đế, quốc vương hay những vị nguyên thủ quốc gia của mỗi nước, đều có cơ quan Lễ tân lo các nghi lễ ngoại giao. Khi Nhật Hoàng tiếp Tổng Thống Obama vào ngày 14 tháng 11 năm 2009 tại Nhật. Nhật hoàng dùng nghi lễ Tây Phương, trái lại Tổng thống Obama lại dùng nghi lễ nước Nhật, nhiều người Mỹ cho là Tổng Thống của một cường quốc, ông Obama không nên cúi mình quá thấp, đã hạ thấp phẩm giá của người đại diện cho một cường quốc đứng đầu thế giới ngày nay, là nước chiến thắng, chấp nhận sự đầu hàng của Nhật hoàng Hirohito năm 1945. Có người bênh vực cho là đó là nghi lễ ngoại giao, tỏ lòng kính trọng người khác. Đây không phải là ngoại lệ vì Tổng Thống Richard Nixon cũng cúi mình trước Nhật hoàng Hirohito.

Thật ra nước Nhật đã Tây phương hóa, nhưng lễ phép vẫn giữ như xưa, do vậy mà Nhật hoàng Akihito đưa tay ra bắt tay, còn Tổng Thống Obama giữ đúng nghi lễ truyền thống của người Nhật.

Tổng thống Barack Obama - Nhật hoàng Akihito – Hoàng hậu Mikicho

Tôi ao ước, những người cao niên, nên làm như Sơn Nam trong những cuộc lễ trang trọng, còn những trường hợp tiếp đón thông thường, gặp nhau ngoài phố ít ra cũng nên nắm hai tay lại vừa cúi đầu vừa xá người mình chào, những người Phật tử gặp nhau, họ chắp tay lại vừa xá vừa chào nhau bằng danh hiệu Phật:

- A Di Đà Phật !

Nghi lễ chào như vậy, để nhắc nhở người ta luôn luôn tưởng niệm đến Phật từ lời nói đến việc làm, người lớn có làm được thanh thiếu niên mới bắt chước làm theo. Theo thiển nghĩ việc làm này không khó, tập thường xuyên cho thành tạp quán, từ đó giữ lại phong tục đẹp của ngàn xưa. Thử hỏi: - Sao lúc nhỏ ai cũng làm được, lớn khôn rồi lại quên đi ?Chẳng lẽ lúc nhỏ ta có văn hóa, lớn lên rồi lại không biết giữ gìn sao ?

Ngày 7-3-2012