Vào đầu thập niên (19)70, tôi học
Văn Chương Bình Dân với ông Ngô Văn Phát, ông vốn là công chức Tòa Đô Chánh, dạy
thêm ở Trung học Pétrus Ký, rồi ở Đại học.
Ông là nhà văn có thơ đăng trên Phụ Nữ Tân Văn, có bài đăng trong bộ bộ
Tự điển Encyclopedia - Britannico ở
Luân Đôn (Anh Quốc), in trên tạp chí Trường Viễn đông Bác cổ ở Paris. Ông cũng
có bài viết Nguyen Du et la métrique
populaire (Nguyễn Du với thể dân ca) trong bộ sách nhan đề: Mélanges sur Nguyen Du (Tạp luận về
Nguyễn Du) của Trường Đại học Sorbonne (Paris).
Ông có bút hiệu Tố Phang, Đồ Mơ là
tác giả của sách Ca dao giảng luận, Chinh phụ ngâm khúc giảng luận … tiểu
thuyết Bóng người qua (1928), Giọt lệ phòng đào (1929), ông cũng viết
kịch và soạn tuồng cải lương.
Ông nhận xét tác giả tiền chiến có
Trần Huyền Trân viết văn hay hơn cả, nghe ông nói thì chỉ biết vậy, có thể đến
Thư viện Quốc Gia ở đường Gia Long, để tìm sách đọc. Tôi có vào đây nhiều lần, ở
phòng đọc sách có một số sách có thể muợn đọc tại chỗ, có một số sách cho mượn đọc
hạn chế. Thời đó, đi dạy, đi học thêm, rồi còn phải dạy tư để kiếm sống, tôi không
có ý định tìm đọc sách của nhà văn Trần Huyền Trân theo lời giới thiệu của ông
Thuần Phong.
Rồi những năm 1979 hay 1980, sách
cũ được bày bán ở chợ sách trên đường Đặng Thị Nhu ở gần chợ Bến Thành, sách giá
trị thì nhiều mà trong túi thì không có tiền, cho nên tôi chỉ đi xem cho biết hơn
là đi tìm sách để mua. Tuy vậy, đôi khi tôi cũng mua được một vài quyển sách giá
bèo như Văn học khái luận của Đặng Thái
Mai, vừa là bạn vừa là bố vợ của tướng Võ Nguyên Giáp, Giấc Mộng Con của Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu do nhà xuất bản Hương Sơn
ấn hành, Nho Phong của Nguyễn Tường
Tam in lần thứ nhất năm 1926 do Ngọc Xuyên, 99 phố Hàng Bông Hà Nội ấn hành, Người bạn gái của Thiếu Sơn do Cộng lực
phát hành năm 1941, Tiểu Nhiên Mị Cơ của
Vũ Ngọc Phan do Mới phát hành năm 1942, Những
thời kỳ trọng đại của Việt nam trong lúc hồi xuân của Henri Le Grauclaude
do T.X và P.V là hai vị quan ở Triều Đình Huế dịch ra quốc ngữ do Press
Populaire de l’Empire d’Annam Hanoi Hué Saigon ấn hành năm 1933, Người ngàn thu cũ của Trần Huyền Trân do
Phổ Thông Bán Nguyệt San ấn hành năm 1942 … những sách ấy tôi mua để vào tủ sách,
chưa có quyển nào tôi đọc tới, vì vẫn ngày ngày lo cho miếng cơm manh áo trong
nhừng ngày khốn khó sau 1975.
Gần đây, khi soạn tập Hai mươi năm Văn học miền Bắc 1954-1975,
tôi phải tìm tác giả Trần Huyền Trân để trích văn của ông, nhờ đó tôi đã tìm lại
quyển Người ngàn thu cũ, và lần dở đọc
vài trang.
Người Ngàn Thu Cũ
Canh gà thứ nhất eo óc gáy lên,
theo với một vệt sáng vừa hửng ở chân trời
phía đông từ từ rạng.
Đêm, một đêm mù và lạnh, vừa tàn đi
như một giấc mộng nhớ thương. Muôn loài sau năm canh trường trông đợi, đã bừng
thức trước một ngày mới mẻ.
Ngày ấy đã bắt đầu.
Một hồi trống rung chuyển cả bầu
không khí dìu hiu nơi biên giới. Cửa quan Hàm Cốc, tiếng khóa rên theo dư ba của
hồi trống tàn rứt, mở ra trong ánh sang buổi sớm còn lù mù.
Người nước Tần ra đi, người nước
khác vào nước Tần, lúc ấy, như những chiếc bóng, lặng lẽ qua dưới những cặp mắt
khám xét của người giữ cửa quan.
Bấy giờ còn sớm quá, nên người đi
kẻ lại còn vắng lắm. Một vài bọn thương khách đến từ nửa đêm, hiền lành vào
trong đất Tần nguy hiểm. Ngược lại, người đất Tần xuất quan độ mươi kẻ, hầu hết
cũng đều là lái buôn. Tất cả đều được yên ổn bước đường, không bị ngăn trở là vì
họ đủ giấy thông hành.
Gió từ những nơi hẻo lánh hút lại,
làm bay vạt áo những kẻ đi xa. Bóng họ nổi lác đác trên con độc đạo tun hút giừa
những núi non trùng điệp. Những chiếc bóng ấy, lạnh lung, bước theo hình người
lận đận, hòa hợp với màu lam chướng bốc nhòa như khói trên những lớp núi cao.
Một bức tranh quan tái, chứa đầy
không khí thanh bình! Một vùng đất nước mơ màng, không thấy vẳng chua xót một lời
ca của vợ người lính thú.
Kẻ phiêu lưu hồ hải yên lòng.
Nhưng, ở xa xa, một làn khói ai đốt
rừng vừ lên trong hơi sương. Làn khói xanh, rồi trắng, rồi lên xám lại thành một
dám vần vụ, hung hung như khói dữ của một cơn binh lửa ghê ngưòi.
Có hai kẻ đi chậm và đi chơ vơ trên
con đường đất đỏ. Gió heo làm khô da người. Họ đìu hiu ngó đám khói ùn ùn và vơ
vất nọ, tầm mắt gửi mãi xa vời … Một người dừng chân lại thở dài mà nói:
- Ta về đâu ? Thiên hạ ai là người
hiểu chiếc thân không nhà này ?
Người kia cười nhạt, gõ gươm mà hát
rằng:
Đất Tần sớm bỏ ta ra đi
Nghe khói giời Yên đất loạn ly
Giọng hát trầm hùng, ngậm kín một
cái ngạo cốt vừ khái vừa mạnh. Người áo lam ban nãy thở dài, giờ gật gù đứng chống
tay tư lự. Bỗng có một đôi chim bay ngang sưòn núi, rồi cao vút lên mây; ấy là
chim vừa ở tổ bay đi, tìm một ngày sống ở bốn phương xa lạ.
Người áo xanh vừa hát xong, nhìn
hút theo cánh chim, lại lên giọng mà hát tiếp:
Đôi chim chưa có chỗ nào đỗ!
Kiếm sắc nằm han trong chiếc vỏ …
Người áo lam bỗng giậm chân, hất
tay làm nhịp mà hát lái lại:
Kiếm sắc nằm han trong chiếc vỏ !
Dứt tiếng, bàn tay gã nắm chặt lại,
mắt sắc hẳn lên, gợn vài tia đỏ như gân máu.
Người áo xanh lại cười ha hả hát
nữa :
Giận đời vắng ngắt khách tương tri,
Buồn đứng thở dài ngoài ải gió …
Người áo lam họa theo tiếng cười
gằn ấy, mà khen:
- Hay! Hát lại cả đi, hát lại tất
cả !
Người áo xanh hứng khởi lên giọng.
Bạn hát theo. Bấy giờ gió thổi vun vút, làm lạnh cả thứ ánh sáng một ngày đục mờ,
làm lạnh cả lòng người và giọng người, nên tiếng hát sang sảng dội vào những vách
đá nghe càng rùng mình hơn.
Dăm ba sườn núi hửng lên vì lam
khí tan dần ….
*
Quán rượu thứ nhất trên đất Yên,
hai người đã gặp.
Cái giận chưa tìm được tri kỷ, cùng
với mối cảm nửa đời điên bái, hòa với nhau, mài sát vào nhau ở trong lòng hai kẻ
lang thang giữa nước người và cảnh lạ.
Gặp những trạng huống như thế,
người tâm sự thường vùi hồn vào trong chén rượu, lấy cái say để mà gan, mà liều,
tránh cái tỉnh thường khiến cho khổ.
Vả lại, ngay như chim cùng còn có
lúc đỗ xuống một bụi cây, để tìm một đường mây nào được gió, rồi mới lại bay đi.
Hai người cũng đã nghỉ chân, mua cái vui trong hơi men lạ miệng.
Bửa rượu được nửa chừng trong một
chiếc quán giữ vùng hẻo lánh, lơ thơ vài xóm nhỏ ấy, thì chợt có một khách qua
đường cũng vừa dừng chân.
Khách có một hình dung như thô lậu,
tầm thường, nhưng cặp mắt lại trái hẳn. Cặp mắt sáng lầm lì, lúc nào cũng chìm
đắm trong một nguồn tư tưởng gì ghê gớm lắm. Dáng đi hiên ngang, đẹp và mạnh,
phản lại bộ y phục bần bạc chỉ những kẻ gia nhân mới thường dùng mà thôi.
Cứ hình dung và y phục ấy, cái
thiên hạ tầm thường ai cũng chỉ cho khách bất quá là một tên đầy tớ nhà phú quí
chớ không hơn.
Nhưng còn có hai người ở trong quán.
Người áo lam nhìn khách lạ, ra vẻ kinh ngạc, rồi đưa mắt cho bạn. Người áo xanh
hiểu ý, lấy mắt đi người khách lạ từ đầu đến chân, rồi gật gù, vờ như không biết
có ai, tợp cạn chén rượu, gõ xuống bàn theo nhịp mà hàt rằng:
Đất Tần sớm bỏ ta ra đi,
Nghe khói giời Yên báo loạn ly.
Đôi chim chưa có chỗ nào đỗ,
Kiếm sắc nằm han trong chiếc vỏ.
Giận đời vắng ngắt khách tương tri,
Buồn đứng thở dài ngoài ải gió …
Người ấy làm như vì say mà hát liều,
chỗ mau, chỗ khoan, câu rõ như rót vào tai, câu khẻ hình như không không muốn
cho ai nghe thấy, dần dần líu cả lưỡi lại.
Người áo lam ngồi bên chỉ cười hà
hà.
Riêng khách lạ chăm chú nghe hát,
rồi lại có ý nhận kỹ nét mặt hai người, không hề nhãng bỏ.
Người áo xanh bỗng nói đủ cho bạn
nghe:
- Biết ai không ? Chuyện đầu quạ
trắng!
Người áo lam mỉm cười, đáp:
- Hiểu rồi.
Người áo xanh lại vờ vui chén, nói
to:
- Yên dục dịch chiến tranh với Tần,
muốn đón thái tử Đan ở làm con tin bên Tần về, bèn sai sứ giả sang nói dối vua
Yên bị bệnh. Việc ấy ai cũng đã biết. Nhưng không biết thái tử Đan có được về
chăng ?
Người áo lam lắc đầu đáp, trong
khi nói vẫ n nhìn người khách lạ:
- Thái tử Đan không được về.
- Tại làm sao ?
- Vì vua Tần nhất định nếu vua Yên
không chết, thì thái tử chưa có thể được về. Muốn thái tử về, trừ phi bao giờ đầu
quạ trắng, ngựa mọc sừng mới được.
Người áo xanh bật cười, mà nói:
- Như thế, họa là kiếp sau !
Người áo lam chậm rãi bảo:
- Ấy vậy mà đầu quạ trắng đó!
Người áo xanh tỏ vẻ kinh ngạc, hỏi:
- Sao ?
Người kia đáp:
- Thái tử Đan trước mặt vua Tần,
nhân ức quá, ngửa mặt lên giời mà kêu to một tiếng. Uất khí bốc lên, nhằm vào đàn
quạ đang bay, thành ra đầu quạ hóa ra sắc trắng cả.
Người áo xanh thích chí, vỗ bàn mà
cười. Rồi hỏi:
- Thế là thái tử Đan được về ?
Người áo lam lắc đầu:
- Nhưng vua Tần vẫn không cho về!
Người áo xanh đấm mạnh nắm tay, kêu
lên:
- Vậy thì tức quá! Tức quá!
Khách lạ ở bên kia, lúc ấy không
giữ lại được lời nữa.
- Các ngài đừng tức vội, vì thái
tử Đan đã ra khỏi đất Tần!
Người áo lam vội hỏi:
- Thực ư ? Sao ngài biết được ?
- Vì tôi là người nước Yên.
- Mong ngài cho biết chuyện ấy, đây
là đất Yên rồi, tất không lo gì trở ngại.
Người áo xanh nói thêm:
- Chúng tôi là những kẻ giang hồ
phiêu bạt, sinh một phương mà nương ở bốn phương, thích nghe những chuyện lạ thú,
nên chẳng kỳ quản gì. Ngài chắc cũng vậy.
Khách lạ mỉm cười, nói:
- Người nước Yên nói chuyện hay của
nước Yên, việc gì mà sợ ! Thái tử nóng lòng về, bèn đổi quần áo, hủy hình dung,
thay tiếng nói, đánh lừa ra được cửa quan Hàm cốc.
- Thế là một tin đáng mừng. Ta hãy
uống một chén rượu, mừng cho người đã thoát khỏi cái đất Tần nguy hiểm kia.
Mọi người hưởng ứng. Uống xong,
khách lạ lại hỏi:
- Tôi vừa được nghe các ngài hát
một bài hay lắm, chẳng hay bài hát đó của ai ?
Người áo xanh cười mà đáp:
- Của một người còn lang thang
trong thiên hạ, buồn mà hát chơi.
- Có gươm sao lại để han, có lòng
sao lại làm chết ? Các ngài chắc cũng có tâm sự ấy chứ gì ? Ở đời, ai là không
có tri kỷ, chỉ đã gặp hay là chưa gặp đấy thôi, chứ chẳng phải là không thể gặp
được !
- Chúng tôi cũng tin rằng như thế.
Ở đời, gặp được một người hiểu mình, thì có thể tiên được hận thiên cổ. Nhưng
khó có người hiểu được chúng tôi !
- Nếu các ngài không chê kẻ này hèn hạ, tôi xin tến cử với các
ngài một người xứng đáng, các ngài nghĩ sao ?
Người áo lam kín đáo mà hỏi:
- Xin cho biết tên hiệu người đó.
- Tức là người vừa ra thoát nước
Tần.
- À, thái tử Đan ?
- Chính phải. Các ngài có thuận
chăng ?
- Nếu đáng là người dùng được chúng
tôi, chúng tôi sẽ theo. Còn nếu không đáng, chúng tôi sẽ bỏ đi cũng chưa muộn.
Ngài cứ giúp cho được gặp nhau.
Khách lạ trân trọng xin cho biết
danh hiệu. Người áo xanh vui vẻ nói:
- Tôi họ Tống, tên Ý; còn người bạn
tôi đây là Hạ Phù, đều là kẻ nay bắc mai nam, lênh đênh không định sở. Nay một
sớm mà gặp gỡ nhau, mong ngài cũng cho rõ quý tính cao danh để tiện giao thiệp.
Khách lạ mỉm cười, nói đủ hai người
nghe:
- Đan này vừa về tới Yên đây.
*
……….
*
Đây là đất Tần … Đây là thành Hàm
dương … Những công trình kiến thiết của nhà Tần bấy giờ, như mở ra thời đại mới
trước cặp mắt ngạc nhiên của Kinh Kha. Tất cả những cái gì bí mật về binh nhung
đều tiềm tàng trong một thành trì kiên cố ấy.
Kinh Kha bất giác than với Vũ Dương
rằng:
- Khí thế hùng mãnh như thế này,
trách gì nhà Tần không lấn đoạt các chư hầu. Ta xem hiện tình này, có lẽ không
bao lâu mà một tay vua Tần thu gồm hết cả thiên hạ. Trừ được con cọp ấy, có lẽ
ta sẽ làm được một việc nghìn thu người đời không ai theo kịp đâu !
Nói xong lại thở dài. Vì, tận giờ,
cái mối lo ngại tự đưa thân vào nơi nguy hiểm ấy mới làm nao núng tâm hồn kiên
quyết của Kinh Kha, trước những lực lượng ghê gớm của nhà Tần mà mắt Kha đã thấy
rõ.
Nhưng, thân chàng nay đã lọt vào
trong hang hổ, không ra tay cũng không còn được nữa. Cái thế phải hành sự, không
cho chàng có quyền chùn bước. Đánh đổi cái chết của mình lấy cái chết của vua Tần,
tuy rằng quá đắt, nhưng cảnh lạc nghiệp an cư của khắp xứ chư hầu theo nhau diễn
qua trí tưởng Kinh Kha, đã đáng coi là một giá cao vời trả cho sự hy sinh vĩ đại
của người tráng sĩ.
Kinh Kha vẫn vui lòng.
Những kế hoạch cần phải tìm tới để
tới gần vua Tần, để vuaTần chịu tiếp mình, vẫn ngổn ngang trong đầu óc làm việc
ghê gớm của Kinh Kha.
Chàng dò biết quan Trung thứ tử Mông
Gia vốn được vua Tần tin yêu, bèn đem nghìn vàng đến đút lót, nhờ nói khéo với
vua Tần cho.
Mông Gia thực tình, tưởng sứ giả
nước Yên chỉ cốt dâng đầu Phàn Ô Kỳ để mưu cầu hòa việc chinh chiến, nên ham của,
vui lòng nhận nói giúp hộ.
Kinh Kha đợi chờ với một hồi hộp
nát lòng. Giời thu trắng xóa đã mấy hôm nay, sương đổ đêm ngày không mấy khi
quang tạnh. Hình ảnh một cuộc tang tóc như hiện ra vây phủ khắp không gian. Giờ
chết sẽ đến, sắp đến, với những báo hiệu nặng nề. Kinh Kha và Tần Vũ Dương thường
cũng thấy những phút khó thở chập chờn như có một cơn mây vần vũ, hung hãn ùn ùn
kéo đến giăng khắp trong hồn.
Mông Gia vào yết kiến vua Tần, khôn
khéo tâu rằng:
- Vua Yên sợ oai nước ta không dám
chống cự, xin đem cả nước xưng thần, cần được giữ vẹn tôn miếu của tiên nhân. Lại
sợ hãi không dám bày tỏ, phải chém. đầu Phàn Ô Kỳ và lấy địa đồ Cốc Cương, sai
sứ giả là Kinh Kha mang dâng, để xin quân ta rút về. Hiện sứ giả đang ở nhà quán
dịch, chưa có chỉ triệu chưa dám vào.
VuaTần nghe nói, cả mừng hỏi:
- Đã giết xong Phàn Ô Kỳ thực ư ?
Hay lắm! Cho sứ giả nước Yên vào đây, để ta mau trông thấy đầu đứa tặc thần, mới
hả cái giận cũ !
Nói xong, truyền thiết đại triều ở
cung Hàm Dương, đòi Kinh Kha vào bệ kiến.
Cái sướng nhất thời làm mờ lý trí
đi. Trong lúc thoảng thốt nhận được tin mừng mà mình không chờ đợi, vua Tần quên
để ý đến những biến trạng có thể có, không ngờ đến sự nguy hiểm vì cho một sứ
giả nước địch đến bên mình.
Trí khôn của loài người, không thể
lúc nào cũng sáng. Mặt trời, mặt trăng cũng còn chịu khuất từng lớp mây dầy.
Giờ ấy đã đến rồi, bao nhiêu chờ
đợi đã qua, sự hồi hộp càng tràn đầy trong tâm trí.
Kinh Kha cố vững vàng nuôi bền quả
cảm ở trong lòng, vì biết rằng mỗi bước chân đi là đi gần tới pháp tràng của
chiếc thân tự xả.
Chàng dấu con dao nhọn vào trong
tay áo, bưng chiếc hòm đựng thủ cấp Phàn Ô Kỳ, còn Tần Vũ Dương mang hộp địa đồ,
theo nhau vào cung, và cùng được lệnh bước lên.
Vua tôi nhà Tần, lúc ấy chỉ cốt
chăm chú được nhìn thấy đầu viên phản tướng, không nghĩ gì khác cả.
Tần Vũ Dương, chưa bao giờ vào sâu
trong cái uy nghiêm rợn người của một triều đình đầy nhung trang, võ khí như thế,
nên rối bước.
Lòng gã thấy lạnh dần lên một thứ
sát khí kinh hồn.
Mặt Vũ Dương bỗng biến sắc, trắng
nhợt ra như mặt người chết, vẻ sợ hãi không thể giữ không cho lộ ra.
Thị thần ngạc nhiên hỏi:
- Sứ giả làm sao biến sắc ?
Kinh Kha ngoảnh lại nhìn thẳng vào
Vũ Dương mà cười, rồi bước lên phía trên điện, dập đầu tạ lại rằng:
- Tần Vũ Dương là một kẻ quê mùa
rợ mọi, ngày thường chưa từng được thấy thiên tử, cho nên sợ quá mà đổi sắc đi,
xin đại vương rộng lòng tha, để hạ thần làm xong việc sứ ở trước thiên nhan.
Tần Vũ Dương bị cái nhìn mãnh liệt
của Kinh Kha lôi cuốn đã lấy lại được nét bình thường. Gã vững tin hơn khi thấy
Kinh Kha ung dung chữa lỗi.
Vua Tần thấy Kinh Kha cử chỉ ôn hòa
nói năng lễ độ, tuy không nghi ngờ gì hết, song cũng thận trọng mà bảo:
- Cho một người chánh sứ được lên
điện mà thôi !
Kẻ tả hữu bèn thét bảo Vũ Dương
phải xuống thềm.
Kinh Kha thầm giận Vũ Dương, song
không dám tỏ lộ ra nét mặt, chỉ ngấm ngầm phấp phỏng cho cái sứ mệnh thiêng liêng
mà sắp phải làm.
Vũ Dương ở dưới thềm cúi đầu im lặng.
Vua Tần sai đem chiếc hòm thủ cấp
lên xem quả nhiên là đầu Phàn Ô Kỳ thì mừng rỡ ôn tồn hỏi Kinh Kha rằng:
- Sao không giết ngay tên nghịch
thần này khi trước mà đem dâng, lại để đến bây giờ ?
Kinh Kha đáp:
- Phàn Ô Kỳ được tội với đại vương,
trốn lên miền Bắc mạc, vua nước Yên phải treo thưởng nghìn vàng mới bắt được,
muốn để sống đem nộp lại e giữa đường có biến, cho nên phải chặt lấy đầu. Nay
sai tôi dâng đại vương, chỉ mong được sảo thư cái lòng giận của đại vương mà giữ
toàn vẹn lấy tôn miếu nước nhà.
Trong khi đối đáp, Kinh Kha vẫn
giữ trọn cái vẻ ung dung, nhan sắc càng thêm hòa nhã.
Vua Tần không có ý nghi ngờ.
Vũ Dương vẫn bưng hộp địa đồ, cúi
đầu ở dưới thềm, không dám ngước lên và cũng không dám nói năng gì cả.
Vua Tần đã thỏa cái ý muốn của mình,
thích chí lại truyền lấy bức địa đồ lên xem.
Kinh Kha bước xuống, để lấy bức địa
đồ ấy, mà dâng lên.
Tần Vũ Dương khe khẻ thở ra một hơi
thở nặng nề.
Kinh Kha bỗng thấy máu bừng nóng.
Cả một sứ mệnh cao trọng đè lên đầu chàng, thúc dục gan dạ chàng. Cả một nước Yên
đang ngóng chờ trong giờ khắc này, cái tin ghê gớm nó định đoạt số phận của đất
nước còn hay mất, nhục nhã hay vinh quang !
Kinh Kha bỗng rùng mình !
Vì … vua Tần mở bức địa đồ xem,
chưa che khuất hẳn đôi mắt, thì mũi dao của Kinh Kha đã vì cánh tay giơ lên dâng
địa đồ mà lộ ra, không thể che dấu được nữa.
Liền tức khắc, Kinh Kha tay tả nắm
lấy tay áo vua Tần, tay hữu rút dao đâm vào giữa ngực, nhưng mũi dao chưa kịp nếm
máu người thì vua Tần, vì hoảng sợ quá, đã vùng đứng dậy, kêu thét lên.
Bấy giờ vua Tần chỉ mặc có chiếc áo
là đơn cho nên tay áo bị giằng rách đứt ngay ra. Nhờ thế vua Tần vội vượt qua bức
bình phong dài tám thước ngay bên cạnh ngai ngồi. Bình phong đỗ rầm xuống đất.
Cảnh ghê gớm ấy diễn ra nhanh
trong chớp mắt.
Tần Vũ Dương ở dưới điện, thấy
Kinh Kha đã ra tay, toan vùng chạy lên giúp sức. Nhưng bọn lang trung đã đổ xô
cả lại, đát rát quá, Vũ Dương không chống nổi, bị chết tức thời.
Kinh Kha, ở trên, cầm dao theo sấn
vua Tần. Vua Tần không thể thoát thân, nhưng nhanh trí cứ theo quanh cột mà chạy.
Theo phép nhà Tần, quần thần chầu
trên điện không được mang binh khí, còn các quan lang trung túc vệ cầm giáo đều
đứng dàn hầu dưới điện, không có chỉ tuyên triệu, không được tự tiện lên gần chỗ
vua ngồi.
Bấy giờ việc biến thoảng thốt xảy
ra, quần thần trên điện đều chỉ tay không xông vào đánh Kinh Kha. Nhưng Kha khỏe
lắm, người nào đến gần đều bị ngã ngay.
Có viên thị y Hạ Vô Đán sẵn túi
thuốc, quăng vào Kinh Kha. Kha quật tay một cái, túi thuốc văng lại rách tung.
Vì Kinh Kha bận đánh đuổi mọi người
xô đến như thế, nên vua Tần chạy tránh chỗ này chỗ nọ, không bị Kinh Kha bắt được.
Vua Tần vẫn có thanh bảo kiếm đeo
ở bên mình, gọi là lộc lư dài tám thước,
lúc ấy muốn rút ra đánh Kha mà vì vỏ dài quá khó rút được trong khi còn lúng túng
trốn tránh.
Có tên tiểu nội thị là Triệu Cao,
vội gọi to lên rằng:
- Đại vương sao không xoay vỏ gươm
ra sau lưng, quay tay lại mà rút ?
Vua Tần nghe hiểu, liền xoay vỏ gươm
ra sau lưng, quay tại lại thì rút ngay ra được. Vua Tần vốn khỏe không kém gì
Kinh Kha, lại sẵn thanh kiếm dài tám thước có thể đánh xa được. Trái lại dao nhọn
có hơn một thước, chỉ đâm ở gần thành ra Kinh Kha hơi núng thế.
Vua Tần đã sẵn kiếm, bạo dạn hẳn
lên, chạy đến chém Kinh Kha một nhát, chặt đứt đùi bên tả.
Kinh Kha thét lên, ngã bổ mình xuống
bên cạnh chiếc cột đồng, không thể đứng dậy được. Kha bèm cầm dao nhọn mà ném
vua Tần. Vua Tần hốt hoảng né rạp để tránh, con dao sượt qua bên tai, vút như
gió, đâm thẳng vào chiếc cột đồng bên hữu, lòe cả lửa xanh.
Vua Tần nghiến răng, vung kiếm chém
Kha, Kha giơ tay đón, rụng mất ba ngón tay, quằn quại trên vũng máu. Vua Tần chém
luôn thêm tám nhát.
Kinh Kha dựa cột mà cười khanh khách,
rồi ngồi nhổm phắt lên bằng chiếc đùi đã cụt nửa, trỏ bàn tay cụt ngón thét mắng
vuaTần rằng:
- May cho mầy! Ta muốn cướp sống
mày, bắt giả những đất đã lấn của chư hầu, không ngờ việc không thành, mày lại
thoát khỏi, há chẳng phải là lòng giời không muốn cho ta thành sự ư ? Nhưng màu
cậy mạnh thôn tính chư hầu, có sống sót cũng chẳng được bao lâu nửa.
Quần thần xô vào đánh Kinh Kha
cho kỳ thực chết.
Thế là tan giấc mộng của thái tử
nước Yên !
Bên kia sông Dịch Thủy, giữa lúc
bắt đầu cái tin khủng khiếp này, người nước Yên chờ một tia hy vọng ngoài biên
giới mach về, hẳn chưa ngã lòng vì một cái tang đau đớn !
Bóng cờ trắng trên ải Tần không
bao giờ có, vì vua Tần còn sống. Chỉ có người tráng sĩ một đi, không trở về, cũng
không có tin mừng về.
Dòng sông Dịch vẫn nặng nề trôi
dưới trời mang mang những sương, những khói. Vết xe người tráng sĩ hẳn đã bị bụi
đường mờ xóa, hay chôn vùi dưới những vết xe ngựa khác hằn lên.
Nước Yên đã chịu một vết thương rất
nặng, một cái tang rất đau đớn lúc quốc vận đã về chiều.
Vết thương chảy máu kia, một ngày
loang lở, ung thối ra, không hàn gắn được nữa, không tài nào hàn gắn được nữa.
*
Trong cung Hàm Dương, vua Tần bị
cuộc hành thích xuýt vong mạng kia, tuy giết xong Kinh Kha, mà vì sợ hãi quá,
ngồi ngây ra mất nữa ngày mới hoàn hồn, và mới lấy lại được sắc mặt cũ.
Yên tâm rồi, nhà vua mới tìm đến
xem thây Kinh Kha thấy hai mắt trừng trừng rõ ràng như người còn sống, sắc giận
còn đầy trên vẻ mặt hầm hầm.
VuaTần lại thấy run lên, không dám
nhìn lâu. Bèn sai đem tử thi Kinh Kha và Tần Vũ Dương cùng thủ cấp Phàn Ô Kỳ ra
đốt giữa chợ Những người nước Yên đi theo cuộc sứ trình ấy, đều chém đầu bêu ở
các cửa thành.
Đoạn, mới luận công hành thưởng
cho quần thần đã liều chết cứu vua. Cơn giận tuy thế chưa nguôi. Vua Tần lập tức
sai Vương Bí đem thêm quân giúp sức cha là Vương Tiễn, quyết làm cỏ thành nhà Yên
tan nát như tro bụi, mới thôi.
Thành Yên mất, vua Yên bỏ chạy đến
Liêu Đông, lo kế khôi phục. Thái tử Đan cùng tân khách trốn ra đảo Đào Hoa.
Một cơn tan tác nơi rừng cũ đã làm
điêu tàn hết thảy cái đoàn kết của lá ngàn.
Một chữ hận viết suốt đất nước và
suốt nghìn muôn thu, để nói rằng cái hy sinh lớn lao của người tráng sĩ sang sông
Dịch đã không chu toàn cái ý nghĩa mà nó mang mể.
Dù sao, vinh quang ấy, nghìn muôn
thu sau, còn chói lọi trên hai chữ tên người tráng sĩ Kinh Kha. Và vinh quang ấy
không của riêng ai, mà là của chung thiên hạ đã tặng cho cái hồn quả cảm, và dũng
liệt của một người đáng lẽ trọn đời vùi dấu tên tuổi trong đám bèo bọt của sông
hồ.
*
Một buổi chiều tháng năm, giời đương
rực rỡ những ánh vàng còn sót của nắng ngày chưa nhạt, bỗng từ chân trời, đùn đùn
nổi lên, cuôn cuộn lên một cơn mây u ám.
Không gian ngụp hẳn trong cái mờ
tối bao la.
Gió ở đâu bốc đến, lạnh người, như
buổi cuối thu, dần dần đổ xuống một cơn sương tê tái …
Cả một nước Yên tan tác vì chiến
trận, đã xơ xác rồi, bấy giờ, bị chìm trong cảnh tiêu điều ấy, càng hiện ra một
trang thảm sử rõ rệt hơn trong pho sử đẫm máu đào.
Đêm hôm ấy, tuyết bỗng giáng xuống
càng lâu càng nhiều. Cơn mưa bông ấy phủ khắp mặt đất, cho đến sáng, thì đã dầy
đến ba thước năm tấc rồi. Khí giá ngăn ngắt, đâu đâu cũng đều rét buốt như mùa đông.
Buổi sớm, trong một xóm hẻo lánh
kia, có hai người bận áo lông ấm, rủ nhau ra xem cảnh giời.
Một người thở dài mà nói:
- Khi vận nước chẳng ra gì, lại
hay có những điều quái lạ. Thật từ còn nhỏ, chưa bao giờ lại giữa tháng năm nắng
hạ, mà có cơn rét tuyết đến như thế này.
Người kia tiếp:
- Vua ta bây giờ trôi giạt ra Liêu
Đông, đã chắc gì khôi phục lại đất cũ. Nghĩ cũng đáng buồn. Đây là giời cư tang
tráng sĩ Kinh Kha đây. Đây là giời ghi sâu vào lòng mọi người cái buốt đau xót
của mối hận cúi đầu làm dân nhà Tần vậy.
Nói xong cất tiếng cười chua
chat.
Người trên lại nói:
- Giời không cho Kinh Kha thành
việc, tức là cố ý làm mất nước Yên, còn tang chế nỗi gì ! Có chăng lúc cảnh ngộ
suy vi, thì giời đất sinh ra lắm điều quái gỡ đó mà thôi.
Xa xa bỗng có một đám người cưỡi
lừa, đạp tuyết mà đi lại.
Hai người đang trò chuyện, đều lừ
mắt cho nhau lặng im, ngắm xem cảnh giời.
Chim chóc vắng vẻ, không thấy bay
đi, không nghe tiếng hát của mùa xanh hoặc mùa vàng đâu nữa. Cây cối đầy lá mà
đứng như chết dưới những nạm tuyết bạc cành.
Ngang trời, tuyết lại tuyết, vẫn
bay phơi phới ….
Đám người cưỡi lừa đã đến gần.
Bọn này và bọn kia đều quen nhau.
Họ cất tiếng chào.
Một trong hai người ở cô thôn hỏi:
- Đi đường lạnh lắm đấy nhỉ ?
Một người trong bọn kia đáp:
- Lạ quá, tuyết tháng năm, một
quang cảnh từ cổ đến giờ chưa từng có. Đêm qua dọc đường chúng tôi bị một trận
cóng người, vì có ai lại đi mang sẵn áo rét giữa mùa nóng bức !
Người thứ hai ở cô thôn lại hỏi:
- À, tin tức Liêu Đông có gì lạ
chăng ?
Có kẻ đáp:
- Nghe họ nói nhà vua kế cùng, đòi
thái tử Đan về lập mưu giết đi, để tạ tội với Tần.
- Sao lại thế ! Sao thái tử lại
chịu chết ?
- Thái tử Đan lâu nay buồn vì việc
lớn không thành, suốt ngày chỉ uống rượu. Tân khách theo đi lác đác có một ít
người, không đủ lo toan lấy một phương kế gì hay ho cả.
Một tiếng thở dài:
- Thế là thôi!
Lại có kẻ tiếp:
- Nhà vua biết vậy lấy rượu mà đánh
lừa thái tử. Thái tử uống quá say, bị thắt cổ mà chết. Nhà vua bèn chặt lấy thủ
cấp, đưa sang Tần, cầu lấy xã tắc được yên. Nhưng mà … chắc gì đâu !
- Còn có gì lạ nữa chăng ?
- Còn chuyện mưa tuyết. Ai ai cũng
biết chuyện thái tử Đan bị giết, đều bảo rằng đó là oán khí của thái tử làm thành
ra vậy.
- Ừ, có lẽ là như vậy. Chứ có bao
giờ lại có giá rét ở mùa này !
Những con lừa, tuy khỏe chịu cóng,
cũng đứng rũ xuống tuyết, như không chịu nổi.
Một cơn gió ào ào làm rụng những đám
tuyết trên đầu cành ngọn cây. Lạnh lẽo run người, bọn cưỡi vội từ giã hai người
kia, nối nhau kéo đi, khó khăn và chậm chạp.
Hai người áo lông còn đứng đấy.
Trong lòng họ cái hận tiêu vong như bốc lên tận đôi mắt mờ mờ có khói.
Họ nhìn đi đâu ? Đất nước bấy giờ
vắng vẻ tiêu sơ, tiếng chim cũng quên hót, những đám khói đầy sinh khí trên các
mái nhà không còn thấy tỏa lên ….
Buồn mênh mông như chết !
*
Quán rượu đã lên đèn.
Cái ánh sáng vàng vọt ban tối,
nhuộm lên bức vách một màu lạnh lẽo, làm cho người ta nhớ đến cái vệt nắng chiều
ngã dài trên bãi bể.
Bãi bể ấy, biết đâu trước kia chẳng
là một nương dâu ?
Sự biến thiên do tạo vật vốn bất
kỳ, lòng người dưới sức tàn phá ấy, có đau đớn là đau đớn cho sức mình nhỏ mọn
không đủ chống lại những lớp tang thương trong đời mình.
Cao Tiệm Ly, anh chàng đánh trúc,
chiều nay đã ở quán rượu này, và có cái tâm trạng trên kia.
Gã vận bộ quần áo trắng, dáng chừng
để tang người bạn đã bỏ mình bên đất Tần.
Kinh Kha đã mất rồi !
Cao Tiệm Ly biết vậy. Cho nên ít
lâu nay, gã lang thang có một mình. Đời hết tri kỷ, đành nhẽ đem bóng lên đường;
thân không có nước, đành nhẽ sống những ngày trôi giạt, khắp phương trời …
Chiều nay, lòng dượi dượi buồn, lại
nhớ tha thiết hình dung bạn cũ, Tiệm Ly vùi lòng trong men rượu, lấy cái say mà
tự giải những thương nhớ đen tối trong tâm tư.
Ngà ngà, Tiệm Ly bỗng cười sặc lên
rồi nói như nói với linh hồn ai có lẽ thấy hơi rượu mà về trong bóng tối:
- Cố nhân dặn ta thờ cố nhân bằng
rượu, và bằng tiếng trúc ngày xưa ! Đánh tiếng trúc lên, lòng ta muốn đứt, nhưng
dù đứt … hà hà ! Thì lòng đứt đã có làm sao ?
Nói xong, nước mắt dàn ra, rỏ xuống
vạt áo trắng.
Gạt ngang giọt lệ, Cao Tiệm Ly ngùi
ngùi đánh cái đàn trúc lên thành điệu giéo giắt rất thê lương.
Ngoài trời không trăng sao, văng
vẳng có tiếng đêm kêu quác .. quác ..
Tiệm Ly rùng mình, nhìn ngọn khói
của tuần hương vẩn vơ giạt về một bên. Trong không vắng, như có bóng người …
Vài kẻ khách lạ, cùng uống rượu ở
quán ấy, không biết Tiệm Ly, nhưng có biết Kinh Kha, thầm thì với nhau:
- Nghe tiếng đàn trúc, lại nhớ
người sông Dịch, vì người sông Dịch nói trước khi ra đi, vẫn có một người bạn
thân đánh trúc cho nghe.
Kẻ khác nhân say, đùa mà hỏi rằng:
- Hay chính người kia ?
Cao Tiệm Ly thấy không chịu nổi sự
đau đớn ấy, uống một chén rượu, rồi xách trúc, bỏ đi.
Nhưng cái ám ảnh bất diệt của hình
dáng người bạn chết một cách tan nát, rã rời, khiến Tiệm Ly đêm ấy sang đêm khác,
không tài nào tránh khỏi những ác mộng.
Gã, có một lúc, đã nghiến răng mà
thề rằng:
- Ta phải giả thù cho bạn ta !
Lời thề ấy, đã khiến cho chiếc thân
đơn độc của Cao Tiệm Ly phải dầu dãi sương nắng cùng với một chiếc đàn trúc não
nùng, đi xa mãi đi, giày đóng bụi, áo trắng không giữ được nguyên màu …
Và một đi, cũng không bao giờ trở
lại.
Hết
Nhớ thầy Thuần Phong, tìm lại Trần
Huyền Trân tác giả của Người Ngàn Thu Cũ,
đã sử dụng ngòi bút, diễn tả được câu chuyện xưa sống động của người tráng sĩ,
của tình bạn chỗ một cái quán nơi thôn vắng đìu hiu, tuyết trắng phủ đầy trời.
No comments:
Post a Comment