Pages

Wednesday, April 24, 2013

Tản Mạn Chuyện Ngày Nào



Từ trại học tập cải tạo về, lần đó tôi đặt chân trở lại Sàigòn ở trên đường Lý Thường Kiệt, góc Trường đua Phú Thọ, tôi hỏi thăm bộ hành, tìm chuyến xe Lam đi về nhà. Thoạt nhìn, thấy Sàigòn đã thay đổi nhiều, không còn tấp nập như xưa, tôi nhớ hai mươi năm trước, tôi đặt chân trở lại Sàigòn ở Bến xe An Đông, để đi học rồi an cư lập nghiệp, lần nầy tôi trở lại sau 2 năm, 2 tháng, 20 ngày, tôi tự hỏi rồi mình có được an cư lập nghiệp nơi đây nữa hay không ? Hay là mình phải đi theo lệnh của tờ Giấy Ra Trại, trở về chỗ định cư xã Phú Hòa, tỉnh An Giang ? Tôi tự khẳng định “Không”, mình phải tìm mọi cách để ở lại Sàigòn, như trong trại các anh em thường dặn dò nhau: “Cố gắng ở Sàigòn. Nơi đó, dù sao cũng là bộ mặt giao lưu quốc tế, cộng sản phải nhẹ tay hơn là đi kinh tế mới, vùng “khỉ ho cò gáy”, bệnh tật không có thuốc chạy chữa !”

Mấy ngày tạm trú nơi nhà ở cũ, tôi đi thăm người thân và bạn bè. Anh Giám học trường cũ nói với tôi: “Anh tìm xem nơi nào có thể xin làm việc, không nên trở lại trường vì không khí trong trường bây giờ khó thở lắm !”. Trước, tôi vẫn nghĩ là xin đi dạy lại, nay nghe anh Giám học cho ý kiến, tôi hiểu rằng không nên xin dạy trở lại, tuy nhiên tôi cũng vào trường cũ để thăm lại các giáo sư và nhân viên cũ của mình, họ với tôi tránh sao cho khỏi “kẻ ưa, người ghét”. Tôi gặp lại hầu hết mọi người, ông Hiệu trưởng mới và những người khác nữa, không ai hỏi tôi: “Có xin dạy lại không ?”. Tôi hiểu mỗi người có tâm trạng khác nhau, sống dưới chế độ mới này. Tôi vẫn yêu nghề, yêu các em học sinh, nhưng môi trường ngày nay đã khác. Tôi không hiểu mình sẽ phải đổi nghề gì để sinh sống, để được hợp pháp ở lại Sàigòn. Trước mắt, tôi về quê thăm cô bác, anh em ở quê rồi sẽ tính.

Sau mấy ngày về quê thăm các cô, chú và dì, gặp lại anh em. Tôi trở lại Sàigòn để tìm việc làm, nhạc gia tôi biết, tôi không xin trở lại trường cũ đi dạy, nên bảo tôi điền mẫu đơn xin việc làm cùng tờ khai lý lịch, để ông xin cho tôi một việc làm.

Thế là tôi được đi làm ở Sở Lao Động, do ông Lâm Tấn Lộc, Chánh văn phòng Sở đưa tôi vào làm. Tuần sau, nhạc gia tôi mời ông Lộc, kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thiện đi ăn bữa cơm chiều ở quán chú Kiên, ngay chợ Thái Bình, trước rạp hát Khải Hoàn.

Kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thiện, là kiến trúc sư chánh thiết kế Thư Viện Quốc Gia cất trên nền Khám lớn Sàigòn, ông là Phó Giám đốc Sở Xây dựng, là em chú bác với nhạc mẫu của tôi, cũng là anh em chú bác với ông Lê Quang Chánh, Phó chủ tịch Ủy Ban nhân dân thành phố. Tôi không hiểu ông Lộc và kiến trúc sư Thiện quen biết nhau thế nào ? Tại sao ông Thiện không đưa tôi vào Sở Xây dựng lại nhờ ông Lộc thu nhận tôi vào làm ở Phòng Thanh tra an toàn Sở lao động. Tôi có thắc mắc nhưng có được việc làm sau hơn 20 ngày từ Trại học tập cải tạo ra, để được ở lại Sàigòn, tôi không hỏi nhạc gia tôi cũng như cậu Thiện về thắc mắc này.

Một lần khác cũng ăn ở quán chú Kiên, kiến trúc sư Thiện bảo tôi:

- Cậu đang nghiên cứu viết về nhà cửa ở đồng bằng sông Cửu Long, khi cậu viết xong, con xem lại cho cậu và viết cho mấy dòng gới thiệu nghe.

Tôi chỉ biết “dạ”, để làm vừa lòng cậu, đáp lễ cậu đã đưa tôi vào làm Sở Lao động. Hôm ấy trước khi chia tay, cậu lại nhờ tôi:

- Cậu không có quyển Văn minh miệt vườn của nhà văn Sơn Nam, con có cho cậu mượn, đọc để tham khảo.

- Dạ ! Con về tìm lại trong tủ sách, nếu có con sẽ mang tới cho cậu.

Tôi biết sách của Sơn Nam tôi có mua nhiều, nhưng không nhớ có mua đủ hết không. Cũng phải cám ơn anh Giám học Nguyễn Văn Phấn, khi tôi đi học tập cải tạo, có lẽ phong trào “bài trừ văn hóa đồi trụy” lên cao, nhà tôi phải đem tủ sách của tôi gửi cho anh Phấn cất giữ dùm, nhờ vậy nó mới còn đầy đủ.

Sau đó vài năm, kiến trúc sư Thiện mất, tôi soạn quyển Văn Học Miền Nam, muốn đọc lại sách Văn minh miệt vườn, nên đến gặp mợ Thiện để xin lại cuốn sách. Mợ tìm, rồi đem ra cho tôi 5, 7 quyển sách của Sơn Nam, nhưng không có quyển Văn minh miệt vườn. Mợ bảo tôi:

Mợ tìm mà không thấy quyển sách con nói, đây là tất cả sách của Sơn Nam, nhà chẳng ai dùng, con có cần quyển nào cứ lấy mà đọc. Tôi nghĩ, nên lấy một quyển cho mợ ấy vui lòng, nên tôi chọn quyển Hương rừng Cà Mau.

- Con xin mợ quyển này.

- Ờ ! Cứ tự nhiên đi con ! Con còn cần thêm quyển nào nữa cứ lấy đi con.

- Cám ơn mợ! Xin phép mợ con về.

Khi tôi làm ở Phòng thanh tra an toàn lao động, tôi phụ trách phần xét duyệt “Chế độ bồi dưỡng độc hại”, có trách nhiệm cứu xét những ai làm trong môi trường độc hại, được cấp phát quần áo bảo hộ lao động, được mua thịt, sữa hộp …

Một hôm có một anh phụ trách an toàn lao động ở Xí Nghiệp Xăng dầu, đến phòng gặp tôi để xin duyệt xét theo danh sách của xí nghiệp lập. Trong khi làm việc anh và tôi qua trao đổi, tôi được biết anh là kỷ sư ở Pháp về làm việc cho Công Ty Shell ở Nhà bè, trụ sở chánh ở đại lộ thống nhất, gần Sở thú, nay phụ trách về an toàn lao động của Xí nghiệp Xăng dầu, anh ta cũng biết tôi là giáo sư dạy ở trường kỹ thuật. Một lần, anh ta gặp tôi tại sở làm của tôi và nói:

- Tôi cần vẽ một bản vẽ, nếu anh có quyển Dessin Industrielle của Norbert, có thể cho tôi mượn ít hôm.

Tôi đáp:

- Tôi có tới 2 bộ, không rõ anh cần bộ nào, vậy anh đến nhà tôi chơi, rồi chọn lấy bộ anh cần.

Mấy hôm sau, vào ngày chủ nhật, anh ta đến nhà tôi mượn sách, rồi lịch sự mời tôi đến nhà chơi, tôi cũng phải đi cho anh ta vui lòng, nhà anh ta nằm trên đường Trương Minh Ký, quận 3, cách Chợ Đủi cũng như Vườn Tao Đàn không xa, nhà anh ta là cái biệt thự, tuy nhà và đất đai xung quanh không rộng lớn, nhưng khang trang và tỉnh mịch, vì đường ít xe, nơi ở lý tưởng, khi tôi đến, thấy vợ anh ta đang tắm cho con heo gần đúng tạ, ở trong sân nhỏ trước thềm nhà và tường rào, đó là thời kỳ cải thiện.

Chừng tuần sau, anh kỷ sư Shell ấy mang sách tới nhà trả cho tôi, sau đó tôi không gặp lại anh ta nữa, rồi năm 1978, sau trận Trung quốc đánh Việt Nam ở các tỉnh phía Bắc giáp biên giới, nhà nước Việt Nam cho những người Việt gốc Hoa nghỉ việc, Sở Lao động cho Giám Đốc Lâm Văn Sáu, Phó Giám Đốc Tư Kiên, Chánh Văn Phòng Lâm Tấn Lộc về hưu. Một bà ở R về làm Trưởng Phòng tổ chức, cho tôi và một số anh em Sĩ quan cải tạo chuyển đi khỏi Sở Lao động.

Từ đó, tôi cũng dần dần quên thời gian làm ở Sở Lao động, nên quên luôn anh kỷ sư Shell, không nhớ tên tuổi gì anh ta cả, chỉ nhớ anh ta lớn hơn tôi chừng 5, 7 tuổi, và cái biệt thự anh ta trên đường Trương Minh Ký, còn mọi thứ khác đều nhạt nhòa trong trí nhớ của tôi, ngay cả tên anh ta.

Cách đây chừng 5, 6 năm, có người gửi đến cho tôi đọc truyến ngắn của Tiểu Tử, đọc truyện của Tiểu Tử tôi rất thích, nên đi tìm tiểu sử, đọc được anh ta là kỷ sư ở Pháp về, làm việc cho Công Ty Shell, vượt biên năm 1979, liên tưởng tới anh kỷ sư Shell ở đường Trương Minh Ký, chúng tôi quen biết từ Phòng thanh tra an toàn lao động, hình như là một người, tôi không dám quyết chắc.

Sau đó, tôi có đọc Bài ca Vọng cổ của Tiểu Tử, năm ngoái sang Paris, ở nhà người dượng, dượng ấy quê ở Gò Dầu, cho biết là Tiểu Tử cũng ở Gò Dầu, hai người có họ hàng với nhau nhưng ít khi gặp mặt. Tôi muốn nhờ hỏi xem Tiểu Tử có phải là người tôi quen biết, nhưng nghĩ “Thấy sang, bắt quàng làm họ” nên thôi.

Truyện Bài ca Vọng cổ của Tiểu Tử cho tôi cái nhìn, khi người ta thiếu, thật thiếu mới thấy điều cần thiết mình thiếu. Ở chỗ ít hay không người Việt ấy, gặp một người Việt khác mới thấy quý, còn ở những nơi có kha khá người Việt, dù 5, 7 ngày gặp một người cũng là không quý hiếm, nên gặp nhau chỉ “trơ mắt ếch mà nhìn”, không thèm chào nhau một tiếng, chẳng có cái gật đầu, mà người ngoại quốc gặp ta trên đất họ, vẫn thường tử tế hay lịch sự chào một người xa lạ như vậy. Chẳng lẽ chúng ta thiếu lễ phép trong giáo dục, trong đối xử giao tiếp ở xã hội ngày nay ?

Jackson, TN Apr. 24th. 2013

No comments:

Post a Comment